Howard Caygill
A Kant Dictionary. Blackwell Publishing,1995.
--- o0o ---
THẾ GIỚI KHẢ NIỆM
[Latinh: mundus intelligibilis; Đức: die übersinnliche Welt; Anh: intelligible world]
Xem thêm: Hiện tượng, Vương quốc của những mục đích, Noumenon, Cảm năng, Siêu nghiệm, Siêu nghiệm thể, Đối tượng siêu nghiệm, Thế giới
Trong CPR Kant phê phán việc “các triết gia hiện đại” sử dụng các “thuật ngữ mundus sensibilis và [mundus] intelligibilis” để dẫn đến “một trò chơi chữ vặt vãnh” (A 257/B 312). Sự sử dụng mà ông phê phán xem “thế giới khả giác” là “tổng thể các hiện tượng trong chừng mực chúng được trực quan” và “thế giới khả niệm” là các quan hệ giữa các hiện tượng với tư cách là chúng “được suy tưởng dựa theo các quy luật của giác tính”. Lấy ví dụ cho sự phân biệt nhầm chỗ này, ông dẫn ra “thế giới khả giác” của thiên văn học quan sát và “thế giới khả niệm” của thiên văn học lý thuyết theo hệ thống Copernicus và Newton. Ông lưu ý rằng sự phân biệt này chuyển từ những phương cách khả giác và khả niệm của nhận thức đến những đối tượng khả giác và khả niệm một cách không chính đáng.
Sự phân biệt riêng của Kant, được phát triển lần đầu trong luận án tiến sĩ ID (Bàn về mô thức và những nguyên tắc của thế giới khả giác và thế giới khả niệm), được phát biểu dưới dạng mô thức và những nguyên tắc chủ quan về thế giới khả niệm, hay “sự nối kết phổ quát của mọi sự vật, trong chừng mực chúng là những phenomenon” và nguyên tắc hay nguyên nhân khách quan của thế giới khả niệm “nhờ đó mà có một sự nối kết lẫn nhau giữa các sự vật đang tồn tại tự thân” (ID §13). Ông không xem nguyên tắc sau trong quan hệ với các lực vô hình như trọng lực chẳn hạn, và thực tế ông rất ít nói về nó; phần lớn sự bàn luận của ông tập trung vào không gian và thời gian như là những nguyên tắc chủ quan của thế giới cảm tính. Thậm chí trong mục 4 cuốn LA, có nhan đề “Về nguyên tắc của mô thức của thế giới khả niệm”, Kant khá kín tiếng về nguyên tắc này là nguyên tắc nối kết nhiều thực thể với nhau. Sự mô tả gần như là một định nghĩa của ông là sự mô tả phủ định về cái khả niệm như là “không có cái gì được mang lại trong trực quan của con người” (ID§10).
Sự kín tiếng này được biện minh trong CPR, ở đó Kant yêu sách rằng “những đối tượng khả niệm” hay “những sự vật có thể được suy tưởng chỉ bằng các phạm trù thuần túy” mà không cần có các niệm thức của cảm năng, không thể là những đối tượng của kinh nghiệm (A 286/B 342). Song ông cũng thấy không thể phủ nhận rằngnhững đối tượng như thế có thể được suy tưởng , và hơn nữa chúng đi kèm với nhận thức cảm tính, như đã được gợi ý trong định nghĩa của ông về cái khả niệm như là “cái gì nơi một đối tượng của giác quan mà bản thân không phải là hiện tượng” (A 538/B 566). Tuy nhiên, không có một tri thức nào về những đối tượng khả niệm ngoại trừ với tính cách là các noumenon hay các đối tượng nghi vấn mà sự tồn tại của chúng không thể được chứng minh cũng như không thể bị bác bỏ. Và nếu những đối tượng khả niệm không thể thừa nhận là những đối tượng của nhận thức khẳng định, thì một thế giới khả niệm hay toàn bộ những đối tượng như thế (ID§§32 và 34)để làm gì? Một thế giới như thế, Kant lưu ý trong phần Nhận xét bổ sung choNghịch lý thứ nhất, “không gì khác hơn là khái niệm phổ biến về một thế giới nói chung, trong đó người ta trừu tượng hóa khỏi mọi điều kiện của trực quan về nó” (CPR A 433/B 462). Sự sử dụng siêu việtmột khái niệm phổ biến như thế sẽ xem thế giới khả niệm như là nằm bên ngoài thế giới khả giác và giữ vai trò như là cơ sở hay mô hình siêu nghiệm của thế giới khả giác. Quan niệm rộng rãi theo thuyết Platon về thế giới khả niệm như là một lĩnh vực tồn tại ẩn sau những hiện tượng đã bị Kant cự tuyệt; cái được phép là sự sử dụng siêu nghiệm của khái niệm liên quan đến một nguyên nhân khả niệm, vốn là cái “chỉ có ý nghĩa là cơ sở đơn thuần siêu nghiệm và không thể nhận thức được đối với ta về khả thể của chuỗi cảm tính nói chung” (CPR A 809/B 592).
Từ quan điểm của CPR, thế giới khả niệm được phép duy nhất là “thế giới luân lý – đã bị trừu tượng hóa trong khái niệm về nó mọi trở ngại cho luân lý” (A 809/B 837). Đối tượng chính của thế giới này là sự tự do, mà đến lượt nó được chứng tỏ trong “tính năng khả niệm” của chủ thể “được giải phóng ra khỏi mọi ảnh hưởng của cảm năng” (A 541/B 569). Chính tự do là cái biểu thị “nguyên nhân khả niệm” làm cơ sở cho tính năng khả niệm của tính nhân quả. Trong khi tính năng thường nghiệm của tính nhân quả nối kết những hiện tượng này với những hiện tượng khác trong thế giới cảm tính, thì tính năng khả niệm làm cơ sở cho chuỗi nguyên nhân tác động trong một “quy luật của tính nhân quả” mà bản thân nó lại không phục tùng nguyên nhân tác động. Tính năng sau mang tính chất siêu nghiệm, tức là một điều kiện cho sự mở rộng của tư duy mà bản thân nó không bao giờ là một đối tượng của tư duy. Bằng cách này Kant đặt thế giới khả giác và khả niệm vào cùng hàng với thế giới của tự nhiên và tự do vốn “có thể cùng tồn tại với nhau mà không có mâu thuẫn nào ngay trong cùng những hành vi, tùy theo những hành vi của chúng được quy chiếu đến nguyên nhân khả niệm hay đến nguyên nhân khả giác” (A 541/B 569). Trong GMM, thế giới khả niệm được đồng nhất với “thế giới của hữu thể lý tính (mundus inlligibilis) như là một vương quốc của những mục đích” (tr. 438, tr. 43) mà con người là những thành viên; tuy nhiên, con người không chỉ là “thành viên của thế giới khả niệm”, bởi lẽ mọi hành vi của họ sau đó sẽ “hoàn toàn tuân theo nguyên tắc của sự tự trị của một ý chí thuần túy” (GMM tr. 54, tr. 453).
Nguyễn Thị Thu Hà dịch
Nguồn: Howard Caygill. 1995. A Kant Dictionary. Malden: Blackwell Publishing.
Các chữ viết tắt tên tác phẩm của Kant
- CPR: Critique of Pure Reason / Phê phán lý tính thuần túy (bản A: 1781; bản B: 1787)
- GMM : Groundwork of the Metaphysics of Morals / Cơ sở siêu hình học đức lý (1785)
- ID : Inaugural Dissertation : De mundi sensibilis atque intelligibilis forma et principiis / Luận án Tiến sĩ : Về mô thức và các cơ sở của thế giới cảm tính và thế giới khả niệm (1770)