TRIẾT HỌC LỊCH SỬ VÀ KHOA HỌC LỊCH SỬ
MEZHUEV V.M*
Mối quan hệ lẫn nhau giữa triết học lịch sử (istoriosofija) và khoa học lịch sử (istoriografija) luôn khá căng thẳng và ngày nay có lẽ nó đã trở nên đặc biệt gay gắt hơn. Điều trở ngại ở đây chủ yếu là gắn với sự dốt nát về lịch sử của nhiều nhà triết học của chúng ta, những người vốn bị trói chặt lâu năm trong lĩnh vực chủ nghĩa duy vật lịch sử, một thứ chủ nghĩa đã bị giáo điều hóa và tầm thường hóa bởi hệ tư tưởng chính thống và bởi những sự tuyên truyền.
Song nếu như sự việc chỉ là ở các nhà triết học tồi và nền triết học sai lầm thì việc khắc phục “cuộc khủng hoảng của khoa học lịch sử” quả là dễ dàng. Chỉ việc thay đổi “nền triết học giả tạo” thành “triết học chân chính” là xong. Nói chung có thể không có triết học cũng được. Theo như lời của Gurevich A. Ja. là “triết học lịch sử tuy không là gì song vẫn luôn vạch ra được một sơ đồ nào đó mà nó đã làm đơn giản hóa một cách khiên cưỡng thực tiễn đa dạng và phong phú vô cùng”, bản thân Gurevich hoàn toàn không chống lại một sơ đồ nào và cũng chẳng chống lại một thứ lý luận khái quát nào, nhưng ông chống lại những hệ thống triết học mà đã lấy chủ nghĩa kinh nghiệm làm phạm vi tiếp cận cho nhà sử học. “Tôi tin vào điều, rằng lý luận vốn rất cần thiết cho nhà sử học, song lý luận không thể xa rời nền tảng sử học được, vậy nhà sử học cần cái gì – hẳn không phải là hệ thống khái quát mà phải là tổng thể các tiên đề lý luận được nâng cao hơn trên kinh nghiệm chủ nghĩa và không được tuyệt giao với hệ thống trong bất kỳ tình huống nào” (Những vấn đề triết học, 1990, No. 11, Tr. 41-42.)
Tất nhiên là các nhà sử học và nhà triết học theo đuổi những nhiệm vụ khác nhau. Không nên dẫn ngành triết học lịch sử đến vai trò “nô tỳ của lịch sử” làm phương tiện trợ giúp trong công việc của nhà sử học với các nguồn tài liệu. Triết học lịch sử cần phải quan tâm tới những dữ kiện của khoa học lịch sử, song không nhất thiết chỉ hạn chế ở sự xác nhận và tổng hợp các dữ liệu đó.
Song mặt khác, không có nhà triết học thì chắc gì nhà sử học có thể hiểu thấu đáo một cách toàn diện quá trình lịch sử tất yếu và giải thích được bản chất và ý nghĩa của lịch sử. Ngày nay cũng như trước đây chỉ có thể nhận thức được lịch sử trong sự thống nhất và trong mối liên hệ lẫn nhau trong tri thức triết học và tri thức các khoa học mà thôi. Tiếc rằng việc từ bỏ chủ nghĩa duy vật lịch sử đã trở thành lý do để một số nhà sử học của chúng ta phủ nhận vai trò phần nào là cơ bản của triết học trong nhận thức lịch sử, trong cội nguồn của chủ nghĩa hư vô triết học độc đáo. Đáp lại sự ngu dốt về lịch sử của nhà triết học là sự dốt nát về triết học của nhà sử học, người thường lầm tưởng những mẫu chữ trong nhà trường đã bị tư tưởng hóa về chủ nghĩa duy vật lịch sử là triết học, hoặc những phán xét dốt nát của người mà vì không biết mà nhà sử học lầm là nhà triết học. Đấu tranh với hệ tư tưởng đã lỗi thời của mình là rất cần thiết và rất quan trọng, song không được nghĩ rằng cuộc đấu tranh như vậy sẽ giải quyết được vấn đề của học thuyết duy vật lịch sử không chỉ về ý nghĩa thực tiễn, mà nói chung là về vai trò và vị trí của triết học lịch sử trong sự nhận thức lịch sử.
Cuộc khủng hoảng của khoa học lịch sử - trước hết đó là cuộc khủng hoảng về thế giới quan mà ở ta là do sự đoạn tuyệt gay gắt với chủ nghĩa Marx vốn đã chất đầy chân không thế giới quan trong cả thời gian dài và nó đã tạo cho nhà sử học một khuynh hướng thế giới quan nhất định.
Đột chiếm ngục Bastille, 14 tháng 7 năm 1789
|
Thực ra toàn bộ cuộc trao đổi hôm nay chỉ tập trung ở một điểm là: cái gì có thể thay thế được chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa duy vật lịch sử? “Mảnh đất thánh” này vẫn đang bị bỏ trống. Vả lại hành động từ bỏ thế giới quan cũ là một hành động bắt buộc bởi tình thế chính trị đổi thay và do áp lực ngoại cảnh, nhiều hơn là hành động hoàn toàn mang tính chất tự do và cá nhân nảy sinh do tư duy lại một cách sâu sắc lập trường thế giới quan của mình.
Trong công cuộc tìm kiếm hình ảnh mới của lịch sử bất kỳ ai trong số các nhà sử học cũng đều có thể, tất nhiên là quay lại với phương Tây, sẽ tìm được ở đó cho mình những uy tín mới. Tóm lại là nhà sử học vẫn hoàn toàn được tự do ủng hộ quan niệm mà anh ta cho là thích hợp hơn cả. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, điều mới mẻ mang tính nguyên tắc là không một quan niệm nào có thể được coi là bắt buộc nhiều hơn đối với mọi nhà sử học. Cùng với sự kết thúc của hệ tư tưởng chính thống (nếu như nó đã chấm dứt về mặt thực tế) cũng sẽ chấm dứt luôn sự độc quyền trên thực tế của một trường phái hoặc một khuynh hướng nào đó. Vấn đề lựa chọn lý luận và “bảng hình thái” thế giới quan cho khoa học lịch sử không thể quyết định một cách tập thể hơn được. Nhất thiết phải có quan điểm riêng đối với lịch sử đồng thời bảo vệ tính hợp pháp của nó trước Hiệp hội Khoa học, điều này ngày nay đã buộc nhà sử học phải quan tâm có ý thức hơn đến những động cơ mà đã thúc đẩy anh ta ủng hộ quan niệm nào đó về lịch sử.
Thật dễ hiểu là sự lựa chọn của nhà sử học được đặt ra trước hết bởi khả năng lĩnh hội khoa học thuần túy, bởi khả năng lập luận khái quát hóa và diễn giải những nhân tố lịch sử nổi tiếng của anh ta. Song rõ ràng rằng không một yếu tố giá trị nào hoặc một sự kiện nào của lịch sử lại cùng cho ra một lối diễn giải đơn trị, chúng luôn có thể được suy luận trong phạm vi (khuôn khổ) của một quan niệm hoặc một lý luận khác. Không có sự phụ thuộc trực tiếp của lý luận vào “kinh nghiệm” cũng như không thể có một thứ lý luận lịch sử duy nhất và khách quan đến cùng. Mỗi một lý luận đều bao hàm trong mình một phần sự thật nhất định. Ảnh hưởng đến việc lựa chọn lý luận không chỉ là “kinh nghiệm”, vốn hết sức quí giá đối với nhà sử học, mà điều được nhà sử học đánh giá cao hơn cả là mục đích ý nghĩa nhất định. Cũng có thể điều khẳng định rằng không có một thứ lý luận nào chiếm được tính khách quan khoa học (thậm chí kể cả lý luận của khoa học tự nhiên), không một thứ lý luận nào thoát khỏi những tiền đề giá trị vốn bắt nguồn từ trong nền văn hóa của thời đại, thời đại mà bản thân nhà khoa học thuộc về nó, thời đại mà từ khi anh ta hiểu được ra nó và nhận ra mình ở trong đó – là định đề phương pháp luận chính của thời đại chúng ta.
Nhà sử học không cấu thành ngoại lệ của nguyên tắc đó. Trước khi muốn biết cái gì đó về lịch sử điều tối thiểu là cần phải hiện diện trong nó bất luận mình là ai. Điều mà nhà sử học có thể biết về lịch sử trong chừng mực đáng kể phụ thuộc vào chỗ bản thân anh ta là ai trong lịch sử, anh ta giới thiệu ai trong lịch sử, hướng về ai, mong muốn gì cho mình và cho người khác. Nhà sử học, có ý thức được điều đó hay không, vẫn nhìn nhận lịch sử từ thời đại của mình, bằng con mắt của thời đại, thậm chí ngay cả khi mà anh ta cố đứng tách ra khỏi thời đại của mình, trút bỏ quá khứ hòa nhập với sự hiện đại hóa. Và ngay cả trong trường hợp đó thì vị tất anh ta sẽ đạt được đến cùng mục đích đặt ra, vì không thể chiến thắng được hoàn toàn bản thân mình cũng như là không thể đè bẹp được cái lưỡi, tư duy và trình độ văn hóa của mình. Cái lưỡi dẫn đường và cũng chính nhờ cái lưỡi mà anh ta nói được và biết tư duy. Trên cơ sở điều rút ra này mà Heidegger, M. đã phát biểu rất đúng: “… Mỗi một sự phân tích lịch sử - ông viết trong công trình của mình, “Chủ nghĩa Hư vô châu Âu” – đều nắm bắt ngay lập tức mô hình tư duy đang ngự trị trong thời đại và biến nó thành kim chỉ nam rồi theo đó mà nghiên cứu và lại mở ra quá khứ… Như vậy là ngay sau khi xuất hiện những tư tưởng giá trị thì con người lập tức bàn luận về “giá trị văn hóa” của thời kỳ Trung đại, và “giá trị tinh thần”, của thời kỳ Cổ đại, dường như không có cái gì tựa như “văn hóa” ở thời Cổ đại. Tinh thần và Văn hóa với tính cách là những loại hình hành vi cơ bản hợp ý muốn và tin cậy của con người mới chỉ tồn tại từ thời Cận Đại, còn “giá trị” là thước đo ấn định hành vi đó – mới chỉ có ở thời hiện đại mà thôi” (Heidegger, M. – Thời gian và Tồn tại, M. 1993, Tr. 72).
Như vậy là ý thức lịch sử, sự nhận thức bản thân mình và thời đại mình của con người xuất hiện trước tri thức lịch sử và tri thức của nhà khoa học. Song đối với nhà sử học cái khó hơn cả lại chính là tri thức lịch sử và chính chỗ này cho thấy nhà sử học mà thiếu triết học hoặc thậm chí là chỉ mới được trang bị kiến thức triết học sơ đẳng cũng đều không thể được. Ý thức lịch sử (hiểu biết về mình) được hình thành qua nhiều con đường và bằng các phương tiện khác nhau so với tri thức lịch sử (hiểu biết về đối tượng khác), dựa vào điều này mà có sự phân công lao động riêng biệt và có cơ sở giữa nhà sử học và nhà triết học.
Theo quan điểm đó thì cuộc khủng hoảng của khoa học lịch sử không phải là hậu quả của những thiếu sót nào đó trong cơ sở kinh nghiệm và phương pháp luận của nó (mà cả hai mặt này vốn luôn được hoàn thiện thường xuyên sao cho tự nó không có ý nghĩa gì của cuộc khủng hoảng) mà là những sự mất mát, băng hoại ý thức lịch sử những khả năng hòa nhập mình cùng thời đại và nền văn hóa nhất định của nhà sử học. Nếu chúng ta không phải là con người mà chúng ta tưởng thì chúng ta là ai? Việc tung ra ý nghĩ xã hội của chúng ta sẽ phát hiện ra mức độ cuối cùng của tình trạng bối rối về lịch sử: khó mà tránh khỏi ấn tượng là chúng ta đã bị lạc lối trong lịch sử, đã bị lầm đường, con đường mà mới hôm qua thôi còn đang hiện ra rất rõ ràng và dễ hiểu. Sự phá vỡ hệ thống giá trị vốn quen thuộc đã làm nảy sinh tính không xác định trong quan điểm đối với lịch sử riêng. Sự kiện thì có thể tích lũy được nhiều đến vô cùng, nhưng làm thế nào để sắp đặt chúng trong một hệ thống, một lý thuyết được, khi chưa rõ bản thân anh là ai trong lịch sử?
Nói đúng ra là cuộc khủng hoảng của ý thức lịch sử, cuộc khủng hoảng những giá trị không chỉ đặc trưng riêng cho chúng ta mà còn đặc trưng cho cả Phương Tây nữa (ở đó nó được gọi là “cuộc khủng hoảng trí tuệ lịch sử”), tuy nhiên sự xuất hiện ở đây là do nguyên nhân khác và nó có đặc điểm riêng của mình, những đặc điểm vốn gắn liền trước hết với cuộc khủng hoảng của hệ tư tưởng Khai Minh và những giá trị kinh điển của nó, đó là chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa duy lý và lịch sử luận. Đồng thời với những thành tích rõ ràng của ngành sử học cùng sự đa dạng và phong phú của các công trình nghiên cứu lịch sử, cũng như của nhiều những quan điểm và phương hướng nghiên cứu và lượng thông tin sử học tăng lên rất nhiều, thì ở đây khả năng tổng hợp (khái quát hóa) lý luận của nhà sử học lại bị nghi ngờ. Vì phủ nhận sức mạnh lý luận và sức mạnh dự đoán của khoa học lịch sử (“sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử”) nên phủ nhận luôn bản thân lịch sử, tuyên cáo sự kết thúc tất yếu của nó. Nếu như ở ta tương lai sử học đang bị tiêu tan thì ở phương Tây điều này lại bị bác bỏ hoàn toàn. Đối với chúng ta thấy rõ hiện tại của mình là điều khó khăn, thì ngược lại qua một số nhà trí thức của mình phương Tây lại cố khẳng định thực tại của họ là vĩnh cửu. Toàn bộ những mưu toan thủ tiêu lịch sử và “trí tuệ lịch sử” chứng tỏ cuộc khủng hoảng không hẳn chỉ là khủng hoảng trí thức lịch sử mà đúng hơn là khủng hoảng ý thức lịch sử, thứ ý thức đã tạo cho con người ta một niềm tin ở sự liên quan trực tiếp của mình đến lịch sử.
Tư tưởng “chấm dứt lịch sử” – là tư tưởng không thể có được của khoa học lịch sử mà chính là của triết học lịch sử. Nếu như lịch sử chấm dứt, kết thúc thì sẽ không thể có một tri thức triết học nào về lịch sử nữa, bởi vì bản thân sự tồn tại của tri thức đó đã chứng tỏ một điều rằng lịch sử vẫn đang tiếp diễn và có tương lai. Triết học lịch sử là sự minh chứng trực tiếp của tính không kết thúc và tính không hoàn tất của lịch sử đối với con người sống trong nó, nghĩa là con người có tương lai lịch sử nhất định. Khác với nhà sử học, người hoàn toàn lưu tâm đến quá khứ, lưu tâm đến kinh nghiệm lịch sử thực tế, suy nghĩ của nhà triết học lại hướng vào tương lai – một tương lai luôn rộng mở và cấp bách đối với hiện đại, tương lai đang hiện diện trong hiện tại dưới dạng mục đích lý tưởng, ý tưởng, dự định nào đó chứ không phải ở dạng dẫn chứng kinh nghiệm chủ nghĩa. Nếu như nhà sử học phán xét về lịch sử dựa trên cơ sở của sự hiểu biết về quá khứ, thì hình như nhà triết học ngược lại, với tất cả những định đề khoa học – phán xét lịch sử trên cơ sở quan điểm về tương lai của mình, tức là trên quan điểm không phải của cái tồn tại trên thực tế mà là của cái mong muốn và cái cần phải. Cách suy luận lịch sử tương tự sẽ luôn gây nên sự buộc tội trong giới không khoa học, song cũng chính cách đó lại phù hợp ở mức độ lớn nhất vấn đề là con người ta sống trong lịch sử như thế nào chứ không phải đơn thuần nghiên cứu nó.
Trong lịch sử con người ta sống, như mọi người đã biết, là không “theo khoa học”. Họ sống bởi vì họ tin vào cái gì đó, họ hi vọng ở cái gì đó và vươn tới cái gì đó. Và đến nay họ vẫn tin tưởng, vẫn đang hi họng và khát khoa mong muốn, lịch sử vẫn đang tiếp tục. Người sống khác với người chết ở chỗ là người sống còn có tương lai và mở ra tương lai. Những người sống trong dĩ vãng cũng có quan niệm về tương lai của mình song những quan niệm đó đã cùng với họ đi vào dĩ vãng dường như đã ngưng kết trong sự hoàn tất của mình và vì vậy chúng đã trở thành đối tượng tiếp cận của những phân tích khoa học. Đối với những người đang sống trong tương lai hiện tại – với mỗi một sự phát hiện và sự không xác định tương lai đó – thì nắm lấy lực lượng, thức tỉnh có tác động thực tế đến tiến trình lịch sử là rất cấp bách và có ý nghĩa. Chỉ có sự hiện diện của tương lai, thì niềm tin vào tương lai mới tiếp thêm cho lịch sử - dưới con mắt của những người hiện đang sống – ý nghĩa nào đó, làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa của tri thức lịch sử. Nếu như không có tương lai hiện tại sẽ có nguy cơ phải kéo dài mãi, nhận thức lịch sử sẽ bị mất giá trị và trở nên vô nghĩa.
Phán xét lịch sử dựa vào tương lai tức là căn cứ vào cái chưa có nhưng là cái sự dự kiến tưởng như là trái ngược với chuẩn mực và nguyên tắc của nhận thức khoa học. Song chỉ có như vậy mới có thể nhìn nhận lịch sử trong sự nguyên vẹn và thống nhất của nó được. Không có tương lai (đúng hơn là không có những quan niệm về tương lai mà con người hiện đang sống tuân theo) thì lịch sử sẽ bị ngắt đoạn, sẽ bị phân rã thành hàng loạt những cấu thành cục bộ không liên quan gì với nhau. Nó sẽ giống như một tổng máy móc “các nền văn minh” và “các nền văn hóa” mà đã xuất hiện và biến mất đi ngoài ngữ cảnh lịch sử mang ý nghĩa chung và duy nhất. Trong khoa học chỉ biết đến cái đã hoặc đang có, biết đến cái được giả định trong ký ức mà mất đi sự tưởng tượng, nghiêng về các sự kiện mà coi thường mục đích động cơ và khát vọng lý tưởng của con người thì lịch sử sẽ bị chết cũng như là nó bị chấm dứt ở nơi mà con người ta ngừng mơ ước và khát vọng điều gì đó. Chính vì vậy nhà triết học, người mà đã nhìn nhận lịch sử không chỉ trong ngữ cảnh của quá khứ và hiện tại mà cả trong ngữ cảnh tương lai (cho dù là trong cái gì đó có tính giả thiết tưởng tượng, dự kiến lý tưởng) cũng còn gần với thực tiễn lịch sử hơn nhiều so với một nhà sử học tỉ mỉ và kỹ lưỡng nhất về phương diện mô tả các sự kiện.
Với nhà sử học thì một niềm tin bất kỳ nào của con người (niềm tin tôn giáo hoặc phi tôn giáo – niềm tin thế tục) cũng chỉ là dẫn chứng của lịch sử và dĩ nhiên sẽ được anh ta đưa vào công trình nghiên cứu của mình. Còn đối với nhà triết học lòng tin này hay niềm tin khác không chỉ là dẫn chứng mà còn là nguyên tắc được dùng để giải thích và luận giải lịch sử. Trên quan điểm đó thì tư duy của nhà sử học là tư duy mang tính chất sự kiện thực tế (căn cứ vào sự nghiên cứu các sự kiện) còn tư duy của nhà triết học – tư duy, bản thể, tồn tại, kỳ vọng tới “điều bí ẩn” của tồn tại lịch sử, hoàn toàn bị quy vào “tính thực tiễn” của quá trình lịch sử. Hiểu biết lịch sử và ở trong lịch sử là hai điều hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn anh có thể biết đạo Hồi nhưng không phải là người theo đạo Hồi. Song con người ta đang sống trong lịch sử - là người theo đạo Hồi, người theo Thiên Chúa giáo, người vô thần, người xã hội chủ nghĩa hay người theo chủ nghĩa tự do v.v… hết thảy đều tin vào cái gì đó và hành động theo lòng tin của mình. Với nhà triết học cũng như với mỗi con người đang sống thực tại trong lịch sử thì lịch sử là sự kiểm nghiệm, thử thách tính đúng đắn, tính chân chính của niềm tin của anh ta và cũng chỉ trên quan điểm của niềm tin đó thì lịch sử mới có ý nghĩa đối với anh ta. Như vậy trong triết học lịch sử chúng ta làm việc không phải với một thứ lịch sử khác mà làm việc với một quan điểm khác đối với lịch sử mà thôi, quan điểm này khác với quan điểm của một nhà sử học.
Song suy nghĩ chính của tôi là cuộc khủng hoảng đã làm cho nhà sử học băn khoăn đến ngành khoa học của anh ta không hẳn chỉ là khủng hoảng tri thức mà chủ yếu là khủng hoảng “niềm tin”. Đúng hơn khủng hoảng tri thức là hậu quả trực tiếp của khủng hoảng “niềm tin”. Sự cách biệt giữa tri thức khoa học và tri thức triết học là dấu hiệu chính của cuộc khủng hoảng này. Trong hoàn cảnh lịch sử mà chúng ta đã từng trải thì sự cách biệt trên mới chỉ là hình chiếu tưởng tượng của sự cách biệt giữa tri thức và đời sống của từng cá nhân riêng, có nghĩa là giữa quá khứ và tương lai (“mối liên hệ của các thời đại bị đứt đoạn”) mà thôi. Và khả năng duy nhất khôi phục lại được mối liên hệ đã mất đó là sự khẳng định lại “niềm tin” riêng trong từng lĩnh vực. Không có một niềm tin bất kỳ nào, hoàn toàn giữ nguyên quan điểm đối với thế giới trong phạm vi khoa học thuần túy là không thể có được. Chừng nào mà các nhà sử học không tự hỏi mình là ngày nay họ (không phải với tư cách nhà sử học mà như những người bình thường thôi) tin vào cái gì, cái gì họ cho là chính yếu và giá trị đối với mình họ mong muốn cái gì cho mình và cho người thì họ rất khó tiến hành lựa chọn lý luận, thứ lý luận đem lại cho ý niệm nguyên vẹn về quá trình lịch sử. Đối với nhà sử học có tư duy lý luận thì lịch sử không chỉ là lịch sử sự kiện mà còn là lịch sử tổng quát, nó bao hàm một nghĩa nào đó, chỉ có lưu tâm đến “sự tồn tại” riêng trong lịch sử thì mới tìm ra được ý nghĩa đó.
Ở đây tôi không có ý bàn luận đến một quan niệm cụ thể bất kỳ nào của lịch sử, cả quan niệm mà có thể đã được đưa ra thay thế cho quan niệm Marxist. Việc lựa chọn quan niệm, tôi xin được nhắc lại một lần nữa, chính là công việc của bản thân nhà sử học và không ai có thể ép buộc nó cho anh ta được. Tôi thấy nhiệm vụ của mình với tư cách là nhà triết học, là ở chỗ vạch ra giới hạn của những tiêu chí thuần túy khoa học trong lựa chọn quan niệm trên, vạch ra tính bất khả hình thành thứ lý luận lịch sử mà đáng ra nó phải được thoát khỏi hoàn toàn những thiên hướng cá nhân và những định hướng giá trị. Trong khoa học lịch sử không có những kết luận và bàn luận lý giải cuối cùng, có nghĩa là không thể có một thứ lý luận một lần và mãi mãi cắt nghĩa được ý nghĩa và tiến trình của lịch sử. Cũng như một khoa học bất kỳ nào khác, sử học luôn cần sự tự do tìm kiếm lý luận, nó cho phép mỗi nhà sử học tự khẳng định chính mình và phán xét lịch sử theo quan điểm đạo đức và niềm tin của mình chứ không cần một thứ lý luận duy nhất và được tất cả thừa nhận. Sự “phán xét cao cả” lịch sử như đã biết không phải do các nhà khoa học và cũng chẳng phải do nhà triết học.
ĐINH HIỀN CHÂU dịch