BÀI 6 CHỦ THỂ THẨM MĨ
6.1 Con người là chủ thể thẩm mỹKarl Marx khẳng định “Bản chất con người là luôn luôn sáng tạo theo qui luật của cái đẹp”.
Nhưng không phải loài người vừa sinh ra đã là chủ thể thẩm mỹ. Trải qua một thời gian dài của lịch sử, con người mới trở nên chủ thể thẩm mỹ. Ngay cả khi đã có năng lực thẩm mỹ, con người vẫn chưa tự đánh giá được điều ấy cho đến khi con người nhận thức và khẳng định được cái tôi – cái tôi sáng tạo và cái tôi thưởng thức nghệ thuật. Khi chủ nghĩa tư bản phát triển, ở phương Tây người ta mới nhận thức được cái tôi (trong triết học) như là chủ thể của hoạt động nhận thức, định hướng và sáng tạo nghệ thuật .
Descartes nhà triết học toán học, nhà văn Pháp nói: Tôi tư duy tức là tôi tồn tại
Chủ thể thẩm mỹ chính là “cái tôi” trong đời sống thẩm mỹ. Chủ thể ấy là một hệ thống cấu trúc phức tạp gồm các thành tố có mối quan hệ biện chứng với nhau dưới đây:
Chủ thể thẩm mỹ gồm 7 thành tố sau:
1 . Cảm xúc thẩm mỹ
2 . Biểu tượng thẩm mỹ
3. Thị hiếu thẩm mỹ
4. Tình cảm thẩm mỹ
5. Hình tượng thẩm mỹ
6 . Lý tưởng thẩm mỹ
7. Ý thức thẩm mỹ ( thể tổng hợp của 6 thành tố trên )
Mỗi thành tố trên tồn tại độc lập nhưng cũng liên quan mật thiết với nhau. Trước hết, chúng ta chọn “ thị hiếu thẩm mỹ ” làm điểm tựa để từ đó tìm hiểu các thành tố khác.
Chủ thể tiếp nhận, thưởng thức thẩm mĩ: tất cả mọi người.
Chủ thể sáng tạo thẩm mĩ: tất cả mọi người bình thường đều có khả năng sáng tạo thẩm mĩ. Khi xã hội phát triển thì có những người chuyên nghiệp tạo ra giá trị thẩm mĩ như: nghệ nhân (chế tác đồ thủ công, đồ chơi trẻ em, thợ may, các loại dịch vụ thẩm mĩ . . .) và đặc biệt những nghệ sĩ (tạo ra các loại hình nghệ thuật).
Chủ thể nghiên cứu giảng dạy đánh giá phê bình thẩm mĩ:
Chính là một phần của loại 2 nhưng được chuyên nghiệp hoá. Đó là nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu (hội hoạ, âm nhạc, văn học, sân khấu điện ảnh múa) kể cả những cán bộ quản lý, lãnh đạo các ngành văn học nghệ thuật, văn hoá.
6.2 Thị hiếu, thị hiếu thẩm mĩ và thị hiếu nghệ thuật
Thị hiếu
Thị hiếu 嗜 好 (thích, yêu) shì hào
爱好 ài hào: ái hiếu
喜爱 xǐ ài : hỉ ái
Là sở thích của chủ thể trong cuộc sống, bộc lộ thái độ đánh giá của chủ thể với mọi sự vật trong cuộc sống. Sở thích cá nhân được tồn tại trong một cộng đồng khiến cho cuộc sống phong phú, con người cảm thấy tự do.Thị hiếu tồn tại trong nhiều mặt cuộc sống, từ việc ăn uống, giải trí, lao động cho đến những vấn đề lớn hơn như chính trị, đạo đức, tôn giáo, khoa học và sinh hoạt thẩm mỹ. Thị hiếu của cá nhân được bộc lộ thường xuyên, liên tục trong cuộc sống, có khi giữ nguyên, có khi thay đổi.
Thị hiếu thẩm mỹ
Một bộ phận của thị hiếu, là hành vi nhạy cảm nhất, bộc lộ tức thời khi con người tiếp xúc và đánh giá giá trị thẩm mỹ của mọi thứ xung quanh – những “cái đẹp, cái bi, cái hài, cái trác tuyệt “ đang tồn tại trong cuộc sống.
Thị hiếu thẩm mỹ, nói gọn lại, là sự nhạy cảm về cái đẹp, là “thú chơi”, thú thưởng ngoạn tinh thần hơn là thực dụng về vật chất. Từ việc chọn lựa hàng hóa đến việc chọn trang phục (thời trang), chơi cây hoa cảnh, trang trí nhà ở, chọn sách, xem phim nghe nhạc … đến việc chọn nghề nghiệp, kết bạn, tìm người yêu. Mục tiêu lựa chọn là sao cho thỏa mãn khát vọng tinh thần, hướng tới cái đẹp. Cái đẹp luôn luôn gắn bó với cái Chân và Thiện (trong bộ ba Chân Thiện Mỹ, Mỹ khiêm tốn đứng thứ 3)
Thị hiếu thẩm mỹ còn được coi là “tính trội của hành vi”. Nghĩa là, qua thị hiếu thẩm mỹ, ta có thể đánh giá năng lực của chủ thể thẩm mỹ.
Thị hiếu thẩm mỹ là sự kết hợp thống nhất giữa cảm tính và lí tính, thể hiện rõ nhất bản chất con người xã hội hài hòa với con người tự nhiên và đi cùng sự tiến hóa của xã hội loài người.
Lịch sử mĩ học đã trải qua hai xu hướng đối lập: thị hiếu thẩm mĩ là duy cảm hay là duy lí ?
Mĩ học Mác- Lê nin khẳng định: thị hiếu thẩm mĩ của mỗi cá nhân có sự vận động thay đổi. Nó là thái độ, tình cảm của con người gây ra phản ứng mau lẹ trước cái đẹp, cái bi, hài và trác tuyệt trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Nhưng nếu thiếu tư duy thì chưa thể có thị hiếu thẩm mĩ.
Thời cộng đồng nguyên thủy – chế độ mẫu hệ, thị hiếu thẩm mĩ của cả bộ tộc hướng về hình tượng người đàn bà, theo tín ngưỡng phồn thực.
Đến thời kì văn minh rực rỡ Hi Lạp – La Mã, thị hiếu thẩm mĩ lại hướng tới những hình tượng đàn ông hoàn thiện như: nhà hiền triết (nhà thông thái, nhà tiên tri), anh hùng và quán quân thể thao (đặc biệt Olympiade ).
Sang thời Trung cổ, do sự áp đặt của giáo lí, kinh thánh, nhà thờ, thị hiếu thẩm mĩ hướng về cái đẹp hoàn hảo, cao cả của Chúa Trời, Đức Mẹ, Chúa Jesus và các thánh thần.
Đến thời kì Phục Hưng, người ta ngưỡng mộ, mơ ước cái đẹp của những con người đầy đặn, phúc hậu, thanh khiết, thánh thiện, trong sáng và “khổng lồ” (thị hiếu thẩm mĩ khá phong phú, vừa quen thuộc trong đời sống, vừa cao cả …).
Thế kỉ XX hiện đại, khoa học phát triển cao độ, nhanh chóng, nhip độ vận động xã hội rất lớn, đặc biệt trong hai lĩnh vực Sản xuất hàng hóa tiêu dùng và Nghệ thuật. Chủ thể sáng tạo có nhiều tìm tòi ý tưởng với những rung cảm mới, khiến cho thị hiếu thẩm mĩ của con người hiện đại càng phát triển cao và cực kì phong phú nhưng khá phức tạp, đôi khi như hỗn loạn.
Thị hiếu thẩm mĩ không còn thiên về cảm tính, mà ngày càng mang tính triết lí cao siêu hơn.
Mấy năm qua, thị hiếu thẩm mĩ ở Việt Nam đang trong tình trạng xáo trộn, đổi thay dữ dội, từ thưởng thức đến sáng tạo. Chẳng hạn, trong lĩnh vực điện ảnh, làn sóng ưa chuộng phim thay đổi từng đợt ngắn qua phim Mĩ, Trung quốc, Đài Loan, Hồng kông, Hàn quốc, trở lại Việt Nam, rồi lại hướng ra ngoài… Chưa thể xác định thị hiếu thẩm mĩ điện ảnh của người Việt là gì ! Trong các lĩnh vực văn học, âm mhạc, thời trang, nhà cửa, xe cộ… cũng vậy. Các nhà phê bình và báo chí bối rối, không dám hoặc khó lên tiếng phê phán những thị hiếu thẩm mĩ tầm thường, a- dua, lộn xộn, lo chạy theo “mốt”.
Trước tình hình đó, việc giáo dục thẩm mĩ cho công chúng, đặc biệt là lứa tuổi trẻ đã trở nên một vấn đề quan trọng và cần thiết.
Tính chất của thị hiếu thẩm mĩ
- Tính phản ứng mau lẹ
Những con người từng trải, vốn văn hóa cao, năng lực thẩm mĩ và nghệ thuật sâu sắc thì càng tự tin khi biểu lộ phản ứng và có cảm xúc mãnh liệt hơn.
- Tính hài hoà vô tư
Một thị hiếu vô tư là sự hài hòa giữa mơ mộng và thực tế.
- Tính cá biệt và tính xã hội
Một cá nhân nghệ sĩ sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật, sau đó được cả cộng đồng thừa nhận như một giá trị chung của xã hội, thậm chí của chung nhân loại.
Nhà triết học I.Kant, người đầu tiên nghiên cứu có hệ thống về thị hiếu thẩm mĩ, ông đã tuyệt đối hóa vai trò của thị hiếu thẩm mĩ cá nhân (cá biệt) . Ông lúng túng không lí giải được sự song hành của cả hai loại thị hiếu đó. Ông cho rằng, sở dĩ có thị hiếu thẩm mĩ xã hội là do ngẫu nhiên nhiều người có cùng thị hiếu thẩm mĩ với những cái đẹp phổ quát.
Mĩ học Mác- Lê nin lí giải đúng đắn hơn: không có cá nhân nào sống tách biệt xã hội mà hình thành được thị hiếu thẩm mĩ (hãy xem nhân vật Robinson Crusoe trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Daniel Defoe thế kỉ 19- khi sống một mình trên đảo, anh ta hầu như chẳng có thị hiếu thẩm mĩ gì nữa !) . Thực ra, trong cộng đồng tồn tại cùng lúc các thị hiếu cá nhân, thị hiếu giai cấp, thị hiếu xã hội và thị hiếu nhân loại.
- Tính giai cấp
Quí tộc phong kiến ca tụng và ưa chuộng mẫu người “yểu điệu thục nữ” , “liễu yếu đào tơ”, “hào hoa phong nhã”, “nho nhã”. Người nông dân đề cao con người khỏe mạnh thậm chí mập mạp, chất phác, có duyên. Ca dao “Mười thương” bộc lộ quan niệm của nhân dân xưa về cái đẹp phụ nữ thôn quê (Một thương tóc bỏ đuôi gà, Hai thương ăn nói mặn mà có duyên, Ba thương má lúm đồng tiền . . . .).
Nhân vật Natasha trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tolstoi mang cả vẻ đẹp của tiểu thư bá tước thượng lưu quí tộc vừa có vẻ đẹp cô thiếu nữ làng quê Nga . Theo nhà văn, đó là sắc đẹp hài hòa, hoàn hảo nhất. Nhìn chung, nếu so với giai cấp tư sản ưa chuộng vẻ đẹp hình thức, thậm chí thiên về thể chất, thì quí tộc phong kiến ưa vẻ đẹp tinh thần hơn, cao nhã hơn.(Quan niệm thẩm mĩ của giới quí tộc tinh tế, sắc sảo hơn tư sản. Vở hài kịch “Gã tư sản học đòi quí tộc” của Moliere đã chứng minh điều đó).
- Tính dân tộc và tính nhân loại Trải qua lịch sử, mỗi dân tộc hình thành một thị hiếu thẩm mĩ riêng, có khi trái ngược với dân tộc khác phương Đông: con rồng là đẹp đẽ cao quí, còn phương Tây, con rồng là độc ác, xảo quyệt …).
Mặt khác, có những chuẩn mực chung về Chân – Thiện – Mĩ đặc biệt cái đẹp được cả nhân loại công nhận. Chẳng hạn, màu xanh da trời được coi là màu hi vọng, ước mơ, hòa bình. Màu đỏ hạnh phúc, màu trắng bình đẳng, màu đen tang tóc, buồn bã… Cành nguyệt quế (olive) được coi là biểu tượng của chiến thắng vinh quang. Con chim bồ câu tượng trưng ước vọng hoà bình .v.v…
- Tính thời đại
Có những tác phẩm nghệ thuật vừa ra đời đã được trao ngay vòng nguyệt quế và trường tồn mãi mãi. Lại có tác phẩm phải chờ đợi một thời gian dài mới bừng sáng, vì nó đi trước thời đại (Hồng Lâu Mộng, Đường Thi, Truyện Kiều, nhạc cổ điển châu Âu thế kỉ 18-19)
Nhiều tác phẩm nghệ thuật sớm nở tối tàn .
Thị hiếu nghệ thuật
Thị hiếu nghệ thuật là một phần của thị hiếu thẩm mĩ khi con người thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật. Có thể coi thị hiếu nghệ thuật là đỉnh cao của thị hiếu thẩm mĩ. Karl Marx đã nói “Nếu anh muốn thưởng thức nghệ thuật, trước hết anh phải được giáo dục về nghệ thuật”, nếu không thì như tục ngữ Việt Nam “gảy đàn mà gảy tai trâu”.
Có nhiều hình thức giáo dục nghệ thuật cho mọi người. Từ những trường lớp nghệ thuật đào tạo nghệ sĩ, hệ thống báo chí, đài truyền thanh truyền hình, câu lạc bộ, diễn đàn, . . . cho đến Bộ môn Văn và môn Nghệ thuật trong trường phổ thông đều góp phần bồi dưỡng, giáo dục nghệ thuật cho công chúng.
Mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mĩ với các thành tố khác của chủ thể thẩm mĩ
4.1 – Quan hệ giữa thị hiếu thẩm mĩ và cảm xúc thẩm mĩ:
Khi đứng trước một đối tượng thẩm mĩ, xuất hiện ở con người một tín hiệu đầu tiên – do trực giác và cảm giác mang lại. Cần phân biệt 2 loại cảm xúc: cảm xúc sinh lí, vốn đã có từ hơn 3 triệu năm, và cảm giác thẩm mĩ – mới hình thành từ 12 ngàn năm qua. Vậy cảm xúc thẩm mĩ (hoặc cảm giác thẩm mĩ ) là một thứ xúc cảm “quí phái” của con người sau một quá trình rèn luyện, tích lũy lâu dài mới có.
Con người có 5 giác quan sinh học (sinh lí), nhưng có 2 giác quan phát triển cao thành giác quan thẩm mĩ, 2 giác quan cao cấp – đó là thị giác và thính giác (đôi mắt và đôi tai) được gọi là hai cửa ngõ tâm hồn (hãy thử giải thích thành ngữ:mắt con trai, tai con gái). Các loại hình nghệ thuật như hội họa, âm nhạc …tác động vào 2 giác quan: mắt – cửa ngõ số 1, tai – cửa ngõ số 2.
Có những nghệ thuật tác động cùng lúc vào cả hai cửa ngõ, như múa, kịch, phim, …Riêng văn học, loại hình nghệ thuật đặc biệt: coi thính giác là cửa ngõ số 1, chuyển thẳng vào óc tưởng tương, mắt chỉ là cửa ngõ số 2 (ngay cả khi xem sách thì con chữ vẫn lặng lẽ vang lên những tiếng của lời nói ).
Cảm xúc thẩm mĩ cũng là thước đo các hiện tượng thẩm mĩ. Những cái gì thiếu tính thẩm mĩ chỉ đem lại cho con người một nhận thức lạnh lùng, vô cảm (chẳng hạn, số học, vật lí, địa lí . . .)
Cảm xúc thẩm mĩ là sự rung động bên trong tâm hồn, nâng con người bay lên hướng tới cái đẹp.
Cảm xúc thẩm mĩ trước hết là khoái cảm trước cái đẹp. Ngạc nhiên, bàng hoàng, thích thú, phấn khởi khi tiếp xúc với cái đẹp, lúc ấy con người cảm thấy yêu đời hơn.
Cảm xúc thẩm mĩ được tạo nên do sự hiểu biết, trình độ văn hóa, vốn sống và độ nhạy bén của giác quan.
Nhìn chung, cảm xúc thẩm mĩ phụ thuộc vào điều kiện sống của con người. Một cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn, cơ cực cũng không thể tạo cho con người có cảm xúc thẩm mĩ phong phú và tinh tế. Karl Marx khẳng định: “Khi con người cùng khổ luôn luôn bị giày vò lo lắng thì cũng không thích thú gì để xem một vở kịch tuyệt tác” . Thật vậy, khi con người chưa thoát khỏi sự giày vò của vật chất thì chẳng thể có nhu cầu thẩm mĩ và nghệ thuật. Nhất là nghệ thuật, con người lại còn phải có điều kiện vật chất để học tập và chi phí thì mới đủ khả năng thưởng thức.
Kiến thức thẩm mĩ, đến lượt nó lại tác động trở lại trí tuệ và tình cảm con người.
Cảm xúc thẩm mĩ cũng mang tính dân tộc, tính lịch sử và tính thời đại, rồi cô đúc thành thị hiếu thẩm mĩ tương đối ổn định của con người.
4.2- Mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mĩ với biểu tượng thẩm mĩ:
Biểu tượng thẩm mĩ là một giai đoạn của tư duy thẩm mĩ. Đó là sự lưu giữ hình ảnh của những cái thẩm mĩ trong tư duy, não bộ của con người.
Quá trình nhận thức nói chung của con người trải qua các giai đoạn:
- Cảm giác
- Tri giác
- Biểu tượng
- Phán đoán
- Khái niệm
“Biểu tượng là hình ảnh tương đối trọn vẹn của một sự vật đơn lẻ của thế giới khách quan đem lại cho con người, và có khả năng được tái hiện lại trong tâm tưởng bằng cảm giác.”
Hình ảnh, đường nét, màu sắc và âm thanh là những chất liệu tạo nên biểu tượng thẩm mĩ.
Hoa sen gợi nhớ đến cõi Phật. Gác Khuê Văn gợi nhớ thủ đô Thăng Long – Hà Nội, chùa Thiên Mụ nhắc Huế. Hoa đào hoa mai báo mùa xuân, lá vàng gợi nỗi buồn tàn thu, cánh phượng hồng báo mùa hè học trò buồn vui lẫn lộn, và đây – một đêm mùa hè của nhân vật Thúy Kiều ở chốn lầu xanh:
“ Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” ( Kiều – Nguyễn Du )
4.3 – Mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mĩ và hình tượng thẩm mĩ: Hình tượng thẩm mĩ là cách phản ánh cuộc sống của nghệ thuật. Mỗi loại hình nghệ thuật có những kiểu hình tượng khác nhau.
Hình tượng thẩm mĩ bao gồm cả nội dung và hình thức, bắt nguồn từ thực tế sinh động của thiên nhiên và xã hội. Riêng hình tượng nghệ thuật thì chỉ do nghệ sĩ sáng tạo ra . Hình tượng nghệ thuật chủ yếu là hình tượng nhân vật.
Ta có sơ đồ phát triển như sau:
Biểu tượng thẩm mĩ > Hình tượng thẩm mĩ > Hình tượng nghệ thuật
Ví dụ: một bức tranh phong cảnh Tây nguyên, phải có những nét riêng như núi cao, rừng rậm , nhà rông , con người ăn mặc kiểu dân tộc, v.v… giúp khán giả nhận ra ngay, sau đó mới tới những nét tâm hồn sâu kín. Một bản nhạc Tây nguyên cần có tiếng suối chảy, tiếng chim, tiếng vọng mang vẻ hoang dã.
Nhà văn nhà mĩ học Nga Bielinski thế kỉ XIX đã nhận xét “nhà triết học nói bằng phép tam đoạn luận, nhà thơ nói bằng hình tượng và những bức tranh”.
Vậy sáng tạo hình tượng là đặc trưng hàng đầu của nghệ thuật .
Nghệ sĩ dùng hình tượng nghệ thuật để miêu tả và bảo vệ cái đẹp, lên án cái xấu, tác động ngay vào cảm xúc thẩm mĩ của công chúng.
Bielinski nhận xét “tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó thiếu sự thôi thúc chủ quan mạnh mẽ xuất phát từ tư tưởng bao trùm thời đại, nó sẽ chết nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau căm hận hoặc lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc không trả lời những vấn đề của thời đại”.
Cuối cùng, hình tượng thẩm mĩ còn chứa đựng cả những dấu ấn cá tính và phong cách riêng của nghệ sĩ (chủ thể sáng tạo).
Thị hiếu thẩm mĩ của con người chứa đựng cả những hình tượng thẩm mĩ và hình tượng nghệ thuật quen thuộc và ưa thích nhất.
4.4 – Mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mĩ và tình cảm thẩm mĩ
Tình cảm thẩm mĩ thuộc về những tình cảm phong phú của con người. Đó là tình yêu cái đẹp, căm ghét cái xấu, xót xa đồng cảm với cái bi, thán phục cái trác tuyệt, chế giễu với cái hài, . . .
Tình cảm thẩm mĩ hướng con người đến với những giá trị Chân – Thiện – Mĩ. Tình cảm thẩm mĩ có thể đúng đắn hoặc sai lầm khi đánh giá các hiện tượng thẩm mĩ. Nhà phê bình cần có tình cảm thẩm mĩ đúng đắn khi thẩm định nghệ thuật, để hướng dẫn công chúng thưởng thức, đồng thời tác động tới cả nghệ sĩ.
Tình cảm thẩm mĩ liên quan mật thiết với tình cảm đạo đức. Yêu cái đẹp, cái thiện, ghét cái xấu – đó là thuộc tính của con người. Nhưng để có thể yêu cái đẹp trong nghệ thuật thì cần phải am hiểu nghệ thuật, nói chung là cần được giáo dục thẩm mĩ.
Tình cảm thẩm mĩ cũng chứa đựng tính giai cấp, tính dân tộc và thời đại. Không có một tình cảm chung chung.
Tình cảm thẩm mĩ chi phối toàn bộ quá trình sáng tạo và thưởng thức của con người – chủ thể thẩm mĩ.
Tình cảm thẩm mĩ là cốt lõi của thị hiếu thẩm mĩ.
Mang trong lòng tình cảm thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ sẽ được đúc kết và nâng lên một tầm cao hơn : Lí tưởng thẩm mĩ.
6.3 Lí tưởng thẩm mĩ và lí tưởng nghệ thuật
Lí tưởng [ 理 想 lǐ xiǎng ]
Lí tưởng thiên về tính chất xã hội của con người, gồm lí tưởng chính trị, lí tưởng đạo đức, lí tưởng tôn giáo, lí tưởng thẩm mĩ … gọi chung là Lí Tưởng.
Danh từ “Lí tưởng“ xuất hiện trong ngôn ngữ cổ Hi Lạp, ban đầu có nghĩa là “ ý niệm”, là cảnh, là hình tượng biểu thị một sự hoàn thiện, hoàn mĩ mà con người muốn đạt tới. on người có lí tưởng từ bao giờ?
Nhà văn M.Gorki viết: “Khi tự nhiên tước mất của con người cái khả năng đi bốn chân thì đồng thời nó cấp cho con người cây gậy chống – đó là lí tưởng. Và từ đấy, con người vươn tới những điều tốt đẹp và cao cả hơn. Các bạn hãy làm cho cuộc vươn lên cái tốt ấy trở thành ý thức, hãy dạy cho mọi người rằng hạnh phúc chân chính chỉ có được trong sự vươn tới một cách có ý thức”. (M.Gorki Toàn tập, tập II, Moscow 1949- trang 428 )
Vậy là, lí tưởng chính là bản chất của con người, nó phân biệt con người và loài vật.
Thực hiện lí tưởng là hoạt động có ý thức sâu sắc nhất, thúc đẩy con người trước hết tác động vào tự nhiên, xây dựng cuộc sống và cải tạo chính mình, kế đó định hướng các mối quan hệ xã hội. Con người cần có khát vọng, ước mơ đi tới, lại cần có sức mạnh để giải quyết các mâu thuẫn, vật cản trên con đường ấy, đi theo lí tưởng dẫn đường.
Cấu trúc của lí tưởng:
ß ß ß
( 1 ) ( 2 ) ( 3 )
Khởi điểm hành động |
của con ngườiNhững khó khăn trở ngại trên con đường đi tới, cần phải giải quyết như thế nào . Mục đích cao cả
( lí tưởng )
Nếu chỉ có mục tiêu lí tưởng mà thiếu 2 giai đoạn trước thì nó mới chỉ là “ước mơ”, có thể là “ảo tưởng” viển vông [nếu thiếu (1) và (2) ]. Lí tưởng phải là toàn bộ quá trình 3 giai đoạn đó. Con người có lí tưởng là con người hình dung được cả quá trình đi tới mục tiêu cao cả của cuộc đời.
Chẳng hạn, lí tưởng của nhân dân ta ngày nay là xây dựng một xã hội cộng sản chủ nghĩa, nhưng cần phải đi qua giai đoạn chủ nghĩa xã hội. Và ngay cả trước khi bước vào chủ nghĩa xã hội cũng còn phải trải qua một thời kì quá độ nữa (quá độ đi qua tư bản chủ nghĩa). Bên cạnh lí tưởng chung ấy, mỗi người vẫn có một lí tưởng riêng căn cứ vào điểm xuất phát của mình.
Khi hình thành lí tưởng của cuộc đời mình, chúng ta cần tránh những ảo tưởng viển vông thiếu cơ sở xuất phát.
Khi con người đã xác định lí tưởng, nó sẽ trở thành động cơ thúc đẩy họ, tạo ra hứng thú cao độ và bền vững.
Có thể chia lí tưởng ra 5 yếu tố:
1. Nhu cầu đòi hỏi một lí tưởng
2. Động cơ (cụ thể) của lí tưởng
3. Hứng thú thực hiện
4. Hiệu quả của lí tưởng (cao cả nhưng cụ thể )
5. Thế giới quan (kiến thức về thế giới)
Nhu cầu của con người bao gồm cả vật chất và tinh thần cần được thỏa mãn. Trong nhu cầu tinh thần có khát vọng nhận thức, tình cảm ( yêu thương ), giao tiếp xã hội, được tự do, giải phóng, xây dựng xã hội mới, tiến bộ.
Nhu cầu là khởi điểm của mọi lí tưởng, nhưng trong đó nhu cầu vật chất không được quyền lấn át nhu cầu tinh thần (No ấm và sạch sẽ là tối ưu, nhưng đói cho sạch, rách cho thơm). Ngay cả nhu cầu vật chất cũng phải thăng hoa để mang giá trị tinh thần.
Động cơ của lí tưởng
Một đối tượng vật chất hoặc tinh thần nào đó đang có tác dụng lôi cuốn cá nhân hành động nhằm đạt tới nó, để thỏa mãn một nhu cầu của bản thân – gọi là động cơ của người ấy.
Tóm lại, người có lí tưởng là người có nhu cầu tinh thần trong sáng, cao đẹp, có niềm vui lớn trong lao động, sáng tạo, vì mọi người và vì tiến bộ xã hội.
Lí tưởng cần phải mang tính người cao cả và tính xã hội rộng rãi, gọi chung là lí tưởng nhân văn.
Suốt đời phấn đấu cho lí tưởng nhân văn của cộng đồng là phẩm chất cơ bản của những con người trác tuyệt, lí tưởng ấy thúc đẩy họ hành động có hiệu quả và được nhân dân thừa nhận, biết ơn, nêu gương và ca tụng.
Hứng thú thực hiện lí tưởng
Với một động cơ đã định, con người say mê đeo đuổi hoạt động để đạt tới lí tưởng. Đó chính là lí tưởng thẩm mĩ. Động cơ tạo ra hứng thú, đó là sức mạnh nội tại vững bền.
Thế giới quan giữ vai trò định hướng lí tưởng:
Thế giới quan là toàn bộ cách nhìn đời, nhìn người, nhìn xã hội và nhìn mình.
Thế giới quan có 3 yếu tố:
- Tính giai cấp: Trong một xã hội có nhiều giai cấp, ắt có một giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất. Lí tưởng phải gắn liền với tính giai cấp tiên tiến nhất ấy.
- Tính khoa học: đó là kiến thức đúng đắn, phù hợp qui luật khách quan và lịch sử, khác với những ý tưởng viển vông và lỗi thời hoặc phiêu lưu mạo hiểm.
- Tính tổ chức: để thực hiện lí tưởng, không chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân, mà phải vận động, tổ chức xã hội cùng thực hiện. Đó là năng lực tổ chức khi thực hiện lí tưởng.
Lí tưởng cần phải được hiện thực hóa, nếu không, nó chỉ là ý tưởng viễn vông. Lí tưởng bao gồm 2 chất liệu: chất thực tế (thực tại / hiện thực) và chất liệu tương lai với một tỉ lệ hợp lí. Nói cách khác, lí tưởng bao gồm cả tính hiện thực và tính lãng mạn trong quan hệ biện chứng với nhau. Trong cuộc đời, con người cần chú ý điều chỉnh tỉ lệ để đạt hiệu quả lí tưởng cao. Hiệu quả của lí tưởng cũng phụ thuộc vào kinh nghiệm sống của cá nhân, dân tộc và giai cấp.
Hiệu quả còn có tính tối ưu, nghĩa là con người không được phép đạt tới hiệu quả bằng bất cứ giá nào. Cần phải tính tới phương pháp, thời gian, công sức … để đạt được hiệu quả tối ưu.
Lí tưởng thẩm mĩ
Trước Mác
I .Kant cho rằng lí tưởng thẩm mĩ chỉ có ở cá nhân, cũng như đã khẳng định:“ không có khoa học về cái đẹp, chỉ có sự phán đoán về cái đẹp”.
Hegel tuy có chú ý đến mặt xã hội, lịch sử của lí tưởng thẩm mĩ, nhưng ông lại tuyệt đối hóa vai trò của lí tưởng thẩm mĩ. Ông đi tìm lí tưởng thẩm mĩ ở “ý niệm tuyệt đối”, nghĩa là, theo ông lí tưởng thẩm mĩ chính là sự hoàn thiện hoàn mĩ của tinh thần trong triết học, chứ không tính đến mối tương quan xã hội.
Tsecnysevski nói: lí tưởng thẩm mĩ là cuộc sống đẹp.
Bielinski cho rằng: Lí tưởng thẩm mĩ là sự thực hiện lí tưởng – cái tiềm ẩn trong đời sống. Là cuộc sống phát triển và thắng lợi.
Những quan điểm trên chưa đầy đủ nhưng cũng góp phần kinh nghiệm trên con đường tìm kiếm bản chất của lí tưởng thẩm mĩ.
Lí tưởng thẩm mĩ theo quan điểm Mác- Lê nin:
Lí tưởng thẩm mĩ là bộ phận của lí tưởng xã hội, được hình thành theo qui luật xã hội . Nó cũng bao gồm: nhu cầu, động cơ, hứng thú, hiệu quả và thế giới quan tiên tiến.
Lí tưởng thẩm mĩ khác với lí tưởng xã hội ở chỗ nó là cái toàn vẹn – cụ thể – cảm tính, là một hình tượng (hoặc hệ thống hình tượng ) sinh động, hấp dẫn có khả năng tạo ra khoái cảm thẩm mĩ (hứng thú). Hình tượng trung tâm trong mọi hình tượng chính là mẫu người lí tưởng.
Nhu cầu của Lí tưởng thẩm mĩ là: khát vọng hoàn thiện, hoàn mĩ, sống đẹp. Động cơ mang tính cá thể, chủ quan, sinh động . Hứng thú: cảm xúc thẩm mĩ, vô tư, hướng về cái đẹp. Hiệu quả: là sự tu thiện, thanh khiết hóa tâm hồn. Thế giới quan: hình ảnh thế giới mẫu mực, hấp dẫn, tấm gương sáng ( Lưu ý : thế giới quan trong lí tưởng thẩm mĩ không tồn tại ở dạng lí thuyết, học thuyết ).
TÓM LẠI, lí tưởng thẩm mĩ là tổng thể phương hướng cơ bản của đời sống được đúc kết lại thành hình ảnh mẫu mực, cảm quan của sự hoàn thiện hoàn mĩ của con người và xã hội, là cuộc sống trên đà phát triển, là khát vọng và hành động nhằm hoàn thiện vô tận cuộc sống (endless) bằng cách giải quyết những nhu cầu, mâu thuẫn thực tại để giải phóng con người, đem lại tự do, hạnh phúc cho mọi người trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn hiện đại. Lí tưởng thẩm mĩ bộc lộ rõ rệt và tập trung nhất trong lãnh vực nghệ thuật bằng cái đẹp và cái trác tuyệt.
Lí tưởng thẩm mĩ được thể hiện trong nghệ thuật thì gọi là lí tưởng nghệ thuật, sẽ được nghiên cứu trong bài sau.
6.4 Phân loại chủ thể thẩm mỹ, chủ thể nghệ thuật
6.4.1 Chủ thể thẩm mỹ
Chủ thể sáng tạo: Người lao động và nghệ nhân, đều là người sáng tạo thẩm mỹ
Chủ thể phê bình, đánh giá: mọi người lao động, nghiệp dư và chuyên nghiệp.
6.4.2 Chủ thể nghệ thuật
Chủ thể sáng tạo: Nghệ sĩ, công chúng nghệ thuật, nhà phê bình nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo.