Home » » Từ điển truyện cổ tích Nhật Bản

Từ điển truyện cổ tích Nhật Bản

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011 | 02:38

Từ điển truyện cổ tích Nhật Bản

23/01/2008 12:54
Truyện cổ tích là một trong những thể loại văn học dân gian quan trọng, được phổ biến rộng rãi ở tất cả các dân tộc trên thế giới. Trong quá trình hội nhập hôm nay, cùng với sự nỗ lực chung của các nhà nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin đa chiều về các hiện tượng đặc sắc trong việc nghiên cứu văn học dân gian ở các nước trên thế giới, chúng tôi xin giới thiệu bộ "Từ điển Truyện cổ tích Nhật Bản" (Nihon mukashibanashi) để bạn đọc và các nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng thể về văn học dân gian Nhật Bản nói chung và các vấn đề nghiên cứu liên quan đến truyện cổ tích của Nhật Bản nói riêng....
           
Truyện cổ tích là một trong những thể loại văn học dân gian quan trọng, được phổ biến rộng rãi ở tất cả các dân tộc trên thế giới. Trong quá trình hội nhập hôm nay, cùng với sự nỗ lực chung của các nhà nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin đa chiều về các hiện tượng đặc sắc trong việc nghiên cứu văn học dân gian ở các nước trên thế giới, chúng tôi xin giới thiệu bộ Từ điển Truyện cổ tích Nhật Bản (Nihon mukashibanashi) để bạn đọc và các nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng thể về văn học dân gian Nhật Bản nói chung và các vấn đề nghiên cứu liên quan đến truyện cổ tích của Nhật Bản nói riêng. Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin trình vài nét về Từ điển Truyện cổ tích Nhật Bản và dịch một số mục từ tiêu biểu trong cuốn từ điển này. 
I. VÀI NÉT VỀ TỪ ĐIỂN TRUYỆN CỔ TÍCH NHẬT BẢN
Từ điển Truyện cổ tích Nhật Bản do một đội ngũ đông đảo gồm 178 tác giả biên soạn, 29 nhà cung cấp tư liệu và một ban biên tập với 5 Giáo sư đầu ngành nghiên cứu Dân tục học, thuộc các trường đại học lớn của Nhật Bản biên tập: GS. Inada Koji (Đạo Điền Hạo Nhị), Ooshima Tatehiko (Đại Đảo Kiến Ngạn), Kawabata Toyohiko (Xuyên Đoan Phong Ngạn), Fukida Akira (Phúc Điền Hoảng), Mihara Yukihisa (Tam Nguyên Hạnh Cửu), NXB Kobundo (Hoằng Văn đường) in lần đầu tiên vào năm Showa (Chiêu Hòa) thứ 52 (1977) và được tái bản dưới hình thức thu gọn vào năm Heisei (Bình Thành) thứ 6 (1984). Trong Lời nói đầu cho lần in đầu tiên vào năm 1977, nhóm biên tập đã viết:
"Văn nghệ truyền miệng như truyện cổ tích v.v... được giới học vấn nước ta biết đến mới khoảng nửa thế kỷ nay. Nhờ sự cố gắng của các nhà nghiên cứu đi đầu  trong lĩnh vực này mà một số lượng lớn tư liệu, luận văn khảo cứu đã được thu thập. Bản thân chúng tôi, lớp người kế thừa những thành tựu của các bậc tiền bối trong mọi hoàn cảnh vừa cố gắng tiếp tục tiến hành điều tra điền dã, vừa đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu mới. Nhờ có sự hợp tác của những chuyên gia hàng đầu, lần đầu tiên các tuyển tập như Tùng thư tư liệu nghiên cứu truyện cổ tích, Tùng thư văn nghệ dân gian thế giới, Tư liệu và việc nghiên cứu truyện cổ tích... đã lần lượt ra mắt bạn đọc. Lần này với sự giúp đỡ của rất nhiều nhà nghiên cứu đến từ những lĩnh vực khác nhau có liên quan đến truyện cổ tích, chủ yếu thuộc lĩnh vực Dân tục học, cuốn Từ điển Truyện cổ tích Nhật Bản đã ra đời. Chúng tôi chờ mong ở cuốn sách này sẽ góp phần làm sáng tỏ truyền thống truyện cổ tích với tư cách là di sản văn hóa dân tộc, văn hóa nhân loại, tiếp nối thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, đặt một viên đá xây nền móng cho việc nghiên cứu truyện cổ tích Nhật Bản.
Để đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu truyện cổ tích, Từ điển Truyện cổ tích Nhật Bản trước hết tôn trọng nguyên văn các truyện cổ tích đang lưu truyền trong thực tế, đồng thời đưa vào những cốt truyện, motip, yếu tố cấu thành truyện cổ tích sao cho phù hợp, cùng với sự giải thích thấu đáo các vấn đề trên. Đối với các lĩnh vực đa dạng của dân tục học, đặc biệt là các vấn đề khác của văn học truyền miệng ngoài truyện cổ tích, như thần thoại, truyền thuyết, monogatari (tiểu thuyết), ở các mục đều có kèm theo sự thuyết minh cần thiết. Đối với tư liệu cổ (văn hiến) của các thời đại, các địa phương khác nhau, đều nhấn mạnh những điểm quan trọng khi nghiên cứu. Để có thể cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu văn học so sánh, Từ điển cũng đã đưa vào nhiều hạng mục có liên quan đến việc nghiên cứu truyện cổ tích nước ngoài mà trọng tâm là các vấn đề có liên quan đến truyện cổ tích nước ta. Sự ra mắt cuốn Từ điển mới này dựa trên thành quả nghiên cứu truyện cổ tích từ trước tới nay, song chung tôi nghĩ nó vẫn có một ý nghĩa to lớn khi tìm hiểu những vấn đề nghiên cứu truyện cổ tích hiện nay".
Sau 18 năm, đến năm 1984, Từ điển Truyện cổ tích Nhật Bản lại được tái bản. Trong lần tái bản thu gọn này, GS. Inada Koji đã viết: "Sự ra đời lần thứ hai này sẽ là sự khích lệ đối với những sinh viên trẻ đang theo học ở nhiều ngành khác nhau quan tâm đến truyện cổ tích của Nhật Bản. Những câu chuyện cổ tích của Nhật Bản nếu giúp các các bạn trẻ đặt chí hướng cho việc nghiên cứu văn học Nhật Bản, văn học nước ngoài, văn học thiếu nhi, dân tục học, ngôn ngữ học... thì đó là điều may mắn cho những người biên soạn. Cuốn Từ điển này với phương châm ban đầu là ngoài việc mở rộng các lĩnh vực có liên quan đến bản tính của truyện cổ tích, mà đầu tiên là các thể loại thần thoại, truyền thuyết, văn học thuyết thoại (setsuwa), ca dao dân ca, còn có sự lưu ý đặc biệt đến các lĩnh vực nghiên cứu truyện cổ tích của các địa phương, của các dân tộc nước ngoài. Nó có thể trở thành cuốn cẩm nang trong tay các nhà nghiên cứu, giúp mở cánh cổng vào khoa nghiên cứu so sánh quốc tế về truyện cổ tích". GS. Inada còn cho rằng, đúng như một câu trong Lời nói đầu cho lần xuất bản đầu tiên là "Không phải ngẫu nhiên, cho đến bây giờ văn nghệ truyền miệng vẫn được thay đổi tùy theo từng lúc. Sự thay đổi đó là do nhu cầu thưởng thức, để nó có thể tiếp tục sống trong lòng mọi người. Với việc bắc cây cầu "cổ tích" sẽ giúp tìm hiểu cơ tầng chiều sâu văn hóa Nhật Bản, nó làm thay đổi nhận thức của chúng ta về văn hóa nhân loại. Nó nuôi dưỡng sinh hoạt văn hóa cho các thế hệ mới. Và đó là những kì vọng lớn nhất đối với thế hệ trẻ của những người biên soạn cuốn sách này".
Với độ dày trên một ngản trang, Từ điển Truyện cổ tích Nhật Bản ngoài Lời nói đầu cho lần xuất bản đầu tiên và lần tái bản này; Danh sách các nhà nghiên cứu tham gia biên soạn và cung cấp tư liệu; Hướng dẫn cách sử dụng; Mục lục phân loại các hạng mục; Bảng tra cứu... là hơn một ngàn trang chính văn với gần hai ngàn đơn vị từ, được xếp theo bảng chữ cái tiếng Nhật. Qua Mục lục phân loại các hạng mục, có thể thấy Từ điển được chia làm 15 hạng mục lớn, bao gồm:
1. Tổng luận.
2. Truyện truyền miệng, truyện kể.
3. Các cốt truyện.
4. Các loại hình truyện cổ tích.
5. Motip.
6. Các yếu tố: người, động vật, thực vật, ăn uống, nhà cửa, đồ đạc, dụng cụ và những cái khác.
7. Truyện thế tục.
8. Truyền thuyết.
9. Thần Thoại.
10. Diễn xướng.
11. Ca dao, dân ca.
12. Thành ngữ, tục ngữ.
13. Ghi chép tư liệu: thời Cổ đại, Trung thế, Cận thế và Cận đại.
14. Nghiên cứu địa phương.
15. Truyện cổ tích nước ngoài: Khái thuyết về truyện cổ tích khu vực; Nhà nghiên cứu; Ghi chép văn hiến; In ấn theo định kỳ và Các cốt truyện chủ yếu.
Mục 1: Tổng luận. Gồm 173 mục từ, các vấn đề được trình bày khá phong phú, đầu tiên là các thuật ngữ chung liên quan đến truyện cổ tích như: Dân tục học; Nhật Bản dân tục học; Văn hóa nhân loại học; Phương ngôn học; Nghiên cứu về Hương sĩ; Điều tra dân tục; Tài sản văn hóa vô hình (phi vật thể)....
Các vấn đề dân sinh xã hội như: Thôn xóm; Gia đình; Sinh sản; Hôn nhân; Tang ma; Nông nghiệp; Ngư nghiệp; Lâm nghiệp, Săn bắn; Giao thông, Giao dịch, buôn bán; Trang phục; Ăn uống; Nhà cửa; Lễ tết trong năm; Tín ngưỡng dân gian; Lễ hội; Nghi lễ; Các điều cấm kỵ...
Các vấn đề trực tiếp liên quan đến truyện cổ tích, truyện truyền miệng như: Người kể truyện; Người truyền tin; Sự phân bố truyện cổ tích; Tên gọi truyện cổ tích; Hình thức của truyện cổ tích; Cấu tạo của truyện cổ tích; Các biểu hiện của truyện cổ tích: Nghệ thuật của truyện cổ tích...
Ngoài ra còn có các mục từ tổng luận về các loại hình truyện kể như: Truyện cổ tích về động vật; Truyện về cầm thú thảo mộc; Truyện về xã hội động vật; Truyện cạnh tranh giữa các loại động vật; Truyện về sự ra đời của các động vật... Truyện ngụ ngôn; Truyện giáo huấn; Truyện kinh điển; Truyện thế tục; Thần thoại; Truyền thuyết; Diễn xướng; Văn nghệ diễn xướng; Thuyết xướng kinh Phật; Văn tế; Ca dao; Tục ngữ; Chơi chữ; Mê tín... Liên quan đến thể loại truyện kể có: Monogatari; Thuyết thoại; Văn học thuyết thoại; Các sưu tập thuyết thoại; Truyện kể nhi đồng; Văn học nhi đồng... Liên quan đến nghiên cứu có: Nghiên cứu truyện cổ tích; Lịch sử nghiên cứu truyện cổ tích.
Mục Tổng luận còn đề cập đến mục từ liên quan đến nước ngoài, như: Phương pháp nghiên cứu so sánh; Điều tra truyện cổ tích; Tư liệu truyện cổ tích; Các tập truyện cổ tích; Nghiên cứu về người Ainu; Nghiên cứu về Nam Đảo... Các mục từ giới thiệu chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu về truyện cổ tích nước ngoài, như:  Minakata Kumagusu (Nam Phương Hùng Nam); Yanagita Kunio (Liễu Điền Quốc Nam); Orikuchi Shinobu (Triết Khẩu Tín Phu); Kindaiichi Kyosuke (Kim Điền Nhất Kinh Trợ); Iha Fuu (I ba Phổ Tù); Sasaki Kizen (Tá Tá Mộc Hỉ Thiện); Iwakurai Chirou (Nham Thương Thị Lang)... Ngoài ra, trong phần này còn giới thiệu các công trình nghiên cứu và từ thư, danh vựng như: Nghiên cứu về truyện cổ tích; Truyện kể dân gian; Lô biên tùng thư (Truyện kể bên bếp lửa); Danh vựng truyện cổ tích Nhật Bản; Danh vựng truyền thuyết Nhật Bản; Tập truyện cổ tích Nhật Bản, Các loại hình truyện cổ tích ...
Mục 2: Truyện truyền miệng, truyện kể dân gian. Gồm 103 mục từ, gồm truyện kể về Gia tộc; Xóm làng; Chùa chiền; Các bài hát xưa; Truyện ban ngày; Truyện ban đêm, Truyện cuối năm; Truyện về các thày bói, đồng cốt; Truyện thày âm dương; Truyện người săn bắn; Truyện người bán cá; Truyện người bán muối; Truyện người bán thuốc... Các lễ tết trong năm có các mục từ như: Đêm Đại hối (đêm Ba mươi Tết); Tháng Giêng; Lễ Nasakusa (mồng Bảy tháng Giêng); Tết Setsubun (ngày Lập xuân); Tết Gogatsuzekku (mồng Năm tháng Năm); Tết Tanabata (mồng Bảy tháng Bảy)... Các mục truyền thuyết về các thần có: Thần Tì Sa Môn; Thần Toshigami (Thần năm mới); Thần Saenokami (Thần đạo tổ); Thần núi; Thần ruộng; Thần cây; Thần sấm, Thần bếp (Táo thần); Thần Kawayagami (Thần nhà xí); Thần chổi; Thần sản phụ; Thần mẹ con... Ngoài ra còn có truyền thuyết về Yêu quái; Đàn ông trong núi; Bà già trong núi; Ma; Quỷ; Chúc văn; Bùa chú.
Mục 3: Các cốt truyện. Mục này có số lượng lớn nhất, giới thiệu 640 cốt truyện cổ tích của Nhật Bản, phân bố khắp trên toàn quốc. Cũng có những truyện chỉ nổi tiếng ở một nơi, tạo ra những sưu tập truyện cổ tích riêng biệt của mỗi vùng như truyện cổ tích miền Bắc hoặc miền Tây Nhật Bản. Cũng có truyện nổi tiếng trên toàn quốc, mọi người đều biết đến như truyện Monotaro: truyện chú bé sinh ra từ quả đào, nhờ có sự hợp sức của chó, khỉ và chim trĩ đã giết được quỷ ác, mang báu vật trở về; hay truyện Urashimataro: truyện chàng Urashimataro cứu rùa được rùa trả ơn đưa xuống chơi dưới Long cung, lúc trở về quê hương nhà cửa đã hoang tàn, chẳng còn ai thân thích, sau khi mở chiếc hộp công chúa con Long vương tặng, Urashimataro phút chốc đã biến thành ông già râu tóc bạc phơ, bèn rời bỏ quê hương đi vào núi.
Trong số các truyện có motip "người nhỏ nhưng có sức khỏe thần kỳ", truyện cổ tích Issun Boshi (Pháp sư cao một tấc), có thể coi là một trong những truyện cổ tích tiêu biểu nhất của Nhật Bản, với nhân vật chính là một người sinh ra ở đời có dáng người nhỏ bé kỳ lạ. Truyện kể rằng, có đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu nhưng không có con bèn đi tới đền cầu tự và được thần ban cho một đứa con bé xíu, ông bà đặt tên là Issunboshi. Boshi chỉ bé như ngón tay út, song khỏe mạnh như đứa trẻ bình thường. Có lần Boshi lấy kim làm kiếm, dùng bát gỗ làm thuyền, đũa làm mái chèo rồi lên Kinh đô (nay là tỉnh Kyoto), vào xin làm việc cho Tể tướng Sanjo. Nhờ mưu trí thông minh nên đã được Tể tướng giao bảo vệ cô con gái xinh đẹp Himegimi, con gái đầu của Tể tướng. Nhân một chuyến đi Namba, (nay thuộc tỉnh Osaka), thuyền của Boshi gặp bão, phiêu dạt vào một hòn đảo. Ở trên đảo, Boshi giết được quỷ ác, nhờ có chiếc búa thần của quỷ ác đánh rơi trên đường, chàng trai tí hon đã trở thành người bình thường. Thiên hoàng nghe tin ban thưởng rất hậu, lại phong cho chức quan trong triều. Chàng trai còn được Lãnh chúa gả con gái cho và hai vợ chồng sống hạnh phúc cho tận sau này.
Với tư cách là một thể loại dân gian, lại cùng nằm trong khu vực của các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, trong số 640 cốt truyện cổ tích của Nhật Bản, có khá nhiều truyện tương đồng với truyện cổ tích của Việt Nam, hoặc cũng có thể cả hai nước đều chịu ảnh hưởng cốt truyện từ Trung Quốc. Ví dụ, truyện cổ tích Kosodate yurei (Hồn ma nuôi con) có cốt truyện giống với truyện Sản dị trong tác phẩm Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh (Việt Nam) và một số truyện kể dân gian, truyện cổ tích ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Trung Quốc. Truyện Hồn ma nuôi con kể rằng: Có phụ nữ mang thai sắp đến ngày sinh thì chết. Sau khi mai táng, người phụ nữ đó đã sinh con ở dưới mồ. Vì thương con khát sữa, đêm đêm hồn ma biến thành người, mang những đồng tiền được hóa phép từ lá khô, đến quán nước gần bãi tha ma mua bánh ngọt cho con. Nhờ có tiếng khóc mà bà già bán nước đã phát hiện dưới mồ có trẻ, bèn chạy đi báo cho gia đình người đàn ông kia đến đưa đứa trẻ đó lên. Sau này đứa trẻ trở thành nhà sư nổi tiếng ở Nhật Bản. 
Hay cốt truyện Bắt thần Sấm xuất hiện từ rất sớm trong một số tác phẩm ghi chép truyện dân gian của Nhật Bản như Nhật Bản thư kỷ; Nhật Bản linh dị ký, song cốt truyện này cũng xuất hiện ở các  tác phẩm ra đời rất sớm của Trung Quốc như Sưu thần ký 搜 神 記; Bắc Tề thư 北 齊 書... Ở Việt Nam, xuất hiện muộn hơn, vào khoảng cuối thể kỷ XVIII, trong truyện Cường Bạo Đại Vương, sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề.
4. Mục 4: Hình thức của truyện cổ tích. Gồm 56 mục từ, đề cập đến hình thức của truyện cổ tích và một số vấn đề khác, như: Truyện cổ tích dài (loại truyện cổ tích được nối dài theo yêu cầu của người nghe chuyện); Truyện cổ tích ngắn (loại truyện cổ tích cốt truyện ngắn gọn, thường mào đầu bằng vài câu có vần điệu, thậm chí cả truyện chỉ có một số câu theo vần như kiểu bài đồng dao "Bà Ba béo, bán bánh bèo..." của Việt Nam); Truyện cổ tích cắt đuôi, như kiểu "Chiếc cầu võng xuống" (nếu kể tiếp nó sẽ gẫy); "Bắt được con chim" (nếu kể tiếp, nó sẽ bay mất)... Về hình thức của truyện của tích, còn có các mục như: Câu mở đầu; Câu kết thúc... Đi vào các loại câu kết thúc của truyện cổ tích, có các mục: Ichigo sakaeta, là câu kết của truyện cổ tích có nghĩa "được hưởng giàu sang mãi mãi", nhằm gây ấn tượng cho người nghe; Hoặc câu kết: "Mukashi koppori" cũng là một trong loại câu kết thúc của truyện của tích, đại ý là "Chuyện ngày xưa kể đến đây là hết"... Hay câu Sou rou "Lúc khác tôi sẽ hầu tiếp"...
5. Mục 5: Motip. Gồm 43 mục từ. Một số motip tiêu biểu như: motip "sinh ra đứa bé tí hon" trong motip sinh nở thần kỳ là motip khá phổ biến trong truyện cổ tích Nhật Bản. Truyện Issunposhi (Pháp sư cao một tấc) là một trong truyện cổ tích điển hình về motip người tí hon; Motip Đốn củi thường thấy trong một số truyện cổ tích như Momotaro (Chú bé ra đời từ trái đào), Urikohime (Cô gái ra đời từ quả dưa), Keikono shibakari (Đứa trẻ mồ côi đi hái củi). Các motip khác có: motip Trị quỷ; Khung cửi dệt vải; Lớn một cách bất thường; Thi gan (như kiểu thi gan ban đêm một mình qua bãi tha ma); Động vật trả ơn; Giải quyết khó khăn (chủ yếu liên quan đến hôn nhân. Nhân vật truyện cổ tích phải vượt qua thử thách để đi đến hôn nhân, vợ chồng hạnh phúc); Xâm phạm thần thánh; Người biết về bí mật của thế giới linh thiêng; Sự giúp đỡ của lão bà; Sự thay đổi thư từ; Giấc mơ; Linh hồn du chơi; Phát hiện ra suối rượu (Người nghèo tìm ra nguồn suối rượu, từ đó trở nên giầu có); Vận mệnh con người; Khoản đãi người từ xa tới được báo đáp; Thật, không phải giả; Đến thăm đền Ise; Tặng đồ vật cho thần Nước; Xuống chơi Long cung; Người hoa; Vi phạm điều ngăn cấm; Chạy trốn; Nguồn gốc các lễ tết; Bùa hộ mệnh; Sinh mệnh bên ngoài cơ thể; Hỏi đáp với ma, quỷ; Tiếng nói của động vật; Đánh cờ; Báu vật được tìm thấy; Thần lửa; Người cho trọ lại; Chia của nhặt được; Động vật tranh hơn; Động vật cùng hiệp sức; Hồn ma báo thù; Kiếp trước của động vật; Bất hiếu.
Trong các motip trên, cũng dễ nhận ra những motip chung với truyền thuyết và truyện cổ tích được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ sau này của Việt Nam, như motip Đốn củi (Truyện Thằng Cuội cung trăng, Hà rầm hà rạc); Động vật báo ơn (Truyện con hổ hào hiệp, Cá thần... trong Lan Trì kiến văn lục, Truyện Cây khế, Truyện Tấm Cám); Motip Chia của (Hà rầm hà rạc); Motip trị quỷ (Truyện cổ rùa vàng, trong Lĩnh Nam chích quái, Đánh ma trong Lan trì kiến văn lục); Motip Giấc mơ (Truyện cổ Bánh chưng, Sông Tô Lịch, sách Lĩnh Nam chích quái; Truyện Bố Cái Đại vương, Truyện Mỵ Ê... trong Việt điện u linh; Chiêm bao chữa bệnh trong Nam Ông mộng lục, Mộng lạ trong Lan trì kiến văn lục...); Motip Động vật tranh hơn (Truyện con ve và con nhặng xanh tranh hơn trong sách Tân truyền kỳ lục, Gấu hổ chọi nhau trong Lan Trì kiến văn lục); Motip Đánh cờ (Truyện Đế Thích trong Công dư tiệp ký, Tiên trên đảo trong Lan Trì kiến văn lục) ...
Mục 6: Các yếu tố. Mục này gồm 141 mục từ, đề cập đến tất cả các yếu tố cấu thành truyện cổ tích.
Về nhân vật có: Ông già; Bà già; Con trai; Con gái; Con trưởng; Con út; Trẻ sơ sinh; Con rể; Con dâu; Bà cô; Mẹ ghẻ; Con nuôi; Vua; Trăm họ; Bậc trưởng giả; Kẻ nghèo hèn; Người ăn xin; Kẻ trộm cắp; Người đánh bạc; Người đun nước tắm.
Về động vật có: Khỉ; Chó; Mèo; Chó sói; Cáo, Hồ ly; Gấu; Hổ; Bò; Ngựa; Lợn; Thỏ; Chuột; Quạ; Diều hâu; Đại bàng; Chim; Chim sẻ; Yến; Oanh; Chim Vân tước; Gà; Chim trĩ; Hạc; Nhạn; Cú; Rắn; Rùa; Ếch; Cá; Côn trùng; Ong; Thằn lằn; Tằm; Bướm; Rết; Cua; Tôm, Ốc; Hến; Giun; Sao biển; Con sứa.
Về thực vật có: Cây; Cỏ; Hoa; Tùng; Trúc; Mai; Anh đào; Thị; Đào; Lê; Sắn dây; Lúa; Mạch; Hạt dẻ; Cây sơn; Tung lăng; Đậu; Khoai sọ; Dưa; Bí đỏ; Củ cải; Sen; Xương bồ; Mù tạt.
Về ăn uống có: Cơm; Bánh; Bánh bột hấp; Bánh Mẫu đơn; Rượu; Rượu ngọt; Thuốc lá; Muối; Tương.
Về nhà cửa có: Bếp lò; Nồi bắc trên bếp lò; Giá bếp; Ông đầu rau; Giếng; Nhà xí; Lửa; Nước.
Về đồ dùng có: Áo tơi; Nón; Guốc geta; Dép rơm; Quạt; Gương; Dao; Cung tên; Kim; Chỉ; Đũa; Bát; Đĩa; Giương (hòm) đựng quần áo hai tầng;  Bầu đựng nước; Cái môi; Nồi; Búa; Thùng đựng nước; Bình đựng nước; Lồng; Gùi; Thừng; Chão; Than; Tro; Đá đánh lửa; Tre (ống nứa) thổi lửa; Chổi.
Những cái khác gồm: Vàng; Châu báu; Phúc phận; Trát; Đèo; Cầu...
Mục 7: Truyện thế tục. Bao gồm 79 mục từ, giới thiệu 79 cốt truyện thế tục tiêu biểu ở các vùng miền khắp đất nước Nhật Bản, như Truyện về yêu quái và hồn ma; Truyện yêu quái Tengu làm đổ cây (Đêm khuya nghe tiếng búa chặt cây chan chát, tiếng cây đổ rầm rầm, sáng hôm sau nhìn ra thấy cây đổ nhưng cây cối chung quanh không hề bị dập nát); Truyện yêu quái cười (Trong rừng sâu, nghe tiếng cười to, hay tiếng cười của nhiều người, mọi người đều cho rằng đó là yêu quái cười); Truyện Bà già trong núi nuôi con; Truyện những người sống trong núi; Truyện bánh và đá trắng (Người đi săn nướng bánh ở ngôi nhà nhỏ trong núi, bỗng có nhà sư đi tới cướp lấy bánh ăn. Quen mui, ngày hôm sau ông ta lại đến. Người đi săn bèn nhào bột với đá trắng, nhà sư kia  ăn vào, sợ quá bèn bỏ chạy); Truyện thủy quái lôi ngựa xuống sông; Truyện thủy quái thích lực sĩ Sumo; Truyện chiếc thuyền của vong linh; Nữ yêu quái tuyết; Người vợ băng tuyết...
Trong số các truyện thế tục, tính chất vùng miền thể hiện khá rõ nét. Truyện kể về yêu quái tuyết, xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc Nhật Bản, những nơi mùa đông kéo dài, tuyết rơi dày đặc. Truyện liên quan đến loài rắn xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh phía Đông và Nam Nhật Bản, những nơi ấm áp, nhiều hồ, ao. Truyện liên quan đến vượn, chủ yếu tập trung ở các vùng phía Tây Nhật Bản ...
Mục 8: Truyền thuyết. Mục này giới thiệu 210 truyền thuyết của Nhật Bản. Bao gồm, truyền thuyết về Cây; Đá; Nước; Mồ mả; Gò đống, núi non; Từ đường; Nhà cửa; Lễ tế; Hỏi đáp với ma cây.
Truyền thuyết về cây thông gồm: Cây thông treo ô; Cây thông buộc ngựa; Cây thông treo yên; Cây thông treo cung; Cây thông treo áo cà sa; Cây thông treo áo; Cây thông treo nón; Cây thông khóc đêm; Cây thông yêu quái...Truyền thuyết về cây Sam (cây bách tán) gồm: Ma cây bách tán; Cây bách tán bị tên bắn; Đũa cây bách tán; Đại sư cây bách tán... Truyền thuyết về cây hoa anh đào, gồm: Cây gậy hoa anh đào (Các bậc quý tộc hoặc các vị cao tăng dùng gậy hoa anh đào chọc xuống đất, gậy lập tức mọc ra rễ, thành cây hoa anh đào); Sữa hoa anh đào; Cây anh đào mong con (Những người không có con, nhờ cầu tự mà có thai. Nếu buộc vào cây anh đào khi sinh nở sẽ "mẹ tròn con vuông", không gặp khó khăn)... Ngoài ra còn có truyền thuyết về Cây tre; Hạt dẻ; Cây thị; Cây mai; Cây đào; Cây khoai sọ...
Các truyền thuyết về đá gồm: Đá lực sĩ; Thần ném đá; Thi vác đá, ném đá; Đá sinh; Đá gương; Đá rớm máu; Đá đêm khóc; Đá hình bàn tay; Đá in dấu chân người ...
Các truyền thuyết về ao, hồ như: Ao niệm Phật; Ao bà già... Truyền thuyết về vực sâu: Vực đứa trẻ rơi; Vực cô dâu rơi; Vực cô gái rơi; Vực đàn tì bà; Vực khung cửu; Vực Long cung; Vực mượn đĩa......
Truyền thuyết về các ngôi mộ: Mộ ngàn người; Mộ tướng quân; Mộ Hoàng kim; Mộ chó; Mộ mèo; Mộ ngựa; Mộ hươu; Mộ cô gái ...
Truyền thuyết về núi: Núi Hitomokko (Công việc sắp xong, gà gáy sáng, báo hiệu thời gian đã hết, công việc vì thế không thể hoàn thành); Núi Kim kê (Nghe tiếng gà gáy trong núi chôn gà vàng). Truyền thuyết về khe núi, có Khe núi Lão bà; Khe núi nhà Heike; Chín mươi chín khe núi...
Truyền thuyết về Bồ Tát Địa tạng có Địa tạng chăm trẻ nhỏ (Địa tạng có khả năng giúp chúng sinh nuôi con khỏe, sinh nở an toàn...); Địa tạng thốt lời (Kẻ cướp giết người qua đường, qua bao năm giữ kín miệng, nhưng sau đó lại vô tình kể lại cho đứa con của người bị giết và bị đứa con đó trả thù); Địa tạng khiếm mũi (Địa tạng có khả năng giúp thoát nạn cho những ai luôn dốc lòng tín ngưỡng Địa tạng)... Truyền thuyết về các Dược sư , như Dược sư hổ (Dược Sư Như Lai hóa hổ, giúp người); Dược sư Mèo (Để trả ơn chủ nuôi nấng cẩn thận, sau khi chết, mèo hóa thành Dược sư phụng sự người chủ đó)...
Truyền thuyết về các con vật và đồ vật của chùa, như truyền thuyết về Con chó của chùa (Con chó trung nghĩa nhiều lần cứu chủ qua cơn nguy hiểm); Con mèo của chùa (Con mèo đền ơn chủ bằng cách giết con chuột đã hóa tinh); Chiếc nón của Địa tạng (Nhờ nón của Địa tạng mà khỏi bệnh)...
Mục 9. Mục Thần thoại, giới thiệu 57 mục từ có liên quan đến thần thoại, như là Thần thoại khai sáng, xuất hiện đầu tiền trong các thần thoại cổ điển của Nhật Bản như Kojiki (Cổ sự ký) và Nihonshoki (Nhật Bản thư kỷ), Manyoshu (Vạn diệp tập)... Khi trời đất mới phân chia, vũ trụ còn hỗn độn, lúc đó thần linh xuất hiện. Hai thần khai sáng nổi tiếng của Nhật Bản trong thần thoại là thần Niginagi và Izanami đã lấy nhau, kết quả của mối tình thắm thiết giữa hai thần là sự ra đời của những đứa con, sau trở thành những hòn đảo hùng vĩ và thơ mộng của Nhật Bản; Thần thoại Takamanohara, vốn là thần thoại trong Hoàng thất, được người sau bổ sung thêm. Thần thoại Takamanohara bắt nguồn từ truyện kể của tầng lớp quý tộc triều đình Yamato về tổ tiên Thiên hoàng Nhật Bản, truyện kể về tế tự, và truyện kể về sự ra đời của các dòng tộc nổi tiếng như là Nakatomi, Imibe, Ootomo, Mononobe mà từ việc kết hôn với con cháu của Thiên hoàng họ đã trở thành ngoại thích, nắm giữ hầu hết các việc quan trọng của triều đình như việc tế tự, chính trị, quân sự. Thần thoại Nenokuni là thần thoại về thế giới uminh, địa ngục, cửu tuyền. Thần thoại Yamatanorochi là thần thoại về chàng trai tên là Susano Omonikoto giết con trăn lớn có tám đầu, tám đuôi. Thần thoại Tsumaarasoi, kể về hai chàng trai tranh lấy một cô gái...
Mục 10: Diễn xướng, hát nói, diễn tích (kể chuyện có âm nhạc kèm theo) bao gồm 21 mục từ. Có thể đơn cử một vài thí dụ như: Truyện kể Shinodazuma là câu chuyện tình bi thương của người vợ hóa thân từ hồ ly, sau khi bị phát hiện đã hát câu cuối cùng "Nếu như được chàng yêu..." rồi bỏ vào rừng Shinoda. Truyện kể Oguri hangan là hình thức văn nghệ Katarimono được lưu truyền phổ biến trong dân gian như hình thức thuyết kinh Tịnh lưu ly... về câu chuyên tình bi ai giữa Oguri hangan với nàng Shojohime. Truyện kể Yuriwaka daijin, kể về người được anh hùng, Đại thần Yuriwaka sau khi viễn chinh trở về giữa đường bị gia thần làm phản, lừa đưa đến hòn đảo xa, sau nhờ có người giúp đỡ, đại thần trở về quê dẹp yên bọn nổi loạn...
Mục 11. Dân ca, Ca dao. Mục này giới thiệu 18 mục từ có liên quan đến dân ca, ca dao của Nhật Bản. Ví dụ, các khúc hát về ruộng đồng, khúc hát gắn liền với công việc đồng áng, từ lúc gieo mạ, nhổ mạ, bón thúc, nhổ cỏ. Khúc hát ở sân kho: khúc hát về các công việc sau khi thu hoạch lúa, như tuốt lúa, xay lúa, giã gạo... không kể ban ngày hay ban đêm, nhằm giúp người nông dân vui vẻ, hăng say hơn trong công việc. Khúc hát về biển, khúc hát gắn liền với cuộc sống sinh hoạt trên nước của các ngư phủ, kể cả lúc họ gia công chế biến thủy sản. Khúc hát về nghề nghiệp. Khúc hát gắn liền với một ngành nghề nhất định. Khúc hát lúc du chơi. Khúc hát lúc uống rượu. Khúc hát lúc làm lễ tế. Khúc hát của trẻ con. Khúc hát ru con....
Mục 12: Ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ, châm ngôn. Gồm 37 mục từ, ví dụ Tatoe kotoba (câu ví von), thường dùng kết thúc sau lời nói. Câu này dùng trong trường hợp đối với người uống nhiều rượu, mặt đỏ phừng phừng, người ta sẽ bảo với anh ta rằng: "Lửa đã bốc to rồi thì phải"... nhằm nhắc nhở người nghe tỉnh ngộ; Hay các câu khuyên răn: "Mộng hay không thể nói ra"; "Lúc vội vàng nên đi theo đường quen"; "Đầu con cá kim còn tin theo Phật"; "Nói dối cũng là của báu"; "Trú mưa dưới gốc cây nhỏ hơn dưới gốc cây to"; "Đồ cha mẹ vứt bỏ cũng chẳng nên coi thường"; "Phụ nữ cần cài châm lên tóc"; Tục ngữ nói về thời tiết: "Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước"; "Chim cắt chập chờn bay theo theo dòng nước thì mưa"...
Mục 13: Tư liệu cổ. Mục này giới thiệu 114 thuật ngữ và tác phẩm là các sưu tập truyền thuyết và truyện cổ dân gian của Nhật qua các thời đại.
Thời cổ đại có 27 tác phẩm như: Kojiki (Cổ sự ký); Nihonshoki (Nhật Bản thư kỉ); Fudoki (Phong thổ kí); Manyoshu (Vạn diệp tập); Kogoshui (Cổ ngữ thập di); Ni honreiki (Nhật Bản linh dị ký); Nihonkanreiroku (Nhật Bản cảm linh lục); Sanboekotoba (Tam bảo hội từ); Takemonogatari (Trúc thủ vật ngữ); Yamato monogata ri (Đại Hòa vật ngữ); Nihonhokke genki (Nhật Bản pháp hoa nghiệm ký); U jidainagon monogatari (Vũ trị đại nạp ngôn vật ngữ); Konjakumonogatarishu (Kim tích vật ngữ tập)...
Thời Trung thế có 36 các tác phẩm như Kojidan (Cổ sự đàm); Zokukojidan (Tục Cổ sự đàm); Ujishui monogatari (Vũ trị thập di vật ngữ); Shindoshu (Thần đạo tập); Umashimataro (Bồ Đảo Thái Lang), Issun boshi (Nhất thốn Pháp sư); Kotokono soshi (Tiểu nam thảo tử)...
Thời Cận thế có 18 tác phẩm, như Kikimimi soshi (Thính nhĩ thảo chỉ); Sei sui sho (Tinh Thụy tiếu); Hyaku monogata ri (Bách vật ngữ); Sorori kyokabanashi (Tằng Lã lợi cuồng ca chuyết)....
Thời Cận đại: không có tác phẩm nào.
Ngoài ra, trong mục này còn đề cập đến một số thuật ngữ như: Truyện kể Phật giáo: là các truyện kể có liên quan đến Phật giáo, song nội dung cũng khá đa dạng. Đặc biệt trong truyện kể Phật giáo Nhật Bản có sự pha trộn giữa truyện kể của Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc. Sự linh nghiệm của Thần, Phật: là những truyện do dốc lòng tụng kinh Phật, cầu xin Thần và Phật Bồ Tát nên được ứng nghiệm... Hay một số thuật ngữ về các bộ môn nghệ thuật của Nhật như Tuồng Nô; Cuồng ngôn... Một số thuật ngữ về phương pháp kể truyện dân gian như Saiwa (tiếng Anh là Retelling), chỉ việc viết lại cho người đời nay dễ hiểu các truyện thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích. Sáng tác truyện dân gian: có hai phương pháp, thứ nhất là hình tượng hóa một cách trung thực nội dung nguyên gốc truyện; thứ hai là hư cấu từ cốt truyện có sẵn... 
Mục 14: Nghiên cứu các địa phương. Bao gồm 66 mục từ, giới thiệu về truyện cổ tích và việc nghiên cứu truyện cổ tích ở tất cả các tỉnh trên toàn quốc Nhật Bản. Tính từ phía Bắc xuống có 44 tỉnh: Truyện cổ tích vùng Hokkaido; Aomori; Iwate; Akida; Yamagata; Fukushima; Ibaraki; Tochiki; Gunma; Saitama; Thủ đô Tokyo; Kanagawa; Niigata; Toyama; Ishigawa; Fukui; Yamanashi; Nagano; Gifu; Shizuoka; Ai chi; Mie; Shiga; Phủ Kyoto; Phủ Oosaka; Heigo; Nara; Wakayama; Tottori; Shimane; Okuyama; Hiroshima; Yamguchi; Tokushima; Kagawa; Ehime; Kochi; Fukuoka; Saga; Nagasaki; Kumamato; Ooita; Miyazaki; Kagoshima; Okinawa.
Các vùng miền có: Truyện cổ tích phía Bắc vùng Ouu; Truyện cổ tích vùng phía Bắc Kando; Truyện cổ tích vùng phía Nam Kantochu; Truyện cổ tích vùng đảo Izư; Truyện cổ tích địa phương Hokuriku; Truyện cổ tích vùng núi Trung Bộ; Truyện cổ tích vùng Tokai; Truyện cổ tích vùng Bắc Kinki; Truyện cổ tích vùng phía Nam Kinki; Truyện cổ tích vùng Sain; Truyện cổ tích vùng đảo Saitonaikai; Truyện cổ tích vùng Shikoku; Truyện cổ tích phía bắc Kyu shu; Truyện cổ tích vùng phía nam Kyu shuchu; Truyện cổ tích vùng đảo Amami.
Mục 15. Truyện cổ tích nước ngoài. Có 222 đơn vị từ, chia làm 5 tiểu mục nhỏ: Truyện cổ tích ở các châu lục; Các nhà nghiên cứu; Tư liệu cổ; Tạp chí in ấn thường kỳ và Các loại hình truyện cổ tích chủ yếu.
- Về Truyện cổ tích ở các châu lục. Ở châu Á có truyện cổ tích của các nước: Triều Tiên, Trung quốc, Mông Cổ, Phi líp pin; Indonexia, Việt Nam, Thái Lan, Mianma, Ấn Độ. Truyện cổ tích ở các nước cổ đại Tây Á có: Iran, Thổ nhĩ kì, Do Thái, Ả Rập.
Châu Âu: Các nước Latin, Liên bang Xô viết (Nga); Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Hà Lan, Đức; Australia, Thụy Sĩ, Itaria, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai Len; Phần Lan, Hungari, Romany.
Châu Phi: Truyện cổ tích cổ đại Ai Cập; Truyện cổ tích vùng phía Bắc Phi; Truyện cổ tích vùng phía Đông Phi; Truyện cổ tích vùng phía Tây Phi; Truyện cổ tích vùng phía Nam phi.
Châu Mỹ : Truyện cổ tích của Mỹ, Mê Hi Cô, Khu vực Ka ri bê, Truyện cổ tích vùng Andes; Brazil; Argentine; Chi lê.
Về các nhà nghiên cứu truyện cổ tích của nước ngoài, Từ điển giới thiệu 70 nhà nghiên cứu của các nước như Tôn Phổ Thái (1900- ?) (Triều Tiên); Lâm Lan (? - ?), Cố Hiệt Cương (1893-?), Lam Bồi Lư (? - 1938), Triệu Cảnh Thâm (1902-?), Chung Kính Văn (1903-?), Lũ Tử Khuông (1909-?) (Trung Quốc); A fana Siefu (1826-1871), Azado fusuki  (1888-1954); V.Ia.Prôp (1894-1970) (Nga); John Francis Campbell (1822-1885); Alexander Carmichael (1832-1912), William Alexander Clouston (1843-1896), Joseph Jacobs (1854-1916) (Anh);  Anh em Bruder Grimm, Theodor Beney (1809-1881) (Đức); Karl Haiding (1906) (Austria); Gustv Jung (1875-1961), Marie Louise von Franz (1915) (Thụy Điển); Giuseppe Pitrè (1841-1916),  Paolo Toschi (1916) (Italia); Emmanuel Cosquin (1841-1918), Henri Gaidoz (1842-1932), Paul Sébillot (1846-1919) (Pháp); Franz Boas (1858-1942), Aurelio Macedonio Espinosa (1880-1958), Stith Thompson (1886-1976) (Mỹ)...
Về các tư liệu cổ ở nước ngoài, Từ điển giới thiệu 59 tác phẩm là các sưu tập truyền thuyết, truyện cổ tich nổi tiếng của các nước, như Tam quốc di sự, Hưng Phu truyện (Triều Tiên); Sưu thần ký, U Minh lục, Dị uyển, Thuật dị ký, Bách dụ kinh, Minh báo lục, Pháp uyển Châu lâm, Tây dương tạp tồ, Thái Bình quảng ký, Di kiên chí, Tiếu phủ, Liêu trai chí dị, Thu đăng tùng thoại, Tử bất ngữ, Duyệt vi thảo đường bút ký, Tiếu lâm quảng ký (Trung Quốc); Sidintuhegurun cedikg (Mông Cổ); Suka Saptati (Indonexia); Mahabharata, Ramayana, Hitopadesa (Ấn Độ); Nghìn lẻ một đêm, Bảy người hiền (Ả Rập); Truyện kể về cáo (Đức-Pháp); Truyện cổ tích Grimm (Đức); Một trăm truyện cổ (Italia); Truyện kể Pe ro (Charles Perrault) (Pháp); Bá tuớc Lucanor (Tây Ban Nha); Truyện cổ tích Unele Remus (Mỹ).
Về các tác chí xuất bản định kỳ, có Văn nghệ dân gian, Tạp chí tuần Dân tục, Tạp chí tháng Dân gian, Văn học dân gian (Trung quốc); Tạp chí Tocher (Anh); Tạp chí Fabula (Đức); Tạp chí Dân tục học của Mỹ - Journal of American Folklore (Mỹ).
Các loại hình truyện kể nước ngoài chủ yếu được giới thiệu qua 31 mục từ. Các cốt truyện khá tiêu biểu như Truyện chú sói và bảy con dê (Anh) thuộc loại truyện cổ tích động vật kể về các con vật nhỏ gặp tai họa; Hình nộm Tar, truyện kể về việc dùng hình nộm bắt cướp; Diệt rồng là cốt truyện trị yêu quái nổi tiếng nhất trong các truyện cổ tích ở các nước Châu Âu; Gấu John là truyện kể về người anh hùng được sinh ra kỳ lạ, nhờ đó mà có pháp thuật đối phó với kẻ địch có sức mạnh siêu cường; Truyện linh hồn quỷ trong quả trứng; Râu xanh là truyện kể về người em trai hay người em gái cứu người chị bị kẻ cướp lấy của cải hoặc bị cưỡng hôn; Hạt đậu của Jack là một trong câu chuyện tiêu biểu về chàng Jack, một người lười biếng và không có dũng khí, song luôn gặp may mắn; Cô bé quàng khăn đỏ, thuộc loại truyện cổ tích tiểu biểu của Âu Mỹ kể về truyện cô bé bị chó sói đánh lừa; Truyện người chồng đi tìm vợ là truyện kể về một chàng trai tắm ở suối bị chim trắng giấu mất quần áo, sau kết hôn với cô gái đem trả lại quần áo (cô gái do chim trắng hóa thành)... 
II. MỘT SỐ MỤC TỪ CỤ THỂ
1. Truyền thuyết
Cách gọi cổ nhất của truyền thuyết là "truyền miệng" hay "được kể như vậy". Tiếng Anh là legend, tiếng Pháp là légende và tiếng Đức là sage. Đó là những câu chuyện có thực, đáng tin có liên quan trực tiếp đến sự việc cụ thể. Nhờ bảo lưu những chi tiết có thực nên có thể nói nó gần với thần thoại, song thần thoại là câu chuyện về các thánh thần còn truyền thuyết là truyện kể về những con người mẫu mực ở thời đại đó. Vì truyền thuyết có những điểm thuộc về thời đại của con người cho nên nó cũng  gần với thế giới của truyện cổ tích, tuy nhiên truyện cổ tích có điểm khác biệt rất lớn so với truyền thuyết ở chỗ nó có tính hư cấu. Ngày nay, trên quan điểm của các nhà dân tục học (Folklore học) Nhật Bản, nếu đưa ra những điểm khác nhau giữa truyền thuyết và truyện cỏ tích thì có lẽ có mấy điểm sau đây:
Thứ nhất, nếu truyền thuyết là những câu chuyện có thực, đáng tin thì cổ tích không thể gọi là những câu chuyện có thực. Những câu chuyện đó được kể lại bao hàm cả sự hư cấu của người kể và [người ta ] thường nói: "chuyện đó không biết có thực thế không?".
Thứ hai, nếu truyền thuyết là sự kết hợp với thời đại, nhân vật và địa điểm đặc biệt đã được xác định với tư cách là những câu chuyện được kể với những chứng cứ sự việc đặc biệt đã định, thì truyện cổ tích được kể với những thời đại, nhân vật và địa điểm không xác định, thường được bắt đầu bằng câu: "Ngày xửa ngày xưa", hay "Ở một làng nọ có một người...".
Thứ ba. Nếu truyền thuyết không có một hình thức nhất định trong khi kể và nó chủ trương làm nổi bật tính hiện thực bằng mọi cách thì truyện cổ tích được mở rộng vào thế giới tưởng tượng theo một hình thức kể chuyện nhất định.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào nội dung của truyền thuyết và cổ tích thì chúng ta rất khó có thể phân biệt được sự khác nhau giữa truyền thuyết và truyện cổ tích. Có không ít motip được dùng chung cho cả truyền thuyết và cổ tích và thỉnh thoảng cũng có những cốt truyện giống nhau giữa cổ tích và truyền thuyết. Nếu nhìn vào tính hiện thực của truyện cổ tích thì cũng thấy chúng có nhiều điểm giống với truyền thuyết. Ví dụ có thể thấy tính hiện thực ở không ít truyện cổ tích về các lễ tết trong năm hay nguồn gốc của những câu thành ngữ, tục ngữ. Tuy nhiên, cũng không thể phủ định trong trường hợp này, những truyện cổ tích có sự liên quan với những từ ngữ đã được dùng trong truyện kể mang tính truyền thuyết với những yếu tố được thể hiện qua lễ hội được truyền lại cho tới thời hiện đại. Truyện Kiếp trước của con chim nhỏ được xếp ở loại truyện các loài muông thú, nhưng có người nhất định xếp nó vào loại truyền thuyết về nguồn gốc "con chim nhỏ". Giả sử cứ phân loại như thế, sẽ sớm bị phê phán. Còn nếu nói về truyện kể nguồn gốc bằng sự khác nhau giữa các vùng trong các truyện kể ngày nay thì cái hiện thực mang tính truyền thuyết trong các truyện cổ tích, nhất là những truyện cổ tích ở các đảo phía Tây nam, trong đó có các truyện cổ tích ở vung Miyako hay các hòn đảo ở Hatsujuzan hầu như đều được coi là truyện kể về nguồn gốc. Những truyện cổ tích ở ta có thể nói rất gần với truyền thuyết. Yanagida Kunio (Liễu Điền QuốcNam) trong tác phẩm Nhật Bản truyền thuyết danh vựng đã phân loại truyền thuyết ở nước ta thành 6 loại: 1. Cây; 2. Đá, đồi; 3. Nước; 4. Mộ; 5. Gò đèo, núi; 6. Từ đường. Việc phân loại theo sự vật, hiện tượng trong tự nhiên để hình thành nên các yếu tố của truyền thuyết được coi là cách lí giải dễ nhất cho quan niệm dân tộc thông qua truyền thuyết của người Nhật Bản. Hoặc nếu có thể thêm một số hạng mục như Nhà, thôn; Tế lễ vào việc phân loại của nước ta có thể sẽ bao quát hơn.
Tuy nhiên, hiện nay do phạm vi của truyền thuyết rất rộng nên người ta cũng đã sử dụng phương án phân truyền thuyết thành ba loại: Truyền thuyết thuyết minh; Truyền thuyết mang tính lịch sử và Truyền thuyết mang tính tín ngưỡng. Cũng có thể nói đó là phương án phân loại của các nước văn minh mà trong đó có lẽ tính hiện thực của truyền thuyết sẽ bị mất. Đối với nước ta, truyền thuyết cũng như trước, thể hiện rõ ở việc lưu truyền sâu rộng tín ngưỡng dân gian. Nhờ thế, việc lý giải về sự thay đổi của truyền thuyết cũng trở nên dễ dàng. Hoặc cũng không khó để làm rõ những người nhiệt tâm truyền tải truyền thuyết. Bởi vì, những người kể truyền thuyết là những người có quan hệ mật thiết đối với tín ngưỡng dân gian. Họ là những người hành nghề tôn giáo đi truyền đạo ở các nơi, hoặc là những người làm nghề bói toán, đồng cốt. Những người này ở thời Trung thế trở đi là những Yamabushi (Sư tăng tu hành trên núi); những người ở Rikubu (Lục bộ); những người niệm Phật và Zato (Người vừa gẩy đàn Zamisen, hoặc đàn tì bà, đàn tranh vừa kể chuyện). Họ là những người hành nghề tôn giáo phiêu bạt ở các nơi, có thể kể ra như các Miko (cô đồng), Tì khưu niệm Phật, hoặc Goze (Những người đàn bà mù ăn xin, vừa gẩy đàn zamisen vừa hát). Đương nhiên, họ không phải là những người kể đầu tiên. Họ không chỉ là những người làm cho mọi người tin vào lời của thần, mà còn đem niềm tin cho những người nắm giữ truyền thuyết. Họ là những người trong cùng một nhà hay một họ cùng làm nghề truyền bá sự tích của thần và tổ tiên. Họ là những người làm nghề đồng cốt trông nom việc tế thần của một nhà hay một dòng họ. Họ khác với những người kể truyện lần đầu, vì họ thêm thắt rất nhiều và làm mất đi tính địa phương của truyền thuyết. Cũng có khi lại đưa truyện cổ tích hoặc truyện kể dân gian vào truyền thuyết. Văn nghệ dân gian của nướcta chịu ảnh hưởng rất lớn của những người lang thang hành nghề tôn giáo này.
Tài liệu tham khảo: Truyền thuyết; Cây suy nghĩ, đá nói chuyện của Yanagida Kunio (Liễu Điền Quốc Nam. Nxb. Chikuma shobo; Khẩu thừa văn nghệ sử khảo (Khảo về lịch sử văn nghệ truyền miệng), Nxb. Chikuma shobo; Dân thoại (Truyện kể dân gian) của Kan Keigo, trong Nhật Bản dân tục học đại hệ 10, năm Showa thứ 33. [Mục từ này do Fukuda Akira (Phúc Điền Hoẳng) viết].   
2. Thuyết thoại (Setsuwa)
Setsuwa (từ đây chúng tôi gọi là thuyết thoại) là cách gọi chung cho các truyện được kể theo một chủ đề nhất định. Khái niệm này được sử dụng rộng rãi trong giới nghiên cứu. Trong văn học Nhật Bản, người ta phân loại văn học tự sự thời Thượng đại (khoảng trước sau thời đại Nara, 71- 784) thành thần thoại, truyền thuyết, thuyết thoại. Thuyết thoại, ngoài thần thoại và truyền thuyết còn được quan niệm là thể loại có dây mơ rễ má với văn xuôi tự sự. Hoặc, người ta coi thuyết thoại là các câu chuyện ngắn, không tuân theo những quy định nghiêm ngặt, khác xa với thể loại monogatari là dòng chủ lưu của tản văn thời kì Heian (khoảng 400 năm từ thời Thiên hoàng Kanmu 737 - 806 cho đến Kamakura Bakufu 1206). Sau thời kỳ Heian, các sưu tập về thuyết thoại chủ yếu là các truyền thuyết về kinh Phật ở các chùa chiền, tuy được kể thành từng chuyện, nhưng vẫn như trước, thuyết thoại chỉ được coi là một thể loại tản văn mang tính "đoản thiên" và "sắp xếp các tình tiết câu chuyện" mà thôi. Hơn thế nữa, trong văn học Nhật Bản, thuyết thoại được dùng để gọi chung không hạn định cho loại hình truyện kể dân gian, truyện truyền miệng đã được văn bản hóa. Cũng có nghĩa trong văn học Nhật Bản, thuyết thoại được sử dụng một cách khá linh hoạt. Trong lĩnh vực Dân tục học Nhật Bản, các nhà nghiên cứu ít dùng thuật ngữ thuyết thoại, nhưng đối với những truyện kể dân gian được định hình bằng chữ Hán, thì mọi người lại thường xuyên sử dụng thuật ngữ thuyết thoại. Với nghĩa rộng, nó bao gồm cả truyện kể Phật giáo, truyền thuyết dân gian, truyện cổ tích và truyện thế tục, trong đó có cả truyện cười, truyện châm biếm...
Nhưng, cái gọi là truyện (Hanashi) thì khác với thể loại diễn trò, diễn tích (Katari) vì diễn trò, diễn tích thường có âm nhạc kèm theo. Còn nếu là truyện có tính đời sống thường nhật thì không thể coi những truyện đó là truyền thuyết hoặc truyện cổ tích. Truyền thuyết thỉnh thoảng cũng được kể lại bằng cách diễn trò, nhưng cách kể truyện cổ tích bằng lối diễn tích cũng bị người ta phê phán. Vì vậy nội dung của truyện kể chủ yếu là các chuyện xẩy ra trong đời sống xã hội, còn thuyết thoại, theo cách nói của Dân tục học thì gần đây ít xẩy ra, hoặc có xẩy ra thì cũng được coi là thuyết thoại do người ta đồn thổi những sự kiện kì lạ mà thôi. Thuyết thoại đó, tức là nói theo lịch sử của truyện (Hanashi) thì thường được biểu hiện bằng các từ được đặt trước và sau câu chuyện như là "Truyện rằng", "Truyện này thật lạ", hay là cách đánh lưỡi "chậc chậc" [tỏ ý khen ngợi hoặc tiếc nuối của người kể]. Từ thời Cổ đại, người ta đưa các từ mào đầu vào trong cách kể Katari và kỹ năng này sớm đã có sự khác biệt. Katari vốn được bắt đầu bằng việc một cô đồng tự xưng lời thần thánh tôn nghiêm, và nó trở thành nguồn Katari của Saniwa (người có vai trò truyền đạt với thần thánh), truyền lại cho những người tham dự về lời của thần thánh. Những thuyết thoại như vậy, các sự việc xẩy ra thường được kể lại một cách khách quan. Và nếu được trình bày một cách khách quan, nó sẽ bao hàm cả lời phê phán, thi thoảng còn có dụng ý chê cười. Truyện cười là một bộ phận của truyện cổ tích, về phương diện đó, truyện kể (Hanashi) lẽ đương nhiên cũng sẽ thuộc thế giới của thuyết thoại (Xem thêm Văn học thuyết thoại; Truyện thế tục).
Tài liệu tham khảo: Yanagida Kunio (Liễu Điền Quốc Nam): Khảo về lịch sử văn nghệ truyền miệng. Nxb Chikuma shobo; Takagi Ichinosuke: Thuyết thoại là gì, trong sách Thuyết thoại của Nhật Bản. Showa thứ 49 (1974). Nxb. Mỹ thuật Tokyo. Fukuda Akỉ ra (Phúc Điền Hoẳng): Những truyện về các thần, trong Thuyết thoại của Nhật Bản. Showa năm thứ 50 (1975). Nxb. Mỹ thuật Tokyo [Mục này do Fukuda Akira viết].
3. Sưu tập thuyết thoại.
Sưu tập thuyết thoại là cách gọi chung các tác phẩm biên tập các truyện của thuyết thoại. Sưu tập thuyết thoại lấy văn học thuyết thoại làm hạt nhân, tùy theo tính chất của thuyết thoại và ý đồ của người biên tập mà được biên tập thành những sưu tập thuyết thoại. Nó khác với hệ thống khác hoặc các nhóm khác ở chỗ tùy theo tính chất của thuyết thoại được sưu tầm và ý đồ của người biên soạn mà trở thành sưu tập thuyết thoại mang tính tôn giáo, mang tính giáo huấn, hoặc giải trí cho người đọc. Với hình thức là tác phẩm văn học nhưng lại không phải văn học thì đó là những sưu tập thuyết thoại cổ nhất, nó có sinh mệnh dài nhất vì được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Ngược trở lại với các sưu tập thuyết thoại ra đời trước công nguyên, đặc biệt là các tác phẩm cổ của Ấn Độ, Trung Quốc, Girishia, có thể thấy sưu tập thuyết thoại cổ nhất trên thế giới có thể kể đến các tác phẩm như Truyện kể AEdop, thời cổ đại Bồ Đào Nha, ra đời vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên; Nghìn lẻ một đêm, Truyện kể Jataka (Phạn ngữ), thời Ấn Độ cổ đại; hay các truyện chí quái thời Hán, Ngụy, Lục triều của Trung Quốc. Ngoài ra còn các sưu tập thuyết thoại trong Kinh Phật, Đạo Yudaya, trong Kinh thánh đạo Thiên chúa. Sưu tập thuyết thoại cổ nhất bằng tản văn và tản văn cũng là hình thức chủ yếu của thuyết thoại. Nó vốn là thuyết thoại truyền miệng được ghi chép lại, song tùy theo từng thời đại mà người ta cũng có thể dẫn ra nhiều ví dụ về các sưu tập thuyết thoại được ghi chép từ các tập thuyết thoại có trước hoặc trong các tư liệu cổ. Thông thường, các sưu tập thuyết thoại đều là sự tập hợp những thuyết thoại được ghi chép trung thành theo lời kể dân gian. Nó tuyệt đối không phải là những sưu tập do người biên soạn tự sáng tác hoặc thêm bớt vào bằng bất kì lý do nào. Vì vậy trong các sưu tập thuyết thoại, tư liệu chủ yếu là những thuyết thoại truyền miệng trong dân gian. Tất nhiên trong quá trình ghi chép, chỉnh lý, người ta có thể thay đổi hình thức và cách biểu hiện bằng phương pháp ghi chép văn học, song cũng không ít trường hợp dừng lại ở cách kể tự nhiên gốc truyện trong dân gian.
Sưu tập thuyết thoại cổ nhất của nước ta hiện còn là Nihonreiiki (Nhật Bản linh dị ký) 日 本 靈 異 記, ra đời vào năm Konin 14 (823), tác giả là nhà sư Kekai 景 戒. Ra đời vào đầu thời kỳ Heian, Nhật Bản linh dị ký là sưu tập thuyết thoại Phật giáo được coi là di sản của văn học thuyết thoại Phật giáo thời kỳ Nara. Nội dung  của nó là các thuyết thoại Phật giáo của Nhật Bản được tôn giáo sử dụng lưu truyền ở thời Nara, chủ yếu nói về thuyết nhân quả báo ứng với mục đích giáo hóa, răn dạy người đời. Tác phẩm cũng chịu ảnh hưởng lớn từ việc tiếp xúc với các sách vở của Trung Quốc được truyền đến Nhật Bản thời bấy giờ. Cũng còn có ý kiến khác nhau về thời điểm của Nhật Bản linh dị ký, nhưng cũng phải nói rằng sự ra đời và phát triển của sưu tập thuyết thoại ở nước ta có mối quan hệ mật thiết với Phật giáo, đặc biệt nó có duyên sâu đậm với các hoạt động tôn giáo. Sau Nhật Bản linh dị ký, vào thời đại Heian đã xuất hiện rất nhiều sưu tập thuyết thoại Phật giáo. Sự ra đời một cách đa dạng các sưu tập thuyết thoại phản ánh tình hình tiếp nhận tín ngưỡng và động thái của thế giới Phật giáo bấy giờ nhằm làm cho tín ngưỡng Phật giáo ở các nơi trở nên sâu sắc, hoặc nhằm mục đích thuyết giảng Kinh Phật và giáo hóa.
Cùng phả hệ với Nhật Bản linh dị ký còn có Nihon kanrei roku (Nhật Bản cảm linh lục) 日 本 感 靈 錄, do nhà sư Gisho 僧 義 詔 soạn vào năm Kasho thứ 3 (850); Sanboeji (Tam bảo hội từ) 三 寶 繪 詞 do Gentame Nori 源 為 憲 biên soạn vào năm Eikan thứ 2 (984); Nihon ojyo kyorakuki (Nhật Bản vãng sinh cực lạc ký 日 本 往 生 極 樂 記 do Yoshishige Yasutane 慶 滋 保 胤 soạn vào Kan wa thứ 2 (986). Các truyện vãng sinh, tín ngưỡng Pháp Hoa kinh như Nihon hotsuke genki (Nhật Bản pháp hoa nghiệm ký) 日 本 法 華 驗 記 (1044) hay Uchigikishu (Đả khai tập) 打 開 集 (1134) đều do  nhà sư Chingen 僧 鎮 源 biên soạn. Tất cả các tác phẩm kể trên đều là truyện kể Phật Giáo. Cùng phả hệ này đến đầu thế kỷ 12 (1110) còn có tác phẩm Hotsuke shuho itsuhyaku kikigaki sho (Pháp Hoa tu pháp nhất bách tòa văn thư sao) 法 華 修 法 一 百 座 聞 書 抄, được coi là tư liệu quan trọng để tìm hiểu về tình hình thuyết kinh (giảng giải kinh Phật) thời bấy giờ. Sang đầu thế kỷ thứ X, nở rộ phong trào sưu tầm, ghi chép truyện cổ tích, truyện lạ trong dân gian. Đi đầu là tác phẩm Zengehiki (Thiện gia bí kí) 善 家 秘 記 của Miyoshiki Kyotsura 三 善 清 行; thứ hai là Kike kaii jitsu roku (Kỉ gia quái dị thực lục) 紀 家 怪 異 寔 錄. Cả hai tác phẩm đều là sưu tập truyện quái dị được viết bằng Hán văn và đều là tác phẩm chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chí quái thời Lục triều, thời Đường. Có thể nói, sự ra đời của thuyết thoại Nhật Bản, bao gồm cả truyện kể Phật giáo đều xuất phát từ việc coi trọng các cuộc tiếp xúc với các sách vở đến từ Trung Quốc.
Sau khi chữ Kana ra đời, phong trào ghi chép truyện kể dân gian ngày một phát triển. Đầu thế kỷ thứ XII, Konjakumonogatarishu (Kim tích vật ngữ tập) 今 昔 物 語 集 - tác phẩm ghi chẻp truyện dân gian đồ sộ ra đời. Kim tích vật ngữ tập không chỉ là sưu tập truyện kể Phật giáo mà còn là tác phẩm mang tính thế giới, bao quát vào nó cả truyện thế tục không chỉ của Nhật Bản, mà còn có cả truyện kể dân gian Ấn Độ và Trung Quốc. Đến sau thời kì Kamakura 鐮 鎗 (1333) thuyết thoại tuy không ra khỏi khuôn khổ cơ bản đã được định hình từ thời Heian 平 安 đó là ghi chép truyện kể Phật giáo và thế tục, nhưng số lượng tác phẩm đã tăng một cách mạnh mẽ, nội dung cũng phong phú hơn rất nhiều. Có thể nói từ thời kì đầu Kamaku ra đến Trung kì là thời đại của thuyết thoại, trong đó nổi tiếng có Kojidan (Cổ sự đàm) 古 事 談, Zoku kojidan (Tục cổ sự đàm) 續 古 事 談, Kokonchomonjyu (Cổ kim trứ văn tập) 古 今 著 聞 集 là những sưu tập truyện kể Phật giáo và dân gian của tầng lớp quý tộc quan nhân có hứng thú với thuyết thoại và cổ thư. Một số tác phẩm thuyết thoại được viết theo lối Kana như Ujishuimonogatari (Vũ trị thập di vật ngữ) 宇 治 拾 遺 物 語, Kohonsetsuwashu (Cổ bản thuyết thoại tập) 古 本 說 話 集, Kon monogatari (Kim vật ngữ) 今 物 語. Một số tác phẩm như Hasshinshu (Phát tâm tập) 發 心 集, Shen jyu sho (Soạn tập sao) 撰 集 抄... ra đời do nhu cầu học đạo, tìm đến cuộc sống tu thân thanh tịnh của những người muốn xuất gia lánh đời. Những thuyết thoại mang nội dung giáo huấn, dạy cách ứng xử, nổi tiếng có sưu tập thuyết thoại của ba nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản như Shijuhyakuinnenshu (Tư tụ bách nhân duyên tập) 私 聚 百 因 緣 集, Chukosenjyu (Chú hảo soạn tập) 注 好 撰 集, và các tác phẩm khác như Hobutsushu (Bảo vật tập) 寶 物 集, Shasekishu (Sa thạch tập) 沙 石 集, Sotanshu (Tạp đàm tập) 雜 談 集. Trong đó đáng chú ý có Shindoshu (Thần đạo tập) 神 道 集, được chùa Angu biên soạn vào thời Nam Bắc triều (1336-1392); Ngoài ra còn có Sangokutenki (Tam quốc truyện ký) 三 國 傳 記 được biên soạn vào đầu thời Muromachi (1392-1573) vừa là sưu tập thuyết thoại nối theo truyền thống của Konjakumonogatarishu (Kim tích vật ngữ tập) 今 昔 物 語 集 và Shijuhyakuinnenshu (Tư tục bách nhân duyên tập) 私 聚 百 因 緣 集, vừa là thuyết thoại của thời Tam quốc. Từ cuối thời Muromachi đến sơ kì thời Cận thế đã xuất hiện các truyện quái dị và tiếu lâm như Kiisotanshu (Kì dị tạp đàm) 奇 異 雜 談 và Seisuisho (Tỉnh thụy tiếu) 醒 睡 笑, tuy nhiên những sưu tập thuyết thoại truyền thống ngày càng thưa, và mai một dần trong phong trào văn học mới Genre (Janru) (thơ, tiểu thuyết, hí khúc). Người ta đã đưa một phần của thuyết thoại thời cận thế vào Kanajoshi (đoản biên tiểu thuyết thời kỳ Edo) và Hanashiban, một phần được đưa vào Tùy bút. Độ dày của các sưu tập thuyết thoại thời cận thế đã được tổng hòa một cách thực chất hơn so với các thuyết thoại được biên soạn ở thời cận đại và chiếm một vị trí khá quan trọng trong lịch sử văn học Nhật Bản. Số lượng các tác phẩm cũng nhiều hơn, trong đó đáng chú ký có Dodansho (Giang đàm sao) 江 談 抄, Fukego (Phú gia ngữ) 富 家 語, Chugaisho (Trung ngoại sao) 中 外 抄 ... là các thuyết thoại ghi chép truyện kể của các gia tộc lớn; Kyogunsho (Giáo huấn sao) 教 訓 抄, Zokukyogunsho (Tục giáo huấn sao) 續 教 訓 抄... là các thuyết thoại bằng tranh vẽ cuộn thu thập các truyện lợi sinh và duyên khởi của thần Phật. Về thuyết thoại kỹ nghệ có các tác phẩm Kyogunsho (Giáo huấn sao) 教 訓 抄, Zoku kyogunsho (Tục giáo huấn sao) 續 教 訓 抄; hay các tập xướng đạo có Gensenshu (Ngôn tuyền tập) 言 泉 集 và Tenborinsho (Truyền pháp luận sao) 轉 法 論. Đây là những tác phẩm không thể thiếu khi nghiên cứu Setsuwashu của Nhật Bản. Quả thực số lượng các sưu tập thuyết thoại của Nhật Bản chỉ nói một lời là hết nhưng giá trị mà nó đem lại vô cùng lớn, đặc biệt cho việc nghiên cứu về truyện kể dân gian mà đầu tiên là truyện cổ tích Nhật Bản (Nihonmukashibanashi). Tuy nhiên các thuyết thoại cho đến nay vẫn chưa được chỉnh lý và sử dụng một cách có hiệu quả. Việc phân loại tuy đã dựa vào tính cách và nội dung của thuyết thoại song vẫn chưa đạt đến cách phân loại mang tính tổ chức, tính tổng hợp để có thể bao quát được toàn bộ những thủ pháp nghệ thuật, hình thức biên tập hay ý đồ biên tập với đối tượng là toàn bộ tác phẩm. Việc khảo sát các sưu tập thuyết thoại mới chỉ dừng ở việc khảo sát một bộ phận như cốt truyện, moip, và đó vẫn còn là vấn đề tồn tại của tương lai./.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved