Home » » KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRƯỚC MÁC

KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRƯỚC MÁC

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012 | 11:25

KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRƯỚC MÁC
CHƯƠNG II
KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRƯỚC MÁC


Mục tiêu

Sau khi học xong chương này anh/chị sẽ hiểu và nắm được những điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội và đặc điểm cơ bản của triết học từng thời kỳ. Trên cơ sở đó thấy được sự phát triển của triết học như một dòng chảy tuân theo những quy luật chung và xét đến cùng lịch sử triết học do tồn tại xã hội quy định. Đặc biệt, phải hiểu được những nội dung cơ bản của tư tưởng yêu nước Việt Nam.

Nội dung

A. TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG

I. TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ CỔ, TRUNG ĐẠI

1. Hoàn cảnh ra đời và đặc điểm của triết học Ấn độ cổ, trung đại

Về điều kiện tự nhiên, Ấn Độ cổ đại là lục địa lớn ở phía nam châu Á có đại hình rất trái ngược nhau. Văn hoá Ấn Độ cổ, trung đại được chia làm ba giai đoạn:

Thời kỳ văn minh sông Ấn với đặc trưng cơ bản là văn minh Harappa - văn minh thành thị (khoảng 2500 TCN).

Thời kỳ Vêđa. Đây là thời kỳ các bộ lạc Arya từ trung Á xâm nhập vào Ấn Độ, đã hình thành nên các tác phẩm văn học có tên là Vêđa (khoảng 1500TCN).

Thời kỳ 1000 năm TCN. Đây là thời kỳ sôi động của Ấn Độ, có hệ thống số đếm, số thập phân, có lịch khá chính xác và những bộ sử thi nổi tiếng Mahabharata và Ramayana.

Nhìn chung, công xã nông thôn tồn tại dai dẳng; ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước; sự phân chia đẳng cấp khắc nghiệt.

Đặc điểm triết học ấn Độ cổ-trung đại

Thứ nhất, nhìn chung các trường phái triết học Ấn Độ cổ-trung đại thường có sự chuyển từ thế giới quan duy vật sang thế giới quan duy tâm, còn chịu ảnh hưởng nhiều của tôn giáo.

Thứ hai, triết học Ấn Độ cổ-trung đại phát triển từ từ chậm chạp ít có bước đột biến, nhảy vọt; đề cập nhiều tới vấn đề tâm linh, giải thoát.

Thứ ba, triết học Ấn Độ cổ-trung đại thể hiện tư duy lôgic chặt chẽ, có hệ thống cao, kế tục các trường phái trước mà không gạt bỏ.

Thứ tư, triết học Ấn Độ cổ-trung đại có tư tưởng biện chứng chất phác và thể hiện tinh thần nhân bản cao.

2. Tư tưởng triết học Phật giáo

Triết học Ấn Độ đa dạng, phức tạp, chúng ta tập trung vào các hệ thống triết học Ấn Độ thời kỳ Bà-la-môn giáo và Phật giáo là chủ yếu. Thời kỳ này, thông thường chia triết học Ấn Độ thành 9 trường phái, trong đó 6 phái chính thống (thừa nhận tính đúng đắn của Veda hay của Upanisad) gồm: Mimamsa; Vedanta; Samkhya; Yoga; Nyaya; Vaisesika và 3 phái không chính thống (không thừa nhận Upanisad) gồm: Lokayata; Phật giáo và Jaina giáo.

Trong 9 trường phái này thì Phật giáo ảnh hưởng nhiều nhất đến Việt Nam. Phật là âm Hán Việt của từ Buddha (nghĩa đen là giác ngộ). Phật giáo do Sakyamuni (Thích - ca - mau - ni) sáng lập.

Thế giới quan Phật giáo thể hiện qua 4 điểm. Vô tạo giả - nghĩa là không có kẻ sáng tạo đầu tiên ra vũ trụ; vô ngã - tức là không có cái tôi vĩnh hằng; vô thường - tức là luôn luôn biến đổi và nhân quả tương lục - nhân và quả liên tục không gián đoạn và không tạp loạn. Có thể nói, về thế giới quan Phật giáo có tư tưởng duy tâm chủ quan, mặc dù là vô thần.

Nhân sinh quan Phật giáo thể hiện ở tứ thánh đế (bốn chân lý diệu kỳ). Một là khổ đế - học thuyết về nổi khổ, cho rằng đời người là bể khổ, ít nhất có 8 nổi khổ: sinh, lão, bệnh, tử, thương yêu nhau mà phải xa nhau, ghét nhau mà phải sống chung với nhau, mong mà không được và ngũ thụ uẩn khổ (nghĩa là do có 5 yếu tố mà cấu tạo nên con người, có con người vậy là khổ). Hai là tập đế hay nhân đế - chỉ ra nguyên nhân của nổi khổ. Theo Phật giáo có 12 nguyên nhân làm cho con người khổ: vô minh - tức ngu muội; hành - tác động để nghiệp hoạt động; thức - sự ý thức; danh (ý thức); sắc (vật chất) - là 2 thứ thống nhất tạo nên con người; lục nhập - tức là sự tác động vào các cơ quan cảm giác; xúc - sự tiếp xúc giữa sự vật với cơ quan cảm giác; thụ - có cảm giác; ái - ham muốn; thủ - chiếm lấy; hữu - là tồn tại; sinh - là sinh ra; lão, tử - là già và chết. Ba là diệt đế - tiêu diệt nguyên nhân nỗi khổ làm cho con người bừng sáng. Bốn là đạo đế - con đường diệt khổ. Muốn diệt khổ phải thực hiện Bát chính đạo - là tám con đường chân chính: chính kiến - hiểu biết đúng đắn về tứ đế; chính tư duy - suy nghĩ đúng đắn; chính ngữ - lời nói phải đúng đắn; chính nghiệp - giữ cho nghiệp không tác động xấu; chính mệnh - ngăn giữ dục vọng; chính tịnh tiến - rèn luyện tu tập không mệt mỏi; chính niệm - có niềm tin bền vững vào giải thoát; chính định - tập trung tư tưởng cao độ.

Tóm lại, Phật giáo là tôn giáo vô thần nhưng không phải duy vật, mặc dù có những tư tưởng duy vật, biện chứng riêng biệt. Phật giáo đề cao việc chống bất bình đẳng xã hội, tu thân tích đức.

II. TRIẾT HỌC TRUNG HOA CỔ, TRUNG ĐẠI

1. Hoàn cảnh ra đời và đặc điểm của triết học Trung hoa cổ, trung đại

Lịch sử Trung Hoa cổ đại chia làm hai thời kỳ lớn: thời kỳ Tây Chu về trước và thời kỳ Đông Chu (Xuân thu - Chiến Quốc) là thời kỳ từ chế độ nô lệ sang phong kiến, chiến tranh liên miên. Thời kỳ này:

Nhà nước Trung Hoa cổ đại ra đời trên cơ sở trình độ kỹ thuật còn non kém, phân công lao động và phân hoá giai cấp chưa thật sâu sắc.

Sở hữu ruộng đất thuộc nhà vua; hình thức bóc lột chủ yếu là cống nạp.

Công xã nông thôn tồn tại dai dẳng; ít có những cải biến xã hội.

Đặc điểm chủ yếu của triết học Trung Hoa cổ, trung đại

Thứ nhất, triết học Trung Hoa cổ, trung đại đề cập nhiều vấn đề tề gia, trị quốc bình thiên hạ, vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức.

Thứ hai, triết học Trung Hoa cổ, trung đại đề cập nhiều vấn đề con người và số phận con người. Vấn đề này nổi lên hàng đầu và thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc.

Thứ ba, triết học Trung Hoa cổ, trung đại chú ý nhiều tới mặt thứ hai của vấn đề cơ bản của triết học, sự hài hòa giữa tự nhiên và xã hội.

Thứ tư, các nhà triết học Trung Hoa cổ, trung đại thường đồng thời là các nhà hoạt động chính trị - xã hội.

Thứ năm, thế giới quan trong triết học Trung Hoa cổ, trung đại thể hiện hỗn tạp (duy vật và duy tâm đan xen và có tư tưởng biện chứng sơ khai).

2. Một số học thuyết tiêu biểu của triết học trung Hoa cổ, trung đại

a. Thuyết âm dương - ngũ hành và kinh dịch

Âm dương-ngũ hành phản ánh quan niệm duy vật chất phác về tự nhiên, thể hiện tư tưởng biện chứng sơ khai của người Trung Quốc cổ đại. Âm-dương là 2 yếu tố đối chọi nhau nhưng lại thống nhất với nhau, là điều kiện tồn tại của nhau, là động lực của mọi sự vận động, phát triển.

Một biểu hiện cụ thể của âm - dương là ngũ hành (5 yếu tố: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Năm yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau, chuyển hoá lẫn nhau. Thể hiện ở tương sinh: thổ sinh kim; kim sinh thuỷ; thuỷ sinh mộc; mộc sinh hoả, v.v. Thể hiện ở tương khắc: thổ khắc thuỷ; thuỷ khắc hoả; hoả khắc kim, v.v.

Thuyết Âm dương dùng năm tính năng của 5 yếu tố này giải thích nguồn gốc của tự nhiên.

b. Nho giáo

Nho giáo trải qua những giai đoạn phát triển: Nho tiên Tần, Hán nho và Tống nho. Nho tiên Tần với các đại biểu như Khổng Tử, Mạnh Kha (Mạnh Tử), Tuân Tử. Hán Nho với Đổng Trọng Thư. Tống Nho với Chu Đôn Hy, Trương Tải, v.v.

Phần này chú ý tư tưởng của Khổng Tử - người sáng lập nho giáo. Tư tưởng nổi trội về chính trị của ông là muốn xây dựng một xã hội theo kiểu nhà Chu. Để thực hiện điều này theo ông phải thực hiện chính danh (ai ở phận vị nào phải nỗ lực thực hiện bổn phận, trách nhiệm của mình; danh đi đôi với thực); lễ (là nghi lễ, chuẩn tắc trong quan hệ giữa người với người từ hành vi, ngôn ngữ cho đến trang phục, nhà cửa, v.v.) và nhân (là yêu thương, nhân ái, mình không thích gì thì không làm cho người...).

Về thế giới quan, nhìn chung ông là nhà duy tâm khách quan, có tư tưởng thiên mệnh, mặc dù có những yếu tố riêng biệt duy vật.

Về nhận thức luận, ông đề cập dưới dạng tri thức của con người do đâu mà có. Ông trả lời câu hỏi thiếu nhất quán. Theo ông, có người sinh ra đã biết, có người học thì biết. Tuy nhiên, ông là người đề cao học tập, cho rằng ai học cũng có thể biết. Khi học phải chăm chỉ, không giấu dốt, v.v.

Về lịch sử, ông là người có tư tưởng phục cổ, đề cao các triều đại đã qua.

c. Đạo gia

“Đạo” là khái niệm trung tâm của Đạo gia. Đạo là bản nguyên của vũ trụ, có trước trời, đất, vạn vật, đạo là chúa tể của vạn vật, là phép tắc của vạn vật. đạo còn là quy luật tự thân biến hoá của bản thân vạn vật, quy luật ấy gọi là “Đức”.

Phái này cho rằng bản tính của con người có hai khuynh hướng: “hữu vi” và “vô vi”. Xã hội loạn lạc là do chính con người đã can thiệp vào, con người đã phân thành sang - hèn, quân tử - tiểu nhân, v.v. Nói khác đi, con người đã dùng cái khuynh hướng “hữu vi” để can thiệp vào xã hội. Từ đó sinh ra mâu thuẫn, loạn lạc. Để tề gia, trị quốc bình thiên hạ có hiệu quả thì phải thực hiện tinh thần “vô vi” - không can thiệp vào xã hội, để cho nó phát triển tự nhiên. “Vô vi” là khuynh hướng trở về nguồn gốc, để sống với tự nhiên, để hợp với “Đức”.

Về nhận thức, các đại biểu của phái đạo gia không nhất quán. Lão Tử – người sáng lập phái đạo gia coi nhẹ nghiên cứu sự vật cụ thể, đề cao tư duy trừu tượng. Trang Tử lại có quan điểm không thể biết về nhận thức.

B. LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TÂY ÂU TRƯỚC MÁC

I. TRIẾT HỌC HY LẠP CỔ ĐẠI

1. Hoàn cảnh ra đời và đặc điểm của triết học Hy Lạp cổ đại

a. Hoàn cảnh ra đời

Triết học Hy Lạp cổ đại ra đời khoảng thế kỷ VII-VI TCN. Khi ấy Hy Lạp thuộc chế độ chiếm hữu nô lệ; có sự phân công lao động cao; mâu thuẫn giữa giai cấp chủ nô và nô lệ cũng như giữa phái chủ nô dân chủ và chủ nô quý tộc gay gắt. Hy Lạp là quê hương của các khoa học. Điều này đã góp phần thúc đẩy triết học phát triển.

b. Đặc điểm của triết học Hy Lạp cổ đại

Thứ nhất, triết học Hy Lạp cổ đại có sự phân hoá thành duy vật và duy tâm, biện chứng và siêu hình, v.v rõ nét.

Thứ hai, triết học Hy Lạp cổ đại đề cập nhiều cả hai mặt vấn đề cơ bản của triết học, tuy nhiên ưu tiên vấn đề tồn tại là gì? nguồn gốc của thế giới là gì?

Thứ ba, triết học Hy Lạp cổ đại có tinh thần biện chứng nhưng còn thô sơ chất phác. Đỉnh cao là tư tưởng biện của Hêraclít.

Thứ tư, triết học Hy Lạp cổ đại đề cập nhiều tới con người và số phận con người.

Thứ năm, triết học Hy Lạp cổ đại gắn bó với khoa học đương thời, thường thì các nhà triết học đồng thời là các nhà khoa học.

2. Một số đại biểu tiêu biểu

Hêraclít (khoảng 530 - 470 TCN, có tài liệu ghi khoảng 540 - 480 TCN). Tư tưởng triết học của ông thường được thể hiện dưới các dạng các câu cách ngôn. Về vấn đề bản nguyên của thế giới, ông cho mọi sự vật đều trao đổi với lửa và lửa trao đổi với mọi sự vật. Cả vũ trụ với ông như là ngọn lửa vĩnh viễn cháy. Lửa không chỉ là khởi nguyên của vũ trụ mà còn là cơ sở của linh hồn con người. Hêraclit có những tư tưởng biện chứng chất phác. Theo ông, đất chết đi thì sinh ra nước; nước chết đi thì sinh ra không khí; không khí chết đi thì sinh ra lửa và ngược lại. Đây là quy luật của tự nhiên mà ông gọi là logos. Logos là quy luật của vũ trụ và cũng là quy luật "thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập". Với ông, mọi sự vật hiện tượng đều thay đổi, đều "chảy" như nước chảy trong dòng sông. Ông đã phần nào thấy được sự thống nhất của các mặt đối lập: cái đói làm cho cái no có giá trị; bệnh tật làm cho sức khỏe quý hơn, v.v. Những tư tưởng biện chứng này còn thô sơ, chất phác nhưng chứa đựng tư tưởng quý giá về sự vận động, phát triển không ngừng của sự vật, hiện tượng.

Về nhận thức luận, Hêraclit đã phân biệt nhận thức cảm tính với nhận thức lý tính. Nhận thức cảm tính, theo ông không thể đạt được logos. Để đạt được logos phải dùng trí tuệ, nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể đạt được logos. Nhận thức được logos là hết sức khó khăn vì bản thân thế giới luôn bí mật. Hơn nữa khi nhận thức logos, con người còn bị ảnh hưởng của các nhà tư tưởng có uy tín khác, v.v.

Về chính trị - xã hội, theo Hêraclit, con người về bản tính là bình đẳng nhưng trên thực tế lại không vậy. Sự bất bình đẳng của con người, theo ông là hậu quả của sự bất bình đẳng về lợi ích. Phần lớn mọi người trong xã hội, theo ông là sống không theo logos mà theo sự tính toán. Họ bị trói buộc bởi những mong muốn cá nhân của mình. Hạnh phúc với ông, không phải là sự thỏa mãn về thể xác mà là ở sự suy tư, suy nghĩ, ở việc biết nói sự thật, biết hành động theo tiếng nói của tự nhiên. Bản thân Hêraclit là quý tộc nên ông luôn có tinh thần quý tộc, coi thường người lao động, tuy nhiên ông không ủng hộ chủ nô quý tộc.

Đêmôcrít (khoảng 460-370 trCN) - nhà duy vật theo đường lối nguyên tử cho nguyên tử là hạt vật chất nhỏ nhất là nguồn gốc của mọi sự vật hiện tượng. Về bản thể luận, ông cho nguyên tử (tồn tại) và khoảng không trống rỗng (không tồn tại) là nguồn gốc của thế giới. Nhờ có khoảng không trống rỗng mà các nguyên tử mới vận động được. Nguyên tử là những hạt vật chất nhỏ nhất, không thể phân chia được nữa. Nguyên tử không màu sắc, không mùi vị, không âm thanh, không nóng lên, không lạnh đi, v.v. Các nguyên tử khác nhau về hình thức, chẳng hạn như chữ A khác chữ B, về trật tự sắp xếp, chẳng hạn như A.N khác N.A, về tư thế chẳng hạn như chữ M ¹ W. Các nguyên tử liên kết với nhau tạo nên sự vật, các nguyên tử tách rời khỏi nhau thì sự vật mất đi. Các nguyên tử luôn luôn vận động trong khoảng không trống rỗng. Chính sự vận động của các nguyên tử là cơ sở để hình thành nên vũ trụ của chúng ta. Ông chống lại triết học duy tâm của Platôn, bảo vệ nền dân chủ Aten.

Platôn(427-347 tr.CN) - nhà triết học duy tâm khách quan cho ý niệm có trước sự vật và quyết định sự vật. Về bản thể luận, theo Platôn vũ trụ có hai thế giới. Một là thế giới ý niệm. Hai là thế giới các sự vật cảm tính (sông, núi, cây, cỏ, v.v). Thế giới ý niệm là thế giới tinh thần, nó hoàn hảo, đúng đắn, chân thực, vĩnh viễn không đổi. Nó là cơ sở của thế giới các sự vật cảm tính. Thế giới các sự vật cảm tính là không chân thật, không hoàn hảo, không đúng đắn vì mọi cái trong nó luôn biến đổi có sinh ra và mất đi. Nó chỉ là cái bóng của thế giới ý niệm do thế giới ý niệm quyết định. Ý niệm ở Platôn như là khuôn mẫu để các sự vật "mô phỏng" theo. Có rất nhiều ý niệm khác nhau. Bản thân vũ trụ gồm hai thế giới này cũng là sản phẩm của thần. Do vậy, vũ trụ giống như cơ thể sống có linh hồn, có trí tuệ.

Về nhận thức luận, Platôn cũng đứng trên lập trường duy tâm khách quan để xem xét. Theo ông, tri thức có trước sự vật, nhận thức lý tính có trước nhận thức cảm tính. Nhận thức về thực chất chỉ là quá trình hồi tưởng lại, nhớ lại những cái mà linh hồn trước khi nhập vào thể xác con người đã có sẵn, đã trải qua. Ông có tư tưởng bảo thủ của phái chủ nô quý tộc, bảo vệ chế độ nô lệ trên tinh thần của phái chủ nô quý tộc.

Arixtốt (384-322 tr.CN) - nhà triết học duy tâm cho mọi sự vật đều do 4 nguyên nhân cấu tạo nên. Đó là nguyên nhân “hình thức”, nguyên nhân vật chất, nguyên nhân hành động và nguyên nhân mục đích. Trong đó, nguyên nhân vật chất quyết định. Đồng thời ông công nhận sự thống trị của mục đích trong vũ trụ. Do đó, ông là nhà duy tâm. Arixtốt còn là người khởi xướng thuyết địa tâm (cho trái đất là trung tâm của vũ trụ). Ông cũng là người phủ định tính thống nhất vật chất của thế giới. Tuy nhiên, trong quan niệm về tự nhiên Arixtốt cũng có những yếu tố duy vật nhưng còn hạn chế. Chẳng hạn, ông cho rằng thế giới được cấu tạo bởi: đất, nước, lửa, không khí và ête - một dạng vật chất để cấu tạo nên các vật thể bầu trời. Trong vũ trụ có vận động. Bốn nguyên tố: đất, nước, lửa và không khí tác động qua lại với nhau để chuyển hóa, tạo nên các sự vật, v.v. Nhưng trong vật lý lại có những quan niệm tiến bộ duy vật, khoa học. Ông tin tưởng khả năng nhận thước của con người. Ông là người sáng lập ra lôgíc hình thức. Ông được coi là bộ óc bách khoa vĩ đại nhất Hy Lạp cổ đại.

II. TRIẾT HỌC TÂY ÂU THỜI KỲ TRUNG CỔ

1. Hoàn cảnh ra đời và đặc điểm của triết học Tây Âu thời trung cổ

a. Hoàn cảnh ra đời

Đây là thời kỳ thống trị của chủ nghĩa phong kiến ở châu Âu, giáo hội Kitôgiáo là tổ chức tôn giáo tập quyền hùng mạnh. Khoa học không phát triển. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông nô nổ ra nhưng bị đàn áp dã man.

b. Đặc điểm của triết học

Thứ nhất, thời kỳ này hình thành triết học kinh viện gắn với nhà thờ, giáo hội Kitô giáo.

Thứ hai, cuộc đấu tranh giữa niềm tin tôn giáo và trí tuệ, giữa cái riêng và cái chung trở nên gay gắt trong triết học thời kỳ này.

Thứ ba, triết học thời kỳ này được coi là bộ môn của thần học. Khoa học không phát triển. Triết học có nhiệm vụ chứng minh cho sự tồn tại của chúa trời, của thượng đế.

Thứ tư, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy thực và chủ nghĩa duy danh là biểu hiện đặc thù của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.

2. Phái duy danh và phái duy thực

Phái duy danh (cho rằng những khái niệm chung chỉ là tên gọi, chỉ có sự vật riêng lẻ là tồn tại thực, có xu hướng duy vật). VD, khái niệm “cái bàn” chỉ là tên gọi, không có “cái bàn” nói chung, chỉ có cái bàn tròn, bàn gỗ, bàn học, v.v là tồn tại thực.

Phái duy thực (cho rằng những khái niệm chung là có thực tồn tại thực, có trước các sự vật và quyết định các sự vật). Ví dụ, khái niệm “con mèo” là có thực, tồn tại thực, có nội dung, quy định các con mèo cụ thể có thật như con mèo trắng, con mèo đen, con mèo tam thể, v.v. Về bản chất, chủ nghĩa duy thực là duy tâm.

Cả chủ nghĩa duy thực và chủ nghĩa duy danh đều sai vì không hiểu quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng.

III. TRIẾT HỌC TÂY ÂU THỜI KỲ PHỤC HƯNG VÀ CẬN ĐẠI

1. Triết học Tây Âu thời kỳ phục hưng thế kỷ XV- XVI

a. Điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội thời Phục hưng

Đây là thời kỳ quá độ từ phong kiến lên chủ nghĩa tư bản nên đặt ra yêu cầu đánh đổ thế giới quan phong kiến, giải phóng con người để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Khoa học tự nhiên, nhất là cơ học phát triển mạnh mẽ.

b. Đặc điểm triết học thời kỳ Phục hưng

Triết học thời kỳ này đề cập nhiều tới vấn đề con người - cá nhân, xuất hiện chủ nghĩa nhân đạo tư sản - đòi tự do cá nhân, đề cập vấn đề xã hội, vấn đề khoa học tự nhiên, sự ra đời của thuyết nhật tâm do Côpécníc khởi xướng.

Triết học thời kỳ này phản ánh sự đang lên của giai cấp tư sản, chống lại triết học kinh viện giáo điều, chống phong kiến.

Xuất hiện những học thuyết không tưởng đầu tiên về chủ nghĩa xã hội.

Đại biểu tiểu biểu như: Nicôlai Côpécnic (1473 - 1543). Côpécnic là nhà thiên văn học, nhà triết học nổi tiếng người Balan. Ông là người đã khởi xướng thuyết Nhật tâm (mặt trời là trung tâm của vũ trụ) giáng một đòn chí tử vào thuyết địa tâm (trái đất là trung tâm của vũ trụ) - nền tảng thế giới quan của nhà thờ Kitô giáo.

Trong các tác phẩm khoa học của mình, Côpécnic đã chứng minh rằng, trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ. Trái đất không phải là đứng im mà luôn vận động quanh mặt trời và tự quay xung quanh trục của nó. Sự tự quay của trái đất xung quanh trục của mình được ông lý giải bằng sự thay đổi ngày và đêm. Mặt trăng với ông là vệ tinh của trái đất, quay xung quanh trái đất. Thuyết Nhật tâm của Côpécnic có ý nghĩa hết sức to lớn, nó đã vượt ra khuôn khổ của thiên văn học và đã góp phần củng cố thế giới quan duy vật.

Giócđanô Brunô (1548 - 1600) là nhà thiên văn học nhà triết học nổi tiếng người Italia. Khi còn nhỏ ông đã từng là tu sĩ dòng Đôminíc. Ông chịu ảnh hưởng nhiều của triết học tự nhiên, đặc biệt là phát minh của Côpécníc. Những tư tưởng của ông đã mâu thuẫn với giáo hội Kitô giáo. Vì vậy, ông đã phải rời Italia chạy sang Thụy Sĩ, Pháp, Anh, Đức. Vào năm 1592 ông trở về Italia và sau đó bị Giáo hội bắt, nhốt ở ngục tối 7 năm. Vào ngày 17-2-1600 ông đã bị giáo hội La Mã thiêu sống vì những quan niệm khoa học, đối lập với Giáo hội

Brunô là nhà triết học có xu hướng phiếm thần. Đối với Brunô "Tự nhiên là thượng đế trong các vật" (Deus in Rebus, Dio nelle cose) (Xem G.Brunô: Các đối thoại, Mátxcơva, 1949, tr. 236 - Nga văn). Như vậy, thượng đế ở Brunô đồng nhất với các vật, với tự nhiên. Đây chính là bước chuyển từ quan niệm hữu thần sang quan niệm vô thần. Quan niệm này của Brunô đã mâu thuẫn với quan niệm của Aristốt về "vật chất thứ nhất" - thứ vật chất thụ động.

Trong quan niệm về vũ trụ thì quan niệm xuất phát điểm quan trọng của Brunô là quan niệm về tính vô tận của vũ trụ, của tự nhiên. Ông cho rằng không gian là vô cùng tận, ông ủng hộ tư tưởng cho rằng có vô vàn thế giới khác nhau trong vũ trụ. Khác với Côpécníc khi cho mặt trời là trung tâm tuyệt đối của vũ trụ, Brunô cho rằng trung tâm tuyệt đối như vậy không có. Mặt trời chỉ là trung tâm hệ thiên hà của chúng ta mà thôi. Trong vũ trụ không có giới hạn, mặt trời, các vì sao cũng luôn luôn vận động. Hơn nữa, ông còn đúng khi chỉ ra rằng, không chỉ mặt trời của chúng ta mới có các vệ tinh quay xung quanh nó, ngay cả các vì sao xa xôi cũng có các vệ tinh quay xung quanh.

2. Triết học tây Âu thời cận đại thế kỷ XVII-XVIII

Sự ra đời của CNDV siêu hình, máy móc nhưng gắn với chủ nghĩa vô thần (không tin vào thần); có nhiều quan điểm tiến bộ về xã hội nhưng còn không tưởng. Triết học thời kỳ này siêu hình máy móc là do cơ học phát triển; do kinh tế thủ công ảnh hưởng và do giai cấp tư sản muốn đưa cách nhìn siêu hình vào xã hội để phục vụ cho tư tưởng chủ nghĩa tư bản là vĩnh viễn, là tột cùng của sự phát triển. Triết học thời kỳ này đi sâu nghiên cứu vấn đề nhận thức và chia làm hai phái duy cảm (tuyệt đối hoá vai trò của cảm giác trong nhận thức với các đại biểu như Ph.Bêcơn, T.Hốpxơ, J.Lốccơ, v.v) và duy lý (tuyệt đối hoá vai trò của lý tính, trí tuệ trong nhận thức như R.Đêcáctơ, Xpinôda, Lépnít, v.v).

3. Chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII

Chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII - một trào lưu triết học duy vật đại diện cho một giai đoạn mới cao hơn về chất trong sự phát triển của chủ nghĩa duy vật nói chung. So với chủ nghĩa duy vật Anh thế kỷ XVII chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII có nhiều điểm tiến bộ hơn: không thoả hiệp với quý tộc phong kiến; có mục đích khai sáng và trang bị tư tưởng duy vật tiến bộ cho nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội như tư sản Pháp, thợ thủ công, trí thức tư sản, thậm chí cả một bộ phận trí thức quý tộc. Các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII gồm G.O.Lamêtơri (1709 - 1751); Đ.Điđơrô (1713 - 1784); K.A.Henvêtiúyt (1715 - 1771) và P.H.Đ Hônbách(1723 - 1789). Các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII đã viết những tác phẩm của mình bằng tiếng Pháp và tuyên truyền rộng rãi dưới hình thức những tác phẩm công khai.

4. Triết học cổ điển Đức thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX

Với các đại biểu tiêu biểu như Cantơ, Hêghen và Phoi-ơ-bắc. Cantơ (1724 - 1804) là người sáng lập triết học cổ điển Đức, ban đầu có nhiều quan niệm tiến bộ về tự nhiên. Sau có quan điểm không thể biết và duy tâm, công nhận có những tri thức “tiên thiên - có trước, có sẵn”. Ông có tư tưởng tiến bộ là không nên có chiến tranh, nên củng cố hoà bình.

Hêghen (1770 - 1831). Hệ thống triết học của ông bắt nguồn từ tinh thần thế giới, nói khác đi tinh thần thế giới là nguồn gốc của mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Vì vậy, ông là nhà triết học duy tâm khách quan. Ông có phương pháp biện chứng nhưng dựa trên nền duy tâm nên phương pháp biện chứng này không thực sự khoa học. Hơn nữa điều này đã làm cho phương pháp và hệ thống triết học của ông ta có mâu thuẫn. Phương pháp thì cách mạng, tiến bộ còn hệ thống thì duy tâm, siêu hình, bảo thủ, khép kín. Nhìn chung Hêghen là nhà biện chứng nhưng duy tâm (thế giới quan thì duy tâm còn phương pháp thì biện chứng). Ông cũng có cái nhìn duy tâm và bảo thủ về chính trị - xã hội. Ông cho nhà nước Phổ là đỉnh cao của sự phát triển nhà nước và pháp luật; thơ ca của Gớt là đỉnh cao của nghệ thuật nhân loại; triết học của ông ta là đỉnh cao triết học nhân loại. ông đề cao dân tộc Đức, miệt thị các dân tộc khác.

Phoiơbắc(1804-1872) đề cập nhiều tới con người trên tinh thần duy vật. Con người trong triết học của ông là con người bằng xương bằng thịt, có niềm vui, nỗi buồn, có suy nghĩ. Nhưng ông rơi vào duy tâm khi cho cái quyết định con người là tình yêu. Nhìn chung CNDV của ông được coi là CNDV nhân bản, nhưng đó là CNDV siêu hình và không triệt để (nghĩa là chỉ duy vật trong giải thích tự nhiên còn duy tâm trong giải thích lịch sử, xã hội, con người). Ông mới thấy con người sinh học, con người có tính loài, con người tự nhiên chủ nghĩa, con người với những nhu cầu sinh học. Ông chưa thấy con người xã hội, con người giai cấp, con người lịch sử. Phoiơbắc duy tâm trong giải thích tôn giáo, đạo đức, con người, lịch sử. Tuy nhiên, triết học của Phoiơbắc là một trong những tiền đề lý luận của triết học Mác.

C. LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC VIỆT NAM

I. NHỮNG NỘI DUNG THỂ HIỆN LẬP TRƯỜNG DUY VẬT VÀ DUY TÂM

Tư tưởng triết học Việt Nam được thể hiện qua những nội dung cơ bản sau:

Qua việc giải quyết quan hệ giữa tâm (tinh thần) và vật; giữa linh hồn và thể xác; giữa lý và khí (vật). Thông qua việc giải quyết những quan hệ này, chúng ta rút ra được quan niệm duy vật (cho vật có trước thần; thể xác có trước linh hồn; khí có trước lý) hay duy tâm thì ngược lại cho thần có trước vật; lý có trước khí; hồn có trước thể xác.

Qua việc giải thích nguyên nhân và nguồn gốc các sự kiện trọng đại của dân tộc như an nguy; trị loạn; hưng vong của các triều đại; số mệnh con người, v.v. Thông qua việc giải thích này biết được lập trường duy vật hay duy tâm. Nếu ai cho an-nguy, hưng-vong, v.v là do ông trời quy định là duy tâm. Ngược lại cho nguyên nhân của an-nguy, hưng-vong, v.v là ở đời sống xã hội, do chính con người là duy vật.

Chủ nghĩa duy tâm thường gắn với tôn giáo,v.v.

II. NHỮNG NỘI DUNG CỦA TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC VIỆT NAM

Yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử tư tưởng Việt Nam thể hiện ở:

1. Những nhận thức về dân tộc và dân tộc độc lập

Cộng đồng người Việt được hình thành sớm trong lịch sử, có tên gọi là Việt. Để phân biệt với nhiều tộc người Việt ở miền nam Trung Quốc, nó được gọi là Lạc Việt. Nhận thức về dân tộc và độc lập dân tộc của người Việt là cả một quá trình.

Quan niệm về dân tộc Việt ngang hàng với các dân tộc khác, chứng minh rằng, Lạc Việt ở về phía sao Dực, sao Chẩn độc lập với sao của người Hán ở phương bắc. Dân tộc Việt Nam thuộc phía Nam Ngũ Lĩnh - nghĩa là có địa giới rõ ràng, được Trời phân định. Xuất phát từ thiên văn, địa lý, các nhà tư tưởng Việt Nam đã chứng minh về mặt lịch sử “Núi sông nước Nam thì vua nước Nam trị vì” (Lý Thường Kiệt).

Nguyễn Trãi đã chứng minh dân tộc Việt Nam có đủ các yếu tố văn hiến, lãnh thổ, phong tục, lịch sử, nhân tài, có bề dày như các dân tộc khác. Nhận thức của Nguyễn Trãi là bước phát triển mới trong quan niệm về dân tộc và độc lập dân tộc. Điều đó chứng tỏ dân tộc Việt Nam là một dân tộc độc lập, có chủ quyền.

2. Những quan niệm về nhà nước của một quốc gia độc lập ngang hàng với phương bắc

Xây dựng nhà nước của dân tộc Việt Nam có quốc hiệu, quốc đô, đế hiệu, niên hiệu, v.v thể hiện sự ngang hàng và độc lập với nhà nước phương bắc. Ví dụ, tên hiệu của người đứng đầu nhà nước chuyển từ vương sang đế. Lý Bí bỏ những tên gọi mà phong kiến phương bắc áp đặt cho ta như Giao chỉ; Giao Châu, Nam Giao, v.v đặt tên mới. Điều đó nói lên rằng, nhà nước Việt Nam là nhà nước độc lập không phụ thuộc, ngang hàng với nhà nước phong kiến phương bắc.

3. Những nhận thức về nguồn gốc, động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước

Muốn có được nguồn gốc, động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước phải: Coi trọng sức mạnh cộng đồng người Việt; coi trọng sức mạnh của nhân dân, của cả dân tộc; coi trọng đoàn kết toàn dân tộc.

Như vậy, tư tưởng yêu nước Việt Nam khác biệt với tư tưởng yêu nước của các dân tộc khác. Nó được đúc kết bằng xương máu và trí tuệ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

III. NHỮNG QUAN NIỆM VỀ ĐẠO LÀM NGƯỜI

Các nhà tư tưởng Việt Nam quan tâm nhiều tới “đạo trời” và “đạo người”. Trong ba truyền thống: Nho - Phật - Lão-Trang, thì sau thời kỳ Lý - Trần, người ta hướng nhiều về đạo Nho.

Các nhà yêu nước và nhân đạo thì khai thác những nội dung của Nho nhưng diễn đạt được sự yêu nước, yêu dân, yêu con người, tin ở sức mạnh lòng người Việt. Các nhà tư tưởng phong kiến khác thì khai thác những gì của Nho mà củng cố tôn ti, trật tự, đẳng cấp.

Cùng với Nho, các nhà tư tưởng cũng tìm đến Phật trong việc giải quyết những công việc của đời thường. Khi thất thế trên đường danh lợi họ lại tìm đến Lão-Trang để tự tư tự tại, được an ủi.

Như vậy, trong lịch sử tư tưởng Việt Nam các nhà tư tưởng khai thác những khía cạnh khác nhau của Nho – Phật - Lão-Trang phục vụ cho “đạo làm người” của mình.

TÓM LƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GHI NHỚ

Trong chương này, anh/chị đã tìm hiểu rất khái lược lịch sử triết học trước Mác. Anh/chị cần nắm được ba phần nội dung chính:

1/ Lịch sử triết học phương Đông với hai nền triết học lớn là Ấn Độ và Trung Hoa;

2/ Lịch sử triết học phương Tây với các giai đoạn: Triết học Hy Lạp - La Mã cổ đại; triết học Tây Âu thời kỳ trung cổ; triết học thời kỳ phục hưng; Triết học thời kỳ cận đại và triết học cổ điển Đức. Mỗi thời kỳ này, anh/chị cần hiểu được các điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội mà trên đó triết học nảy sinh, tồn tại và những đặc điểm chủ yếu của từng giai đoạn. Riêng triết học cổ điển Đức nên hiểu rõ mặt tiến bộ cũng như hạn chế trong phương pháp biện chứng của triết học Hêghen cũng như chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phoiơbắc.

3/Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam cần nắm được những nội dung cơ bản của tư tưởng yêu nước Việt Nam và quan niệm về đạo làm người.

Chúc anh/chị thành công!

CÂU HỎI SUY LUẬN

Câu hỏi 1: Hãy trình bày những nội dung cơ bản của tư tưởng yêu nước Việt Nam?

Gợi ý: Đọc phần những nội dung tư tưởng yêu nước Việt Nam: Những nhận thức về dân tộc và dân tộc độc lập; quan niệm về nhà nước của quốc gia có độc lập ngang hàng với phương Bắc; nhận thức về nguồn gốc, động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước.

Câu hỏi 2: Hãy tìm những giá trị cũng như hạn chế cơ bản nhất của triết học Hêghen và Phoiơbắc?

Gợi ý:

- Giá trị lớn nhất của triết học Hêghen là phương pháp biện chứng. Hêghen là người xem xét giới tự nhiên, xã hội, lịch sử loài người trong quá trình vận động, biến đổi phát triển, tức là biện chứng. Hạn chế lớn nhất trong triết học Hêghen là thế giới quan duy tâm. Ông cho tinh thần thế giới là có trước và tha hoá thành giới tự nhiên, xã hội loài người và cả con người. Nói khác đi, phương pháp của Hêghen là biện chứng còn thế giới quan là duy tâm.

- Giá trị lớn nhất của triết học Phoiơbắc là CNDV, ông giải quyết vấn đề cơ bản của triết học trên tinh thần duy vật. Ông đấu tranh chống CNDT và tôn giáo. Ông khôi phục địa vị xứng đáng cho CNDV trước Mác. Hạn chế lớn nhất trong triết học của Phoiơbắc là ở tính chất siêu hình, không triệt để. Ông vẫn duy tâm khi giải thích lịch sử, xã hội và con người.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved