Trong võng luận thứ ba về tính nhân cách trong CPR, Kant định nghĩa một nhân cách như “cái gì có ý thức về sự đồng nhất số lượng của bản ngã mình trong những thời gian khác nhau” (A361). Ông lập luận rằng thật là sai lầm khi suy luận từ tính thống nhất của chủ thể tư duy thành sự hiện hữu của tính nhân cách trường tồn qua thời gian. Bên trong những ranh giới của triết học lý thuyết, chỉ duy “tính nhân cách tâm lí học” mới có thể chính đáng là một đối tượng của nhận thức, tức là “khả năng ý thức về sự đồng nhất của một người trong những điều kiện khác nhau của sự hiện hữu của người ấy” (MM, tr 223, tr 50). Tuy nhiên, quan niệm về nhân cách “là cần thiết cho sự sử dụng thực hành [đạo đức]” (CPR A365). Ở đó, tính nhân cách là yếu tố thứ ba và cao nhất của “những yếu tố trong một tính cách cố định và định mệnh của con người”, theo sau thú tính và nhân tính. Nó là một tố chất có từ trước (predisposition) để trở thành “một tồn tại có lý tính và đồng thời là một tồn tại có thể quy kết trách nhiệm được” (RL tr. 26, tr. 21). Kant lập luận rằng một tồn tại có lý tính thì không tất yếu quy định ý chí của nó chỉ bằng việc đơn thuần hình dung cho chính nó sự phù hợp của các châm ngôn của nó với các quy luật luân lý. Trong khi đó, một tồn tại có lý tính và có thể quy trách nhiệm lại sở hữu “sự tôn kính quy luật luân lý như trong chính mình (có) một động cơ đầy đủ của ý chí” (RL tr. 27, tr. 23). Từ tiền đề về tính có thể quy kết trách nhiệm dẫn đến hai hệ luận thực hành: hệ luận thứ nhất là định đề thực hành về tính bất tử của linh hồn (CPR tr.123, tr.127), hệ luận thứ hai cho rằng “một nhân cách không phục tùng các qui luật nào khác ngoài những quy luật nhân cách ấy tạo ra cho chính mình” (MM tr. 223, tr. 50). Vì thế, để một nhân cách là có thể được quy kết trách nhiệm một cách đúng đắn, nhân cách phải được định đề hóa như có cả tính bất tử lẫn tính tự trị.
Nguyễn Thị Duyên dịch
Nguồn: Howard Caygill. 1995. A Kant Dictionary. Malden: Blackwell Publishing.
Các chữ viết tắt tên tác phẩm của Kant:
- CPR: Critique of Pure Reason / Phê phán lý tính thuần túy (bản A: 1781; bản B: 1787)
- RL: Religion within the Limits of Reason Alone / Tôn giáo trong giới hạn của lý tính đơn thuần (1793)
- MM: Metaphisics of Morals / Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý (1797)