Home » » Một đám bất đắc chí-Nguyễn Tuân

Một đám bất đắc chí-Nguyễn Tuân

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012 | 00:04

Một đám bất đắc chí

Nguyễn Tuân

ít bữa nay, Lý Văn buồn bực ra mặt, bỏ nhà ra đi đến hai ba hôm. Nhiều người lạ mặt đến hỏi, vợ con Lý Văn đều không biết thế nào mà trả lời. Những người khách dữ tợn ấy có khi trở lại đến hai ba lần. Không được gặp chủ nhân, họ không lấy thế làm hậm hực. Vợ Lý Văn có hỏi gặng, họ chỉ trả lời nhiều câu nghe rất ngang tai.

- à, anh em chúng tôi cũng chơi bời như ông Lý nhà ta đây. Hễ ông Lý có về, bà nói giùm cho là có bọn Huần ở Kim Sơn ra thăm. Bá Huần, bà nhớ thế cho. Và có tin gì hay, xin ông Lý nhà cho anh em biết sớm.

Bọn Bá Huần Kim Sơn đi chưa khỏi thì lũ chó mẹo ở ngoài cổng lại sủa vang lên một hồi. Lại ba bốn người nữa đến hỏi thăm ông Lý. Người nào cũng quấn khăn đầu rìu, trông rất dị thường.

- Chúng tôi là người Tam Tổng. ở nhà lâu ngày tù chân quá, nhân đi qua đây, ghé thăm ông Lý và hỏi ông xem có công việc gì đáng để anh em đỡ tay hộ không.

Bà Lý Văn chỉ biết dạ và thưa và luôn miệng mời khách hãy ngồi chơi để cho cháu nó đi đun nước.

- Thầy cháu đi lên tỉnh vắng - bà Lý nói.

Mấy ông khách người hạt Tam Tổng không chịu ngồi yên một chỗ để xơi một khẩu trầu. Họ cũng không chịu ngồi yên để chờ đợi ấm nước trà đun sắp sủi. Họ chắp tay ra đằng sau lưng, lững thững dạo quanh nhà một vòng. Đàn chó mẹo tha hồ mà sủa, mà rộ; có lúc chúng chờm vồ lên lưng khách. Khách vẫn thản nhiên để cho đàn chó nhà bà Lý gậm bắp chân. Bà Lý vừa quát lũ chó một cách vô hiệu, vừa để ý ngắm đến những bắp chân tròn trĩnh của mấy ông khách lạ. Thì ở đấy, có cần gì đợi lũ chó nhà bà Lý cắn, trên lần da chân bóng như đồng đen kia, đã loang lổ nhiều vết sẹo rất to, cái thì trắng nõn nước da non đang lên, cái thì đen thẫm màu thịt thối thâm đã lâu ngày.

Đàn chó xem chừng cũng chán mấy người lạ kia nghênh ngang trong nhà chủ mình và có ý coi cái khoảnh sân vườn này như là của họ. Trái với những lần khách thấy những người lạ qua đây có cầm que hay gậy tre gai với sự rụt rè kiêng nể là chúng cắn vồ và đuổi nhiều, lần này đàn chó mẹo, sau một hồi thị oai suông đã lảng xa mấy ông khách người Tam Tổng.

Sau một hồi "nhỏ to" ở giữa sân, họ nói chõ vào trong nhà:

- Thế ông Lý có nói bao giờ về không?

Từ trong nhà thấp, tiếng bà Lý đưa ra:

- Dạ, thầy cháu hôm đi, không thấy dặn gì cả. Xin mời các ông vào xơi nước kẻo nguội.

Ngoài sân mấy ông khách vẫn thì thầm bàn tán. Họ không trả lời mời nước của bà Lý. Trong một lúc gắt gỏng, bà Lý chỉ nghe được một mẩu chuyện lúc họ nói to: "... Chả có nhẽ lão Lý lại đi đánh một tiếng bạc bất thình lình như vậy. Bao giờ lão đi, cũng có anh em mình tả phù hữu bật". Thế rồi họ kéo nhau đi, sau mấy mồi thuốc lào rít đến tụt nõ và sau mấy câu chào hỏi kệch cỡm ngô nghê. Bên chiếc điếu cày dài đến thước rưỡi ta, họ còn để lại một cái hộp tròn đựng thuốc lào. Nắp hộp làm bằng vỏ cam khô. Lúc vỏ cam còn tươi, ở trong khuôn ép, người ta đã tỉ mỉ trổ lên đấy một cái mặt hổ phù.

Cai Xanh - người khách có hộp thuốc lào này và vừa ở đây ra - Cai Xanh là một tay chơi nổi tiếng ở mấy vùng Thanh nội và Thanh ngoại. Những tay anh chị trong đám giang hồ phóng khoáng thường được biết đến tiếng Cai Xanh. Và những tay chơi chưa được gần y thì chỉ thèm muốn có một dịp nào nhập vào đảng y để được biết rõ đến nghệ thuật của một bậc đàn anh. Có mấy lần, Cai Xanh hay bàn với những người thân tín về việc Ông Thám ngoài Yên Thế.

Người ta biết đến Cai Xanh, người ta biết luôn cả đến những đồ vật mà Cai Xanh hay giắt luôn trong mình. Như con dao hai lưỡi, cái hộp thuốc lào, v.v... Con dao hai lưỡi ấy, ít khi cai Xanh phải dùng đến. Khi đã dùng đến thì thế nào cũng có chuyện. Trong những phút rất nguy nan, phải giết kẻ khác để gỡ lấy mạng mình, chưa bao giờ Cai Xanh chịu phóng dao và bỏ dao lại trên chiến địa. Hóa cho nên con dao đó, sau những khi cắm ngập vào thớ thịt còn nóng hổi dòng máu của bao nhiêu tử thi, dao đó lại trở lại nằm trong hầu bao của Cai Xanh. Chung quanh con dao thép sáng ngời, một huyền sử đã bao trùm, cũng như một huyền sử khác đã chạy chung quanh cái hộp đựng thuốc lào của Cai Xanh.

Những lúc nhàn tản, không dự một đám cướp to nào, những lúc nhỡ độ đường không có tiền trả những hàng quán hẻo lánh trên con đường Thanh nội Thanh ngoại, Cai Xanh đã lễ phép nói với bao nhiêu là nhà hàng:

- Tôi lỡ quên không giắt theo tiền trong người, nhà hàng cho tôi gửi tạm vật này làm tin, mai mốt tôi sẽ cho người nhà tới chuộc nó về.

"Nó" đây là cái hộp thuốc lào ở trên nắp vỏ cam có khắc cái mặt hổ phù. Những chủ quán ở rải rác đường Điền Hộ phần nhiều cũng là đầu trộm đuôi cướp cả. Khi nào họ không đi ăn cướp được thì họ là người lương thiện, mỗi ngày rót vào bát đàn vài lượt nước trà xanh nóng hổi cho người đi đường giải khát. Họ vừa rót nước, vừa nheo cặp mắt lại như muốn đếm tách bạch ra từng đồng tiền trong tay nải khách qua đường nghỉ chân. Không biết ai đã nói chuyện cho họ nghe từ bao giờ về cái hộp thuốc lào của Cai Xanh mà mỗi lần thấy người khách ngang tàng kia gửi vật mọn đó làm tin thay cho món tiền thiếu, chủ quán nào cũng đều xoa tay, không dám nhận: "Dạ không dám. Khi nào ông anh sẵn thì cho đàn em xin. Cái đó có là bao mà dám phiền lòng ông anh".

Hôm nay, cùng một vài bạn lợi hại đến thăm Lý Văn mà không được gặp, Cai Xanh có ý vờ bỏ quên lại hộp thuốc lào, để nhắc cho chủ nhân biết y đến không phải là việc phiếm và khi nào về nhà, chủ nhân nên triệu y đến ngay. Vì có việc cần phải bàn. Cái việc lơ đễnh rất hữu ý đó, cái chuyện bỏ quên hộp thuốc lào vẫn là một ám hiệu của Cai Xanh dùng tới mỗi lúc đi tìm bạn để "đánh một tiếng bạc lớn" nghĩa là cướp một đám to.

Thế mà, không hiểu rõ một tí gì, bà Lý Văn cứ phàn nàn cho mấy ông khách Tam Tổng đến chơi đã không được gặp chồng mình lại còn bỏ quên đồ vật. Xa xôi hàng mấy ngày đường, đến bao giờ các ông ấy mới lại trở lại đây để nhận vật bỏ quên. Mà bây giờ các ông ấy đi hẳn đã xa lắm, biết đuổi theo thế nào cho kịp.

Một ngày nữa lại hết.

Vào một sớm thứ hai, một thôi tiếng chó sủa ngoài cổng, mở đầu cho cái ồn ào hàng ngày trong gia đình nhà Lý Văn. Bà Lý ngừng tay dưới bếp, đã tưởng chồng mình về. Té ra chỉ là một ông khách lạ mặt nữa, đến hỏi thăm chồng với sự nóng nảy của một người quen vội vàng. Y tỏ vẻ thất vọng, xin đi ngay. Bà Lý muốn ông khách hấp tấp kia cho mình biết tên. Khách cười. Trên khuôn mặt đen như cột nhà cháy, nẻ ra hai đường răng trắng nhởn. Ông khách chạy vội ra phía đầu chái nhà, vơ lấy cái mai dựng ở tường, móc túi lấy con dao găm, khắc vào cán mai một đường tròn đều như tiện, trao mai cho bà Lý:

- Bà cứ đưa cán mai này cho ông Lý nhà, tự khắc ông sẽ biết. Độ chiều mai tôi lại sang chơi.

Bà Lý Văn cũng chỉ biết vâng dạ cho qua chuyện. Từ ngày bà làm bạn cùng với ông Lý Văn, đến bây giờ đã mấy mụn con, bà chưa từng được biết chồng bà có những người bạn lạ lùng như thế bao giờ.

Lý Văn đã về. Không kịp bỏ khăn áo, Lý Văn đã nằm ềnh ra giữa phản. Từ chối hết cả những lời mời mọc ân cần của vợ hỏi ăn cơm hay là ăn cháo hay là dọn rượu, Lý Văn chỉ nằm ngửa nhìn thượng lương nhà, tay trái vắt lên trán. Trên mặt y, chốc chốc những đường gân lại dăn dúm lại vì giày vò của suy nghĩ.

Bà Lý mon men lại gần chồng.

- Mấy hôm thầy nó đi vắng, có đến dăm bảy ông khách lạ đến hỏi thăm. Các ông ấy đều không nói tên. Có một ông khắc cái gì vào cán mai này và dặn đưa ngay cho thầy nó xem.

Bà đưa cho chồng cái cán mai có tiện một nấc ở đầu cán.

- A, Phó Kình! Thế người ta đến từ bao giờ?

- Sáng qua. Theo lời ông ta hẹn, có lẽ chiều nay ông ta lại trở lại đây.

Lý Văn tự nói một mình: "Mình đang tìm Phó Kình. Thôi, được rồi, có cây "bút chì" này giúp sức, ta không lo gì nữa".

Bỗng Lý Văn ngồi nhỏm dậy. Y vừa nhìn thấy ở mép bàn thờ cái hộp đựng thuốc lào con con. Y vội quờ lấy cái hộp có in mặt hổ phù.

- ấy, của cái bọn ông khách gì nói là người vùng Tam Tổng đấy. Ông ta lúc đi bỏ quên. Tôi bận trẻ không kịp chạy theo để trao trả cho ông ta.

Lý Văn không để ý đến nhời vợ, ngắm nghía hộp thuốc lào sung sướng, lim dim mắt, nói như người mơ ngủ: "Cai Xanh!" "Tiếng bạc" này, thế nào cũng ăn to. Một cây "bút chì" của Phó Kình và một cái lá chắn của Cai Xanh, thế nào đám này cũng lọt. Ta đang lo thiếu hai tay này. Chắc thế nào Phó Kình cũng tới tìm Cai Xanh. Và có lẽ họ đã gặp nhau ở giữa đường rồi cũng nên. Tất thế nào chiều nay hai người cũng có mặt ở đây một lúc.

Thế là Lý Văn đã truyền cho vợ đi lấy độ chục chai rượu ngon và quát tháo người nhà bắc ngay nước sôi để làm lợn. Bà Lý Văn chỉ biết làm theo. Từ những ngày nào, trong cái gia đình này, mỗi một lời nói to của ông Lý là một mệnh lệnh. Một mặt, người nhà chọc tiết lợn, tiếng con vật bị đâm dao bầu vào cuống họng kêu eng éc. Một mặt bà Lý đi ra đầu làng để liệu cho xong cái khoản rượu.

Lý Văn chạy tới tấp như một kẻ chức sắc gặp ngày phải đương cai. Ngồi ở nhà được một chút, y nghĩ thêm được một điều gì, y lại vụt chạy đi rất lâu. Y chạy đi chạy về như thế, tính ra đã được ba lần. Đến lần thứ tư thì y dắt luôn đến năm sáu người cùng về, trong số đó cả Cai Xanh và Phó Kình.

Người ta nói cười oang oang. Lý Văn vào nhà trước, trải vội chiếc chiếu cạp điều phủ mặt ván ngựa.

- Mời các chú vào trong này.

Cả bọn kéo lên giường sau khi rửa chân cạn, hai bàn chân bẩn vỗ vào nhau mươi lượt. Cũng như từ bao giờ, bà Lý đã lẩn đi đâu mất. Ông Lý đã dặn vợ hễ khi nào ông có đông bạn lạ đến uống rượu thì bà nên vắng nhà. Vì thế, dọn xong rượu, lần nào bà cũng đi biệt.

Người ta ngồi vào mâm rượu với sự uể oải của người không đói ăn, với sự nghiêm trọng của một người biết trước bữa rượu này là khơi mào cho một việc quan hệ cần phải giải quyết trong hơi men nồng. Thực khách đều giữ một vẻ mặt bí mật.

Trong số mười chai rượu, thì đến bốn năm cái đã là vỏ thủy tinh không. Chiếc mâm đồng thước rưỡi có lót lá chuối tươi, đựng thịt thủ thái dối đầy tú hụ lên thế, lòng mâm thịt đã vợi đến một phần ba. Một vài người dặng hắng. Đôi ba kẻ vê sẵn những mối thuốc lào, mắt nhìn trừng trừng vào người đang rít điếu cày. Lý Văn khạc mạnh. Y giả vờ gọi đầy tớ thực to. Không có đứa nào thưa, y tủm tỉm:

- Thưa các quan, nhà vắng cả, xin các quan bàn qua lại việc đó. Rồi để phân phát ngay công việc cho anh em và định ngày làm.

- Còn định gì nữa - Cai Xanh ngắt câu chuyện - Nếu có làm thì làm ngay đêm nay đi. Nhân thể đêm nay lại tối trời. "Tiếng bạc" này, em xin thưa để bác Lý biết: nếu đêm nay không mở ngay đi thì "tiếng bạc" đến vỡ mất.

- Cũng được. Vậy thì anh em cắt và nhận công việc luôn đi - Phó Kình bây giờ mới lên tiếng.

- Cứ như lệ cũ mà theo, vẽ vời cắt đặt lại làm chi cho thêm phiền ra. Thì cũng lại cầm lá chắn là anh Cai và đánh "bút chì" là em chứ còn ai vào đây. Nếu có neo người thì anh Lý nhà đỡ cho một cây "bút chùng" kèm sát bên cạnh em cho em vững tay ở những con đường độc đạo. Còn các chú nó đây - Phó Kình xòe tay chỉ mấy người ngồi ăn từ nãy chưa nói gì - thì chia nhau ra mà đỡ lấy việc vặt như thả chông, bật hồng, vân vân. Còn thì mới đến người ngoài. Các ông anh nghe đàn em bàn thế đã tạm ổn chưa?

Phó Kình tu một hớp rượu đánh ực. Cả bọn đều nhao nhao:

- Thôi, thông lắm rồi. Vậy thì nhất định đêm nay hết trống canh hai bắt đầu cất quân. Sang đúng đất bên ấy, vừa vào giữa canh ba.

Cả bọn đều một loạt đánh ngã vài chai lớn nữa. Rồi trong không khí ồn ào, người ta đọc đi đọc lại cái câu: "ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi". Cả bọn đều lấy làm thưởng thức câu đó và mỗi người đều tự đặt ngay mình vào địa vị người dám nghĩ dám làm. Nghèo, cực, khái. Lấy chỗ tiền bạc của bọn bất nghĩa, đem chia cho anh em khác nghèo như mình .

Phó Kình đã nóng mặt, xắn tay áo, ngồi chửi đổng:*

- Này phải biết, một cây "bút chì" của em, em dám chấp cả một ấp người chúng nó.

Nói xong, Phó Kình nhảy xuống đất, quơ trong gầm giường lấy cái mai, tháo cuộn dây thừng quấn trong người thay thắt lưng, buộc một đầu mối dây vào cán mai có tiện đường rãnh từ hôm nọ. Cả bọn đang vui câu chuyện, đều ùa theo Phó Kình ra mặt sau nhà, đứng một loạt đối diện với bụi chuối tiêu phất phơ tàu lá ở bờ rào xa. Phó Kình cuộn mấy vòng dây thừng dài đến mấy sải vào cánh tay trái. Bàn tay trái y nắm chắc cổ cán mai, bàn tay phải y giữ vững đốc ngọn mai, nói to: "Đàn anh thử xem em hạ cây chuối phía bên trái".

Bỗng sau một tiếng phập, thân trên cây chuối đã gục xuống mặt đất, kêu đánh roạt. Và Phó Kình đang cười hề hề, cuốn vòng dây thừng vào cánh tay trái. Được giật về từ lúc nào, cái mai đã ở gọn trong hai bàn tay y.

- Bây giờ đàn anh lại xem em lấy buồng chuối chín cây xuống để chút nữa lễ thánh.

Lưỡi mai xén qua cuống buồng chuối, đi quá đích, chạm cả vào đến quá nửa thân cây chuối. Cả bọn cười vang. Lý Văn dè dặt lời khen:

- Ngón "bút chì" của chú hay đấy. Nhưng cũng còn nặng tay. Chưa được ngọt đòn lắm. Nhiều khi mình chỉ nên đánh dọa người ta thôi. Nếu không cần đến, thì chớ nên làm tổn hại đến nhân mạng.

Sẵn có đàn gà đang đi trong luống khoai lang, Lý Văn mượn Phó Kình đưa cho mình cây "bút chì", buộc thòng lọng múi dây vào cổ tay trái và bảo: "Chú nào ném hộ anh hòn đất đi!".

Tiếng hòn đất đụng đất kêu đánh bộp. Mấy con gà bay tà tà khỏi mặt vườn, đập cánh bồm bộp. Tiếng lưỡi mai ở tay Lý Văn phóng ra kêu đánh vụt. Một tiếng gà kêu oác.

Cả bọn chạy ra luống khoai, giơ cao con gà gãy mất hai chân. Vết thương gọn gàng vừa đúng quãng đầu gối và cặp giò chưa lìa hẳn, vẫn còn dính vào đùi bởi lần da hoen máu.

Lý Văn gác mai, nói với tất cả bọn:

- Nếu mình ném mạnh tay quá và không biết tính sức đi của "bút chì" thì nát mất gà. Các chú không phải đánh những tiếng bạc vào sinh ra tử, các chú không biết, chứ đòn "bút chì" khó khiến lắm. Và một cây "bút chì" ngang tàng như thế mà lại phải lụy một cành tre đấy. Chú nào hay xử cây "bút chùng", ở các đường độc đạo, nên cẩn thận khi thấy bên địch tung cành tre ra để phá "bút chì". Để hôm nào rảnh, anh sẽ dạy cho các chú tập đánh cái lối đòn bơi chèo bằng gỗ cau. Đánh đến đòn hỗn chiến ấy thì đầu người rụng cứ như sung.

Rút từ tập truyện ngắn Vang bóng một thời,

Nxb. Mai Lĩnh, Hà Nội, 1940
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved