Home » » BIỆN CHỨNG

BIỆN CHỨNG

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012 | 03:19


BIỆN CHỨNG:
học thuyết về các mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển, hay là khoa học về các quy luật vận động và phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Thời cổ đại ở phương Tây, thuật ngữ "phép biện chứng" được sử dụng để chỉ nghệ thuật tranh luận nhằm tìm ra chân lí. Phép BC với tư cách học thuyết triết học là một hệ thống các quan điểm, trong đó một số quan điểm đã có ngay từ thời cổ đại. Chẳng hạn, quan điểm cho rằng vạn vật trong thế giới đều có quá trình hình thành và tiêu vong như đã được Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử (Laozi) khẳng định chứ không phải trường tồn bất biến. Các quan điểm BC trong thời cổ đại mang nhiều tính tự phát. Arixtôt (Aristote) coi phép BC là khoa học về những ý kiến có tính chất xác suất khác với khoa học về chứng minh. Platôn (Platôn) thì cho rằng nghệ thuật kích thích linh hồn suy tư chính là nghệ thuật BC. Ở những mức độ khác nhau và với những hạn chế khác nhau, các nhà triết học từ thời Phục hưng như Brunô (G. Bruno),  Nikôlaut Cudanut (Nikolaus Cusanus) cho đến thời cận đại như Đêcac (R. Descartes), Xpinôza (B. Spinoza), Ruxô (J. J. Rousseau), Điđơrô (D. Diderot), Kantơ (I. Kant), Selinh (F. W. J. von Schelling) đã có nhiều đóng góp vào việc phát triển phép BC, Hêghen (G. W. F. Hegel) là người có công lớn trong việc xây dựng phép BC thành một học thuyết triết học có hệ thống. Tuy nhiên, phép BC của Hêghen là phép BC duy tâm – coi sự phát triển của vạn vật chỉ là cái bóng của ý niệm tuyệt đối thần bí.
Mac (K. Marx) và Enghen (F. Engels) là những người đầu tiên đã sáng tạo ra phép BC duy vật bằng cách gạt bỏ cái vỏ duy tâm thần bí và cải tạo nó trên lập trường duy vật. Lênin đã trình bày vắn tắt nội dung cơ bản của phép BC là sự phát triển hình như diễn lại những giai đoạn đã qua nhưng dưới một hình thức khác, ở một trình độ cao hơn (phủ định của phủ định); sự phát triển có thể nói là theo đường xoáy trôn ốc chứ không phải theo đường thẳng; sự phát triển bằng những bước nhảy vọt, bằng sự đột biến, bằng những cuộc cách mạng; sự biến đổi lượng thành chất trên cơ sở những mâu thuẫn, xung đột giữa các lực lượng và các xu thế khác nhau đang tác động vào một vật thể nhất định trong phạm vi một hiện tượng nhất định, hoặc trong nội bộ một xã hội nhất định. Phép BC khẳng định sự phụ thuộc lẫn nhau và mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết giữa tất cả các mặt của từng hiện tượng (và lịch sử luôn luôn làm lộ ra những mặt mới). Mối liên hệ quy định quá trình vận động có tính chất thế giới, thống nhất và có quy luật ấy, chính là đặc điểm của phép BC, tức là học thuyết về sự phát triển, có nội dung phong phú. Theo Lênin, có thể định nghĩa "phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập". Lênin cho rằng suy luận một cách biện chứng nghĩa là đừng giả định rằng nhận thức của chúng ta là bất dịch và có sẵn, mà phải phân tích xem sự hiểu biết nẩy sinh ra từ sự không hiểu biết như thế nào, sự hiểu biết không đầy đủ và không chính xác trở thành đầy đủ hơn và chính xác hơn như thế nào. Phép BC (cả phép BC duy tâm và phép BC duy vật) thống nhất với lí luận nhận thức và lôgic học.Phép BC duy vật là lí luận BC duy vật về nhận thức, hoặc là lôgic học BC duy vật.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved