Thuật ngữ này, có nghĩa là lý thuyết về tri thức, được dẫn xuất từ tiếng Hy Lạp episteme (tri thức) và logos (nghiên cứu về). Kant không sử dụng thuật ngữ này, nó chỉ xuất hiện sau này vào giữa thế kỷ 19. Thuật ngữ tiếng Đức là Erkenntnistheorie (lý thuyết về nhận thức) thường được dịch là nhận thức luận (epistemology) cũng là thuật ngữ vào thời sau Kant, được K.L.Reihold tạo ra như một phần trong nỗ lực biến triết học phê phán thành một lý thuyết về biểu tượng trong quyển Các Lá thư về triết học Kant (1790-2). Thuật ngữ này được dịch từ thuật ngữ do Baumgarten sử dụng – gnoseology – mà Kant có biết và ông đã hàm ý nói đến ở một vài chỗ không quan trọng. Thật nghịch lý, khi triết học Kant từ lâu đã là mẫu mực cho lý thuyết nhận thức, hay nhận thức luận, nhưng bản thân Kant lại không dùng chữ này, hay bất cứ chữ nào đồng nghĩa với nó. Điều này cho thấy rằng việc đọc triết học phê phán như một dự án nhận thức luận là một lý giải post hoc [về sau mới có và không đúng thời điểm], tức sự lý giải dựa trên sự bận tâm phân biệt giữa nhận thức luận và bản thể học trong thế kỷ 19. Chính bản thân Kant đã mô tả “Phân tích pháp Siêu nghiệm” của quyển CPR - văn bản “có tính nhận thức luận” dễ thấy nhất của ông - là sự trình bày lại bản thể học (xem CPR A 247/B 303). Một khi sự phân biệt lỗi thời giữa nhận thức luận và bản thể học được gác lại, thì nhiều chỗ khó hiểu của PPLTTT đã trở nên ít bí hiểm hơn, chẳng hạn như yêu sách rằng “những điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm nói chung cũng đồng thời là những điều kiện cho khả thể của những đối tượng của kinh nghiệm” (CPR A 158/B 197). Từ viễn tượng của thế kỷ 19, yêu sách này là không thể giải thích được, có vẻ như lẫn lộn các trật tự bản thể học với các trật tự nhận thức luận.
Thân Thanh dịch
Nguồn: Howard Caygill. 1995. A Kant Dictionary. Malden: Blackwell Publishing.
Các chữ viết tắt tên tác phẩm của Kant:
- CPR: Critique of Pure Reason / Phê phán lý tính thuần túy(bản A: 1781; bản B: 1787)