Home » » THƠ VI THÙY LINH

THƠ VI THÙY LINH

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011 | 01:44

Hiện tượng Vi Thùy Linh
 

Sinh ngày 4 tháng 4 (1)
     Vi Thùy Linh, nhà thơ nữ trẻ có lẽ là đáng kể nhất trên văn đàn Việt Nam hiện nay sinh ngày 4 tháng 4 năm 1980. Ngày ấy là ngày thế nào?
     Đấy là ngày: đổ sang nhau những ăn năn bất cẩn, trong sạch vấy bẩn, ý nghĩa vô bổ, cạn kiệt lấp đầy, tuyệt vọng và ngộ nhận, đoàn tụ và lưu lạc, trấn tĩnh và hoảng loạn. Đấy là ngày có một tình yêu phi thường của những Định mệnh khác thường.
     Vi Thùy Linh đã viết về ngày sinh của mình một cách siêu thực, đẹp đẽ và rất nên thơ như thế. Thực ra, ngày 4 tháng 4 năm ấy cũng chỉ là một ngày bình thường như ti tỉ ngày bình thường khác. Trên thực tế, thế hệ của Vi Thùy Linh là một thế hệ được sinh ra trong hoàn cảnh rất thảm hại: phụ huynh của họ lúc đó phần lớn đều đang sống trong tình trạng vô cùng nhọc nhằn, khốn khó, thậm chí còn nhọc nhằn, khốn khó hơn cả thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Hãy giở lại lịch sử Việt Nam trong thời điểm chết giẫm đó: chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, chế độ bao cấp đang vào lúc khủng hoảng trầm trọng: tiền hết, gạo không, ngân sách quốc gia trống rỗng. Tôi còn nhớ ở một trường phổ thông trung học nơi tôi đến ở: giáo viên không có lương, các thầy cô giáo đã phải xin hợp tác xã cấp ruộng cấy lúa lấy gạo ăn, hai cô giáo mới có một cái quần lụa lành lặn để thay nhau mặc mỗi khi lên lớp. Trong các công sở, người ta phải phân phối chia nhau từng bao thuốc lá, từng đôi pin đèn, từng chiếc lốp xe đạp...
     Thế hệ của Vi Thùy Linh đến tuổi trưởng thành lớn lên trong điều kiện khác hẳn: xã hội đổi thay từng ngày, từng giờ, Việt Nam đang hội nhập cùng thế giới. Đa số đều được sống trong nhung lụa, trong những tiện nghi sinh hoạt xịn hoặc như xịn, họ có nhiều cơ hội lựa chọn. Họ không có những ký ức giống như các thế hệ cha anh họ, họ không đói cái đói vật chất, tôi đói như một con hắc tinh tinh, tôi đói như một con vật ở địa ngục (Con gái thủy thần).
     Nhưng thôi! Cái gì qua là qua! Chúng ta hãy đi sâu vào thế giới tâm hồn của lứa tuổi 20 hôm nay mà Vi Thùy Linh là một đại diện đáng kể nhất, thậm chí còn là nguy hiểm nhất. Vì sao vậy? Vì gì thì gì, Vi Thùy Linh đang là một thi sĩ nổi danh, đang là một nàng Jan Da trong thế giới hình nhi thượng của văn học nước nhà.

Này gương kia ta muốn biết trí tuệ của ta?
Thưa cô, cô thông minh hơn nhiều, so với tuổi.
Gương ơi, bây giờ trông ta ra sao?
Cô già hơn nhiều, so với tuổi
Sao đêm nỡ chan trăng vào tận chỗ ta ngồi?

(Thằn lằn trắng)
 
 
 

Dấu vết
     Thế hệ tuổi 20 yêu dấu của Vi Thùy Linh đa phần lớn lên trong những nhà trẻ mẫu giáo ăn cám lợn của các chương trình lương thực quốc tế tài trợ (PAM, FAO...), cha mẹ họ đang mải miết lao vào cuộc mưu sống kiếm tiền như điên (cả nước bấy giờ là một thương trường!). Những đứa trẻ cô đơn được các cô nuôi dạy hổ huấn luyện, thiếu sự chăm sóc thường xuyên của bố mẹ: trên mái nhà bên trái, một con chim sẻ lẫm chẫm giữa những viên ngói vỡ. Có phải tôi đấy không? Tôi đã nói chuyện nhiều với những đứa trẻ như thế và nhận ra chúng thường hay cáu kỉnh kinh khủng. Đến tuổi 20 đôi khi chúng vẫn còn không thôi cáu kỉnh:

Bố
Mặt trời nóng nực và ồn ã
Con muốn gần... lại sợ... tan ra...
Mẹ
Mặt trăng xa
Con ngần ngại cận kề
Con
Vì sao lạc giữa
Lớn lên và sáng bằng nước mắt...

(Những đối lập)

     Tôi vừa sợ vừa thương sự ví von các quan hệ trong một gia đình như các hành tinh trong vũ trụ, oách thì oách thật nhưng thật xa vời! Tôi thích cảnh mẹ con quấn quýt như thế này hơn:

- Ví dù con phụng bay qua
Mẹ nói con gà, con cũng nói theo.

- Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lùa cá xương.

- Có vàng, vàng chẳng hay phô
Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe...

(Ca dao)

     Sự cô đơn, bị bỏ rơi trong những dấu vết số phận ở thơ Vi Thùy Linh rất rõ: Vi Thùy Linh luôn luôn nhạy cảm với sự bỏ rơi. Tôi có lần nghe Nguyễn Việt Hà (tác giả tiểu thuyết Cơ hội của Chúa) khen câu thơ anh đẩy em bằng mắt là một câu thơ rất tình tứ. Thực ra câu thơ này ở trong một văn cảnh thật đau lòng, chẳng tình tứ chút nào:

Chỉ còn phía anh thôi
Em không nhớ đã tìm gặp anh bao lần, bất kể khi nắng còn hay tắt
Để rồi đêm nay
Em cay đắng quay về khi anh đẩy em bằng mắt.

     Cô gái (gọi bằng thi sĩ cũng được vì cô gái nào ở tuổi 20 chả là thi sĩ, cứ gì Vi Thùy Linh) nhận ra cú đẩy bằng mắt của gã bạc tình trong đêm, vậy thì sự nhận ra đó là ở trong lòng chứ đâu phải ở quan sát hiện thực. Đây là cú đẩy đi chứ không phải cú đẩy lại.
 
Em không nhớ đã thả đi bao nỗi buồn bằng tóc rụng
Tóc mỗi năm một mỏng
Bóng chèn nhau
vỡ
Lòng em
vỡ
Em lầm lũi lại đến trước nhà anh nhặt xác nỗi buồn đốt lên thành lửa
Rồi đi
Sau lưng em ngày nắng tắt.
(Từ phía ngày nắng tắt)

     Những đứa trẻ có thời thơ ấu cô đơn với những mặc cảm âm thầm trong lòng bước vào đời, yêu, bị các tay phàm phản bội như chơi, đau lòng rồi tự tử như bỡn. Họ không biết ái tình là thứ rất nguy hiểm:
     - Ái tình là một bạo chúa không nương tay cho ai cả. (Corneille)
     - Ái tình là một con quỷ, không có thiên thần nào xấu hơn ái tình... ái tình là khói sinh ra bởi nghẹn ngào. (Sêcxpia)
     - Ái tình! ái tình! Khi ngươi nắm lấy ta, người ta có thể nói: vĩnh biệt khôn ngoan! ái tình, ngươi đã làm mất thành Troie! (La Fontaine)
     v.v... và v.v...
     Sự lựa chọn trong tình yêu quan trọng vô cùng. Tôi đã nói chuyện với một giáo viên phổ thông trung học về chuyện giáo dục giới tính. Theo anh, giáo dục giới tính chỉ nên làm với khu vực nữ sinh vì với đối tượng này còn có khả năng giáo dục được chứ còn với nam sinh thì chịu, vô phương, bất khả tri, hoàn toàn không thể làm được, chúng bừa bãi vô cùng, có làm cũng chỉ bằng thừa, toi cơm! Tôi cảm thấy ý kiến này có lý. Thơ Vi Thùy Linh đầy rẫy những phiền muộn vì bị phụ bạc, vì bị thiếu kinh nghiệm lựa chọn:

Tôi nói với người đàn ông đầu tiên tôi yêu:
Em có thể chết, nếu bị anh phản bội.
Khi bị phản bội
Tôi giằng chiếc nhẫn anh tặng khỏi tay mình.
Người đàn ông thứ hai dịu dàng và trong suốt
Tôi thiếu nữ bé nhỏ rón rén bước vườn yêu
Sửng sốt và ngưỡng vọng...
Bỗng nhiên
Anh thay đổi...
Nhưng tại sao tại sao tại sao...

(Sự im lặng)

      Còn tại sao nữa? Vì đời là thế, ái tình là thế. Cô chẳng hiểu gì, kẻ phản bội cũng là người tốt, có điều người ta không dám hy sinh... Người ta không dám hy sinh vì tôi là phải. Tôi là đứa con gái xấu xí, phải không nào? (Con gái thủy thần). Cần phải nhìn nhận sự phụ bạc trong tình cảm cũng như hai mặt của một vấn đề như sự chung thủy trong tình cảm vậy.
    Kẻ tình nhân trong thơ Vi Thùy Linh là một tên Sở Khanh rất đáng kể, siêu phàm:
 
Em làm sao có thể thanh thản khi những hạt nước bung ra từ những nhát quét kia cũng mang ánh mắt anh...
Em dồn hết sức bình sinh, cầu điều lành cho anh mãi mãi...
Tiếng hát da diết của anh là nguồn tinh chất đổ vào em...
Chất ngất tôn giáo...
Tên anh thành tượng thanh của tín niệm...
Em nghe anh mà cứ ngỡ anh ôm em trong lòng đêm
Sự tưởng tượng vô biên chọc thủng thế giới
Cứ thế, anh trong em...

(Linh)
 
     Lord Byron thật chí lý: ái tình của một người đàn bà chiếm toàn thể đời sống của họ.
     Tagore minh triết hơn: ái tình là ý nghĩa tuyệt đỉnh của cái gì bao quanh chúng ta. Nó không phải tình cảm đơn giản mà là chân lý, là hoan lạc tận cùng của sáng tạo.
     Rilke thì từng trải: ái tình là cơ hội duy nhất để già dặn.
     Còn Faulkner lại khinh bạc: Điều buồn thảm trong ái tình là chẳng những ái tình phù du mà các thất vọng nó tạo ra cũng chóng quên.
     Dấu vết tình yêu trong thơ Vi Thùy Linh chi chít. Không thể không nhận ra Vi Thùy Linh là một nhà thơ tình, một nhà thơ tội nghiệp luôn bị phụ tình.
     Ai phụ tình? Ai tình phụ?
     Có lẽ trước hết đó là dư luận.
 
 
 
 

Thiếu phụ 20 tuổi
     Tôi đọc Vi Thùy Linh, hết sức ngạc nhiên vì những cảm xúc thèm có con, những cảm xúc về tình mẫu tử dày đặc. Có lẽ đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong thơ Việt Nam hiện đại.

Con ơi... con ơi
Không biết bao lần, mẹ đặt tay lên bụng, gọi con
Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ
Con đang ở đâu
Hãy theo tình yêu của cha, đậu vào lòng mẹ...

Sẽ đến lúc, nhìn con, mẹ lại ngỡ đó là chồng của mẹ...

     Thật buồn cười cho thiếu phụ 20 tuổi! Vi Thùy Linh cho đến bây giờ vẫn là một đứa bé con!

Có lúc, vì tham vọng sự nghiệp, mẹ ngại có con
Nhưng rồi qua bao nổi nênh
Mẹ mới hiểu, con rất cần cho mẹ...
Vi Thùy Linh đến 20 tuổi vẫn chỉ là bà mẹ của búp bê:
Mẹ ôm búp bê, cho búp bê bú tí
Chỉ có một búp bê con gái, mẹ chỉ quấn thêm hai cái khăn để có hai con trai
Mẹ luôn được làm công chúa, cô dâu...

(Những mặt trời đang phôi thai)

     Nhiều người nói với tôi rằng Vi Thùy Linh là biểu tượng sex trong thơ. Tôi không thấy thế. Vi Thùy Linh là một biểu tượng trong trắng chứ, nhưng thật tội nghiệp, lẫn lộn trong tâm hồn Vi Thùy Linh có rất nhiều mặc cảm: đây là một thiếu nữ từng bị một nền giáo dục sai lầm (của gia đình, của nhà trường, của xã hội) làm hại, xâm hại. Ngay cả việc học tập làm thơ của Vi Thùy Linh có lẽ cũng có phần sai lầm. Tôi hiểu tại sao Vi Thùy Linh chỉ làm thơ tự do mà từ chối các thể thơ có niêm luật. Thực ra, đây là một cách đi tắt đón đầu của các nhà thơ nông nổi. Một nhà thơ phải được giáo dục thế nào? Bằng kinh nghiệm riêng tôi, trên cơ sở quan sát những kinh nghiệm của các nhà thơ cổ điển (khái niệm nhà thơ ở đây nên hiểu như một khái niệm mở rộng) thì việc giáo dục ấy phải được tiến hành y như việc nuôi dưỡng một hài nhi, một cách giáo dục nguyên thủy cổ truyền từng bước một chứ không nên đi tắt đón đầu vội vã. Thi sĩ phải được giáo dục chặt chẽ từ việc học tập tục ngữ, ca dao, học tập các nhà thơ, các nhà tư tưởng nguyên thủy. Lần theo từng bước các nhà thơ, các nhà tư tưởng trong nền văn học sử nước nhà và thế giới, đi lại con đường của họ (cổ, trung, cận và hiện đại), thậm chí phải học tập, nắm vững tất cả những niêm luật thơ chủ yếu nhất (ở nước ta là các thể thơ 4 chữ, 7 chữ, lục bát, song thất lục bát v.v...). Không phải việc từ chối các niêm luật đã là tự do. Việc nắm vững các kỹ năng và niêm luật thơ chính là một cách rèn luyện để có được tư duy tao nhã và hành vi ứng xử với thơ (nói trắng phớ ra là học lễ) cũng chính là hành vi ứng xử với cuộc đời và xã hội. Giữa hình thức và nội dung thơ sẽ có cả một mối liên quan chặt chẽ với nhau, tác động từng tí một, dần dần, không nên đốt cháy giai đoạn (y phục xứng kỳ đức). Thơ tự do ở ta ra đời với các thể chế và tiết chế thơ độc đoán, được sáng tạo bởi các thi sĩ hay sốt ruột, ít học, nóng nảy. Thơ tự do ở ta bắt đầu từ quần chúng, kiểu lũ chúng ta bọn người tứ xứ, rõ ràng tự do thật, rằng hay thì thật là hay nhưng cũng sẽ có những mặt trái của nó khi nó được dịp lên ngôi. Khi hình thức (thơ) bình dân được tư tưởng (thơ) bình dân nhân lên nhiều lần theo cấp số nhân (giống như cơm bình dân, nhà nghỉ bình dân) thì tình trạng cả nước làm thơ, thiếu vắng một đẳng cấp ngoại hạng, thượng lưu thì đấy là một bi kịch, một sự cay đắng vô cùng cho văn học.
     Thơ, đấy là đạo đức, là văn hóa, là xã hội.
     Vi Thùy Linh là một hiện tượng thơ Việt Nam. ở trường hợp này đã bộc lộ rất nhiều những điều nên bàn cãi về thơ, về đạo đức, về văn hóa và về xã hội Việt Nam.

 
 
 
 
 
Thẫn thờ sắp xếp lại mình
      Trong bài tự kiểm điểm nhan đề Tôi và 365 ngày sóng (in trong Thể thao văn hóa số Xuân 2002) Vi Thùy Linh bộc bạch một tâm trạng mệt mỏi: Bây giờ tôi không còn là rừng lửa nữa (tức là đã qua giai đoạn mà Nguyễn Trọng Tạo miêu tả là nữ thi sĩ trẻ tuổi trên con ngựa chữ dậy thì, đã độc mã phi thẳng vào rừng rậm thi ca và khát)... Tôi yếu hẳn đi. Tôi sống trong tình trạng thiếu máu và huyết áp thấp. Hay lo nghĩ và mệt mỏi, mỗi bữa tôi chỉ ăn được một bát cơm, phải uống nhiều thuốc. Tóc có sợi bạc v.v....
     Chỉ mới ăn một đòn giáng đầu tiên của dư luận miệng thế gian, như làn sóng bể đã làm cho con ngựa chữ dậy thì sụp đổ thì cũng đáng buồn! Con đường văn học là cả một chặng đường dài dằng dặc, vinh nhục đủ điều. Nó cũng chính là chặng đường đời rất nhiều gian khó trầm luân. Các nhà thơ trẻ phải ý thức được sự nghiệp của mình nếu như họ muốn dấn thân vào hội đoạn trường đó để mà biết cách bền gan tu chí. Chẳng có chữ nào bầu nên nhà thơ. Đấy chỉ là những lời có cánh hết sức hão huyền. Thơ không phải sự nghiệp. Tôi đã nhiều lần nói thế. Sự nghiệp là cái gì? Thật là vớ vẩn. Hãy sống đi, xây dựng cho mình một giá trị tinh thần và vật chất có thực rồi sự nghiệp nó sẽ đến theo.
     Trong một bài trả lời phỏng vấn, Vi Thùy Linh có nói ước muốn được dấn thân vào văn học, sẽ làm thơ, viết tiểu thuyết. Rõ ràng, đấy là một ý định lành mạnh. Nhưng muốn thế, không thể chỉ ăn một bát cơm, uống nhiều thuốc là có sức lực đi tự dấn thân vào văn học. Với tuổi 20 yêu dấu Vi Thùy Linh và các bạn thơ trẻ khác hoàn toàn biết mình phải tự làm gì.
 
Tôi nhảy hoang dại trong cái muốn
Và vọt lên tóm cái sừng bò treo lơ lửng giữa trời, ngậm chặt và cắn
(Bất cứ lúc nào em cũng thích vọt như thế)
Chúng tôi không chấp nhận sự hành hạ của không gian..
.
(Một ngày chưa có trong sự thật)

     Ngày lên ngôi vị thơ của Vi Thùy Linh chưa có trong sự thật. Mong rằng ngày ấy sẽ đến. Nhưng nó sẽ đến dần dần.
     Vi Thùy Linh đang thẫn thờ sắp xếp lại mình. Đừng thẫn thờ nữa mà phải nhanh nhẹn sắp xếp lại mình. Cuộc đời còn ở phía trước. ở tuổi 20 thì những nổi nênh chỉ là trò cười dưới mắt những người từng trải.
     Vi Thùy Linh là một hiện tượng trong thơ Việt Nam. Cũng là một tiếng thơ lạ. Vi Thùy Linh mới chỉ bắt đầu đi những bước đầu tiên trên con đường thơ truân chuyên gian khó của mình. Phía trước là bầu trời... ở đấy có vinh quang, có hiểm họa. Hãy tin ngày mai trong sự ngây ngất. Cũng chẳng cần thông minh hơn nhiều, so với tuổi. Cũng chẳng cần già hơn nhiều, so với tuổi. Dư luận cũng nên rộng lòng dù giả tạo, cá sấu còn biết khóc. Còn hơn những kẻ vô tâm. Những nhà thơ trẻ rất cần sự nâng đỡ về tinh thần, tình cảm, cần sự chỉ dẫn của những người đi trước.
     Bài viết này như một cử chỉ cho thấy không phải dư luận lãng quên Vi Thùy Linh.
     Tôi chẳng thể hiến tặng gì ngoài ánh hào quang tăm tối ấy... (2) . (*)
 
29/4/2003
 


(1) Đề mục và các câu thơ trong bài viết đều lấy lại từ tập Linh (Thơ của Vi Thùy Linh, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000)
(2) Dịch từ thơ Aragông. Đây là câu kết trong truyện ngắn Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt viết về một vị thánh bị bôi bẩn (nhà thơ Nguyễn Bính) của tác giả.
(*) Đã in tạp chí Sinh viên, tạp chí Văn hiến.
1.           Thơ Vi Thùy Linh
Qua Topic Người con gái mạc quần , thấy có nhiều người thắc mắc về thơ Vi Thuỳ Linh . S có 1 số bài, post lên cho mọi người đọc, tham khảo.Những đối Lập
Bố
Mặt trời nóng rực và ồn ã
Con muốn gần ... lại sợ ...
tan ra...
Mẹ

Mặt trăng xa
Con ngần ngại cận kề
Con
Vì sao lạc giữa
Lớn lên và sáng bằng nước
mắt
Bầu trời không ngừng bão tố
Sấm, sét chớp rạch đấy
những cánh sao mảnh dẻ của con
Con cố vươn cánh sáng hơn
những ngôi sao chi chít kia, để
nối gần bố mẹ
Con muốn mình lớn thật nhanh
để đối mặt với
mọi cuộc đời nhưng không
là mặt trời - mặt trăng
như bố mẹ
Con yêu một người lau khô mắt
cho con, bằng đôi cánh cứng
nước mắt của anh
Anh ấy yêu con, nhưng buộc phải
tìm ngôi sao khác !(?)
Không biết lạc vào đâu
Con
Rơi
Xuống
Dòng sông đỏ đang chuyển
dịch vào bóng những vì sao
Đêm, sông cũng không ngớt sóng
Từng cánh sao ướt sáng dần
chìm, con chỉ ước mình bé thơ,
khi hiểu những điều lớn
lao chẳng làm vơi đi bất
hạnh mỗi đời người
Nước sông mặn xót, đầy
sinh vật muốn tấn công
Những cánh sao lại rướn lên
mặt nước
Hỡi những dòng sông!
Tại sao nước mặn chiếm ba
phần tư trái đất?
Tại sao con người lại ít
cười hơn khóc.
1.     Dấu vết (thơ Vi Thùy Linh)
Em khóc sập trời anh vẫn cứ đi, gạt em về vạt vạt mây tơi tả
Em phút chốc là Nữ Oa, nâng khoảng trời bị trượt chân, bằng mi mắt khô trụi
Rồi hồn phiêu bồng lại nhập xác thân
Rồi lại nóng bừng hồi hộp hồi hộp
Em muốn tìm anh, nhưng lại lạc vào bóng mình, tìm anh trong tiếng vọng của bão
Con đường hút hút lõm những dấu chân
Em ướm chân mình, định uống nước trong một dấu chân, như cổ tích…
Mà chỉ toàn dấu chân phụ nữ!
Hai bên đường, những bông hoa loa kèn đỏ khóc
Đêm ướt - những dấu chân đọng nước
Đi theo những dấu chân tới khi lả đi nơi gió xối thành thác, nơi những người đàn bà ở trần, thổn thức nhìn đường tối và trăng sáng
Họ bảo em, đừng đi nữa, không tìm được đâu, những dấu chân biến mất nhanh vì đàn ông đổi thay như biển cả
Tru lên tru lên những cây đèn đỏ
Trăng tước mình - rơi - như chiếc móng tay
Những người đàn bà làm bặt tiếng tru liên hồi của hoa, bằng lưỡi.
2.     Mùa thụ mầm
( Vi Thuỳ Linh)

Đêm song song phố ướt - cặp đùi dài
Nàng đếm ngày người yêu về lại
Đếm bằng ngón tay như những phím cầm nâu của anh
Đôi chân chưa nhìn thấy
Chỉ những dấu chân vẫn nhấn trời mang bầu vĩnh cửu
Từ kiếp trước
Chúng mình đã yêu cần mẫn. Và im lặng
Đời người thì ngắn
Giấc mơ lại dài
Anh giấu đôi tay trước sự chờ đợi của em
Ngoài kia
Tất cả thành phố cây xanh bỗng rực vàng cành khô. Lá vàng ngân nga như những át_cơ hồi hộp
Căn phòng say mềm tay
Ánh vàng toát từ những lọ gốm như mồ hôi mặt trời chiều
Níu anh, em sóng...
Không thể đu lên giữ chiếc kim giờ hiện thực
Vì khuôn mặt chúng ta là chiếc đồng hồ
Gửi cho anh hai mươi búp ngọc lan ủ bên ngực em từ đêm anh choáng ngợp
Vốc tay đầy hương linh
Mạch mạch nước nấc lên vì nhớ
Bừng từng đêm lưỡi như ngọn lửa
Liếm vào thân sóng nóng
Nguyên một mùa đắm đuối
Tình yêu sinh ra Con người
Khi em lúng túng không cất tiếng, là lúc nỗi sợ hãi xa cách quất lên
Ngôn ngữ không quyền uy cho diễn đạt yếu đuối
Đôi mắt ôi mùi nồng nàn ơi
Tạo cho chúng ta ánh sáng mới tinh sau một đêm mê man còn váng sữa
Mảnh trăng như miếng dưa hấu đỏ
Bỏ lạc giữa trời
Váng vất cơn cơn mưa mê sảng
Những giọt mưa tuột ra từ những đám mây bụng mang dạ chửa
Khiến cái túi nilon tứ tung bỗng vỡ nước ối từ một số mái nhà
Vỡ không gian rối tung bê tông cọc sắt
Mưa tới tấp vừa rơi vừa yêu
Không phải Phật nghìn mắt nghìn tay
Anh ủ em trong im lặng đầy hơi ẩm bằng đôi tay xuất thần
Con đường khểnh theo chiếc răng bên trái
Cầu vồng mọc từ hai ngón tay cái
Em ngập vào ngân gió
Ngân anh
Giữa nỗi lạc lõng
Trong ánh sáng đỏ của mặt trăng dưa hấu đang hồi lại màu thu non vì được bú dịu dàng
Những chiếc máy bay như bầy chuồn chuồn ớt
Cắn rốn Ngày và Đêm
Thế mà Đêm chẳng biết bơi băng qua những ngăn cách, khủng hoảng của loài người
Đêm một mình và đêm yêu nhau. Lúc nào cũng tóc
Tóc ướt trong phòng tắm tóc khô héo gối
Dòng sông đầy tóc rụng đang ngân gió
Gọi xanh
Kìa búp búp sen xanh mắt quyền uy khép đêm giao linh
Ôm cơn khát để anh tung vó
Chỉ hơi thở và tiếng hân hoan tưới đầy mặt đất
Hằng hà mầm cây như những núm vú bật lên từ hoang hoá đất đai
Tiếng lục lạc tràn hoang mạc
Ngày sinh của chúng ta: sự nhân - chia đôi tiền định hai người tháng Tư
Em nấp vào vết tay anh để lại trên bàn vàng căn phòng quen lạ ấy
Nơi lưỡi nến phập phồng vươn cả khi sắp tắt trong cái nhìn hình phễu của chiếc lưới chụp bên nụ hồng vàng khô mép cánh giống đôi môi em
Ngày anh về, chưa biết rõ
Phố đầy cây phượng gọi anh từ mùa hoa này
Nơi bay lên bầy vú thiếu nữ
Con đường đêm héo như quả phượng già
Tháng 9 nhớ về chín nhịp phồn sinh trong tiếng gọi đoá đoá hoa kèn tháng Tư nở vào mùa thu tinh khiết...
Con đường trỗi cặp chân dài
Bóng người
(Vi Thuỳ Linh)
Trong chiêm bao bí ẩn
Trong những dự cảm ta vừa chộp lấy ở giao điểm khoảnh khắc tỉnh - mê
1. Khi tắm
Tôi thường ngắm mình
(Như có một người, cùng tấm gương, ngắm tôi)
Mảnh mai, lóng lánh ướt…
Lan khắp chúng ta, sự choáng ngợp của vẻ đẹp mong manh và trong sạch làm chúng ta dịu lại
Trong chiêm bao bí ẩn
Trong những dự cảm ta vừa chộp lấy ở giao điểm khoảnh khắc tỉnh - mê
2. Những con búp bê biết cười và khóc không nước mắt
Con lật đật ngã rồi đứng lên lập tức
Con ốc sên nhẫn nại áp mình vào cánh cửa
Giá con người được như vậy!
(Loài vật và lũ búp bê vẫn kiên trì giấc mơ làm người?)
3. Trong những bức họa của mình
Lêvitan không hề vẽ người (?)
Và ở tranh của Đinh Ý Nhi
Những người đàn bà, những thiếu nữ, những bé gái đều gày gò hai màu đen trắng


1.     Đôi cánh của mẹ
(Vi Thuỳ Linh)
Cánh tay mệt lả của mẹ vẫn là đôi cánh bền vững
Hãy bay cao từ khi đôi bàn chân bé nhỏ của con bấm vào ngực mẹ
Mẹ nghĩ
Con có thể kiêu hãnh về mẹ và cha
Từ lúc còn nằm trong cha và mẹ
Mẹ viết đến tiều tụy
Dù vì thế, mẹ phải sớm lìa đời.
Những gì mẹ làm sẽ cho mẹ sống
Những người thân của chúng ta liên miên đau ốm
Mẹ thì không khoẻ
Nhưng
Hercule không phải là thần tượng của chúng ta
Tình yêu mạnh hơn thần quyền, vô hiệu hóa những áp đặt
Mẹ triệt tiêu nỗi khổ nhọc bằng sự dữ dội ẩn nhẫn
Bằng khao khát con, chế ngự tâm hồn
Con
Ước mơ vĩ đại, dẫu cho ngày tuyệt diệt
Giữa những ước mơ hỗn độn và giả tạo đầy rẫy xung quanh
Cánh tay mệt lả của mẹ vẫn là đôi cánh bền vững
Hãy bay cao từ khi đôi bàn chân bé nhỏ của con bấm vào ngực mẹ
2.     Sự im lặng

Tôi đã nói với người đàn ông đầu tiên tôi yêu:
“Em có thể chết nếu bị anh phản bội…”
Khi bị phản bội
Tôi giằng chiếc nhẫn anh tặng khỏi tay mình

…Người đàn ông thứ hai dịu dàng và trong suốt
Tôi thiếu nữ bé nhỏ rón rén bước vườn yêu
Sửng sốt và ngưỡng vọng…
Bỗng nhiên
Anh thay đổi!!!
……..
Cố giấu những tấm ảnh, quà tặng của họ trong góc kín căn phòng, tôi bắt đầu xe lửa mải miết, gầm lên tự trấn an, át đi trong tiếng thở đuổi theo mình, phía những cơ thể đầy ham muốn.
Tôi biết thân thể mình đang khô đi khi xe lửa không còn đường ray để chạy
Trước biển đêm
Đôi mắt thảng thốt tìm câu trả lời phía đám mây màu tóc:
“Con người sẽ còn bất hạnh vì sự thông minh và cả tin”(?)
Nhưng tại sao tại sao tại sao
Tôi lại cố rướn mắt đau đáu con đường đã qua
Tôi lại cố tìm Tôi, được một lần nữa thơ ngây, trong chiều cao im lặng.
3.     Thiếu phụ và con đường
Tự nhủ không thể yêu ai nữa
Người đàn bà sống một mình, vừa muốn quên, vừa mong ngóng
Chị cố tránh con đường xưa…
Lại đêm…
Lại đêm…

Lại một giao thừa mùa xuân hực nhựa
Để mặc những người đàn ông đến và đi, ngoài cánh cửa
Mười bảy đêm giao thừa đi qua…
Rồi lịch cũng không muốn xé
Tờ lịch lẻ loi đến đầu giường, như lá bùa sã cánh
Chị nhặt lên,
dán lại
đêm...

Lại một giao thừa nữa đi qua, bằng tốc độ bằng số năm sống của mình, bằng số tuổi khi chị gặp anh
Người đàn bà hổn hển lao về con đường bấy lâu chị tránh
Tiếng gọi cứ sôi lên không dứt
"Anh cần em, hãy trả lời anh!" - Không phải anh! Mà là người đã đứng 18 giao thừa bên cánh cửa

Vẫn đứng đúng chỗ hẹn trên con đường cũ
Thiếu phụ đưa bàn tay phải ra trước mặt
Nhìn vào đường tình duyên đầy nhánh ngang chồng chéo và đứt đoạn:
"Anh có đi hết con đường này không?".
4.     Ðêm Linh
______ Vi Thùy Linh

Những mảnh vụn chiêm bao bỗng ghép thành đoàn tàu hăm hở chở anh về

Em bặm đôi môi nẻ mùa vào gáy anh lạnh mồ hôi mặn

Dấu chấm biệt biến động

Thế rồi em vẫn phải giăng thêm những sợi tóc đủ màu thành lưới sáng

Giữ nụ - cười - chậm - của anh

Những ngôi sao già lại đầu thai vào quả quả khế non

Thân cây anh toả khói thuốc

Bỗng chốc sừng sững đâm thẳng vòm trời

Trái đất nở tròn viên mãn

ác mộng tử thần làm mồi lửa giống

Ðốt chiêm bao đông giá

Ðầy sao già tự tử dưới gốc cây

Ðoàn tàu vẫn chạy trong âm vọng tên người

Xuân gọi mưa về gột dịu

Thấm tháp hạt hạt mầm vùng dậy

Thôi bế em lên thảm cỏ hoa để cùng bay chu du

Hãy cùng đứng lên mặt đất này, nhìn sông Hồng đang hồng thêm phù sa thiếu nữ

Ngày cũ vừa bóc như cái rùng mình cuối cùng của gió mùa đông bắc

Những - mảnh - vụn - chiêm bao - là chính em định đoạt bởi anh!
5.     Sư tử buồn

______ Vi Thùy Linh

Thật dịu dàng trong cơn cuồng nộ
Chúng mình lao vào nhau từ rất lâu
Chấn động gấp nhiều vụ khủng bố làm sụp đổ WTC chấn động thế giới
Những sinh vật tuyệt chủng bỗng bật dậy tính dục
Vẫn còn trên từng tế bào em
Dư chấn cơ thể anh

Con sư tử kiêu hùng và đơn độc
Luôn muốn rúc vào ẩm nồng mềm mại
Tạc gương mặt tuấn kiệt giữa Vũ trụ đen
Sự thèm khát truy nã chúng ta

Thế giới đại loạn trong tiếng rên hoan lạc triệu năm còn âm ỉ
Chúng ta nghe thấy tiếng rên ấy bằng cái nhìn dựng đứng bức tranh cực thực
Chúng ta không phát tiếng bằng tự do quá vãng của ngôn từ, mà dồn lắng bằng trạng thái quẫn bách được báo trước của nhân loại
Ðêm ngày tháo đáy bổn phận

Chúng ta sống hoài nghi ngờ vực như thể đấy là xung động nguyên uỷ
Râm ran khắp nơi tiếng thều thào của mặt đất hẹp, đại dương ô nhiễm, những cánh rừng khô trụi bầu trời đầy không tặc
Ðang cố níu giữ sự sống bằng sự cưu mang Vũ trụ
Em đang xiết anh dưới vòm động Phong Nha trong tấm ảnh

Và anh biết được (với xung năng khuếch đại) tín hiệu mùi của hoa Thùy Linh
Ðộng kỳ vĩ nhất mang ánh sáng, độ ẩm, nhịp đàn hồi của người đàn bà đang yêu cực độ
Hầm hập núi vú cơn cuồng hoan bền bỉ
Ðã thống trị những quy luật bất trị

Người ta cần nhận ra nhau bằng khải tín trong chìm xuống dâng lên mặt biển
Ngày không khóc như chang chang biển nhật lệ cuồn cuộn những con rồng sóng sóng
Ðêm không buồn như xanh miết đường thành Huế mơn man những hàng cây đắm đuối
Em yêu anh trên tất cả những danh phận xác lập

Sư tử dũng mãnh và vĩ đại !
Tràn bờm đầy mình nàng hai mươi hai tuổi
Không cần cùng 40 tên cướp, anh đã cướp nàng đi khỏi sự thăng bằng - không bao giờ có nổi
Ðể Nàng phải cong rồi dựng đứng

Yêu anh hân hoan náo nức
Cánh cửa chỉ cho anh
Bên trong là kho báu
Không vàng bạc kim cương đá quý

Không mở bằng thần chú
Mở cánh cửa bằng trục nóng của anh - trục Vũ trụ
Vừa lọt tận cùng đã mắc kẹt vĩnh viễn

Ở cánh cửa Linh
Tóc bạc râu bạc bật tung sự chênh lệch
Tinh khí làm mềm những sự vật hoá thạch

Sư tử

Ðắm hai màu trắng-đen thân thể nàng
Một đêm cực diệu tinh khí anh tròn nơi bụng em Tương lai
Sư tử buồn của em !

Băng qua địa cầu bằng tiếng gầm kinh động
Núi vú lại cương lên sự sống

Những cặp chân khoá chặt nhau khước từ chân lý !
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved