Vấn đề này được bàn thảo đầy đủ nhất trong phần thứ ba cuốn UNH (1755). Mặc dù việc nghiên cứu hầu như thiên về hướng mỉa mai những nỗ lực hoài công của con người, nhưng rõ ràng vấn đề này được đề cập đến một cách nghiêm túc. Ở đây Kant lập luận từ thần học tự nhiên, và “tính vô hạn của tự nhiên” đến sự tồn tại của sự sống ngoài trái đất. Kant khẳng quyết rằng hầu hết các hành tinh đều có sự sống và những đặc điểm hình thể của sinh vật sống do môi trường sống quy định (xem thảo luận về các đặc điểm của các sinh vật sống trên sao Kim và sao Mộc (UNH tr.185-7; tr. 188-9). Kant kết luận với ý tưởng vốn những cuộc di cư của con người đến các hành tinh khác, và ông nói thêm rằng “những bức tranh không lấy làm chắc chắn như thế về sức mạnh của trí tưởng tượng” (UNH, tr.199, tr.196), là không đủ để “hy vọng về cuộc sống tương lai”. Trong CJ § 91, Kant nhấn mạnh đến tính giả thuyết về sự tồn tại của sự sống ngoài trái đất bằng cách trình bày nó như một ví dụ về một “chất liệu thường nghiệm của tư kiến”: “vì nếu giả thử ta có thể tiến gần đến các hành tinh - điều có thể làm được về nguyên tắc - thì kinh nghiệm ắt sẽ có thể quyết định liệu các sinh vật sống như thế có tồn tại ở đó hay không, nhưng vì chúng ta không bao giờ đến gần được các hành tinh, nên vấn đề trên vẫn mãi là một vấn đề của tư kiến.
Châu Văn Ninh dịch
Nguồn: Howard Caygill. 1995. A Kant Dictionary. Malden: Blackwell Publishing.
Các chữ viết tắt tên tác phẩm của Kant:
- UNH: Universal Natural History and Theory of Heaven / Lịch sử tổng quát về tự nhiên và lý thuyết về bầu trời (1755)
- CJ: Critique of Jugement / Phê phán năng lực phán đoán (1790)