Hồi năm 1905, Albert Einstein công bố thuyết tương đối hẹp của ông – lí thuyết nói rằng đồng hồ của hai nhà quan sát chuyển động tương đối so với nhau sẽ đo thời gian khác nhau. Kể từ đó, khái niệm thời gian quen thuộc của chúng ta bị trôi tuột mất. Không thể nghĩ thời gian là tiếng tích tắc đều đều kể từ khi vũ trụ ra đời, tách rời với sự cảm nhận mang tính con người của chúng ta nữa.
Các nghiên cứu đã làm phát sinh quan điểm cho rằng mọi người chúng ta cảm nhận thời gian khác nhau. Ví dụ, vào năm 2001, hai nhà khoa học tại trường Đại học College London (UCL) đã tiến hành nghiên cứu cho thấy các đồng hồ nội tại của chúng ta không phải lúc nào cũng khớp với nhau. Đồng hồ nội tại của tôi không gõ nhịp đều với đồng hồ nội tại của bạn. Cảm giác thời gian của mỗi người là khác nhau và, ít nhất là phần nào đó, phụ thuộc vào cái những giác quan của chúng ta cho chúng ta biết về thế giới bên ngoài.
Quá khứ, tranh sơn dầu của Anastasiya Markovich
Các nhà khoa học UCL – Misha B. Ahrens và Maneesh Sahani – muốn nêu câu hỏi, “Sự cảm nhận thời gian của chúng ta từ đâu mà có?” Nghiên cứu của họ cho thấy loài người chúng ta sử dụng các giác quan của mình – ví dụ, thị giác – để giúp nhận ra những khoảng thời gian ngắn.
Theo Ahrens và Sahani, loài người chúng ta đã học được cách kì vọng những cảm nhận giác quan của chúng ta thay đổi ở một tốc độ trung bình nhất định. Họ nói việc so sánh sự thay đổi mà chúng ta nhìn thấy với giá trị trung bình này giúp chúng ta phán xét bao nhiêu thời gian đã trôi qua, và cải tiến đồng hồ nội tại của chúng ta.