Home » » Tăn tổ bốc phệ chính tông

Tăn tổ bốc phệ chính tông

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012 | 06:49

Lời nói đầu 


Cuốn Tăng Bổ Bốc Phệ Chính Tông được Vương Duy Đức tự Hồng Tự người ở Tây Sơn thuộc Động Đình viết. Gọi là Tăng bổ ( bổ túc thêm) vì Bốc Dịch là môn học tối cổ, được lưu truyền từ xưa. Những phần ghi chép trong sách đều chọn lấy từ những tư liệu truyền đời, chỉ có những phần đính chính, giải thích là do tác giả sáng tác do hiểu biết và vận dụng về Dịch học của mình. Vương Duy Đức là người đầu đời nhà Thanh, là người nghiên cứu Dịch từ nhỏ, công danh trắc trở, gia nghiệp bị phá bại khiến phải hành nghề bói toán để độ nhật. Cuối đời gom lại những điều hiểu biết cùng kinh nghiệm hành nghề của mình để viết thành sách để lại cho người sau. Theo ông cái học của mình có được nhờ một phần nghiên cứu từ nhỏ lại trải qua nhiều năm, một phần do Dương Quảng Hàm tiên sinh truyền lại. Nhưng phần lớn nội dung của sách là chú giải, bài bác những điều do tác giả hiểu đối với những tư liệu truyền lại từ xưa. Trong sách theo tác giả chỉ có phần Thập Bát Luận trong quyển 3 và phần Thập Bát Vấn Đáp trong quyển 13 và 14 là do mình viết cùng những kinh nghiệm được thầy truyền lại, còn lại là những phần đính chính, giải thích, cùng sưu tầm những tư liệu cổ. Ông sống vào đầu đời nhà Thanh, nhưng trước đó vào đời Minh, môn Bốc Dịch khá phổ biến, được nhiều người nghiên cứu, nhiều tác phẩm được khắc in. Theo tác giả chính phần Hoàng Kim Sách mà tác giả ra công chú giải được Lưu Bá Ôn, người đầu đời Minh giỏi về thuật số đã viết ra. Cách vận dụng Ngũ hành trong Dịch cùng lượng định chính phụ của các hào trong quẻ có nhiều quan điểm khác nhau. Nhờ hành nghề lâu năm, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm nên trong sách ông bài bác rất nhiều quan điểm cổ cùng quan điểm nêu ra trong một số sách lưu hành đương thời, cốt để đính chính cho hợp với những Nguyên tắc đã được chuẩn định đói với môn học này. Môn Bói Dịch này vốn đã có chuyển biến sâu rộng từ thời Quỷ Cốc Tiên Sinh, một nhân vật sống vào đời Chu, khi ông đổi từ phép xem dùng cỏ Thi, qua cách dùng bằng ba đồng tiền, khiến môn học này được phổ biến rộng rãi, không còn riêng tư cho giới trong coi bói toán của triều đình. Nhờ vậy mà từ đó môn học được xiển dương . Tuy nhiên trải qua mấy ngàn năm, người nghiên cứu quá nhiều, khiến việc hiểu biết vận dụng có nhiều sai biệt. Rồi từ đó tạo thành nhiều môn phái với những kiến giải riêng rẽ. Tuy nhiên còn tuỳ thuộc vào thiên tư nên không phải người nào cũng đạt đến thâm sâu, áo diệu của Dịch, dù lắm người nổi tiếng lúc hành nghề Bói Dịch nhưng kiến giải cũng không được sâu sắc, nên những điều truyền thụ cho người sau cũng không đạt được lý lẽ chính xác. Tác giả vốn là người nghiên cứu, bất dắc dĩ mà hành nghề độ nhật, nhưng nhờ đó mà thu thập được nhiều kinh nghiệm, nên cố gắng đính chính giải thích theo hiểu biết của mình. Và chính vì thế mà trong sách khá đầy đủ những câu Phú truyền tụng từ xưa, từ những câu mang tính học thuật cho đến những câu hết sức bình dân áp dụng cho một số trường hợp lúc hành nghề của các thầy bói.


Khi đem khắc in, nội dung của sách còn có sự góp ý của những nhà khoa bảng cũng là những học giả đương thời là Nhu Tôn Thì, Ngô Tường Chung và Anh Tử Xán. Sách được phân thành 14 quyển, mỗi quyển gồm nhiều phần khác nhau nhưng không chia thành chương. Từ quyển 4 đến quyển 12 đều là những câu phú cổ về tạp sự với chú thích rõ ràng. Phần cơ bản về Dịch học và Ngũ hành được đề cập trong quyển 1 và 2 lại khá đơn giản. 

Nội dung của sách nếu đọc kỹ sẽ thấy không chỉ do một người viết, mà có những phần phụ vào do người đương thời hoặc người sống sau tác giả, vì những cách hành văn nhiều khi viết quá đơn giản không phải là người có học cao, cùng những luận giải không được sâu sắc theo tình thần chú thích Hoàng Kim Sách, là phần Phú chính yếu chắc chắn do tác giả viết. Vả lại ôm đồm quá nhiều phần về tạp sự nên việc chú thích khó tránh được nhầm lẫn và võ đoán, khiến người đọc khó nắm được phần chính phụ để áp dụng cho các quẻ Dịch. Ngoài ra phân cơ bản quá ngắn gọn, mà phần lí luận lại được nâng cao, nên sách thích hợp cho những người đã từng có nghiên cứu về Bốc Dịch. Nhưng đây là một cuốn sách quan trọng trong việc nghiên cứu và học hỏi về Bốc Dịch, kẻ hậu học muốn tiến xa không thể không đọc sách này. 

Sách được lưu truyền rộng rãi trong giới nghiên cưú Dịch học ở nước ta vào thời Nhà Nguyễn. Nhưng trong bước đầu học Dich người ta phải kết hợp đọc thêm Tăng San Bốc Dịch của Dã Hạc Lão Nhân mà nội dung về những lý thuết cơ bản được trình bày cặn kẻ hơn. Hai cuốn Bốc Phệ Chính Tông và Tăng San Bốc Dịch vì thế được phổ biến rộng rãi ở Trung Hoa và nước ta. Cũng như Tăng San Bốc Dịch, Bốc Phệ Chính Tông được khắc in nhiều lần, và những lần về sau cũng có đôi chỗ in nhầm, nhưng không đáng kể. Bốc Phệ Chính Tông có quan điểm với một quẻ Dịch có thể đoán định được nhiều việc, và đây cũng là điểm tương phản với Tăng San Bốc Dịch, nhưng lại được người bói Dịch áp dụng mà có kết quả chính xác. 

Sách này trước đây đã được dịch vào thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng chỉ dịch những phần chính yếu, rồi chép tay cho các thân hữu nghiên cứu. Nay có cơ hội nên dịch trọn bộ các phần, kể những phần không được lí luận thâm sâu, cốt sao lưu giữ được những tư liệu truyền lại từ xưa. Ngoài ra còn đính kèm chữ Hán phần nội dung chính yếu, để người đọc tiện tham khảo. Tuy nhiên vì nguyên bản được sắp xếp không được rành mạch theo tinh thần hiện đại, nên khi dịch sách dịch giả đã phân thành các chương khác nhau, nhưng chương có nội dung gần gũi thì đặt sát liền nhau. Phân Đính chính sai lầm của các sách đương thời được tách riêng chuyển vào phần Phụ Lục. Ngoài ra những phần tạp thư như Hà Tri Chương, Yêu Nghiệt Phú... trình độ không cao nên cũng chuyển vào Phụ Lục. Riêng về phần Tân Tăng Gia Trạch tuy khá lộn xộn và không sâu sắc lại chuyển vào sau phần Gia Trạch cho tiện tra cứu. Ngoài phần chú thích của tác giả, dịch giả cũng có kèm theo những kiến giải riêng tư ở phần chú thích cuối trang. 

Với cuốn sách quá nhiều phần nghiên cứu khác nhau nên khó tránh được lầm lẫn khi dịch. Nếu thân hữu cũng như người đọc các nơi có điểm gì chê trách hoặc góp ý là điều may mắn để Dịch giả sửa đổi trong những lần in sau.
Vĩnh Cao
Lạc Biên Phủ, tháng chín năm Đinh Hợi
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved