Kết luận
“Nhưng chúng ta hãy thôi bình luận, nếu không chúng ta sẽ có nguy cơ quên rằng Hanold và Gradiva chỉ là những sáng tác của một tiểu thuyết gia”. - (S. Freud, câu cuối cùng của cuốn RDG)
Kết luận thế nào đây khi mà điều đó tương đương với đánh dấu sự dừng lại ở con đường đang theo đuổi, trên lối mòn nơi dường như ta vừa mới vượt qua được quãng đường chông gai? Người ta sẽ định vị chắc chắn hơn nữa trong vài năm hay vài thập kỷ tới. Về tầm quan trọng, về tiếng vang của vấn đề được gợi nhắc thì độ dài của danh mục tài liệu trong thư mục sẽ nói lên nhiều điều hơn là một bản tổng kết. Giờ đây, điều chúng tôi có thể thử làm, ấy là lùi lại một chút, đồng thời đặt lại đối tượng mô tả của chúng tôi vào bối cảnh đã được mở rộng.
Trước hết, cần nhớ lại rằng bức tranh toàn cảnh này đã chủ tâm chơi cái trò chơi phân tâm học và văn học, nâng chúng lên thành các định đề, trình bày chúng như những hiện tượng văn hóa có ranh giới xác định và có tính tự trị; những hiện tượng này mang giá trị không thể tranh cãi. Điều đó tương đương với nói rằng, về mặt tốt của chúng, chúng ta đã thực hiện một kiểu thể chế hóa lý thuyết mà sự cần thiết của việc thể chế hóa này làm xuất hiện trước chúng ta một giả thuyết về lao động.
Vậy là chúng ta đã khoanh phân tâm học lại. Sát với Freud và những người theo trường phái tân Freud nhất, chúng ta đã coi phân tâm học như sự nỗ lực theo hướng duy vật nhằm chỉnh sửa và khớp nối lại với nhau một lý thuyết về Vô thức, một lý thuyết về tính dục, một lý thuyết về chủ thể nói (và viết) thành tổng thể. Đó là một lựa chọn. Người ta biết rằng về việc đó còn có nhiều quan điểm khác nhau: Tâm lý học chiều sâu (Jung) khoét bỏ cái nhân ham muốn tính dục, còn ở bên sườn dốc khác, phân tích – tâm thần phân lập (schizo-analyse) (Deleuze và Guattari) tìm cách lấy đi cái hạt chủ thể. Vấn đề ở đây không phải về các “biến thể” của Phân tâm học, mà là về các quan niệm khác với thực tại vô thức. Chắc chắn có thể tiếp cận nghiên cứu văn học theo nhãn quan riêng của họ, chỉ cần điều đó được thực hiện trên các căn cứ rõ ràng, dưới cái tít không mang tính nước đôi. Câu hỏi về tính chính thống trở thành một vấn đề giả ngay khi người ta đặt ra các định nghĩa đồng thời viện dẫn các tên tuổi. Như vậy, phân tâm học chính là học thuyết của Freud và của những người ủng hộ các nguyên lý của ông, dựa vào ông. Những người “theo Freud” có thể lên án, khai trừ lẫn nhau. Các cuộc tranh luận và đôi khi các cuộc cãi vã của họ có dáng vẻ tích cực, phong phú. Tuy nhiên, họ không quan tâm tới những người xuất phát từ một ý tưởng khác về Vô thức, thuộc “siêu mẫu” hay “mẫu máy móc”; họ cũng chẳng để mình lẫn lộn với những người ấy.
Chúng tôi đã xác định giới hạn chặt chẽ học thuyết phân tâm học của mình, nhưng chúng tôi không hề thu hẹp khái niệm về văn học. Dù vậy, công việc thực hành của chúng tôi được ghi vào một hệ tư tưởng nhất định, đơn giản bởi vì công việc ấy tách riêng được một lĩnh vực ngôn ngữ, nói hoặc viết, ra khỏi khả năng chung về nói và viết, khả năng này vốn không thật “chung” như người ta tưởng. Chúng tôi làm ra vẻ có “thứ văn chương” hoàn toàn hiển nhiên và hoàn toàn cần thiết mang tính lịch sử, với cùng sự cần thiết và cùng sự hiển nhiên như môn địa lý hoặc môn giải phẫu người. Chẳng có gì kém được bảo đảm hơn, chúng tôi biết rõ điều đó. Vấn đề ở đây không chỉ là ám chỉ những hậu quả chính trị và những điều kiện kinh tế của một phép chữa trị bệnh tâm thần nào đó bằng phân tích ở xã hội chúng ta (xã hội phương Tây, thậm chí là xã hội Pháp). Mà vấn đề là gợi nhắc một lĩnh vực phản chiếu rộng, ở đó phương pháp phân tích ngữ nghĩa (sémanalyse) (Julia Kristeva) có thể là ngọn cờ để tập hợp. Đối tượng của lĩnh vực này là các “phương thức biểu thị ý nghĩa” chừng nào các phương thức ấy phản chiếu lại và cho phép xây dựng được một ngôn ngữ vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội, chừng nào các phương thức ấy biến đổi chủ – thể – và – lịch – sử cùng nhau. Cái sự phản chiếu lại kia nằm ở cấp độ hoàn toàn khác, nó phải nhờ đến Freud, đồng thời nhờ cả Marx và Saussure thì mới đọc được rành rẽ những ngôn từ của họ. Trong phạm vi nó có vẻ nhận thức lịch sử theo mẫu tấm gương lớn di động được (và qua lại lẫn nhau chăng?), thì nó sử dụng cái vô thức như một loại mô hình dựa trên sự tương đồng. Nghiên cứu ngôn ngữ như sự thực hành liên chủ thể, bằng cách biểu thị ý nghĩa và vận hành cùng danh nghĩa như tính hợp lý về kinh tế của tiền-lao động ở những mâu thuẫn bị che đậy mà “Xã hội” tự tu chỉnh trên đó (người bị bóc lột phải chăng [giống như] là người bị dồn nén?) và trình bày ngôn ngữ của cùng một trào lưu như là hiện tượng ở bên trong chủ thể, dù phải phá bỏ một quan niệm nào đó về “chủ thể”, đó chính là đưa lý luận của Freud vào một trạng huống lịch sử và vào một sự đổi phiên tri thức luận. Dù người ta có nghĩ gì đi nữa thì một dự án như vậy vẫn vượt xa hơn hẳn dự án của chúng tôi [84].
Điều này không có nghĩa là người ta không biết đến quyền năng của hệ tư tưởng, huống hồ là sức nặng của Lịch sử. Nhưng người ta quyết định làm việc ở phạm vi ít tham vọng hơn, trong hàng rào khoa học của một lĩnh vực mà ở đó chất lịch sử chỉ biểu lộ ra, chỉ hoạt động như là thứ chất nặng dằn tải trọng ngôn ngữ và thứ tài sản thừa kế của cái tượng trưng. Nguyên lý mà công việc chúng tôi dựa vào, đó là ngày nay tồn tại một lý thuyết sự hoạt động tâm thần có vẻ mổ xẻ được, đó là ngày nay tồn tại một tổng thể các thực hành viết vừa cổ xưa, vừa vẫn đang hiện hành, và người ta có thể lợi dụng nghiên cứu cái hiện hành dưới sự soi sáng của cái cổ xưa. Nếu như ở phía bên trong có một hình thức vô trùng, tiện lợi và tạm thời, thì ngoại trừ điều kiện thực hành, cần nhìn thấy ở đấy điều kiện về lý thuyết của cách đọc phân tâm học những văn bản văn học, bởi vì, mổ xẻ với đôi tay quá sạch tốt hơn là với đôi tay bẩn, hoặc như người ta nói, chẳng có đôi tay nào hết.
Cái Vô thức, đó là cái chúng ta bị cưỡng chế phải nhắc lại một quá khứ mà chúng ta không nhớ và phải xem như là ký ức cái sẽ không bao giờ còn được lặp lại dưới dạng ban đầu của nó. Nền Văn học, đó là tổng thể các bài viết được xếp đặt một cách rõ ràng dưới dấu hiệu của sự hư cấu (tách biệt với thuật và với giáo huấn). Chúng tái chế lại cái quá khứ ấy đang run rẩy bởi chân lý bí mật và chúng trực tiếp tìm thấy quá khứ ấy tuân theo quy luật của sự không hiểu biết của nó. Đọc tác phẩm hư cấu với cái nhìn của phân tâm học cho phép đồng thời vừa tặng cho văn bản một chiều kích khác, vừa quan sát được cách viết trong sự sinh thành và trong sự vận hành của nó. Hoạt động văn học thu được ở đó một chế độ bổ sung về nghĩa, và được thừa nhận có xu hướng lật đổ với tư cách công việc của Cái khác. Các cấu trúc phổ quát và tính cá biệt không thể xóa nhòa của con người chủ thể có lẽ từ đó được đánh giá đúng đắn hơn, do đó công bằng hơn.
Liệu có cần tìm kiếm khắp nơi những lý do vay mượn Freud chiếc kính kẹp mũi nổi tiếng của ông không? Điều chủ yếu phải chăng là nên cẩn thận lau chùi chiếc kính đó và đặt nó ngay ngắn lên mũi?
Đỗ Lai Thúy và Phan Ngọc Hà dịch từ Psychanalyse et litérature PUF, Paris, 1978
Nguồn: Tạp chí Văn học nước ngoài số 2 và số 3 năm 2004. Dẫn lại theo http://evan.vnexpress.net
_________________
Chú thích:
[1] Để nói và nhắc lại rằng giữa họ (Nietzsche và Freud – ĐLT) có nhiều điểm chung đến mức Freud không muốn tiếp xúc với Nietzsche “quá nhiều” nhằm bảo vệ nguyên vẹn tính độc đáo của tư tưởng riêng của ông…
[2] Về vấn đề “áp dụng”, xem Mireille Cifali, Freud pédagogue? (Freud nhà giáo dục?) Inter-Editions, 1982.
[3] Hơn nữa, Sophocle cho Oedipe nói như thể để người ta đoán được rằng anh ta biết sự thật: tất cả mọi người ở Thèbes nói về những kẻ gian ác giết Laios, còn Oedipe, chính anh, lại nói “kẻ gian ác”; tất cả mọi người đòi thủ cấp của những kẻ chịu trách nhiệm về nạn dịch hạch, chỉ mình Oedipe tìm “kẻ có tội”; sự thấy trước có ý nghĩa, lời nói có tính tiết lộ (xem Driek Van Der Sterren, Oedipe (1948), bản Pháp văn, PUF, 1976, tr. 49).
[4] Vì thế chúng ta hãy tán thưởng nhận xét này: “Sự chú ý đến phân tâm học ở Pháp được bắt đầu từ những nhà văn…”. (MVP, 78).
[4] Những dịch giả đầu tiên dịch Die Traumdeutung thành Khoa học của giấc mơ: từ “khoa học” không thể chấp nhận được xét từ cạnh khía khoa học luận và không đúng với Deutung; Nhan đề mới Giải đoán là tốt, nhưng số nhiều của (các) giấc mơ nhường chỗ cho số ít thì có lợi hơn, trung thành hơn và làm rõ hơn đặc điểm của phương diện lý thuyết của công trình này.
[5] Chúng tôi nói rõ, đáp ứng mong muốn của những người mà từ này làm cho phải ngạc nhiên rằng đó là từ duy nhất có thể chấp nhận được: “bị phân tích” (analysé) có thể được dùng sau sự biến, nhưng suốt buổi “thăm bệnh”, đúng là người ngồi trên ghế đivăng phải cung cấp phần lớn tư liệu hoạt động, người được mời đến để nói hết, kể cả việc giải thích rằng chính bản thân người đó cũng cung cấp cho anh ta những tư liệu do đời sống thường nhật mang lại. Người ngồi trên ghế bành lắng nghe ngoài tầm nhìn của người ấy, là một nhân chứng, không phải người quan sát cũng chẳng phải một giáo sư: anh ta tiếp nhận tối đa nếu có thể phần xúc cảm tác động lên con người anh ta và những nhân vật mà anh ta phải sắm vai (đó là chuyển di). Ta phải biết ơn Jacques Lacan người đầu tiên dùng từ người phân tích (analysant), nay đã được dùng phổ biến.
[6] Xem những phân tích nghiêm túc của J.F.Lyotard, Discours, Figure (Diễn ngôn, Hình thể), tr. 239 – 270, và cuối chương IV.
[7] Xem ở dưới đây thành quả quyết định của Jacques Derrida, L’Ecriture et la différence (Lối viết và sự khác biệt), tr. 293 – 340.
[8] Mọi trước tiên nằm trong khuôn khổ của Chính cái đó, theo định nghĩa, bởi lẽ ngôn ngữ (logos) với những quy định ít hay nhiều võ đoán được hình thành sao cho có thể cho phép và cải thiện việc thông tin: trao đổi các thông tin, biểu hiện ý tưởng, mô tả sự thực được nhận biết.
[9] Dù sao, một khác biệt: tu từ học nói chung giả định một sự lựa chọn, người ta có thể nói “trực tiếp” hay “bóng bảy”, cái vô thức, chính nó không có ngôn ngữ nào khác trong tầm tay – về những thủ pháp của tu từ học xem Pierre Fontainier. Les Figures du discours (Những hình thể của diễn ngôn), Flammarion 1968.
[10] Ít nhất, phải chăng chúng cũng đã hé mở: công lao của J. Lacan là đã mở rộng việc chuyển qua một con đường lớn.
[11] Có thể bổ xung thêm tiểu luận ngắn để nghiên cứu của nhà ngữ học Karl Abel mang tựa đề Des sens opposés des mots primitifs (Hai nghĩa đối lập của các từ nguyên thủy, 1911); hoặc tham khảo những suy nghĩ của Octave Mannoni, Clefs pour l’imaginaire, (Những chìa khóa cho tưởng tượng), tr. 63-74.
[12] Chương sách có nhan đề “Tu từ học của Freud” trong Théories du symbole (Những lý thuyết về biểu tượng), Seull, 1977. Cũng có thể tham khảo bài báo của Jean – Michel Rev, Sự nhị trùng của ẩn dụ, Litl, 18-5-1975.
[13] Tất nhiên, Freud gợi ra trường hợp những câu vui đùa nhưng chính là Sandor Ferenczi là người đã phân tích đặc biệt hơn cái ý thích dành cho những từ tục tĩu trong giá trị vừa chơi đùa, vừa bù đắp (câu nói tiềm ẩn) vừa như một triệu chứng (Xem “Những từ tục tĩu” trong Phân tâm học I, Payot, 1968).
[14] Thoái lùi: đó là trở lại những chỗ đứng trước kia trong bộ máy tâm lý, ở đó tâm lý được cấu trúc khác nhưng không phải là “thấp hơn”; nó cũng phức tạp và phong phú chẳng kém, chắc chắn là kém phần hợp lý hơn, nhưng lại được đặt nhiều hơn vào nguyên lý khoái lạc (IAP, chương 22).
[15] Văn bản mới viết trên tấm da có các văn bản cũ bị xóa đi.
[16] Chúng ta hãy nhớ lại, từ hai sự thú nhận dưới dạng phủ định ấy, Phân tâm học biết có hai loại chính: loại phủ nhận của người loạn thần kinh (“Tôi chắc chắn một điều, ấy là người đàn bà trong mộng của tôi không phải là mẹ tôi”, sự vận dụng trong suốt) và loại khước từ công nhận [hiện thực] (“Tôi biết rõ đàn bà không có dương vật, thế nhưng tôi đã trông thấy cái ấy của mẹ tôi”. Từ đó xuất hiện hai dạng thức: người mắc bệnh tâm thần có ảo giác thiếu vật đó, người bái vật [loạn dâm] đinh ninh niềm tin của mình và phủ nhận sự trải nghiệm của anh ta, đồng thời chế tác ra và ướp giữ lâu dài theo cách nào đó vật thay thế mà anh ta tôn thờ). Vậy có thể nói điều này: bị ám ảnh trở thành con người xã hội trong tương lai, tư duy lịch sử chủ nghĩa toan tính bỏ qua điều kiện cá nhân cơ bản của tâm thần là thứ sẽ thoát được việc trở thành toàn bộ. Còn về phê bình văn học kiểu truyền thống, lối phê bình này khước từ điều mà nó cảm nhận vừa như là “sự thô tục” của tính dục, sự không thích hợp của một “sáng tác” ở phần thoát khỏi tầm kiểm soát của ý thức và sự xem xét lại ý nghĩa phổ quát có trước mà chủ nghĩa nhân văn muốn khám phá.
[17] Xem Marina Scriabine, ở ngã tư thành Thébes, NRF, 1977.
[18] Giai đoạn từ năm tuổi tới gần lúc dậy thì, ở giai đoạn này, người thiếu niên chịu gánh nặng học hỏi thực tiễn xã hội, dường như nó mất đi phần lớn sự quan tâm dành cho các chuyện về giới tính.
[19] Vấn đề được Didier Anzieu phát biểu trong bài báo nhan đề Freud và huyền thoại học, NRP, 1, 1970. Đây là một trong những bài tổng thuật phong phú nhất về vấn đề huyền thoại: “Những tiến trình vô thức – gồm các đại diện – sự biểu hiện của xung năng, cơ chế bảo vệ, sự lo âu, các huyễn tưởng – có số lượng hữu hạn; ở mọi lúc, mọi nơi chúng vẫn vậy: người ta có thể nói về một tính phổ quát của Vô thức chính là theo ý nghĩa ấy. Trái lại, cách tổ chức những tiến trình này, cách tổ hợp chúng là thay đổi. Nó thay đổi không những ở cá nhân tùy theo giai đoạn phát triển của libido hoặc tùy theo chứng bệnh thần kinh, nó còn thay đổi tùy theo nhóm và giới xã hội [...]. Cách tổ chức cá nhân và cách tổ chức tập thể của những tiến trình vô thức là độc lập với nhau ở nguồn gốc và chức năng hoạt động của chúng. Chắc chắn các huyễn tưởng cá nhân và các huyễn tưởng tập thể thông giao với nhau, bởi vì chúng đều được cấu tạo từ cùng một số yếu tố cấu thành. Tuy nhiên, hiếm khi một tổ chức vô thức cá nhân lại trùng khít với một tổ chức vô thức tập thể [...]. Cùng một người cư xử ở đời tư tùy theo huyễn tưởng riêng của anh ta, còn ở trong nhóm, anh ta cư xử tùy theo huyễn tưởng của nhóm đó. Số lượng các cá nhân chia sẻ huyễn tưởng nhóm càng cao thì cái huyễn tưởng đó càng có sức nặng, nghĩa là càng bất biến theo thời gian [...]. Một nền văn minh được khảo cứu vẫn nhìn về cùng một huyễn tưởng trong suốt hàng nghìn năm. Đó chính là huyễn tưởng nằm ở bên dưới cái người ta gọi là cổ truyền”. Gần đây hơn, André Green định nghĩa huyền thoại như “một đối tượng lưu truyền tập thể” (trong Thời suy ngẫm, 1980, Gallimard).
[20] Theo Lévi-Strauss, tiêu chuẩn để phân biệt diễn ngôn huyền thoại với các tác phẩm văn học đích thực, đó là “tính có thể diễn dịch” của nó: ngoại trừ sự trùng hợp ngẫu nhiên, các truyện kể này không tham gia làm cái biểu đạt ngôn ngữ học, do đó chúng có thể dễ dàng chuyển sang một ngôn ngữ cận kề, điều này trái ngược với văn bản thơ ca. Sự phân biệt như vậy có thể hơi sơ lược; nó bắt gặp một số ngoại lệ đáng chú ý (Hésiode, Ovide, Niebelungen, Edda thuộc Sandinave, v.v…); hơn nữa, chúng tôi đọc một số truyện sáng tác, chẳng hạn bằng tiếng Sanscrit (tiếng Phạn), giống như là các huyền thoại và anh hùng ca, đấy là các truyện kể đồng thời vừa thuộc tiểu thuyết, vừa thuộc triết học…
[21] Tức là thời điểm cuộc đời có đồng thời cả bố mẹ và con cái (hoặc ít nhất là sẽ có con cái), khi mà chủ thể được giả định cùng lúc chế ngự được sự khác biệt thế hệ và sự khác biệt giới tính.
[22] “Một thần thoại Hy Lạp cho phép Freud tạo ra khái niệm về bộ máy tâm thần, vốn vừa là hạt nhân của sự trưởng thành về cảm xúc, vừa là hạt nhân của chứng loạn thần kinh cũng như của nền văn hóa” (D. Anzieu, sđd, tr. 114).
[23] Lạ thay trong tác phẩm này, người ta thấy Freud tưởng tượng ra một huyền thoại, đó là huyền thoại về những đứa con của bầy người nguyên thủy, “một hôm” chúng đã giết và ăn thịt người cha, sau đó chúng tổ chức lại bầy đàn dưới dấu hiệu của sự hối lỗi, tôn sùng việc thờ cúng tưởng niệm đối với cái chết của cha (bữa ăn “tôtem”, các cuộc lễ hiến sinh khác nhau) (Xem TOT, 163 và cho đến hết sách, các giả thuyết về một số điểm của huyền thoại).
[24] Bela Grunberger (Thói tự si, Payot, 1971) định nghĩa người anh hùng là người “không muốn cuộc sống của mình phải trông chờ vào bất kỳ ai”, là người sinh ra ở hoàn cảnh khác thường và tìm thấy dấu hiệu thiên hướng của mình trong cái bất hạnh cần phải bổ khuyết hoặc bù trừ.
[25] Xem Roger Dadoun, Géza Roheim, Payot, 1972.
[26] Jean Bellemin-Noël, Truyện cổ tích và các huyễn tưởng của nó, “Lối viết”, PUF, 1983; một “miếng da lừa” xuất hiện ở Khoảng giữa các dòng, 1988.
[27] Đặc biệt xin xem bài tiểu luận ở trước bài đã dẫn ở trên, “Oedipe trước khi có mặc cảm”, Thời hiện đại, 245, tháng 10, 1966 (được đăng lại trong Phân tâm học và văn hóa Hy Lạp, Những bài viết hay, 1980).
[28] Ở đây chúng tôi quan tâm đến cuốn sách của ông nhan đề Bi kịch và thi ca Hy Lạp, Flammarion, 1975, đặc biệt là chương “Nghệ thuật và huyền thoại” (trong đó “cái đẹp” được coi như phương tiện để cái tôi vô thức “thuê cái siêu tôi”).
[29] Xin xem Lịch sử và trải nghiệm của cái tôi, Flammarion, 1971, đặc biệt là sự tổng thuật về phép phù thủy qua bài Mụ phù thủy của Michelet.
[30] Xin xem Cuộc nổi loạn chống lại người Cha, Payot, 1968. Cuốn sách này cung cấp một lối đọc đặc sắc tác phẩm Nàng Eva tương lai, của Villiers de l”Isle-Adam. Xin xem thêm cả bài báo nhan đề “Phân tâm học và cận văn học”, trong Các cuộc trao đổi về cận văn học (Hội thảo Cerisy, 1967), Plon, 1970, dưới phụ đề nói rõ là: “Về cận văn học được coi như lối đi trực tiếp nhất từ huyễn tưởng tới ngôn ngữ”.
[31] Nhà xuất bản của Pháp, Gallimard, 1967, với lời Dẫn nhập đáng chú ý của Jean Starobinski (đăng lại trong Quan hệ phê bình, Gallimard, 1970). Một số bài tiểu luận khác của Jones về folklor và tôn giáo đã được xuất bản ở nhà sách Payot (xem Claude Girard, Ernest Jones, Payot, 1972).
[32] Don Juan, một nghiên cứu về kẻ song trùng, Denoël & Steele, 1932.
[33] Xin xem, chẳng hạn, một giấc mơ của chính Freud, trong đó có ba người phụ nữ là ba nữ thần định mệnh can dự vào (IDR, 181-184), giấc mơ đã được D. Anzieu nghiên cứu, Freud tự phân tích, PUF (1959), tái bản 1975, tập 2, tr. 473.
[34] Xuất bản bằng tiếng Đức năm 1924 và được dịch ra tiếng Pháp, Payot, 1962.
[35] Nhấn mạnh khó khăn của sự bình chú đó là vô ích. Người ta sẽ tìm được một số phác thảo khơi mào cho sự bình chú này ở số tạp chí L”Arc dành cho G.B. (1970), đặc biệt với bài tiểu luận của Gilbert Lascault và nhất là bài của J.-F. Lyotard.
[36] Cuộc cách mạng của Gaston Bachelard trong phê bình văn học, Klinsksieck, 1970, tr. 270.
[37] Nếu người ta tự đồng nhất với một nhân vật bi kịch, người ta sẽ phóng [cái vật xấu] lên nhân vật hài kịch (thí dụ về Tartuffe, tr. 173).
[38] Đây chính là chỗ mà Serge Tisseron cảnh báo, Phân tâm học truyện tranh, “Những tiếng nói mới trong Phân tâm học”, PUF, 1987.
[39] Chúng ta trông cậy vào các công trình phê bình của Marthe Robert (nhất là ở lĩnh vực tiếng Đức và Tây Ban Nha), song cũng phải nhờ vào một tác phẩm tổng thuật nữa, Cuộc cách mạng phân tâm học. Cuộc đời và sự nghiệp của Sigmund Freud, Payot, 1964, 2 tập.
[40] Hiển nhiên đoạn tóm tắt ngắn ngủi này có giá trị minh họa cho ý định của chúng tôi chứ nó không có tham vọng nghiên cứu tường tận sự phong phú của một văn bản có tầm quan trọng đặc biệt vốn được viết ra ngay trước khi xung năng chết trở thành lý luận hết sức nặng ký đối với học thuyết Freud. Về tác phẩm Das Unheimliche, có thể đọc Hélène Cixous, “Sự hư cấu và các con ma của nó”, Poét., 10, 1972, và nhất là Sarah Kofman, “Kẻ song trùng và Quỷ sứ”, trong Bốn tiểu thuyết phân tích, Galilée, 1973.
[41] Nicolas Abraham bắt đầu suy ngẫm phân tích về “các quy luật của nhịp điệu” (trong thơ); công trình cuối cùng của ông, với sự cộng tác của Maria Torok, có tên là Mật ngữ, Lời của Con người với lũ sói (Lời nói đầu của J. Derrida, Aubier-Flammarion, 1976), công trình này đẩy tới tận cùng việc nghiên cứu những hiệu quả của cái biểu đạt ở trường hợp mẫu của cái vô thức “đa ngôn ngữ”. Còn J. Chasseguet-Smirgel thì lấy bộ phim Năm cuối cùng ở Marienbad của A. Robbe-Grillet làm đối tượng nghiên cứu; bà đã tập hợp các bài viết tiểu luận trong cuốn sách hữu ích, cuốn Vì một Phân tâm học của nghệ thuật và của tính sáng tạo, Payot, 1971, tái bản 1977. Ngoài lĩnh vực văn học thuần túy, xin xem những tác phẩm của nhà phân tâm học chịu ảnh hưởng của Klein và Anton Ehrenzweig (Trật tự bị che giấu của nghệ thuật).
[42] Hãy nhắc dự phòng thêm hai cái tên khác: Jean-Michel Rey, người đã bắt đầu chất vấn văn bản của Freud bằng một ngôn ngữ rất mới (xem Hành trình của Freud, Galilée, 1974 và Từ ngôn từ tới tác phẩm, Aubier-Montaigne, 1979), và Patrick Lacoste, tác giả cuốn Ông ta viết, Galilée, 1981.
[43] Xem Diễn ngôn, Hình thể, Klincksieck, 1971.
[44] Xem Lối viết và sự khác biệt, Seuil, 1967 (tr. 293-360) và Tấm bưu thiếp, Aubier-Flammarion, 1980, đồng thời xem cả bài giới thiệu xác đáng về vấn đề nghi vấn của Derrida ở những gì liên quan đến chúng ta, bài “Một triết gia unheimlich” của Sarah Kofman, trong Những lệch lạc. Bốn tiểu luận nói về J. Derrida, Fayard, 1973, tr. 149-204.
[45] Sự kháng cự: “Tất cả những gì trong hành động và lời nói của người đang phân tích ngăn cản con đường tới vô thức của anh ta” (VLP, 420); phản ứng chuyển dịch ngược: “Toàn bộ những phản ứng vô thức của nhà phân tích tác động lên người đang bị phân tích và nhất là lên sự chuyển dịch của anh ta” (như trên, tr. 103).
[46] V.A. Green, “Giải liên kết”, tác phẩm đã dẫn, tr. 35: “[...] mở ra được lĩnh vực cái Vô thức, trước hết và trước tiên là vô thức của anh ta (tức nhà phân tích – ND) – điều kiện cơ bản để nói về vô thức của những người khác-, có nghĩa là mở ra được lĩnh vực vô thức của văn bản văn học.
[47] Victor Smirnoff, “Tác phẩm đã đọc”, NRP, 1, 1970, tr. 53: “[những người không phải nhà phân tích] bị buộc phải hoặc chấp nhận, hoặc từ chối khái niệm này khác mà không thể có bất cứ phương cách nào đóng góp tạo ra khái niệm”.
[48] Người đi tiên phong, cuộc thử nghiệm và hệ tác phẩm của anh ta, NRP, 1, 1970, tr. 27.
[49] Xem Jean Starobinski, “Bữa tối ở Turin”, Quan hệ phê bình, tr. 98-153.
[50] J.-J.R., Từ Eros tội lỗi đến Eros vinh quang, Neuchâtel, La Baconnière, 1976, tr. 10, đoạn tuyên bố trung thành với phương pháp tiểu sử tâm lý, và tr. 107, đoạn nói về phô bày.
[51] Hãy nhớ lại, ký ức-màn chắn là sự hình thành thái độ thỏa hiệp, một sự pha trộn giữa phòng vệ và dồn nén. Nó liên kết với huyễn tưởng ở cái được sinh ra sau đó: “Cảnh tượng chim kền kền này không phải là một kỷ niệm của Léonard mà là một huyễn tưởng ông tự xây dựng về sau và thế là ông ta ném nó vào thời thơ ấu của mình” (SLV, 50).
[52] Sarah Kofman, Tuổi thơ nghệ thuật, tr. 109-117, trong đó nhấn mạnh huyễn tưởng của nghệ thuật không phải là sự tái chế từ một chất liệu vốn đã có từ trước, mà mỗi lần nó đều được làm mới, tuy nhiên có tính chất lặp lại.
[53] Tuổi trẻ của André Gide, Gallimard, 1956.
[54] Hoelderlin và vấn đề của người cha, PUF (1961), tái bản 1969. Xin lưu ý cuốn sách này là cuốn đầu tiên (và duy nhất ở đề mục đó) đã sử dụng thứ ngôn ngữ của Lacan một cách vừa sáng rõ, vừa khúc chiết để bàn về một hiện tượng thuộc mỹ học. Cuốn sách đề cập chứng loạn tâm của nhà thơ bằng các thuật ngữ lỗ thủng ở thực thể chủ quan, về sự thiếu vắng ở chuỗi những “cái biểu đạt”: chính Tên-của-người-Cha là cái đã bị vứt bỏ, bị “truất quyền” khỏi hệ thống biểu nghĩa tạo nên chủ thể; sự lao động thơ của ngôn ngữ cũng như môtíp cảnh lưu đày do vậy được đặt trong mối quan hệ với phạm vi cái phủ định. Một việc khác đáng ghi nhận: cuốn sách lúc đầu nằm dưới sự bảo trợ của Jean Delay, do ngẫu nhiên cuối cùng nó tuyên bố tất cả muốn dừng lại “ở giới hạn một nghiên cứu miêu tả tâm bệnh học”, điều này làm nổi bật lên chỗ không rõ ràng của các phạm trù này, và nêu ra sự xâm phạm ở những điểm nào của lĩnh vực bệnh tâm trí đối với các nghiên cứu phân tâm học tiểu sử.
[55] Jules Verne, con người kỳ lạ, Gallimard, 1960, và Những cuộc thám hiểm mới của J.V., như trên, 1963. Nếu như cái tên Jules Verne có dịp dẫn ra trong cuốn Thời trai trẻ của J.V. (Minuit, 1974), thì chương sách nhan đề “Oedipe – Người đưa tin” là nơi Michel Serres với niềm hứng khởi rõ ràng và sự khéo léo hoàn hảo khai thác tác phẩm Michel Strogoff vô cùng nổi tiếng nhằm xác định ở đó những môtíp giết cha, kịch cảnh nguyên thủy, bị móc mắt, tóm lại là Oedipe, mặc dù Michel Serres vẫn luôn phủ nhận một báo cáo nào đó về số lượng bệnh lý trong dân cư dựa theo thuyết Freud như hệ thống lý giải. Nhưng Serres nhấn mạnh đến việc “cuốn tiểu thuyết được phóng chiếu trên một huyền thoại nên nó có một số tàn dư, cuốn Michel dựa thái quá vào truyền thuyết” (tr. 53) và ông rút ra hệ quả bằng cách đọc lại lượt khác.
[56] Bản tổng kết cương lĩnh chấp nhận những sắp xếp theo chức năng mục đích xác định hơn. Đó là trường hợp cuốn sách nhỏ của José-Michel Moureaux viết về vở Oedipe của Voltaire (Minard, 1973); so sánh với khuôn mẫu kiểu Sophocle, vở kịch này bộc lộ một cách đặc biệt “sai lệch về đạo đức”: bằng cách lượng định sự đóng góp của chàng trai trẻ Voltaire – người vẫn tin mình là con trai của ca sĩ Rochebrune chứ không phải của cha Arouet – và sự sáng tạo nhân vật Philoctete trong số các sáng tạo khác, nhà phê bình làm sáng tỏ sự cắm chốt vào người mẹ đã mất sớm.
[57] Phê bình phương pháp tiểu sử, Vì một phân tâm học của nghệ thuật và của tính sáng tạo, tr. 49-62.
[58] “Phê bình phỏng theo tiểu sử [...] nhìn thấy trong tác phẩm sự kéo dài những trải nghiệm cuộc đời của tác giả, còn phân tâm học thì lưu ý ở tác phẩm một mối quan hệ không liên tục”, A. Green chú thích (Con mắt thừa, tr. 32).
[59] Trong thực tế và với điều kiện gộp cả những tác phẩm này khác vào nền văn học vì chúng do một nhà văn viết ra, người ta có thể thêm trường hợp các bài viết đả kích như: Alberte Chesneau trong một Tiểu luận về phê bình phân tâm học của L.-F. Céline (Minard, 1971) kiếm tìm như thế những yếu tố cấu thành hình ảnh người Do Thái ở các cuốn Những đồ vật phù phiếm đối với cuộc tàn sát, Trường học của các xác chết, và Những tấm dạ mỹ miều bằng cách vận dụng phương pháp xếp chồng văn bản của Mauron.
[60] Xem Jean Starobinski, Quan hệ phê bình.
[61] Willy Szafran, Louis-Ferdinand Céline, NXB Đại học Bruxelles, 1976, tr. 194; tính đặc sắc của công trình này là nó sử dụng những “mối quan hệ khách thể”, có thể là bộ máy khái niệm của Mélanie Klein như Maurice Bouvet đã hệ thống hóa lại (xem Các tác phẩm phân tích tâm lý, Payot, 1967).
[62] Jean Recanati, Phác thảo dành cho phân tâm học của một kẻ phóng đãng là Roger Vailland, Buchet-Chastel, 1971, tr. 12.
[63] Alain Costes, Albert Camus hay sự thiếu lời, một nghiên cứu phân tâm, Payot, 1973, tr. 18-19. Nghiên cứu này không tự thỏa mãn với việc viện tới thời thơ ấu của Camus, mà nó còn sắp xếp, tái sắp xếp quá trình phát triển của một số phận nhân-văn thành các “chu kỳ”; ở bên trong các chu kỳ ấy, đại bộ phận tác phẩm được đọc cho chính họ.
[64] Hiệp ước tự truyện, Seuil, 1975. Cuốn sách này cung cấp một thí dụ hay về đọc văn bản một bài viết tự truyện, chính xác là với “cuốn I của các tập Thú tội” (tr. 87-163); xem chương tiếp theo.
[65] Chúng ta hãy chọn ra bốn tác phẩm trong cả một thư mục lớn: Đường vào phân tâm học của Mallarmé (Neuchâtel, La Baconnière, 1950), Cái vô thức trong tác phẩm và cuộc đời của Jean Racine (Corti, 1957), Từ những ẩn dụ ám ảnh tới huyền thoại cá nhân. Nhập môn phê bình phân tâm học (Corti, 1963), Baudelaire Người sau rốt (Corti, 1966).
[66] Gérard Genette, “Đọc tâm lý”, Các hình thể, Seuil, 1966, tr. 133-138.
[67] Jeffrey Mehlman, Giữa phân tâm học và phê bình phân tâm học, Thi pháp, 3, tháng 10, 1970 – chủ yếu bắt đầu từ trang 372.
[68] Tất nhiên chúng tôi hạn chế bức tranh toàn cảnh của mình về phê bình dựa theo phân tâm học ở những tác giả vốn đã với tới thuyết Freud một cách thái quá. Mặt khác, người ta biết tương đối rõ một số nhà phê bình đương đại như R.-M. Albérès, G. Blin, Gaétan Picon, G. Poulet, đã hoặc đột xuất, hoặc mấp mé sử dụng những khái niệm vay mượn từ Phân tâm học; G. Genette và Jean Raymond (xem Thi pháp của sự ham muốn, Seuil, 1974) trong lĩnh vực này có một kỹ năng mà họ rất hay để ở bên lề các nghiên cứu của họ. Còn Jean Starobinski thì nói chung tên ông được gắn kết với tất cả những người nói trên, chúng tôi đã trích dẫn ông nhiều lần và ông là một thành viên quá nổi tiếng của Hội hiện tượng luận – Phân tâm học (xem các quan điểm tinh tế của ông trong Phân tâm học và kiến thức văn học, Quan hệ phê bình, tr. 257-285) nên chúng tôi không phải nhắc thêm về ông nữa.
[69] Được tập hợp trong bài Các cách đọc vi mô và Các trang phong cảnh, “Thi pháp học”, Seuil, 1979 và 1984. Trong nhãn quan ấy về một thứ “chủ đề phân tích” và bàn về Proust, người ta có thể báo hiệu bài nghiên cứu của Jean Rosasco, “ở cội nguồn sông Vivonne”, Thi pháp học, 25, tháng 2, 1976.
[70] Xin hiểu đúng ý chúng tôi: vấn đề không phải là phủ định tầm quan trọng của tác giả (huống hồ là đời sống của anh ta), cũng không phải là đọc mà không cần có tác giả, bởi: 1) Tác giả vốn luôn bị lôi kéo vào “ma trận cảm xúc” (Green) mà việc đọc thì lại diễn ra trong lòng ma trận đó, dù người ta có muốn hay không; 2) Thực tế một người đọc có nghề như nhà phê bình thì không thể không biết, không thể làm như không biết chút gì về tác giả. Vấn đề là “quên” anh ta đi càng nhiều càng tốt và một cách có phương pháp, canh chừng cái gì như cái dồn nén vô thức đừng để nó quay trở lại; vấn đề là phủ nhận tác giả như là đối tượng của mục tiêu nhắm tới (mục tiêu một sự hiện diện, một tâm hồn, một quan hệ anh-cha-con, v.v..)
[71] Cách đây vài năm, chính tôi đã đưa ra thuật ngữ “phân tích văn bản” (xem những suy ngẫm của tôi trong cuốn Khoảng giữa các dòng, 1988).
[72] Tạm gác lại “hình thức đẹp đẽ”, điều đó ví bằng nhấc khỏi ngôn từ món quà thưởng niềm thích thú, hiệu quả sự quyến rũ nhờ đó, người nghệ sĩ lái sự chăm chú có ý thức ra xa khỏi những phần nhô chìa nơi mà ham muốn bị dồn nén cao ngang mức.
[73] René Major, Mơ người khác, Aubier-Montaigne, 1977.
[74] Điều đó cũng tương đương với nói rằng nhà phê bình là vị độc giả mong muốn (một cách công khai, đánh bài ngửa) làm người “bình thường trong một giới công chúng nhất định”, vị độc giả tự phụ vì có những phản ứng điển hình so với trình độ trung bình của những độc giả riêng của anh ta…
[75] Jacques Hassoun, Sự biến đổi phân tâm học về một đề tài cây phả hệ của H. von Kleist, Chủ nghĩa lãng mạn, 8, tháng 11, 1974, tr. 54.
[76] M. Masud R. Khan, Từ bất tài tới tự tử, NRP, 11, 1975, tr. 155-180.
[77] Có thể tìm kiếm một lối đọc mô hình khác, cho dù vấn đề không thuần túy nói về một văn bản văn học (nhưng giàu chất thơ biết bao!), lưu ý đến sự nhấn mạnh về “con chữ” – trước hết được hiểu theo nghĩa hiển nhiên của ngôn ngữ là cái biểu đạt đồ thị-ngữ âm – trong giấc mơ nổi tiếng “về con kỳ lân” do Serge Leclaire phân tích, Chữa bệnh bằng phân tích tâm lý, Seuil (1968), tái bản 1975, tr. 97-117.
[78] Xem Đọc Leiris, Klincksieck, 1975, Hiệp ước tự truyện, sđd, tr. 245-307, và Tôi cũng vậy, “Thi pháp học”, Seuil, 1986, tr. 164-180. Chính tôi đã đổi chỗ phương thức đọc ấy ở bài Các tiểu sử của ham muốn, “Cách viết”, PUF, 1988.
[79] Chúng tôi xin chỉ trích dẫn hai chú giải, ở đây là bắt buộc: “Père – cái rắm bất tuyệt của loài bò sát” và “phân tâm học – lỗi nói nhịu bị tập trung về một hướng qua phương tiện là cái ghế-giường”…
[80] Xem Jean Bellemin-Noởl, Văn bản và tiền-văn bản, Larousse, 1972, tr. 114-130, và “Đọc phân tâm học một bản nháp các bài thơ Mùa hạ của P. Valéry”, trong tập Các tiểu luận về phê bình quá trình hình thành tác phẩm, Flammarion, 1979, tr. 103-149, đồng thời, xem no 52, tạp chí Văn học, tháng 12, 1983.
[81] ở đây chúng tôi xin nêu một công việc, có chú ý chất lượng của nó. Tính chất lai tạp của công việc ấy được nhấn mạnh ở ngay chính cách lắp ráp các phần với nhau và có chủ ý. Khi nghiên cứu tác phẩm Con đầm pích của Pouchkine (Cái huyễn tưởng hay con đầm trong cỗ bài, NRP, 4, 1971), dưới tên phần “Những bài học của văn bản”, André Green thực hiện trước hết một lối đọc truyện cực kỳ thích hợp; sau đó ở phần từ một văn bản tới một văn bản khác”, ông lao vào cuộc điều tra nhằm đối chiếu những kết quả thu được với thiên tiểu thuyết gia đình của nhà văn Nga. Mỗi độc giả sẽ thu lượm được thứ thức ăn mà họ ưa thích.
[82] Chúng ta hãy kể thêm hai bài báo của Ph. Lejeune, một bài viết trước, một bài viết sau cuốn Hiệp ước tự truyện. Bài đầu viết về Proust, “Lối viết và tính dục”, Europe, tháng 2-3, 1971; bài hai viết về Rousseau, “Chiếc lược gãy”, Thi pháp học, 25, tháng 2, 1976.
[83] B. Pingaud vay mượn lời lẽ đó của nhà phân tích André Green, bắt nguồn từ đoạn nói về tác phẩm Hình ảnh ở tấm thảm (Bản sao và cái vắng mặt, Phê bình, 312, tháng 5, 1973, tr. 404); điều có ý nghĩa là cũng câu phát biểu như thế đã được một nhà phê bình đưa ra trước vào khoảng cùng thời kỳ (Jean Bellemin-Noởl, Văn bản và tiền-văn bản, sđd, tr. 130), do vậy, cuộc sinh đôi dị hợp tử này chứng tỏ sớm muộn gì người ta cũng sẽ đi đến phát biểu đó. Nhất là từ nay có lẽ cũng phải nghĩ tới việc đi khỏi chỗ ấy; đó là điều tôi đã tính, đã hiểu chuyện ấy, trong bài Về hướng vô thức của văn bản, và bằng cách xác định chính xác khái niệm, trong những suy nghĩ về phương pháp của các sách của tôi như Gradiva theo nghĩa đen, Chuyện cổ tích và ảo ảnh, và Khoảng giữa các dòng.
[84] Xem thêm cả quan điểm của Léo Bersani, Baudelaire và Freud, “Thi pháp học”, Seuil, 1981.