Bản dịch Ts Nguyễn Quang A
Ghi chú lịch sử
Luận đề căn bản của cuốn sách này - là lòng tin vào vận mệnh lịch sử chỉ là sự mê tín, và rằng, không thể có sự tiên đoán nào về diễn tiến của lịch sử loài người bằng các phương pháp khoa học hay duy lí khác nào - truy nguyên tới mùa đông 1919-1920. Phác thảo chính được hoàn tất vào năm 1935; nó được trình bày lần đầu tiên, vào tháng Giêng hay tháng Hai 1936, như một bài mang tựa đề “Sự khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử”, ở một phiên riêng tại nhà của bạn tôi, Alfred Braunthal ở Brussels. Tại buổi gặp này, một sinh viên trước đây của tôi đã có một số đóng góp quan trọng cho thảo luận. Đó là Dr. Karl Hilferding, chẳng bao lâu sau đã là nạn nhân của Gestapo và của những mê tín của Đế chế Thứ ba. Cũng đã có mặt một số triết gia khác. Không lâu sau, tôi trình bày một bài tương tự trong Seminar của Giáo sư Hayek, ở Trường Kinh tế học London. Việc công bố bị chậm vài năm vì bản thảo mà tôi nộp đã bị tạp chí triết học từ chối. Nó được công bố lần đầu tiên, gồm ba phần, trong Economica, N.S., vol. XI no. 42 và 43, năm 1944, và vol. XII, no. 46, 1945. Kể từ đó, một bản dịch tiếng Ý (Milano, 1954) và một bản dịch tiếng Pháp (Paris, 1956) đã được xuất bản ở dạng sách. Văn bản của lần xuất bản này đã được soát lại, và có một vài bổ sung.
K.R.P.
1957
Lời nói đầu
Tôi đã thử chứng minh, trong Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử, rằng: Chủ nghĩa lịch sử là một phương pháp tồi - một phương pháp chẳng có kết quả gì. Nhưng tôi đã không thật sự bẻ được chủ nghĩa lịch sử.
Kể từ đó, tôi đã thành công trong việc bác bỏ chủ nghĩa lịch sử: Vì tôi đã chứng minh bằng các lí lẽ nghiêm ngặt rằng: Chúng ta không thể tiên đoán diễn tiến tương lai của lịch sử.
Lí lẽ chứa đựng trong một bài báo, “Thuyết bất định trong vật lí cổ điển và vật lí lượng tử”, mà tôi công bố năm 1950. Nhưng tôi không còn thoả mãn với bài báo này. Một nghiên cứu thoả mãn hơn có thể thấy trong một chương về Thuyết bất định, một phần của Tái bút: Sau Hai mươi năm (Postscript: After Twenty Years) cho cuốn Logic của khám phá khoa học (Logic of Scientific Discovery) của tôi.
Để thông báo với bạn đọc về các kết quả mới hơn này, tôi dự định, bằng vài lời, đưa ra phác hoạ của sự bác bỏ chủ nghĩa lịch sử này. Lí lẽ có thể được tóm tắt trong năm khẳng định như sau:
- Diễn tiến của lịch sử loài người bị ảnh hưởng mạnh bởi sự gia tăng hiểu biết của con người. (Tính đúng đắn của tiền đề này, ngay cả những người thấy trong các ý tưởng, bao gồm các ý tưởng khoa học của chúng ta, chỉ như các sản phẩm phụ của sự phát triển vật chất loại này hay loại khác, cũng phải thừa nhận).
- Chúng ta không thể tiên đoán, bằng các phương pháp duy lí hay khoa học, sự gia tăng về hiểu biết khoa học của chúng ta trong tương lai. (Khẳng định này có thể được chứng minh về mặt logic, bằng những cân nhắc được phác hoạ dưới đây).
- Chúng ta không thể, vì thế, tiên đoán diễn tiến tương lai của lịch sử loài người.
- Điều này có nghĩa rằng: Chúng ta phải bác bỏ khả năng của lịch sử lí thuyết; tức là, của một khoa học xã hội lịch sử có thể tương ứng với vật lí lí thuyết. Không thể có lí thuyết khoa học nào về phát triển lịch sử dùng làm cơ sở cho tiên đoán lịch sử.
- Mục đích căn bản của các phương pháp lịch sử chủ nghĩa (xem các chương 11 đến 16 của cuốn sách này) vì thế là sai lầm; và chủ nghĩa lịch sử sụp đổ.
Lí lẽ, tất nhiên, không bác bỏ khả năng của mọi loại tiên đoán xã hội; ngược lại, nó hoàn toàn tương thích với khả năng kiểm tra các lí thuyết xã hội - thí dụ, các lí thuyết kinh tế - bằng cách tiên đoán những diễn biến nào đó sẽ diễn ra dưới các điều kiện nhất định. Nó chỉ bác bỏ khả năng tiên đoán những diễn tiến lịch sử ở chừng mực chúng có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng hiểu biết của chúng ta.
Bước quyết định trong lập luận này là khẳng định (2). Tôi nghĩ rằng tự nó có tính thuyết phục: nếu có cái như hiểu biết gia tăng của con người, thì hôm nay chúng ta không thể biết trước cái chúng ta sẽ biết ngay chỉ ngày mai. Đây, tôi nghĩ, là lập luận vững chắc, nhưng nó chưa được tính là một chứng minh logiccủa khẳng định. Chứng minh của (2), mà tôi trình bày trong những công bố đã được nhắc đến, là phức tạp; và tôi không ngạc nhiên nếu có thể thấy những chứng minh đơn giản hơn. Chứng minh của tôi bao gồm việc chứng tỏ rằng không có (bộ) tiên đoán nào - bất luận là một nhà khoa học hay một máy tính, có thể tiên đoán các kết quả tương lai của chính nó bằng các phương pháp khoa học. Các nỗ lực làm như vậy đạt kết quả chỉ sau sự kiện, khi đã quá muộn cho một tiên đoán; chúng có thể đạt kết quả chỉ sau khi tiên đoán đã biến thành diễn giải lại.
Lí lẽ này, thuần tuý mang tính logic, áp dụng cho các bộ tiên đoán khoa học có bất kể độ phức tạp nào, bao gồm cả “xã hội” của các bộ tiên đoán tương tác với nhau. Nhưng điều này có nghĩa là không xã hội nào có thể tiên đoán các trạng thái hiểu biết tương lai của chính nó một cách khoa học.
Lí lẽ của tôi khá hình thức, và vì thế, nó có thể bị nghi ngờ là không có mấy ý nghĩa thực tế, dù cho tính hợp lệ logic của nó được cho là dĩ nhiên.
Tuy vậy, tôi đã thử chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề trong hai công trình. Trong công trình sau của hai nghiên cứu này, trong The Open Society and its Enemies (Xã hội mở và các kẻ thù của nó), tôi đã lựa chọn một số sự kiện từ lịch sử của tư tưởng lịch sử chủ nghĩa, nhằm minh hoạ ảnh hưởng dai dẳng và nguy hại của nó lên triết lí xã hội và chính trị, từ Heraclitus và Plato đến Hegel và Marx. Trong công trình trước của hai nghiên cứu này, trong Sự khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử (The Poverty of Historicism), bây giờ được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh dưới dạng sách, tôi đã cố chỉ ra tầm quan trọng của chủ nghĩa lịch sử như một cấu trúc trí tuệ quyến rũ. Tôi đã cố gắng phân tích logic của nó - thường rất tinh tế, cực kì lí thú và rất dễ đánh lừa - và lập luận rằng nó có yếu điểm cố hữu và không thể sửa được.
K.R. P.
Penn, Buckinghamsgire,
Tháng 7, 1957
Một vài trong các nhà phê bình am hiểu nhất của cuốn sách này đã bị tiêu đề của nó làm cho bối rối. Nó có ý định ám chỉ đến tiêu đề của cuốn Sự Khốn cùng của triết học (The Poverty of Philosophy) của Marx, tiêu đề đó đến lượt nó, lại ám chỉ đến Philosophy of Poverty (Triết học của sự khốn cùng) của Proudhon.
K.R.P.
Penn, Buckinghamshire,
Tháng 7, 1959
Dẫn nhập
Mối quan tâm khoa học về các vấn đề xã hội và chính trị hầu như không kém xưa, so với mối quan tâm khoa học về vũ trụ học và vật lí học; và đã có các giai đoạn trong thời cổ (Tôi nghĩ đến lí thuyết chính trị của Platon, và sưu tập hiến pháp của Aristotle) khi khoa học xã hội có thể dường như đã tiến bộ hơn khoa học tự nhiên. Nhưng với Galileo và Newton, thành công của vật lí học đã vượt sự mong đợi, vượt xa tất cả các khoa học khác; và từ thời Pasteur, Galileo của sinh học, các khoa học sinh học đã hầu như thành công ngang vậy. Nhưng các khoa học xã hội vẫn dường như chưa tìm thấy Galileo của mình.
Trong những hoàn cảnh như vậy, các nhà nghiên cứu làm việc trong ngành này hay ngành khác của các bộ môn khoa học xã hội đặc biệt quan tâm đến các vấn đề phương pháp; và phần lớn sự thảo luận của họ về những vấn đề này được tiến hành với cái nhìn hướng đến các phương pháp của các môn khoa học thành công hơn, đặc biệt là vật lí học. Thí dụ, đã có nỗ lực có ý thức để sao chép phương pháp thực nghiệm của vật lí, điều đã dẫn, trong thế hệ của Wundt, đến cải cách tâm lí học; và từ J. S. Mill, đã có các nỗ lực lặp đi lặp lại để cải cách phương pháp của các khoa học xã hội theo hướng gần tương tự. Trong lĩnh vực tâm lí học, những cải cách này có thể đã có mức độ thành công nào đó, bất chấp rất nhiều thất vọng. Nhưng trong các môn khoa học xã hội lí thuyết, ngoài kinh tế học, chẳng được gì ngoài sự thất vọng từ các thử nghiệm này. Khi thảo luận các thất bại này, mau chóng nảy sinh câu hỏi: Liệu các phương pháp của vật lí học thực sự có áp dụng được cho các khoa học xã hội hay không. Hay có lẽ niềm tin khăng khăng vào khả năng có thể áp dụng chính là cái phải chịu trách nhiệm về trạng thái đáng phàn nàn của các ngành khoa học này?
Cách đặt vấn đề này gợi ý một sự phân loại đơn giản các trường phái tư duy quan tâm đến phương pháp của các khoa học ít thành công hơn. Theo quan điểm của chúng về khả năng có thể áp dụng các phương pháp của vật lí học, chúng ta có thể phân loại các trường phái này như theo tự nhiên hoặc như phản tự nhiên; gắn cho chúng nhãn “theo tự nhiên” hay “tích cực” nếu chúng ủng hộ việc áp dụng các phương pháp của vật lí học cho các bộ môn khoa học xã hội, và “phản tự nhiên” hay “tiêu cực” nếu chúng phản đối sử dụng các phương pháp này.
Liệu một nhà nghiên cứu phương pháp tán thành học thuyết phản tự nhiên hay theo tự nhiên, hoặc chấp nhận một lí thuyết kết hợp cả hai học thuyết hay không, sẽ chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm của ông ta về đặc trưng của khoa học được xem xét, và đặc tính của đối tượng của nó. Nhưng thái độ mà ông ta chấp nhận cũng sẽ phụ thuộc vào quan điểm của ông ta về các phương pháp của vật lí học. Tôi tin điểm sau cùng này là quan trọng nhất. Và tôi nghĩ rằng, những sai lầm cốt yếu trong hầu hết các cuộc thảo luận về phương pháp luận nảy sinh từ một số hiểu lầm rất phổ biến về các phương pháp của vật lí học. Đặc biệt, tôi nghĩ chúng nảy sinh từ một diễn giải sai về hình thức logic của các lí thuyết của nó, về các phương pháp kiểm tra chúng, và về chức năng logic của quan sát và thí nghiệm. Tôi cho rằng những hiểu lầm này có các hậu quả nghiêm trọng; và tôi sẽ thử biện minh luận điểm này ở các chương 3 và 4 của nghiên cứu này. Ở đó, tôi sẽ cố gắng chứng tỏ rằng: Các lí lẽ và học thuyết khác nhau và đôi khi mâu thuẫn nhau, phản tự nhiên cũng như theo tự nhiên, thực ra dựa vào một sự hiểu sai lầm về các phương pháp của vật lí học. Trong các chương 1 và 2, tuy vậy, tôi sẽ giới hạn mình ở việc giải thích các học thuyết phản tự nhiên và theo tự nhiên nào đó, tạo thành một cách tiếp cận đặc trưng, trong đó, cả hai loại học thuyết được kết hợp.
Cách tiếp cận, mà đầu tiên tôi muốn giải thích, và chỉ phê phán muộn hơn, được tôi gọi là “chủ nghĩa lịch sử”. Thường gặp nó trong các cuộc thảo luận về phương pháp của các bộ môn khoa học xã hội; và nó thường được dùng mà không có nhận xét phê phán, hoặc thậm chí được coi là dĩ nhiên. Tôi hiểu “chủ nghĩa lịch sử” nghĩa là gì sẽ được giải thích đầy đủ trong phần nghiên cứu này. Sẽ là đủ, nếu tôi nói ở đây rằng, tôi hiểu “chủ nghĩa lịch sử” là một cách tiếp cận đối với các bộ môn khoa học xã hội, cho rằng tiên đoán lịch sử là mục đích chính của chúng, và cho rằng mục đích này có thể đạt được bằng cách khám phá ra các “nhịp điệu” hay “hình mẫu”, các “quy luật” hay “xu hướng” làm cơ sở cho sự tiến hoá của lịch sử. Vì tôi tin chắc rằng: Cuối cùng, các học thuyết lịch sử chủ nghĩa như vậy, về phương pháp, chịu trách nhiệm về tình trạng thiểu não của các bộ môn khoa học xã hội lí thuyết (ngoài lí thuyết kinh tế), trình bày của tôi về các học thuyết này chắc chắn không phải không có thành kiến. Nhưng tôi đã cố gắng hết sức để biện hộ cho chủ nghĩa lịch sử, nhằm tính điểm cho phê phán tiếp sau của tôi. Tôi đã cố gắng để trình bày chủ nghĩa lịch sử như một triết lí thống nhất được cân nhắc kĩ lưỡng. Và tôi đã không do dự để tạo ra các lí lẽ ủng hộ nó mà, theo hiểu biết của tôi, bản thân các nhà lịch sử chủ nghĩa đã chưa bao giờ đưa ra. Tôi hi vọng, bằng cách này, tôi đã xây đắp thành công một vị trí thật sự đáng tấn công. Nói cách khác, tôi đã cố gắng để hoàn thiện một lí thuyết thường được đưa ra, nhưng có lẽ chẳng bao giờ trong một dạng được phát triển đầy đủ. Đó là lí do vì sao tôi đã chọn một cách có cân nhắc kĩ lưỡng thuật ngữ hơi lạ là “chủ nghĩa lịch sử”. Bằng cách giới thiệu nó, tôi hi vọng tránh được trò chơi chữ đơn thuần: vì, tôi hi vọng, chẳng ai sẽ bị cám dỗ để nghi ngờ: Liệu bất kể lí lẽ nào được thảo luận ở đây, về bản chất, có thực sự đúng là thuộc về chủ nghĩa lịch sử hay không, hoặc, về bản chất, một cách chính xác, thuật ngữ “chủ nghĩa lịch sử” thật sự có nghĩa là gì.
Chương 1: Các thuyết phản tự nhiên của chủ nghĩa lịch sử
Ngược lại hoàn toàn với chủ nghĩa tự nhiên phương pháp luận trong lĩnh vực xã hội học, chủ nghĩa lịch sử cho rằng: Một vài phương pháp đặc trưng của vật lí học không thể áp dụng được cho các môn khoa học xã hội, do những khác biệt sâu sắc giữa xã hội học và vật lí học. Nó bảo chúng ta, các định luật vật lí, hoặc “các định luật tự nhiên” có hiệu lực ở mọi nơi và mọi lúc; vì thế giới vật lí được điều khiển bởi một hệ thống các đại lượng vật lí đồng đều bất biến trong không gian và thời gian. Các định luật xã hội học, hoặc các định luật của đời sống xã hội, tuy vậy, lại khác nhau ở các nơi và các giai đoạn khác nhau. Mặc dù chủ nghĩa lịch sử thừa nhận rằng: Có nhiều điều kiện xã hội điển hình mà sự tái diễn đều đặn có thể được quan sát, nó lại từ chối việc thừa nhận: Những sự đều đặn có thể phát hiện được trong đời sống xã hội có đặc tính của những sự đều đặn không thể thay đổi được của thế giới vật lí. Vì chúng phụ thuộc vào lịch sử, và vào những khác biệt về văn hoá. Chúng phụ thuộc vào tình thế lịch sử cá biệt. Như thế ta không thể, thí dụ, nói mà không nêu rõ thêm về các quy luật kinh tế, mà chỉ có thể nói về các quy luật kinh tế của giai đoạn phong kiến, hay của thời kì đầu công nghiệp, và vân vân; luôn luôn nhắc đến giai đoạn lịch sử, trong đó, các quy luật được nói đến được cho là đã thịnh hành.
Chủ nghĩa lịch sử khẳng định rằng: Tính tương đối lịch sử của các quy luật xã hội làm cho hầu hết các phương pháp của vật lí học không thể áp dụng được cho xã hội học. Các lí lẽ lịch sử chủ nghĩa điển hình, mà quan niệm này dựa vào, liên quan đến khái quát hoá, thí nghiệm, tính phức tạp của các hiện tượng xã hội, những khó khăn của tiên đoán chính xác, và tầm quan trọng của chủ nghĩa bản chất phương pháp luận. Tôi sẽ thảo luận lần lượt các lí lẽ này.
Mục 1: Khái quát hoá
Theo chủ nghĩa lịch sử, khả năng của khái quát hoá và sự thành công của nó trong các môn khoa học vật lí dựa vào tính đồng đều phổ biến của tự nhiên: Vào quan sát - có lẽ được mô tả đúng hơn như một giả thiết - rằng trong các hoàn cảnh giống nhau, những việc giống nhau xảy ra. Nguyên lí này, được cho là có hiệu lực cả trong không gian và thời gian, được nói là tạo cơ sở cho phương pháp của vật lí học.
Chủ nghĩa lịch sử khẳng định rằng: Nhất thiết, nguyên lí này vô dụng trong xã hội học. Những hoàn cảnh giống nhau chỉ xảy ra trong phạm vi một giai đoạn lịch sử duy nhất. Chúng chẳng bao giờ kéo từ một giai đoạn sang giai đoạn khác. Do đó, không có sự đồng đều dài hạn trong xã hội mà các khái quát hoá dài hạn có thể dựa vào - tức là, nếu chúng ta bỏ qua những sự đều đặn tầm thường, như được chủ nghĩa vị tha mô tả rằng: Con người luôn sống theo nhóm, hoặc rằng cung của các thứ nào đó có giới hạn còn cung của các thứ khác, như không khí, là vô hạn, và chỉ có các thứ trước có thể có bất kể giá trị thị trường hay trao đổi nào.
Theo chủ nghĩa lịch sử, một phương pháp bỏ qua sự hạn chế này và cố khái quát hoá những đồng đều xã hội sẽ ngầm giả thiết rằng: Những sự đều đặn được nói đến kéo dài muôn thủa; cho nên, một quan điểm ấu trĩ về phương pháp luận - quan điểm cho rằng các môn khoa học xã hội có thể lấy phương pháp khái quát hoá từ vật lí học - sẽ tạo ra một lí thuyết xã hội học sai và lừa dối một cách nguy hiểm. Nó sẽ là một lí thuyết từ chối, rằng xã hội phát triển; hoặc rằng: Nó từng thay đổi một cách đáng kể; hoặc rằng: Sự phát triển xã hội, nếu có, có thể tác động đến những tính đều đặn của đời sống xã hội.
Các nhà lịch sử chủ nghĩa hay nhấn mạnh rằng: Ðằng sau các lí thuyết sai lầm như vậy, thường có một mục đích biện giải; và thực vậy, giả thiết về các quy luật xã hội học không thay đổi có thể dễ bị lạm dụng cho các mục đích như vậy. Nó có thể xuất hiện, đầu tiên, như lí lẽ cho rằng: Các thứ khó chịu và không được ưa phải được chấp nhận, vì chúng được các quy luật bất biến của tự nhiên quy định. Thí dụ, “các quy luật không lay chuyển được” của kinh tế học đã được viện dẫn để chứng minh sự vô ích của sự can thiệp theo luật vào việc mặc cả lương. Một sự lạm dụng biện giải thứ hai của giả thiết về tính dai dẳng, là nó nuôi dưỡng cảm nhận chung về tính không thể tránh khỏi, và như thế, về sự sẵn sàng cam chịu sự không thể tránh khỏi một cách yên lặng và không có kháng cự. Cái hiện thời sẽ kéo dài mãi mãi, và các mưu toan tác động đến tiến trình của các sự kiện, hoặc ngay cả đánh giá nó, là lố bịch: Ta không lí luận chống lại các quy luật tự nhiên, và các mưu toan vứt bỏ chúng chỉ có thể dẫn đến thảm hoạ.
Nhà lịch sử chủ nghĩa cho rằng, các lí lẽ bảo thủ, biện giải, thậm chí an phận này là hệ quả tất yếu của đòi hỏi phương pháp theo tự nhiên phải được chấp nhận trong xã hội học.
Người theo chủ nghĩa lịch sử phản đối chúng bằng cách xác nhận rằng: Những sự đồng đều xã hội khác xa sự đồng đều của các môn khoa học tự nhiên. Chúng thay đổi từ một giai đoạn lịch sử này sang giai đoạn khác, và hoạt động của con người là lực làm thay đổi chúng. Vì những sự đồng đều xã hội không phải là các quy luật tự nhiên, mà là nhân tạo; và mặc dù có thể nói: Chúng phụ thuộc vào bản chất con người, chúng là vậy vì bản chất con người có năng lực để thay đổi và, có lẽ, để điều khiển chúng. Vì vậy, các thứ có thể được làm tốt lên hay xấu đi; cải cách tích cực không phải là vô ích.
Các xu hướng này của chủ nghĩa lịch sử hấp dẫn những người cảm thấy có bổn phận phải tích cực; để can thiệp, đặc biệt vào công việc đời, từ chối việc chấp nhận hiện trạng như điều không thể tránh khỏi. Xu hướng hành động và chống lại sự thoả mãn thuộc bất kể loại nào có thể được gọi là “chủ nghĩa hành động”. Tôi sẽ nói kĩ hơn về quan hệ của chủ nghĩa lịch sử với chủ nghĩa hành động ở các mục 17 và 18; nhưng tôi có thể trích dẫn ở đây một lời kêu gọi nổi tiếng của Marx, một nhà lịch sử chủ nghĩa nổi tiếng, biểu hiện thái độ “hành động chủ nghĩa” một cách nổi bật: “Các triết gia đã chỉ lí giải thế giới theo những cách khác nhau; vấn đề tuy vậy là biến đổi nó”. [2]
Mục 2: Thí nghiệm
Vật lí học sử dụng phương pháp thí nghiệm; tức là, nó đưa ra sự điều khiển nhân tạo, sự cô lập nhân tạo, và do đó, đảm bảo sự tái tạo các điều kiện tương tự, và sự tạo ra nhất quán các tác động nhất định. Phương pháp này hiển nhiên dựa vào ý tưởng rằng: Ở đâu các điều kiện là giống nhau, những thứ giống nhau sẽ xảy ra. Nhà lịch sử chủ nghĩa cho rằng phương pháp này không thể áp dụng trong xã hội học. Nó cũng chẳng ích gì, anh ta lập luận, ngay cả giả như có thể áp dụng được. Vì các điều kiện giống nhau xuất hiện chỉ trong phạm vi giới hạn của một giai đoạn duy nhất, kết quả của bất kể thí nghiệm nào sẽ có tầm quan trọng rất hạn chế. Hơn nữa, sự cách li nhân tạo sẽ loại bỏ chính những nhân tố quan trọng nhất trong xã hội học. Robinson Crusoe và nền kinh tế đơn nhất của anh ta chẳng bao giờ có thể là một mô hình có giá trị của một nền kinh tế mà các vấn đề của nó nảy sinh chính từ tương tác kinh tế của các cá nhân và các nhóm.
Họ lập luận tiếp là không thể có các thí nghiệm có giá trị thật sự nào. Các thí nghiệm quy mô lớn trong xã hội học chẳng bao giờ là các thí nghiệm theo nghĩa vật lí. Chúng không được thực hiện để làm cho tri thức với cương vị như thế tiến bộ, mà để đạt được thành công chính trị. Chúng không được thực hiện trong một phòng thí nghiệm tách biệt khỏi thế giới bên ngoài; đúng hơn, chính việc thực hiện chúng làm thay đổi các điều kiện xã hội. Chúng chẳng bao giờ được lặp lại dưới các điều kiện giống nhau một cách chính xác, vì các điều kiện đã thay đổi bởi sự thực hiện lần đầu tiên của chúng.
Mục 3: Tính mới
Lí lẽ vừa được nhắc tới đáng bàn chi tiết thêm. Chủ nghĩa lịch sử, như tôi đã nói, từ chối khả năng lặp lại các thí nghiệm xã hội quy mô lớn trong các điều kiện giống nhau một cách chính xác, vì các điều kiện của lần thực hiện thứ hai phải bị ảnh hưởng bởi sự thực, là thí nghiệm đã được thực hiện trước đó. Lí lẽ này dựa vào ý tưởng rằng xã hội, giống một sinh vật, có một loại kí ức mà chúng ta thường gọi là lịch sử của nó.
Trong sinh học, chúng ta có thể nói về lịch sử cuộc sống của một sinh vật, vì một sinh vật tuỳ thuộc một phần vào các sự kiện đã qua. Nếu các sự kiện như vậy lặp lại, thì đối với các sinh vật, trải nghiệm sẽ mất đi đặc tính mới của chúng, và trở nên đượm màu thói quen. Nhưng điều này là chính xác: Vì sao trải nghiệm sự kiện lặp lại không hệt như trải nghiệm sự kiện ban đầu - vì sao trải nghiệm sự lặp lại là mới. Sự lặp lại của các sự kiện quan sát được, vì thế, có thể tương ứng với sự nổi lên của các kinh nghiệm mới trong một nhà quan sát. Vì nó tạo ra các thói quen mới, sự lặp lại tạo ra các điều kiện mới, quen thuộc. Tổng toàn bộ các điều kiện - bên trong và bên ngoài - ở đó, chúng ta lặp lại một thí nghiệm nào đó trên cùng một sinh vật, và vì thế, không thể là đủ giống nhau để cho chúng ta nói về một sự lặp lại đích thực. Vì ngay cả sự lặp lại chính xác các điều kiện môi trường sẽ kết hợp với các điều kiện nội tại mới trong sinh vật: Cơ thể học qua trải nghiệm.
Cũng thế, theo chủ nghĩa lịch sử, đúng với xã hội, vì xã hội cũng trải nghiệm: Nó cũng có lịch sử của mình. Nó có thể chỉ học chậm chạp từ những lặp lại (một phần) lịch sử của nó, nhưng không thể nghi ngờ là nó có học, ở chừng mực nó bị tuỳ thuộc vào quá khứ của nó. Các truyền thống và lòng trung thành với truyền thống và sự oán giận, sự tin cậy và sự nghi kị, nếu khác đi có thể không đóng vai trò quan trọng của chúng trong đời sống xã hội. Sự lặp lại thật sự, vì vậy, phải là không thể trong lịch sử xã hội; và điều này có nghĩa là phải cho rằng các sự kiện mang đặc tính mới thực chất sẽ nổi lên. Lịch sử có thể tự lặp lại - nhưng chẳng bao giờ ở cùng mức, đặc biệt nếu các sự kiện liên quan có tầm quan trọng lịch sử, và nếu chúng có ảnh hưởng dài lâu lên xã hội.
Trong thế giới được vật lí học mô tả, chẳng gì mới thực sự và thực chất có thể xảy ra. Một động cơ mới có thể được sáng chế, nhưng chúng ta luôn có thể phân tích nó như sự tái sắp xếp của các yếu tố, những cái là bất kể thứ gì song không mới. Tính mới trong vật lí học đơn thuần là tính mới về sự sắp xếp hay tổ hợp. Hoàn toàn đối lập với điều này, tính mới xã hội, giống tính mới sinh học, là một loại thực chất của tính mới, nhà lịch sử chủ nghĩa khăng khăng. Nó là tính mới thật sự, không thể quy về tính mới của sự sắp xếp. Vì trong đời sống xã hội, cùng các nhân tố cũ trong một sự sắp xếp mới chẳng bao giờ thực sự là cùng các nhân tố cũ. Nơi chẳng gì có thể tự lặp lại một cách chính xác, tính mới thực sự phải luôn hiện ra. Điều này được coi là quan trọng cho việc cân nhắc về sự tiến triển của các giai đoạn hay thời kì mới của lịch sử, mỗi giai đoạn đó lại khác nhau về bản chất.
Chủ nghĩa lịch sử cho rằng: Chẳng gì quan trọng hơn sự nổi lên của một thời kì mới thực sự. Khía cạnh vô cùng quan trọng này của đời sống xã hội không thể được nghiên cứu theo cùng cách, mà chúng ta đã quen theo, khi giải thích các tính mới trong lĩnh vực vật lí bằng cách coi chúng như sự tái sắp xếp của các nguyên tố quen thuộc. Dù cho các phương pháp thông thường của vật lí học, giả như có được ứng dụng cho xã hội, chúng chẳng bao giờ áp dụng được cho các đặc tính quan trọng nhất của nó: Sự phân chia thành các thời kì, và sự nổi lên của tính mới. Một khi lĩnh hội được tầm quan trọng của tính mới xã hội, chúng ta buộc phải từ bỏ ý tưởng: Việc áp dụng các phương pháp vật lí bình thường cho các vấn đề xã hội học có thể giúp chúng ta hiểu các vấn đề tiến triển xã hội.
Có một khía cạnh nữa của tính mới xã hội. Chúng ta đã thấy rằng: Mọi biến cố xã hội cá biệt, mỗi sự kiện đơn nhất trong đời sống xã hội, có thể được cho là mới, theo một nghĩa nào đó. Nó có thể được phân loại với các sự kiện khác; nó có thể giống các sự kiện đó ở các khía cạnh nào đó; nhưng nó sẽ luôn là đơn nhất theo một cách rất xác định. Điều này, ở chừng mực liên quan đến giải thích sinh học, dẫn đến một trạng thái khác rõ rệt với trạng thái trong vật lí học. Có thể hình dung rằng, bằng phân tích đời sống xã hội, chúng ta có thể có khả năng khám phá ra, và hiểu một cách trực giác, bất cứ sự kiện cá biệt nào xảy ra thế nào và vì sao; rằng: Chúng ta có thể hiểu rõ ràng nguyên nhân và kết quả của nó - các lực gắn với nó và ảnh hưởng của nó đến các sự kiện khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy là mình không có khả năng trình bày các quy luật chung, những điều có thể dùng như một sự mô tả các mối liên kết nhân quả như vậy một cách tổng quát. Vì nó có thể là tình huống xã hội học cá biệt duy nhất, không phải khác, có thể được giải thích bằng các lực cá biệt mà chúng ta đã khám phá ra. Và các lực này có thể đúng là đơn nhất: Chúng có thể nổi lên chỉ một lần, trong tình huống xã hội cá biệt này, và chẳng bao giờ trở lại.
Mục 4: Tính phức tạp
Tình thế phương pháp luận vừa được phác hoạ có một số khía cạnh khác nữa. Một khía cạnh đã được thảo luận rất thường xuyên (và sẽ không được thảo luận ở đây) là vai trò xã hội học của các nhân vật vô song nào đó. Một khía cạnh khác của các khía cạnh này là tính phức tạp của các hiện tượng xã hội. Trong vật lí học, chúng ta đối phó với một chủ thể ít phức tạp hơn nhiều; bất chấp điều đó, chúng ta còn đơn giản hoá hơn nữa một cách nhân tạo bằng phương pháp cô lập thí nghiệm. Do phương pháp này không thể áp dụng được trong xã hội học, chúng ta đối mặt với sự phức tạp gấp đôi - một sự phức tạp nảy sinh do tính không thể cô lập một cách nhân tạo, và một sự phức tạp do sự thực là đời sống xã hội là một hiện tượng tự nhiên giả định trước cuộc sống tinh thần của các cá nhân, tức là tâm lí học, điều mà đến lượt nó, lại giả định trước sinh học, điều lại giả định trước hoá học và vật lí học. Sự thực là xã hội học đứng cuối trong thứ bậc này của các môn khoa học, cho chúng ta thấy một cách rõ ràng sự phức tạp kinh khủng của các nhân tố dính líu đến đời sống xã hội. Cho dù có sự đồng đều mà xã hội học không thể biến đổi được, như sự đồng đều trong lĩnh vực vật lí, có thể chúng ta hoàn toàn không có khả năng tìm ra chúng, vì sự phức tạp kép này. Song nếu chúng ta không thể tìm ra nó, thì có ít giá trị trong chủ trương là: Tuy thế, chúng tồn tại.
Mục 5: Tính không chính xác của tiên đoán
Những cuộc thảo luận về các học thuyết theo tự nhiên sẽ chỉ ra rằng: Chủ nghĩa lịch sử có thiên hướng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiên đoán như một trong những nhiệm vụ của khoa học. (Về khía cạnh này, tôi hoàn toàn đồng ý, dù tôi không tin rằng tiên tri lịch sử là một trong các nhiệm vụ của các môn khoa học xã hội). Thế nhưng, chủ nghĩa lịch sử lí luận rằng: Tiên đoán xã hội phải là rất khó khăn, không chỉ vì tính phức tạp của các cấu trúc xã hội, mà cũng vì tính phức tạp lạ kì nảy sinh từ liên kết giữa các tiên đoán và các sự kiện được tiên đoán.
Ý tưởng cho rằng sự tiên đoán có thể có ảnh hưởng lên sự kiện được tiên đoán là một ý tưởng rất cổ. Oedipus, trong truyền thuyết, đã giết cha mình, người ông chưa bao giờ thấy trước đó; và điều này là kết quả trực tiếp của lời tiên tri đã khiến cha ông từ bỏ ông. Đó là lí do vì sao tôi gợi ý tên “hiệu ứng Oedipus” cho ảnh hưởng của sự tiên đoán lên sự kiện được tiên đoán (hoặc, tổng quát hơn, cho ảnh hưởng của một món thông tin lên tình hình mà thông tin dẫn chiếu đến), bất luận ảnh hưởng này có xu hướng gây ra sự kiện được tiên đoán, hay có xu hướng ngăn cản nó.
Các nhà lịch sử chủ nghĩa gần đây chỉ ra rằng: Loại ảnh hưởng này có thể là thích đáng cho các môn khoa học xã hội; điều đó có thể làm tăng sự khó khăn trong việc đưa ra các tiên đoán chính xác và gây nguy hiểm cho tính khách quan của chúng. Họ nói rằng: Các hậu quả vô lí có thể rút ra từ giả thiết rằng, các môn khoa học xã hội đã từng có thể được phát triển đến mức cho phép các dự báo chính xác của mọi loại sự thực và sự kiện xã hội, và giả thiết này, vì thế có thể bị bác thuần tuý trên cơ sở logic. Vì, nếu giả như một loại lịch xã hội, khoa học, như vậy mới được lập ra và trở nên quen biết (không thể giữ bí mật nó lâu, vì về nguyên tắc, nó có thể được bất kể ai tái khám phá ra), chắc chắn nó sẽ gây ra các hành động làm đảo lộn các tiên đoán của nó. Giả sử, thí dụ, được tiên đoán là giá cổ phần sẽ tăng trong ba ngày và sau đó sụt giảm. Hiển nhiên, mọi người có quan hệ với thị trường sẽ bán vào ngày thứ ba, gây sụt giá vào ngày đó và chứng minh tiên đoán là sai. Tóm lại, ý tưởng về một lịch chính xác và chi tiết của các sự kiện xã hội là tự mâu thuẫn; và các tiên đoán xã hội khoa học chính xác và chi tiết vì vậy là không thể thực hiện được.
© 2004 talawas
Chú thích của dịch giả: Các quyển trước gồm:
- J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002.
- J. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
- J. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
- G. Soros: Giả kim thuật tài chính, sắp xuất bản
- H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, sắp xuất bản (Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2004)
- J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?sắp xuất bản
- F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô, sắp xuất bản
- G. Soros: Xã hội Mở, sắp xuất bản
[2]Xem luận đề mười một của These on Feuerbach (1845) của ông; xem cả mục 17, ở dưới.