Sisyphus tự vẫn
Chỉ có một vấn đề triết học thật sự nghiêm túc: đó là sự tự sát.
Albert Camus
Từ cổ chí kim,tự sát luôn là lựa chọn khó khăn nhất đối với
một con người,nó đòi hỏi một sự dũng cảm phi thường cho dù đó là dũng cảm chấm
dứt sự hiện tồn của bản thân.Dưới con mắt của các nhà tâm lý học,sức ép từ bên
ngoài xã hội và từ nội giới cá nhân là nguyên nhân cốt yếu đưa người ta đến
tình trạng chán ngán cuộc sống và tìm hướng giải quyết bằng việc tự kết liễu
đời mình.Trong tiểu luận Huyền thoại Sisyphus,Albert Camus đã khái quát lên
thân phận con người thông qua hình tượng người hùng nổi loạn trong thần thoại
Hy Lạp Sisyphus. Sisyphus chống đối Zeus cho nên phải chịu đựng hình phạt là lăn
đá từ chân đồi đến đỉnh đồi,thả cho đá lăn xuống rồi lại tiếp tục lăn lên,cứ
thế công việc tiếp diễn cho đến bất tận và không biết đến khi nào Sisiphus mới
có thể thoát khỏi hình phạt khủng khiếp đó của Zeus..? Camus xem Sisiphus là
anh hùng vì hắn đã dám tiếp tục sống bất chấp khổ hình miên viễn cũng như sự
nhàm chán cực độ của công việc hắn đang làm hay chính xác hơn là cái cuộc sống
hắn đã mang vác như cây thập từ khi mới lọt lòng mẹ ;Sisyphus không thiết tha
gì với cuộc sống nhưng hắn,như một điều tất yếu,hiểu rằng việc từ bỏ tất cả
những gì hắn đang sở hữu kể cả tính mạng của hắn,sẽ không mang lại điều gì có ý
nghĩa.Tự sát nghĩa là đi về phía hư vô.
Con người có cả
hàng ngàn lí do để tự sát nhưng bản chất đích thực của hành vi tự sát là gì thì
câu trả lời vẫn chưa nhất quán.Bấy lâu nay chúng ta thường tạm hài lòng với sự
giải thích của tâm lý học,theo đó thì tự sát là hệ quả từ những tổn thương tâm
lý dưới áp lực và sự khắc nghiệt của xã hội gây ra.Freud lại nghĩ theo hướng
khác ,theo ông,chính bản năng tự hoại Thanatos mới là yếu tố chính đưa con
người đến với hành động tự sát.Khi con người không tìm thấy đối tượng để chút
bỏ những uất ức,những bất mãn thì chính bản thân sẽ trở thành điểm quay đầu thu
hút ngược lại những uẩn ức gây hấn,thù địch,kẻ thù không còn là người khác
nữa mà là bản thân hắn.Trong tác phẩm Về thể tính của chân lý, người ta
cũng bắt gặp những dòng triết lý đậm màu sắc bi quan của Martin Heidegger đại
loại như
“ vừa lúc con người ra đời là lúc
hắn đủ già nua để chết” hay “ tính thể qui tử là tính thể nguyên tính nhất tức
là tính thể lên-đường-đi-về-sự-chết”, con người sợ hãi cái chết chính thế hắn
tìm quên trong những giao tế xã hội ; hắn chạy theo kim tiền,sắc-dục nhưng đằng
trước hắn,trong tâm thức hắn,ý hướng qui tử hay nói theo ngôn ngữ phân tâm-bản
năng chết vẫn tồn tại dai dẳng,đeo bám hắn suốt ngày đêm.Người ta hướng đến
Thanatos một cách vô thức, nó , bản năng Thanatos “như một xung lực thường gặp
thấy trong tự nhiên nhằm khôi phục lại trạng thái trước đó của sự vật.Mục tiêu
cuối cùng của xung lực ấy là sự trở về của chất liệu hữu cơ hay chất liệu sống
với trạng thái không có tổ chức,vô cơ
của nó..sự sống chỉ là một sự chuẩn bị cho cái chết”.Đúng là Freud cũng tỏ ra
khá là bi quan về thân phận con người.Lúc tại thế,con người nhìn thấy trước cái
chết của hắn trong những cái chết của tha nhân và hắn không khỏi rùng mình kinh hãi,đứng trước mộ
huyệt của kẻ khác hắn một mặt quay mặt đi vì không dám đương đầu với cái ý nghĩ
khủng khiếp rằng mình chính là kẻ đang
nằm dưới mộ nhưng một mặt hắn cũng lại thèm muốn (dù không dễ dàng để nói ra
chút nào) trở về trong lòng đất mẹ
.Người phương Đông diễn tả ý này bằng một câu
rất hay “ Sinh ký tử qui ( sống gởi thác về) ”.Con người bị giăng bủa
giữa những ma trận bịt bùng và bốn bề chỉ toàn là kẻ thù lúc nào cũng sẵn sàng
triệt tiêu hoặc bóp nát cuộc đời của hắn ; trong những xã hội cổ xưa,kẻ thù của
con người là thú vật và sự hiểm nghèo của tự nhiên tuy nhiên khi sức bành
trướng phi mã của chủ nghĩa cơ giới cùng lòng tham không đáy dâng cao,tất cả
đều phải cúi đầu trước một chúa tể mới của vạn vật-con người.Người ta bài bác
chủ nghĩa Darwin xã hội vì cho rằng dường như là nó quá phi nhân đạo dẫu vậy
không thể phủ nhận một điều đó là con người hiện tại đang rất tàn bạo đối với
chính đồng loại của mình.Thế giới giống như một vườn thú,theo cách nói của
Desmond Morris,mà ở đó con người đang đấu tranh một cách quyết liệt với nhau để
giành quyền sinh tồn và phát triển.Con người “bị bỏ rơi” bởi sự chọn lọc khắc
nghiệt không phải của tự nhiên nữa mà bởi xã hội loài người.Những chướng ngại
mà con người vấp phải có thể hạ đo ván
hắn một cách chóng vánh,buồn bã,hắn quay khẩu ru-lô bắn thẳng vào đầu
mình.Những trò vui thú quay cuồng của Dionysus không giúp ích gì cho hắn,hắn
muốn buông xuôi,hắn đang chờ để dự vào vòng quay bất tận,sự qui hồi trở về
trạng thái mort,sự yên bình vĩnh cửu trong bào thai hoặc dưới những tầng đất
sâu.Schopenhauer phân tích thấu triệt vấn đề đó như sau “Kẻ nào
từng thấy đời mình cùng các nguyện vọng của mình va chạm phải những trở lực
không sao vượt qua nổi, kẻ nào mắc phải những chứng bệnh vô phương cứu chữa hay
mang nặng một niềm đau khổ khôn nguôi, kẻ đó còn có chỗ ẩn náu tối hậu mà
thường hắn tự động tìm tới, đó là sự trở về lòng thiên nhiên, nơi mà từ đó,
cũng như mọi cái, hắn xuất hiện, say sưa với niềm hy vọng có được một hoàn cảnh
sống tốt đẹp hơn là những hoàn cảnh mà hắn từng được gặp; con đường về ấy khi
nào cũng mở rộng chờ đón hắn. Sự trở về ấy là định luật của kẻ sống”.Ngược
lại,Kant thì phản đối hành vi tự sát vì theo ông con người là những cứu cánh tự
thân vì hắn có tự do và nhân vị cho nên tự hoại nghĩa là hắn chỉ xem bản thân
con người hắn là một phương tiện thuần túy -
tự sát đồng nghĩa với việc hắn đã coi rẻ thân xác của chính mình.Cách
nhìn của ông tựa như quan niệm của Kito giáo khi cho rằng tự sát là ném trả món
quà của sự sống vào mặt Chúa.Nhưng có lẽ vì con người là động vật duy nhất có
quyền tự quyết và chịu trách nhiệm về hậu quả do hành vi của mình gây ra cho
nên trong bất kì xã hội nào theo hay
không theo Kito giáo thì người ta cũng không lí luận nhiều như thế trước khi
chấm dứt cuộc đời.
Thông qua hành vi tự sát con người muốn để lại
một thông điệp về “sự vắng mặt” , hắn muốn chối bỏ tha nhân bằng việc từ chối
hiện hữu trước tha nhân.Sự thông giao giữa hắn và tha nhân đã bị bít lối.Không
những thế hắn còn phải chịu sự giằng xé,bế tắc trong thâm tâm,từ khước quyền
được làm người quả là một quyết định khó nhọc và đau đớn.Bao giờ con người còn
hiện hữu thì việc tự sát sẽ vẫn còn tiếp diễn,nó thuộc về căn tính của con
người và chúng ta không có hy vọng khả hữu nào để thoái triệt nó cả,vấn đề tự sát sẽ được bỏ ngỏ không biết đến bao
giờ..?
Trịnh
Ngọc Thìn
Bình
Phước 17-2-2013
Tài liệu tham khảo:
Một lập luận phi lí ,Albert
Camus, Nguyễn Văn Dân dịch,Tạp chí Văn học
nước ngoài, số 1-2002
Freud đã thực sự nói gì, David Stafford-Clark,Nhà xuất bản Thế giới,1998
Siêu hình tình yêu-siêu hình sự chết, Arthur Schopenhauer, Nhà xuất bản Văn học Năm 2006
Về thể tính
của chân lý, Martin Heidegger, Phạm Công Thiện
dịch, bản điện tử thuộc www.talawas.org
Triết học Kant,Trần Thái Đỉnh,Nhà xuất bản Văn hóa thông