Home » » HẢI KỲ

HẢI KỲ

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 22:48

Hải Kỳ- Sống hết mình, Thơ hết mình
(Toquoc)- Hải Kỳ là nhà thơ của tình yêu tuổi trẻ, là nhà thơ của những chiêm nghiệm phận người, đọc lên thấm đến tận đáy lòng. Hải Kỳ cũng là nhà thơ sống cương trực, quyết liệt, yêu ghét rõ ràng, luôn hướng đến nỗi cô đơn của thân phận con người. Anh rất ghét lối tâng bốc, lối ca ngợi chung chung vô cảm trong thơ. Thơ anh luôn nồng nàn, chân thật.
Hải Kỳ là người có tính cách khí khái, cương trực. Khi say thì hát Trịnh Công Sơn, đọc thơ, nói năng thật bốc, thật phấn chấn. Trước cái mất mát anh khóc như trẻ con, giận thì anh đùng đùng bỏ về dù đang ở nhà bạn thân. Trước cái ngang trái anh phẫn nộ đỏ mặt. "Mày như đứa trẻ lắm dỗi hờn" (Văn Tăng). Chất trực cảm mạnh ấy, cái bản năng lâu bền ấy giúp cho Hải Kỳ bắt nhạy với thơ và thể hiện sâu đậm cái tôi trữ tình của mình. Cuộc đời Hải Kỳ có quá nhiều nỗi đau, nỗi đau xa cha, nỗi đau mất mẹ, nỗi đau quê hương Đồng Hới bị bom đạn tàn phá… Những trang đời cay đắng ấy ngấm vào anh để thành bản lĩnh sống, thành những trang thơ màu nhiệm:
Vốc ngụm nước thấy nồng mặn quá
Như tình thật không hề giả trá
Vị muối kia đâu chỉ có gần bờ
Lòng biển xanh nồng mặn đến xa khơi.
Từ ngày học phổ thông, Hải Kỳ đã làm thơ. Trong lúc nhiều nhà thơ viết ra những bài thơ “ngoài mình”, không mang tâm trạng xã hội, những bài thơ thật giả lẫn lộn, thì thơ Hải Kỳ là thơ thật, thơ nhập cuộc, thơ rút ruột mà viết, nên rất cuốn hút. Các nhà phê bình cho rằng, thơ Hải Kỳ hay vì trước hết đó là cái “tình thật"... Cái hay ở đây là cái đắm say, giãi bày cái thật lòng mình, Hải Kỳ đau thật “Yêu thật ghét thật. Và cả thật dại khờ". Tôi xin đăng ký dại khờ/ Để khôn ngoan chết bên bờ sông thương... Cái thật ấy là sự bức bối của tâm trạng, tâm linh thi sĩ đòi được bày tỏ. Trong bài thơ Chuyện tình nhà thơ đã bộc bạch về mình:
Sống hết mình, tôi không làm kẻ khác
Tôi là tôi như thể tự ngày xưa.
Cuộc đời Hải Kỳ buồn nhiều hơn vui. Bố anh làm nghề lái xe tuyến Đồng Hới-Huế. Từ nhỏ gia đình anh đã bị ly tán: Cha tôi đi biệt từ lâu/ Tôi còn bé mẹ khấn cầu đất đai. Do sông Hiền Lương đóng tuyến, bố anh bị kẹt lại ở Huế sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Mẹ anh phải tần tảo buôn bán ở chợ Đồng Hới nuôi hai con nhỏ và bà ngoại. Bố ở Sịa, bên Phá Tam Giang chỉ cách Đồng Hới 150 cây số thôi mà đành xa vợ con hơn 20 năm đằng đẵng. Sau năm 1975, Hải Kỳ mới tìm gặp cha, mới hay ông đi Nam nhưng chỉ làm nghề sửa xe và lái xe như trước năm 1954, chẳng theo địch ngày nào. Thuở học trò, Hải Kỳ được mẹ gửi lên Mỹ Thuỷ, Lệ Thuỷ quê nội đi học để tránh bom đạn. Anh ở nhà bà cô ruột ở làng Mỹ Thạch Thượng, cách trường 12 cây số, ngày ngày phải cuốc bộ đi về. Anh học cùng lớp cấp 3 Lệ Thuỷ với các nhà thơ Đỗ Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Lê Đình Ty… Cái lớp học ấy rất kỳ lạ, sau này có hàng chục người làm thơ, trong đó có bốn nhà văn Việt Nam là Lâm Thị Mỹ Dạ, Đỗ Hoàng, Hải Kỳ, Ngô Minh. Hải Kỳ vì bố đi Nam, lý lịch xấu nên không được đi đại học. Anh chỉ được học lớp bồi dưỡng sư phạm 10+02 Quảng Bình. Năm 1968, khi Hải Kỳ đang học Trường sư phạm ở vùng núi Troóc thì nhận được tin mẹ anh bị máy bay Mỹ bắn chết ngay cách trận địa pháo phòng không bảo vệ Cầu Rào chợ Ga Đồng Hới 50 mét. Mẹ mất ngay trên tay của các chú bộ đội, không cấp cứu kịp. Thế là Hải Kỳ 19 tuổi đã mồ côi mẹ, phải tự lo kiếm sống nuôi em. Chàng trai 25 tuổi trẻ măng ấy đã phải làm sui gia, sang Bảo Ninh bàn chuyện với gia đình mẹ Suốt, ngồi thưa chuyện với chồng Mẹ Suốt và những ông già trong họ, tóc bạc phơ, lễ phục khăn đóng áo dài, để xin lễ hỏi, rồi lễ cưới cho em trai Trần Văn Hà. Những nỗi buồn ấy đã theo anh suốt cuộc đời thơ: Bao âm điệu buồn vui đời thực/ Tất cả vào tôi và hóa thành thơ.
Hải Kỳ có những câu thơ về Mẹ thuộc loại những câu thơ tài hoa Việt Nam: Tôi về nơi mẹ sinh tôi/ Mẹ không còn nữa chân trời mây bay… Khi nhớ mẹ, bằng tâm linh, anh cảm nhận được sự thay đổi bất thường của màu trời: “trời xanh kia như xanh vội theo ngày”!. Như thể nhờ an ủi con người mà trời vội xanh vậy. Chỉ có “loài thi sĩ” (chữ của Hàn Mạc Tử) mới có những cảm nhận tê tái đến vậy. Nhớ mẹ anh tìm ra biển: Lời ru trời biển mênh mông/ Nghe như tiếng mẹ bay quanh thuở nào. Ngày giỗ Mẹ, anh xót xa:
Đến khi tôi biết vâng lời
Chiến tranh đã khép mắt người buồn đau
… Bây giờ tôi đã là tôi
Mẹ thành nấm đất cuối đồi sim mua.
*
Đất nước ta trải hai cuộc chiến tranh khốc liệt, hàng chục triệu cặp vợ chồng phải đã phải xa nhau. Ngay trong thời bình, cũng có những năm tháng các gia đình phải chịu một sự chia ly tình cảm: Vợ xa chồng, chồng xa vợ, mẹ xa con, xa bà con làng xóm, lặn lội biền biệt tới tận góc biển chân trời để kiếm sống. Hải Kỳ cũng ở trong hoàn cảnh buồn ấy. Khi anh lấy vợ, có hai con, do gia đình khó khăn, vợ phải đi xuất khẩu lao động ở Đức để kiếm tiền nuôi gia đình. Đau đớn lắm nhưng cũng phải cắn răng để vợ ra đi. Thế là anh phải “gà trống nuôi con” mấy năm liền. Là người thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, nên khi vợ đi xa rồi, nhà thơ mới cảm thấy hết sự mất mát tình cảm lớn lao trong cuộc sống hàng ngày.
Nhà thơ phải vừa đi dạy học ngày hai buổi, vừa thay vợ làm công việc nội trợ gia đình như nấu ăn, giặt giũ quần áo, thuốc thang chăm sóc hai con trai nhỏ ăn uống, học hành. Công việc bận bịu vất vả hàng ngày không thể nào lấp được khoảng trống vắng mà vợ để lại trong lòng anh. Bài thơ Tôi ra cửa biển bắt đầu từ sự trống vắng ấy:
Em đi góc biển chân trời
Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên
Mùa đông rụng lá ưu phiền
Sang xuân có bớt nỗi niềm nhớ mong
Biết là nhớ cũng bằng không
Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm
Đây không phải là lần đầu tiên Hải Kỳ xa vợ. Những năm 80 của thế kỷ XX, anh vào Huế học đại học sư phạm 4 năm. Khi tốt nghiệp Đại học, thấy tài năng thơ ca và sư phạm của anh, nhiều người khuyên anh ở lại Huế công tác để có điều kiện phát triển tài năng. Có cơ quan văn hóa đã ngỏ lời mời anh. Nhưng anh kiên quyết ra Đồng Hới với vợ con, dù phải chấp nhận “gõ đầu trẻ”! Có lẽ vì cái tình vợ chồng nồng thắm đó mà sự chia tay lần này đối với anh nó vời vợi hơn, thấm đẫm nỗi buồn hơn. Nên, dẫu “Biết là nhớ cũng bằng không”, mà vẫn “...ra cửa biển ngồi trông cánh buồm”. Đó là mâu thuẫn nội tại của tình cảm chỉ có thơ mới lý giải được.
Có lẽ xuất phát từ nỗi đau mồ côi bố mẹ từ sớm, nên Hải Kỳ vô cùng nâng niu tình cảm gia đình, rất thương yêu chiều chuộng vợ con, để bù đắp lại một tuổi thơ mất mát của mình..
Bài thơ Tôi ra cửa biển là một trong những bát thơ lục bát hay nhất, diệu nghệ nhất của Hải Kỳ. Bài thơ đã được tuyển chọn vào nhiều tuyển tập thơ. Em đi góc bể chân trời / Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên ... Người buồn trời đất buồn theo. Những chiếc lá mùa đông, như là những phiến “ ưu phiền” đang rụng xuống. Rồi mong “ sang xuân” lá tươi xanh, chắc sẽ bớt nhớ ! Nhưng nỗi nhớ vợ làm sao nguôi ! Nhà thơ phải tìm ra cửa biển để mong tìm được đôi chút hình bóng thân yêu phía chân trời!
Biết là nhớ cũng bằng không
Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm
Tôi rơi vào cuối ngọn nồm
Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi
Đây là đoạn thơ hay nhất đã đi vào trí nhớ của những người yêu thơ. Đoạn thơ này đã được in trong tập sách “Những câu thơ trong trí nhớ” do nhà thơ quá cố Tô Hà, một nhà thơ ở Hà Nội biên soạn. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn hai câu thơ Biết là nhớ cũng bằng không/ Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm vào tuyển sách “Nghìn câu thơ tài hoa iệt Nam”.
Đây không phải lần đầu Hải Kỳ làm thơ tặng vợ. Năm 1983, qua đèo Hải Vân, Hải Kỳ thì phát hiện ra một tứ thơ hay, anh viết được bài thơ tặng vợ: “Bất ngờ câu lý”: là nói về điệu hát “Lý qua đèo”, nhưng mà vợ anh cũng tên là . Vâng, điệu hát cũng chính là tên người, tên cuộc tình đời anh:
Để rồi trở về em
Nghìn năm sau vẫn thế
Núi đèo và điệu lý
Cũng chỉ vì nhau thôi !
Gần 10 năm nay người vợ “từ góc biển chân trời” ấy đã trở về với mái ấm gia đình, cùng chồng xây đắp cuộc sống. Anh chị tuy chưa hết nghèo nhưng gia đình đã êm ấm hạnh phúc hơn xưa. Đã có hai đứa cháu nội suốt ngày gọi “Ông nội ơi”, “Bà Nội ơi!”. Hải Kỳ dành nhiều thời gian để chăm sóc cháu. Nhà thơ bò khắp nhà cho cháu nội cưỡi. Dạy cháu viết những con chữ đầu tiên. Nhưng mỗi khi ai đó đề nghị nhà thơ đọc lại bài thơ “Tôi ra cửa biển”, nhà thơ lại nâng ly ngùi ngùi với kỷ niệm xưa…
*
Hải Kỳ là nhà thơ trữ tình, làm nhiều thơ tình yêu, nhưng anh cũng bắt rất nhạy với cuộc sống lớn của đất nước. Nghĩ về biển, Hải Kỳ viết về nhân dân bao đời chân thật: Vốc ngụm nước thấy nồng mặn quá/ Như tình thật không hề giả trá/ Vì muối kia nồng mặn đến xa khơi... Thơ Hải Kỳ là thơ bắt gặp, là thứ thơ thốt lên do sự va chạm giữa cuộc sống, con người với cái tôi trữ tình mãnh liệt của nhà thơ. Thơ anh không miêu tả, tán dương chung chung hoặc lên gân ồn ào. Chạm vào Hải Kỳ, từ phía nào ta cũng chạm tới cái tình người nóng bỏng. Bên ngọn cỏ non, anh cảm xúc sâu sắc, về nhân dân, đất nước: Cỏ xanh xương máu không tên/ Bao người ngã xuống cho liền nước non… Ăn với các em bé quả bần mé sông Nhật Lệ, sau ngày chiến tranh, anh nhận ra ngay sức sống mãnh liệt của đất đai:
Tôi nghe vị chua thanh đầu lưỡi
Quả chín gọi về tíu tít trẻ con
Biết ngọt ngào và sắc xanh mát rượi
Qua lửa bom tất cả vẫn còn
Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Hải Kỳ thức trong đêm biển Nhật Lệ và anh đã phát hiện ra một tứ thơ thật đẹp: Những con thuyền đánh cá bằng ánh sáng đèn ban đêm làm nên một cái làng trên biển. Bài thơ “Đêm làng đất làng nước” là một bài thơ tứ rất hay, được Đài tiếng nói Việt Nam ngâm nhiều lần, được đăng báo Văn nghệ. Bài thơ viết về những con thuyền đánh cá của người Đồng Hới sáng lung linh ngoài khơi xa như một làng trên biển rất xúc động: Làng đất mọc trên bề dày của đất/ Làng nước nổi trên chiều sâu của nước… Thức với làng trong đêm sâu thẳm/ Mái chèo quẫy nước loé lân tinh/ Con thuyền đằm trong hơi muối mặn/ Bạn chài trên biển thắp bình minh… Bài thơ Lúa dài gần trăm câu là bản lý lịch khá xúc động về cây lúa, hay chính cuộc đời người trồng lúa với bao sương nắng khó nhọc, bao tai ương chiến tranh mất mát. Hạt lúa đã vượt qua tất cả, khi âm thầm, khi quyết liệt để khẳng định mình, để tự trở thành máu thịt cuộc đời, triết lý cuộc đời: Thật kỳ diệu hạt mầm bé ấy/ Trái kia to chẳng nuôi nổi được đời/ Hạt lúa nhỏ làm nên máu thịt… Hay Nối đất với trời/ Vũ trụ mở hai đầu hạt lúa. Những năm cả nước đưa người lên rừng khai hoang “làm kinh tế mới”, Hải Kỳ cũng có thơ, nhưng không phải tô vẽ, tuyên truyền chung chung, mà là thơ nói lên sự thật khốc liệt: Đường xa còn dốc còn đèo/ Lối gần còn đói còn nghèo vây quanh. Có ý thức được thực tế nghiệt ngã ấy mới thấy hết cái giá phải trả cho cuộc sống mới. Hải Kỳ viết về cái gì cũng để giãi bày, chia sẻ, như rứt ruột mình ra mà viết. Trong bài thơ Cho tôi ngọn gió đi tìm thù tạc với nhà thơ Ngô Minh, Hải Kỳ nghe trong chiều nồm Đồng Hới "mùi sông biển mặn ngấm lời mẹ ru", "mùi rong rêu của dòng sông học trò". Anh nghe nhịp võng ký ức vẫn còn chao với biển: Chòng chành là giấc ban trưa/ Lăn tăn sóng gợn, lưa thưa nhịp chèo/ Võng đưa ngọn gió nồm theo/ Kéo lên cả nhịp thủy triều bao la… Đó là sự xúc cảm tinh tế và chân thực. Một đêm thơ tại Cung Văn hoá Hà Nội bên Hồ Gươm, Hải Kỳ đã làm người nghe xúc động khi anh đọc bài thơ Hai giây. Đây là bi kịch của thế giới hiện đại:
Cứ hai giây một trẻ nhỏ qua đời
Cả thế giới ngày đêm bốn triệu…
…Ôi, cái hành tinh chật chội thủ đô to
Dày phấn sáp, mỏng áo quần đúng mốt
Bom đạn như non, của tiền như nước
Mỗi trẻ nhỏ chết nghèo trong nháy mắt hai giây
Trong cuộc sống Hải Kỳ cũng là người rất cương trực. Là giáo viên dạy văn rất giỏi, Hải Kỳ nhiều lần được Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Trị Thiên (cũ) điều động từ Đồng Hới vào dạy bồi dưỡng học sinh giỏi văn của tỉnh để đi thi học sinh giỏi toàn quốc. Dạy văn giỏi có tiếng, nhưng ở trường cấp 2, nơi Hải Kỳ giảng dạy gần 20 năm liền, người ta tổ chức học thêm dạy thêm, “luyện thi” vào cấp 3 để thu tiền học trò, Hải Kỳ cho việc dạy thêm như thế là vô đạo, nên phản đối, không bao giờ tham gia dạy thêm. Thậm chí đến việc chấm bài thi văn cuối năm của học trò, Hải Kỳ cũng xin từ chối, vì “nếu tôi mà chấm thì các em sẽ không đậu cao được, vì tôi chấm thực”. Vì bức xúc với chuyện học thêm, dạy thêm, bệnh thành tích nặng nề trong thi cử, Hải Kỳ đã xin về hưu trước tuổi đến 5 năm… Đáng lẽ đến năm 2009 mới đủ tuổi hưu, Hải Kỳ đã về hưu từ năm 2004.
*
Đến nay, Hải Kỳ đã xuất bản 5 tập thơ: Ngọn gió đi tìm (tái bản 2001), Đồng vọng, Nằm đếm trời sao, đối thoại lục bát, Giấc mơ, và đang chuẩn bị bản thảo tập thơ mới. Năm 2000, anh được giải A Giải thưởng Văn học Lưu Trọng Lư (Quảng Bình). Thơ Hải Kỳ chủ yếu là thơ tình, “Có em viết tặng bài thơ”. Viết ra được là thích, là xong, lâu ngày quên mất thơ mình đã làm. Tôi đồ rằng, bây giờ mà thông báo lên báo, chắc có nhiều “nàng thơ” đâu đó sẽ tặng lại Hải Kỳ thơ mà chàng đã quên!. Hải Kỳ làm thơ rất “sạch sẽ”. Đêm đi chơi, uống rượu về khuya, ngồi vào bàn bật đèn lên, bắt đầu làm thơ bằng việc kẻ đi tô lại cái đầu đề bài thơ thật đậm. Có khi tô đến vài chục phút, rách cả giấy. Sau đó cứ thế viết, thơ như tuôn ra từ con tim, ít khi có câu nào sửa chữa, gạch xóa gì! Làm xong thơ, chép lại một bản thật đẹp rồi thắc thỏm đạp xe đi tặng.
Thơ tình Hải Kỳ có nhiều bài hay đến mức để đời. Thơ Hải Kỳ câu chữ sang trọng, cuốn hút, tài hoa, sắc sảo, nhất là thơ lục bát. Bài thơ Em và tôi với Thiên An được chọn in trong Tuyển tập Thơ lục bát Việt Nam chọn trong 200 năm là một bài thơ toàn bích: Chao ơi cây nối liền cây/ Người sao chẳng biết cầm tay với người/ Giữa rừng em với mình tôi/ Lặng im giấu một khoảng trời Thiên An. Yêu nồng nàn lắm mới viết được như vậy. Ở quán nhậu, hay trong cơ quan, nơi nào có Hải Kỳ xuất hiện là mọi người tha thiết đề nghị anh đọc thơ tình. Và anh chiếm luôn diễn đàn từ đó. Thêm vài ba chén “quốc lủi”, Hải Kỳ đọc thơ càng bốc, càng cuốn hút… Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm trong tác phẩm “Nghìn câu thơ tài hoa” dày gần 900 trang (NXB Văn học, 2000) đã chọn Hải Kỳ đến 6 câu “thơ tài hoa”. Ví dụ: Nếu mà tôi chẳng gặp em/ Làm sao tôi biết chiều êm mặt hồ/ Không gian lên núi tôi chờ/ Thời gian xuống nhẹ như tờ thư rơi… (Nếu mà tôi chẳng gặp em); hay Tiếng con chim phật nghe rồi/ Cứ nghi hoặc đấy là lời hư vô/ Như là từ xửa từ xưa/ Khổ đau luyện mãi mà chưa thoát trần… (Thăm Chùa Báo Quốc). Hải Kỳ là người vô cùng nhạy cảm. Thơ tình của anh chọn lọc từng chi tiết nhưng lại nói cái khát quát của thân phận con người, triết lý sâu thẳm của cõi nhân sinh.
Cứ như thế im lìm pho tượng
Tay chìa xin như đá, cỏ và cây
Ở đâu đó trên đời điều sung sướng
Đóng đinh niềm đau khổ với người đây…
(Người hành khất)
Hay:
người phu mộ già nua hiện thân trường cửu
tóc bác phơ đổ bóng huyệt ban chiều
tay run rẩy đào sâu ruột đất
chôn lặng thầm bất hạnh tình yêu
(Người phu mộ)
Uống rượu quán rượu chị Hiếu cạnh nhà thờ Phủ Cam Huế, thấy cô bán rượu xinh đẹp, Hải Kỳ viết ngay bài thơ Tập qua hàng dán lên cột nhà: Tôi vớ vẩn đến chừng không chịu nổi/ Em bỏ đi ra bếp châm đèn/ Tôi ngồi với nửa chừng sáng tối/ Với nửa chừng rượu ấy và em. Bài thơ ấy cả nhà chị Hiếu thuộc. Rất nhiều bạn trẻ sinh viên các Trường Đại học ở Huế, Đồng Hới rất thích chép và thuộc nhiều bài thơ Hải Kỳ. Thơ ấy là thơ có chỗ đến, thơ găm vào lòng người.
Về nghệ thuật thơ Hải Kỳ, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã viết: “Trong số các bài lục bát hay, Hạt cát, Tôi ra cửa biển của Hải Kỳ là hai bài thơ tiêu biểu sử dụng tinh luyện các biện pháp nghệ thuật. Sự liên tưởng ở bài Hạt cát không nghiêng về phía mô tả sinh học, hoặc thao tác kiểu như các nhà thơ khác: Trắng như là chẳng có gì/ Trắng như là buổi người đi không về. Trắng so với chẳng có gì, đã là phép so sánh giàu hình tượng, nhưng trắng được ví như buổi người đi không về thì đã vượt tầng qua một thấu kính thẩm mỹ bất ngờ. Trong bài thơ Tôi ra cửa biển: Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/ Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi cũng vậy, một thủ pháp siêu tượng trưng…”
Hải Kỳ là nhà thơ của tình yêu tuổi trẻ, là nhà thơ của những chiêm nghiệm phận người, đọc lên thấm đến tận đáy lòng. Hải Kỳ cũng là nhà thơ sống cương trực, quyết liệt, yêu ghét rõ ràng, luôn hướng đến nỗi cô đơn của thân phận con người. Anh rất ghét lối tâng bốc, lối ca ngợi chung chung vô cảm trong thơ. Thơ anh luôn nồng nàn, chân thật:
Tôi mang ơn người, mang ơn nụ cười trong trẻo thơ ngây
như ốc đảo xanh tươi lữ hành sa mạc
Là tôi, loài thi sĩ đam mê nụ cười của loài hoa, loài thảo mộc
Dù đó là phù dung, là cỏ xanh, cỏ mặt trời
và cả gai ngọn xương rồng
Nhưng nụ cười của em mỗi sáng ban tặng cho tôi
là bình minh của thơ ca báo trước ngày tuyệt đẹp
Để tôi không còn buồn những hoàng hôn mỗi khi đối diện với mình
Cỏ ơi, cỏ xanh mượt mà thơm thảo của tôi ơi !...
Huế, cuối năm 2010
Ngô Minh
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved