Home » » TÔ NGỌC THẠCH

TÔ NGỌC THẠCH

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 22:51

Tô Ngọc Thạch, nhà thơ quê trạng trước một “Biên bản thời gian”
Chỉ biết, Tô Ngọc Thạch đã “ủ ngọn lửa thơ” trong con tim say đắm của mình tới mấy chục năm ròng, để rồi, khi dòng chảy đã dồn vào “mắt bão” thì “một chàng tiến sĩ”, với “một chàng thi sĩ họ Tô”, quê Trạng Trình đất Vĩnh Bảo, Hải Phòng này đã có hai cánh bay vi vút.
Trên quê hương Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất Vĩnh Bảo, Hải Phòng, trong nhóm năm sáu Nhà văn đồng hương được coi như “một lứa bên trời”, tôi và Tô Ngọc Thạch có riêng mạch nhập hoà, gắn kết. Tô Ngọc Thạch, chàng trai quê làng Nội Tạ, An Hoà, Vĩnh Bảo này, vừa bước qua cái ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh”, vậy mà, nom “chàng” còn “ngon” lắm.
Một gương mặt sáng. Một nước da trắng hồng. Người chắc săn. Giọng sôi nổi, cởi mở. Đôi mắt nhìn như có lửa và sắc. Mới gặp, ai đó đồ rằng, “thần thái” này, anh là nguời của cơ quan hành pháp. Nhưng, ở khoảnh khắc đối thoại vẻ dè chừng thật chóng vánh kia, nhà khoa học lại mang “máu thi sĩ” ấy dễ làm cho nguời xung quanh cảm được cái gần, cái chân thành bởi nét miệng cười hồn nhiên, tươi tắn. Nó lung linh, tự làm ảo và xoá đi cái ranh giới mong manh như thế.
Tô Ngọc Thạch sinh vào những năm đất nước đang đói nghèo, giặc dã. Làng Nội Tạ, An Hoà quê anh nằm bên bờ sông Hoá. Nhà đông con. Bố làm “ông giáo làng”, dạy học xa nhà. Mẹ nhà nông, bận làm ăn vất vả. Tuổi nhỏ của cậu bé họ Tô đã sớm phải “kéo cày” vì miếng cơm, manh áo. Nhiều năm trời, sau buổi học về, hay những ngày nghỉ, Thạch phải lần mò khắp bờ sông, bãi sú. Tối tối, gánh lỉnh kỉnh trên vai những “rọ”, những “lờ” đi đơm tôm, bắt cá. Thạch không sợ tối ? Hay cái cảnh bắt buộc phải chịu ? Thạch đi suốt đêm. Đi dọc bờ sông, đầm lầy. Đi cạn trăng khuya trên cánh đồng mênh mông sông nước. Thạch chọn tìm luồng lạch, nơi tôm cá thường đi để đơm đó, đặt lờ.
Từ Vĩnh Bảo, Hải Phòng quê anh, Thạch bơi qua sông Hoá. Bên kia là Phụ Dực, Thái Bình. Có đêm, đặt lờ xong,Thạch phải tìm vào ngôi chùa giữa đồng hay cửa điếm canh đê ngủ tạm. Tờ mờ sáng, khi chợt nghe canh gà bất chợt vẳng lên, anh lại vội choàng dậy, bước thấp bước cao đi thu “gánh rọ” đã thả đêm qua xem kiếm chác được gì. Chút tôm cá bắt được, anh kịp mang cho mẹ đem ra chợ bán, thêm cặp vào “gia cảnh” từng mớ rau, bơ gạo hằng ngày.
Là con thứ hai trong nhà, Thạch còn hàng chục em đằng sau lít nhít. Bởi vậy, cậu không còn diện “ưu tiên”, mà sớm bị “văng” khỏi vòng tay chiều chuộng của mẹ. Đáp lại “nỗi niềm” này, Thạch lại được bà nội giành cho sự yêu thương đặc biệt. Trong vô thức, giống như hạt phù sa lặng thầm tìm về bến bãi, bà nội Thạch tự lúc nào đã vun trồng, cấy gieo và kết tụ nên giọt nhỏ lung linh nơi tâm hồn trong xanh, thơ trẻ của Thạch.
Được thừa hưởng nền giáo dục của một gia đình “gia phong,” Nho giáo, bà nội Thạch sớm đọc sách, yêu thơ. Bà thuộc làu truyện Kiều, truyện Hoàng Trừu, Tống Trân Cúc Hoa, Chinh phụ ngâm và rất nhiều chuyện cổ tích, điển tích. Cho đến bây giờ, trong xa lắc, Tô Ngọc Thạch còn ngỡ như mình đang nghe rất gần đâu đó, giọng bà thật ấm áp mà da diết trong lời ru, câu hát, trong vần thơ dễ mê đắm hồn người.
Thạch làm thơ từ khi còn là học trò ngồi trên ghế nhà trường. Những câu thơ ban đầu là những giãi bày giản đơn của cái nhìn, cái nghĩ. Những tâm tình bộc bạch, hồn nhiên. Chữ Thạch viết khá đẹp. Anh có riêng một tập thơ chép tay, thơ của các nhà thơ Đông Tây, kim cổ mà anh mê như mê “một người yêu”. Thạch tự trình bày, minh hoạ rồi mang nó theo người suốt những năm chiến trường, trận mạc, coi như một “cẩm nang” quý hiếm.
Hồn thơ Tô Ngọc Thạch được phát lộ như sự khơi nguồn, gửi trao từ bàn tay bà nội. Thạch thầm lặng viết, cất dấu những dòng tâm tình tràn đầy “niềm yêu” của những ngày thơ trẻ. Có thể, Tô Ngọc Thạch chưa dừng lại nghĩ nhiều, nhưng anh biết, thơ với anh là phút toả rạng, ăn khớp được hiện hình từ tim anh “xao động”. Từ cuộc sống thật giàu có tâm tình và thi vị của cái làng Nội Tạ, nơi tháng ngày anh đang đi cùng nắng mưa, khổ nghèo với bao nhiêu người anh em, bà con, họ hàng thương mến.
Thơ sớm có nơi góc lòng là vậy. Nhưng ở trường, Tô Ngọc Thạch lại là cậu học sinh nổi tiếng, giỏi ở hai môn Toán, Lý. Lực học tiêu biểu, hay đấy là năng khiếu, sở trường được khẳng định ở điểm thi qua các khoá học. Năm lớp Bảy, Thạch được tuyển chọn vào “lớp chuyên” của toàn thành phố để bồi dưỡng tài năng, làm hạt nhân cho sự nghiệp đào tạo, giáo dục mai ngày.
Theo lớp học này, hàng ngày, Thạch phải dậy từ ba rưỡi sáng, cuốc bộ sáu bảy cây số. Lại phải qua đò, vượt sông sang Tiên Lãng, huyện cách Vĩnh Bảo một con sông khá rộng.
Có tới năm trời, khi nhịn đói, khi vét vội bát cơm nguội “cầm lòng” rồi vội mải ra đi. Hôm mưa bão. Hôm con nước dâng đầy. Hôm gặp đò. Hôm nhỡ. Để kịp giờ, Thạch phải nhiều lần trút quần áo, sách vở đội lên đầu. Thạch quen sông nước và bơi giỏi. Anh bơi bằng hai chân, vượt qua đò Thiết Tranh đến lớp.
Nhưng rồi, hoàn cảnh kinh tế và nhiều khó khăn khác không gắng được, Tô Ngọc Thạch phải “bỏ cuộc”, quay về học trường làng.
“Trời !… Năm tháng. Quê hương. Đời mình. Rồi cái nghèo, cái khó” là thế!… Đấy là lời “tự thán” đã găm sâu và sớm vang lên trong lòng Tô Ngọc Thạch, cậu học trò vừa đầy mười bốn tuổi. Một vật cản, nhưng chính nó lại làm nên động lực bắt buộc Thạch “phải tự cứu lấy mình”.
Thi đỗ cấp Ba. Vào đại học. Thạch trở thành người lính khi chiến tranh đang dồn căng và vang lên tiếng gọi trên đất nước. “Xếp bút nghiên theo việc đao binh”, chàng sinh viên năm đầu từ giã mái trường khoác lên mình áo lính. Thạch trở thành pháo thủ số một pháo mặt đất của một đơn vị đang huấn luyện cấp tốc để kịp bổ sung cho chiến trường vào Nam đánh giặc.
Bây giờ với Thạch, tất cả chỉ còn là phía trước. Đêm ngày hành quân và luyện tập. Đồng bằng, rừng núi và tất cả địa hình. Nòng pháo đè trên vai trên ba mươi cân. Thạch cao mét sáu. Người bốn ba cân nặng. Đường tiến công đã đưa Thạch từ mái trường đại học nhập vào đội quân trùng điệp, vượt qua những trận đánh dọc đường. Những đợt bom ngút trời trước mặt.
Thế rồi, một ngày, Thạch đã vượt sông Thạch Hãn, đứng giữa trận tiền. Giữa cuộc chiến long trời lở đất ở thành cổ Quảng Trị lịch sử, Thạch trực tiếp tham gia chiến đấu, góp niềm tự hào cùng đồng đội vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và, tại đây, Tô Ngọc Thạch bị trọng thương.
Nối vào đời lính, sau đấy, Tô Ngọc Thạch có dịp trở lại trang sách, say mê nơi “cửa Khổng, sân Trình”. Có tới hàng chục năm trời dài dặc, trên nước Nga - Xô viết, Tô Ngọc Thạch có niềm vui, niềm vinh dự được đi về, gắn bó như đất mẹ, như quê hương thân thiết của mình. Khi là nghiên cứu sinh đi học tập, đào tạo khoa chế tạo máy. Khi nghiên cứu Phó tiến sĩ, tiến sĩ một chuyên ngành khoa học vốn đã được đào tạo và trải nghiệm qua thực tiễn nhiều năm. Khi đằm mình suốt tháng ngày với tuyết trắng vùng Xibia lạnh giá. Khi dong duổi đến cạn mòn những mùa thu vàng ở xứ sở bạch dương…
Bây giờ thì dấu chân Tô Ngọc Thạch đã trải dài tới năm châu, bốn biển. Ý thức cho lối mở “đường đời” hay mỗi con người đi trên “cõi thế” này cũng có tuần, có vận ? Ai biết, một thời trẻ, đánh giặc xong rồi, Tô Ngọc Thạch vẫn bám chặt cái nghĩ : “Mình nghèo”. Anh quan tâm đến bước chân thứ nhất. Anh gắng sức xây dựng cho mình nhất định phải có được cái gốc, cái nền của “đời sống” nào đó, đặng làm cơ sở, đòn bẩy cho những gì là “thăng hoa” được cất cánh bay lên. Bởi vậy, một thời Tô Ngọc Thạch đã nổi tiếng với bạn bè nước ngoài niềm say mê tìm kiếm, chế tạo các loại máy nhằm phục vụ đời sống nhân sinh. Từ trí tuệ, nghị lực, từ lưng vốn tích góp, từ “bạch thủ thành gia”, “cậu bé mò cua, bắt ốc” làng Nội Tạ thuở nào đã trở thành “ông chủ” với cơ sở sản xuất khiêm tốn, đủ dắt díu anh em, họ hàng, bè bạn nuôi nhau qua tháng năm bươn trải.
Có được bước song hành đều đặn, nhiều bạn bè quý yêu và “phục” tiến sĩ, nhà thơ Tô Ngọc Thạch ở hai “cuộc chiến” đều cần tới sức bật nằm trong một “sức lực gánh vác”. Bao năm rồi, Tô Ngọc Thạch vẫn lo chế tạo máy. Điều hành sản xuất. Sáng tác thơ. Rồi, dịch những áng văn học Nga nữa. Mãi năm 1998, lần đầu tiên, Tô Ngọc Thạch mới tập hợp cho in tập thơ “Gọi đò” ở Nhà xuất bản Lao động. Mặc dù, trước đó, Tô Ngọc Thạch đã “ứng thí” và “đoạt” giải đầu cuộc thi sáng tác văn học do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (trước đây) và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Cái duyên văn chương hay con đường văn nghiệp có quy luật riêng của nó. Khó có thể đổ lỗi cho tháng năm, cho những khi “người đóng vai trò chủ thể” đang mải mê, bận hoặc say đắm “ngả nào”. Nhiều lúc “đầy” thời gian, lại nhàn tản thế kia, có khi vò nát óc lại chẳng có một chữ. Người sáng tác văn học chẳng khác gì người săn tìm, khai thác quặng. Cuốc mãi. Đào mãi. Khi nhát cuốc chạm vào đúng vỉa. Lại đúng “thời” của nhịp rung, nhịp phát sáng. Nhịp dạt dào của đất trời, của hồn người, của “quỷ”, của thánh thần “nhập vào” và xui khiến…Lúc ấy, nó cứ tuôn, cứ chảy. Tiếp tục đến lúc nào? Chả biết ! Cản ngăn ư, đâu phải chuyện dễ nào. Văn chương, “nó” tự nguyện, tự thân là thế.
Nhưng thôi. Văn chương cũng kể gì sớm muộn. Chỉ biết, Tô Ngọc Thạch đã “ủ ngọn lửa thơ” trong con tim say đắm của mình tới mấy chục năm ròng, để rồi, khi dòng chảy đã dồn vào “mắt bão” thì “một chàng tiến sĩ”, với “một chàng thi sĩ họ Tô”, quê Trạng Trình đất Vĩnh Bảo, Hải Phòng này đã có hai cánh bay vi vút. Bây giờ, Tô Ngọc Thạch được đi nhiều, hiểu nhiều. Có “đại giác” để có cơ sở “đại mộng” đấy, vấn đề là nhào luyện thế nào để có thơ, là thơ, kết đọng được sức rung của con tim và chiều sâu của tư duy, trí tuệ ?
Như lẽ thường của nhiều người cầm bút, Tô Ngọc Thạch có một chặng đường thơ nghiêng về ngoại giới. Thơ bề bộn, tươi non ở nét vẽ bên ngoài. Thơ ôm trùm “cái Ta”. Thơ khuất mờ hoặc né tránh “cái Tôi” với một tầng chìm sâu của nỗi niềm, thân phận. Thơ “nhật trình”. Thơ hát lên bằng giọng chung, lẫn nhoà của một dàn đồng ca dễ gặp.
Với Tô Ngọc Thạch, sáng tác thơ của anh được nhìn rõ và khởi sắc từ tập thơ : (thứ ba) “Bước nắng”.
Khung trời mới mẻ này được in đậm từ bài thơ mang tên “Sông Hóa”. Đây là ý thức “mở” trong cánh cửa thơ anh. Từ ký ức t­ươi non, trong trẻo nhất của đời ngư­ời cầm bút, Tô Ngọc Thạch đã tạo được cái đồng vọng trong câu thơ đồng hiện thế này:
Vịn giấc mơ, lần bờ thời gian tìm về sông Hóa
Câu đồng dao chằng tôi vào quá khứ
Phù sa nồng thơm tuổi học trò.
(Sông Hóa)
Vẫn giữ được hồn vía của kẻ dễ yêu say, Tô Ngọc Thạch hăm hở bước giữa cuộc đời vừa đi vừa hát, tiếng hát đôi khi cầu kỳ mà điệu đàng nữa. Chúng ta hãy nghe nhà thơ tâm tình, bộc bạch :
Tôi dắt gió hoang m­ưa dại
Lênh đênh trên con tàu ký ức
Vượt trùng d­ương về phía bến Mơ
Rồi:
Phím thời gian
Khoác tấm áo phong phanh
Gõ vào câu ca đồng nội
(Phím thời gian)
Lấy cái duyên từ nghệ thuật ứng xử ngôn từ, Tô Ngọc Thạch cứ hát lên nh­ư thế để ngắm nhìn thế sự, sẻ chia buồn vui với năm tháng, cuộc đời. Bao trang thơ ngổn ngang như­ những trang ký sự. Đây là những đối diện, những va đập để ng­ười viết tái tạo nỗi nhọc nhằn của những cuộc mưu sinh nhân thế:
Đời doanh nghiệp thuyền lênh đênh trên biển
N­ước xanh ngằn ngặt một màu
Bụi thời gian bạc trắng lo âu
(Gió thị trư­ờng)
Hoặc:
Có kẻ cược cả hệ mặt trời         
Để kiếm tìm cuộc sống xa hoa
Có kẻ c­ược dải Ngân Hà
Cược trái đất vào ván bài đang khát
(Casino)
Ở dạng thơ này, Tô Ngọc Thạch có hàng loạt bài: “Gió thị trư­ờng, Góc Sở Khanh, Bản nháp Quảng Châu, Sô diễn ở Pattaya, V­ườn đêm, Lời ru xa xứ, Tổ khúc Xibia...” thật ngồn ngộn thi liệu. Thơ ở đây ngỡ nh­ư đư­ợc lật đào từ mỏ lộ thiên, giàu có của hồn anh. Có điều, cái đáng quí nhất là, sau tất cả sự khám phá, Tô Ngọc Thạch đã khám phá đư­ợc chính mình ở cảm xúc, ở khả năng liên t­ưởng, ở hình ảnh hình tư­ợng thơ, ở cái đọng lại trong chiều sâu phát hiện của tâm hồn thi sĩ:
Khoảng trời em m­ưa
Làm anh ư­ớt áo
Từ thuở xa x­ưa
Đến giờ chư­a ráo
(Khoảng trời)
Hoặc nhà thơ chính là “Mảnh trăng gầy”, là kẻ đa tình này trên dòng sông cuộc đời - Khát vọng.
Em thả bùa mê dọc triền ph­ương Bắc
Bên bờ Nam lấp loáng mảnh trăng gầy
Anh quăng l­ưới vớt mảnh tình trong vắt
Đến mỏi mòn tình vẫn trắng tay
(Đôi bờ sông Cấm)
Bên cạnh sự bộc lộ khả năng một tâm hồn thi sĩ, ở những bài “Nhịp trống hội làng, Casinô và tiêu biểu là Tổ khúc Xibia”… Tô Ngọc Thạch còn đ­ưa thơ hư­ớng về văn xuôi để có mạch thơ mở, quyện, có sức chứa và vang. Thơ không những là hoa, quyến rũ ở dáng ngọt mềm, đắm đuối. Nó còn là thứ hoa “Rắn” trong v­ườn hoa mang dáng vẻ muôn màu.
Ở “Bư­ớc nắng”, thơ Tô Ngọc Thạch ngợp đầy hình ảnh. Mạch thơ phóng túng, có cường độ chuyển tải những sự kiện xô bồ của đời sống thực tại. Tô Ngọc Thạch th­ường dùng lối bỏ lửng, làm ảo đi ở cái đế khép mở, tạo vệt loang với ng­ười đọc. Đây là nghệ thuật kết cấu đậm mờ ở chi tiết thơ, ở tứ thơ, ở hai chiều âm d­ương, tối sáng nhằm tới được hiệu quả trang viết…
Năm 2006, Tô Ngọc Thạch trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cuối năm 2007, anh tiếp tục trình làng tập thơ mới, thứ tư: “Biên bản thời gian”.
Ở chặng đường chuyển tiếp này, theo nguồn mở từ “Bước nắng”, nhà thơ đi giữa càn khôn, giữa ba dòng Thiên - Địa - Nhân không ngừng biến cải. Và, vẫn là điều Tô Ngọc Thạch hằng quan tâm là cuộc đời, nhân thế. Từ một “Bóng cô đơn” đến “Cảm tạ nỗi buồn” hay “Cha về cõi khác”. Rồi, “Ký ức thời gian”, “Bóng chiều”, “Một trăm ngày mẹ” .v.v… Trong mối liên hệ không thể tách rời, dường như trái tim nhà thơ không đứng ngoài những vọng vang, day trở.
Đây là trạng thái thật chông chênh của cái Tôi, của Tô Ngọc Thạch trước những bước lội tìm để thơ anh có được sự tựa nhờ ở phía nào từ ngoại giới đem đến.
Chiều cạn dần, mình đi ra khỏi mình về phía hoàng hôn
Thân xác trong áo quần, cũ dần cùng năm tháng
Ngụm nước nhạt trong miệng mình mê sảng
Trôi xuống ruột gan tìm chỗ vắng tâm tư
(Bóng cô đơn)
Hoặc, đây là “tự thức” vụt loé khi vạn vật quanh bản thân đã tách bóc khỏi mình để chỉ còn sự dội vang của độc thoại. Cái có ở đây là chiều sâu của ngẫm ngợi, suy tư:
Chợ Gừng bán những bồi hồi
Lỡ phiên, tôi dắt bóng tôi vào chiều
(Chợ Gừng)
Hoặc, vẫn là độc thoại như thế ở cái kết của một bài thơ khác:
Cái hôm em về nhà người
Lửa nung bốn phía tôi ngồi hoá vôi
(Em về nhà người)
Sau bốn tập thơ đã xuất bản, có thể xem “Biên bản thời gian” là “lát cắt” ở lộ trình thơ Tô Ngọc Thạch. Ở hai chiều của “lát cắt”, một phía gặp là hồn thơ phát sáng qua va đập mà người đọc thấy được cái âm hưởng đa thanh, cái run rẩy trước những gì ở một phía ngoài mình. Cái “cớ” cho hồn thơ chắp cánh và loang thấm.
Tôi chèo thuyền vớt bóng mình hẫng hụt, nâng nỗi buồn bợt bạt canh khuya
Để rồi:
Bỗng nhân lên tháng năm sinh nở
Đấy là tiếng lòng nhà thơ nói với chính mình trong bài thơ “Rỗng đêm
Mà, là “Rỗng đêm” hay lại chính là những đêm ngập tràn, đầy nặng nỗi niềm? Vần thơ đẻ ra từ cội nguồn giàu có ở sức cảm. Đây là điều trời phú cho nhà thơ cái phong lưu, dào dạt để có thể đi dài, đi xa mà không dễ rơi vào dốc mòn, cạn kiệt.
“Biên bản thời gian” vẫn là mạch nối dễ nhìn rõ cái bộn bề của Tô Ngọc Thạch. Nghĩ để gợi. Kể để gợi và mô tả trước những đối diện để gợi. Có lúc, thơ Tô Ngọc Thạch văng hơi xa, nó cộm lên ở nét vẽ từ cái nhìn, cái gặp. Ví như:
Buồn xưa kéo lệch thời gian
Cô đơn rưng rưng
Giấc ngủ mỏng tang
Chiêm bao mảnh khảnh
Ta tha nhân hà hơi bàn tay lạnh (Bóng cô đơn)
Hay:
Bạn dệt những câu thơ thành tấm áo làng chèo
Khâu tứ thơ vào đường viền lóng lánh
Xâu con chữ theo đường kim dọc dài năm tháng
Lợp mây nhạt ban chiều vào căn nhà ký ức phôi phai (Vườn địa đàng)
Với “Biên bản thời gian” điều đáng quý ở một phía cái nhìn. Đó là bên này của lát cắt (Mọi lát cắt đều nhìn rõ hai chiều tiếp nối với mạch đi mới mẻ của nó). Và Tô Ngọc Thạch ở đây là ý thức chọn lựa cho mạch xẻ mở ra và vươn tới “cái file” là anh. Nó không nhoà lẫn trong sắc màu của “cánh đồng thơ” thật muôn hình, vạn dạng.
Thơ Tô Ngọc Thạch không dữ dằn, xa lạ. Cái riêng chăng ở anh là giọng điệu. Là mạch thơ phóng túng, bộn bề. Là ngôn từ đứng bên nhau tạo thành cách cảm, cách tái tạo, sáng tạo của người viết.
Tô Ngọc Thạch từng công phu tạo chữ (chữ là tự). Thơ cần những “nhãn tự” diệu huyền, lấp lánh. “Mắt tự” ở ý, ở hình, ở tình và ở cái nền, cái gốc rất lớn là Tâm. “Tự” mang hình cho người ta thấy, mang ý cho người ta nghĩ, mang tình cho người ta cảm rung, hòa nhập, hoà đồng rồi tự nguyện chôn sâu vào góc nhớ con tim. Khi tránh được sự thiếu hụt của một trong những yếu tố hệ trọng ấy, thơ Tô Ngọc Thạch có được cái cá thể hoá nó ám ảnh và lay động. Đây là câu thơ hay trong bài “Thơ vớt ra từ chiếc gầu tát nước”:
Người đàn bà vấn lại giấc mơ, gồng mình vét từng giọt nước
Chị múc mặt trời hoà với mặt trăng, chắt bòn từ phong ba bão táp
Múc cả bóng mình hiu hắt tưới cho cánh đồng xanh lại quê hương
Hoặc, ở câu thơ lục bát trong bài “Mình tôi”:
Gọi bốn phương, gọi ngày xưa
Ai vâng trong dạ, lạ chưa… là mình
Là một nhà khoa học, đi nhiều, lại đằm mình trong lao động để có những sản phẩm hữu ích cho ngành công nghiệp của miền đất quê hương. Trong cái khó của nghệ thuật tôi rèn để có được sự hài hoà nhuần nhuyễn ở giây phút kết tinh. Tô Ngọc Thạch có những vần thơ hay viết về cha mẹ, bạn bầu. Cái hay ở sự bùng nổ của ngôn ngữ, ở cái tâm, cái tình, ở cái thật của cảm xúc, ở hình ảnh thơ dung dị mà gần gũi. Đấy cũng chính là cái nền được Tô Ngọc Thạch chọn lựa và không ngừng cách tân trong hành trình hướng về phía chân trời xa rộng.
Đấy là thơ. Là Tô Ngọc Thạch với trang văn hiện diện. Trong cuộc sống đời thường, Tô Ngọc Thạch được bạn bầu quý yêu ở cái thẳng, cái bộc trực, không ve vuốt, lượn lờ. Tô Ngọc Thạch bang giao, lại tận tình chu đáo. Ở cửa ngõ của một vùng đất Cảng, nhiều nhà văn, bầu bạn thường lui đến thăm anh. Nhà thơ Quang Chuyền trong một chuyến từ Sài Gòn ra Bắc, còn cảm động, nhắc mãi. Dù mới quen, Thạch vẫn hết lòng vì bạn. Anh không quản đường xa, mưa tối, đưa Quang Chuyền về tận Hòn Gai tìm gặp bạn thân. Với Trọng Khánh, Hà Cừ, những bạn trai, kẻ Thái Bình, người Hải Dương… Thi thoảng nhớ nhau, anh lại “ới tôi” cùng lận lội tìm thăm. Là thi sĩ, Tô Ngọc Thạch có tác phong “công nghiệp”. Anh coi trọng chữ “Tín”. Tôi nhớ. Cách đây vài năm, trời đang mưa bão. Việc hẹn chẳng lớn lao, hệ trọng hay “nguy hiểm, chết người” gì. Vậy mà, không muốn để “thất tín”, Tô Ngọc Thạch một mực đốc tôi đội bão ra đi. Giữa đường, xe bị trôi giữa mênh mông nước. Tôi và Tô Ngọc Thạch ướt sũng cùng nhau lội bộ, đẩy xe tìm lên một dốc cao. Thạch tháo nước đầy ngợp trong xe rồi hì hục lau chùi, sửa chữa, tìm đường khác mới trở được về nhà.
Là người quản lý, trực tiếp tổ chức, chỉ đạo sản xuất ở một cơ sở, trước tập thể lớn, Tô Ngọc Thạch thường gương mẫu trong đời sống hằng ngày. Anh giữ gìn, chừng mực. Anh chịu khó tập luyện để sống khoẻ, làm việc và dâng hiến. Anh chăm lo đến việc hiếu, việc nghĩa. Anh coi trọng cái tình. Anh thường xuyên thăm hỏi người ốm, kẻ đau, giúp đỡ anh em khó khăn, vất vả…
Những năm gần đây, Tô Ngọc Thạch có dịp “xuất ngoại” nhiều. Anh đi châu Âu, châu Phi, châu Mỹ… Anh đi dự triển lãm, dự Hội chợ quốc tế. Thạch đi nhiều, bởi anh đang viết, đang muốn bổ sung và hoàn thành tập bút ký khá dày dặn, phong phú, sinh động về “thế giới với anh qua lộ trình, chiêm ngưỡng”. Thạch đi nhiều, bởi ở những chuyến đi, bạn bè, cộng sự thường nhớ anh, coi anh như “linh hồn” của niềm vui, sự sống. Thạch có nhiều chuyện vui, thơ vui, lại có những đóng góp sâu sắc, hữu ích cho công việc chuyên ngành.
Đấy cũng là “một đặc biệt”, hiếm chứ! Bởi, Tô Ngọc Thạch là thi nhân, lại là một doanh nhân nữa. Là niềm trân trọng, quý yêu của công chúng vốn có với nghệ sĩ, những con người giàu tâm hồn, trí tuệ.
Bạn bè biết, hy vọng và chờ đợi ở tập bút ký, ở trang văn sau bốn tập thơ đã được xuất bản của Tô Ngọc Thạch. Chúc Tô Ngọc Thạch ở một hướng tìm, hướng đổi khác có được thành công mới trên con đường lao động, sáng tạo nghệ thuật đầy gian khó và vinh quang.
Nhà thơ Kim Chuông

Nhà thơ Tô Ngọc Thạch
Sinh tại Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện sống và viết tại thành phố Hải phòng.
Đã in các tập thơ: Gọi đò, 1998; Giọt nhớ, 2000; Bước nắng, 2005; Biên bản thời gian, 2009.
Giải thưởng thơ: Đại sứ quán Liên Xô và Hội Nhà văn Việt Nam, 1987; Giải thơ viết về Bác Hồ do Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, 2005. Giải thơ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, 2010.  
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved