Home » » BẠC TÓC TRÊN MỘT DÒNG SÔNG NHỚ

BẠC TÓC TRÊN MỘT DÒNG SÔNG NHỚ

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 22:55

Người “Bạc tóc trên một dòng sông nhớ”
Nhà thơ, Hoạ sĩ Hà Cừ tuổi Kỷ Sửu (1949). Quê An Thổ, Tứ Kỳ, Hải Dương, cách Làng Thắng, Vĩnh Bảo, Hải Phòng quê tôi chỉ vài sải chèo qua một dòng sông Luộc. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từng đi bộ đội, dạy học. Là Phó Tổng Biên tập Báo Hải Hưng. Tổng Biên tập Báo Hải Dương từ 1988 đến 2009. Hiện sống và viết tại thành phố Hải Dương.
Mỗi lần nhớ và nghĩ về Hà Cừ, trong tôi lại vang lên câu thơ anh viết. “Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ”. Câu thơ sẽ chạm ngân. Ở phút “linh,” phút đồng hiện này, dung nhan Hà Cừ, một dáng vẻ dịu lành, yêu thương, nồng đượm “đến nỗi” nhiều lúc, tôi đùa, “gắt’ lên rằng, “Này, bạn ta! Sao lúc nào “nhà ngươi” cũng chỉ “màu trong xanh” thế hả?
Tôi có chung với Hà Cừ một mặt trời mọc lên từ bờ đê cỏ. Một ngọn gió thơm ngào ngạt hương đồng. Một cơn mưa bỗng chen về ngày nắng. Một đám mây gợi nhiều tâm trạng khi ngước trông bỗng gặp mặt cánh đồng với bao sắc màu đổi thay trước mùa màng, năm tháng…
Sự thống nhất giữa hiện thực xã hội của vùng đồng bằng với Hà Cừ, với nét riêng nơi sinh ra, lớn lên, tắm gội “miền thiên nhiên” ấy…dễ làm tôi mê anh ở cái “Có” đang lặn chìm và hiện diện trong tâm hồn “chàng thi sĩ” được trời phú cho sự ăn khớp giữa thơ và con-người-thơ như thế.
Gốc gác Hà Cừ ở Gia Khánh, Gia Lộc, Hải Dương. Dòng dõi Nho gia. Ông cụ thân sinh Hà Cừ là lương y nổi tiếng một vùng. Vốn thanh nhã, thông minh, lại mịn màng trong ngôn ngữ, cử chỉ, ngay từ buổi thiếu thời, Hà Cừ đã có sức “chinh phục”, chiếm được niềm yêu mến của đông đảo bạn bè.
Không lận đận trong gia cảnh khó nghèo. Nhưng dọc bờ sông Luộc, bến Quý Cao mênh mông lau lác, một thuở, Hà Cừ cũng nếm trải không ít nắng mưa. Những buổi quên mặt trời đuổi cáy, câu tôm trên bãi vắng. Những buổi chăn trâu, cắt cỏ nhìn ngọn gió chuyển mùa qua ráng chiều, qua bờ tre gốc rạ. Những buổi ngồi trong lớp nhìn bông lúa đỏ đuôi, hạt “ngậm nắng đồng”, ngả màu vàng thơm vào khuôn cửa sổ. Những đêm trăng chở lúa trên con đường làng gập ghềnh sống trâu, lênh loáng ánh vàng… Tất cả những gì nơi “hương đồng cỏ nội”, giàu chất thi vị này đã ngấm vào Hà Cừ, hình thành nên những dòng chữ ban đầu trong câu thơ chắp cánh, trong những cái gọi là ký thác của anh ở tâm tình chân mộc.
Năm 1966, Hà Cừ trở thành người lính sau hai người anh trai lần lượt lên đường đi vào chiến trận. Sau buổi rời mái trường là những ngày cuộc chiến tranh chống Mỹ đang từng giờ từng phút dồn căng và ác liệt, chàng lính trẻ Hà Cừ nhiều năm có chung niềm tự hào cùng đồng đội dốc lòng trong sự nghiệp đánh giặc cứu nước
Đi trong những ngày sôi động của dân tộc, những chấn động lớn lao của năm tháng, đời người… Ở một góc lặng xa của nhịp bước hối hả yêu tin trước lý tưởng một thời, Hà Cừ vẫn lặng thầm viết, cất dấu cho riêng mình những câu thơ “tự lấp đầy khoảng trống” nào đó, ở nhật trình, ở công việc, ở cảm rung, ở nghĩ suy và tình yêu tuổi trẻ.
Nối vào đời lính, những ngày sau đấy là Hà Cừ, một thầy giáo trẻ măng về dạy học ở trường làng. Rồi, từ duyên nợ với nghệ thuật, anh trở thành sinh viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tốt nghiệp, là một hoạ sĩ, Hà Cừ về công tác tại tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Ở đây, Hà Cừ làm đủ việc, từ họa sĩ trình bày makét đến phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, rồi Phó Tổng Biên tập. Tiếp đến hơn mười năm liền làm Tổng Biên tập với ba nhiệm kỳ liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương. “Cầm nắm” một cơ quan ngôn luận đứng đầu hàng tỉnh, nhìn cái dáng thư sinh ấy, nhiều bạn bè không khỏi ngạc nhiên, khi Hà Cừ vững vàng, chững chạc gánh dậy những tháng năm phát lộ, toả sáng ở một Toà Báo, được công chúng bạn đọc, bạn viết trong tỉnh và nhiều miền đất khác đem lòng tin yêu, quý trọng .
Điều dễ hiểu, Hà Cừ là Tổng Biên tập, lại là một Nhà báo, Họa sĩ, Nhà thơ. Với một tờ báo tỉnh, nhiều nơi khác nhìn về và nghĩ, có một Tổng Biên tập như anh thật hiếm, “thật lý tưởng”. Bởi, với cương vị đang có, anh là người tiêu biểu cho các phẩm chất, nhu cầu khá hệ trọng có được ở cơ quan báo chí, một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp rất nhạy cảm.
Nội lực là vậy. Cái “Có” trong Hà Cừ là vậy. Song, cái gốc làm nên niềm yêu thương, lắng đọng nơi con tim bạn bầu là cái Tâm, cái Đức và cái Tài của Hà Cừ với một lối đi riêng. Sống bên Hà Cừ, dường như không mấy ai và không mấy khi bắt gặp “chàng thư sinh” này nổi “cáu”. Nhiều người có chút địa vị, nhất là kẻ ngồi chiếu “hạng Ba, họ thường “gân” lên, lúc nào cũng chỉ dùng một thứ quyền để đe nẹt, quát tháo. Với Hà Cừ, khác hẳn. Vẻ khoan thai, lịch lãm, lúc nào Hà Cừ cũng đào sâu trí tuệ. Anh rủ rỉ, tâm tình. Anh nhẹ nhõm từng bước đi, cái nhìn, giọng nói. Anh giống như nhà hiền triết, luôn làm chủ được cơn giận dữ và đứng trên mọi sự vô tình, vô tâm hoặc sự thấp đuối nào khác. Cừ sợ những người xung quanh, nhất là những bạn bầu yêu dấu ở phút chạnh buồn hoặc hiểu lầm, làm mất đi cái không khí trong lành, ấm áp. Thực tế, ai gặp Cừ cũng đem lòng cảm mến. Ở Cừ, người tiếp xúc không gợn lên chút nghi ngờ, xa lạ. Họ thấy anh chân tình, gần gũi, tự toả lan sức hút mát lành. Vậy mà, ở vị trí gánh vác, một công việc phức tạp của mặt trận báo chí - mặt trận tư tưởng, văn hóa của một thời đổi mới đang khoác lên đôi vai, người ngỡ như chỉ có ở lòng mình dòng khơi độc đạo là “vương đạo” một lối ứng xử “là tình”…
Hơn mười năm phụ trách tờ báo, Hà Cừ tập hợp, đoàn kết được anh em cơ quan trong nút buộc đẹp đẽ, chặt bền. Tờ báo vững, hay ở các vấn đề được đề cập. Các chuyên mục được tổ chức, kết cấu sinh động, phong phú, vừa chính trị, vừa khoa học và nghệ thuật. Bên giá trị phản ánh là giá trị phát hiện. Là chất lượng có được từ nhiều phía đã nâng dậy tầm vóc một tờ báo của một vùng địa linh nhân kiệt.
Cứ nhìn bạn viết từ khắp miền đất nước tìm đến tờ báo, tìm đến Hà Cừ ở những cuộc gặp mặt được tổ chức hằng năm, đủ thấy, chưa dễ gì nơi nào có được. Từ Hà Nội, Sài gòn, Nghệ An, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Phú Thọ… nhiều cây bút được nhiều thế hệ bạn đọc ngưỡng mộ đều quy tụ, có mặt ở tờ báo chững chạc này.
Không bó khuôn trong “địa phương” nhỏ hẹp. Quan niệm “mở” của Hà Cừ trong ngôn luận, đăng tải biểu hiện mối bang giao, biểu hiện cái “tầm” người cầm cân nảy mực ở cái nhìn, cái nghĩ. Bởi vậy, Hà Cừ luôn được sự quan tâm cộng tác, giúp đỡ của nhiều thế mạnh hỗ trợ. Nhiều người thích “chơi” với Hà Cừ và tìm đến anh. Bằng cái tài, cái tình của mình, Hà Cừ quy tụ được nhiều gương mặt, nhiều “cây đa, cây đề” trong làng văn, làng báo cả nước. Từ nhà văn Học Phi, Đào Vũ, Phạm Ngọc Cảnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hoa, Nguyễn Trọng Tạo, Y Phương, Lê Đình Cánh, Tô Đức Chiêu, Dương Trọng Dật, giáo sư viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, giáo sư Văn Tạo… đến nhiều nhà báo, nhiều văn nghệ sĩ khác. Phòng Hà Cừ thường đầy tiếng cười vui và ý nghĩa của những cuộc gặp.
Người gặp Hà Cừ, lúc nào cũng thấy anh toan lo, bận mải. Nào báo ngày, báo tuần, báo tháng. Cừ là người cẩn trọng, tận tuỵ. Bởi lẽ đó, hiếm thấy Cừ có được kẽ hở, những giây phút thư thái. Ấy vậy mà, thi thoảng, Cừ lại “ới” anh em tìm gặp nhau để thăm nom, “nhắc nhớ”. Cừ có tài động viên, cổ vũ, kết nối mọi người, giữ bền chặt mối quan hệ bạn bè. Có người đề cao, “phong” cho Cừ là “Tống Công Minh”, người đứng đầu những “anh hùng” chốn “Lương Sơn Bạc”.
Đâu phải khi đương quyền, đương chức, lên xuống có xe đón xe đưa. Vừa về nghỉ ít ngày, nhớ bạn, Cừ đã khoác túi vải, bắt xe ôm, nhảy về Hải Phòng, Thái Bình… thăm bạn đời, bạn viết.
Với anh em cơ quan, với bạn bè, người yêu Hà Cừ thật nhiều. Người “không ưa” cũng có. Tránh sao khỏi ở người nhiều năm giữ vai trò là một người “lãnh đạo”. Đó cũng là chuyện thường tình. Nhưng có lẽ, lúc nào người ta cũng chỉ thấy một Hà Cừ trong ứng xử nhẹ nhàng, tinh tế mà thôi !
Mấy chục năm làm báo, trong thành tựu chung, phải nói, Hà Cừ có công tạo “đất,” tạo “mùa màng” cho khá đông cây bút trong và ngoài tỉnh được gieo cấy, thử thách và trưởng thành trên trang báo của mình. Hà Cừ quan tâm chăm lo nhiều tới những người viết có khả năng, tâm huyết. Tôi nhớ, ngày đang phụ trách Tổng Biên tập tờ Văn nghệ Thái Bình, Báo của cơ quan tỉnh Đảng bộ Thái Bình cũng thuê tôi thường xuyên lo giúp trang văn nghệ. Tôi thường nhận được những bài viết tay của Hà Cừ của nhiều tác giả với những bức thư đọc “dễ xiêu” lòng. Cừ giới thiệu với tôi và nhờ tôi đăng tải. Cứ ngỡ, anh em ruột thịt gì mà Cừ tận tình “hết cỡ”. Ai dè, đấy là những người viết mà Cừ quý. Họ viết hay, viết nhiều, gửi nhiều, lại đang chịu nhiều gian nan trong cuộc sống thường nhật. Từ đó, tôi trọng Cừ, thêm trọng và thêm yêu những bạn viết mà Cừ chăm chút.
Một kỷ niệm với Vũ Thành Chung, nhà thơ. Tôi còn nhớ, mới ngày nào từ nước Nga về, tôi dẫn Chung gặp Hà Cừ. Từ bấy, Chung quay lại với mối tình văn chương thuở xa quên nguội. Vũ Thành Chung được Hà Cừ “đốt lửa”. Chung viết được nhiều. Hà Cừ cũng luôn giành cho Chung sự xuất hiện đậm. Trước nguồn khơi quý báu, nhiều khi có ý nghĩa thật lớn với cuộc đời người viết. Từ cảm hứng gọi dậy cảm hứng. Từ trang thơ nối đến trang thơ. Và, cuối cùng, từ thành công đã đắp dầy thành công và khẳng định một bến bờ neo đậu. Bây giờ, Vũ Thành Chung là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng với Vũ Thành Chung, Tô Ngọc Thạch, Trường Giang, Cao Năm, Hoài Khánh… Nhiều cây bút ở lĩnh vực khác nhau như: tranh, ảnh, âm nhạc, báo chí… Với Hà Cừ, là bạn. Là hạt nhỏ phù sa đã góp vào sắc hương nơi lặng thầm bến bãi.
Đời thật công bằng, có giá. Trong quan hệ nhân quả, Hà Cừ sống tốt với nhiều người. Nhiều người cũng đối với Hà Cừ thật tốt. Chỉ riêng chuyện vào Hội nhà văn! Hà Cừ xứng đáng và mong muốn chứ. Đấy là một Hội sang trọng. Hội của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà. Nhưng, khá nhiều năm, nhiều bạn bè đang theo dõi phụ trách công việc sáng tác và việc kết nạp hội viên của Hội. Anh em bảo Cừ viết đơn. Cừ ngại ngần, khiêm tốn. Cừ im lặng nghe xung quanh. Im lặng nghe mình, chờ đợi mình. Thật sốt ruột cho anh chàng cứ ngồi “ôm” cái kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Rốt cuộc, hai nhà thơ Y Phương, rồi Kim Chuông phải tự tay viết đơn, đứng tên nhà văn chính thức giới thiệu rồi gửi về cho Nguyễn Hoa, Ban công tác Hội viên Hội Nhà văn. Dĩ nhiên, nhiều người đã đọc thơ Hà Cừ và hiểu Hà Cừ.
Hà Cừ trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ của đất nước.
Với gần bốn chục năm cầm bút. Từ “Gió chân mây” đến “Thăm thẳm cõi người”. Từ kỹ càng chọn lựa, không ồ ạt, phô trương. Từ in chung đến in riêng, Hà Cừ đã có năm tập thơ lần lượt trình làng. Hiện nay, anh đang chuẩn bị trình làng tiếp tập mới “Dấu chân trong cỏ”. Anh cũng đang tích cực chọn lựa cho tập thơ viết về mùa thu - một chủ đề luôn ám ảnh, làm Hà Cừ say đắm.
Nhìn chung, thơ Hà Cừ là sức rung của tâm hồn thi sĩ. Là nguồn chảy giàu có, dồi dào của cái cảm, cái nhìn, cái nghĩ. Là vệt loang da diết, đượm nồng của nỗi quặn lòng, se thắt trước thế giới nhân sinh.
“Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ”.
Nói về Hà Cừ và thơ, chỉ đọc lên câu thơ ấy, anh viết. Vậy là đủ. Một Hà Cừ hiện lên tất cả dáng vẻ, tâm tình. Một con người của vũ trụ yêu thương, gày hao và đặn đầy nhân ái. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo gọi Hà Cừ là thi sĩ của mùa thu. Quả tình, những bài viết về mùa thu, tâm hồn Cừ nghe lảng bảng, xác xao một nỗi buồn thẳm xa, man mác. Cái đa cảm, đa tình, đa buồn thương, đa hệ luỵ… khẳng định rằng, Hà Cừ và thơ là bào thai luôn quẫy đạp. Nó sinh sôi, tuôn chảy trong cái nguồn dạt dào, không khi nào chịu cạn khô, ngưng nghỉ.
Từ “gió chân mây”, “Những nẻo đường thơ”, “Thơ những ngày xa”, hay “Dòng sông năm tháng”… Ở những tập thơ này, thơ Hà Cừ là tiếng nói thầm sâu, da thiết. Là cái đối diện trước bao nhiêu ngổn ngang ở một phía cuộc đời. Nhưng đối diện, tiếp cận thật gần, thật sâu cái “nhỡn tiền chi sự” đấy. Nhưng Hà Cừ lại luôn tách mình, đẩy mình về quãng xa để chỉ còn lại riêng mình với tiếng lòng dội vang trong suy tư, cảm nhận.
Thơ Hà Cừ lấy mạch ngầm làm nét đậm. Cái ngoài ta, cái thuộc về thế giới bề mặt hiện diện qua mô tả, phản ánh đều bám vào gốc rễ của nhu cầu từ cái bên trong. Dùng nội lực để đánh thức và khơi sâu chính nó là hướng tìm thấy được sự quan tâm, một ý thức nhen nhóm ở hồn thơ, ở câu thơ anh viết.
Sinh ra, lớn lên, gắn bó với một vùng đồng bằng, giữa hai đầu cảnh quê và tình quê, thơ Hà Cừ tươi xanh, đằm thắm của tâm hồn người quê vốn trong lành, hiền hậu. Thơ như cô gái dịu dàng, thơ mộng. Hà Cừ có những câu thơ tinh tế trong cảm xúc trước cái nghe, cái nghĩ nơi biến cải dòng đời:
 Không phải là hè, chưa hẳn đã là thu
 Sao trời đất cũng dùng dằng lạ thế
 Chỉ một chút mà lòng như sóng bể
 Giữa không gian xao xác gió sang mùa
 (Thơ những ngày xa)
Rồi, vẫn hình ảnh “Lời mẹ xưa” với “Cỏ biếc bờ đê”… từ nét tĩnh tại này, Hà Cừ đã tìm lấy cái động, cái vang ở chiều sâu từ phía lòng mình:
Hai mươi năm cỏ vẫn biếc bờ đê
Lòng thương nhớ cứ dào lên như sóng
Lời mẹ xưa chiều nay như tiếng vọng
Gọi ta về
Ngày ấy
Một chiều mưa
(Điệp khúc thời gian)
Là một Tổng Biên tập, sau bao nhiêu bận mải của công việc hằng ngày, với thơ, Hà Cừ vẫn say sưa, lặng lẽ viết. Là nhà thơ, hoạ sĩ, Hà Cừ mê những đường nét tạo hình, chấm phá. Nhưng làm thế nào để những sắc màu, hình khối thực này có được nét vẽ ảo đi ? Để ảo đấy, mong manh đấy mà thơ lại gợi về cái đậm, cái ấn tượng mang vệt loang, sức thấm nhiều chiều. Cùng với cái tinh tế của cảm xúc tâm hồn, người đọc nhớ thơ Hà Cừ ở bài “Chợ quê” với nét “điển hình” trong câu thơ tả thực:
Chợ quê con tép cũng gầy
Con cua con cá dính đầy bùn tươi
Hay nét quan sát dội lên từ ký ức trong nỗi nhớ thôn làng:
Vầng trăng đầu tháng xanh trong
Nhịp chày giã cốm lượn vòng bờ tre
(Ngày xưa hương cốm)
Hoặc:
Thanh minh trời ẩm ướt hạt mưa
Đường lầy lội cỏ bờ xanh như khói
Xanh như thể nỗi niềm tiếc nuối
Những ngày xa vĩnh viễn chẳng quay về
(Làng quê chiều thanh minh)
Thơ Hà Cừ đằm thắm. Chất trữ tình là nền tảng cho cảm xúc, cho mọi khả năng liên tưởng và sáng tạo. Có lẽ, từ cách cảm, cách nghĩ của Hà Cừ, ở “Dòng sông năm tháng”, một cái “linh” nào đấy cứ loé lên trong khoảng tối lặng thầm. Dẫu độ đậm, độ dày của trang viết chưa đủ sức làm sáng lên thi pháp “duy linh”. Nhưng, một chút gợi, chút day trở lấp lánh cái “linh” này mà ngườì đọc thấy được trong câu chữ, ảnh hình từ sức cảm phát lộ.
 Anh lặng thầm nghe từng chiếc lá rơi
 Nghe rõ cả trái tim mình thổn thức
 Dù vẫn biết chẳng thể nào giữ được
 Sợi nắng vàng như lụa giữa lòng tay
Hoặc, khi cái cảm gợi về:
 Có một chiều gió thổi trắng chân mây
 Bờ đê rộng, cánh đồng lên xanh thẳm
Thì cái “linh” loé lên ở hai phía giao hoà :
 Vừng trăng non, vừng trăng non bỏ ngỏ
 Lấp lánh bên trời, lấp lánh trong anh
 (Có một chiều)
Hoặc “cảm” và “linh” nằm trong nhau được đánh thức ở câu thơ lục bát :
 Nén nhang tôi thắp lòng thành
 Ấp iu sợi khói bóng hình thi nhân
 Nghe như nhè nhẹ bước chân
 Nhìn ra chỉ thấy trắng ngần mưa bay
 (Thiện Vịnh chiều nay)
Từ cái cảm, cái linh ở tâm hồn có độ rung như thế, Hà Cừ muốn tìm được cái lý, cái chiều sâu ở suy tư, phát hiện. Ở “Dòng sông năm tháng”, những bài thuộc dạng thơ triết luận, Hà Cừ bộc lộ mình ở một sức thuyết phục trước những câu thơ, hình ảnh thơ thật khái quát :
Sông dài đo được đáy
Biển rộng tưởng vô cùng
Ta vẫn còn đo được
Nhưng lòng người thì không
(Đo)
Hoặc:
Bao lá khác khi rụng thành cát bụi
Riêng sống đời rụng xuống hoá mầm xanh
(Lá sống đời)
Năm 2008, “Thăm thẳm cõi người” là tập thơ thứ năm, Hà Cừ tiếp tục tìm mình trên chặng đường chuyển tiếp.
Ở “Thăm thẳm cõi người”, thơ Hà Cừ ngắn, đọng. Một giọng trầm, ngỡ người viết “tỉnh” nhiều trong cái nghĩ, cái chiêm nghiệm của tháng năm, tuổi tác với rất nhiều thấm trải.
Cái có lý. Cái không lạ với quy luật thơ, quy luật đời ngưòi là vậy. Thơ Hà Cừ gạt đi phần ngắm nghía, bề bộn. Thơ đi thẳng vào cái lõi của hiện tượng, sự vật. Thơ mang chiều sâu. Thơ đánh thức con tim “thêm những lần mở mắt”. Thơ là tiếng vọng vang nỗi niềm với nỗi trở trăn cõi nhân tình, thế thái. Và, chúng ta hãy đọc những câu trong “Thu khúc” thế này:
 Nắng thu
 Mắt lá đọng đầy
 Nghe lòng vời vợi
 Biệt ngày em xa
 Còn gì
 Trong cõi riêng ta
 Còn gì
 Trong cõi bao la
 Tháng ngày…!
Hoặc, trong “Sóng giữa lòng tay”
 Rợn mình đã ngoại mấy mươi
 Chiều thu nắng quái, nét cười chân chim
 Ngửa tay con sóng nổi chìm
 Hư vô năm tháng còn in cõi người.
Hoặc, trong “Lời bào chữa cho hoa hồng”:
 Người ta nói :
 “Hoa hồng có gai”
 Oan cho hoa biết mấy !
 Từng đoá nhung vô tư
 Nở hết mình đến vậy
 Gai chỉ ở thân cành
 Hoa có gai đâu ?
Vâng. “Gai chỉ ở thân cành”, ở chính mình gánh chịu. Còn là hoa, thì: mịn màng nhung! Rực rỡ đến dường nào. Vâng. Hoa đấy hay Hà Cừ đấy. Thơ Hà Cừ là tất cả “cái có” từ nguồn chảy xa lắc, nơi đất quê An Thổ, Tứ kỳ. Nơi ông cụ thân sinh ra anh là nhà nho, một lương y giàu lòng cao đẹp và yêu mến văn chương. Nơi bà mẹ hiền hậu, trong câu chuyện thường ngày hay ví von bằng ca dao tục ngữ. Nơi hai anh ruột Hà Cừ đều say mê nghệ thuật hội họa và văn chương, và mỗi người đều có những thành công trong lao động sáng tạo. Nơi Hà Cừ, với nội lực từ anh và phía này, trời phú cho anh…
Trong bạn bầu văn chương tôi lấy làm vui, đã yêu Cừ và viết tặng Hà Cừ hai bài thơ tâm đắc. Hai bài thơ kể sự, kể tình. Chất Hà Cừ hiện lên trong đặc điểm không lệch đi đâu được. Nhiều người từng gặp Cừ, sống, gắn bó với Cừ đều lấy làm lý thú. Tôi xin chép ra đây: 


BÀI THỨ NHẤT

Bạn quê An Thổ, Tứ Kỳ
Ta người Vĩnh Bảo có gì là xa
Con sông chảy giữa hai nhà
Ta mơ mộng lắm, bạn tha thiết nhiều

Ta đi tìm lấy nàng Kiều
Bạn nhờ mẹ nói hộ điều tương tư
Ta cùng dòng dõi thi thư
Cùng làm lính trận, cùng từ đất quê
Cùng mê thơ phú bề bề
Cùng run rẩy gặp trăng kề gió mây

Ta thành ông ngoại rồi đây
Bạn không trẻ nữa những ngày hiển vinh
Trời sinh mỗi đứa tính tình
Nhưng sao ta lại giống mình quá thôi
Bạn lành như hạt mưa rơi
Còn ta ai hẹn nửa lời là tin
Dấu làm sao được cái nhìn
Trời chưa động gió đã vin cành sầu
Ta thường lạnh lắm đêm sâu
Nhiều hôm thức dậy gọi bầu bạn ơi

Gặp nhau thoáng đã xa rồi
Đêm nay lại bóng ta ngồi với ta.

BÀI HAI

Hà là bạn của lòng ta
Nhưng sao ta giận thằng cha này nhiều
Đời còn đâu lắm Thuý Kiều
Nên ta đã gặp là theo đến cùng

Bạn ta ngập ngập, ngừng ngừng
Sợ cha , sợ mẹ, sợ vừng trăng xưa
Sợ câu mình lỡ nói đùa
Trời đang nắng thế bỗng mưa thì phiền
Tốt thì ai chả muốn khen
Nhưng ngàn sau, hỡi bạn hiền ta ơi

Nhiều khi trót lỡ lầm rồi
Ta trong xanh, khác hẳn hồi trong xanh

Bạn ta chẳng sống cho mình
Chút thương dành vợ, chút tình dành con
Lòng ơi, nhiều lúc héo mòn
Là khi bạn biết ta còn nỗi đau
Ta ôm cả đất trời sầu
Mà sao lòng bạn cao sâu hơn nhiều
Bạn ta bận sớm, bận chiều
Nhiều công việc hẹn, nhiều điều toan lo
Thôi thì ta cũng mừng cho
Một sông với một con đò bạn đi

Ta yêu bạn đến thế thì
Nên ta muốn bạn cái gì cũng ta.

Hải Phòng, ngày đầu Hạ, 2010
Nhà thơ Kim Chuông
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved