Home » » MỘT SỐ TRÀO LƯU TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI

MỘT SỐ TRÀO LƯU TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012 | 11:31

MỘT SỐ TRÀO LƯU TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI
CHƯƠNG IV

MỘT SỐ TRÀO LƯU TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI

Mục tiêu:

Sau khi học xong chương này anh/chị sẽ nắm được những nội dung cơ bản của một số trào lưu triết học phương Tây hiện đại, từ đó có những đánh giá khách quan tìm ra những hạt nhân hợp lý nhất định, đồng thời tìm ra những nhược điểm, những sai lầm do hạn chế về lập trường chính trị giai cấp, do thế giới quan duy tâm và phương pháp siêu hình của họ. Trên cơ sở đó một lần nữa chứng minh vai trò chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, triết học Mác-Lênin nói riêng trong thời đại ngày nay.

Nội dung:

1. Chủ nghĩa thực chứng

Chủ nghĩa thực chứng có ảnh hưởng lớn và lâu nhất trong các trường phái theo chủ nghĩa duy khoa học.

Các nhà triết học thực chứng cho rằng chỉ có các hiện tượng hoặc sự kiện, mới là “cái thực chứng”, do đó họ không thừa nhận bất cứ cái gì ngoài hiện tượng, không thừa nhận bản chất của sự vật. Theo họ, những “khoa học” nào mà không “thực chứng” được thì không phải là triết học. Từ đó, họ đi đến kết luận con người không cần tới triết học, vì triết học không phải là khoa học. Điều này đồng nghĩa với việc họ phủ định triết học Mác-Lênin.

Chủ nghĩa thực chứng có những hình thức khác nhau của mình trong sự phát triển. Đó là chủ nghĩa thực chứng mới. Chủ nghĩa thực chứng mới, hoặc triết học phân tích được hình thành vào đầu thế kỷ XX coi nhiệm vụ phân tích hình thức và phân tích lôgíc là nội dung chủ yếu của triết học.

Đến giữa thập kỷ 20 của thế kỷ XX, trong triết học phân tích đã xuất hiện một chi phái lớn: Chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc, hoặc còn gọi là chủ nghĩa thực chứng lôgíc, trường phái này phủ nhận các vấn đề chủ yếu thường được nghiên cứu trong triết học truyền thống. Theo họ, triết học chỉ còn nhiệm vụ tiến hành sự phân tích kết cấu lôgíc đối với tất cả mọi mệnh đề khoa học dựa trên các tài liệu thực chứng (kinh nghiệm).

Trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong triết học phân tích lại xuất hiện phái ngôn ngữ học thường ngày.

Trường phái này lại quy triết học thành sự phân tích ngôn ngữ tự nhiên, phủ định ý nghĩa thế giới quan của triết học.

Như vậy, các triết gia thuộc trào lưu chủ nghĩa duy khoa học chủ trương xây dựng triết học theo mô hình "các khoa học thực chứng". Theo họ, triết học không nên nghiên cứu những vấn đề như bản chất của sự vật, các quy luật chung của thế giới, v.v mà đi tìm phương pháp khoa học có hiệu quả nhất, đáng tin cậy nhất mới là nội dung chủ yếu của việc nghiên cứu triết học.

Chủ nghĩa duy khoa học đã có công đi sâu nghiên cứu và tiếp thu nhiều thành quả trong toán học và trong các khoa học tự nhiên hiện đaị, trong đó có những nhân tố tích cực, hạn chế của nó là phủ nhận ý nghĩa thế giới quan của triết học, tức là phủ nhận bản chất triết học. Vì vậy, chủ nghĩa duy khoa học không thể mở ra một con đường mới cho triết học.

2. Chủ nghĩa hiện sinh

Chủ nghĩa hiện sinh đầu thế kỷ XX có cội nguồn tư tưởng sâu xa mà trực tiếp nhất là triết học phi duy lý tính (tức là khai thác vô thức, bản năng, tâm linh của con người) ở thế kỷ XIX. Đại biểu chủ yếu của chủ nghĩa hiện sinh là các nhà triết học Hâyđơgơ, Xáctơrơ, Giaxpơ, Macxen. Họ đều coi sự hiện sinh của cá nhân là nội dung cơ bản trong triết học của mình, đều coi hiện sinh là sự cảm thụ chủ quan, sự thể nghiệm tâm lý có tính chất phi lý tính của cá nhân.

Về mặt bản thể luận, các nhà hiện sinh phân biệt hai khái niệm: hữu thể và hiện hữu (hiện sinh). Hữu thể là khái niệm chỉ một cái gì đó (một vật, một người) đang tồn tại, đang có mặt, nhưng chưa là một cái gì đó cụ thể cả, chưa có diện mạo, chưa có cá tính, tức là chưa hiện hữu. Còn hiện hữu (hiện sinh) là một khái niệm chỉ một cái gì đó không những là đang có mặt (tồn tại) mà còn là đang sống đích thực với diện mạo riêng.

Do đó, hiện sinh không phải là giới tự nhiên hoặc sự vật, mà là con người. Bởi vì chỉ có con người mới có thể hiểu được sự tồn tại của bản thân và của sự vật khác, chỉ có con người mới hiện sinh. Do đó, nhiệm vụ của triết học không phải tìm xem vật chất có trước ý thức như thế nào mà là tìm xem bản thể của hiện sinh là gì? Nghĩa là phải xem xét bản chất con người trong hoạt đông phi ký tính như thế nào. Thực chất, đây là bản thể luận duy tâm chủ quan.

Về mặt nhận thức luận, chủ nghĩa hiện sinh cho rằng, những tri thức thu được bằng khoa học dựa trên lý tính là hư ảo. Người ta càng dựa vào lý tính và khoa học thì càng khiến mình bị chi phối, từ đó bị tha hoá. Theo họ, để đạt đến hiện sinh chân chính thì chỉ có thể dựa vào cảm thụ chủ quan vào trực giác phi lý tính. Chỉ có trong cuộc sống đau khổ, cô đơn, tuyệt vọng, sợ hãi… con người mới có thể trực tiếp cảm nhận được sự tồn tại của mình. Như vậy, nhận thức luận của chủ nghĩa hiện sinh là nhận thức luận duy tâm chủ quan phi lý tính.

Về đạo đức, chủ nghĩa hiện sinh phản đối mọi hình thức quyết định luận trong đạo đức, phủ nhận sự tồn tại phổ biến của những nguyên tắc đạo đức. Chủ nghĩa hiện sinh đề cao sự lựa chọn tự do cá nhân. Tự do cá nhân là tuyệt đối. Rõ ràng, quan điểm về tự do của chủ nghĩa hiện sinh là quan điểm của chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

Về quan điểm lịch sử xã hội, chủ nghĩa hiện sinh xuất phát từ tự do cá nhân tuyệt đối, cho rằng chỉ có cá nhân mới là hiện sinh chân thực, xã hội chỉ là một phương thức hiện sinh của cá nhân, hơn nữa là phương thức hiện sinh không chân thực. Chính sự tồn tại của xã hội đã bóp chết cái cá nhân, cái hiện sinh chân chính của cá nhân. Động lực phát triển của xã hội là ở hiện sinh của các cá nhân.

Chủ nghĩa hiện sinh là sự phản ứng của con người trước tình trạng bất ổn về xã hội trong thời kỳ khủng hoảng toàn diện của chủ nghĩa tư bản như lo sợ chiến tranh, không tin vào khoa học, đau khổ, phiền não, tuyệt vọng vì thế nó có ảnh hưởng mạnh mẽ rộng rãi đối với thế giới phương Tây.

3. Chủ nghĩa Phơrớt

Chủ nghĩa Phơrớt là một trường phái có ảnh hưởng rất lớn của trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi lý tính do nhà bệnh học tinh thần, nhà tâm lý học người Áo, Phơrớt sáng lập.

Lý luận về vô thức là bộ phận quan trọng trong hệ thống phân tích tâm lý đầu tiên của Phơrớt. Ông chia quá trình tâm lý của con người thành ba bậc: ý thức, tiềm thức và vô thức. Sự suy nghĩ của con người thường tiến hành giữa trạng thái vô thức và ý thức.

Phơrớt có cống hiến quan trọng trong việc đề xuất và nghiên cứu vai trò của vô thức trong hệ thống phân tích tâm lý, nhưng ông sai lầm là đã khuếch đại tác dụng vô thức đối với hành vi của con người, không đánh giá đúng vai trò của ý thức và các điều kiện xã hội.

Trong lý luận về nhân cách, Phơrớt đưa ra ba khái niệm “cái ấy”, “cái tôi” và “cái siêu tôi”. Trạng thái tâm lý của người bình thường là người giữ được sự cân bằng giữa ba cái. Những người mắc bệnh tâm thần là do mối quan hệ cân bằng giữa ba cái đó bị phá hoại.

Thuyết tính dục: tính dục là xung đột vĩnh hằng, ngay cả khi bị ý thức và tiền ý thức áp chế, nó vẫn tìm cách bộc lộ ra, có khi bằng hệ thống ngụy trang xâm nhập vào hệ thống ý thức. Do đó, về tâm lý thường có hiện tượng nằm mơ và những bệnh tâm thần khác. Nguyên nhân của nhiều loại bệnh tâm thần là do bản năng tính dục bị đè nén. Bản năng tính dục của con người là cơ sở duy nhất cho các hoạt động của con người.

Là một nhà khoa học, Phơrớt đã tiếp thu truyền thống duy vật của khoa học tự nhiên cổ điển và của thuyết tiến hoá. Tuy nhiên trong thế giới quan triết học của ông bộc lộ những yếu tố duy tâm khi ông đã sinh vật hoá những cái thuộc về tâm lý của con người, tự nhiên hoá những cái thuộc về loài người, tâm lý hoá những cái thuộc về xã hội, và tuyệt đối hoá cái tâm lý trong đời sống của con người. Có thể xem đó cũng là những sai lầm của chủ nghĩa Phơrớt.

4. Chủ nghĩa Tôma mới

Vào cuối thế kỷ XIX một hình thái mới của triết học Thiên Chúa giáo đã xuất hiện ở phương Tây. Bắt nguồn từ học thuyết của Thánh Tôma ở Akvinô thuộc Italia. Hệ thống triết học tôn giáo này lấy Chúa làm nòng cốt, lấy đức tin làm tiền đề, lấy thần học làm căn cứ, và gọi là Chủ nghĩa Tôma mới.

Về nhận thức luận: chủ nghĩa Tôma mới một mặt thừa nhận tính khách quan của nhận thức và tính đúng đắn của các phán đoán khoa học, mặt khác lại cho rằng sự tồn tại hữu hạn của thế giới hiện thực phải có phần của sự tồn tại vô hạn của Chúa. Từ đó rút ra kết luận là tri thức lý tính phù hợp với đức tin của con người.

Về triết học tự nhiên: lấy “hình thức” và “vật chất” theo tinh thần triết học của Arixtốt làm cơ sở nghiên cứu tự nhiên. Đối tượng nghiên cứu cũng chính là đối tượng của đức tin và thần học. Bởi vì Chúa là hình thức tối cao, là hình thức của các hình thức cho nên việc nghiên cứu của khoa học tự nhiên là quá trình không ngừng phát hiện ra Chúa, khẳng định Chúa và không phủ nhận Chúa. Vậy là khoa học và thần học đã hợp tác rất hoà thuận để phát hiện và chứng minh sự tồn tại vĩnh hằng của Chúa.

Về lý luận chính trị xã hội: Chủ nghĩa Tôma mới phủ nhận sự tồn tại của các giai cấp, chủ trương thuyết tính người trừu tượng, coi cuộc sống trần thế là tạm thời, cuộc sống tương lai ở thượng giới mới là vĩnh hằng. Muốn cứu rỗi con người phải dựa vào đức tin của Chúa.

Chủ nghĩa Tôma mới cũng giống như chủ nghĩa Tôma thời trung cổ, vẫn lấy Chúa làm nguyên tắc tối cao, làm điểm xuất phát và điểm kết của mọi sự vật. Chỗ khác nhau giữa hai chủ nghĩa đó là: để thích ứng với nhu cầu thời đại, chủ nghĩa Tôma mới đã thừa nhận ở mức độ nhất định vai trò của khoa học, đã đi sâu hơn vào nhận thức luận và triết học tự nhiên để luận chứng cho sự nhất trí giữa tri thức và đức tin, khoa học và thần học.

5. Chủ nghĩa thực dụng

Chủ nghĩa thực dụng là một trường phái triết học phương Tây hiện đại đề cao kinh nghiệm và hiệu quả, ra đời vào cuối thế kỷ XIX ở nước Mỹ. Triết học của họ đều giới hạn trong phạm vi kinh nghiệm, coi tri thức là công cụ để thích ứng với hoàn cảnh, coi chân lý là cái "có ích".

Sau những năm 40 của thế kỷ XX, địa vị chủ đạo của chủ nghĩa thực dụng trong triết học Mỹ đã được thay thế bằng các trường phái triết học mới nổi lên ở châu Âu và được truyền bá vào nước Mỹ.

Về nhận thức luận: Chủ nghĩa thực dụng nói đến một phương thức tư duy đặc thù. Phương thức tư duy đó không xem xét khái niệm ở bản thân khái niệm mà đi sâu nghiên cứu xem khi được sử dụng thì nó sản sinh ra hậu quả gì. Khái niệm và lý luận không phải là sự giải đáp về thế giới.

Chủ nghĩa thực dụng đã sử dụng khái niệm “kinh nghiệm” để lẩn tránh vấn đề cơ bản của triết học. Đối với người theo chủ nghĩa thực dụng thì “kinh nghiệm” không có tính chủ quan, cũng không có tính khách quan mà là “kinh nghiệm thuần tuý” hoặc “kinh nghiệm nguyên thuỷ”. Thực chất là họ đi theo con đường kinh nghiệm luận duy tâm của Beccơli.

Quan niệm về chân lý: Muốn xét một quan niệm có phải là chân lý hay không, thì không cần phải xem nó có phù hợp với thực tế khách quan hay không, mà phải xem nó có đem lại hiệu quả hữu dụng hay không. Hữu dụng và vô dụng đã trở thành tiêu chuẩn để phân biệt chân lý và sai lầm. Quan niệm này không có căn cứ vì cái này hữu dụng với người này nhưng lại vô dụng với người kia. Vậy không thể có chân lý đúng với người này và không đúng với người kia trong cùng một thời điểm được.

6. Kết luận

Triết học phương Tây hiện đại ngoài Mác về cơ bản là sự phản ánh nhất định thực trạng xã hội tư bản chủ nghĩa ở những hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau.

Triết học phương Tây hiện đại ngoài Mác gồm nhiều trào lưu, nhiều trường phái, chủ nghĩa, nhưng có 3 xu hướng chính:

+ Triết học tôn giáo - đầu cơ vào những vấn đề tôn giáo.

+ Triết học thực chứng - đầu cơ vào những vấn đề của khoa học hiện đại, cho rằng chỉ có khoa học thực nghiệm, khoa học cụ thể mới là khoa học, phủ nhận triết học.

+ Triết học con người - đầu cơ vào mặt phi lý tính, tuyệt đối hoá yếu tố phi lý tính trong con người như vô thức, trực cảm…

Triết học phương Tây hiện đại dù tỏ ra không thuộc về duy vật hay duy tâm, nhưng xét về bản chất vẫn thuộc về chủ nghĩa duy tâm là chủ yếu. Phương pháp siêu hình, chiết trung vẫn chiếm ưu thế.

Tóm lại, các trào lưu triết học hiện đại ngoài mácxít đã có những tìm tòi, hơn nữa còn đạt được một số thành quả nhận thức nhất định. Nhưng do sự hạn chế về lập trường chính trị giai cấp, do thế giới quan duy tâm và phương pháp siêu hình, họ vẫn không đưa ra được câu trả lời khoa học cho các vấn đề đó, càng không thể chỉ ra phương hướng tiến lên cho nhân loại. Sự thực đó lại một lần nữa chứng minh vai trò của triết học Mác-Lênin trong thời đại ngày nay.

TÓM LƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GHI NHỚ

1. Nội dung cơ bản của chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa Phơrớt, chủ nghĩa thực dụng.

2. Đặc trưng chủ yếu của các trào lưu triết học phương Tây hiện đại.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved