Home » » Các nhà triết học Phương tây-P1

Các nhà triết học Phương tây-P1

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012 | 17:42


BA MƯƠI TRIẾT GIA TÂY PHƯƠNG 
Tác giả: Nguyễn Ước


1. Socrates (469-399 TCN)
Triết gia Hi Lạp. Người thành Athens.

Socrates được xem là người khai mở thời kỳ thứ hai của triết học Hi Lạp và bắt đầu triết học Tây phương từ gần 25 thế kỷ nay. Có người so sánh ông với Khổng Tử, vị vạn thế sư biểu á đông.

Nổi tiếng vì quan điểm nhìn triết học như cuộc tìm kiếm thích đáng và thiết yếu cho mọi người có trí tuệ, ông là gương mẫu vĩ đại và có tính lịch sử của một người sống theo niềm tin, sứ mệnh và nguyên tắc của mình cho dẫu phải trả giá bằng mạng sống, vì cái chết lúc ấy chỉ như một cam kết bảo đảm cho chân lý của lời mình phát biểu. 

Những gì hậu thế biết về con người và lời giảng của Socrates đều gián tiếp qua các đối thoại, khi rõ nét khi thấp thoáng, của Platon và cuốn Memorabilia của Xenophon; cả hai đều là môn đệ ông. Bất chấp những thông giải không giống nhau về lời giảng của sư phụ, tường trình của hai tác giả ấy bổ sung nhau trên một qui mô lớn, biến con người và niềm tin của Socrates trở thành bất tử.

Socrates là con của Sophroniscus, một người tạc tượng. Người ta nói rằng những năm mới vào đời, ông theo nghề nghệ thuật của phụ thân. Tới tuổi trung niên, ông kết hôn với Xanthippa, người theo truyền thuyết là một phụ nữ đanh đá dù những chuyện kể về bà ít có cơ sở thực tế xác minh — Will Durant cho rằng bà là người yêu Socrates và rất đau buồn trước cái chết của người bạn tinh thần. 

Cũng không thể biết chắc các vị thầy dạy triết cho Socrates là ai, nhưng dường như ông đã làm quen với các học thuyết của Parmenides, Heraclitus, Anaxagoras cùng những người theo thuyết nguyên tử; họ ở trong những vị được hậu thế xếp vào hàng ngũ ‘các triết gia tiền Socrates’.

Trước năm 40 tuổi, Socrates nổi tiếng về năng lực trí tuệ. Theo tường trình của Plato về lời biện minh của Socrates trong phiên tòa xử ông, lời sấm ở đền Delphi tuyên bố Socrates là người thông thái nhất Hi Lạp. Trong diễn từ đó, Socrates quả quyết rằng lời sấm nói ông sáng suốt có lẽ là vì ông nhận ra rằng mình chẳng biết gì cả trong khi những người tự xưng thông thái không nhận ra sự ngu dốt của họ.

Socrates bắt đầu tin rằng thiên hướng của ông là tìm kiếm minh triết và đức hạnh chân chính để qua đó ông có thể hướng dẫn người dân thành quốc Athens cải thiện đạo đức và trí tuệ. Vì thế, hoàn toàn bỏ sang một bên sinh kế cùng những công việc riêng tư, ông dành trọn thì giờ thảo luận về đức hạnh, công bình, lòng mộ đạo ở bất cứ nơi nào đồng bào ông hằng ngày tụ họp. Ông thường qui tụ quanh mình một nhóm thanh niên và truyền cho họ tình yêu tra vấn, dẫn tới tri thức và công chính.

Một số người cảm thấy Socrates cũng lơ là nghĩa vụ công cộng vì ông không bao giờ tìm cách tham chính dù nổi tiếng can trường trong các chiến dịch thời ông đi nghĩa vụ quân sự. Trong công tác tự mình đề ra cho mình như một người châm biếm những kẻ nổi tiếng về chính trị và trí thức của thành Athens, Socrates tạo nên nhiều kẻ thù, Aristophane nhại diễu Socrates trong vở kịch The Clouds (Các đám mây) của mình, và qui cho ông một số khuyết điểm của các biện sĩ, là những người giỏi ngụy luận, nhận thù lao để dạy khoa hùng biện. Dù Socrates thường trêu tức các biện sĩ, nhưng những người kết án ông dường như duy trì một quan điểm chung với Aristophane.

Năm 399 TCN, Socrates bị đem ra tòa án Athens, xử về cáo giác tội làm hư hoại thanh niên, đặc biệt những môn đệ hằng ngày ở bên ông, và tội bất kính thần linh thành Athens cùng giới thiệu các thần linh xa lạ. Phiên tòa bị vây phủ các vấn đề chính trị phức tạp nhưng dường như Socrates bị xử như một người bạn và người thầy của hai kẻ đã phản bội Athens là Critias và Aleibiades. Diễn tiến vụ xử án và cái chết của Socrates được mô tả trong cuốn Apology, Crito và Phaedo của Platon với sức mạnh đầy kịch tính. Những giờ đi vào cõi chết của ông được Plato kể lại với giọng cảm động như một bài thơ bi tráng. Bạn đọc Việt ngữ có thể tìm thấy trong cuốn Câu chuyện triết học của Trí Hải và Bửu Ðích (bản dịch từ cuốn The Story of Philosophy của Will Durant). 

Socrates đóng góp cho triết học một định hướng nhân văn cùng phương pháp mới mẻ tiếp cận tri thức, một khái niệm về linh hồn như tâm điểm của ý thức tỉnh táo bình thường lẫn đặc tính đạo đức và về ý nghĩa vũ trụ như một tinh thần ngăn nắp có chủ ý. Kỹ thuật tra vấn của ông — được gọi là phương pháp Socrates — là yêu cầu người đối thoại định nghĩa các khái niệm có ý nghĩa đạo đức, thí dụ công bình, dũng cảm, mộ đạo, v.v. để cho thấy những mâu thuẩn trong câu trả lời, qua đó phô bày sự ngu dốt của kẻ trả lời, và thúc đẩy phải tra vấn thêm nữa các khái niệm. Phương pháp đó, gọi là biện chứng pháp, cốt ở chỗ dùng hình thức vấn đáp để khảo sát những lời phát biểu, bằng cách tra xét định nghĩa, đào sâu khái niệm, truy nã nội hàm của chúng, với giả định rằng một lời phát biểu đúng không thể nào dẫn tới hệ quả sai. Phương pháp này có thể do triết gia Zeno thành Elea gợi ra từ trước, nhưng được Socrates cải tiến và áp dụng vào các vấn đề luân lý.

Socrates thường nhấn mạnh câu châm ngôn khắc trên cửa đền Delphi là ‘Người ơi, hãy tự biết mình’. Khác với những triết gia về trước, Socrates quan tâm chủ yếu các vấn đề thuộc nội tâm con người; ông xem chúng ưu tiên hơn các vấn đề thuộc thế giới vật lý. Học thuyết của Socrates đưa ông tới niềm tin rằng mọi đức hạnh đều qui về một mối, đó là cái thiện, hoặc sự tự am hiểu bản ngã — ‘cái tôi’ chân chính của ta — cùng những cứu cánh của nó qua quá trình diễn tiến cuộc đời mình. Rồi tới lượt tri thức tùy thuộc vào bản tính hoặc yếu tính của vạn vật đúng như chúng hiện hữu, thí dụ hình thái của vật thì thật hơn bản sao mà chúng ta có được từ kinh nghiệm cảm giác.

Khái niệm ấy dẫn tới một thế giới quan có tính cứu cánh luận, cho rằng hết thảy các hình thái đều dự phần vào và dẫn tới một hình thái cao nhất, đó là hình thái của cái thiện. Các ý tưởng ấy về sau được Plato trau chuốt tỉ mỉ thành tâm điểm cho học thuyết triết lý của mình.

Quan điểm của Socrates thường được mô tả bằng lập trường cho rằng mục đích của tri thức là đức hạnh — tri thức và đức hạnh là một — khiến con người không thể làm điều sai trái một cách chủ tâm. Vì đức hạnh đồng hóa với tri thức nên có thể giảng dạy nó. Nhưng việc giảng dạy ấy không phải là một nghề mưu sinh như các biện sĩ chuyên nghiệp và trá ngụy đem ra dạy bảo. 

Tuy thế, trước khi đưa chén thuốc độc lên môi, chấp nhận cái chết như một hình thức làm chứng cho chân lý và bảo vệ quyền tự do tư tưởng, dù có thể bỏ trốn sang thành quốc khác, bản thân Socrates không đưa ra câu trả lời dứt khoát làm thế nào con người có thể học hỏi về đức hạnh. 

2. PLATO (427-347 TCN)

Triết gia Hi Lạp, sở hữu tên Plato do bởi có lần đoạt giải vô địch trong một đại hội điền kinh cấp quốc gia.

Ông xuất thân từ một gia đình đại quí tộc, cháu ngoại của Solon, một trong bảy vị hiền triết Hi Lạp và là nhà lập pháp, còn bên nội ông lại thuộc dòng dõi của vị vua Athens cuối cùng là Codrus. 

Người ta biết rất ít về thời trẻ của ông ngoài việc từ năm 20 tuổi, ông là một môn đệ tận tụy của Socrates. Sau khi sư phụ qua đời, Plato du hành tới rất nhiều nơi. Từ Mega, Plato du hành sang Cyrene, Ai Cập và Ý. Tại đó, ông đi lại với giáo đoàn Pythagoras và tiêm nhiễm học thuyết của họ. 

Năm 388, Plato rời Athens sang sống một thời gian trong triều đình của bạo chúa Dionysus Cả ở Syracuse. Bị vị vua ấy ngược đãi, đem bán cho nô lệ, may nhờ nhà hiền triết Annikeris ở Cyrenaique chuộc với giá 20 đồng mines và giải phóng ông.

Tới năm 367, ông thành lập trường Academy, với câu châm ngôn treo trước cửa ‘Kẻ nào không thông suốt hình học thì xin chớ vào đây’. Tại đó, ông dạy toán học và triết học cho tới ngày qua đời. Việc dạy học của ông có bị gián đoạn hai lần vì đến thăm Syracuse — vào năm 368 và năm 361 — với vị vua mới và hoài bảo vô vọng thực hiện các lý tưởng chính trị của mình ở đảo quốc Sicily.

Tác phẩm của Plato truyền lại cho hậu thế dưới hình thức các văn bản đối thoại và thư từ. Một số đối thoại và nhiều thư từ qui cho ông đã được xác minh là thực, một số đáng ngờ. 35 bài đối thoại ấy, hoặc nhiều hơn, của Plato, thường được chia thành 3 nhóm theo 3 thời kỳ của đời ông. 

Nhóm sớm sủa nhất, được gọi là mang bản sắc Socrates, chủ yếu gồm Apology, ghi lại lời biện hộ của Socrates; Meno, đặt vấn đề có thể hay không thể giảng dạy đức hạnh; và Georgias quan tâm tới bản tính tuyệt đối của ‘phải’ và ‘trái’. Các văn bản sớm sủa ấy trình bày Socrates bằng những cuộc đối thoại minh họa các ý tưởng chính của ông: tính đồng nhất của đức hạnh và tri thức, của đức hạnh và hạnh phúc. Mỗi đối thoại ứng xử với một vấn đề cá biệt nhưng không nhất thiết giải quyết rốt ráo vấn đề ấy.

Plato luôn luôn quan tâm tới một vấn đề nền tảng của triết học, đó là đề ra tỉ mỉ lý thuyết về nghệ thuật sống và hiểu biết. Giống như vị đại sư phụ kính yêu, Plato bắt đầu với niềm xác tín vào cấu trúc hòa điệu một cách tối hậu của vũ trụ, nhưng ông đi xa hơn trong nỗ lực thiết lập một lược đồ triết học tổng hợp. Mục tiêu của Plato là trình bày mối tương quan hợp lý giữa linh hồn, quốc gia và vũ trụ. Ðó là chủ đề bao quát của Republic, Phaedo, Symposium, Theaetus, Phaedrus, Timaeus và Philebus, những đối thoại qui mô được ông viết ra trong tuổi trung niên. 

Cũng trong những đối thoại ấy, Plato triển khai các học thuyết tích cực của mình. Thí dụ tri thức như một hồi tưởng, sự bất tử của linh hồn, sự phân chia linh hồn thành ba thành phần. Và trên tất cả là lý thuyết về các ‘hình thái’ (hoặc các ‘ý tưởng’) thường hằng, tương phản với thế giới vật chất nhất thời của các ‘đặc thù’ (các đối tượng đơn thuần của nhận thức giác quan, ý kiến và niềm tin) cùng thế giới bất biến, phi thời gian, của những cái phổ quát hoặc hình thái (các đối tượng chân chính của tri thức).

Trong Republic, Plato trình bày làm thế nào thao tác của công bình trong một cá nhân, qua cách áp dụng phép loại suy, có thể đưa tới sự am hiểu sâu sắc về thao tác của công bình trong một quốc gia, để từ đó tiến tới theo mô hình quốc gia lý tưởng được ông thành lập bằng khái niệm và cho nó sinh hoạt trong thế giới ý tưởng của ông. (Kể từ giây phút đó, nó trở thành nguồn cảm hứng cho mọi tưởng quốc Utopia được hàng chục triết gia và nhà xã hội thiết lập trong tác phẩm của họ rải rác suốt hai ngàn năm sau). Tuy thế, theo Plato, không thể am hiểu đầy đủ về công bình nếu không nhìn nó trong tương quan với Ý tưởng về cái Thiện, cái là nguyên tắc tối thượng của trật tự và chân lý.

Chính trong đối thoại Republic mà các Ý tưởng nổi tiếng và tiêu biểu cho bản sắc Plato được ông đem ra trình bày dưới hình thức thảo luận. Plato lập luận biện hộ cho thực tại độc lập của Ý tưởng, như một bảo đảm duy nhất cho các định chuẩn đạo đức và tri thức khoa học khách quan. Như đã nói ở trên, trong cuốn ấy và Phaedo, ông mặc nhiên công nhận lý thuyết của mình về các ‘hình thái’ (forms). Các ý tưởng về ‘hình thái’ là các Tổng kiểu thức (Archtypes) bất di bất dịch của mọi hiện tượng nhất thời, và chỉ những Ý tưởng mới hoàn toàn thật, còn thế giới vật lý chỉ sở hữu thực tại tương đối. Các ‘hình thái’ bảo đảm trật tự và trí huệ trong một thế giới đang trong trạng thái biến đổi liên tục và không ngớt. Chúng cung cấp mẩu thức (pattern) để từ đó thế giới giác quan rút ra ý nghĩa của nó. Ý tưởng tối thượng là Ý tưởng về cái Thiện mà chức năng và địa vị của nó trong thế giới Ý tưởng tương tự chức năng và địa vị của mặt trời trong thế giới vật lý.

Plato thấy mình có sứ mệnh hướng dẫn loài người tới việc nhận ra các hình thái và tới dấu vết của cái thiện tối thượng. Con đường chân chính ấy được gợi ra trong ẩn dụ ‘Cái hang’ nổi tiếng của ông. Trong Republic, con người trong trạng thái chưa được dạy bảo, bị xiềng xích trong thế giới của các chiếc bóng. Tuy thế, con người có thể chuyển động hướng tới mặt trời, hoặc cái thiện tối thượng bằng cách học tập cái được Plato gọi là biện chứng pháp. Biện chứng pháp là khoa học cao nhất, là phương pháp thẩm tra được tiến hành bằng việc chất vấn các giả định, bằng việc giải thích một ý tưởng đặc thù trong tương quan với ý tưởng tổng quát hơn, cho tới khi đạt được cơ sở giải thích tối hậu.

Republic, cuốn Utopia đầu tiên trong văn học thế giới, quả quyết ràng triết gia là kẻ duy nhất có năng lực cai trị quốc gia công chính do Plato mô tả, vì qua học hỏi biện chứng pháp, kẻ ấy am hiểu sự hòa điệu của mọi thành phần trong vũ trụ trong tương quan của chúng với Ý tưởng về cái Thiện. Mỗi giai cấp xã hội sung sướng thể hiện chức năng thích hợp với nó: triết gia cai trị, chiến sĩ đánh giặc và người lao động thưởng thức thành quả lao động của mình.

Trong Symposium, bản văn có lẽ thi vị nhất trong các đối thoại, con đường dẫn tới cái thiện tối thượng được mô tả như hành động hướng thượng qua những tình nhân chân chính yêu nhau trong tình yêu cái đẹp hằng cửu, được người đời truyền tụng là ‘tình yêu lý tưởng kiểu Plato’. Và trong Phaedo, con đường ấy được Plato nhìn như cuộc hành hương của triết gia đi qua cái chết để tới thế giới của chân lý vĩnh cửu. Trong những đối thoại về sau, có nhiều cuộc dành cho các chủ đề kỹ thuật triết học. Trong đó, quan trọng nhất là Parmenides ứng xử với tương quan giữa nhiều cái khác nhau, và Sophist thảo luận về bản tính của phi hữu thể. Tác phẩm cuối cùng và dài nhất của Plato là Laws (Luật pháp) thảo luận bằng từ ngữ thiết thực về bản tính của quốc gia. 

Những lời giảng của Plato về học thuyết lý tưởng của ông ở trong số những tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong lịch sử văn minh phương Tây. Suốt hơn hai ngàn năm qua, trong các đối thoại muôn hình muôn vẻ, ông chạm tới hầu hết các vấn đề chiếm lĩnh tâm trí các triết gia đi sau ông, đặc biệt trong thần học Kitô giáo thiên niên kỷ thứ nhất. Plato cũng là một nghệ sĩ vĩ đại; các tác phẩm đầy thi vị và tráng lệ của ông là có chỗ đứng lộng lẫy trong kho tàng văn học thế giới.



3. ARISTOTLE (384-322 TCN) - 4. PLOTINUS (K. 205- 270 SCN) 

3. Aristotle (384-322 TCN)

Triết gia, nhà khoa học và nhà vật lý Hi Lạp. Sinh ở Stagia. Ðôi khi còn được gọi là ‘Aristotle người Stagia’.

Thân phụ của Socrates, Nichomachus, là quan ngự y nổi tiếng của triều đình Macedonia. Năm 367, ông tới Athens và gắn bó đời mình vào trường Academy của Plato cho tới khi vị thầy ấy qua đời. Tại đó, ông viết nhiều đối thoại được tán dương là rất hùng hồn. Nhưng nay chỉ tồn tại vài đoạn tản mác. Năm 347, ông sang ở Tiểu Á và Mitilene, Leobos. Năm 342, ông được vua Philip xứ Macedonia mời làm gia sư cho hoàng tử Alexander, người về sau trở thành Ðại đế.
Năm 325, Aristotle quay lại Athens, mở trường Lyceum. Ðược Alexander Ðại đế hỗ trợ, ông lập thảo cầm viên đầu tiên của loài người để làm cơ sở học hỏi. Tại hai nơi đó, người ta kể rằng thầy lẫn trò trong các buổi học tập đều đi tới đi lui không ngừng. Sau khi Ðại đế Alexander chết sớm (325 TCN), tại Athens nổi lên phong trào bài xích người Macedonia. Aristotle bị kết tội không sùng bái thần linh. Có lẽ cảm thấy mình sẽ chung số phận với thái sư phụ Socrates, ông bỏ trốn tới Chalcis ở Enbea. Qua năm sau, 62 tuổi, ông tự tử.

Công trình của Aristotle mà hậu thế có được, phần nhiều là những bài giảng của ông do môn đệ ghi chép và đích thân ông duyệt lại. Tới thế kỷ thứ nhất TCN, chúng lại được biên tập thêm lần nữa. Trong số đó, chủ yếu là Organum, gồm 6 luận văn về luận lý học; Physics (vật lý học); Metaphysics (siêu hình học); De Anima (bàn về loài vật); Nichomachean Ethics và Eudemian (đạo đức học); Rhetoric (khoa hùng biện); và một chuỗi các tác phẩm về sinh học cùng vật lý học. Tới thế kỷ 19, còn tìm được cuốn Constitution of Athens (Hiến pháp Athens), trong đó ông tường trình về chính quyền của thành quốc Athens.

Tại trường Lyceum, Aristotle nhấn cực kỳ mạnh lên sự quan sát trực tiếp thiên nhiên và ông giảng dạy rằng, trong khoa học, lý thuyết phải đi đôi với thực tế. Ông đánh giá triết học là môn học thể hiện sự suy xét sâu sắc và thận trọng các nguyên lý đệ nhất có tính hiển nhiên và bất biến, hình thành toàn bộ tri thức. Ðối với Aristotle, ‘luận lý học là khí cụ cơ bản cho mọi thẩm tra, và tam đoạn luận là chuỗi lập luận mà hết thảy các tư tưởng dựa trên lý tính phải đi theo’. Ông đưa khái niệm phạm trù vào sử dụng trong luận lý học, qua đó, ông dạy rằng thực tại có thể được xếp loại theo vài phạm trù như bản thể (phạm trù đệ nhất), phẩm tính, lượng tính, tương quan, sự ấn định cụ thể trong thời gian và không gian, hành động, đam mê hoặc thụ động, vai trò và hoàn cảnh.

Aristotle cũng giảng dạy rằng tri thức về một sự vật — ở quá bên kia sự phân loại và mô tả nó — đòi hỏi lời giải thích lý do hiện hữu của nó. Ông đề ra bốn nguyên nhân, hay bốn nguyên tắc giải thích: nguyên nhân chất liệu (bản chất làm thành vật ấy); nguyên nhân dạng thức (hình thể dự kiến của nó); nguyên nhân hiệu ứng (tác nhân thúc đẩy hoặc dựng lên nó); và nguyên nhân tối hậu (cứu cánh hoặc chức năng của nó).

Trong tư tưởng hiện đại, người ta xem nguyên nhân hiệu ứng là lời giải thích có tính trung tâm nhưng đối với Aristotle thì nguyên nhân tối hậu đứng ở địa vị chủ yếu. Ông dùng phép rút gọn các nguyên nhân để xét tương quan giữa các dạng thức và vật chất và các kết luận của ông khác biệt sắc nét với Plato. Dạng thức (form) của Aristotle hoàn toàn khác với hình thái (form) của thầy mình. Aristotle tin rằng mọi dạng thức đều hiện hữu bất phân ly và nội tại (ở bên trong) chất liệu của nó — trừ Thượng đế hoặc Ðấng Thiêng liêng. Như thế, trong hệ thống của Aristotle, dạng thức và vật chất cùng nhau lập thành một thực tại cá biệt và cụ thể, trong khi hệ thống của Plato cho rằng thực tại cụ thể cùng nhau chia sẻ một hình thái nhưng không là hiện thân của hình thái mà chỉ là chiếc bóng hoặc bản sao bất toàn của nó.

Aristottle tin rằng dạng thức tác động khiến vật chất chuyển động cùng xác định sự chuyển động ấy như một quá trình để tiềm năng vật chất (vật tự thân – thing itself) trở thành cái thật sự của dạng thức (chuyển động tự thân – motion itself). Như hạt bắp trở thành cây bắp rồi trái bắp, chứ không trở thành cây lúa rồi hạt thóc. Ông cho rằng chỉ duy nhất Thượng đế là dạng thức đơn thuần, như một ‘chuyển động bất động’, như nguyên nhân tối hậu, ngài là cùng đích của toàn bộ sự chuyển động.

Ðạo đức học Aristototle hoàn toàn phản ánh siêu hình học Aristotle. Theo bước Plato, ông lập luận rằng cái thiện và đức hạnh của vật nằm trong cách thế thể hiện bản tính chuyên biệt của nó. Ðối với con người, cái thiện tối thượng là thực hiện thường xuyên và đầy đủ chức năng làm người, đặc trưng con người, cái hợp lẽ với nó. Hạnh phúc (eudaemonia) không phải là sống theo khoái lạc chủ nghĩa (hedonism) mà là theo đuổi cuộc sống chiêm nghiệm. Aristotle cũng nhấn mạnh khái niệm truyền thống của Hi Lạp xem đức hạnh là trung dung giữa những cực độ.

Cuốn Polictics nghiên cứu con người như một hữu thể chính trị, và quả quyết rằng trong khi chu toàn chức năng công dân, con người nhận ra phần đức hạnh nội tại trong con người của nó. Aristotle đề ra quan điểm mỹ học của ông trong cuốn Poetics. Thí dụ, bi kịch ứng xử với đau khổ cũng như dũng cảm của con người, vì đấng anh hùng thì phải chiến đấu với người khác, với thần linh và số mệnh; một vở kịch tường thuật những bất hạnh được chấp nhận một cách cam chịu, hoàn toàn không có sự lĩnh hội của nhân vật, thì có thể là một thể văn áo nảo hay một vở kịch thống thiết, chứ không phải là bi kịch.

Sau năm 460 SCN, cùng với sự suy tàn của đế quốc La Mã, tác phẩm của Aristotle bị thất lạc ở phương Tây. Mãi tới thế kỷ 9, ông mới được học giả A Rập giới thiệu với người Is-lam, và thần học, triết học, khoa học tự nhiên của người Hồi giáo đều mang sắc thái Aristotle. Thông qua các học giả Hồi giáo và Do Thái giáo, tư tưởng của Aristotle được dẫn nhập trở lại phương Tây trên một qui mô lớn. Người ta phát hiện ở ngay trong những phần còn lại không trọn vẹn của công trình Aristotle sự phi thường về hạng mục, tính độc đáo, tính hệ thống hóa đồng nhất của nó. 

Các tác phẩm của Aristotle từ lúc đó trở thành nền móng cho triết học kinh viện trung cổ; ảnh hưởng lên phần lớn thần học Công giáo La Mã qua Thomas Aquinas, lên triết học Hồi giáo qua Averroes; và quả thật lên toàn bộ truyền thống khoa học và trí thức phương Tây.

Người ta cũng làm sống lại ảnh hưởng của Aristotle trong triết học thế kỷ 20. Lối tiếp cận mang tính cứu cánh luận của ông tiếp tục là tâm điểm của sinh học, nhưng nó đã bị xua đuổi khỏi vật lý học kể từ cuộc cách mạng khoa học trong thế kỷ 17. Công trình của Aristotle trong thiên văn học từng được Ptolemy trau chuốt và ảnh hưởng lên phương Tây đã bị quyết liệt bác bỏ bởi những kết quả thẩm tra của Copernicus và Galileo.

Ngày nay, các tác phẩm của Aristotle được đọc nhiều nhất gồm Metaphysics; Nichomachean Ethics; Politics; Poetics; De Anima (Bàn về loài vật); và Organon (Bàn về luân lý). 


4. PLOTINUS (k. 205- 270 SCN)

Triết gia phái tân-Plato (neoplatonism). Có lẽ sinh ở Lycopolis thuộc miền Thượng Ai Cập, nhưng thuộc một dòng họ La Mã.

Plotinus học ở Alexandria, Ai Cập, thành phố có thư viện lớn nhất thời cổ. Sau đó ông theo đoàn quân viễn chinh của Ðại đế Gordion III đi Ba Tư nhằm thu thập kiến thức. Sống sót, ông quay về định cư ở La Mã (244). Tại đó ông nổi tiếng và trở thành người giảng thuyết xuất sắc cho đại chúng, cổ vũ lối sống khổ hạnh và cuộc sống chiêm nghiệm. Theo ông, chân lý không ở trong các sơ đồ trừu tượng, phải tìm kiếm nó trong mọi cuộc tranh luận cụ thể và nhiệt tình. 

Tới năm 60 tuổi, Plotinus dồn mọi nỗ lực để lập cho được một cộng đồng kiểu ‘Cộng hòa’ của Plato tại Campania, một mảnh đất được vua Gallien cấp cho ông. Năm 268, Gallien bị ám sát, uy tín của Plotinus sa sút. Ông lại bị bệnh cùi, hai mắt mù hẳn, chân tay vỡ mủ và qua đời trong cô quạnh.

Hơn năm chục tác phẩm của Plotinus được môn sinh có tên là Porphyry, một người Phoenicia, biên tập và sắp xếp thành sáu loại, trong một bộ sách chín quyển có tên là Ennneads. Chúng lập nền tảng trên đó thuyết tân Plato được hệ thống hóa thành một lý thuyết triết học.

Chủ yếu từ hệ thống triết học của Plato trước đó, cộng thêm một số thành tố của Pythagoras, Aristotle, thuyết khắc kỷ cùng tôn giáo đại chúng và huyền thoại, Plotinus triển khai thành thuyết tân Plato ngay thời buổi xuất hiện các thuyết triết học lớn lao bị lên án là tà giáo. Dù Plotinus là nhân vật trung tâm của thuyết tân Plato, nhưng thầy của ông, Ammonius Saccus (175-242), một người lao động tự học tại Alexandria, có lẽ là kẻ thành lập thật sự. Tuy nhiên, không tồn tại văn bản nào của vị ấy vì các môn đệ thề cùng nhau bảo mật lời giảng của thầy. Plotinus chỉ bắt đầu trước tác, năm 49 tuổi, khi có hai đồng môn bội ước. 

Thuyết tân Plato có sức mạnh đứng vững từ thế kỷ thứ 3 SCN cho dù năm 529 khi hoàng đế La Mã Justinian (527-565) đóng cửa trường Academy ở Athens. Từ đó, nó kéo dài ảnh hưởng trong siêu hình học và huyền học phương Tây tới nổi có lẽ chính bản thân Plotinus cũng không tưởng tượng nổi và cũng không thể đoán trước tư tưởng nguyên thủy của mình đã trải qua cuộc chuyển thể tận gốc như thế nào trong bàn tay các đồ đệ.

Mục đích ban đầu của Plotinus là diễn tả triết học duy lý tưởng (idealism) thành một hình thức có hệ thống và như thế, gián tiếp chống lại khuynh hướng khắc kỷ chủ nghĩa và hoài nghi chủ nghĩa đang lẻn vào các thông giải về triết học của Plato. Plotinus bác bỏ nhị nguyên luận về hai cảnh giới riêng biệt của hiện hữu (thiện và ác, vật chất và siêu việt, phổ quát và đặc thù); thay vào đó, ông đề ra một trật tự bao la và duy nhất, chứa đựng mọi thứ bậc và mọi loại khác nhau của cuộc sinh tồn. Tại tâm điểm của trật tự đó là Nhất thể, một thống nhất hoàn toàn đầy đủ và không thể lĩnh hội nổi. Bằng quá trình phóng xuất, Nhất thể ấy nảy sinh Tâm trí Thiêng liêng hoặc Logos (ngôn từ), cái chứa đựng hết thảy các hình thái hoặc trí huệ sống động của các cá thể. Bởi thế, cái chứa đựng Tâm trí Thiêng liêng lập nên sự phản ánh vô lượng tính chất hoàn hảo đồng nhất tính của Nhất thể.

Bên dưới tâm trí thiêng liêng là Linh hồn Thế giới, nối kết các cảnh giới có tính trí tuệ và có tính vật chất. Có ba thực tại siêu việt hoặc thực thể (Nhất thể, Tâm trí Thiêng liêng và Linh hồn Thế giới) nâng đỡ thế giới hữu hình và hữu hạn trong đó gồm con người và vật chất cá biệt. Ðôi khi Plotinus so sánh Nhất thể với nguồn suối trên cao từ đó tuôn trào các cấp bậc thấp hơn của thực tại.

Vũ trụ luận của thuyết tân Plato cũng có những ngụ ý tôn giáo vì Plotinus tin rằng con người có tiềm năng tìm kiếm một cuộc sống trong đó linh hồn cá thể sẽ, qua chiêm nghiệm, hướng lên cấp bậc trí huệ (Tâm trí Thiêng liêng) và rồi qua sự hiệp nhất bí nhiệm, sẽ thẩm thấu vào chính Nhất thể. Trái lại, tình trạng thiếu thốn của hữu thể, hoặc thiếu khát vọng hướng về Nhất thể là nguyên nhân của tội lỗi, vốn bị cho là một phẩm tính từ khước, nghĩa là không tham dự vào sự hoàn hảo của Nhất thể.

Trong thuyết tân Plato, có hai chuyển động thuận nghịch: chuyển động siêu hình của phóng xuất từ Nhất thể, và chuyển động tôn giáo hoặc đạo đức của phản tỉnh quay về Nhất thể qua chiêm nghiệm các hình thái của Tâm trí Thiêng liêng. Trong khi tư tưởng của Plotinus có tính huyền học — nghĩa là liên quan tới cái vô hạn và vô hình bên trong thế giới hữu hạn và hữu hình — phương pháp của ông, từ đầu chí cuối, đâm chồi từ truyền thống nhân văn và luận lý của Hi Lạp. 

Nhiều thành tố triết học của Plotinus có xuất xứ từ các triết học trước đó; sự hiện hữu của Nhất thể và lý thuyết đi kèm về các ý tưởng là những khía cạnh trong các văn bản cuối đời của Plato, cách riêng trong cuốn Timaeus, và chủ nghĩa khắc kỷ đã đồng hóa Linh hồn Thế giới với lý trí phổ quát siêu việt. Cái làm cho hệ thống của Plotinus khác biệt là việc cấu trúc có thứ bậc và hiệp nhất các thành tố ấy với lý thuyết về phóng xuất.

Các môn đệ của Plotinus chọn những con đường trệch hướng với ông. Porphyry, người vẫn ở lại La Mã, tạo nên sự sử dụng bao quát nội hàm đạo đức bằng cách giải nghĩa chi tiết tư tưởng duy lý của Plotinus và công kích Kitô giáo nhân danh thuyết ngoại đạo mang bản sắc Hi Lạp. Lamblichus giảng dạy tại La Mã một thời gian rồi quay về Chalcis — nơi qua đời của Aristotle — tại Syria để thành lập ở đó một trung tâm tân Plato chủ nghĩa. Tại trung tâm này, cũng như tại các trung tâm khác ở Athens và Alexandria, các khuynh hướng thần bí của phương Ðông, bao gồm bói toán, nghiên cứu quỉ thần và chiêm tinh học, đều được ghép vào học thuyết tân Plato.

Các khuôn mặt chủ yếu của trường phái này tại Athens là Plutarch Trẻ (350-433) và Proclus, người từ xứ Byzantium đến là viện trưởng trường Academy. Trường phái Athens cuối cùng tụ lại trong Simplicius, người bình giải Aristotle, và Danascius, người ra sức khôi phục tư tưởng nguyên thủy của Plotinus; cả hai đều sống sót khi Academy bị đóng cửa năm 529. Trường phái tân Plato ở Alexandria, gồm phụ nữ Hypatia, thông thái hơn nhưng ít tính lý thuyết hơn các trường phái ngược lại ở Syria và Athens, và tầm quan trọng chính yếu của nó là bình giải Aristotle.

Một số người tân Plato chủ nghĩa ở Alexandria trong đó Synesius nổi bật nhất, trở thành Kitô hữu. Từ đó, thuyết tân Plato có ảnh hưởng sớm sủa lên các nhà tư tưởng Kitô giáo. Những nhà biện giải Kitô giáo như đệ tử Clement thành Alexandria (k.150-k.215) và Origen (k.185-k.254) đã ganh đua với thuyết tân Plato trong thời kỳ phôi thai nhằm kiểm soát di sản của Plato. 

Tuy thế, người kết hiệp chặt chẽ triết học ấy với Kitô giáo chính là Augustine, kẻ trước khi cải giáo, đã là người tân Plato chủ nghĩa. Chính qua thuyết tân Plato mà Augustine quan niệm tinh thần như một hiện hữu phi vật chất và nhìn cái ác như một bản thể không có thật (tương phản với học thuyết của phái Manichaea – ‘đạo Mani’). Các văn bản của Pseudo (Ngụy)-Dionysus và Anicius Boethius (k. 480-524) cho thấy các ảnh hưởng của thuyết tân Plato.

Thời trung cổ, người ta lại thấy các thành tố của tư tưởng Plotinus trong Thomas Aquinas và nhà thần học Kitô giáo Ái Nhĩ Lan John Scotus Erigena (k.810-k.877), cách riêng trong sự đồng hóa Nhất thể với Thiên Chúa và Tâm trí Thiêng liêng với các thiên thần. Triết học tân Plato tồn tại và chế ngự phương Tây suốt một thiên niên kỷ, qua Augustine và thần học Kitô giáo.

Hệ thống tân Plato cũng ảnh hưởng lên triết học Do Thái và A Rập thời trung cổ. Siêu hình học của Hegel có pha lẫn các thành tố tân Plato. Siêu hình học và mỹ học tân Plato ảnh hưởng lên thuyết lãng mạn của Ðức, thi ca siêu hình học của Anh thế kỷ 17 và nhà thơ William Blake (1757-1827). Nhiều phong trào thần bí tại phương Tây, bao gồm của Meister Ekhartd và Jacob Boehme (1575- 1624) cũng nợ ít nhiều của người tân Plato chủ nghĩa. Tới thời Phục hưng, hình ảnh Plotinus được Ficino, Pico và một số người khác làm cho sống động trở lại. .
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved