Home » » Các triết gia phương tây-P2

Các triết gia phương tây-P2

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012 | 17:44


5. AUGUSTINE (354-430)

Triết gia và nhà thần học Kitô giáo, người Bắc Phi. Tên La-tin là Aurelius Augustinus, hoặc còn gọi là Thánh Augustinô.
Augustine sinh tại Tagaste, Numidia, phía nam Hippo, nơi hiện nay thuộc Algeria. Từ đó, ông bắt đầu cuộc sống phấn đấu của một triết gia hành giả, rồi trở thành vị giáo phụ vĩ đại nhất trong bốn giáo phụ La-tin của Kitô giáo và để lại ảnh hưởng lớn lao trong triết học phương Tây cùng thần học Kitô giáo.

Tuy được mẹ giáo dưỡng như một Kitô hữu, chàng thanh niên Augustine từ bỏ tập quán ấy khi sang Carthage du học. Ở đó, ông tinh thông khoa hùng biện. Trong cuốn Confessions (Tự thú), ông kể lại, bằng giọng ăn năn, quãng thời gian tuổi trẻ hoang dại tại Carthage với kết quả có với tình nhân một đứa con trai tên là Adeonatus. Vào một thời điểm nào đó ông cải giáo sang Manichea— thường gọi là đạo Mani, một hệ thống tôn giáo khá thịnh hành từ thế kỷ 3 tới thế kỷ 5, chủ trương Satan, cái ác hoặc bóng tối ở trong tình trạng xung khắc thường trực và bất tận với Thượng đế, cái thiện hoặc ánh sáng.

Sau năm 376, Augustine bỏ đi La Mã, dạy khoa hùng biện, rất thành công. Tới năm 384, các tín đồ Mani thúc giục ông sang Milan dạy học. Milan là khoảng thời gian then chốt của đời ông. Không còn tín nhiệm giáo phái Mani, ông tuyên bố từ bỏ đạo ấy sau khi nghiên cứu triết học Plato, thuyết tân Plato và thuyết hoài nghi. Khủng hoảng tâm linh, Augustine bị lôi cuốn mãnh liệt bởi nhiệt tình hùng biện của thánh Ambrose, giám mục Milan.

Kết thúc hai năm sống với tâm trạng hoài nghi sâu xa và rối rắm tinh thần, Augustine đột nhiên đi theo Kitô giáo. Ông làm lễ nhập đạo vào dịp lễ Phục sinh năm 387. Sau đó chẳng bao lâu, ông quay về Tagaste, sống đời tu viện với một nhóm bạn. Năm 391, trong khi thăm viếng Hippo, ông được chọn — ngoài ý muốn của mình — làm linh mục của hội thánh Kitô ở đó. Suốt phần đời còn lại, ông sống ở Hippo, làm giám mục phụ tá năm 395 rồi không lâu sau, làm giám mục. Ông qua đời khi thành Hippo bị quân Vandal bao vây.

Ảnh hưởng của Augustine lên Kitô giáo được nhiều người đánh giá là chỉ đứng sau Phaolô, vị tông đồ thời lập đạo. Các nhà thần học, cả giáo hội Công giáo, Chính thống giáo lẫn Tin Lành đều xem ông là người thành lập thần học. Cuốn Confessions (Tự thú, ra đời khoảng năm 400) được xem là kinh điển của chủ nghĩa thần bí Kitô giáo. Tác phẩm này, nguồn thông tin chính về cuộc đời của Augustine, là một biện hộ cho việc tác giả cải sang Kitô giáo, và được viết với giọng văn tuyệt vời. 

Tác phẩm nổi tiếng kế đó là City of God (Thành đô của Thiên Chúa, sau năm 412), một chống trả lớn lao của Kitô giáo trước những lời phê bình nó là tà giáo, đặc biệt nổi tiếng vì quan điểm Kitô giáo được tác giả trau chuốt tỉ mỉ xuyên suốt từng trang sách. Trong đó, Augustine đánh giá toàn bộ lịch sử như một chuẩn bị có tính quan phòng của Thiên Chúa cho hai thành đô bí nhiệm, một của Thiên Chúa và một của quỉ dữ; và toàn thể nhân loại sẽ tối hậu thuộc về thành đô này hoặc thành đô kia. Và cái ác là do bởi sự thiếu cái thiện.

Tác phẩm đơn thuần giáo điều và vĩ đại nhất của ông là On the Trinity (Bàn về Chúa Ba Ngôi), một hệ thống hóa học thuyết Kitô giáo, nhưng phần lớn văn bản ấy có xuất xứ từ các bài luận chiến của ông. Các tác phẩm chống giáo phái Mani, đặc biệt Against Faustus (Chống Faustus), vị thầy Mani cũ của ông, là quan trọng vì nó chiếu rọi lên tôn giáo ấy. Ðể chống giáo phái Donatus ỏ Bắc Phi chủ thương thanh khiết và tái thanh tẩy, Augustine viết hai tác phẩm On Baptism (Bàn về phép rửa tội) và On the Correction of the Donatists (Bàn về sự sửa chữa của người Donatus) trong đó ông công thức hóa một ý tưởng mà kể từ đó, nó trở nên thành phần của học thuyết của Kitô giáo, cho rằng thẩm quyền của Giáo hội Công giáo là một bảo đảm cho Ðức tin Kitô do bởi tính chất chắc chắn của tông truyền — được truyền thừa trực tiếp từ mười hai Tông đồ của Ðức Kitô, đặc biệt Phêrô, giám mục La Mã đầu tiên. 

Cuộc tranh luận ngoạn mục nhất mà Augustin can dự là trận đánh chống lại giáo phái Pelagion. Người Pelagion phủ định tội tổ tông và cuộc sa ngã của con người. Quan điểm ấy có hàm ý rằng ân sủng của Thiên Chúa không nhất thiết là bước tiên khởi để hướng tới sự cứu độ, và như thế, nó kích động Augustine, kẻ cho rằng loài người bị hư hoại và không có khả năng tự lo liệu. Trong cuộc luận chiến này, ông viết nhiều luận văn, và sau đó, tiếp tục trau chuốt các ý tưởng ấy.
Từ các văn bản của Augustine, cuộc tranh luận vĩ đại về ân sủng cứ thế tiếp diễn. Và những người tự cho mình đi theo đúng con đường của Augustine, như nhà cải cách Thệ phản người Pháp John Calvin (1509-1564) và những người theo giáo phái Hà Lan Cornelius Jansen (1585-1638) triển khai thành các thần học có tính tiền định. Dù vẫn tôn kính Augustine, nhiều nhà thần học không chịu chấp nhận những phát biểu quá cực đoan của ông về ân sủng.

Một trong các luận văn quan trọng của Augustine, On the Work of Monks (Về công việc của tu sĩ) được dùng rộng rãi trong các tu viện. Ông cũng soạn các tác phẩm bình giải Kinh thánh. Một trong những luận văn đáng quan tâm nhất của ông, được gọi là Retractions (Xóa bỏ), được biên soạn thời cuối đời, như một cách thức duyệt xét các tác phẩm và các quan điểm của mình. Augustine là bậc thầy về bút pháp, các bức thư của ông nhiều về số lượng, rất cởi mở và bộc trực. Ngày nay, mỗi khi các Hội thánh Kitô giáo gặp tranh luận hay khủng hoảng về thần học, người ta có thói quen tìm về các tác phẩm của Augustine và của các giáo phụ thời sơ khai ấy, để tham chiếu cùng tìm sự soi sáng.


6. THOMAS AQUINAS (1225-1274)

Khuôn mặt vĩ đại nhất của triết học kinh viện và nhà thần học người Ý. Cũng được gọi là Tiến sĩ Thiên thần (Doctor Angelicus).

Sinh tại Rocca Secca, gần Naples, trong một gia đình quan quyền, Aquinas theo học các thầy dòng Bênêdictô (Biển Ðức) tại Monte Cassino rồi Ðại học Naples. Sau đó, cưỡng lại quyết định của gia đình, ông vào dòng Ðôminicô (Ða Minh), làm tu sĩ khất thực (1244). Ông bị các anh em bắt cóc và giam trong một lâu đài của cha mẹ hơn một năm. Cuối cùng, thoát ra được, ông đi Cologne và trở thành môn sinh của Albertus Magnus. Năm 1248, ông cùng thầy đi Cologne, rồi từ đó đi Paris lần nữa và nổi tiếng, trở thành giáo sư thần học rất thành công tại Anagni, Orieto, Rome và Vitenbo.

Aquinas xuất hiện khi giới thế tục tìm cách giới hạn đặc quyền của giới tu sĩ tại các đại học. Sau năm 1259, ông trải qua vài năm ở Ý, làm giáo sư và cố vấn cho Tòa thánh Vatican. Việc ông quay lại Paris có lẽ do gấp rút vì nổi giận với Siger De Brabant và bài đọc của học giả ấy trình bày quan điểm của triết gia Hồi giáo Tây Ban Nha Averroës về Aristotle. Cuộc chiến đấu học thuyết với Siger là biến cố đáng nhớ nhất trong đời Aquinas; chiến thắng ấy có nghĩa rằng lập trường của ông đã khải hoàn.

Năm 1272, Thomas Aquinas rời Paris đi Naples để tổ chức một viện nghiên cứu. Hai năm sau, đang cùng với người bạn lâu năm, Sư huynh Reginald ở Fossanuova, trên đường đi dự Công đồng Lyons với tư cách cố vấn cho giáo hoàng, Aquinas qua đời, hưởng dương 49 tuổi.

Ngang đây, tưởng nên nói đôi chút về vị triết gia Hồi giáo Averroës. Tên A Rập của ông là Ibn Rushd (1126-1198), người nổi tiếng nhất trong các triết gia Hồi giáo thời trung cổ, còn Averroës là tên gọi theo hình thức La-tin. Là quan tòa và bác sĩ ở Córdoba, Seville, nơi ông chào đời, ông sang sống một thời gian tại Marocco, Bắc Phi. Ở đó, ông làm bác sĩ ngự y cho vua Hồi Abu Yusuf nhưng rồi bị trục xuất về Tây Ban Nha vì tình nghi dị giáo. Sau đó, ông được phục hồi và quay lại sống ở Marrakesh cho tới ngày qua đời. 

Tác phẩm vĩ đại nhất của Averroës là Commentaries on Aristotle (Bình luận Aristotle). Những thông giải của ông về Aristotle vẫn ảnh hưởng lâu dài sau khi ông qua đời và trở thành vấn đề suy tưởng lý tính, góp phần dọn đường cho thời Phục hưng. Ông nỗ lực đặt ranh giới tương ứng cho từng lãnh vực đức tin và lí trí, chỉ ra rằng cả hai không cần phải hòa giải vì chúng chẳng xung khắc nhau. Averroës tuyên bố triết học là hình thức thẩm tra cao nhất. Siêu hình học của ông mang sắc thái tân Plato chủ nghĩa, giống y như Avempace, người ông mang nợ trong các ý tưởng về trí thức. 

Các học thuyết của Averroës về sự bất tử của cá nhân và sự hằng cửu của vật chất bị Giáo hội Công giáo lên án. 

Thomas Aquinas tôn trọng Averroës nhưng tấn công cuộc phấn đấu của Averroës khi vị triết gia Hồi giáo người Tây Ban Nha ấy cho rằng chân lý triết học bắt nguồn từ lý trí chứ không từ đức tin. Hầu hết tác phẩm của Averroës được châu Âu biết tới qua bản dịch bằng tiếng La-tin và Do Thái Híp-ri, về sau có ảnh hưởng lên các nhà văn Do Thái giáo, Kitô giáo và cung cấp một tổng hợp từng phần cho hai truyền thống triết học A Rập và Hi Lạp.

Khác với bản tính lầm lì và phong thái chậm chạp, Thomas Aquinas là người diễn giảng xuất sắc, rõ ràng với những tư tưởng bén nhạy, như các tác phẩm của ông cho thấy, với lối lý luận khúc chiết và sử dụng tiếng La-tin giản dị, chính xác đáng phục. Càng khiêm tốn và đức hạnh, ông càng chứng tỏ một cuộc sống tâm linh phong phú và lòng mộ đạo sâu xa. Không một tác phẩm nào vén lộ đầy đủ triết học Aquinas. Có thể xếp loại công trình trước tác suốt 20 năm của ông theo hình thức và chủ đích của từng tác phẩm.

Những cuốn chính là Commentary in the Sentences (Bình luận về các câu, 1254-1256), tác phẩm vĩ đại và sớm sủa nhất gồm một tập hợp các bài giảng cho công chúng; bảy quaestiones disputatae (các vấn đề tranh luận công khai, 1256-1271); những bình luận triết học về các tác phẩm của Aristotle như Mỹ học, Siêu hình học, Loài vật, Vật lý học; một phần của De interpretatione (Về thông giải), và Posterior Analytics (Phân tích về sau); các luận văn về nhiều chủ đề trong đó có Summa theologica contra Gentiles (Tổng luận thần học chống người ngoài Công giáo, 1258- 1260), cũng là Summa philosophica (Tổng luận triết học); và cuốn quan trọng hơn hết là Summa theologica (Tổng luận thần học, 1267-1273), tác phẩm trình bày thần học có tính hệ thống nhưng chưa hoàn tất. Hơn 600 năm sau, năm 1879, Giáo hoàng Leo XIII, trong Thông điệp Aetterni Patris, chính thức tuyên bố triết học của Aquinas là triết học Kitô giáo.
Triết học Aquinas được công khai thừa nhận là mang bản sắc Aristotle với những phương pháp và những phân biệt của người Hi Lạp được thích nghi theo với mạc khải. Thế kỷ 13 là thời kỳ chủ chốt trong tư tưởng Kitô giáo, bị xâu xé giữa những tuyên bố của người theo phái Averroës và những người cực đoan theo Augustine. Aquinas chống đối cả hai trường phái ấy. Người theo Averroës do Siger de Brabant lãnh đạo, tách riêng đức tin và chân lý một cách tuyệt đối, còn người theo Augustine muốn biến chân lý thành vấn đề đức tin.

Aquinas cho rằng lý trí và đức tin lập thành hai cảnh giới hòa điệu trong đó các chân lý của đức tin bổ sung cho chân lý của lí trí; cả hai đều là tặng phẩm của Thượng đế, nhưng lí trí có sự tự quản của chính nó. Như thế, ông biện hộ cho quyền của lí trí chống lại nỗi sợ hãi của những kẻ muốn trấn áp Aristotle, xem ông là tổ phụ của Averroës và dị giáo. Theo Aquinas, nguyên lý đệ nhất của triết học là sự khẳng định hữu thể. Từ quan điểm ấy, ông tiến hành cuộc xem xét thái độ trong đó trí tuệ hiểu biết hữu thể là gì.

Ðối với con người, toàn bộ tri thức bắt đầu bằng con đường giác quan; qua trung gian đó, hắn nắm bắt cái phổ quát, tức là thế giới chỉ có thể nhận thức được bằng trí tuệ. Theo lập trường được cho là duy thực chủ nghĩa vừa phải (moderate realism) của Aquinas, một dạng thức hoặc cái phổ quát có thể hiện hữu theo ba cách: trong Thượng đế, trong vạn vật và trong tâm trí. Chính qua tri thức về vạn vật mà chúng ta đi tới hiểu biết sự hiện hữu của Thượng đế. Trong trật tự thiên nhiên thì chỉ có thể biết Thượng đế bằng loại suy và phủ định. 

Niềm xác tín của Aquinas vào việc lí trí có thể phát hiện sự hiện hữu của Thượng đế được chứng minh bằng các chứng cớ của ông về sự hiện hữu của Thượng đế. Phân tích của Aquinas về vấn đề này được tiến hành bằng các khái niệm của Aristotle về tính hiệu ứng và hành động, vật chất và dạng thức, hữu thể và yếu tính. Một vật đòi hỏi phải có vật khác mới trọn vẹn thì được cho là hiện hữu trong hiệu ứng của cái khác; sự nhận ra hiệu ứng ấy được gọi là thực tại.

Vũ trụ được nhận thức như một chuỗi sự vật được sắp xếp theo trật tự hướng thượng hoặc hiệu ứng và hành động, trong cùng một lúc được ban thưởng và được tạo nên bởi Thượng đế, kẻ một mình ngài là hành động đơn thuần. Thượng đế thì bất biến vì biến đổi có nghĩa là đi từ hiệu ứng tới hành động. Và như thế, Thượng đế hiện hữu mà không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc, vì cả hai cái đó đòi hỏi sự biến đổi. Vật chất và dạng thức đều thiết yếu để am hiểu sự biến đổi, vì biến đổi đòi hỏi đồng nhất tính của cái trở thành và cái mà nó trở thành. Vật chất là cái đầu và dạng thức là cái sau. Mọi vật có tính vật lý đều được làm thành bởi vật chất và dạng thức. 

Sự khác biệt giữa cái là dạng thức hoặc đặc tính với sự hiện hữu thật sự của nó được biểu hiệu bằng các thuật ngữ yếu tính và hữu thể. Chỉ ở trong Thượng đế mới có sự phân biệt giữa vật chất và dạng thức. Từng cặp một: vật chất và dạng thức, yếu tính và hữu thể, đều là những trùng hợp đặc biệt của hiệu ứng và hành động.

Hệ thống của Aquinas dựa trên ba phân biệt đó. Hữu thể cũng có thể được đặc điểm hóa bằng kiểu thức (mode). Kiểu thức không thêm được gì vào ý tưởng về hữu thể nhưng nó là phương cách để làm rõ ràng và dứt khoát cái tiềm ẩn bên trong hữu thể. Theo ý nghĩa nào đó, kiểu thức có nghĩa là sự phân chia hữu thể thành các phạm trù. Theo ý nghĩa khác, nó phô diễn những phân biệt nhất định của hữu thể trong sự chung chia với mọi loại. Theo ý nghĩa này, các kiểu thức được biết như là những cái tiên nghiệm; cùng với hữu thể, một cách chủ yếu, những cái đó là sự hiệp nhất, chân lý và cái thiện. Những từ ngữ ấy có thể hoán đổi cho nhau. Vì cái đối lập của hữu thể không hiện hữu và cái thiện thì đồng hóa với hữu thể, nên đối với Aquinas, thật rõ ràng rằng cái ác chỉ là sự vắng mặt cái thiện.

Suốt một thời gian dài, Aquinas bị bỏ sang một bên hoặc bị hiểu sai bởi ngay cả những triết gia vĩ đại nhất, nhưng tối hậu, những lời giảng của ông đã khải hoàn. Sự kiện chúng được công nhận chính thức trong Giáo hội Công giáo La Mã không có nghĩa người Công Giáo có thể không bám sát các triết học khác, đặc biệt các lời giảng mang bản sắc Scotus, được triển khai từ học thuyết của Duns Scotus (k.1270-1308), người sáng lập trường phái dòng thánh Phanxicô và mở cuộc tranh luận sôi nổi với Thomas Aquinas. Tổng hợp tuyệt vời của Aquinas ngày nay được khái quát công nhận là một trong những công trình vĩ đại nhất của tư tưởng loài người.

Triết học bao quát của ông được áp dụng vào mọi cảnh giới của cuộc sống con người. Thuyết Thomas — Thomist, được gọi cách ấy vì lòng kính trọng thánh vị Aquinô của ông do Giáo hội Công giáo phong — là một cấu trúc toàn vẹn trong chính nó, và không đơn giản là một bộ sưu tập các lý thuyết triết học. Các thuật ngữ tân Thomas và tân kinh viện được dùng để gọi một trường phái triết học trong thế kỷ 20. Các thủ lãnh Công giáo Pháp của trường phái này là Etienne Gilson (1884-1978), sử gia triết học và nhà thần học, và Jacques Maritain (1882-1973), nhà thần học, những kẻ tìm cách áp dụng các nguyên tắc của thuyết Thomas vào các điều kiện xã hội, kinh tế và chính trị hiện đại. Người ngoài Công giáo cũng tìm cách thích nghi các nguyên tắc của thuyết Thomas vào dời sống hiện đại; họ cũng được gọi là những người tân Thomas chủ nghĩa. .



7. BACON (1561-1626)

Triết gia, nhà nghị luận và chính khách người Anh. Tên đầy đủ: Francis Bacon. 

Bacon chào đời tại Luân Ðôn, theo học Ðại học Cambridge và trường luật Gray’s Inn.

Phụ thân ông là nhà quí tộc Nicholas Bacon, chưởng quản của nữ hoàng Elizabeth I. Trong khi làm nghị sĩ quốc hội, Nicholas chống chính sách thuế của nữ hoàng nên sự nghiệp chính trị bị trục trặc. Mãi về sau, Nicholas mới được tái bổ dụng, nhưng chỉ cho làm thành viên không chính thức của Hội đồng Luật gia.

Sự nghiệp chính trị của Francis Bacon bắt đầu năm 1601, khi ông đặt nhiệm vụ quốc gia lên trên tình bằng hữu, chống lại một ân nhân và là bạn thiết. Liền đó ông được bổ nhiệm một vai trò tích cực trong công tố viện, và quá trình ấy khiến ông bị nhiều người chê trách. Khi James I lên kế vị, vận mệnh của Bacon tăng tiến. Ông được phong hiệp sĩ năm 1603, chưởng quản năm 1617 và chánh thẩm tòa án tối cao năm 1618. Cùng năm đó, ông được phong Nam tước Verulam và ba năm sau, 1621, Tử tước St. Albans.

Nhưng vừa nhận tước Tử tước, Bacon liền bị cáo giác nhận hối lộ khi làm chánh thẩm — một tệ nạn thông dụng thời ấy. Ông nhận tội, bị phạt 40.000 bảng, loại khỏi pháp đình, cấm tham chính và tống ngục Tower. Sau đó, hình phat bằng tiền và tù được tái xét. Tuy thế, sự nghiệp chính trị của Bacon chấm dứt. Ông về hưu, dành trọn phần đời còn lại để viết.
Bacon viết cả triết học lẫn văn chương. Ông dự trù một công trình lớn lao. Ðó là bộ sách Instauratio Magna, nhưng chỉ hoàn tất hai phần, cuốn The Advancement of Learning (Tăng tiến kiến thức, 1605) về sau được ông triển khai ra tiếng La-tin thành cuốn De Augments Scientiarum (1623), và cuốn Novum Organum. Người ta còn đồn rằng có một số vở kịch mang tên Shakespeare là do ông viết vì trong đó, có nhiều chi tiết liên quan tới sinh hoạt cung đình trong khi Shakespeare chỉ là dân giả.

Ðóng góp của Bacon vào triết học chính là việc ông áp dụng phương pháp qui nạp của khoa học hiện đại vào triết học, đối lập với phương pháp tiên nghiệm của kinh viện học trung cổ. Ông thúc giục sự thẩm tra triệt để vào mọi trường hợp và tránh việc đặt lý thuyết trên các dữ liệu không thỏa đáng. Nhiều người phê bình Bacon là quá máy móc, không thành công trong việc tiến hành những thẩm tra của chính ông cho tới tận cùng luận lý của chúng, và không bắt kịp kiến thức đương thời.

Tới thế kỷ 19, Thomas Macaulay (1800-1859), sử gia và nhà nghị luận người Anh, phát động phong trào phục hồi uy tín cho Bacon như một nhà khoa học. Ngày nay, những đóng góp của ông được đánh giá với lòng tôn kính đáng kể. Cuốn The New Atlantis (Ðảo Atlantis mới, 1627) là một loại tưởng quốc Utopia khoa học. Các chi tiết của nó được phần nào thực hiện bởi tổ chức Hiệp hội Hoàng gia năm 1660, ba mươi tư năm sau khi tác giả qua đời. Các luận văn Essays (1567-1625), phần lớn có tính cách giảng huấn cách tiếp nhân xử thế, là những bài viết được đại chúng ưa thích nhất. Chúng nổi tiếng nhờ bút pháp sinh động, những quan sát tinh tế và phát biểu đánh động lòng người. Cho đến nay, chúng vẫn được nhiều người dùng làm sách ‘học làm người’.


8. DESCARTES (1596-1650)

Triết gia và nhà khoa học người Pháp. Tên đầy đủ: René Descates.

Thưở nhỏ, ông theo học trường của Dòng Tên (Jesuits). Sau khi tốt nghiệp Ðại học Poitiers, ông gia nhập quân đội của Hoàng thân Maurice of Nassau. Tới năm 32 tuổi, ông giải ngũ, sống ở Hà Lan. Tại đó, ông dành trọn thời gian để nghiên cứu khoa học, suy tưởng triết học và viết về những thành quả của mình.

Năm 1649, Descartes sang Stckholm để làm gia sư cho nữ hoàng Thụy Ðiển Christina, nhưng không chịu đựng nổi bầu khí nghiêm ngặt của cung đình và khí hậu khắc nghiệt phương bắc. Qua năm sau, ông từ trần vì bệnh sưng phổi, thọ 54 tuổi.

Trước ngày đi Hà Lan, Decartes đã bắt đầu công trình vĩ đại của đời mình. Các tiểu luận về Ðại số và Compendium musicae (Bản tóm lược về âm nhạc) có lẽ nên ghi lùi thời điểm, trước năm 1628. Thế nhưng cả hai xuất hiện năm 1637 với một nhóm các tiểu luận lần đầu tiên được Descates ký bằng tên của ông. Các tiểu luận ấy gồm văn bản danh tiếng Discours de la méthode (Luận về phương pháp), các luận văn về khúc xạ, về sao băng, về hình học phân tích.
Toán học là sở thích lớn nhất của Descartes. Ðược xây dựng trên công trình của những người khác, ông tạo ra các tọa độ Descartes, các vòng cung Descartes, và ông thường được cho là người sáng lập hình học phân tích. Ðối với đại số, Descates đóng góp vào việc giải căn số âm và qui ước ký hiệu mũ. Chính do bởi dự tính mở rộng phương pháp toán học tới mọi lĩnh vực của tri thức mà Descartes triển khai phương pháp luận của ông, và đó là khía cạnh chủ yếu của triết học Descartes.

Vứt bỏ hệ thống thế giá và thẩm quyền của triết học kinh viện, Descartes bắt đầu với sự hoài nghi mọi cái, kể cả những gì ông trải nghiệm vì ông cho rằng các giác quan thường đánh lừa ông. Nhưng có một cái ông không thể hoài nghi, đó là chính sự hoài nghi. Ðây là cốt lõi được ông trình bày trong câu nói danh tiếng của mình: Cogito, ergo sum: Je pense dons je suis: Tôi suy nghĩ tức là tôi hiện hữu.

Từ tính chất chắc chắn do sự hiện hữu của hữu thể tư duy, Descartes lần bước tới sự hiện hữu của Thượng đế. Ông biện hộ cho sự hiện hữu ấy bằng cách đưa ra bằng chứng dựa trên luận cứ mang tính bản thể luận của Anselm và bằng chứng dựa trên nguyên nhân đệ nhất, cái chắc chắn tạo ra trong người tư duy ý tưởng về Thượng đế. Như thế, trong khi đạt tới sự hiện hữu của Thượng đế, Descartes cũng với tới thực tại của thế giới vật lý thông qua Thượng đế, đấng không lừa dối tâm trí đang tư duy bằng các tri giác vốn là ảo giác.

Do đó, thế giới ngoại tại mà chúng ta đang tri giác phải hiện hữu. Như thế, Descartes rơi trở lại sự chấp nhận là thật những cái được chúng ta tri giác một cách rõ rệt và riêng biệt. Và ông nghiên cứu thế giới vật chất bằng cách tri giác các nối kết của nó. Ông nhìn thế giới vật chất như có tính máy móc chủ nghĩa, hoàn toàn cách ly với tâm trí, cái độc nhất nối kết giữa hai hữu thể bằng sự can thiệp của Thượng đế. Tới ngang đây, quan điểm của Descartes gần như hoàn toàn mang tính nhị nguyên luận.

Trong khoa học, Descartes vứt bỏ truyền thống. Bằng cuộc cách mạng ấy, ông ủng hộ phương pháp giống y như của Francis Bacon, nhưng ông nhấn mạnh sự hợp lý hóa và luận lý học chứ không nhấn mạnh kinh nghiệm. Trong lý thuyết vật lý, các học thuyết của Descartes được đề ra như một thỏa hiệp giữa đức tin Công giáo — ông suốt đời mộ đạo — và các phương pháp khoa học vốn bị người giáo hội thời đó chống đối. Ông viết Traité de l’homme et de la formation du foetus (Luận về con người và sự hình thành bào thai, 1664), một văn bản về sinh lý học. 

Thao tác trong tâm lý học, ông khẳng định rằng cuối cùng, cảm xúc đặt nền tảng trên sinh lý học và ông cho rằng sự phô diễn vật lý của các cảm xúc tự chúng kiểm soát chúng. Tác phẩm chính của Descartes về tâm lý học thì có Traité de passions de l’âme (Luận về những đam mê của linh hồn, 1650); triển khai triết học thì có Meditations de prima philosophia (Trầm tư triết học, 1641); cuốn Principia philosophiae (Nguyên lý triết học, 1664) cũng rất quan trọng.

Ảnh hưởng của Descartes trên triết học thật mênh mông. Người ta thường gọi ông là cha đẻ của triết học hiện đại. Thế nhưng, trong những năm giữa thế kỷ 20, địa vị quan trọng của ông bị thách đố vì có vài học giả chứng minh rằng ông mắc các nhà kinh viện học một món nợ lớn. Bước sang thế kỷ 21, khi tinh thần nhất nguyên của triết học Ðông phương thâm nhập văn hóa Tây phương, Descartes lại bị thách đố sâu sắc hơn.

Descartes ảnh hưởng lên người duy lý chủ nghĩa. Spinoza cũng phản ánh học thuyết Descartes tới một mức độ nào đó. Các môn đồ trực tiếp hơn của Descartes, các triết gia mang bản sắc Descartes tận tụy với vấn đề quan hệ của thể xác và linh hồn, của vật chất và tâm trí. Từ đó, đưa tới học thuyết về cơ hội chủ nghĩa (occationalism), được triển khai bởi triết gia Pháp Nicolas Malebranche (1638- 1715) và triết gia Bỉ, Arnold Geulincx (1624-1669). Descartes cũng ảnh hưởng rất rộng trong lãnh vực luật pháp và thần học. .



9. SPINOZA (1632-1677)

Triết gia người Hà Lan. Tên đầy đủ: Baruch hoặc Benedict Spinoza.

Spinoza thuộc một cộng đồng Do Thái từ Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha di cư sang, để lánh nạn Tòa án Dị giáo. Ðược giáo dục theo phong cách Do Thái giáo chính thống, ông cũng học tiếng La-tin và đọc các tác phẩm của Descartes cùng các nhà văn thuộc thời kỳ khác. Sự độc lập tư tưởng của Spinoza dẫn tới việc ông bị khai trừ khỏi cộng đoàn Do Thái năm 1656.

Cho tới khoảng năm 1660, Spinoza sống gần hay ngay trong thủ đô Armsterdam, nơi sinh quán, và sau đó tại Rijinsburg, Voorburg, và La Hague. Bằng khả năng mài tròng kính tuyệt giỏi, ông sống khiêm tốn, dành thời giờ để triển khai triết học của mình. Dù sống ẩn dật, ông học hành liên tục, trao đổi thư tín rộng rãi, và được nhiều triết gia ghé thăm. Năm 1673, Spinoza được mời làm giáo sư Ðại học Heidelberg nhưng ông từ chối để tiếp tục được sống an tĩnh. Ông qua đời năm 42 tuổi vì bệnh lao, mà rõ ràng ngày càng trầm trọng thêm vì bụi kính khi ông mài.

Các tác phẩm chính của Spinoza đều đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, v.v. kể cả một bản ông viết lại một phần những thuật ngữ được dùng trong công trình của Descartes (1663), cuốn Treatise on Religious and Political Philosophy (Luận về triết học tôn giáo và chính trị, 1670), và tác phẩm quan trọng của ông Ethics (Ðạo đức học), có lẽ viết xong năm 1665 nhưng chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời (1677). Tác phẩm Opera Posthuma của ông gồm cả Political Treatise (Luận văn chính trị), Treatise on the Improvement of Understanding (Luận về cải thiện tri thức), Letters (Thư từ) và Hebrew Grammar (Văn phạm tiếng Do Thái Híp-ri).

Spinoza bắt đầu bằng việc dịch Kinh thánh tiếng Híp-ri, và đó là bản đầu tiên nêu lên những câu hỏi cao cấp về Kinh thánh. Ðược triển khai trong cuốn Ðạo đức học, hệ thống triết học của ông đặt cơ sở trên thuyết duy nhất thể trong đó toàn bộ hiện hữu được gồm trọn trong một bản thể duy nhất, đó là Thượng đế. Ðấng thiêng liêng này, đôi khi được gọi là Thiên nhiên hoặc Tự nhiên, có vô lượng thuộc tính, nhưng chúng ta chỉ biết được có hai: tư tưởng và sự dàn trải.
Do đó, toàn bộ hiện hữu như chúng ta biết, được lĩnh hội trong hai khía cạnh ấy của cuộc sống thiêng liêng. Thuyết phiếm thần của Spinoza không dành chỗ cho tự do, cơ hội hoặc các ý tưởng truyền thống về sự bất tử. Cái đánh động tâm trí con người như cái ác, trong thực tại, là một thành phần của sự hoàn hảo của Thượng đế. Con người được tự do theo ý nghĩa rằng nó có thể hiểu và chấp nhận sự dự phần của nó vào trật tự thiêng liêng, nhưng nó không được tự do khi nó, phát xuất từ mù lòa cá nhân vị kỷ, kháng cự sự thiết yếu đó. Qua ‘tình yêu Thượng đế, có tính trí huệ’, người khôn ngoan đi tới nỗi hân hoan, nhưng Spinoza tin rằng các tôn giáo đại chúng và Kinh thánh có thể thành tựu hạnh phúc phù hợp với con người thông thường.

Spinoza là người sáng lập chế độ dân chủ và thúc giục giáo hội phải lệ thuộc vào quốc gia. Ông bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến và trên tất cả, tìm cách giải phóng con người khỏi sự sợ hãi. Trong thời của ông, thuyết phiếm thần dường như là một sự báng bổ, và khi ông còn sống, một số tác phẩm của ông bị cấm xuất bản. Qua các triết gia Gotthold Lessing (1729-1781), Johan G.Herder (1744-1803) và Johann Goethe (1749-1832), Spinoza ảnh hưởng lên chủ nghĩa duy tâm của Ðức.


10. HUME (1711-1776)

Triết gia và sử gia người Tô Cách Lan, Anh. Tên đầy đủ: David Hume.

Là nhân vật dẫn đầu trong thời Khai sáng tại Tô Cách Lan, Hume theo học luật tại Ðại học Edinburgh. Tới năm 1734, ông sang ở La Flèche tại Anjou, Pháp. 

Tại Pháp, Hume viết đại tác phẩm A Treatise of Human Nature (Luận văn về bản tính con người, 1739-1740), trong đó ông đúc kết và triển khai di sản thực nghiệm của Locke và Berkeley. Tuy thế, quan điểm của ông chỉ được biết tới rộng rãi khi ông viết hai cuốn Essays on Moral and Political (Tiểu luận về tính đạo đức và chính trị, 1741-1742), và bản tóm lược cuốn luận văn có nhan đề Enquiry concerning Human Understanding (Thẩm tra liên quan tới hiểu biết của con người) trong đó ông khiêu khích Kant và những người duy tâm chủ nghĩa đang phản bác chủ nghĩa duy nghiệm và chủ nghĩa hoài nghi của ông.

Trong thập niên 1750, Hume viết tác phẩm, được xuất bản sau khi ông qua đời, Dialogues Concerning Natural Religion (Những đối thoại liên quan tới tôn giáo tự nhiên). Chủ nghĩa vô thần của Hume gây trở ngại cho những lần ông thỉnh cầu học hàm giáo sư tại các Ðại học Edinburgh và Glasgow. Ông trở thành gia sư, thư ký, thủ thư tại Thư viện Advocate ở Edinburgh, nơi ông viết cuốn sách có tính đại chúng Political Discourses (Các nghị luận chính trị, 1752) và bộ sách 6 quyển History of England (Lịch sử nước Anh, 1754-1762).

Từ năm 1763 tới 1765, Hume làm thư ký cho đại sứ Anh tại Paris, và là khuôn mặt nổi bật trong xã hội Pháp. Sau đó ông về lại Luân Ðôn năm 1766 rồi ở Edinburgh từ năm 1768 cho tới ngày qua đời.


11. KANT (1724-1804)

Nhà siêu hình học Ðức, một trong những khuôn mặt vĩ đại nhất trong triết học. Tên đầy đủ: Emmanuel Kant.
Ông chào đời tại Konigsberg, lúc đó là Phổ, nay là Kaliningrad thuộc Nga. Ông theo học và gần như sống suốt đời ở đó. Bắt đầu làm gia sư cho vài gia đình, tới sau năm 1775, ông giảng dạy tại Ðại học Konigsberg về triết học cùng vài môn khoa học khác nhau. Tới năm 1770, ông nhận được qui chế giáo sư luận lý học cùng siêu hình học, và nổi tiếng rộng rãi qua các bài giảng và bài viết.

Các tác phẩm xuất bản sớm sủa của Kant thuộc lãnh vực khoa học tự nhiên, cách riêng thiên văn học và khoa học vật lý. Suốt cuộc đời mình, ông xuất bản rất nhiều tác phẩm với các đề tài trong một phạm vi rộng lớn. 

Cuốn đầu tay phản ánh những nghiên cứu của ông về Christian von Wolff (1679-1754), và Leibniz, được tiếp theo bằng một giai đoạn triển khai, cuối cùng đạt kết quả trong Critique of Pure Reason (Phê bình lí trí thuần túy, 1781). Tác phẩm cung cấp các luận cứ đánh phá chủ nghĩa duy nghiệm của Hume và trở thành kinh điển ấy, đánh dấu cho cái được hậu thế gọi là ‘giai đoạn chủ chốt’ với những văn bản chính. 

Trong số đó, những cuốn quan trọng gồm Prolegomena to Future Metaphysics (Lời giới thiệu siêu hình học tương lai, 1783), Foundations of the Metaphysics of Ethics (Các cơ sở siêu hình học của đạo đức học, 1785), Critique of Practical Reason (Phê bình lí trí thực tiễn, 1788), và Critique of Judgment (Phê bình óc phán đoán, 1790). Cuốn Religion within the Limits of Reason Alone (Tôn giáo trong các giới hạn của riêng lý trí, 1793), kích động lệnh của chính phủ cấm không cho ông xuất bản thêm sách về tôn giáo. Ông còn viết về chính trị học, và cuốn Perpetual Peace (Hòa bình vĩnh cửu, 1795) cổ vũ một hệ thống toàn cầu của các quốc gia tự do.

Theo Kant, việc ông đọc Hume đã đánh thức ông ra khỏi cơn mê ngủ giáo điều và đặt ông lên đường đi làm một ‘triết gia phê phán’, có thể xem như một tổng hợp đề của chủ nghĩa duy lý của Leibniz-Wolff và chủ nghĩa hoài nghi của Hume. Kant gọi đó là cái nhìn thấu suốt vào bản tính của tri thức, ‘Cuộc cách mạng Copernic trong triết học’. 

Thay vì giả định rằng các ý tưởng của chúng ta nếu đúng thì phải phù hợp với thực tại ngoại tại độc lập với sự hiểu biết của chúng ta, Kant đề nghị rằng thực tại khách quan chỉ được biết tới trong chừng mực nó phù hợp với cấu trúc cốt tủy của tâm trí đang hiểu biết. Ông quả quyết rằng các đối tượng của kinh nghiệm — tức là các hiện tượng — có thể được biết tới, nhưng ông cho rằng những sự vật nằm bên kia cảnh giới có thể kinh nghiệm — đó là các bản thể hoặc các vật tự thân — thì không thể biết tới dù sự hiện hữu của chúng là một tiền giả định thiết yếu. Hiện tượng có thể được tri giác theo các hình thức thuần khiết của nhạy cảm, không gian và thời gian, nhưng để được am hiểu, nó phải sở hữu những đặc tính lập nên các phạm trù am hiểu của chúng ta. 

Do đó, các nhà khoa học có thể chắc chắn rằng các sự kiện tự nhiên — mà chúng ta quan sát — có thể được am hiểu trong tương quan với các phạm trù. Như thế, lãnh vực tri thức của con người được giải phóng khỏi chủ nghĩa hoài nghi của Hume, nhưng vẫn bị giới hạn đối với thế giới hiện tượng. Mọi nỗ lực thuần lý thuyết nhằm am hiểu các vật tự thân đều bắt buộc phải thất bại. Sự thất bại không tránh khỏi ấy là chủ đề của cuốn Critique of Pure Reason, dưới tiểu đề ‘Transcendental Dialectic, Biện chứng pháp siêu nghiệm’. Trong đó, Kant trình bày rằng có ba vấn đề siêu hình học lớn lao: Thượng đế, tự do và sự bất tử. Cả ba vấn đề ấy đều không thể giải quyết bằng suy lý. Chúng ta không thể khẳng định hoặc phủ định sự hiện hữu của chúng dựa trên các cơ sở thuần lý thuyết, cũng không thể chứng minh chúng bằng khoa học, nhưng Kant thấy sự hiện hữu của chúng là thiết yếu trong triết học đạo đức của ông.

Ðạo đức học của Kant tập trung trong ‘mệnh lệnh vô điều kiện’ của ông (hoặc gọi là luật đạo đức): Hãy hành động như thể châm ngôn — hoặc nguyên tắc — mà bạn hành động theo đó, sẽ qua ý chí của bạn, trở thành luật phổ quát [cho mọi người trong cộng đồng]. Ðây là định luật có nguồn gốc trong sự tự quản của hữu thể có lý trí, và nó là công thức lập thành thiện chí tuyệt đối. Tuy nhiên, vì con người là thành viên của hai thế giới, một có thể cảm nhận bằng giác quan và một có thể nhận thức bằng trí óc, nên nó có thể hành động sai lầm, không theo định luật đó, mà thường hay theo thiên hướng hoặc sở thích cá nhân của y. Như thế, cái thiết yếu khách quan, nghĩa là ý nguyện tuân theo định luật, lại tình cờ chủ quan, và vì lý do đó, luật đạo đức mà con người đối mặt chính là hành động mà con người cảm thấy mình ‘nên’ làm. Thí dụ, thay vì làm điều kia theo sở thích thì vì đối mặt với luật đạo đức, ta cảm thấy mình ‘nên’ làm điều này.
Trong cuốn Phê bình lí trí thực tiễn, Kant tiếp tục phát biểu rằng đạo đức đòi hỏi phải tin vào sự hiện hữu của Thượng đế, tự do và sự bất tử, vì không có sự hiện hữu của cả ba cái đó thì không thể có đạo đức.

Trong cuốn Phê bình óc phán đoán, Kant áp dụng phương pháp phê bình của mình vào các phán quyết có tính cứu cánh luận và mỹ học. Kant lập luận rằng mọi phán đoán mỹ học, dù phổ quát, cũng không tùy thuộc vào bất cứ đặc tính nào của đối tượng, thí dụ cái đẹp hoặc tính thoát tục. Chủ đích của Kant trong cuốn này là khám phá cho ra chiếc cầu nối giữa thế giới có thể cảm nhận bằng giác quan với thế giới có thể nhận thức bằng trí óc. Ðây là chiếc cầu được tìm thấy trong các khái niệm về cái đẹp và về cứu cánh, và ít nhất nó cũng gợi cho thấy cả hai thế giới ấy, tối hậu, có khả năng hiệp nhất.

Không thể nào tính hết các kết quả do công trình của Kant mang lại. Ngoài sự thúc đẩy triển khai thêm các thuyết duy tâm tại Ðức của Johann G. Fichte (1762-1814), Friedrich von Schelling (1775-1854) và Hegel, triết học Kant còn ảnh hưởng lên hầu hết các lãnh vực tư tưởng. Trong số những kết quả tự nhiên do ảnh hưởng của Kant có thuyết tân Kant vào cuối thế kỷ 19. Phong trào này có nhiều chi nhánh ở Ðức, Pháp, và Ý. Hai chi nhánh chính là trường phái Marburg tại Ðức, được thành lập bởi Hermann Cohen (1842-1918) và gồm có Ernst Sassirer (1874-1945) và trường phái Heidelberg cũng tại Ðức với áp dụng của Kant vào các môn học văn hóa và lịch sử. Nối kết mật thiết với phái sau là Wilhelon Dilthey (1833-1911).

Kant ảnh hưởng lên tư tưởng Anh Mỹ qua triết học của William Hamilton (1788-1856) và Thomas H. Green (1836-1882), và một số tư tưởng mang bản sắc Kant được tìm thấy trong chủ nghĩa thực dụng của Williams James và John Dewey. Trong thần học, có thể tìm thấy ảnh hưởng của Kant trong các văn bản của Friedrich Schleirmacher (1768-1834) và Albrecht Ritschl (1822-1889); các ý tưởng của ông trong sinh học được triển khai bởi Hans Driesch (1867-1941), và trong tâm lý học Gestalt bởi Wolfgang Kohler (1887-1967)


12. HEGEL (1770- 1831)

Triết gia Ðức. Tên đầy đủ: Georg Wilhelm Friedrich Hegel.

Hegel chào đời tại Stuttgard và là con của một công chức thư ký. Ông theo học thần học ở Tubingen rồi làm phụ giảng tại các Ðại học Bern và Frankfurt; tới năm 1805, làm giáo sư Ðại học Jena. Cùng Schelling, ông là biên tập tờ Kritische Journal der Philosophie (Tạp chí Phê bình Triết học, 1802 -1803). Dù được xem là môn đồ của Schelling, ông vẫn công kích chủ trương của thầy mình, triển khai hệ thống do ông phác thảo, nhấn mạnh lên lý trí chứ không trên trực giác lãng mạn như Schelling, và lần đầu tiên trình bày nó trong Phenomenology of Mind (Hiện tượng học tâm trí, 1807).
Trong thời gian Napoleon chiếm đóng, Hegel biên tập một tờ báo (1807-1808), sau đó, ông thôi làm để giữ chức hiệu trưởng một trường giáo dục và rèn luyện thể lực, theo mô hình Gymnasium Hi Lạp, tại Nuremberg. Kế đó, ông quay về làm giáo sư tại các Ðại học Heidelberg (1816-1818) và Berlin (1818-1831), nơi ông càng ngày càng nổi tiếng.

Trong các bài giảng tại Berlin, Hegel đề ra một hệ thống được ông trau chuốt tỉ mỉ trong những tác phẩm sau đó của mình. Chủ yếu là các cuốn Science of Logic (Khoa học luận lý học, 1812- 1816), Encyclopedia of the Philosophical Science (Bách khoa khoa học triết lý, 1817), một phác thảo toàn bộ triết học của ông, và Philosophy of Right (Triết học về cái đúng, 1821). Ngoài ra, còn có các cuốn về đạo đức học, mỹ học, lịch sử và tôn giáo.

Các quan tâm của Hegel rất rộng, và chúng quyện vào nhau làm thành triết học đồng nhất của ông. Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối của Hegel đương đầu với ‘Linh hồn thế giới’, triển khai từ đó và qua đó ông trình bày cái được gọi là ‘Biện chứng pháp Hegel’. Theo biện chứng pháp ấy, một khái niệm (tiền đề) đương nhiên phát sinh cái đối lập của nó (phản đề), và cả hai đề ấy tương tác dẫn tới một khái niệm mới (tổng hợp đề). Tới lượt cái thứ ba này trở thành tiền đề của một bộ ba mới.

Hegel đánh giá nghiên cứu của Kant về các phạm trù là chưa đầy đủ. Ý tưởng về hữu thể thì có tính nền tảng nhưng nó gợi ra phản đề phi hữu thể của nó. Tuy thế, hai cái đó không hỗ tương loại trừ nhau vì nhất thiết chúng tương tác ra tổng hợp đề, là cái chúng phải trở thành. Vì thế, hoạt động là cơ bản, tiến bộ là phải lẽ và luận lý là căn bản của tiến trình thế giới. Nghiên cứu thiên nhiên và tâm trí đều vén lộ cho thấy lý trí nhận biết chính nó trong vũ trụ luận và lịch sử. Tiến trình thế giới thì có tính tuyệt đối, và nguyên lý tích cực ấy không vượt lên trên thực tại nhưng hiện hữu qua thực tại và trong thực tại. Vũ trụ triển khai bằng một kế hoạch tự tạo, tiến lên từ các thiên thể tới thế giới này, từ lĩnh vực khoáng vật tới thực vật, từ lĩnh vực thực vật tới sinh vật.

Có thể phát hiện trong xã hội một quá trình diễn tiến y như thế. Hoạt động của con người dẫn tới của cải và của cải dẫn tới luật pháp. Từ mối quan hệ giữa cá nhân và luật pháp phát triển tổng hợp đề của đạo đức, ở đó, sự tương thuộc và tự do của cá nhân tương tác tạo thành quốc gia. Do đó, quốc gia là một tổng số ở bên trên mọi cá nhân, và vì thế, nó là một đơn vị. Sự phát triển cao nhất của đơn vị ấy là nền cai trị bằng chế độ quân chủ. Một quốc gia như thế là hiện thân của ý tưởng tuyệt đối.

Trong nghiên cứu của mình về lịch sử, Hegel duyệt lại lịch sử của các quốc gia, tuần tự từ các nước ít có ảnh hưởng lên nhân dân cho tới các nước đại diện cao hơn cho cái tuyệt đối. Dù phần lớn triển khai ấy của ông đáng ngờ, nhưng khái niệm của ông về sự xung đột giữa các nền văn hóa kích thích người ta phải phân tích lịch sử.

Hegel xem nghệ thuật như một lối tiếp cận gần cái tuyệt đối hơn là chính quyền. Hegel chia lịch sử nghệ thuật thành ba thời kỳ: thời Ðông phương, thời Hi Lạp và thời Lãng mạn. Ông tin rằng hình thức lãng mạn nghệ thuật hiện đại không dung chứa nổi tính chất trọng đại của lý tưởng Kitô giáo. 

Hegel giảng dạy rằng tôn giáo chuyển dịch qua một chuỗi cấp bậc, từ sự bái lạy thiên nhiên tới Kitô giáo, nơi Ðức Kitô biểu hiện sự hiệp nhất của Thiên Chúa và con người, của linh hồn và vật chất. Triết học đi quá bên kia tôn giáo khi nó làm cho con người có khả năng lĩnh hội sự phơi mở của cái tuyệt đối trong toàn bộ lịch sử.

Hegel ảnh hưởng lên nhiều triết gia đi sau ông. Chủ nghĩa duy tâm hậu Hegel, chủ nghĩa hiện sinh của Kierkegaard và Sartre, chủ nghĩa xã hội của Marx và Ferdinand Lasalle (1825-1864) và chủ nghĩa công cụ của John Dewey. Lý thuyết của ông về quốc gia là sức mạnh dẫn đạo cho Phong trào Thanh niên Hegel tìm cách thống nhất nước Ðức. 

Sau khi Hegel qua đời, các bài giảng của ông về triết học, tôn giáo, mỹ học và lịch sử được kết tập thành một bộ sách tám cuốn. 
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved