Thứ Năm ngày 3-8-2012, tại Hội trường Viện Văn học, GS. Lộc Phương Thủy đã thuyết trình về Xã hội học văn học ở Pháp. Dưới đây là tóm tắt nội dung bài thuyết trình của GS. Lộc Phương Thủy:
XÃ HỘI HỌC VĂN HỌC Ở PHÁP
1. Xã hội học văn học (XHH VH) là gì?
Để tham khảo, xin nêu một số định nghĩa: từ Từ điển xã hội học được dịch từ tiếng Đức do G. Endruweit và G.Trommsdorg chủ biên.
Từ một số tài liệu tiếng Pháp như Từ điển các nền văn học từ góc độ lịch sử, đề tài và kỹ thuật (Dictionnaire historique thématique et technique des Littératures)[1]
Tác giả J.-Y.Tadié trong tác phẩm Phê bình văn học thế kỷ XX[2].
Cuốn Xã hội học văn học mới của hai tác giả Paul Aron và Alain Viala (2006)[3].
Cuốn Xã hội học văn học Paul Dirkx mắt năm 2000[4].
Nhận xét: XHH VH là một ngành nghiên cứu đặc thù liên quan đến hai chuyên ngành văn học và xã hội học, nó nghiên cứu tất cả các vấn đề liẻn quan đến quan hệ giữa đời sống xã hội và đời sống văn học, gồm các vấn đề thuộc bên trong và bên ngoài tác phẩm, các vấn đề thuộc giai đoạn trước – trong và sau tác phẩm.
2. Những nhân vật tiêu biểu của XHH VH ở Pháp
2.1. R.Escarpit (1918-2000)
-Giáo sư chuyên gia về VH Anh, ông là tác giả của khoảng 50 tác phẩm, trong đó có các nghiên cứu VH, XHH, cũng như các tiểu luận và tiểu thuyết.
-Năm 1958 cuốn Xã hội học văn học của R. Escarpit, được xuất bản.
Cuốn sách đã được dịch ra 23 thứ tiếng và có tiếng vang trên toàn thế giới. Đó là nghiên cứu đầu tiên bằng tiếng Pháp đặt vấn đề nghiên cứu “các hiện tượng văn học” bằng phương pháp xã hội học quan tâm đến các vấn đề về sách, người đọc và hệ thống phát hành đưa ra những phương pháp tác động đến toàn bộ hệ thống văn học, trong đó có người đọc.
-Robert Escarpit là người sáng lập ra trường phái xã hội học văn học Bordeaux.
2.2. L.Goldmann ( 1913 – 1970 )
-Là nhà triết học, nhà phê bình VH Pháp.
-Xã hội học văn học theo phương pháp của Goldmann coi tác phẩm văn học như một sản phẩm được đặt trong ngữ cảnh xã hội và lịch sử. Tác giả văn học được xác định bởi những điều kiện lịch sử cụ thể, còn tác phẩm của anh ta là sự thể hiện thế giới, là sự sáng tạo có cấu trúc của một vũ trụ riêng, được xác định bằng các quan hệ xã hội và lịch sử.
-Ông tiếp thu các tư tưởng của Marx, là học trò Lukacs, nhưng không đồng tình với quan niệm máy móc của “lý thuyết phản ánh”, và chỉ ra những điểm bất cập của lối tiếp cận xã hội học văn học chỉ thiên về nội dung.
-Thừa kế chủ nghĩa cấu trúc, Goldmann đã xác lập một phương pháp tiếp cận mới trong xã hội học văn học, đó là phương pháp cấu trúc phát sinh.
-Một số thuật ngữ có tính chất chìa khóa: Quan niệm về thế giới, Sự gắn kết,Sự tương quan đối ứng
-Tác phẩm của Goldmann: Thượng Đế ẩn giấu (1956) là tác phẩm chính của Goldmann thể hiện quan niệm tương quan đối ứng giữa tác phẩm và ý thức nhóm xã hội; Vì một xã hội học tiểu thuyết (1964): sự tiếp tục nghiên cứu của ông về các mối quan hệ giữa tác phẩm văn học và thời đại.
2.3. P.Bourdieu ( 1930 – 2002 )
-Trong lịch sử xã hội học Pháp và phương Tây thế kỷ XX, P. Bourdieu nhà xã hội học người Pháp đóng vai trò quan trọng trước hết bởi số lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu của ông,bởi ảnh hưởng trực tiếp của ông đến rất nhiều nhà nghiên cứu ở Pháp và ở nhiều nước châu Âu, cũng như bởi các khái niệm và phương pháp do ông đưa ra đã tham gia vào việc đổi mới tư duy xã hội học vào nửa sau thế kỷ XX .
-Tác phẩm Quy tắc của nghệ thuật. Sự hình thành và cấu trúc của trường văn học (1992) [5] của ông nghiên cứu về “trường văn học”, thể nghiệm một hướng nghiên cứu mới về tác phẩm nghệ thuật và về người nghệ sĩ như những sản phẩm xã hội trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể vừa có những đặc tính nội tại riêng, vừa có liên hệ mật thiết với các tác phẩm và nghệ sĩ khác, cũng như các lĩnh vực xã hội khác.
- Ảnh hưởng của Bourdieu bao trùm rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, văn học, ngôn ngữ, giáo dục…Trong phạm vi áp dụng lý thuyết “trường” có thể thấy ở rất nhiều công trình ở Pháp, các nước nói tiếng Pháp, tiếng Anh và ngay cả Trung Quốc.
3. XHH VH ngày nay ở Pháp – Thế kỷ XXI
Mặc dù cho đến nay vẫn còn những ý kiến chưa ngã ngũ về số phận và sự tồn tại của XXH VH, nhưng ở Pháp cách tiếp cận XHH VH vẫn không ngừng được ứng dụng trong thực tế phê bình và nghiên cứu văn học.
- Theo tác giả R. Sayre trong cuốn Xã hội học VH (2011) thì XHH VH ở Pháp vào thế kỷ XXI vẫn không ngừng phát triển: một loạt các tác phẩm của nhà XHH VH có tên tuổi được tái bản, các công trình xuất bản mới vẫn tiếp tục các quan điểm của các nhà XHH VH tiêu biểu của thế kỷ XX.
-Kết hợp với một số thông tin từ cuốn sách của Sayre đã nêu trên và những tư liệu có trong tay (tất nhiên là chưa thể đầy đủ), chúng tôi thấy XHH VH ở Pháp những năm đầu của thế kỷ XXI vẫn tồn tại và khẳng định sức sống của mình.
4. Khả năng ứng dụng ở Việt Nam
-Hầu như không thể tìm thấy mục từ “xã hội học văn học” trong các sách liên quan đến xã hội học, có nghĩa là XHH VH không thuộc phạm vi nghiên cứu của xã hội học.
-Nhìn sang lĩnh vực văn học, ở Việt Nam, trong một số từ điển hoặc sách thuộc dạng từ điển văn học (kể cả sách dịch)[6] chúng ta đều không bắt gặp XHH VH với tư cách là một mục từ riêng biệt.
-Mặc dù vậy, từ khoảng hơn một chục năm nay, dù không nhiều nhưng đã có những nghiên cứu nhắc đến đến vấn đề này. Đặc biệt, trong thời gian vài năm gần đây đã xuất hiện những nghiên cứu văn học Việt Nam dựa trên thành tựu của các nhà xã hội học văn học Pháp, đặc biệt là từ lý thuyết “trường” của Bourdieu.
-Theo chúng tôi, khả năng áp dụng các thành tựu của cách tiếp cận XHH VH là có thể (nhất là với những kinh nghiệm nghiên cứu áp dụng lý thuyết của R.Escarpit và P.Bourdieu):
+ nó sẽ mở thêm những khả năng tiếp cận mới,
+những đường hướng mới, những đề tài nghiên cứu mới, những thao tác, những công cụ nghiên cứu mới,
+những cách tiếp cận mới trên cơ sở đối tượng những đề tài nghiên cứu cũ, đặc biệt đối với nhiều vấn đề vẫn nằm trong diện “tồn kho”.
CHÚ THÍCH
[1] Dictionnaire historique thématique et technique des Littératures, Larousse, Paris, 1990
[2] J.-Y. Tadié, La critique littéraire au XX siècle, Pocket, 2002, tr.155.
[3] Paul Aron và Alain Viala, Socilogie de la littérature,PUF,2006.
[4] Paul Dỉkx, Socilogie de la littérature, Armand Colin, 2000.
[5] P. Bourdieu, Les règles de l’art. Genèse et structure du champ littéraire, Paris, Seuil, 1992. Văn bản do chúng tôi sử dụng ở đây là văn bản có bổ sung và sửa chữa, được tái bản năm 1998.
[6] Lê bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, 1997,2000; Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, 1999; I.P.Ilin và E.A.Tzurganova chủ biên,Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa kỳ thế kỷ 20,Nxb Đại học Quốc gia, 2003.