Home » » Biểu tượng triết học Thiền tông

Biểu tượng triết học Thiền tông

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012 | 18:30


Biểu tượng triết học Thiền tông
Tác giả: Ngô Ngôn Sinh
NXB: Trung Hoa thư cục
Tóm tắt nội dung:
Triết học Thiền tông lấy giải cấu trúc làm chủ, dùng “phép trừ”, thông qua tiêu giải định thế tư duy để loại bỏ những bụi bẩn của tình ý, từ đó thấu suốt được bản tâm; nó không khác gì cách dùng “phép cộng” để xây dựng một “hệ thống” nào đó. Nhưng, khi tác giả đi dạo chốn Thiền lâm, thấu suốt những công án núi bạc tường thép, thưởng thức những ý tượng tân kỳ đẹp đẽ, ngâm ngợi những câu thơ Thiền đầy trí tuệ và linh cảm thì cũng ngạc nhiên phát hiện ra, những công án, tụng cổ, thiền ngữ của triết học Thiền tông kia, trong ánh chớp đốn ngộ vẫn lóe lên một thứ lý tính thâm trầm, trong cheo leo trí tuệ vẫn ngọt ngào một mạch nguồn giải thoát, thể hiện một cảnh giới cao nhất của thẩm mỹ – đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy triết học và ý thơ.
Tác giả:
Ngô Ngôn Sinh, người Hộ Giang, An Huy, sinh năm 1964, tốt nghiệp Đại học sư phạm Thiểm Tây năm 1999, Tiến sĩ Văn học, Hậu TS Triết học của Đại học Nhân dân. Hiện đang là giáo sư đại học sư phạm Thiểm Tây, kiêm nhiệm Nghiên cứu viên của Trung tâm Thi pháp Trung quốc Đại học Sư phạm An Huy; Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Thiền học Hà Bắc. Tác giả công trình Thiền học Trung Quốc (chủ biên) và nhiều bài tạp chí về Thiền học, nghiên cứu thi pháp khác.

Mục lục:
PHẦN THƯỢNG
Chương Một: Bản nguyên tâm tính của Công án và Tụng cổ
1. Sự siêu việt của bản tâm
2. Sự lạc đường của bản tâm
Chương Hai: Công án, tụng cổ và Bất nhị pháp môn
1. Tiêu trừ chọn lựa
2. Cắt đứt dòng ý nghĩ
3. Dẹp bỏ ngôn ngữ
4. Tiêu giải tự tha
5. Hòa hợp sinh/ tử
6. Đả thông thánh/ phàm
7. Dung hợp không/ hữu
Chương Ba: Công án, tụng cổ và Thiền môn cơ phong
1. Sự nhanh chóng của cơ phong gõ nhịp (tán thưởng)
2. Sự xã giao của cơ phong tán thán
3. Sự đại dụng của cơ phong tán thưởng
4. Sự trì độn của cơ phong phê bình
Chương Bốn: Công án, tụng cổ và cảnh giới Thiền ngữ
1. Tất cả đều có sẵn
2. Cái biểu đạt và cái được biểu đạt đều bị tiêu tan
3. Sự hòa quyện và thu hút lẫn nhau
 PHẦN HẠ
Chương Năm: Bản tâm luận của triết học Thiền tông
1. “Bản lai diện mục”
2. “Vô vị chân nhân”
3. “Cái này” và “cái kia”
4. “Phụ mẫu vị sinh thời” (Khi chưa được cha mẹ sinh ra)
5. “Tâm nguyệt” và “tâm châu”
6. “Đào nguyên xuân thủy”
7. “Thốn ty bất qua”(trong lòng không vướng bận)
Chương Sáu: Mê thất luận của triết học Thiền tông
1. “Mê đầu nhận ảnh” (không nhận ra chính mình)
2. “Xả phụ đào tẩu” (bỏ cha mà chạy)
3. Vứt bỏ gia bảo
Chương Bảy: Khai ngộ luận của triết học Thiền tông
1. Ma kính tiệm tu
2. Thập ngưu đồ tụng (Thập Mục Ngưu Đồ là 10 bức tranh chăn trâu tượng trưng cho tiến trình của sự tu tập theo Phật Giáo: chăn trâu, tìm trâu, mất trâu, cưỡi trâu về nhà…)
3. Ngã pháp nhị không
4. Tiệt đoạn lưỡng đầu (chặt đứt hai đầu – tức không nghĩ thiện không nghĩ ác)
Chương Tám: Bất nhị pháp môn của Triết học Thiền tông
1. Bỉ thử bất nhị
2. Cấu tịnh bất nhị (bụi bẩn – sạch sẽ)
3. Sinh tử bất nhị
4. Chỉ nguyệt bất nhị (ngón tay chỉ trăng – trăng)
5. Sắc không bất nhị
Chương Chín: Cảnh giới luận của triết học thiền tông
1. Xúc mục Bồ đề (nhìn đâu cũng là Bồ đề )
2. Thủy nguyệt tương vong (quên cả nước lẫn trăng)
3. Châu quang giao ánh (tất cả hòa quyện vào nhau không phân biệt)
5. Cơ xan khốn miên (đói thì ăn, mệt thì ngủ)
________________________
Chú thích
1. Công án có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc pháp chiến. Nhưng chúng có chung một điều là đề cập đến thể tính của vạn vật. Đặc trưng của công án là thường thường nghịch lí, “nằm ngoài phạm vi của lí luận”. Công án không phải là “câu đố” thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lí luận, muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Công án dịch tiếng Anh là Public cases.
2. (Cũng theo ông): Tụng cổ nghĩa là đọc lại những cổ tắc, những công án, và những thoại đầu. Đối với một công án hay cổ tắc, vị thiền sư cho ra một bài tụng để giúp người đệ tử có thể hiểu được công án đó, và bài đó gọi là tụng cổ. Bài tụng cổ thường thường có “cử” (xướng lên, là trích ra, cử lên).
Nói cái công án lên thì gọi là cử.
Ví dụ công án thứ 16 của vua Trần Thái Tông:
Lâm Tế sau khi xuất thế, chỉ dùng có phép bổng, yết để khai thị đồ chúng. Hễ thấy một vị tăng vào cửa là hét. Có nghĩa là thiền sư Lâm Tế sau khi ra dạy đạo thì dùng phép bổng và yết tức là dùng gậy và tiếng hét.
Sau khi cử ra công án thì tới niêm. Niêm là cầm ra, cầm lên như là niêm hương. Công án này đã được vua Trần Thái Tông cầm lên, nói một vài câu để giúp cho người học trò thấy được, khám phá được cái gì sâu sắc và bí hiểm trong công án đó. Vua niêm như sau:
Giữa trưa mồng Năm tháng Năm, Bao nhiêu độc địa trong lưỡi miệng đều tan biến.
Kế đến là tụng. Tụng là một bài kệ, nhắm vào bài công án để giúp cho người thiền sinh có một cơ hội thứ hai. Bài tụng cổ của vua Trần Thái Tông như sau:
Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét,
Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con,
Một tiếng sấm Xuân vừa chấn động,
Khắp nơi cây cối nẩy mầm non.
 3. Cơ phong: hiểu đại ý là những lời đối đáp cơ trí trong công án, có thể xem là linh hồn của công án.
(Lyluanvanhoc.com cám ơn TS. Bùi Thiên Thai đã giới thiệu)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved