Hai gã họ Trần và một sáng Hà Nội
Nhạc sĩ Trần Tiến, người luôn tự hào cùng với Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Cường là thành viên nhóm tứ quái "giai Hà Nội", một sớm chớm xuân rủ tôi và nhà thơ "quê một đống" Trần Đăng Khoa ăn phở chính gốc Hà Nội.
Mưa xuân dở ương đẫm hạt, dọc các con phố, những hàng cây, là dường như xanh cứng hơn sau những cơn rét chẳng cần phải nêm nếm cũng đủ thấy... ngọt. Vào quán phở trên đường Tô Hiến Thành, phải mướt mồ hôi Trần Tiến mới xí được chỗ ngồi lưng tựa tường ẩm mốc cho cả ba.
"Này Khoa, cậu có CD mới của tớ chưa nhỉ?". Không chờ Trần Đăng Khoa đáp, Trần Tiến rút ở túi một xấp CD còn trong bao ni lông phẳng lỳ đưa Trần Đăng Khoa. Tất nhiên gã nhà thơ họ Trần rất vui vẻ nhận món quà tinh thần của gã nhạc sĩ cũng họ Trần ấy, đã thế còn tung ra một câu thách đố rợn người: "Em với bác đánh cá nhé, bác cứ nói tên bất cứ bài hát nào của bác em sẽ hát trọn bài ấy cho bác nghe".
Trần Tiến có đến gần ngàn bài hát chứ ít à! Gã Khoa này liều thật. Tất nhiên chả ai dại gì lại tổ chức cuộc thách đố thi hát ở một quán phở om sòm tiếng băm thịt, tiếng đập hành, tiếng húp nước lèo xùm xụp.
Tôi nhớ, một lần ở quán nhậu Sài Gòn, nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng đã từng thách đố với Trần Tiến như vậy. Đỗ Trung Quân đã lầu lầu hát cả những bài hát chính Trần Tiến quên béng từ lâu rồi. Đỗ Trung Quân dính tới cánh nhạc sĩ, cánh ca sĩ nhiều vì thường xuyên làm MC cho các "sô" của họ, hơn nữa, thời đi thanh niên xung phong Đỗ Trung Quân từng là một ca sĩ có hạng, vừa gẩy ghita vừa hát làm đảo điên ối em áo xanh nõn.
Còn Trần Đăng Khoa, chưa ai từng nghe gã hát, đương nhiên cũng chưa ai từng thấy gã đàn, vậy mà... Nhưng tôi tin ở cái trí nhớ thần đồng của Trần Đăng Khoa, người không thua nhà văn Lê Lựu cái khoản thuộc làu cả một thiên tiểu thuyết, thậm chí thuộc cả từng dấu chấm, dấu phẩy. Trần Tiến không biết có tin vào cái tài nhớ của Trần Đăng Khoa hay không, nhưng gã sướng lắm, hàm răng cán cuốc xin xỉn vì rít quá nhiều thuốc lá nhe ra cười đến... dễ thương.
Không sướng sao được khi một nhà thơ danh tiếng thuộc hết bài hát của mình, mà lại toèn toẹt ra điều ấy trước thiên hạ ở quán phở. Trần Đăng Khoa đủ thông minh để ngửi được rằng gã nhạc sĩ kia chắc chắn chẳng thuộc được bài thơ nào của mình, may ra thì lõm bõm vài câu "Lá rơi khe khẽ như lá rơi nghiêng" hay "Biển một bên và em một bên" là cùng.
Biết vậy nên Khoa chả dại gì thách đố ngược lại mà lẳng lặng nhét đống CD nhạc Trần Tiến vào cái túi rết trông như túi mấy bác phòng thuế đi thu tiền thuế ngoài chợ, rồi rút ra từ cái túi rết ấy một xấp... từ "Từ góc sân nhà em", đến "Đảo chìm", rồi đến "Chân dung và đối thoại" tặng lại Trần Tiến.
Do quán phở quá đông khách, hai gã họ Trần làm thủ tục "trao đổi sản phẩm", thậm chí còn thêm cả đống ngôn từ "tiếp thị quảng cáo", nào là CD này đã bán hết từ lâu, nào là cuốn "Đảo chìm" của em in lần thứ 13 rồi đấy, mới xuất hiện chàng nhân viên đến hỏi: "Các bác dùng phở gì để nhà em phục vụ ạ?". Trần Tiến chỉ chờ có thế bèn khoe ngay kiến thức về phở của mình: "Cụ Nguyễn Tuân dạy rằng, ăn phở phải ăn phở bò, mà ăn phở bò phải là phở thịt bò chín".
Và, chẳng cần biết ý của Khoa và tôi thế nào "bao cấp" luôn: "Ba bát phở bò chín". Tôi tủm tỉm cười, vì biết chắc rằng Trần Đăng Khoa sẽ chối đây đẩy ngay: "Dạ, em không ăn được phở bò ạ!". Và Trần Đăng Khoa đã nói đúng câu ấy. Trần Tiến trố mắt: "Thế cậu ăn được phở gì?" - Em ăn được bất cứ phở gì miễn không phải là phở bò". Quán phở bò chỉ có mỗi... bò, vậy là chàng nhà thơ đành ngồi bấm bụng đói vậy.
Chuyện Khoa không ăn được phở bò, tôi biết cách đây 30 năm. Đó là một tối mùa đông tôi chở Khoa bằng xe đạp, lúc đi qua Lăng Bác, Khoa đột nhiên nhảy tót xuống đường nhặt lên tờ một đồng ai đó đánh rơi. Rồi Khoa nói: "Anh em mình đi đánh chén đi".
Chúng tôi tới một quán phở bò lẫn phở gà, Khoa vốn sạch sẽ bèn vào nhà vệ sinh kỳ cọ tay trước khi ăn. Tôi kêu hai bát phở bò, mỗi bát 5 hào. Khi khoa ra thấy phở bò thì nhăn mặt không đụng đũa. Khoa thú thật: "Em sợ thịt bò". Tôi lúc ấy không có đủ tiền để gọi bát phở gà bù cho Khoa. Vậy là tôi một mình xơi luôn hai bát phở bò, còn Khoa thì ngồi... ngó.
Bây giờ Khoa cũng đang phải ăn phở... ngó đây. Trần Tiến tranh thủ vừa ăn vừa thuyết giảng về phở bò, nào là, đây là quán phở nổi tiếng nhất nhì Hà Nội vì là của con cháu cụ Cổ Cừ - người nấu phở ngon nhất Hà Nội một thời. Rất may chuyện về phở cụ Cổ Cừ hấp dẫn quá nên Khoa không chỉ trố mắt ngó mà còn há hốc miệng để... nghe.
Trần Tiến kể chả biết sự thật bao nhiêu phần trăm, nhưng cứ tạm tin rằng, hồi nhỏ gã làm chân rửa bát thuê cho quán phở cụ Cổ Cừ. Lúc nghỉ tay, theo tiêu chuẩn cả đám nhân viên được tự mình làm cho mình một bát phở "không người lái", tức là không có thịt. Cụ Cố Cừ kiểm tra, lấy đũa hất bánh phở các nhân viên lên đều thấy thịt giấu ở dưới, riêng bát phở của chàng nhạc sĩ tương lai thì không miếng thịt nào.
Cụ Cổ Cừ gọi Trần Tiến lên bảo: "Tao sẽ dạy cho mày vì mày là đứa thật thà". Trần Tiến khều bánh phở trong bát lên cho Trần Đăng Khoa thấy bánh phở rồi giải thích: "Bánh phở phải thái bằng tay thành từng sợi bé và to như thế này. Còn nước phở phải hầm xương một đêm, xương phải lo ló trên mặt nước. À, còn nữa, đôi đũa gắp phải là đũa tre ngâm".
Trần Đăng Khoa chọc ngoáy vào: "Ở quê em, bác ạ, người ta kỵ dùng đũa tre ngâm vì mùi của nó thum thủm lắm!". Trần Tiến cười: "Phải có bí quyết để tre ngâm mất mùi chứ. Đũa tre ngâm thì gặp nóng không bị cong. Ăn phở tối kỵ là đũa lệch, đũa vênh. Hiểu chửa?".
Mời bạn ăn sáng mà bạn không ăn đâu có được. Sau khi kễnh bụng... phở, Trần Tiến mời Trần Đăng Khoa đến quán bún ốc bà Sáu trên đường Mai Hắc Đế.
- Cậu chơi được bún ốc không? Trần nhạc sĩ hỏi rất rành rọt.
- Được. Trần nhà thơ cũng đáp rất rành rọt.
Đến lúc này thì ông Trần nhạc sĩ ăn bún ốc... ngó, còn ông Trần nhà thơ thì vừa rì rì, nhỏ nhẻ ăn bún ốc vừa say sưa thuyết giảng về... ốc, cho... biết mặt.
- Ở quê em Hải Dương có một thời đài hiếm, người ta nhìn ốc đoán thời tiết các bác ạ. Ở các ao có những cọc rêu, cứ thấy ốc bám đầy cọc rêu khúc lồi trên mặt nước là biết trời sắp mưa to. Tụi em bơi ra chỗ cái cọc ấy, vuốt một cái được cả đống ốc - gọi là ốc... vuốt. Em kể các bác nghe, bí quyết "làng truyền" quê em bắt ốc thế nào nhá. Người ta lấy ngọn lá dâm bụt vò nát rồi dúi một góc ao. Ba ngày sau ngọn lá vò bị thối ra, cái anh ốc là thích nhất mùi lá dâm bụt thối đó, bao nhiêu ốc trong ao lùa đến đó cả, cứ thế mà... xúc. Bọn em bảo đó là trò bẫy ốc. Có ông béo phệ ở làng thấy vậy, toang toác chửi: "Tiên sư bố nhà các anh, lừa nhau chưa đủ hay sao lại còn đi lừa... ốc".
Trần nhạc sĩ nghe chuyện quê của Trần nhà thơ, miệng ngậm lại, mắt nhắm ti hí. Với Trần nhạc sĩ cử chỉ ấy chứng tỏ là nghe "há hốc" thật, chứ không phải nghe... diễn cho bạn sướng.
Thế rồi điện thoại của Trần nhà thơ reo réo, "Alô, tao tới họp đây". Chả gì cũng là ông quan "cấp trưởng ban" của Đài Tiếng nói Việt Nam mà. Điện thoại của Trần nhạc sĩ reo réo: "Anh Tiến đây ừ, ừ" ngọt như mía Phùng lùi, chả gì cũng là ông "quan... tình" mà. Cả hai hối hả đi, và, điều kỳ lạ cả hai cùng nghễnh ngãng quên mất cái việc quan trọng nhất là trả tiền. Nhưng điều kỳ lạ hơn là cô bán bún ốc gia truyền mà bí quyết chính là "bỗng" con gái bà Sáu cứ để hai ông đi, không hề gọi giật lại đòi tiền.
Tái bút: Trên đường đi Trần Đăng Khoa sực nhớ chưa trả tiền, đã quay lại quán bún ốc bà Sáu để trả. Tôi hỏi Trần Tiến: "Bác đã trả tiền phở chưa?". Trần Tiến cười hơ hớ: "Tớ cũng đếch biết nữa".
Theo Lưu Trọng Văn