Trò chuyện với con trai công tử Bạc Liêu
Ông Trần Trinh Nhơn (áo sậm) và nhà văn Phan Trung Nghĩa trong ngôi nhà của công tử Bạc Liêu nay chỉ còn nền gạch là như cũ
Trong các người con của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức, Hoàng, Toàn, Trinh, Nữ) với khá nhiều “bà vợ”, ông Trần Trinh Nhơn (hiện sống ở phường 8, Q.3, TP.HCM) là con của một bà trong số đó.
Tình cờ, chúng tôi gặp ông Nhơn trở về Bạc Liêu ngủ tại khách sạn Công Tử Bạc Liêu và tìm gặp nhà văn Phan Trung Nghĩa, tác giả cuốn sách Công tử Bạc Liêu - giai thoại và sự thật.
Ông Nhơn cho biết:
- Tôi trở về đây là lần thứ hai, lần đầu vào trước Tết, lần này ở 2 ngày tại Bạc Liêu. May mắn là nhân viên khách sạn Công tử Bạc Liêu đã bố trí cho tôi ở ngay phòng của ông nội và cha tôi đã ở trước đây, tôi rất vui. Mấy ngày nay tôi cũng đã lên thăm mộ của dòng họ mình ở xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi.
* Tâm trạng ông như thế nào khi trở lại mái nhà xưa?
- Vui buồn lẫn lộn! Vui vì được thăm lại mồ mả ông bà và căn nhà mà lúc nhỏ tôi từng ở. Buồn vì hiện tại tất cả những đồ dùng, kỷ vật trong gia đình gần như không còn gì. Ngay như bức tượng trên bàn thờ của ông nội tôi và cha tôi tại khách sạn Công tử Bạc Liêu cũng không phải, vị trí cũng không đúng. Thật ra đặt bàn thờ ngay chỗ khách sạn làm cho tôi thấy bùi ngùi. Lúc xuống khách sạn ở không ai biết tôi là con trai công tử Bạc Liêu nên chỉ xem tôi như khách trọ bình thường. Đến hồi đi vòng vòng ngắm nhiều chỗ trong căn nhà, người ta mới tò mò hỏi tôi và tìm giấy chứng minh thư của tôi để so mới biết tôi.
* Hỏi thật ông, khi người ta nói "Nghe danh công tử Bạc Liêu, đốt tiền nấu trứng...", ông suy nghĩ thế nào?
- Người ta có quyền nói, có quyền viết về cha tôi, tôi không có ý kiến. Tôi có hỏi cha tôi, lúc ông đã lớn tuổi, ông cười bảo làm gì có chuyện đốt nhiều tiền như vậy. Xung quanh chuyện của cha tôi có rất nhiều giai thoại. Mà giai thoại thì anh biết rồi đấy, có cái đúng có cái chưa đúng, ngay như tôi con cái trong gia đình đôi khi cũng bất ngờ với giai thoại nữa là.
* Còn những thông tin được viết trong cuốn sách Công tử Bạc Liêu - sự thật và giai thoại?
- Tôi đã đọc rồi và đọc nhiều cuốn nữa viết về cha tôi, nhà văn Phan Trung Nghĩa viết rất khéo, có một cái nhìn về cha tôi tương đối công bằng hơn những quyển sách khác. Tuy nhiên có một số chi tiết chưa trúng theo cách hiểu của tôi và những gì cha tôi kể lại. Như đã nói ở trên, công tác tư liệu, nhất là những tư liệu về cha tôi ít, chúng tôi cũng chưa công bố nên các tác giả viết về cha tôi không tránh khỏi những ngộ nhận.
Trần Trinh Huy - Ba Huy - Công tử Bạc Liêu. (Ảnh tư liệu)
* Vậy theo ông biết, công tử Bạc Liêu có mấy vợ?
- Thật ra nói một cách nghiêm chỉnh, cha tôi chỉ có một vợ thôi. nghe nói lại: ngày xưa, ông nội tôi (ông hội đồng Trần Trinh Trạch) rất khó. Thời đó chỉ có một vợ chính thức thôi. Người nào được cha mẹ, ông bà hỏi cưới đàng hoàng mới được gọi là vợ. Nhưng tôi biết thì cha tôi có con với 4 bà khác nhau, trong đó có một bà là người Pháp. Bà này cũng không phải là vợ chính thức. Lúc đó, cha tôi học ở Pháp "mèo chuột" thế nào mà khi về nước lấy vợ rồi, bà ấy mới bồng con đến tận Bạc Liêu tìm. Bây giờ dòng con này đang sống ở Pháp. Ngay cả mẹ tôi cũng vậy, ông đi chơi ở Mỹ Tho, ăn ở thế nào sinh ra mấy anh em tôi rồi rước về nhà vậy thôi. Còn lại bao nhiêu người khác nữa tôi không được biết. Nói thật thời đó, người phong lưu, giàu có như cha tôi, chuyện "mèo mỡ" là rất bình thường. Vì vậy, nói cho chính xác cha tôi chỉ có một vợ chính thức còn lại bao nhiêu tôi cũng không được biết.
* Còn chuyện lái máy bay của công tử?
- Cha tôi nói lại, hồi học ở Pháp thật ra ông nội cho cha tôi học cách trồng lúa, khai thác lúa, chăm sóc lúa. Thời gian này có học lái máy bay, có bằng lái hẳn hoi. Khi về nước, Pháp có bán khuyến mãi máy bay cho người Việt với giá 14.000 đồng, nhưng giảm 50% cho người Pháp gốc Việt. Cha tôi có đăng ký mua, nhưng trục trặc nhiều lần lắm mới mua được. Còn chuyện lái máy bay bị rớt thì khi đọc sách Công tử Bạc Liêu - sự thật và giai thoại tôi mới biết.
* Vào cuối đời công tử Bạc Liêu sống ra sao, thưa ông?
- Cha tôi bị bệnh suyễn vào cuối đời. (có tư liệu cho biết công tử Bạc Liêu bị bệnh thận). Tôi được ông thương nhất, là người gần gũi ông nhiều nhất. Lúc sống ở Sài Gòn, ông sống rất có tình có nghĩa. Tôi nhớ có nhiều lúc trời mưa, nhưng người mua gánh bán bưng ế hàng, cha tôi bảo ra mua tất cả rồi cho lại những người nghèo. Đám tang cha tôi nhiều người nghèo đến khóc sướt mướt! Thật ra lúc ấy tôi còn rất trẻ, rất ham chơi. Tối nào cũng đi nhảy đầm đến mười một, mười hai giờ khuya mới về. Lần nào về để nguyên giày lên lầu đi lộp cộp là sáng ông rầy: "Con đi về khuya phải cởi giày ra để tránh tiếng kêu cho người ăn kẻ ở trong nhà ngủ". Cha tôi rất thương người. Ai cũng thương. Ngay cả chuyện ông ấy "mèo chuột" với ai có con cũng nhận là con mình và cho nhà cho cửa đàng hoàng chớ không chối bỏ trách nhiệm.
* Ông nghĩ thế nào về căn nhà của dòng họ Trần Trinh hiện nay trở thành khách sạn Công Tử Bạc Liêu?
- Bạc Liêu còn nghèo, kinh tế còn khó khăn lấy căn nhà này làm nơi kinh doanh cũng được. Nhưng kinh doanh theo kiểu này theo tôi không có hiệu quả. Anh xem cả tòa nhà như thế này mà chỉ có 6 phòng, mỗi ngày chỉ thu trên dưới 1 triệu đồng thì hiệu quả chắc chắn không cao. Ngay cả khu nhà hàng kiểu này cũng không ăn thua gì. Tôi lấy làm tiếc là tại sao ngay cả khuôn viên rộng lớn như vậy tại một địa điểm nổi tiếng như vậy lại kinh doanh quá sơ sài, bài trí không hấp dẫn. Theo tôi được biết, chỉ 10 năm nữa thôi, căn nhà này đã có tuổi thọ 100 năm sẽ đưa vào các danh mục di tích để quản lý. Nếu thế thì tại sao chúng ta không kết hợp giữa kinh tế với văn hóa. Giữa du lịch với văn hóa để tạo điều kiện phát triển.
* Ông nghĩ thế nào về cách bài trí tại đây?
- Theo tôi nhớ thì người ta bài trí sai nhiều lắm. Cả cái phòng được coi là phòng công tử Bạc Liêu hiện nay cũng đặt sai vị trí luôn. Cái bàn thờ này không phải để ở đây đâu. Nó đặt rất trang trọng giữa nhà theo phong tục của người xưa, chớ đâu phải đặt tại tiền sảnh của khách sạn. Hiện tại có lẽ chỉ có nền gạch là còn nguyên thôi, tất cả đã thay đổi gần như hoàn toàn. Người ta cố gắng phục chế lại, nhưng không phải như nguyên bản của nó nữa.
Nhật Hồ