Home » » Vấn đề bóc lột lao động

Vấn đề bóc lột lao động

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013 | 16:28


Vấn đề bóc lột lao động nhìn từ 
lý thuyết thặng dư của Marx và kinh tế hiện đại
Vũ Quang Việt[1]
 

Lý thuyết giá trị thặng dư đã được Marx sử dụng để phân tích kinh tế tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản hoạt động với rất ít các định chế ràng buộc, kiểm soát và can thiệp của nhà nước.[2] Cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929-30, kéo dài đến thế chiến lần thứ hai đã khiến các nhà kinh tế đặt lại vai trò của nhà nước đối với chế độ tư bản này. Có thể nói Keynes là nhà kinh tế đi đầu trong việc nhấn mạnh đến vai trò can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Kinh tế tư bản phục hồi và từ đó dù vẫn tiếp tục trải qua nhiều khủng hoảng nhưng cũng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó trong việc phát huy tiềm năng con người về khoa học kỹ thuật và đưa tiềm năng này vào phát triển kinh tế. Trong khi các nước tư bản tìm mọi cách cải cách thì xuất hiện một mô hình kinh tế mới của các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, lấy hoạch định kinh tế làm cơ sở trong đó nhà nước đóng vai trò chủ chốt về mọi mặt của cuộc sống, nhưng về mặt kinh tế thì nắm toàn bộ giá trị thặng dư, tập trung vào tích lũy để phát triển là điểm mấu chốt. Mô hình mới này vận động tổng hợp được sức mạnh của khoa học kỹ thuật và tiềm năng thiên nhiên sẵn có cũng như sự hy sinh của con người đã tạo được đột biến trong phát triển cho Liên Xô, nhưng rồi do năng suất thấp kém, tiềm năng con người bị đè bẹp trong hệ thống nhà nước hoạch định ngày càng quan liêu hoá, thiếu dân chủ, với vài người nghĩ cho nhiều người, nền kinh tế Liên Xô đã đi đến chỗ phá sản. Các nước khác do sống nhờ vào sức mạnh kinh tế của Liên Xô cũng có số phận tương tự. Thực tế này cho thấy để giải quyết vấn đề người bóc lột người trong một chế độ kinh tế tư bản, mà lý thuyết thặng dư nói tới, kinh tế hoạch định kiểu cũ không phải là giải pháp. Mục đích xoá bỏ người bóc lột người vẫn sẽ tiếp tục là mục tiêu của những người cấp tiến trong đó có những người theo chủ nghĩa Marx, nhưng kinh nghiệm thực tế vừa qua đòi hỏi việc nhìn nhận lại lý thuyết thặng dư và từ đó đúc kết nhằm đưa đến một cái nhìn mới về một xã hội không còn bóc lột lao động hay ít nhất là về một xã hội mà  tình trạng bóc lột được giảm thiểu tới mức tối đa. Bài viết này là nhằm mục đích đó.

Lý thuyết thặng dư của Marx
          Marx giải thích thặng dư giá trị như sau: “Hình thức đúng đắn của quá trình này do đó là M-C-M’, M’ = M+DM=tổng số tiền ban đầu cộng thêm phần tăng thêm. Phần tăng thêm này, phần vượt giá trị ban đầu này tôi gọi là giá trị thặng dư.”[3]  Thặng dư như vậy là quá trình chuyển lượng tiền ban đầu (M) qua sản xuất hàng hoá (C) để đem về được lượng tiền M’ lớn hơn.
Thặng dư giá trị bao gồm cả lãi và lợi nhuận như Marx viết: “Nhà tư bản tạo ra thặng dư giá trị – nghĩa là rút tỉa lao-động-không-trả-công thẳng từ người lao động và gắn nó vào hàng hoá - thật ra nhà tư bản là người nắm lấy ban đầu[4], nhưng không phải là người sở hữu cuối cùng thặng dư giá trị này. Anh ta phải chia cho các tay tư bản khác, như chủ đất, v.v. Thặng dư giá trị do đó bị phân thành nhiều phần, rơi vãi cho nhiều thành phần dưới nhiều dạng như lợi nhuận, lãi, lợi nhuận của nhà buôn, tiền thuê, v.v.”[5]
Ý niệm giá trị thặng dư của Marx có thể trình bày theo thống kê kinh tế hiện đại trong bảng 1.
Bảng 1
Phân phối doanh thu và thặng dư theo ý niệm thống kê hiện đại
 Giá hàng hóa 
Trừ       Chi phí sản xuất 
        Hàng hoá và dịch vụ dùng trong sản xuất 
        Lương bổng
Giá trị tăng thêmtính vào GDP
(bằng tổng của lương bổng thuế sản xuất, khấu hao và giá trị thặng dư)
       Thuế sản xuất
       Khấu hao
BằngGiá trị thặng dư
Trừ
Lãi trả cho vốn vay ngân hàng, và vốn thuê tài sản không do con người làm ra, và vốn người sở hữu bỏ ra
BằngLợi nhuận

Giá trị thặng dư theo quan điểm của Marx[6] như đã trình bày ở trên là giá trị hàng hoá trên thị trường sau khi trừ đi chi phí sản xuất (tức là chi phí hàng hoá và dịch vụ dùng trong sản xuất),[7] chi phí trả cho lao động, thuế sản xuất và khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất. Giá trị thặng dư gồm hai phần:
·    Phần trả lãi cho vốn mà doanh nghiệp vay ngân hàng. Phần trả cho tiền thuê đất, sử dụng bầu trời, biển, tài sản trong lòng đất hoặc nói rộng ra là các tài sản không do con người làm ra (tức là không do lao động tạo ra). Hai phn này Marx đều coi như là trả lãi. Điều này cũng phù hợp với lý thuyết kinh tế của thống kê Tài Khoản Quốc Gia của Liên Hợp Quốc[8].
·    Phần còn lại là lợi nhuận cho chủ xí nghiệp hay là các cổ phần viên.   
Marx không phân biệt lãi và lợi nhuận vì đều coi chúng là thuộc giá trị thặng dư. Toàn bộ giá trị thặng dư theo Marx là do sức lao động của con người tạo ra vì bản thân của tiền nếu không qua quá trình sản xuất hàng hoá sẽ không thể tạo ra lượng tiền nhiều hơn. Giá trị thặng dư này, trong xã hội tư bản, thuộc về tư bản (người bỏ vốn và người tư hữu các tài sản không do con người tao ra, tức là những người tư hữu tư liệu sản xuất).

 Nhìn nhận lại lý thuyết thặng dư
Marx cho rằng lý luận của ông không có tính chất phê phán đạo đức mà chỉ có tính phân tích nhằm tìm nguồn gốc của thặng dư. Theo cách nhìn của Marx:
·    Tài sản cố định là lao động chết tức là từ thặng dư lao động của quá khứ, giá trị của nó đã được phản ánh qua chi phí khấu hao.
·    Tài sản tài chính dùng để tổ chức sản xuất (cần có vốn trả lương cho lao động trước khi có thể thu hồi lại vốn sau khi bán hàng) cũng như dùng để mua hoặc chế tạo tài sản cố định dùng trong sản xuất là do bóc lột lao động mà ra.
·    Tài sản không do con người sản xuất ra như đất đai và của cải thiên nhiên mà một người nào đó nắm được là do sử dụng bạo lực, hoặc do thừa kế từ cha ông sử dụng bạo lực, hoặc do thu mua cũng từ vốn thặng dư sinh ra từ bóc lột lao động.
·    Lương lao động theo quan điểm của Marx bao gồm cả phần trả lương cao cho lao động quản lý và lao động có kỹ thuật cao, tức là lao động quản lý và kỹ thuật của bản thân của người sở hữu tư bản, nếu như họ cũng làm việc.[9] Như vậy giá trị thặng dư chỉ có thể hiểu là phần chiếm hữu của người sở hữu tư bản không hoạt động, hoặc phần chiếm hữu vượt quá mức giá trị lao động họ bỏ ra.[10]      
Lãi và lợi nhuận do việc sở hữu các tài sản mang lại là từ thặng dư lao động.  Bảng 1 ở  trên cũng cho thấy là lý thuyết kinh tế tư bản hiện đại cũng coi lãi và lợi nhuận là thặng dư (operating surplus). Nói tóm lại, bóc lột xuất hiện dưới hình thức giá trị thặng dư chỉ xảy ra trong một xã hội có tư hữu tư liệu sản xuất. Marx dĩ nhiên không quên các loại vắt sức lao động người khác bằng bạo lực để chiếm đoạt mà ta thường gọi là áp bức đã từng xảy ra trong suốt lịch sử loài người của chủ nghĩa nô lệ, đế quốc, thực dân, cũng như qua các hành động hoặc áp đặt hoặc duy trì tình trạng bất bình đẳng trong quan hệ trao đổi của quá trình toàn cầu hoá hiện nay.[11]  
Từ nhận định vừa có tính chất thực tế về xã hội tư bản chủ nghĩa vừa dựa trên phương pháp trừu tượng hoá, xoá bỏ những phức tạp có tính đặc thù, để làm phân tích khoa học, Marx đã đưa đến một cái nhìn tương lai về một xã hội không có bóc lột trong Tuyên ngôn Cộng Sản
Trong Tuyên ngôn này Marx chủ trương: “xoá bỏ chế độ tư hữu”, cụ thể hơn là cổ vũ cho “giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị” và “dùng sự thống trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị” kể cả “tước đoạt sở hữu ruộng đất”, “xoá bỏ quyền thừa kế”. Và nắm quyền bằng bạo lực. “Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu diếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành.”[12]
Như vậy mặc dù không để thì giờ suy nghĩ và viết nhiều về xã hội tương lai, tức là xã hội xã hội chủ nghĩa có tính chuyển tiếp, rõ ràng theo Marx xã hội này phải dựa trên một nhà nước của giai cấp vô sản, trong đó toàn bộ tư liệu sản xuất và tất nhiên là vốn tài chính nằm trong tay nhà nước. Và nhà nước này cũng chỉ là một hình thức quá độ đến xã hội cộng sản. Marx tin tưởng rằng xã hội cộng sản sẽ là một xã hội mà ở đó nhà nước sẽ không còn tồn tại, con người hoàn toàn tự ý thức làm việc vì mọi người. Tổ chức xã hội cộng sản sẽ là phải là thể chế mà ở đó con người không còn giai cấp, hoàn toàn bình đẳng, tự do, có trách nhiệm và làm việc hết khả năng, không tư lợi.
Trong nền kinh tế không có tư hữu và con người không toàn hảo, tức là ở thời kỳ quá độ, người chăm chỉ, năng suất cao, tri thức cao tất nhiên cũng được trả lương cao hơn người lười biếng, tri thức thấp, năng suất thấp. Nhà nước sẽ tính toán đầy đủ để mọi người sử dụng hết lương được trả, số tiền dành dụm và tâm lý dành dụm coi như không đáng kể và chẳng cần khuyến khích. Toàn bộ phần còn lại là thặng dư giá trị lao động mà nhà nước chiếm dụng với mục đích tích lũy nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế và mang lại lợi ích cao hơn cho mọi người lao động.
Thặng dư lao động mà nhà nước chiếm đoạt ở các nước xã hội chủ nghĩa trước kia có thể nói là rất cao, phản ánh qua tỷ lệ tích lũy/GDP lên đến 30-35%. Nếu nhìn vào thặng dư lao động mà nhà nước chiếm dụng thì tỷ lệ này nói chung cao hơn chế độ tư bản Mỹ. Vào năm 1996, ở Việt Nam tỷ lệ thặng dư là 19,0% trong khu vực công nghiệp nhà nước so với ở Mỹ là 22,6%. Nếu kể cả thuế sản xuất vào thặng dư (như theo quan điểm của Marx) thì tỷ lệ thặng dư ở Việt Nam là 35%, cao hơn tỷ lệ thặng dư ở Mỹ là 30.0%[13].   
Bảng 2
Một số chỉ tiêu thu nhập lao động và thặng dư tính trên GDP 

Mỹ, 1996
Việt Nam, 1996
Cả nền kinh tế
Công nghiệp nhà nước
Thuế sản xuất
7,7%
15,1%
16,0%
Thu nhập lao động
60,0%
63,8%
52,7%
Khấu hao
10,5%
10,2%
12,3%
Thặng dư
22,6%
10,9%
19,0%
Nguồn: National Accounts Statistics, 1996-1997, Liên Hiệp Quốc và Kinh tế Việt Nam Trong Những Năm Đổi Mới, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội, 2000. 
Chúng ta có thể lý luận là việc nhà nước nắm thặng dư về cơ bản khác với việc tư nhân nắm thặng dư. Nhà nước nắm thặng dư là nhằm phục vụ cho số đông. Nhưng đối với nhiều người lao động có thể họ nhìn khác vì không tin tưởng vào vai trò, tính hiệu quả và sự trong sạch của nhà nước.  Họ chỉ cần thấy phần được chia của họ; phần thặng dư bị người khác nắm lấy, dù là nhà nước hay tư nhân thì cũng giống nhau. Nếu coi bảng trên ta thấy tỷ lệ GDP trả cho người lao động trong công nghiệp (thu nhập lao động ở Việt Nam) cũng rõ ràng là thấp hơn ở Mỹ. Lao động chỉ nhận được 52,7% từ GDP thay vì 60% như ở Mỹ. Chúng ta cũng có thể lý luận ngược lại có thể là: bây giờ thì thế nhưng tương lai thì khác. Nhà nước không nhằm mục đích bóc lột lao động nhưng vì các mục đích chung tốt đẹp và sự phát triển của kinh tế. Nhưng đợi đến ngày thấy kết qủa của tương lai này tới thì có lẽ mọi người đã nằm trong nhà mồ rồi. Và cũng chẳng có gì bảo đảm là nhà nước sử dụng thặng dư hiệu quả hơn.  
Chúng ta có thể thấy khá rõ ràng tính chất viễn mơ của hệ luận dựa trên quan điểm của Marx như sau:
Xoá bỏ bóc lột lao động ® Xoá bỏ tư hữu ® Nhà nước nắm thặng dư  ® Xã hội, con người toàn hảo.
®  có nghĩa là tất dẫn đến. Chỉ có sự liên hệ tất yếu như thế thì về mặt logic hoặc hình thức hoặc thực tế, quan điểm của Marx mới có ý nghĩa. Marx không viết ra rõ ràng về xã hội và con người trong xã hội không còn tư hữu, nhưng tôi nghĩ rằng Marx cho rằng con người có thể đạt đến con người toàn hảo trong một thể chế toàn hảo. Thể chế toàn hảo này là thể chế không có tư hữu tư liệu sản xuất. Con người toàn hảo là con người:
  • Tôn trọng tự do của người khác,
  • Không màng tư hữu, danh lợi, quyền lực
  • Làm việc hết mình vì người khác
  • Không tiêu dùng quá sức mình
  • Nắm bắt được tri thức hiện đại, thông tin cụ thể và nhìn xa thấy rộng
  • v.v.
Marx không bao giờ viết như vậy, nhưng có lẽ ta cần nhìn như vậy thì mới thấy ý nghĩa của việc Marx tìm ra nguồn gốc của bóc lột ở tư hữu, để từ đó Marx mơ đến một xã hội toàn hảo không còn tư hữu và cổ võ cho cuộc cách mạng bạo lực xoá bỏ tư hữu. Từ đây chữ tư hữu được dùng thay cho chữ tư hữu tư liệu sản xuất cho ngắn gọn chứ còn Marx phân biệt rất rõ tư hữu những vật thể hữu hình và vô hình cá nhân và tư hữu tư liệu sản xuất.      
Xã hội toàn hảo mà Marx mơ tới đã không xảy ra và việc xây dựng con người toàn hảo cũng không đạt được ở các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ.
Chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên công hữu nhà nước đã phá sản. Sự phá sản này cho thấy rõ rằng thể chế xã hội không chỉ xây dựng trên cơ sở kinh tế, mặc dù cơ sở kinh tế là quan trọng nhất.  Thể chế xã hội còn xây dựng trên quyền lực, đặc biệt là tham vọng quyền lực, trong đó việc sử dụng quyền lực cá nhân hoặc tập thể một cách độc đoán đã đưa đến nhiều thảm hoạ cho con người.  Điều này Marx đã không nhận diện hết. Marx chỉ nhấn mạnh đến quyền lực phát sinh từ quyền lực kinh tế. Nhưng rõ ràng là quyền lực có thể phát sinh từ bạo lực cá nhân và tập thể, từ độc quyền chính trị, từ tri thức, từ tôn giáo và từ sức mạnh kinh tế, bất kể hình thức tổ chức bộ máy nhà nước. Ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, quyền lực cá nhân do tư hữu kinh tế mang lại đã bị tước bỏ, nhưng quyền lực hoặc lạm dụng quyền lực cá nhân và bè nhóm đã không bị xoá bỏ mà còn được nhân lên gấp vạn lần dưới thời Stalin và Mao.[14] Con người từ lãnh tụ đến nhân dân đã không đi đến toàn hảo mà bị tha hoá trầm trọng. Vấn đề quyền lực trong một nước xã hội chủ nghĩa chỉ mới được nhìn nhận gần đây và việc nhìn nhận vẫn còn dè dặt, nửa vời. Chúng ta có thể lý luận là lạm dụng quyền lực có thể bị xoá bỏ nếu như có thể chế phù hợp nhằm hạn chế và cân bằng quyền lực trong xã hội. Điều đó có thể đạt được lắm chứ. Nhưng sự tước bỏ tư hữu chắc chắn không đưa đến con người toàn hảo, mình vì mọi người và chính đó là lý do làm động lực phát triển bị thui chột. 
Sự phá sản của các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ không có nghĩa là lý thuyết thặng dư không đúng và cũng không có nghĩa là hệ luận mà Marx rút ra từ lý thuyết thặng dư là không đúng.  Cho đến nay cũng chưa thấy ai đưa ra lý thuyết nào bác bỏ lý thuyết thặng dư mà có tính thuyết phục cao. Nhưng vấn đề không phải là bác bỏ lý thuyết thặng dư mà là bác bỏ tính tất yếu của hệ luận từ lý thuyết thặng dư sang xoá bỏ tư hữu, tức là xoá bỏ cơ sở của bóc lột lao động. Việc bác bỏ này cũng chỉ có nghĩa là thể chế xã hội chủ nghĩa kiểu cũ không thích hợp, vì nó không dựa trên một cái nhìn đúng đắn về con người và quyền lực. Như đã nói, con người có thể xây dựng một thể chế mới thích hợp hơn. Nhưng đến nay thì không ai dám thử nghiệm với một mô hình kiểu mới dựa trên xoá bỏ tư hữu, và có lẽ cũng không có một dân tộc nào lại dại dột làm một cuộc thử nghiệm mới bởi vì họ không thể tiên đoán được giá phải trả sẽ như thế nào. Các nước xã hội chủ nghĩa cũ còn lại như Việt Nam và Trung Quốc đã trở lại với kinh tế thị trường, chấp nhận tư hữu, tức là chủ nghĩa tư bản, chí ít là trong giai đoạn quá độ hiện nay. Một hình thức khác mà các nhà chính trị Trung Quốc và Việt Nam đang theo đuổi là chấp nhận kinh tế thị trường cạnh tranh, chấp nhận tư hữu trong giai đoạn hiện tại, nhưng xây dựng công hữu qua doanh nghiệp quốc doanh, coi chúng là chủ đạo, và hy vọng là công hữu quốc doanh sẽ vươn lên chiếm ưu thế, đè bẹp tư hữu về dài hạn. Con đường này tất nhiên chẳng có gì là sai về mặt lý luận, nhưng nó đã được xây dựng trên hai tiền đề rất không thực tế: (a) công hữu tất dẫn đến năng suất lao động cao hơn tư hữu; (b) con người hoạt động đại diện công hữu là con người toàn hảo hoặc chí ít là ngày càng toàn hảo.
Vậy vấn đề đặt ra là liệu có một giải pháp xoá bỏ bóc lột hoặc ít nhất là giảm thiểu bóc lột mà không cần xoá bỏ tư hữu, hay không cần lấy công hữu làm chủ đạo không?       

Kinh tế thị trường và việc nhìn nhận lại lãi
Kinh tế thị trường dựa vào một nhận định rất thực tế là con người không toàn hảo, mặc dù cần phải sống trong cộng đồng nhưng là vị kỷ, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu và chỉ chịu hạn chế tự do và lợi ích cá nhân khi chúng là những đòi hỏi cần thiết mà cộng đồng cần áp đặt lên cá nhân để bảo vệ sự tồn tại của cộng đồng, đồng thời cá nhân đó cũng chấp nhận sự áp đặt vì chính sự tồn tại của cộng đồng bảo vệ lợi ích của nó.  Áp đặt và chấp nhận áp đặt này có tính đồng thuận xã hội.
Trong một nền kinh tế thị trường với những con người tư lợi, tuyệt đại đa số lao động đòi hỏi được trả công theo công sức mà họ bỏ ra. Người chăm chỉ, năng suất cao, tri thức cao đòi hỏi có lương cao hơn người lười biếng, tri thức thấp, năng suất thấp. Điều này tất nhiên có thể áp dụng trong cả nền kinh tế thị trường tự do hay nền kinh tế không có tư hữu. Nhưng cái khác cơ bản là nếu như một lao động chịu khó làm việc, có lương cao, chịu khó dành dụm, và khi họ lấy tiền để dành cho nhà nước và người khác vay để tái sản xuất ở mức cao hơn, thì họ có thể hưởng lãi trên số tiền vốn cho vay ấy không?  Theo phân tích của Marx thì lãi này phát sinh từ lao động của người khác, nên lãi này tất nhiên có nguồn gốc bóc lột lao động của người khác. Đó chỉ là một cách nhìn. Nhưng chúng ta cũng có thể nhìn một cách khác, dưới lăng kính của con người vị kỷ. Đã là con người vị kỷ thì dù là một cá nhân nào đó, một tập thể nhỏ nào đó, hay là nhà nước muốn sử dụng vốn để dành do chính sức lao động của một cá nhân nào đó tạo ra thì không lẽ cá nhân đó lại phải cho mượn không có lãi để tránh mang tiếng bóc lột? Và nếu “không có lãi” là phạm trù của thể chế xã hội, thì số người chịu dành dụm sẽ không đáng kể.  Dưới cách nhìn lãi là bóc lột, Marx đã không nghĩ ra giải pháp gì khác hơn là dùng bàn tay nhà nước nắm thặng dư lao động để có tích lũy xã hội.  Và đó là quan điểm cần thiết đối với Marx vì có thể nói, Marx là nhà kinh tế đầu tiên trong lịch sử nhìn ra tầm quan trọng của tích lũy, yếu tố chính trong phát triển kinh tế.  Quan điểm này rất logic.    
Nhưng trong nền kinh tế thị trường, nếu coi lãi là giá cần thiết mà người cần vốn phải trả cho người có vốn và qua đó hai bên cùng có lợi thì lãi vẫn là thặng dư lao động, nhưng không thể coi là bóc lột. Quan điểm chống cho vay lãi đã là quan điểm của Thiên chúa giáo và Hồi giáo kéo dài hàng ngàn năm, do đó không thể không ảnh hưởng đến quan điểm của Marx. Mà quan điểm chống cho vay lãi thực chất là chống cho vay nặng lãi khi thị trường vốn chưa hình thành, khi nền kinh tế không có cạnh tranh và do đó việc cho vay hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh độc quyền của một vài người có vốn.   
Nếu lãi không phải là thặng dư có tính bóc lột, thì trả lãi cho vốn cổ phần huy động cũng thế. Người bỏ vốn cổ phần hy vọng ít nhất là tỷ lệ thu nhập thu về bằng với lãi suất trả cho người cho vay vốn. Nếu đầu tư có rủi ro hơn thì người bỏ vốn tất kỳ vọng phần lãi thu về cao hơn lãi cho vay. Nếu nhìn như thế, chỉ có phần thu nhập cổ tức (hay lợi nhuận) vượt mức lãi dựa trên lãi suất để dành[15] mới có thể gọi làthặng dư có tính bóc lột. Trong Bảng 1, thặng dư có tính bóc lột gọi là lợi nhuận là phần thặng dư vượt mức lãi cho vốn có tính để dành. Phần thuế sản xuất thực chất theo Marx cũng là thặng dư do nhà nước thu lấy.    

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo,
thặng dư và vấn đề bóc lột lao động 

Lý thuyết kinh tế tân cổ điển (neoclassical theory) đã chứng minh rằng trong thị trường cạnh tranh toàn hảo, lợi nhuận vượt mức lãi để dành theo định nghĩa ở trên (coi bảng 1) bằng không (zero). Do đó một nền kinh tế thị trường có cạnh tranh toàn hảo không có bóc lột lao động. Vậy thị trường cạnh tranh toàn hảo là gì?
Thị trường cạnh tranh toàn hảo (perfect competition) là mô hình lý thuyết trừu tượng và toàn bích.  Nó là cơ chế trong đó các đơn vị tham gia, kể cả người bán và người mua, không ai kiểm soát được giá cả trên thị trường và họ có đầy đủ thông tin về thị trường, về kỹ thuật không những cho hiện tại mà còn cho cả tương lai để làm quyết định tối ưu, nói tóm lại là không có vấn đề rủi ro. Giá sản phẩm là cái có sẵn trên thị trường, do cung cầu định đoạt. Thị trường này tồn tại khi một sản phẩm có rất nhiều người bán (hoặc người sản xuất) và rất nhiều người mua, do đó quyết định của từng đơn vị nhỏ bé trong đó không ảnh hưởng gì đến giá cả của thị trường. 
Trên thị trường, các đơn vị sản xuất tính toán nhằm tối ưu hoá lợi nhuận bằng cách phối hợp vốn, kỹ thuật và phương tiện sản xuất, vật tư và lao động, còn người lao động sẽ quyết định một cách hợp lý nhất việc sử dụng lao động của mình để có lợi tức và lựa chọn hàng hoá tiêu dùng đạt thoả mãn cao nhất.  Có thể chứng minh là hệ thống thị trường tự do này là cơ chế sử dụng hữu hiệu nhất nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người nhằm tạo ra của cải vì bất cứ một tác động điều tiết nào, dù không ảnh hưởng đến hiệu qủa làm ra của cải, cũng chỉ là sự phân phối lại: lợi của đơn vị này bù trừ thiệt của đơn vị khác. Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, lợi nhuận (profit) – tức là phần thặng dư vượt lãi suất tối ưu - bằng zero. Lý luận bình thường cũng cho thấy là nơi nào có lợi nhuận người sản xuất sẽ đổ xô vào, nếu như thị trường không độc quyền, cung do đó tăng so với cầu, giá sẽ giảm để cung cầu quân bình và lợi nhuận sẽ không còn.
Mô hình kinh tế thị trường trên và hệ luận của nó bắt nguồn từ Adam Smith nhưng được Gerard Debreu và Kenneth Arrow chứng minh nghiêm túc với các định đề toán học phản ánh các định đề (axioms) và giả định kinh tế cần thiết.[16]
Lý thuyết kinh tế thị trường ngoài việc chứng minh sự hiệu qủa của một thị trường cạnh tranh hoàn hảo khi không có phát triển, cũng đã đạt được cùng một kết luận cho cả trường hợp nền kinh tế có phát triển do tăng dân số và năng suất (kết qủa của tiến bộ trong phương pháp quản lý thức sản xuất và khoa học kỹ thuật).  Trong trường hợp tối ưu đơn giản nhất khi có phát triển, được gọi là luật vàng (golden rule):[17]
Tốc độ phát triển = lãi suất[18]  = tốc độ tăng tích lũy
Lý thuyết thị trường cạnh tranh toàn hảo không nhằm giải thích thặng dư hoặc lãi từ đâu mà ra mà chỉ nhằm giải thích giá trị tăng thêm được phân phối trên thị trường như thế nào.  Thuyết tân cổ điển rút ra từ mô hình kinh tế được toán học hoá một kết luận là giá trị tăng thêm (hoặc sản phẩm tạo thêm ra) sẽ được phân chia hết khi lao động (lương) và tư bản (lãi) được trả theo năng suất biên. Lương trả cho lao động, lãi trả cho vốn là do thị trường quyết định khi người sản xuất tối ưu lợi nhuận còn nguời lao động tối ưu thoả mãn của họ.
Như vậy trên cơ sở của thị trường cạnh tranh toàn hảo, không có thặng dư bóc lột, ta có thể thấy một hệ luận quan trọng là để xoá bỏ bóc lột lao động, cần xây dựng một thị trường cạnh tranh toàn hảo. Hay nói khác đi, để giảm thiểu bóc lột thì nhà nước cần có vai trò tích cực trong việc xây dựng thị trường cạnh tranh toàn hảo. Hệ luận trên đưa đến phương pháp xoá bỏ bóc lột lao động khác với Marx. Hệ luận này cũng ngược lại hoàn toàn với cái nhìn là nhà nước không nên ảnh hưởng vào thị trường mà cứ để “bàn tay vô hình điều động.” Và như Marx đã nhận định, nếu cứ để thị trường hoàn toàn tự do, thì thị trường cạnh tranh tất dẫn đến độc quyền.

Thị trường thực tế: cạnh tranh không toàn hảo

Lý thuyết về thị trường cạnh tranh toàn hảo cũng đưa đến hệ luận là lãi suất trong các hoạt động kinh tế khác nhau sẽ ngang bằng khi thị trường đạt điểm tối ưu, và lợi nhuận bằng không.
Nhưng thực tế là lãi suất thường không ngang nhau và lợi nhuận không bằng không. Điều này có bốn lý do:
  1. Thị trường thực tế mang tính độc quyền;
  2. Thị trường thực tế có rủi ro theo nghĩa thị trường thực tế không hoàn hảo, và do đó các tác nhân trong thị trường không nắm được toàn bộ thông tin;
  3. Sáng kiến.
Điểm một đòi hỏi việc cải tổ thể chế để bảo đảm không có độc quyền tức là tình trạng một hay một vài người bán và người mua (hoặc công ty) có thể quyết định giá trên thị trường.
Điểm hai có cùng nguồn gốc là thông tin không đầy đủ. Nhưng khác nhau ở chỗ có rủi ro có thể tính trước được, nhưng có rủi ro không thể tính trước được. Rủi ro tính trước được thường dựa trên xác xuất hiện tượng xảy ra trong quá khứ. Chẳng hạn trung bình người mượn tiền ngân hàng thì xác xuất trả lại là bao nhiêu, mất cắp trong bán hàng thì thường như thế nào. Lãi suất không cân bằng trên thị trường là do rủi ro này. Lãi suất thực tế sẽ bằng lãi suất thị trường trừ đi mất mát do rủi ro.
Cũng có rủi ro không tính trước được, chẳng hạn như việc đầu tư vào công nghệ tân tiến có khả năng thành công lớn mà khả năng mất sạch cũng lớn, do đó lãi suất thường cao hơn lãi suất trung bình rất nhiều (cho những người thành công). Rủi ro hiện diện vì thông tin không toàn hảo. Do đó vai trò của thông tin rất quan trọng. Nắm hoặc khuynh đảo được thông tin sẽ tạo ra lợi nhuận. Điều này cho thấy vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm thông tin từ nhà nước là thông tin đại chúng, mọi người đều được hưởng như nhau, không thiên vị.
Điểm ba liên quan đến vai trò của sáng kiến (tất nhiên cũng bao hàm nhiều tính rủi ro) bao gồm tinh thần lập nghiệp (entrepreneurship), phát minh và tri thức nói chung.  Người lập nghiệp có thể nhìn thấy lỗ hổng nhu cầu sản phẩm mới chưa được quan tâm trên thị trường, hoặc đơn vị sản xuất có sáng kiến và phát minh tăng năng suất có thể đạt được siêu lợi nhuận vì là người sẵn sàng đi đầu, do đó vô hình chung tạo thế độc quyền định giá nếu như thị trường chấp nhận sáng kiến, phát minh của họ. Họ có thể đạt siêu lợi nhuận. Nhưng siêu lợi nhuận sẽ dần dần mất đi vì các đơn vị sản xuất khác sẽ cạnh tranh cố gắng theo kịp do đó giá bị đẩy xuống. Để tìm hiểu xem siêu lợi nhuận có thể coi là siêu bóc lột không ta hãy xem xét thí dụ sau. Chẳng hạn một nhà sáng chế nghĩ ra một sản phẩm mới có thể làm hạ giá thành của rất nhiều nhà sản xuất khác. Nhà sáng chế nhìn thấy mối lợi nên thuê người làm, giả dụ không cần có tay nghề chuyên môn, để sản xuất công cụ đó và trả lương họ tương đương với lương cao nhất mà những người làm thuê không cần chuyên môn này có thể kiếm được trên thị trường. Do lợi ích mà sản phẩm này mang lại, người sử dụng cũng sẵn sàng trả giá rất cao cho các công cụ này, do đó tạo ra siêu lợi nhuận cho người sản xuất. Vậy siêu lợi nhuận này thuộc về ai? Về nhà sáng chế hay người lao động không tay nghề? Phải chăng lợi nhuận này là bóc lột lao động? Thí dụ này cho thấy sự gắn bó chặt chẽ của siêu lợi nhuận với tinh thần lập nghiệp, sáng kiến, phát minh và đóng góp của tri thức.
Sự tồn tại của siêu lợi nhuận chính là động lực thúc đẩy sáng kiến và phát minh làm tăng năng suất.  Siêu lợi nhuận công ty Microsoft tạo ra từ phần mềm Windows dùng để điều hành máy tính cá nhân hiện nay có thể hiểu được khi sáng kiến của họ chưa có ai thay thế được.  Nhưng cũng chính vì sợ cạnh tranh mà họ phải đều đặn giảm giá đồng thời tăng khả năng sử dụng để vừa mở rộng thị trường vừa bảo vệ thị phần. Nếu như nhà nước quốc hữu hoá hoặc đánh thuế đặc biệt vì sự hiện diện của siêu lợi nhuận, chắc chắn phát triển của công nghệ thông tin sẽ không nhanh chóng như vừa qua. Nếu nhà nước đánh thuế cao vào thu nhập kếch sù của người nắm đa số cổ phần Microsoft thì đây là hành động phân phối lại lợi tức, và không nhất thiết đưa đến giảm động lực làm việc của họ nếu như mức thuế giữ ở mức độ mà việc làm việc vẫn đưa đến nhiều thoả mãn hơn là ngồi không.
Lý thuyết thặng dư của Marx phân tích có tính trừu tượng hoá, giản lược mọi trường hợp vào tình trạng trung bình, do đó các trường hợp đặc biệt như trường hợp sáng kiến nói ở trên không có chỗ đứng. Thuyết thặng dư của Marx đã hoàn toàn bỏ quên động lực sáng kiến vì tư lợi và vai trò tích cực của nó trong phát triển kinh tế, nhất là động lực tạo ra sự phát triển có tính nhảy vọt. Ở một nền kinh tế công hữu, nếu như con người toàn hảo thì việc đưa sáng kiến có lợi cho mọi người cũng có thể không phải là ngoại lệ. Nhưng chỉ là không tưởng nếu việc xây dựng xã hội tốt đẹp đòi phải có những con người toàn hảo.            
Một vấn đề nữa của lý thuyết thị trường toàn hảo là phải dựa vào một người ra giá (auctioneer) và thay đổi nó để quân bình giữa cung của người bán và cầu của người mua và một hệ thống thể chế điều hành nó. Thị trường gần nhất với thị trường cạnh tranh toàn hảo là thị trường chứng khoán, nhưng chính thị trường chứng khoán đòi hỏi một thể chế do con người tự thiết chế một cách rất rõ ràng, không phải dựa vàobàn tay vô hình mà có bàn tay quyền lực của tập thể xã hội thông qua hội đồng kiểm soát chứng khoán và hệ thống luật pháp được thiết chế nhằm ngăn chặn và trừng phạt những người muốn khuynh đảo thị trường bằng cách họp nhau định giá, dùng báo chí tung tin thất thiệt, lấy thông tin thống kê nhà nước trước khi được công bố, v.v.  và thị trường này cần người hô giá (auctioneer). Ở trên tôi dùng chữ gần nhất  là vì lý thuyết thị trường cạnh tranh toàn hảo giả định là mọi đơn vị tham gia thị trường đều có thông tin toàn hảo về thị trường, nhưng giả định này không có thực. Thông tin không toàn hảo có khi đưa đến hành động đàn lũ, thị trường chứng khoán trồi sụt lớn và bất ngờ đòi hỏi sự can thiệp nhất định của nhà nước như quyết định tạm dừng buôn bán xảy ra năm 1987 ở Mỹ.

 

Kết luận

Bài này trình bày lại lý thuyết thặng dư của Marx với kết luận rằng thặng dư có tính bóc lột lao động trong một nền kinh tế thị trường là điều vừa hiện thực, vừa có cơ sở lý luận. Bài viết cũng định nghĩa lại thặng dư theo quan điểm kinh tế mới và cho rằng lãi không phải là thặng dư lao động mà là giá ngang bằng (phải trả hoặc được hưởng) nhằm cân bằng giữa cung và cầu vốn trên thị trường. Thặng dư có tính bóc lộtdo đó chỉ là phần lợi nhuận. Nhưng trong một nền kinh tế cạnh tranh toàn hảo (perfect competition) thì, về mặt lý thuyết, lợi nhuận sẽ bị đẩy xuống bằng không (zero). Bài này cho rằng có hai cách xoá bỏ bóc lột:
  • Xoá bỏ tư hữu và tập trung lợi nhuận và lãi vào tay nhà nước (quan điểm của Marx). Để đạt được nền kinh tế công hữu có hiệu quả tối ưu như nền kinh tế thị trường cạnh tranh toàn hảo thì phải xây dựng được một nhà nước toàn hảo và những người công dân toàn hảo, chí công vô tư. Điều này chỉ là ước vọng.
  • Xây dựng một thể chế kinh tế thị trường cạnh tranh toàn hảo hoặc gần mô hình kinh tế toàn hảo để giảm thiểu thặng dư có tính bóc lột. Mô hình cạnh tranh toàn hảo hoàn toàn không đối kháng với việc phân bố lại lợi tức lao động, đặc biệt là qua thuế lợi tức trong xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội mà kinh tế thị trường không giải quyết được. Kinh tế thị trường kiểu này hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của các chính sách xã hội khác như bảo vệ người lao động trên cơ sở có pháp luật bảo vệ hợp đồng lao động mang tính tự nguyện, bảo đảm lương tối thiểu, tôn trọng nhân phẩm, bảo đảm điều kiện thăng tiến cho người lao động, v.v. Các quốc gia Bắc Âu đã có lúc đánh thuế lợi tức đến mức 70% mà vẫn đạt được năng suất lao động và trình độ phát triển cao và không đi đến sụp đổ như đã xảy ra ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu dựa trên cơ sở xoá bỏ tư hữu tư liệu sản xuất.
Nền kinh tế thị trường coi là tự nhiên điểm xuất phát của từng cá nhân trong xã hội. Đây là điểm mà nhiều người quan tâm vì nó là nguyên nhân tạo ra sự mất bình đẳng về cơ hội. Điểm xuất phát này có thể do việc thừa kế tài sản của cha mẹ, do điều kiện gia đình hoặc do tự nhiên (có người thông minh có người không; có người khoẻ mạnh, có người tật nguyền). Nhưng không thể cào bằng điểm xuất phát vì hậu quả của nó sẽ là mất động lực làm việc và để dành cho con cái. Ngay cả ở một nước xã hội chủ nghĩa hiện thực trước đây, ta cũng đã thấy hiện tượng không thể cào bằng này, như việc con một đảng viên thường hoặc một ủy viên bộ chính trị có lợi thế rất lớn so với một thường dân không đảng tịch. Tuy nhiên, ở một xã hội dựa trên kinh tế thị trường, vì lợi ích chung của xã hội, ta vẫn có thể hạn chế điểm xuất phát bằng cách áp dụng các chính sách đánh thuế tài sản thừa kế, cũng như các biện pháp cung cấp dịch vụ công miễn phí hoặc bù lỗ dịch vụ tư như trong giáo dục, y tế, văn hoá và nâng đỡ người không được tự nhiên ưu đãi. Đây là những điều nhà nước có thể làm mà vẫn tôn trọng sở hữu cá nhân.
Quan điểm của Marx về thặng dư là hoàn toàn logic nhưng để một xã hội “không tư hữu” vận hành có năng suất và bảo đảm công lý, có sáng kiến nhằm tạo bước nhảy vọt, thì mọi người trong xã hội đó phải toàn hảo. Nhưng, thực tế cho thấy ngay cả tôn giáo cũng thất bại trong việc tạo ra những con người toàn hảo, và một ý thức hệ chính trị như chủ nghĩa Marx hay bất cứ thứ chủ nghĩa nào khác cũng chưa chứng tỏ đã thành công trong việc tạo ra con người toàn hảo. Kinh tế thị trường toàn hảo chỉ đòi hỏi xây dựng một thể chế thị trường toàn hảo chứ không đòi hỏi con người toàn hảo. Nó coi con người là những đơn vị kinh tế vị kỷ, nhưng buộc phải tuân thủ một số qui định mang tính luật pháp của thị trường toàn hảo hay gần toàn hảo. Ngoài ra, con người còn phải tự ràng buộc mình vào đạo đức cá nhân như sự trung thực, tình nhân ái, nề nếp gia đình, yêu cầu tôn trọng người khác, tinh thần cộng đồng,…. Chúng là những điều mà truyền thống và văn hoá xã hội tạo ra và đòi hỏi. Cá nhân tự nguyện ràng buộc vì thấy chúng đúng, và cũng vì lợi ích bản thân, gia đình và cộng đồng.
Việc Đảng Cộng Sản Việt Nam dự kiến cho phép đảng viên làm chủ sở hữu doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, như được trình bày trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng lần thứ 10 (2006) có thể đưa đến một trong hai kết luận sau:
  1. Nếu như Đảng vẫn trung thành với lý thuyết thặng dư cổ điển của Marx thì việc cho phép này là đi ngược với lý thuyết của Marx. Việc tiếp tục bảo vệ lý thuyết cổ điển này và hệ luận của nó nhưng lại cho đảng viên tự do “bóc lột”, là một hành động có tính nguỵ tín, tức là chủ trương một đàng, làm một nẻo. Không thể cho rằng đảng viên là công dân thì cũng có quyền như tất cả các công dân khác. Thí dụ cụ thể sau cho thấy lý luận này không đứng vững. Nếu giáo lý đạo công giáo không cho phép linh mục lấy vợ thì các linh mục không thể lấy lý do là các giáo dân khác có quyền có vợ để cho rằng mình cũng cũng có quyền đó. Việc linh mục có vợ chỉ hợp giáo lý nếu như giáo lý hiện tại thay đổi.
  2. Nếu như Đảng thay đổi chính sách đối với đảng viên như trên dựa trên tinh thần sẵn sàng xét lại toàn bộ lý thuyết của Marx, và những hệ luận của nó trên tinh khoa học thì đó là dấu mốc quan trọng của một Đảng cầm quyền thấy ra trách nhiệm trước dân tộc và đất nước.
Chủ nghĩa Marx là một chủ nghĩa phê phán, và có giá trị về khoa học. Chính tính phê phán này đã đóng góp quan trọng vào sự thay đổi phương thức và hình thức hoạt động của chủ nghĩa tư bản, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Chính vì tính phê phán mà chủ nghĩa Marx đã được nhiều người coi là kinh thánh, và đã từng là tiếng gọi của đấu tranh giai cấp để giải phóng con người. Nhưng nó dần dần mất tính khoa học, không còn mang tính đổi mới và không được phát triển để giúp xem xét sự vận động của xã hội trong hoàn cảnh mới và do đó khó có thể phù hợp với sự vận động của thế giới hiện nay. Đảng Cộng Sản Việt Nam nếu muốn tiếp tục có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội và đất nước Việt Nam trong hoàn cảnh mới thì cần chủ động xem xét lại chủ nghĩa Marx một cách khoa học, hoặc vận dụng nó vào việc xem xét quá trình thay đổi xã hội hiện nay nhằm đổi mới cơ chế xã hội không còn phù hợp, và để có những chính sách kinh tế và xã hội phù hợp. Đó chính là tinh thần của phương pháp duy vật biện chứng. Chúng ta gần như không thấy hoặc ít thấy các công trình nghiên cứu về tình hình phân chia giai cấp hiện nay ở Việt Nam. Phân tầng giai cấp đã mang hình thức mới, đặc biệt là giai cấp tư bản. Giai cấp này hiện nay bao gồm giai cấp tư bản nhà nước, tư bản tư nhân và tư bản nước ngoài. Mỗi tiểu giai cấp này có quyền lợi riêng và đồng thời chia sẻ quyền lợi chung. Tính giai cấp không độc lập mà giao thoa với việc phân tầng nhóm lợi ích (coi bảng dưới). Những nhóm lợi ích này có vai trò đóng góp vào việc bảo vệ công lý và quyền lợi chính đáng cho thiểu số (như quyền của phụ nữ, dân tộc thiểu số, tôn giáo, địa phương, ngành nghề, công chức và cả đảng viên vừa thuộc thành phần đảng lãnh đạo vừa không tránh khỏi biến thành nhóm lợi ích,...). Họ đồng thời cũng nhằm tạo ưu thế riêng vượt trội các nhóm khác, có thể tạo ra sự trì trệ trong phát triển cũng như có hại cho lợi ích chung. Đây là những vấn đề cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tính công bằng về cơ hội và lợi ích chung. 
 

 Giai cấp tư bảnGiai cấp lao động
 Nhà nước Tư nhân trong nướcNước ngoài Nông dânLao động tay chânLao động trí óc
Nhóm phụ nữ      
Nhóm địa phương      
Nhóm thiểu số      
Nhóm đảng viên      
Nhóm công chức      
Các nhóm ngành nghề      

Điều nữa cần xem xét lại để bổ sung chủ nghĩa Marx là vai trò của quyền lực và lạm dụng quyền lực. Có thể nói một trong những hạn chế rõ nhất của chủ nghĩa Marx, lại không phải là lý thuyết thặng dư, mà là việc không xem xét đến các yếu tố cơ chế phát sinh ra tham vọng của người có quyền lực, từ đó dẫn đến sự triệt tiêu tính phê phán của một chủ nghĩa dựa trên tính phê phán. Chính tham vọng quyền lực và lạm dụng quyền lực, khi không có cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực trong xã hội cũng như cơ chế bảo đảm dân chủ tức là bảo đảm tính phê phán hay phản biện của các thành viên trong xã hội trong đó có thành viên của Đảng, đã tạo ra sự lấn áp cá nhân hay độc tài khi quyền tư hữu không được tôn trọng. Nhìn cụ thể vào xã hội với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, ta thấy ở đó hầu hết các quyền tư hữu đã được công nhận nhưng đại bộ phận của cải xã hội vẫn thuộc sở hữu công, ở đó Đảng nắm chính quyền còn đảng viên được làm nhà tư sản. Với những con người không toàn hảo, ta có thể thấy viễn tượng là các thiếu sót trong cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực như hiện nay sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng không ngăn cản được. Điều này tất đưa đến sự suy thoái quyền lực, và rồi cuối cùng đưa đến tình trạng mất tính chính danhcủa quyền lực. Lúc đó chế độ sẽ tự sụp đổ. Do đó vấn đề lớn cần xem xét lại có thể không phải là lý thuyết thặng dư, từ đó đưa đến hệ luận là đảng viên có quyền làm nhà tư bản hay không. Vấn đề lớn cần xem xét lại là hệ thống quyền lực, và cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực trong xã hội một xã hội có giai cấp và có phân tầng lợi ích phe nhóm. Cần đánh giá xem hệ thống đó có khả năng vừa bảo đảm sự trong sạch, vô tư và tính chính danh của quyền lực, vừa bảo đảm quyền tự do và dân chủ cho mọi công dân nhằm ngăn cản việc lạm dụng quyền lực hay không. 
 


Chú thích
[1] Bài này đã qua vài lần sửa chữa, lần thứ nhất, sau buổi hội thảo tại Hà Nội; lần thứ hai sau hội thảo hè 2002; và lần cuối là 22/2/2006. Tác giả xin cám ơn anh Phan Huy Đường đã đọc rất kỹ bài và cho nhiều ý kiến có giá trị, đồng ý và không đồng ý. Tác giả sửa một số điểm tự thấy mình sai. Những điểm khác không cần sự điều chỉnh vì có sự khác ý kiến giữa  tác giả và anh Phan Huy Đường. 
[2] Ở bản thảo đầu, tôi viết đây là thời kỳ chủ nghĩa tư bản hoạt động hoàn toàn tự do mà không bị các định chế nhà nước ràng buộc và kiểm soát. Phan Huy Đường cho là làm gì có chuyện đó. Chủ nghĩa tư bản làm ra luật pháp hay dùng quyền lực để bảo vệ nó. Điều nhận xét của anh Đường là đúng. Tuy nhiên ở đây tôi chỉ muốn nói đến các định chế kinh tế hạn chế quyền lực của người chủ. Chẳng hạn nhà nước thiết lập ra lương tối thiểu, đóng bảo hiểm thất nghiệp, vai trò kiểm soát tiền tệ của ngân hàng trung ương, quyết định giá của các công ty độc quyền, cấm các hoạt động bè lũ trong việc định giá , đặt ra  nguyên tắc kế toán và kiểm tra báo cáo tài chính đối với công ty có bán cổ phần trên thị trường chứng khoán, v.v.
[3] Capital, Vol. I, Encyclopaedia Britanica, Great Books of the Western World, Vol. 50, Chicago and London, trang 37.
[4] Bản thảo trước tôi dịch chữ “the first appropriator” là “người đánh cắp ban đầu”, nhưng anh Phan Huy Đường cho thế là không đúng vì Marx đã phê phán Proudhom về điểm này. Thặng dư không phải là do đánh cắp, lừa bịp, áp đặt mà là bản chất của chế độ tư bản trên cơ sở trao đổi đúng giá trên thị trường.  
[5] Capital, Vol 1, sđd, giới thiệu chương 23, trang 279.
[6] Để phù hợp với quan điểm của Marx thuế sản xuất là một phần của giá trị thặng dư.
[7] Trình bày này thực chất có khác với quan điểm của Marx cho là dịch vụ phi sản xuất không phải là chi phí sản xuất mà là thặng dư. Quan điểm này bắt nguồn từ Adam Smith, cha đẻ của lý thuyết kinh tế tư bản và được tiếp tục chấp nhận bởi các nhà kinh tế được gọi chung là trường phái kinh tế cổ điển, trong đó có Marx. Quan điểm này đã bị bác bỏ từ lâu. Cho nên khi trình bày lý thuyết thặng dư của Marx tôi đã trình bày theo quan điểm mới, tức là mọi chi phí cho dịch vụ đều là chi phí sản xuất. Điều này không ảnh hưởng gì đến lý thuyết thặng dư.
[8] GDP hay tổng sản phẩm quốc nội bao gồm giá trị mới tạo ra trong nền kinh tế. Như vậy, theo nguyên tắc GDP không bao gồm khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất. Thế nhưng, Tài khoản quốc gia lại cộng thêm khấu hao để tính GDP vì việc tính khấu hao theo đúng lý thuyết kinh tế rất khó khăn, đòi hỏi việc tính lại toàn bộ giá trị tài sản cố định theo giá thị trường. Việc tính lại này là điều mà hầu hết các nước, kể cả các nước phát triển cũng không thể tính ngay được mà phải đợi ít nhất một năm sau, khi đã thu thập đầy đủ thống kê. 
[9] Marx phân tích một nền kinh tế thị trường, do đó lương bổng tất yếu phản ánh giá trị của lao động và năng suất lao động. Để tìm đến giá trị thặng dư, Marx đưa mọi lao động về lao động trung bình, và do đó lao động có giá trị cao, có năng suất cao có thể đưa về bội số của lao động trung bình.
[10] Trên thế giới hiện nay, tuyệt đại đa số người sở hữu tư bản không bỏ tiền tự xây dựng và quản lý doanh nghiệp của mình. Hầu hết họ chỉ là những người sở hữu cổ phần một cách thụ động.
[11] Đây là điểm ông Việt Phương đưa ra để làm sáng tỏ thêm phân tích về thặng dư của Marx trong một lần trao đổi riêng với tác giả.
[12] C. Mác và Ph. Ăng-Ghen, Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản, các đoạn trong ngoặc kép là trích theo bản dịch của Việt Nam, có trên Internet, http: //www.vcp.org.vn. Có ý kiến cho rằng Marx xuất bản Tuyên Ngôn năm 1848, do đó có thể thay đổi quan điểm sau cuộc nội chiến Pháp với công xã Paris năm 1871 và sau khi viết tập I bộ Tư Bản (xuất bản năm 1867). Điều này có thể xảy ra vì với lần tái bản năm 1888, Engels có viết trong lời tựa là mặc dù có những chỗ cần viết lại như đoạn phê phán văn chương theo hướng xã hội chủ nghĩa cũng như nhận định về sự liên hệ giữa những người cộng sản và các đảng phái đối lập khác nhưng vẫn quyết định giữ nguyên vì tính chất lịch sử của văn kiện. Tuy vậy ý kiến này không có cơ sở vì trong Phê phán Cương Lĩnh Gotha (1875) viết trước khi qua đời, Marx cho rằng một nhà nước của giai cấp vô sản phải là “kết hợp chuyên chính vô sản và tổ chức chính trị như công xã Paris.” (Bản dịch trên địa chỉ Internet ở trên.) Tư tưởng cơ bản về vai trò của chuyên chính vô sản trong nhà nước của giai cấp vô sản như vậy không có gì thay đổi, có chăng là sau này Engels nói đến tính tự nguyện của tiểu nông trong việc gia nhập hợp tác xã.     
[13] Ở đây, thuế thu nhập không được kể tới vì nó chỉ nhằm phân phối lại lợi tức và không ảnh hưởng đến giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm hay giá trị thặng dư.
[14] Dĩ nhiên thực tế này không nhất thiết đưa đến kết luận nếu cứ xoá bỏ tư hữu tất dẫn đến sự độc đoán về quyền lực.
[15] Tức là lãi cần phải có để người có tiền để dành sẵn sàng cho người khác mượn. Hay nói khác đi, nó là phần thưởng cho người có tiến hoãn chi tiêu ngay, tức là giá của tiền vốn.
[16] Gerard Debreu, Theory and Value: An Axiomatic Analysis of Economic Equilibrium, New Haven: Yale University Press, 1959; K. Arrow and G. Debreu, “Existence of an Equilibrium for a Competitive Economy,” Econometrica, 22, 1954; K. Arrow and L Hurwicz, “On the stability of the Competitive Equilibrium, I,” Econometrica, 26, 1958 và K.. Arrow, H.D. Block and L. Hurwicz , “On the stability of the Competitive Equilibrium, II,” Econometrica , 27, 1959.
[17] E.S. Phelps, Golden Rules of Economic Growth, New York: Norton, 1966 hay E.S. Phelps, “Accumulation and the Golden Rule,” American Economic Review, Vol. 51, 1961. 
[18] Lãi suất (interest rate) = sản lượng biên của tích sản cố định (marginal product of capital). Lãi theo nguyên tắc được áp dụng cho cả vốn bỏ ra hoặc vốn cho vay.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved