Khái niệm bóc lột: từ học thuyết Marx
sang học thuyết tân cổ điển Trần Hải HạcĐại học Paris XIII
Cách đây ba năm - năm 2002 -, nổi lên ở Việt Nam cuộc thảo luận về vấn đề bóc lột: nhân câu hỏi “đảng viên có được làm kinh tế tư bản tư nhân hay không?”, Đảng cộng sản Việt Nam có kêu gọi tranh luận, phản biện trong tinh thần tự do tư tưởng.[1] Một số bài thuyết trình tại các cuộc hội thảo được xuất bản trong tập sách Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam [Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Quốc Tế, Lương Minh Cừ (chủ biên), 2003]. Tham gia đầu tiên từ nước ngoài vào cuộc thảo luận này là bài Vấn đề bóc lột lao động nhìn từ lý thuyết giá trị thặng dư của Marx và kinh tế hiện đại của Vũ Quang Việt trình bày tại hội thảo hè Maine 2002 [tu chỉnh và đăng lại trong Thời Đại Mới số này]. Đó là khởi điểm của một số trao đổi, tranh luận, trong đó có bàiHọc thuyết Marx, Đảng cộng sản Việt Nam và vấn đề bóc lột mà tôi có viết cho hội thảo hè Munchen 2003 [Thời Đại số 8, 2003 - xem những trao đổi với Vũ Quang Việt trên www.viet-studies.org/Munchen2003.htm].[2]
Bài viết này đưa tôi đến hai nhận định: (1) Trước khi bàn cãi trên vấn đề bóc lột trong khu vực kinh tế tư bản chủ nghĩa, dù sao cũng là những quan hệ công khai, hợp pháp và chính đáng - chí ít trong quan niệm của Đảng cộng sản Việt Nam về một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” -, cần ưu tiên xem xét, đánh giá sự tồn tại của những quan hệ bóc lột trong khu vực kinh tế quốc doanh, bởi đó là những quan hệ hiện bị che giấu, có tính phi pháp và khoác áo xã hội chủ nghĩa. Từ chối nêu vấn đề bóc lột trong nền kinh tế nhà nước là rơi vào sự sùng bái nhà nước mà Marx đã phê phán. (2) Cách đặt vấn đề bóc lột tư bản chủ nghĩa trong Đảng cộng sản Việt Nam nhắm vào tư bản chức năng mà bỏ qua tư bản sở hữu, nhìn thấy tư bản thật mà bỏ quên tư bản giả - trong đó có nhà đất đang là nguồn thu nhập chính của một số đông đảng viên hiện nay. Các định nghĩa giới hạn quan hệ bốc lột tư bản chủ nghĩa trong hình thái lợi nhuận doanh nghiệp cho thấy rằng phân tích của Marx về sự sùng bái tư bản không phaỉ là thừa.
Theo tôi hiểu, cuộc thảo luận tại Việt Nam đã ngưng lại từ khi Đảng cộng sản không còn đặt câu hỏi về bóc lột đối với các đảng viên chủ doanh nghiệp tư bản tư nhân nữa. Hội nghị 12 của Ban chấp hành trung ương, vào đầu tháng 7 vừa qua, đã công khai hoá điều này, và đại hội X sắp tới của đảng sẽ sửa đổi điều lệ để chính thức cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân; hơn thế, đảng cộng sản còn chủ trương phát triển đảng trong giới doanh nhân, tiến tới kết nạp những chủ tư bản.[3]
Đồng thời, một số khẳng định ngày càng phổ biến trong đảng viên cho rằng cách Marx hiểu bóc lột - trong thuyết về giá trị thặng dư - gắn với thời kỳ của chủ nghĩa tư bản thế kỷ thứ 19, so với thời kỳ bây giờ, có phần không hợp thời nữa.[4] Không những thế, còn có nhận định rằng nền kinh tế thị trường không còn bóc lột lao động làm thuê khi mà người lao động được trả công theo năng suất.[5] Về mặt lý luận, có thể nắm bắt ở đây một xu thế chuyển dịch khái niệm bóc lột từ học thuyết Marx sang kinh tế học tân cổ điển.[6] Bài viết năm 2002 của Vũ Quang Việt đã biểu hiện xu thế đó.[7]
Lịch sử tư tưởng kinh tế đã chứng kiến nhiều lần kinh tế học tân cổ điển tìm cách định nghĩa lại khái niệm bóc lột trong khuôn khổ lý luận về cân bằng kinh tế vi mô. Bài viết dưới đây, trước hết, sẽ xem xét những lý luận gắn bóc lột với tính không hoàn hảo của thị trường [phần I]: đó là thuyết về bóc lột “mang tính độc quyền” do Joan Robinson [1933] xác lập trong khuôn khổ phân tích cân bằng riêng phần; và thuyết về bóc lột “lẫn nhau” do Vilfredo Pareto [1902-1903] xác lập trong khuôn khổ phân tích cân bằng chung. Trong thập niên 80, John Roemer [1982] xây dựng lại thuyết về bóc lột trong khuôn khổ cân bằng chung của nền kinh tế cạnh tranh hoàn hảo, và gắn khái niệm “khái quát” về bóc lột với tính không bình đẳng trong phép phân bổ của cải ban đầu trong xã hội [phần II].
Xem xét và đánh giá các khái niệm khác nhau về bóc lột là lảm rõ ý nghĩa của những suy nghĩ và thảo luận hôm nay trên vấn đề lý luận này - không chỉ ý nghĩa về mặt học thuật mà cả về mặt chính trị nữa.
I. Bóc lột và tính không hoàn hảo trong cạnh tranh thị trường
Theo cách đặt vấn đề của kinh tế học tân cổ điển, mọi hiện tượng xã hội bắt nguồn từ hành vi thuần lý của cá thể, tức là từ mỗi cá nhân chọn lựa tối đa hoá một mục tiêu nhất định với những phương tiện nhất định. Sự chọn lựa thuần lý của các tác nhân kinh tế đưa nền kinh tế đến cân bằng, là tình trạng trong đó từng tác nhân đạt mức thoả mãn tối đa, cho nên không có gì có thể khiến nó phải thay đổi quyết định.
Trong một nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hoàn hão, cân bằng kinh tế được xác lập khi giá cả của mỗi hàng hoá ngang bằng chi phí sản xuất bình quân thấp nhất của nó, tức là lợi nhuận doanh nghiệp bằng không: giá trị tổng sản phẩm bằng đúng tiền lương chi trả cho lao động, địa tô chi trả cho đất đai và tiền lãi chi trả cho tư bản - không có siêu lợi nhuận, tức lợi nhuận ngoài tiền lãi của tư bản. Chính xác hơn, mỗi nhân tố sản xuất được chi trả theo năng suất biên của nó, tức là theo đóng góp của nó vào sản xuất: mức lương thực tế bằng năng suất biên của lao động, mức địa tô thực tế bằng năng suất biên của đất đai, lãi suất thực tế bằng năng suất biên của tư bản.[8] Cho nên đặt câu hỏi xem chủ nghĩa tư bản có bóc lột hay không, tức là đặt câu hỏi xem hệ thống thị trường có tính cạnh tranh hoàn hão hay không.
1. “Bóc lột mang tính độc quyền”: Xuất bản cùng lúc với The Theory of Monopolistic Competition của E.H. Chamberlin (người khởi xướng thuyết về cạnh tranh mang tính độc quyền), tác phẩm năm 1933 của Robinson (The Economics of Imperfect Competition) nhận xét rằng thị trường hoàn hão vô cùng hiếm hoi trong hiện thực, và cạnh tranh không hoàn hão mới là phổ biến. Như chế độ cạnh tranh mang tính độc quyền, là thị trường trên đó nhiều doanh nghiệp tranh nhau buôn bán, đồng thời mỗi doanh nghiệp có khả năng làm ra giá bán như thể độc quyền: giá cả không phải là tham số ngoại sinh đối với doanh nghiệp như trong cạnh tranh hoàn hão, nó do doanh nghiệp quyết định tuỳ theo độ co giãn của cầu đối với giá cả. Ở tình trạng cân bằng, giá của hàng hoá bằng chi phí sản xuất bình quân của nó và không có siêu lợi nhuận (đặc điểm của cạnh tranh); đồng thời, giá cả của hàng hoá cao hơn chi phí sản xuất biên cũng như cao hơn doanh thu biên (đặc điểm của độc quyền). Trong những điều kiện đó, mỗi nhân tố sản xuất nhận thu nhập thấp hơn năng suất biên của nó. Từ đó, Robinson định nghĩa “bóc lột lao động mang tính độc quyền” (monopolistic exploitation of labour) như là tình trạng trả công dưới năng suất biên của lao động [Robinson1933, tr. 281]. Độ bóc lột lao động phụ thuộc vào khả năng độc quyền của doanh nghiệp biểu hiện trong độ co giản của cầu đối với giá cả: độ bóc lột đó càng cao khi độ co giản này càng thấp, nghĩa là khi tính cạnh tranh trên thị trường càng kém.[9]
● Một kết luận lô gích của lập luận về bóc lột mang tính độc quyền cho rằng cách tốt nhất để xoá bóc lột là xác lập các điều kiện của thị trường cạnh tranh có tính hoàn hão. Đó không phải là kết luận của Robinson. Theo bà, điểm chính yếu của The Economics of ImperfectCompetition nằm ở chỗ nó “chứng minh được là, trong khung lý luận của thuyết chính thống, không đúng nếu cho rằng tiền lương bằng giá trị của năng suất lao động biên” [Robinson 1933, Lời mở đầu năm 1966].
● Khái niệm về bóc lột có tính độc quyền đưa đến một nghịch lý mà Chamberlin có nêu lên: “Lập luận nói về lao động cũng có thể áp dụng cho các nhân tố sản xuất khác [...]. Sự kiện có một nhân tố sản xuất nhận thu nhập ít hơn năng suất biên của nó không có nghĩa rằng các nhân tố sản xuất khác được lãnh nhiều hơn [năng suất biên]. Tất cả các nhân tố sản xuất đều nhận ít hơn bởi vì các thu nhập được chi trả theo một nguyên tắc khác [hơn là nguyên tắc năng suất biên]” [Chamberlin 1933, tr. 288]. Hay nói một cách khác, tất cả đều bị bóc lột trong khi không có ai bóc lột cả...
● Lý luận về bóc lột có tính độc quyền được xây dựng lên trong khung phân tích cân bằng riềng phần (cô lập hoá thị trường của một hàng hoá để phân tích những biến đổi về giá và lượng mua bán của nó, với giả định rằng giữa các thị trường không có tương quan phụ thuộc lẫn nhau), trong lúc khó có thể chấp nhận những hạn chế của khung phân tích này khi bàn đến lao động và tiền lương. Bản thân Robinson, về sau, có công nhận rằng những giả thuyết của mô hình cạnh tranh không hoàn hão “không phải là cơ sở thích hợp để phân tích các vấn đề giá cả, sản xuất và phân phối thu nhập trong hiện thực” [Robinson 1953].
2. “Cướp đoạt lẫn nhau”: Là người kế tục L. Walras trong lý luận về cân bằng chung, Pareto được biết đến với khái niệm về thế tối ưu, tức là trạng thái kinh tế trong đó không thể cải thiện mức thoả mãn của một người mà không làm giảm thoả mãn ít nhất của một người khác [Pareto 1909]. Trong Les Systèmes Socialistes [1902-1903], ông còn là người phê phán quyết liệt học thuyết Marx, đặc biệt là quan niệm về bóc lột căn cứ trên giá trị thặng dư. Đối với Pareto, bốc lột chỉ mọi khoảng cách về giá và thu nhập so với thế cân bằng chung, mọi quan hệ trao đổi không ở mức tối ưu. Theo ông, quan niệm của Marx thu hẹp bóc lột vào một quan hệ duy nhất (quan hệ lao động làm thuế) và một chiều duy nhất (chiều chủ tư bản bóc lột người làm thuê).
Pareto, một mặt, cho rằng cần mở rộng ý niệm bóc lột đến mọi quan hệ giữa các nhóm xã hội có lợi ích kinh tế khác nhau (công nhân/chủ nhân, người sản xuất/người tiêu dùng, người đóng thuế/người hưởng trợ cấp...): bóc lột không chỉ là những quan hệ kinh tế có hiện tượng độc quyền, mang tính cạnh tranh không hoàn hão, mà còn bao gồm những quan hệ chính trị (luật pháp, thuế khoá, chính sách bảo hộ... ) khi nó làm lệch hệ thống giá và thu nhập của thị trường canh tranh hoàn hảo.[10] Và để khái niệm hoá nội dung khái quát đó, Pareto sử dụng phạm trù “cướp đoạt” (spoliation) thay cho từ bốc lột [Pareto 1902-1903, 1, tr. 116].
Mặc khác, Pareto nhấn mạnh đến tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quan hệ cướp đoạt khác nhau: bởi vì một cá nhân có mặt cùng lúc trong nhiều nhóm lợi ích khác nhau, nó có thể là kẻ bị cướp trong quan hệ này và là kẻ cướp trong quan hệ khác; và một kẻ xem như bị cướp khi phân tích cục bộ có thể trở nên kẻ cướp khi phân tích tổng thể.[11] Song, tính đa dạng và phức tạp của các mỗi quan hệ đan chéo nhau khiến khó lòng xác lập bảng tổng kết cá nhân giữa cái được và cái mất: chỉ bằng cách đối chiếu hiện trạng cá nhân với thế tối ưu của cân bằng chung trong cạnh tranh hoàn hão mới có thể xác định ai được, ai mất trong hệ thống “cướp đoạt lẫn nhau” (spoliation réciproque) này [1902-1903, 1, tr. 121].
● Thuyết tân cổ điển ngày nay cho phép nói rõ hơn cân bằng chung của Walras tồn tại trong những điều kiện nào. Theo các giả thuyết của mô hình Arrow và Debreu, sự tồn tại của cân bằng chung đòi hỏi các thị trường vừa phải hoàn hão, vừa phải đầy đủ [Arrow và Debreu 1954; Debreu 1959]. Tính hoàn hão chỉ một hệ thống thị trường trong đó mỗi tác nhân mua hay bán đều xem giá cả là tham số độc lập với quyết định của cá nhân ấy (giá cả do một “bí thư thị trường” đưa ra sau khi tập trung các lệnh mua và bán); đồng thời, giá là thông tin duy nhất hướng dẫn quyết định của mọi tác nhân (nó có thể mua và bán không giới hạn mọi khối lượng hàng hoá). Tính đầy đủ chỉ một hệ thống thị trường trong đó mỗi tác nhân mua hay bán đều biết rõ giá cả của mọi hàng hoá hiện tại và tương lai (cho nên các tác nhân không có dự kiến, không có đầu cơ). Điều có thể nhận xét là khái niệm về hệ thống thị trường đầy đủ và cạnh tranh hoàn hão của các nhà lý luận tân cổ điển không ăn nhập gì với hiện thực của nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, như mọi người có thể hiểu. Trước hết, nó là một hình thái tổ chức thị trường tập trung cực độ (theo mô hình của thị trường chứng khoán): các tác nhân mua bán không có quan hệ trực tiếp hàng ngang với nhau; mọi quan hệ đều là hàng dọc giữa các tác nhân với bí thư thị trường là người có nhiệm vụ dò dẫm, tìm ra cân bằng chung. Rồi khi giá cả cân bằng các thị trường được phát hiện thì các trao đổi cũng không được thực hiện song phương giữa các tác nhân mua và bán, mà phải tiến hành tập trung thông qua một cơ quan bù trừ. Còn có thể nhận xét rằng trong nền kinh tế này, một doanh nghiệp không thể hạ giá bán để cạnh tranh, và vấn đề tiêu thụ hàng không đặt ra; doanh nghiệp cũng không phải đối diện với bất trắc thực sự (bất trắc không thể qui thành xác suất), và vấn đề phá sản cũng không đặt ra.[12]
● Xác lập tính chuẩn tắc của cân bằng chung, Arrow và Debreu chứng minh rằng mọi thế cân bằng chung là một trạng thái tối ưu theo nghĩa Pareto, và ngược lại. Điều cần chú ý ở đây là, theo cách định nghĩa của Pareto, không có một mà vô số trạng thái tối ưu trong một nên kinh tế: một trạng thái tối ưu được định nghĩa trên cơ sở của một phép phân bổ ban đầu các nhân tố sản xuất giữa các cá nhân hình thành xã hội, cho nên có bao nhiêu phép phân bổ ban đầu khác nhau trong xã hội thì có bấy nhiêu trạng thái kinh tế tối ưu. Ngoài ra, tiêu chuẩn so sánh của Pareto không cho phép so sánh các trạng thái tối ưu này với nhau, tiêu chuẩn này cũng không cho phép nói rằng một trạng thái tối ưu nhất thiết là ưu việt so với một trạng thái không tối ưu: bởi vì chỉ cần có một người bị thua thiệt khi xã hội chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác là các trạng thái đó không thể so sánh được với nhau.[13]
● Pareto giải thích bóc lột là cướp đoạt khi giá và thu nhập chênh lệch so với cân bằng chung do cạnh tranh trên thị trường không được hoàn hão. Lập luận này “hoàn toàn đối lập” với cách đặt vấn đề của Marx theo đó bóc lột lao động làm thuê không phải là “cướp đoạt” bởi vì, “khi đã trả đúng giá trị sức lao động cho công nhân, nhà tư bản có trọn quyền trên giá trị thặng dư”. Qui luật trao đổi ngang giá không hề bị vi phạm khi chủ tư bản chiếm hữu giá trị thăng dư: “Theo qui luật giá trị chi phối nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, giá trị thặng dư phải thuộc về nhà tư bản chứ không thuộc về người công nhân” [Marx 1880, tr. 463 và 483]. Trong khuôn khổ của học thuyết tân cổ điển, cách đặt vấn đề của Pareto hàm ý có thể sát nhập các thị trường không hoàn hão vào lý luận về cân bằng chung. Tuy nhiên, cho đến nay, các nỗ lực nhằm xác lập cân bằng chung trong điều kiện cạnh tranh mang tính độc quyền đều không đưa đến kết quả thoả đáng, cho nên không thể biết được chọn lựa tối ưu của các tác nhân, trong trường hợp này, là gì. Điều này giải thích vì sao những nhà lý luận tân cổ điển có xu hướng bỏ chương trình nghiên cứu đó và trở lại với khung lý luận về cân bằng riêng phần để mô hình hoá cạnh tranh không hoàn hão.[14]
II. Bốc lột và tính bất bình đẳng trong phân bổ của cải ban đầu
Những năm 80 của cuối thế kỷ thứ 20 chứng kiến sự khủng hoảng của học thuyết Marx trước đà phá sản của chủ nghĩa xã hội hiện thực và, trong bối cảnh này, đã xuất hiện “học thuyết Marx phân tích” (analytical marxism) - tựa tập sách mà Roemer [1986] là chủ biên - chủ trương đọc lại Marx không thông qua các khái niệm của Marx, từ bỏ phương pháp luận biện chứng của bộ Tư bản để chỉ giữ lại nội dung cốt lõi của nó. Đề án của Roemer, còn mang tên “học thuyết Marx về sự chọn lựa thuần lý” (rational choice marxism), là sử dụng thuyết tân cổ điển về cân bằng cạnh tranh hoàn hão của Walras thay cho thuyết về giá trị của Marx; đó là xây dựng nền tảng kinh tế vi mô của học thuyết Marx để phân tích nền kinh tế tư bản chủ nghĩa như là kết quả của những chọn lựa tối ưu theo nghĩa Pareto của các cá nhân tự do và thuần lý. Roemer đã không mặc cảm phát biểu rằng: “Chúng ta vận dụng các phương pháp do những nhà lý luận chống Marx khởi xưởng thì sao? Cớ sao phải để cho quỷ các vũ khí hữu hiệu nhất?” [Roemer 1986, tr. 192-193].
Với cách đặt vấn đề đó, A General Theory of Exploitation and Class [1982] phân tích bóc lột là kết quả của sự chọn lựa tối ưu của các tác nhân kinh tế bị ràng buộc bởi vốn của cải ban đầu của mình. Khởi đi từ định nghĩa bóc lột là “trao đổi bất bình đẳng” trên cơ sở của lao động, Roemer sử dụng thuyết trò chơi để đi đến một định nghĩa “khái quát”, trong đó khái niệm của Marx về bốc lột tư bản chủ nghĩa chỉ là “trường hợp riêng”, bên cạnh khái niệm “tân cổ điển” tương ứng với bóc lột phong kiến, và các khái niệm “mới” về bóc lột xã hội chủ nghĩa có phân biệt chủ nghĩa xã hội theo Marx và chủ nghĩa xã hội hiện thực. Khái quát hoá khái niệm bóc lột là cần thiết để phân tích những điều mà Roemer gọi là “bất bình thường” của các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực, trong đó có chiến tranh giữa các nước này với nhau, mà biểu hiện lúc ấy là xung đột giữa Việt Nam với Trung Quốc và Campuchia [Roemer 1982, Lời nói đầu].
1. “Trao đổi bất bình đẳng”. Roemer bắt đầu bằng định nghĩa bóc lột trên cơ sở của lao động. Một tác nhân kinh tế bị bốc lột khi thời gian mà nó phải lao động nhiều hơn thời gian lao động chứa đựng trong các tư liệu sinh hoạt của nó. Hay nói cách khác: Khái niệm bóc lột chỉ quan hệ trao đổi không bình đẳng khi lượng lao động chứa đựng trong hàng hoá mà người lao động mua với thu nhập của nó thấp hơn lượng lao động mà nó phải cung cấp để có thu nhập đó. Nhằm phân tích các hệ quả của định nghĩa này, ông sử dụng những mô hình đơn giản về kinh tế hàng hoá tái sản xuất giản đơn (không tích luỹ) với cấu trúc như sau:
● mọi tác nhân kinh tế có sở thích giống nhau (sau thời gian lao động tất yếu, họ đều chọn sự rảnh rỗi hơn là tiếp tục lao động) và có sức lao động giống nhau (lao động cũng được giả định là thuần nhất);
● nền kinh tế chỉ làm ra một sản phẩm duy nhất (vừa là tư liệu sinh hoạt, vừa là tư liệu sản xuất, tức tư bản theo nghĩa tân cổ điển) với hai kỹ thuật sản xuất khác nhau: kỹ thuật A (hiệu quả cao) kết hợp lao động với tư bản và kỹ thuật B (hiệu quả thấp) chỉ sử dụng có lao động;
● có hai phép phân bổ ban đầu vốn tư bản (tư liệu sản xuất) cho các tác nhân kinh tế: bình đẳng (mỗi người có vốn tư bản bằng nhau) hoặc bất bình đẳng (một số ít người chia nhau tất cả tư bản, số lớn còn lại là vô sản).
Từ đó, Roemer khảo sát bốn mô hình [Roemer 1982 và 1988]:
● Mô hình kinh tế 1: Vốn tư bản được phân bổ bình đẳng, không có thị trường lao động và không có thị trường tư bản. Các tác nhân đều tự lao động sản xuất với vốn tư bản của mình (kỹ thuật A) hay với kỹ thuật B (khi không còn tư bản), và không có trao đổi.
● Mô hình kinh tế 2: Vốn tư bản được phân bổ bình đẳng, có thị trường lao động và không có thị trường tư bản. Trong xã hội, hình thành hai giai cấp tuỳ theo chỗ đứng của tác nhân trên thị trường lao động: giai cấp của các tác nhân chọn lựa phân chia thời gian lao động giữa tự lao động sản xuất và lao động làm thuê, tuỳ theo mức lương cân bằng thị trường; giai cấp của các tác nhân tự lao động sản xuất đồng thời thuê mướn thêm sức lao động của người khác.
● Mô hình kinh tế 3: Vốn tư bản được phân bổ bất bình đẳng, có thị trường lao động và không có thị trường tư bản. Xã hội gồm hai giai cấp: giai cấp của các tác nhân vô sản, chọn lựa - vì mức lương trên thị trường - là không tự lao động sản xuất (theo kỹ thuật B) để bán sức lao động cho người khác; giai cấp của các tác nhân chủ tư bản, không lao động mà chỉ mua sức lao động của người khác (nếu tất cả vốn tư bản không đủ để sử dụng tất cả sức lao động thì sẽ tồn tại một giai cấp thứ ba: những người lao động làm thuê đồng thời phải tự lao động sản xuất thêm theo kỹ thuật B).
● Mô hình 4: Vốn tư bản được phân bổ bất bình đẳng, có thị trường tư bản và không có thị trường lao động. Xã hội có hai giai cấp: giai cấp các tác nhân chủ tư bản không lao động, không sản xuất mà chỉ cho vay vốn; giai cấp của các tác nhân vô sản thực hiện sản xuất theo kỹ thuật A với lao động của chính họ và vốn tư bản mà họ vay mượn.
Ở thế căn bằng của mỗi mô hình, khi các tác nhân kinh tế đều đạt thế tối ưu trong các trao đổi, Roemer nhận xét:
● Mô hình 1 và 2 đưa đến kết quả đồng nhất: không có quan hệ bóc lột, và thời gian lao động cũng như thu nhập của các tác nhân đều giống nhau ở hai nền kinh tế 1 và 2.[15]
● Mô hình 3 và 4 đưa đến kết quả đồng nhất: các tác nhân lao động, dù làm thuê hay không, đều bị bóc lột; thời gian mà họ lao động nhiều hơn ở hai nền kinh tế 1 và 2, nhờ đó mà giai cấp chủ tư bản có thể hưởng thụ mà không cần lao đông; lãi suất trong nền kinh tế 4 ngang bằng tỷ suất lợi nhuận trong nền kinh tế 3.[16]
Từ đó Roemer rút ra các kết luận như sau:
● Nguyên nhân của bóc lột là tính khan hiếm tư bản so với lao động và tính bất bình đẳng trong sở hữu tư nhân.
● Quan hệ bóc lột độc lập với quan hệ lao động làm thuê: bóc lột có thể tồn tại trong khi không có thị trường lao động; cũng như thị trường lao động có thể hiện hữu mà không có bóc lột.
● Tính bất bình đẳng trong các trao đổi không xuất phát từ tính thiếu cạnh tranh trên thị trường, mà bắt nguồn từ phép phân bổ của cải ban đầu trong xã hội: người có ít tư bản chịu sự bóc lột của người có nhiều tư bản hơn.
Đẩy lập luận này đến cùng, Roemer xây dựng mô hình trao đổi bất bình đẳng để chứng minh rằng bóc lột không cần có các thị trường lao động, tư bản hay về nhân tố sản xuất nào khác: nó chỉ cần thị trường sản phẩm hàng hoá mà thôi. Mô hình này cho phép ông lý giải quan hệ bóc lột xuất hiện giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau.
Sau khi xác lập các kết quả này, Roemer khảo sát các giới hạn của định nghĩa bốc lột trên cơ sở của lao động. Ông cho thấy định nghĩa đó thiếu tính khái quát, không cho phép phân tích thoả đáng quan hệ bóc lột khi phải mở rộng những mô hình nói trên và hạn chế các giả thuyết: như khi các tác nhân kinh tế có sở thích khác nhau đối với thời gian lao động và thời gian rảnh rỗi; khi sức lao động của các tác nhân không còn bằng nhau; hay khi không còn giả định rằng lao động có tính thuần nhất nữa. Chẳng hạn: Một mô hình kinh tế, trong đó các tác nhân giàu thích lao động hơn và các tác nhân nghèo thích rảnh rỗi hơn, đưa đến nghịch lý là người nghèo (lười biếng) bóc lột người giàu (siêng năng). Để có được một khái niệm xác đáng hơn về bóc lột, Roemer cho rằng cần định nghĩa lại nó, cần từ bỏ lập luận dựa trên lao động và điều đó, đối với ông, có nghĩa là phải từ bỏ cách đặt vấn đề của Marx về giá trị và giá trị thăng dư.
2. “Khái niệm khái quát về bóc lột”. Vận dụng phương pháp luận của thuyết trò chơi, Roemer đề xuất định nghĩa cơ bản và khái quát như sau về bóc lôt: một cá nhân hay tập thể được xem như bị bóc lột nếu, cũng trong nền kinh tế đó, một phép phẩn bổ của cải ban đầu mang tính bình đẳng sẽ cải thiện tình cảnh của nó về mặt lợi ích. Hay nói một cách khác: một cá nhân hay tập thể được xem như bị bóc lột nếu nó có thể cải thiện tình cảnh của nó về mặt lợi ích khi nó “rút lui” khỏi nền kinh tế với phần vốn của cải (bình quân theo đầu người) của nó. Một cách chính xác hơn, quan hệ bóc lột trong một xã hội, giữa một nhóm S và nhóm còn lại S’, đòi hỏi hai điều kiện: 1) Có thể quan niệm được một “giải pháp thay thế” (alternative), như là giả thuyết khả dĩ thực hiện được, trong đó tình cảnh của S sẽ tốt hơn so với hiện tại. 2) Trong trường hợp đó, tình cảnh của S’ sẽ xấu hơn so với hiện nay.
Tính cơ bản của định nghĩa nói trên ở chỗ nó không dừng ở chỗ tương quan trao đổi có bình đẳng hay không mà đi sâu vào nguồn gốc là quyền sở hữu ban đầu trong xã hội có được phân bổ bình đẳng hay không. Tính khái quát của định nghĩa đó ở chỗ nó không chỉ áp dụng với sức lao động hay tư bản mà với mọi vốn của cải ban đầu khác của các tác nhân kinh tế. Nó cho phép Roemer phân loại bốn hình thái bóc lột có tính lịch sử mà ông phân tích như là bốn “trò chơi” khác nhau [Roemer 1982; Wright 1985].
● Bóc lột phong kiến: Quan hệ bóc lột ở đây bắt nguồn từ phép phân bổ bất bình đẳng quyền sở hữu về sức lao động. Chúa phong kiến có quyền sở hữu không chỉ trên sức lao động của bản thân nó mà cả trên sức lao động của nông nô; trong khi nông nô không có quyền sở hữu trên sức lao động của ai khác và chỉ sở hữu một phần sức lao động của mình (bởi mối quan hệ phụ thuộc cá nhân đối với chúa phong kiến). Nếu nông nô rút lui khỏi trò chơi phong kiến với phần vốn của cải bình quân/người của nó (gồm sức lao động, đất đai và các nhân tố sản xuất), tình cảnh của nó sẽ tốt hơn, tình cảnh của chúa phong kiến sẽ xấu đi. Theo Roemer, chế độ bóc lột phong kiến tương ứng với quan niệm tân cổ điển về bóc lột, theo đó các trở ngại trong tự do trao đổi giải thích vì sao thu nhập của tác nhân kinh tế thấp hơn năng suất biên của nhân tố sản xuất.
● Bóc lột tư bản chủ nghĩa: Khi các tác nhân có quyền sở hữu bình đẳng trên sức lao động, quan hệ bóc lột xuất phát từ phép phân bổ bất bình đẳng quyền sở hữu về tư liệu sản xuất. Người làm thuê chỉ làm chủ sức lao động của nó và không được chia tư liệu sản xuất, là độc quyền sở hữu của chủ tư bản. Nếu người làm thuê rút ra khỏi trò chơi với chủ tư bản và mang theo phần vốn bình quân/người của nó về tư liệu sản xuất và các nhân tố sản xuất khác thì tình cảnh của nó được cải thiện, trong khi tình cảnh của chủ tư bản suy thoái. Roemer cho rằng tính “ưu việt” của định nghĩa về bóc lột mà ông đề xuất, so với định nghĩa cổ điển của Marx, ở chỗ nó làm rõ giả thuyết “đạo lý” của bộ Tư bản: giải pháp thay thế chủ nghĩa tư bản là mọi người được quyền sở hữu ngang nhau trên các tư liệu sản xuất.
●Bóc lột của chủ nghĩa xã hội theo Marx: Khi các tác nhân có quyền sở hữu bình đẳng trên sức lao động và trên tư liệu sản xuất, cơ sở của quan hệ bóc lột là các tác nhân không có năng lực ngang nhau, là tính bất bình đẳng trong sở hữu “kỹ năng” (skill). Giải pháp thay thế - cho phép xác định người có kỹ năng thấp và thù lao thấp có bị bóc lột hay không - là giả thiết rằng nó đạt được mức kỹ năng bình quân của xã hội. Trong trường họp này, nếu mức thù lao cao của người có năng lực cao suy giảm thì điều đó có nghĩa là mức thù lao này trước đây không chỉ cao do trình độ năng lực và chi phí đào tạo nó, mà còn cao vì cơ chế bóc lột duy trì tính bất bình đẳng về năng lực, tạo ra sự khan hiểm về kỹ năng. Tuy Marx không có phân tích hình thái bóc lột này, Roemer nhận xét rằng, trong Phê phán cương lĩnh Gotha [1875], ông nhấn mạnh đến tính chất không bình đẳng của chủ nghĩa xã hội mà cơ sở là tính bất bình đẳng của các năng lực cá nhân, và biểu hiện là phép phân phối “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”.
● Bóc lột trong chủ nghĩa xã hội hiện thực: Bên cạnh hình thái bóc lột xã hội chủ nghĩa thuần tuý, các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực cho thấy có một cơ chế bóc lột dựa trên “cương vị” (status) trong xã hội và tính bất bình đẳng của phép phân bổ “đặc quyền, đặc lợi” cho các tác nhân ở cương vị cán bộ. Các tác nhân khác bị bóc lột nếu có thể chứng minh được rằng, trong thu nhập thực tế của cán bộ lãnh đạo và quản lý, có một phần không thể nào giải thích là thù lao của khả năng lãnh đạo và quản lý; tức là tình cảnh của họ sẽ được cải thiện nếu họ rút ra khỏi trò chơi với cán bộ và mang theo vốn bình quân về năng lực của họ. Roemer nhận xét rằng vấn đề nêu ra ở đây tương tự như đối với bóc lột phong kiến: lợi ích của các tác nhân không có cương vị quyền lực là xoá bỏ cơ chế đặc lợi, đặc quyền gắn với cương vị lãnh đạo và quản lý, là dân chủ hoá bộ máy quyền lực.
Có thể tổng hợp phân tích nói trên như sau. Chế độ phong kiến gồm bốn cơ chế bóc lột mà cơ sở là quyền sở hữu bất bình đẳng trên sức lao động, tư liệu sản xuất, cương vị xã hội và kỹ năng. Sau khi cách mạng tư sản thiết lập quyền tự do con người, chủ nghĩa tư bản duy trì ba cơ chế bóc lột dựa trên tư liệu sản xuất, cương vị xã hội và kỹ năng. Khi cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến hành xã hội hoá các tư liệu sản xuất, trong chủ nghĩa xã hội hiện thực còn lại hai cơ chế bóc lột dựa vào cương vị xã hội và kỹ năng. Trong chủ nghĩa xã hội theo Marx vẫn tồn tại một cơ sở để bóc lột là kỹ năng.
Hình thái bóc lột và cơ sở của nó
Sức lao động
|
Tư liệu
sản xuất |
Cương vị
xã hội |
Kỹ năng
| |
Chế độ phong kiến
|
+
|
+
|
+
|
+
|
Chủ nghĩa tư bản
|
0
|
+
|
+
|
+
|
Chủ nghĩa xã hội hiện thực
|
0
|
0
|
+
|
+
|
Chủ nghĩa xã hội theo Marx
|
0
|
0
|
0
|
+
|
Để phân tích trong những điều kiện nào xã hội loại bỏ một hình thái bóc lôt, Roemer đề xuất khái niệm “chế độ bóc lột cần thiết hay không cần thiết cho xã hội” (socially necessary/unnecessary exploitation): một hình thái bóc lột được xem là cần thiết cho xã hội khi việc loại bỏ nó đưa đến thay đổi phương thức kích thích cá nhân, làm cho tình cảnh người bị bóc lột - sau khi rút ra khỏi trò chơi - trở nên tồi tệ hơn trước (ngược lại, nếu tình cảnh của người trước đây bị bóc lột được cải thiện thì có thể nói rằng hình thái bóc lột đó không cần thiết cho xã hôi). Chẳng hạn: Trong chủ nghĩa xã hội hiện nay, chế độ bóc lột biểu hiện qua một phương thức kích thích người có tài năng bằng lợi ích vật chất. Nếu xoá bỏ nó, các kỹ năng thuộc trình độ cao có thể không phát triển được nữa, thậm chí có thể biến mất khỏi nền kinh tế, với hậu quả là cuộc sống của cả xã hội (chứ không chỉ riêng các người có tài năng) bị đẩy lùi về một tình cảnh tệ hơn chủ nghĩa xã hội. Điều này có nghĩa là, trong thời điểm lịch sử hiện nay, xã hội chưa có cách sử dụng hiệu quả các tài năng nếu không chấp nhận một phép phân phối bất bình đẳng và, với ý nghĩa đó, chế độ bóc lột xã hội chủ nghĩa là cần thiết cho xã hội hiện tại.
Cuối cùng, phân tích của Roemer kết thúc một cách khá chính thống. Ông cho rằng thuyết khái quát về bóc lột hoàn toàn ăn khớp với lý luận duy vật lịch sử của Marx. Quá trình nối tiếp các hình thái bóc lột chính là quá trình xã hội loài người phát triển sức sản xuất qua đấu tranh giai cấp và các cuộc cách mạng loại bỏ tuần tự các chế độ bóc lột không cần thiết cho xã hội. Đó cũng là quá trình thu hẹp dần quyền tư hữu trên các lực lượng sản xuất, xác lập quan hệ sở hữu ngày càng bình đẳng hơn hay, nói cách khác, là xã hội hoá lực lượng sản xuất. Quá trình này kết thúc khi xã hội loài người tiến tới xã hội hoá nhu cầu, thực hiện phép phân phối “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” của chủ nghĩa cộng sản: ở đây, xã hội đạt đến bình đẳng thực sự và, theo nghĩa đó, không có bóc lột nữa.
Đồng thời, Roemer trình bày lý thuyết khái quát về bóc lột như là sự phê phán luận điểm của chủ nghĩa tự do theo đó tự do chọn lựa đảm bảo không có bóc lột trong xã hội. Trong Free to lose, một tác phẩm năm 1988 mà tựa đề đối chọi lại Free to choose của Rose và Milton Friedman, Roemer xác lập rằng trong một xã hội có chọn lựa tự do vẫn có người bị thua thiệt: tự do chọn lựa là điều kiện cần nhưng không đủ để loại bỏ bóc lột.
Thuyết Roemer được nhiều người đánh giá như là học thuyết Marx hiện đại. Nó đổi mới quan niệm về bóc lột, phát giác những hình thái mới mà đáng chú ý nhất là phân tích về bóc lột gắn liền với phép phân bổ bất bình đẳng các năng lực, tri thức trong xã hội. Song, nỗ lực của Roemer nhằm mở rộng trên nhiều chiều khái niệm bóc lột cùng lúc thu hẹp trên nhiều mặt nhận thức về bóc lột mà Marx đã khái niệm hoá. Chí ít, có thể nêu những điểm tranh luận sau đây.
1. Đối với Roemer, thuyết khái quát về bóc lột là sự vận dụng “giả thuyết duy vật lịch sử” - mà ông xem là “trực giác cơ bản” của Marx - với những khái niệm hiện đại, trong những điều kiện của cuối thế kỷ thứ 20. Ông cho rằng “học thuyết kinh tế của Marx là nỗ lực của một nhà kinh tế của thế kỷ thứ 19 nhằm sử dụng phương pháp duy vật lịch sử trong phân tích xã hội của thế kỷ thứ 19. Các khái niệm và phạm trù có ích cho Marx lúc đó không nhất thiết là những khái niệm và phạm trù có ích để phân tích xã hội ở cuối thế kỷ thứ 20” [Roemer1982, Lời mở đầu]. Tuy nhiên, điều mà người đọc Roemer không thể không nhận xét là ông để qua một bên các phạm trù đặc thù của Marx để sử dụng lại các phạm trù của kinh tế chính trị học (“cổ điển” và cả “tầm thường” theo phân loại của Marx) hình thành vào cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19, mà học thuyết Marx đã phê phán tính chất sùng bái hoá [Marx 1872]. Chẳng hạn như phạm trù tư bản: Theo quan điểm phê phán của Marx, tư bản không phải là vật (tư liệu sản xuất hay tiền vốn ứng ra) mà là quan hệ xã hội có tính lịch sử. Đó là một quan hệ bóc lột đặc thù ở chỗ thặng dư lao động trong xã hội bị chiếm đoạt thông qua quan hệ trao đổi hàng hoá, dưới hình thái giá trị, tức tiền tệ. Trong khi đó, theo chân kinh tế học tầm thường, Roemer định nghĩa tư bản là một vật (lúa giống), là tư liệu sản xuất, phạm trù siêu lịch sử, có mặt trong mọi hình thái xã hội.
Đó cũng là trường hợp của phạm trù sức lao động mà Roemer, theo kinh tế học cổ điển, quan niệm là hàng hoá như mọi hàng hoá khác. Ông không nhận thấy khác biệt cơ bản giữa sức lao động và hàng hoá mà Marx đã vạch ra: khác với mọi quá trình sản xuất hàng hoá, quá trình tái sản xuất sức lao động không phải là quá trình sản xuất ra giá trị (giá trị trao đổi của sức lao động chỉ gồm có giá trị trao đổi của tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người làm công, không hề có giá trị tăng thêm), và càng không phải là quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa (giá trị trao đổi của sức lao động không hề có giá trị thặng dư). Đối với Marx, trước khi chỉ giá trị trao đổi của hàng tiêu dùng mà người làm công cần mua, giá trị trao đổi của sức lao động chỉ phép phân chia giá trị mới do sức lao động làm ra (giá trị tăng thêm) giữa người lao động làm thuê và chủ tư bản, tuỳ theo tương quan sức mạnh giữa hai giai cấp. Cho nên, trong quan hệ mua bán sức lao động, điều mà người làm công bán ra không phải là một hàng hoá, mà là sự phục tùng chủ tư bản trong thời gian lao động; cũng như điều mà chủ tư bản mua không phải là một hàng hoá, mà là quyền chỉ huy người làm công trong suốt ngày lao động đó [Marx 1872].
2. Có ý nghĩa hơn nữa là cách Roemer xử lý phạm trù lao động: Khi nói đến thời gian mà một tác nhân chọn dành cho lao động (thay vì cho rảnh rỗi), Roemer vận dụng phạm trù của kinh tế học vi mô là lao động có tính cách cá nhân và mang tính chất lao động cụ thể, nhưng đồng thời giả định nó là thuần nhất. Roemer không hề biết rằng phạm trù lao động trong thuyết Marx về giá trị là lao động xã hội, lao động dưới hình thái trừu tượng mà biểu hiện vật thể là tiền tệ. Cho nên, ông không thể hiểu rằng giá trị không biểu hiện trong lao động, và lượng giá trị không đo bằng thời gian lao động, mà ngược lại: lao động biểu hiện thành giá trị, và thời gian lao động đo bằng lượng giá trị; còn giá trị thì thể hiện thành tiền tệ, và lượng giá trị thì đo bằng lượng tiền tệ; hay nói cách khác, tiền tệ là vật ngang giá của các hàng hoá và là đơn vị đo lường giá trị của chúng. Ngược nghĩa hoàn toàn với điều Marx viết, Roemer cho rằng đặc điểm của thuyết Marx là chọn lao động để đo lường giá trị - một luận điểm mà Marx, từ đầu và liên tục, vạch rõ sự sai trái, đặc biệt khi ông phê phán các tác giả chủ trương chủ nghĩa xã hội trên cơ sở của kinh tế học cổ điển Ricardo [Marx 1857-1858; 1859; 1872].
Từ đó, Roemer phê phán Marx và thuyết về bóc lột căn cứ trên khái niệm thặng dư giá trị: khẳng định của Marx cho rằng lao động bị bóc lột, thật ra, chỉ căn cứ trên chọn lựa lao động làm đơn vị đo lường đầu vào và đầu ra trong một nền kinh tế có sản phẩm thặng dư. Nếu chọn lựa một hàng hoá khác, như ngô bắp, làm đơn vị đo lường chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào trong nền kinh tế thì ngô bắp sẽ bị bóc lột thay vì là sức lao động. Đó là định lý khái quát về bốc lột hàng hoá: mọi hàng hoá đều có thể bị bóc lột chứ không riêng gì sức lao động. Đối với Roemer, thuyết giá trị căn cứ trên lao động của Marx không có ý nghĩa gì khác hơn là lao động, thay vì ngô bắp hay hàng hoá nào khác, được chọn làm đơn vị đo lường giá trị.
3. Roemer công nhận rằng bóc lột lao động và bóc lột ngô bắp không mang ý nghĩa xã hội giống nhau: bóc lột lao động đặt ra một vấn đề “đạo lý” là tính “công bằng” trong xã hội, cho nên “nếu bóc lột người lao động là một khái niệm quan trọng, đó là vì nó chỉ một sự bất công, chứ không phải tại vì bóc lột sức lao động là nguồn lợi nhuận duy nhất” [Roemer 1988, trg. 54]. Khoảng cách đối với cách Marx đặt vấn đề bóc lột càng rõ: tác giả của Tư bản luôn luôn từ chối nêu lên bóc lột như là một vấn đề đạo lý, và không hề phân tích bóc lột lao động làm thuê là điều bất công. Bởi vì, theo Marx, công bằng không phải là một phạm trù tự nhiên, mà nội dung của nó do mỗi phương thức sản xuất quyết định [Marx 1864-1865]. Nói đến công bằng trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là nói đến các nguyên tắc trao đổi ngang giá và pháp quyền bình đẳng, cho nên đòi công bằng, ở đây, không khác nào là đòi chủ nghĩa tư bản. Còn nếu nhắm đến công bằng của chủ nghĩa cộng sản - như Roemer - thì đó chỉ có thể là một lý tưởng, trong khi - đối với Marx - “chủ nghĩa cộng sản không phải là một lý tưởng mà hiện thực sẽ phải khuôn theo. Chúng tôi gọi chủ nghĩa cộng sản là sự vận động hiện thực xoá bỏ trạng thái của sự vật hiện nay” [Marx 1846].
Theo cách đặt vấn đề của Marx, đằng sau quan hệ trao đổi ngang giá giữa lao động làm thuê và tư bản trong quá trình lưu thông hàng hoá là quan hệ thống trị của tư bản trên lao động làm thuê trong quá trình lao động sản xuất. Còn theo Roemer thì đằng sau quan hệ trao đổi bất bình đẳng giữa lao động làm thuê và tư bản là phép phân phối không bình đẳng của cải ban đầu trong xã hội. Với cách đặt vấn đề này, Roemer không quan tâm đến các quan hệ xã hội trong quá trình lao động, và quên rằng Tư bản phân tích quá trình sản xuất giá trị thặng dư - tuyệt đối và tương đối - như là quá trình xác lập sự phục tùng của người lao động làm thuê đối với chủ tư bản trong lao động sản xuất. Về sau, Roemer có đưa vào định nghĩa của khái niệm bóc lột một điều kiện thứ ba theo đó: nhóm bóc lột (S’) phải “có ưu thế” trong tương quan với nhóm bị bóc lột (S). Qua điều kiện này, Roemer muốn tránh xảy ra tình trạng nhóm bị bóc lột phân bổ lại tài sản ban đầu, chứ ông không nhắm tương quan thống trị giữa chủ tư bản và người làm công trong quá trình lao động [Roemer 1982b]. Mặt khác, Roemer thừa nhận bóc lột có liên quan với thống trị, song điều đó, theo ông, không mang tính tất yếu [Roemer 1982c]. Roemer còn thử giải thích tương quan thống trị của chủ tư bản trên người làm công bởi tính khiếm khuyết, không đầy đủ của hợp đồng lao động [Roemer 1986b]. Cuối cùng, sau khi gạt quan hệ lao động ra khỏi định nghĩa khái quát của khái niệm bóc lột, Roemer đành đưa nó trở vào dưới hình thức một “điều khoản lao động” (labor clause) nhằm phân biệt, theo ông, bóc lột với những dạng bất công khác [Roemer 1989].
Sự chần chừ, lúng túng và nhập nhằng này của Roemer biểu hiện một khuyết điểm lớn của thuyết khái quát về bóc lột: nó không cho phép nhận thức một cách chính xác hiện thực quan hệ bóc lộc lao động làm thuê trong chủ nghĩa tư bản. Nó cũng không cho phép phân tích một cách xác đáng các cơ chế bóc lột trong chủ nghĩa xã hội hiện thực. Đó chính là giới hạn của đấu tranh giai cấp nhìn như là trò chơi.
Thay lời kết luận
Nêu lên vấn đề bóc lột trong nước Việt Nam hiện nay là một điều, dường như, không mấy thức thời. Thoạt tiên, đối với không ít người, từ ‘bóc lột’ - cũng như từ ‘giai cấp’ thường đi kèm - gợi lên ký ức của quá khứ hãi hùng: nó nhắc lại những trang lịch sử đen tối của đấu tố địa chủ, của các chiến dịch đánh tư sản và cải tạo công thương nghiệp... Cơ bản hơn, trong khi công cuộc phát triển kinh tế hiện tại đòi hỏi phải trấn an tâm lý của giới doanh nhân, tạo không khí tin tưởng cần thiết, thì đặt lại vấn đề bóc lột có thể làm cho người muốn kinh doanh, đầu tư nản lòng, chùn bước. Trong viễn cảnh của một nước Việt Nam tiếp tục ‘đổi mới’, phải chăng không nên nêu vấn đề này để thảo luận nữa?
Nếu người ta có thể cảm thông lý do tâm lý nói trên, song khó có thể bảo vệ quan điểm thực dụng đó về mặt lý luận, chí ít ngày nào bóc lột vẫn là một khái niệm khoa học. Bởi, cho dù gọi nó tên gì đi nữa, bóc lột chỉ một hiện thực bất biến của lịch sử loài người cho đến nay: từ xã hội này sang xã hội khác, dưới những hình thái khác nhau, quyền lực xã hội nằm trong tay của nhóm các người định đoạt sản phẩm thặng dư và sử dụng nó để tái sản xuất trật tự xã hội mà họ đứng đầu. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, cơ chế bóc lột đó mang một hình thái kinh tế đặc thù là giá trị (mối quan hệ của người lao động làm thuê với tiền tệ), và nó mang một hình thái chính trị đặc thù là dân chủ (mối quan hệ của người công dân với nhà nước pháp quyền). Trước hiện thực này, các nhà lý luận có thể có hai thái độ: hoặc xây dựng một khái niệm khoa học về bóc lột nhằm phân tích một cách có hệ thống các hình thái xã hội đặc thù và khả năng của xã hội vượt lên các hình thái đó; hoặc xây dựng những ý niệm tư tưởng hệ về bóc lột nhằm tránh né hiện thực nói trên, che lấp nó đằng sau những quan hệ khác, mang tính tự nhiên, tức là sùng bái hoá nó.
Trong các nhà lý luận, có thể nói rằng Marx thuộc phạm trù thứ nhất, cho dù khái niệm về giá trị thặng dư mà ông xây dựng lên còn khiếm khuyết hay có nhiều mặt nhặp nhằng cần tranh cãi. Và, cho dù không đồng ý với các luận điểm của Roemer - đó là trường hợp của bản thân tôi -, nỗ lực của ông để đổi mới học thuyết Marx - cũng như mọi cố gắng đọc lại Marx một cách khác hơn trước đây - là điều đáng trân trọng. Sở dĩ học thuyết Marx đã lâm vào khủng hoảng, chính là vì quyền tự do tư tưởng trong tiếp cận Marx không được tôn trọng: trong một thời gian quá dài, nhân danh những lý lẽ chính trị thực dụng, chủ nghĩa xã hội ‘hiện thực’ đã áp đặt một cách đọc Marx duy nhất, triệt tiêu mọi cách đọc khác bị qui chụp là tà thuyết. Năm 1998, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia có sáng kiến cho dịch ra và ấn hành tập sách Marx, l’intempestif [Mác, người vượt trước thời đại] của Daniel Bensaid trong đó tác giả bàn về thuyết khái quát về bóc lột của Roemer; tuy nhiên, nhà xuất bản tự cho phép mình gạt bỏ ra ngoài bốn trang trong tác phẩm gốc nói về hình thái bóc lột trong chủ nghĩa xã hội hiện thực [Bensaid 1995, tr. 192-196; bản tiếng Việt, tr. 291]: ắt không phải là cách hay nhất để tranh luận và phản biện các luận điểm của Roemer.
Tài liệu dẫn
Arrow, K. và Debreu, G [1954], ‘Existence of an equilibrium for a competitive economy’, Econometrica, Bộ 22.
Bensaid, D. [1995], Marx, l’intempestif, Fayard. Bản dịch tiếng Việt: Mác, người vượt trước thời đại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1998.
Chamberlin, E.H. [1933], The theory of monopolistic competition, Harvard University Press.
Debreu, G [1954], Théorie de la valeur, Dunod 1966.
Guerrien, B. [1989], Concurrence, flexibilté et stabilité, Economica.
Guerrien, B [2000], ‘La théorie de l’équilibre général depuis 1939’, trong A. Béraud, G. Faccarello (chủ biên), Nouvelle histoire de la pensée économique, t. 3, La Découverte.
Marx, K. [1846], L’idéologie allemande, Editions Sociales 1976.
Marx, K [1857-1858], Manuscrits de 1857-1858, Editions Sociales 1980.
Marx, K [1859], Contribution à la critique de l’économie politique, Editions Sociales 1957.
Marx, K [1872], Le Capital, Livre I, Editions Sociales 1962.
Marx, K [1875], Critique du programme de Gotha, Editions Sociales 1966.
Marx, K [1880], ‘Notes marginales sur le Traité d’économie politique d’Adolphe Wagner’, in K. Marx, Le Capital, Livre II, Editions Sociales 1976.
Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Quốc Tế, Lương Minh Cừ (chủ biên) [2003], Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Pareto, V. [1902-1903], Les systèmes socialistes, Droz 1965.
Pareto, V. [1909], Manuel d’économie politique, Droz 1981.
Robinson, J. [1933], The economics of imperfect competition, Macmillan 1969.
Robinson, J. [1953], ‘Imperfect competition revisited’, The Economic Journal, September.
Roemer, J.E. [1982], A general theory of exploitation and class, Havard University Press.
Roemer, J.E. [1982b], ‘Exploitation, alternatives and socialism’, Economic Journal, March, in J.E. Roemer [1994]
Roemer, J.E. [1982c], ‘Reply’, Politics and Society, vol. 11, n°3.
Roemer, J.E. (ed) [1986], Analytical marxism, Cambridge University Press.
Roemer, J.E. [1986b], Value, exploitation and class, Harwood Academic Pub.
Roemer, J.E. [1988], Free to lose, Harvard University Press.
Roemer, J.E. [1989], ‘Should marxists be interested in exploitation’, in J.E. Roemer [1994]
Roemer, J.E. [1994], Egalitarian perspectives, Cambridge University Press.
Wright E.O. [1985], Class, Verso.
Chú thích
[1]Cuộc thảo luận đã trở nên công khai sau Hội nghị ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam tháng 3 năm 2002. Theo uỷ viên bộ chính trị Nguyễn Minh Triết (bí thư thành uỷ Thành Phố Hồ Chí Minh), “Đảng thừa nhận sự bất cập về mặt lý luận” trên vấn đề “đảng viên có được làm kinh tế tư bản tư nhân hay không ? Người nói có, người nói không. Trong khi thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đâu có thiếu những đảng viên đang làm chủ doanh nghiệp tư nhân. Có cọ xát thực tiễn, có tự do tư tưởng, có tranh luận mới nảy ra được vấn đề mới, ý tưởng mới, từ đó góp phần phát triển lý luận, vượt qua tình trạng mò mẫm, bất cập hiện nay”. Ông còn nhấn mạnh: “Để có thể tiếp cận cái mới thì đừng vội bài bác những ý kiến trái tai. Trái lại, cần chủ động khuyến khích tranh luận, phản biện, đừng để bất cứ người nào có ý kiến khác hay ý kiến mới mà phải để bụng, không dám nói ra, cốt để yên thân” (báo Tuổi Trẻ, 14.3.2003).
[2]Ngoài ra, còn có bài thảo luận của Phan Huy Đường viết cho hội thảo hè Maine 2002 [http://www.viet-studies.org/hoithao/PHDuong-thangdu.pdf]
[3]Song, Đảng cộng sản Việt Nam dường như chưa vượt qua được từ “tư bản” vẫn huý kỵ, cho nên bản Dự thảo báo cáo chính trị của đại hội X nói vòng vo cho phép “đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô”.
[4]“Phải thấy rằng cách hiểu về bóc lột thời kỳ máy hơi nước hay thời kỳ tự do cạnh tranh so với thời kỳ bây giờ đã hoàn toàn khác xa nhau” (Trần Xuân Giá, Bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 21.2.2002).
[5]“Lao động được trả công theo năng suất, được tiến hành phù hợp với qui định pháp luật, được tôn trọng nhân phẩm và tạo ra khả năng phát triển của người lao động thì không được coi là bị bóc lột và người sử dụng lao động như vậy không phải là kẻ bóc lột” (Lê Đăng Doanh, chuyên viên cấp cao Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, báo Tuổi trẻ chủ Nhật 24.2.2002).
[6]“Trong một thị trường lao động tự do và minh bạch thì ai dại gì mà bán sức lao động dưới giá thị trường?! Và ngược lại. ai dại gì mà mua sức lao động trên giá đó?! Thế thì bóc lột ăn nhập gì vào quy luật tự nhiên bất biến này [qui luật cung-cầu] của thị trường?” (Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng quốc hội, tạp chí Nhà quản lý tháng 1 2006)
[7]Theo luận điểm của Vũ Quang Việt, tiền lãi không thuộc phạm trù giá trị thặng dư, cho nên chỉ có lợi nhuận doanh nghiệp (tư bản chức năng) mới là bóc lột: phân tích này được tác giả xác lập không trong khuôn khổ của học thuyết Marx mà từ quan điểm của “lý thuyết kinh tế tân cổ điển” [bài đã dẫn, trang 8-11]. Trước đó, tại hội thảo hè Liège 1999, Lê Văn Cường (On the exploitation in a perfectly competitive economy) cũng đã sử dụng lý luận tân cổ điển, nhưng để xác lập luận điểm theo đó lợi nhuận doanh nghiệp bằng không, cho nên khái niệm bóc lột của Marx chỉ giới hạn vào tiền lãi (tư bản sở hữu).
[8]Cho rằng:
Y là tổng sản phẩm; A, B, C là các nhân tố sản xuất.
Hàm sản xuất là: Y = Y(A,B,C)
py là giá của sản phẩm; pa, pb, pc là giá, tức thu nhập của các nhân tố sản xuất A, B, C.
Giá trị tổng sản phẩm bằng chi phí sản xuất: Y.py = A.pa + B.pb + C.pc
Chi phí sản xuất đạt mức tối thiểu khi thu nhập thực tế của mỗi nhân tố sản xuất bằng năng
suất biên của nó: δY/δA = pa/py; δY/δB = pb/py; δY/δC = pc/py. Cũng có thể nói rằng
thu nhập danh nghĩa của các nhân tố sản xuất là năng suất biên của chúng tính theo giá của
sản phẩm: pa = (δY/δA)py; pb = (δY/δB) py; pc = (δY/δC) py.
Ở cân bằng cạnh tranh hoàn hão, tổng sản phẩm vừa đúng để chi trả mỗi nhân tố sản xuất theo
năng suất biên của nó: Y = A. δY/δA + B.δY/δB + C.δY/δC
[9]Cho rằng:
L là lượng lao động sử dụng, ℓ là mức lương của đơn vị lao động
S là lượng sản phẩm, s là giá trị của sản phẩm
D là tổng doanh thu: D = S.s; doanh thu biên là: δD/δS = (S.δs/δS) + s
e là độ co giản của cầu đối với giá cả: e = (δS/S) / (δs/s) = (δS/δs).s/S
Mối liên hệ giữa doanh thu biên, giá sản phẩm và độ co giản của cầu đối với giá cả là:
δD/δS = s (1+1/e)
Trong chế độ cạnh tranh hoàn hão, mức lương thực tế bằng năng suất lao động biên: ℓ/s = δS/δL và mức lương danh nghĩa bằng năng suất lao động biên nhân với giá của sản phẩm:ℓ = (δS/δL) s. Giá cả sản phẩm, ở đây, bất biến khi doanh nghiệp tăng sản phẩm bán ra và nó trùng lập với doanh thu biên.
Trong chế độ cạnh tranh mang tính độc quyền, giá của sản phẩm không còn trùng lập với doanh thu biên: muốn gia tăng sản phẩm bán ra, doanh nghiệp phải hạ giá bán, cho nên doanh thu biên lúc nào cũng thấp hơn giá của sản phẩm (doanh thu bình quân). Trong những điều kiện đó, doanh nghiệp chi trả lương theo sự gia tăng doanh thu (chứ không phải theo sự gia tăng sản phẩm) do đơn vị lao động biên mang lại: mức lương danh nghĩa bằng năng suất lao động biên nhân với doanh thu biên (chứ không phải với giá của sản phẩm): ℓ = (δS/δL) (δD/δS) = (δS/δL) (1+1/e) s. Mức lương thực tế là: ℓ/s = (δS/δL) (1+1/e). Bởi lẽ e < 0, cho nên (1+1/e) < 1, và (δS/δL) (1+1/e) < δS/δL: mức lương chi trả cho lao động trong chế độ cạnh tranh có tính độc quyền lúc nào cũng thấp hơn năng suất biên của nó. Tiền lương chỉ tương ứng với năng suất lao động biên khi e = ∞, tức khi cạnh tranh có tính hoàn hão.
[10] “Đấu tranh giai cấp mà Marx đặc biệt nhấn mạnh là một sự kiện hiện thực để lại dấu ấn trên từng trang của lịch sử, nhưng đấu tranh này không xẩy ra giữa hai giai cấp - vô sản và tư bản - mà diễn ra giữa vô số nhóm có những lợi ích khác nhau, nhất là các nhóm ưu tú tranh giành nhau quyền lực” [Pareto 1902-1903, 1, tr. 117-118].
[11]“Ở mọi thời và mọi nơi, quá khứ lịch sử và hiện tại được quan sát đều cho thấy người ta chia thành những nhóm mà của cải kinh tế một phần do nhóm tự sản xuất ra, một phần do nó tước đoạt những nhóm khác, và các nhóm này thì tước đoạt nó lại. Các hành vi đó đan chéo nhau một nghìn cách và có những tác động trực tiếp và gián tiếp vô cùng đa dạng. Đối với mỗi nhóm, cần xác lập một bảng tổng kết” [Pareto 1902-1903, 1, tr. 119].
[12]Đó chỉ mới là các giả thuyết về hình thái tổ chức của thị trường. Sự tồn tại của cân bằng chung còn đòi hỏi một số giả thuyết khác liên quan đến các tác nhân (công nghệ mà người sản xuất sử dụng, sở thích của người tiêu dùng, phép phẩn bổ tài sản ban đầu giữa các tác nhân) đảm bảo tính liên tục của hàm cung và hàm cầu trên thị trường. Tất cả các giả thuyết đó cho phép mô hình Arrow-Debreu chứng minh cân bằng chung tồn tại, song nó không chứng minh được tính ổn định của cân bằng chung đó: điều này có nghĩa là quá trình mò mẫm của bí thư thị trường, nói chung, không đưa đến cân bằng chung hay. Nói cách khác: “qui luật cung - cầu” không được xác minh [Guerrien 1989]
[13]Hãy giả dụ một xã hội hoàn toàn bất bình đẳng trong đó một cá nhân độc quyền nắm chiếm tất cả nhân tố sản xuất: đó là một trạng thái kinh tế tối ưu trong nghĩa không thể cải thiện lợi ích của các người còn lại mà không gây thiệt hại cho người nắm độc quyền. Trong khi đó, một xã hội hoàn toàn bình đẳng, trong đó tất cả nhân tố sản xuất đều đươc chia đều giữa các thành viên, là một trạng thái kinh tế không tối ưu bởi vì các thành viên, nếu có những sở thích không giống nhau, có thể cải thiện lợi ích cá nhân bằng cách tiến hành những cuộc trao đổi có lợi lẫn nhau. Càng không thể cho rằng xã hội bình đẳng ưu việt hơn xã hội bất bình đẳng hoặc ngược lại, bởi vì lợi ích của một người hoặc của các người còn lại sẽ bị thiệt hại khi chuyển từ xã hội này sang xã hội kia: đó là hai xã hội không so sánh với nhau được.
[14]Một xu thế khác trong các tác giả tân cổ điển là giới hạn phân tích cân bằng chung vào một số ít “tác nhân đại biểu”, song khó lòng gọi đây là cân bằng chung “tân cổ điển” khi nó đã đánh mất phương pháp luận “đi từ cá thể”: tác nhân đại biểu không phải là một tác nhân cá thể mà là một tác nhân tập thể (thuộc về phương pháp luận “đi từ toàn thể”). Cũng có thể nói rằng định nghĩa tân cổ điển về một nền kinh tế thị trường mất đi, ở đây, nội dung chính của nó là phối hợp các chọn lựa thuần lý của một số đông cá nhân khác nhau [Guerrien 2000].
[15] Trong Free to lose [1988], Roemer sử dụng thí dụ như sau: Giả định một nền kinh tế gồm 1000 tác nhân sản xuất lúa mì theo hai kỹ thuật. Kỹ thuật A: 1 ngày lao động và 1 đơn vị lúa giống làm ra 2 đơn vị lúa mì gộp, tức 1 đơn vị lúa mì ròng. Kỹ thuật B: 3 ngày lạo động làm ra 1 đơn vị lúa mì. Thời gian làm ra lúa mì là 1 tuần lễ. Mỗi tác nhân cần dùng 1 đơn vị lúa mì/tuần để tồn tại. Vốn tư bản ban đầu trong xã hội là 500 đơn vị lúa mì.
● Mô hình kinh tế 1: Lúa giống được phân bổ bình đẳng, mỗi tác nhân kinh tế nắm 0,5 đơn vị. Ở trạng thái cân bằng, mỗi tác nhân lao động 0,5 ngày theo kỹ thuật A và 1,5 ngày theo kỹ thuật B, nó làm ra 1,5 đơn vị lúa mì, đảm bảo tiêu dùng tất yếu (1 đơn vị) và tái sản xuất tư bản (0,5 đơn vị). Thời gian lao động của mỗi tác nhân là 2 ngày, đó cũng là thời gian lao động chứa đựng trong 1 đơn vị lúa mì, cho nên không có bóc lột.
● Mô hình kinh tế 2: 250 tác nhân kinh tế hình thành nhóm L của các tác nhân bán sức lao động, và 750 người còn lại hình thành nhóm M của các tác nhân mua sức lao động. Mỗi tác nhân L tự sản xuất lúa mì theo kỹ thuật A với tư bản của nó và 0,5 ngày lao động, làm ra 1 đơn vị lúa mì, cho phép tái tạo tư bản và cung cấp 0,5 đơn vị lúa mì để tiêu dùng. Sau đó, thay vì tiếp tục tự sản xuất theo kỹ thuật B với thời gian lao động còn lại (1,5 ngày), nó bán sức lao động của nó cho các tác nhân M sản xuất lúa theo kỹ thuật A: với 1,5 ngày lao động và 1,5 đơn vị lúa giống của ba tác nhân M, có thể sản xuất 3 đơn vị lúa mì, trong đó phần trả công cho tác nhân L là 0,5 đơn vị lúa còn thiếu để nó đảm bảo sinh hoạt (mức lương là 0,33 đơn vị lúa/ngày), phần tái tạo tư bản của ba tác nhân M là 1,5 đơn vị lúa, và phần lợi nhuận là 1 đơn vị lúa, tức 0,33 đơn vị cho mỗi chủ tư bản M: tỷ suất lợi nhuận (lợi nhuận/vốn tư bản) là 0,33/0,5 = 0,66%. Các tác nhân M còn thiếu 0,66 đơn vị lúa mì để đảm bảo sịnh hoạt, cho nên mỗi người cần tự sản xuất theo kỹ thuật B với 2 ngày lao động. Ở trạng thái cân bằng, thời gian mỗi người lao động và thời gian lao động chứa đựng trong một đơn vị lúa mì vẫn là 2 ngày: sự hình thành của một thị trường lao động không tạo nên bóc lột.
[16]Triển khai tiếp tục thí du trong Free to lose [1988], Roemer giả định nhóm M gồm 10 tác nhân chia nhau tất cả vốn tư bản ban đầu, và nhóm L gồm 990 tác nhân vô sản.
● Mô hình kinh tế 3: Chọn lựa của các tác nhân L giữa tự lao động sản xuất và lao động làm thuê tuỳ thuộc vào mức lương trên thị trường. Khi tiền lương ở dưới mức 0,33 đơn vị lúa/ngày, tất cả đều chọn tự lao động sản xuất 3 ngày theo kỹ thuật B để đảm bảo sinh hoạt; khi tiền lương ở trên mức 0,33 đơn vị lúa/ngày, tất cả đều chọn lao động làm thuế cho nhóm M. Song, bởi vì vốn tư bản của nhóm M không đủ để sử dụng tất cả tác nhân L, mức lương cân bằng là 0,33 đơn vị lúa/ngày. Với tổng số tư bản là 500 đơn vị lúa, số tác nhân L lao động làm thuế mỗi người 3 ngày là 167 người [500/3]. Tổng sản phẩm lúa mì sẽ là 1000 đơn vị, trong đó 500 đơn vị là để tái tạo tư bản, 167 đơn vị là để trả công [500/3], 333 đơn vị còn lại là lợi nhuận của 10 tác nhân M, tỷ suất lợi nhuận là 66,6% [333/500]. 823 tác nhân L còn lại sẽ tự lao động sản xuất 3 ngày với kỹ thuật B. Trong khi 1 đơn vị lúa mì vẫn chứa đựng 2 ngày lao động, các tác nhân vô sản L phải lao động 3 ngày để được 1 đơn vị lúa mì, và tác nhân chủ tư bản M nhận được 33,3 đơn vị lúa mì mà không cần phải lao động: quan hệ bóc lột xuất hiện ở đây.
● Mô hình kinh tế 4: Thay vì trả công cho 167 tác nhân vô sản L, các tác nhân chủ tư bản cho họ vay vốn tư bản và thu tiền lãi. Các tác nhân L này mỗi người vay mượn 3 đơn vị tư bản và, với 3 ngày lao động, làm ra 6 đơn vị lúa mì. Trên số đó, mỗi người tiêu dùng 1 đơn vị và trả 5 đơn vị cho chủ tư bản M, gồm 3 đơn vị để hoàn lại vốn và 2 đơn vị là tiền lãi: lãi suất như vậy là 66,6% ngang bằng tỷ suất lợi nhuận của mô hinh 3. Ở thế cân băng, thời gian lao động của mỗi tác nhân vô sản là 3 ngày trong khi tư liệu sinh hoạt của họ chỉ tương đương với 2 ngày lao động như trong nền kinh tế 3. Chế độ người cho vay bóc lột người mượn vốn và chế độ chủ tư bản bóc lột người làm công kết cấu như nhau: Roemer gọi đó là “định lý về tính đẳng cấu” (isomorphism theorem) [Roemer 1982, Lời mở đầu].