Giá vàng thế giới gần đây liên tục biến động theo hướng tăng cao trước nỗi lo ngại của nhà đầu tư về cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng tại châu Âu và viễn cảnh chưa rõ ràng về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ.
Theo sát giá thế giới, giá vàng trong nước cũng liên tục tăng cao, có thể tác động tiêu cực đến tỉ giá VND/USD. Tuy vậy, hiện có khá nhiều yếu tố vĩ mô có thể giúp tỉ giá ổn định từ nay đến cuối năm.
Đầu tiên là đà tăng lạm phát từ đầu năm đã thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Lạm phát cả năm được các chuyên gia ước tính vào khoảng 7-8%. Lạm phát ở mức hợp lý sẽ giúp củng cố niềm tin vào VND, từ đó góp phần ổn định tỉ giá.
Lãi suất cũng là một yếu tố hỗ trợ cho tỉ giá. Lãi suất huy động bằng VND của các ngân hàng hiện ở mức 9% đối với các kỳ hạn ngắn và cao hơn ở các kỳ hạn dài. Nếu đem so với lãi suất tiền gửi bằng USD chỉ khoảng 2% thì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đã đủ hấp dẫn để người dân cất trữ tài sản dưới dạng VND.
Về ngoại thương, nhập siêu năm nay được dự đoán sẽ ở mức thấp. Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm nay, nhập siêu vào khoảng 62 triệu USD, chỉ bằng khoảng 0,08% giá trị xuất khẩu. Việc xuất khẩu tăng lên và nhập khẩu chậm lại làm tăng cung, giảm cầu USD, góp phần xoa dịu sức ép tỉ giá trên thị trường.
Dòng vốn chảy vào cũng đang được cải thiện. Bởi lẽ, cán cân thanh toán của Việt Nam đã thặng dư 7,5 tỉ USD trong nửa đầu năm nay và Ngân hàng ANZ dự báo sẽ tiếp tục thặng dư trung bình 6-7 tỉ USD mỗi năm trong những năm tới.
Luồng vốn giải ngân FDI tiếp tục ở mức khá ổn định khi tổng vốn FDI thực hiện 8 tháng đầu năm chỉ giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm cũng tăng 9,4%. Cùng với đó là một lượng kiều hối khá cao được dự báo chuyển về nước trong các tháng cuối năm, sẽ góp phần gia tăng lượng cung USD. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VietCapital, lượng kiều hồi cả năm nay sẽ vào khoảng 6-7 tỉ USD.
Trên thị trường chứng khoán, luồng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, theo dự kiến, sẽ khả quan hơn so với đầu năm. Bắt đầu từ ngày 15.9 tới, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP sẽ có hiệu lực, cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty chứng khoán 100% vốn ngoại hay góp vốn để nâng tỉ lệ sở hữu lên mức tối đa 49% ở một công ty chứng khoán Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy một phần vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Một yếu tố khác rất quan trọng trong việc ổn định tỉ giá là dự trữ ngoại hối. Theo ước tính của VietCapital, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã vào khoảng 19-20 tỉ USD. Đây là sự cải thiện đáng kể so với mức chỉ 12 tỉ USD năm ngoái. Với lượng dự trữ này, Ngân hàng Nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong việc can thiệp thị trường mỗi khi có biến động.
Tất cả những phân tích ở trên cho thấy tỉ giá có thể ổn định trong ngắn hạn. Tuy vậy, cũng có không ít yếu tố rủi ro khiến tỉ giá có thể biến động mạnh. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu xuống thấp trong năm nay, thậm chí trong những năm tới. Điều này có thể khiến sức hấp dẫn của nền kinh Việt Nam bị giảm, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Biểu hiện đầu tiên là vốn FDI đăng ký tính đến hết tháng 8 đã giảm đến 43,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Lạm phát cuối năm vẫn còn là một nỗi lo ngại lớn. Chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa của Chính phủ có thể khiến tốc độ lạm phát trong các tháng cuối năm tăng nhanh hơn dự kiến. Đồng thời, giá cả hàng hóa nguyên vật liệu thế giới có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm do nhu cầu cao và hạn hán tại một số quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn như Mỹ, Nga.
Ngoài ra, các vấn đề lớn về nợ xấu ngân hàng, thị trường bất động sản đóng bằng vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, ít nhiều đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài.
Một yếu tố tác động khác là nền kinh tế toàn cầu đang đình trệ có thể khiến dòng vốn đầu tư của thế giới giảm sút, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Vậy tỉ giá cuối năm sẽ tăng bao nhiêu? Hầu hết các chuyên gia đều cùng chung nhận định tỉ giá cuối năm sẽ không biến động mạnh. Ông Phong Nguyễn, chuyên viên phân tích vĩ mô của VietCapital, cho rằng những yếu tố hỗ trợ từ xuất nhập khẩu, giải ngân FDI, lạm phát, lượng kiều hối… sẽ giúp VND ổn định và tỉ giá có thể tăng thêm chỉ 1% vào cuối năm nay, tức khoảng 21.000 VND/USD. Còn Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng thì đưa ra con số dự báo ở mức 21.000-21.500 VND/USD.
Một số tổ chức khác cũng dự báo khá lạc quan. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng tỉ giá sẽ nhích nhẹ nhưng sẽ không vượt qua mức 21.500 VND/USD. Còn Ngân hàng ANZ thì dự đoán tỉ giá sẽ ở mức 21.500 VND/USD, tức tăng 2% vào cuối năm nay.
Tóm lại, tỉ giá đang ổn định trong ngắn hạn. Tuy vậy, việc Ngân hàng Nhà nước neo tỉ giá cố định quá lâu ở mức 20.828 VND/USD được cho là không cần thiết, bởi một sự biến động nhẹ có thể kích thích luồng vốn vào ra uyển chuyển hơn theo quy luật thị trường.
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, từ năm 2006 đến nay, VND luôn bị định giá cao so với giá trị thực và ngày càng lên giá so với USD. Vì vậy, việc nên cân nhắc vào lúc này là hạ giá VND nhằm đưa tỉ giá biến động theo quy luật thị trường. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế trong dài hạn.
Theo NCĐT
Theo NCĐT