Home » » Liên miên khủng hoảng và bế tắc tư tưởng

Liên miên khủng hoảng và bế tắc tư tưởng

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012 | 04:46


Phan Huy Đường



Đầu tháng 05-2012, chính phủ Pháp công bố "Báo cáo Gallois" vạch đường lối kinh tế hòng giải quyết khủng hoảng của nền công nghiệp Pháp, khiến khả năng cạnh tranh của nó tăng lên. Có kinh tế gia tham gia cuộc tranh luận sau đó trên báo chí nhận xét : nước Pháp đã liên tục áp dụng đường lối kinh tế này từ 20 năm nay, nó không giải quyết được gì, nó còn dẫn tới tình trạng hôm nay.
Dựa trên học thuyết kinh tế "lỗi thời" của Marx về phương thức sản xuất Tư-bản tại Châu Âu cách đây khoảng 150 năm, bài này cố giải thích vì sao không thể nào khác được.

Ông François Hollande, Đảng Xã Hội Pháp, vừa được bầu làm tổng thống, thông qua thủ tướng Jean-Marc Ayrault, liền trao cho ông Louis Gallois nhiệm vụ triệu tập anh tài PhuLăngXa để vạch ra đường lối kinh-tế cho phép giải quyết khủng hoảng của nền công-nghiệp Pháp, khiến khả năng cạnh tranh của nó tăng lên.
Ông Gallois là người khá độc đáo, xem tiểu sử của ông trong Wikipedia thì thấy. Xuất thân tả khuynh, đảng viên Đảng Xã Hội, ông đã được cả tả lẫn hữu, từ thời tổng thống Mitterrand cách đây hơn 30 năm, cho tới ngày nay, trọng dụng ở những chức vụ cao nhất trong chính trường và thị-trường. Cho tới cuối tháng 5-2012, ông còn là tổng giám đốc hãng Eads, European Aeronautic Defence and Space company. Ở đó, ông đã từ chối lương quá cao (2,8 triệu € / năm, chỉ muốn nhận lương cũ của mình = 800 000 € / năm).
05-11-2012, ông nộp bản báo cáo kết thúc bằng 22 đề nghị.
Sau đây, đề nghị trọng tâm quyết định tất cả :
"4e proposition :
créer un choc de compétitivité en transférant une partie significative des charges sociales jusqu’à 3,5 SMIC – de l’ordre de 30 milliards d’euros, soit 1,5 % du PIB – vers la fiscalité et la réduction de la dépense publique.
Ce transfert concernerait pour 2/3 les charges patronales, et pour 1/3 les charges salariales."
[tôi nhấn mạnh ; sẽ giải thích ngay sau đây]
Đại khái, bớt gánh-nặng-xã-hội [của ai ?], khoảng 30 tỷ € tức là 1,5% PIB (tổng sản phẩm quốc nội), bằng cách tăng thuế [đối với những ai ?] và giảm chi tiêu của Nhà-nước [cho những ai ?]
Đằng sau những cụm từ "gánh-nặng-xã-hội" (charges sociales = charges patronales + charges salariales) có những điều gì ?
Đại khái thế này :
Nhà-nước buộc xí-nghiệp và người-làm-công phải xử lý lương-tổng-hợp (salaire super brut) của người-làm-công như sau :

Lương-tổng-hợp = N, phân thành :

Đóng góp của xí-nghiệp = X = x % của N →
Các quỹ
phúc-lợi-xã-hội
Đóng góp của người-làm-công = Y = y % của (N-X) →
Lương-ròng = thu nhập của người-làm-công


Theo chữ nghĩa, lượng tiền X do xí-nghiệp đóng góp vào các quỹ-phúc-lợi-xã-hội1 lớn hơn lượng tiền Y do người người-làm-công đóng góp. Chỉ đọc bảng biểu lương (bulletin de salaire) mình nhận mỗi tháng thì thấy liền. Hè hè…
Kinh-tế gia tư-sản không ai mất thời giờ phân tích sự phân biệt giữa đóng góp của xí-nghiệp (còn gọi là của giới chủ, cotisations patronales) với đóng góp của người-làm-công (còn gọi là của giới làm-công, cotisations salariales). Đối với họ, nó không có ý nghĩa về mặt kinh-tế học, không có tác động trong sự vận động của guồng máy kinh-tế. Theo quan điểm mácxít, họ có lý. Chỉ có hai lượng quan trọng thôi :
a/ lương-tổng-hợp
Vì nó tuột ra khỏi tay của anh Tư-bản, trực tiếp chi phối khả năng cạnh tranh (compétitivité) của xí-nghiệp (Cung) ?
b/ lương-ròng của anh làm-công.
Vì nó trực tiếp quyết định sức mua của anh làm-công, chi phối thị-trường hàng-hoá quốc nội, nơi anh Tư-bản bán sản phẩm của mình (cầu) ?
Khác với kinh-tế gia, khi bàn về vai trò xã hội của "xí-nghiệp", sự phân biệt giữa đóng góp của xí-nghiệp với đóng góp của người-làm-công là đề tài tranh luận gay gắt giữa các chính khách và giữa bàn dân : thấy không, xí-nghiệp đóng góp cho xã hội nhiều hơn người-làm-công mà, phải điên điên mới lên án nó, lên án những ông chủ !
Quan hệ giữa hạ-tầng-cơ-sở-kinh-tế (infrastructure économique) với thượng-tầng-kiến-trúc-ý-thức-hệ (super-structure idéologique) là như thế : một món tiền trích từ lương-tổng-hợp của người-làm-công đưa vào một quỹ xã hội, do luật pháp ấn địnhphải khai như là đóng góp của hai tác nhân : chủ (đóng nhiều hơn) và người-làm-công. Chế độ dân chủ, tự do và pháp quyền tư-sản, trong lĩnh vực này, là như vậy. Dư đề tài cho bàn dân, chính khách và lý thuyết gia đủ môn phái tranh luận tới ngày tận thế.
Thôi thì dán nhãn hiệu ai đóng góp cũng được, điều chính yếu vẫn là : trong tổng sản phẩm quốc nội (PIB, GDP), anh Tư-bản-tư-hữu lãnh bao nhiêu và người-làm-công lãnh bao nhiêu, khuynh hướng chia chác phát triển ra sao trong những năm qua ? Rất rõ : phần của người-làm-công tà tà giảm từ 69,9% năm 1975 xuống 57,8% năm 2008.2 Từ đó đến nay, nó tiếp tục giảm. Với chính sách kinh-tế của ông Gallois, trong những năm tới, nó tiếp tục giảm là cái chắc.
Đương nhiên, phần của anh Tư-bản-tư-hữu tăng song song.
Thế nào đi nữa, theo Báo cáo Gallois, trút bớt gánh-nặng-xã-hội có nghĩa là :
− anh Tư-bản chiếm lĩnh một phần lương-tổng-hợp của người-làm-công bỏ túi.
− người-làm-công, trước mắt, cũng được lãnh thêm tí lương-ròng.
Khéo léo đểu ở đấy ! Nghệ thuật chính-trị đời nay ở PhuLăngXa trong lĩnh vực này chỉ còn có vậy !
Vì giá bàn dân sẽ phải trả tức khắc là : các quỹ-phúc-lợi-xã-hội bớt nguồn thu nhập, bớt khả năng "ban phúc lợỉ", điều bàn dân PhuLăngXa khó chấp nhận. Thế thì phải bù đắp cho chúng. Bù đắp bằng cách nào ?
a/ tăng thuế. Mọi người sẽ phải gánh. Đương nhiên có người-làm-công.
Nhưng ai sẽ gánh bao nhiêu là một vấn đề khác, không phụ thuộc chính sách "kinh-tế" mà phụ thuộc chính sách thuế má (fiscalité).
b/ hạ chi tiêu của Nhà-nước (dépense publique). Mọi người sẽ phải gánh.
Nhưng hạ chi tiêu cho những ai ? Cũng là một vấn đề khác ! không phụ thuộc đường lối "kinh-tế" mà phụ thuộc chính sách quản lý ngân sách của Nhà-nước ? Hay một món gì khác ?
Cứ coi những món tiền khổng lồ mà Nhà-nước đã cung cấp cho những ai trong cơn khủng hoảng tài chính vài năm qua và những cắt xén chi tiêu trợ cấp cho những ai trong thời gian ấy, tuy không hiểu nổi nhưng cũng thấy được…
Thực tế, chính sách kinh-tế này chẳng mới mẻ gì. Tác giả của nó là ông Michel Rocard, thủ tướng của ông Mitterrand, Đảng Xã Hội, khi ông sáng lập thuế CSG cách đây hơn 20 năm. Năm 2010, anh CSG "nặng" gấp hai thuế lợi tức của bàn dân. Mấy năm qua, ông Rocard hợp tác hài hoà với tổng thống Sarkozy (hữu), được bổ nhiệm làm đại sứ chuyên trách thương lượng về… Bắc Cực và Nam Cực ! Ông đã tận tụy ghé thăm mấy chúpingouins. Hoà giải hoà hợp đến thế là cùng. Hiện tượng này đã được bình thường hoá trong đời sống chính trị ở PhuLăngXa đến mức ông Sarkozy đã thoải mái tuyên bố : tôi là giám đốc quản lý nhân sự cho Đảng Xã Hội ! Tuyệt cú mèo !
Thôi, em sợ lắm, để các chuyên gia bàn và khai minh cho bàn dân.

Đằng sau cụm từ "các quỹ-phúc-lợi-xã-hội" có gì ?
Có một đống quỹ nhận tiền đại loại như trên để thực hiện một số nhiệm vụ đoàn kết tương thân tương trợ theo một đống quy chế đặc thù. Nhảy vào cái rừng luật lệ này, ắt biến thành chuyên viên. Ta không có nhu cầu ấy, chỉ cần hiểu đại khái như sau.
a/ nhiệm vụ
giúp đỡ người-làm-công trong cơn hoạn nạn :
− đau ốm (chính mình, vợ hay chồng, con cái) : quỹ bảo hiểm xã hội, caisse d'assurance maladie.
− thất nghiệp : quỹ bảo hiểm thất nghiệp, caisse d'assurance chômage.
− sống tuổi già : quỹ hưu trí, caisse de retraite.
− khả năng nuôi gia đình : quỹ trợ cấp gia đình, caisse d'allocation familliale.
− Và một đống thứ linh tinh khác cho từng thành phần xã hội.
Theo học thuyết kinh-tế của Marx, hầu hết thuộc giá-trị của sức-lao-động nhằm tái tạo sức-lao-động cần thiết cho quy-trình-vận-động của Tư-bản, trước mắt và lâu dài.3
b/ quản lý
Những quỹ này do đại diện của giới chủ (Medef) và giới người-làm-công (các công đoàn) đồng quản lý dưới quyền trọng tài của Nhà-nước4. Họ quyết định đầu vào và đầu ra của quỹ, e tutti quanti. Khi họ đồng ý với nhau, Nhà-nước bảo lãnh quyết định chung của họ, nghĩa là : bù lỗ, nếu có. Khi họ bất đồng, Nhà-nước quyết định tối hậu bằng luật pháp. Nhà-nước sẽ quyết định thế nào thì… hè hè.
c/ về mặt lịch sử, thế này.
Những quỹ-phúc-lợi-xã-hội không từ trên trời rơi xuống nhân gian, không do Đấng Thiêng Liêng nào tạo, không nhờ lý thuyết của bất cứ kinh-tế gia, tư tưởng gia tư-sản nào mà hình thành. Nó chào đời xuyên qua đấu tranh giai-cấp của giai-cấp công-nhân PhuLăngXa trong suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Quỹ Sécurité Sociale (Bảo hiểm xã hội) được thành lập ngày 04-10-1945, sau chiến tranh thế giới 2, khi Đảng Cộng Sản PhuLăngXa tự vinh danh là Đảng của những người bị bắn (le Parti des fusillés), đúng thế, và trở thành đảng lớn nhấp ở Pháp theo lá phiếu của cử tri.

Chính giới, các chuyên gia và lý thuyết gia kinh-tế bàn luận túi bụi về Báo cáo Gallois. Bàn dân chẳng mấy ai hiểu nổi họ bàn chuyện gì vì những từ ngữ được sử dụng nhập nhằng kinh hoàng : dùng hai từ khác nhau để chỉ định cùng một hiện thực, dùng cùng một từ để nói lên hai điều khác nhau, thậm chí phủ nhận nhau, e tutti quanti
Bàn dân không hiểu gì cả nhưng cũng nhận ra mấy điều sau.
a/ Chị5 Medef (Mouvement Des Entreprises de France), tổ chức đại diện giới chủ xí-nghiệp của Pháp, hỉ hả vui sướng, chỉ phản đối cho có lệ : chưa đủ triệt để…
Không khó hiểu : ông Gallois đã chủ trương thực hiện tất cả những đòi hỏi do Medef nêu ra ngay sau khi ông Hollande được bầu làm tổng thống, đôi khi với giọng đe dọa ! Hỡi ơi nền dân chủ pháp quyền PhuLăngXa !
b/ Đảng đối lập UMP cũng chỉ chế nhạo cho có lệ, không chống việc thực hiện Báo cáo Gallois.
c/ ngoài nhóm nhỏ gọi là cực tả, trong Đảng Xã Hội chẳng ai lên tiếng phản đối.
d/ Đảng Cộng Sản, đương nhiên chống, nhưng tiếng nói của nó chẳng còn mấy ảnh hưởng, nhờ ơn Staline, Mao, các lãnh tụ và lý thuyết gia "cộng sản" khác ở thế kỷ 20 và 21.
e/ các chuyên gia và lý thuyết gia kinh-tế có uýnh nhau sơ sơ.
Hai tuần sau, chẳng ai bàn tới nữa.

Thế nghĩa là gì ? Là : dưới nhãn hiệu tả hay hữu, về mặt kinh-tế, khi nắm quyền lực, chính khách PhuLăngXa lý luận và hành-động như nhau. Thế thôi.
Quên mãi cũng có ngày phải nhớ.
Bàn dân không hiểu gì cả nhưng đã biết rằng trong những tháng năm tới, mình sẽ lãnh đủ. Đó là cách hiểu biết thiết thực, chính xác nhất.
Trong những người tham gia tranh luận có một vị nhẹ nhàng nhắc nhở : chính sách này đã được thi hành liên tục 20 năm rồi, chẳng giải quyết được gì, khả năng cạnh tranh của xí-nghiệp Pháp vẫn tà tà sa sút.
Đúng vậy, nếu người ta có chút trí nhớ. Kể ra vị này còn quá ân cần. Có lẽ vị cũng tả khuynh kiểu Đảng Xã Hội.
Thực tế, người đầu tiên nêu ra loại chính sách kinh-tế này là ông Raymond Barre − thủ tướng (1976-1981) của tổng thống Giscard D'Estaing, được tổng thống vinh danh hiệu "kinh-tế gia lỗi lạc nhất" của Pháp đương thời (ông Barre vốn là giáo sư kinh-tế học) − với câu trứ danh : "Người Pháp sống trên khả năng của mình". Từ ấy, họ vẫn sống như vậy, tuy ngày càng eo hẹp hơn, thế mà chưa chết tốt cũng lạ.
Ngoài hai năm đầu thời tổng thống Mitterrand (1981-1983), tất cả các vị thủ tướng, bất kể tả hay hữu, khi nắm quyền, đều thực hiện những chính sách kinh-tế cơ bản như thế.
Tại sao chính khách và những anh tài kinh-tế học PhuLăngXa cứ nhại đi nhại lại một đường lối kinh-tế liên tục tà tà thất bại như thế ?
Vì, bất kể tình cảm của họ ra sao, kiến thức và tư duy kinh-tế của họ đã định hình và bị gói ghém thành khung trong cùng một lò. Cứ đọc tiểu sử của họ thì thấy. Có khác nhau chăng là ở chút ngôn từ nhập nhằng, ít nhiều tình tứ với bàn dân. Món này không tốn đồng xu6 mà có khi lời chính-trị to !
Ta có thể tóm gọn nội dung suy luận cơ bản của họ, đó là "nguyên lý" : kinh-tế Tư-bản là chân trời không thể vượt qua được của nhân loại. Nó là định mệnh của loài người. Ai đã chấp nhận "nguyên lý" ấy, cơ bản, chẳng thể suy luận và hành-động khác được.
Điều trên đúng, chí ít cả trăm năm nữa. Người đời, mấy ai sống tới trăm tuổi ? Mấy ai nhịn quyền lực lâu đến thế được ?
Điều trên sai, đối với một số người muốn con ngưòi ngày nay không chỉ thế. Dù, cơ bản, phải đành vậy, nhưng xin các ngài cũng vừa vừa thôi7. Gọi họ là nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn, hay nhà tư tưởng hão cũng được.

*

Thôi, để thoát bầu không khí loanh quanh bế tắc tư tưởng, để giải lao một tí, ta thử quan sát vấn đề này với một cách tiếp cận khác cho zui.
Trong phần sau, tôi chỉ sử dụng khái-niệm của một học thuyết kinh-tế cũ rích, có từ thế kỷ 19 : học thuyết kinh-tế của Marx trong những bản tiếng Pháp đăng thời ông còn sống và đã đích thân hiệu đính.
Có người cho rằng nó quá lỗi thời, vô dụng. Tôi thì không. So với thời nay, kiến thức của Newton còn lỗi thời hơn nữa8, thế mà nó vẫn đúng, vẫn hữu dụng, chí ít trong một bối cảnh hành-động nhất định của con người. Với Marx cũng vậy.
Dĩ nhiên, trên cơ sở ấy, tôi có "cập nhật" tí ti chi tiết hiện đại, thậm chí hậu hiện đại (trong tư duy kinh-tế). Đủ để thấy học thuyết kinh-tế của Marx vẫn còn thừa sinh khí để tự thích nghi với thời hiện đại.

schema

Cảnh báo


0/ Mô hình này được đơn giản hoá tối đa để đỡ rối mắt rối óc.

1/ Không nên chỉ hiểu nó theo kiểu suy luận hình thức thôi ; kiểu suy luận ấy không có kích thước thời gian đối với những hình-thái khác nhau của Tư-bản, và không coi "khái-niệm" như một hình-thái quan-hệ giữa người với người xuyên qua ngôn ngữ đặc thù của những lĩnh vực "khoa học" nhân văn !
Tiếc thay, đó là cách hiểu phổ biến của các lý thuyết gia mácxít, cộng sản or not. Tự nhiên thôi : ở bất cứ đâu, từ thuở học đọc học đếm đến chết, ta được đào tạo như thế.
Nếu ta đếm xỉa tới thời gian, bắt đầu phức tạp liền. Thí dụ.
Quy-trình-sản-xuất Tư-bản, còn gọi là vòng quay của Tư-bản = toàn bộ hành-động của các tác nhân để thực hiện quá trình Tiền  Tiền'.
Những hành-động ấy đòi hỏi thời gian. Đơn vị đo lường thời gian thích ứng cho mỗi hành-động tuỳ thuộc :
a/ hình-thái cụ thể của hành-động sản-xuất9.
b/ pháp luật…
c/ e tutti quanti.
Quy-trình-sản-xuất Tư-bản có thể là một ngày hay cả chục năm !
Bạn ghé qua khu hoạt động kinh-tế gần sân bay Charles De Gaulle, vào khu quán ăn, sắp hàng mua một bữa couscous, bạn sẽ được trực tiếp mục kích một quy-trình-sản-xuất Tư-bản gần như nguyên chất trong nội 1 ngày. Quán couscous có bề mặt khoảng 4-5 thước, bề sâu khoảng 2-3 thước, với một người-làm-công duy nhất. Sáng tới công sở, chị có đủ phương tiện sản-xuất trong tay, kể cả chính mình. Công việc của chị là tiếp khách, nấu và nướng ! thức ăn, đưa cho khách hàng, và thu tiền. Hết ngày lao-động, chị trao tiền thu được cho chủ. Với ông chủ, Tiền đã đẻ ra Tiền', đã biến thành Tư-bản.
Nhưng nếu là xí-nghiệp sản-xuất và kinh doanh xe hơi hay máy bay thì chí ít đơn vị thời gian cho một vòng quay của Tư-bản là tháng hay năm.

Để cho bớt rối mắt ta thử dùng những giả thuyết không hão sau :
a/ quy-trình-sản-xuất Tư-bản là đúng một tháng.
b/ anh Tư-bản-tư-hữu ứng đủ vốn cho anh Tư-bản-chức-năng làm việc. Bớt khâu vay để mua phương tiện sản-xuất.
c/ đầu vào : định mua là có liền hàng-hoá trong tay. Không hão : đặt hàng trước và thanh toán khi nhận hàng.
d/ đầu ra : làm xong sản phầm là bán được ngay. Cũng không hão : được đặt hàng trước, làm xong nộp liền và lãnh tiền liền. Kiểu quản lý "0 stock" mà anh Nhật tạo ra ấy mà.
Ngay như thế, mô hình trên vẫn không mô tả được hiện thực :
a/ đầu vào
− Người-làm-công phải cho anh Tư-bản-chức-năng vay không lời giá-trị của sức-lao-động của mình trong một tháng : làm hết tháng rồi mới có thể lãnh lương. Luật pháp nó thế. Ai điên mà trả lương trước cho anh ? Tới cuối tháng, giá-trị của sức-lao-động của anh đã nằm trong Tiền' : người-làm-công, khi lãnh lương, chỉ thu hồi giá-trị mình đã cho chủ vay không lời10. Được thế đã là có phúc lắm rồi, còn than vãn gì nữa ? Muốn thất nghiệp à ? Hè hè…
− ngay khi mua tư-liệu-sản-xuất, anh Tư-bản-chức-năng đã phải nộp thuế TVA11, tuy chưa sản-xuất được bất cứ gì đáng đóng thuế.
b/ đầu ra
Chỉ mũi tên chỉ vào khung quỹ-phúc-lợi-xã-hội là khớp vì nó gắn liền với quy-trình-vận-động của "lương lao-động" = 1 tháng.
Những mũi tên khác đều dùng đơn vị đo lường thời gian khác, thường là năm. Khấu hao chẳng hạn, do luật pháp quy định, thường phải trải trên 3 hay 5 năm.
c/ e tutti quanti.
Chán thật. Chẳng có cách nào trình bầy khá hơn cho dân ngoại đạo chúng ta tạm hiểu, ngoài một mớ chữ nghĩa tù mù. Đành vậy.
Dù sao cũng đủ dùng cho chuyện ta đang bàn.

2/ Thiếu anh Tư-bản-thương-mại vì không cần thiết để hiểu. Tuy vậy, cũng nên nhớ :
a/ Hiện nay hãng WallMart là hãng Tư-bản lớn thứ 3 trên thế giới, hơn xa Microsoft chẳng hạn. Nó ảnh hưởng không nhỏ nếp sống hàng ngày của con người ở khắp nơi, đặc biệt là ở Mỹ.
b/ Tư-bản-thương-mại là Tư-bản đích thực, tạo ra giá-trị sử dụng mới và do đó tạo ra giá-trị thặng dư chứ không chỉ chia chác giá-trị thặng dư do các anh Tư-bản công-nghiệp tạo ra. Quan điểm này của tôi bất đồng với quan điểm của Marx trong Tư-bản luận (các tập 1-2-3), tôi đã trình bày trong một bài khác trong oép ămvc.

3/ Chỉ có phần kinh-tế vĩ mô giới hạn ở quy mô một nước. Ta bàn về khủng hoảng và bế tắc tư tưởng ở PhuLăngXa mà.
Ngay như vậy, đừng tưởng hão rằng tất cả đều là "của" Pháp. Thí dụ :
Khung Tư-bản-tài-chính, đương nhiên có anh Tư-bản-tài-chính PhuLăngXa, nhưng, cơ bản, là Tư-bản-tài-chính "vô tổ quốc", còn gọi là "những thị-trường-tài-chính".
Khung Tư-bản-tư-hữu, đương nhiên có anh Tư-bản-tư-hữu PhuLăngXa, nhưng, ở mức quyết định (40 công ty lớn nhất ở Pháp, CAC 40), hơn 40% là anh Tư-bản-tư-hữu tứ xứ.

4/ Hộp đen Tư-bản trong mô hình này, chính là phần kinh-tế vi mô cho phép ta có thế nhìn tổng hợp nhất quán trong lý thuyết kinh-tế. Marx là người duy nhất tìm hiểu tới cùng vấn đề này, giúp ta hiểu rõ nền tảng của phương-thức-sản-xuất Tư-bản. Đây là kiến thức nền tảng của môn kinh-tế học. Nó liên quan tới sự khác biệt giữa lý thuyết kinh-tế của Smith-Ricardo và Marx. Nó quan trọng đến mức học giả kinh-tế học ngày nay còn gọi những học thuyết kinh-tế thống trị tư duy kinh-tế "toàn cầu hoá" là néo-classique hay néo-libéral (Smith-Ricardo hiện đại hoá). Phải công nhận : họ không thèm đối chọi với học thuyết kinh-tế của Marx, ai còn thèm biết tới ? họ chỉ muốn ăn thua đủ với học thuyết kinh-tế của Keynes thôi. Bi hài kịch thay! Hiện nay,tất cả các Nhà-nước Tư-bản ở Tây U thực hiện cả hai học thuyết trên hòng giải quyết những cơn khủng hoảng liên miên của phương-thức-sản-xuất Tư-bản ở nước họ. Mà không giải quyết được.
Tiếc thay, như trong vật lý đời nay, món kinh-tế vi mô lại thực sự bao quát nên cực trừu tượng, khó hiểu.
Ngày nay, trong media và đại học, chẳng mấy ai quan tâm đến nữa. Buồn quá.
Ngày mai thế nào, ai mà biết ?

5/ Ở đây, ta gạt qua bên những nhiễu nhăng kiểu đầu cơ (nguyên liệu…), lừa gạt (subprime…), gian lận đủ kiểu… chỉ xem sự vận động của kinh-tế Tư-bản trong trạng thái (rất lý thuyết) trong lành của nó.

6/ trong bài này, những khái-niệm kinh-tế được biểu hiện bằng những từ "kỹ thuật" thường viết với dấu nối "-" để phân biệt với nghĩa-chung (sens commun) trong ngôn ngữ thường ngày, hầu hết đã được định nghĩa trong Tư-bản Luận (1-2-3) của Marx, Tư-Duy Tự-do của tôi và mấy bài về kinh-tế tôi đã đăng trong oép ămvc. Xin lỗi độc giả, tôi không thể lải nhải lại ở đây. Chết người ta…
Đặc biệt, mấy khái-niệm sau phải hiểu như sau :
− kinh-tế = một hình-thái quan hệ giữa người với người để cùng nhau tái tạo, phát triển và sáng tạo môi trường sinh sống vật chất và tinh thần của con người ở một thời đại nhất định, xuyên quan một phương-thức-sản-xuất đặc thù của thời đại ấy.
− hàng-hoá = một hình-thái quan hệ giữa người với người để trao đổi lao-động với nhau trong một phương-thức-sản-xuất đặc thù của một thời đại nhất định.
− giá-trị của hàng-hoá = một hình-thái quan hệ giữa người với người để quy định những lượng thời gian lao-động tương đương trong sự trao đổi lao-động có những hình-thái cụ thể khác nhau (cơ bắp, tri thức, e tutti quanti, chỉ có thể đo đếm bằng cùng một đơn vị thời gian vật lý chung = ngày, giờ lao-động). Một hình-thái của giá-trị là tiền. Một hình-thái khác là cổ phiếu. E tutti quanti.
− người-làm-công = định nghĩa khái-niệm prolétaire của Marx (tiếng Ziao Chỉ gọi tếu theo kiểu Tàu là vô sản) = con người, vì không có phương tiện sản-xuất trong tay, phải bán sức-lao-động của mình cho người khác, đổi lấy đồng lương, mới sống được.
Khi bán sức-lao-động của mình cho xí-nghiệp công-nghiệp, người ấy được gọi là công-nhân (ouvrier, thuộc giai-cấp công-nhân, classe ouvrière), một hình thái của lao-động-làm-công (travail salarié) hay lao-công (khái-niệm mới ở Trung Quốc, quả chính xác). Đó là hình-thái lao động làm-công quan trọng nhất thời Marx, thế kỷ 19. Hôm nay, ở các nước mới nổi cũng vậy. Ở các nước Tư-bản phát triển, có khác.
Định nghĩa người-làm-công của Marx hoàn toàn dùng được một cách bổ ích để hiểu kinh-tế Tư-bản toàn cầu hoá hôm nay, kể cả ở các nước Tư-bản phát triển, nơi giai-cấp công-nhân truyền thống chỉ chiếm khoảng 15-20% tổng số người-làm-công.
Những hình-thái làm-công khác thì vô vàn. Chính vì thế, khí "tái cấu trúc" (restructuration) xí-nghiệp, anh Tư-bản-chức-năng không chỉ đuổi bớt công-nhân. Nó đuổi tuốt luốt. Nó không nỡ phân biệt đối xử với bất cứ ai. Miễn sao tiền lương ở đầu vào của quy-trình-sản-xuất Tư-bản giảm. Thế thôi. Trong một nghĩa nào đó, trong công-nghiệp, anh công-nhân là người cuối cùng mà nó đuổi, khi nó có thể thay anh bằng máy móc hay lao-động căng thẳng hơn của các anh công-nhân khác, điều khá giới hạn về mặt sinh học. Dù sao, trong sản xuất công-nghiệp, thiếu anh công-nhân, tiền không thể đẻ ra tiền' !
a/ Với tư cách sức-lao-động mua trên "thị trường lao động", người-làm-công thuộc lực-lượng-sản-xuất (forces productives) : không có nó chẳng thể sản-xuất bất cứ gì, chẳng thể có Tư-bản dưới mọi hình-thái. Khách quan đó.
b/ Với tư cách chủ của hàng-hoá sức-lao-động trong "thị-trường lao-động", nó là một tác nhân trong quan-hệ-sản-xuất Tư-bản (rapports sociaux de production capitaliste) − tác nhân kia là anh Tư-bản-tư-hữu (chủ phương tiện sản-xuất) − trong tư thế tự do và bình đẳng với bất cứ công dân nào trước pháp luật, để ký hợp đồng lao-động. Chủ quan đó.
c/ Chính ở nó mới có thể có câu chuyện dường như hoang đường này : lực-lượng-sản-xuất chống lại quan-hệ-sản-xuất, phủ nhận, rồi phủ định quan-hệ-sản-xuất, mở đường sáng tạo ra một quan-hệ-sản-xuất mới trong lịch sử kinh-tế của loài người : nó hết chấp nhận nổi làm người như nó, phải phủ định chính mình để được sống như một con người12. Toàn là quan hệ giữa người với người thôi mà, có gì là không có thể, nếu con người thực sự tự do ?

Định nghĩa, thế nhìn, ngôn từ, bình luận


Tư-bản-chức-năng


Ở đây, giới hạn ở hình-thái Tư-bản công-nghiệp.
Nó là gốc của mọi sự. Không có nó, loài người đời nay không có gì để ăn, để mặc, để du hí, làm thơ, làm chuyên gia, trí giả hay triết gia, e tutti quanti. Trung Quốc đã mau chóng trở thành cường quốc kinh-tế số hai trên thế giới chính nhờ nó đã biến thành Nhà máy của thế giới, L'Usine du monde.
Người ta còn nêu danh anh Tư-bản-chức-năng với tên mỹ miều, hàm hồ, trống rỗng : Xí-nghiệp, L'Entreprise. L'Entreprise ở đây không là danh từ ám chỉ một hiện thể như ta quen nghĩ. Nó là một "khái-niệm" trong "khoa học" kinh-tế Tây U.
Hiểu theo nghĩa thông thường, nó là toàn bộ hành-động có tổ chức của con người trong một đơn vị sản-xuất để sản-xuất của cải vật chất, ai cũng có nhiệm vụ bảo vệ nó không thì đói nhăn răng cả lũ. Tính chất xã hội của cả Tư-bản lẫn công-nhân ở đó. Điều ấy không sai nên anh công-nhân thoải mái nói : xí-nghiệp của tôi ! Nó là sở hữu của ai ai đó chứ có phải của anh đâu mà nói vậy ! Ngày nào nó tống cổ anh ra đường, anh sẽ biết nó là của ai… Ngày đó, chính là khởi điểm khủng hoảng của phương-thức-sản-xuất Tư-bản ở anh vì kinh-tế là… quan hệ giữa người với người để cùng tồn tại mà. Sao "nó" nỡ tiêu diệt anh, người khát khao xả thân làm việc để nuôi chính mình và vợ con ?
Hiểu theo kinh-tế học của Marx, xí-nghiệp là đơn vị sản-xuất giá-trị-thặng-dư13, khiến tiền "bỗng nhiên" đẻ ra tiền, biến tiền thành Tư-bản. Với nội dung ấy, xí-nghiệp là những người trực tiếp điều khiển quy-trình-vận-động của Tư-bản. Trong tư cách ấy họ là :

a/ mạch giao diện giữa công nhân và anh Tư-bản-tư-hữu − chủ đích thực của xí-nghiệp − với tư cách đại diện anh Tư-bản-tư-hữu. Chính vì thế, anh công-nhân biết ơn hay căm thù họ vì, ngoài họ, anh chẳng thể chỉ ra ai là chủ của mình.
Thuở khai thiên lập địa của phương-thức-sản-xuất Tư-bản, anh Tư-bản-tư-hữu và anh Tư-bản-chức-năng thường là cùng một con người. Ngày nay, chẳng còn mấy xí-nghiệp lớn chỉ có một vài ông chủ thôi. Chủ đích thực thường là một đống người có từ 1 đến N cổ phiếu. Tư-bản đã hoà mình với quần chúng đến thế. Nhưng ai nắm được 15% − 30% cổ phiếu đã thừa sức nắm trọn quyền lực. Điều ấy đòi hỏi hàng trăm triệu hay hàng tỷ €...
Hiện nay, trong các xí-nghiệp lớn, anh Tư-bản-chức-năng thường không là chủ tư-hữu, chỉ là một anh làm-công đặc biệt, chủ tịch tổng giám đốc (PDG) hay tổng giám đốc (DG).
Về mặt luật pháp :
− anh phải có ít nhất 1 cổ phiếu để có đủ tư cách đại diện cho tập thể chủ Tư-bản-tư-hữu. Nhiều anh cũng chỉ có bấy nhiêu thôi.
− anh có toàn quyền trong xí-nghiệp và trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.
Media PhuLăngXa gọi anh là Thuyền trưởng công-nghiệp (capitaine d'insdustrie) rất đúng. Marx gọi anh là hiện thân của Tư-bản (le capital personnifié)càng đúng và sâu sắc hơn.
Ngoài ra, con người ấy còn có thể là chính khách, kinh-tế gia, chuyên viên đủ thứ món, kẻ vị tha, thậm chí nhà thơ, nhà văn, e tutti quanti. Ta chúc họ được như thế, không suốt đời chỉ  hiện thân của Tư-bản thôi, dù làm thơ tồi, hay viết văn dở như cựu tổng thống Giscard d'Estaing.

b/ Anh Tư-bản-chức-năng trực tiếp điều khiển quy-trình-vận-động của Tư-bản.
Hiểu theo nghĩa hẹp, đó là toàn bộ những hành-động nhằm chế biến những tư-liệu-sản-xuất thành những vật thể có giá-trị-sử-dụng đối với con người và nhờ thế có thể bán được, có thể biến thành hàng-hoá.
Đó là chức năng của các anh giám đốc kỹ thuật, quản lý, e tutti quanti, không là chức năng đặc thù của anh Tư-bản-chức-năng.
Nhưng anh Tư-bản-chức-năng phải trách nhiệm chuyện ấy vì, trong Tư-bản công-nghiệp, không có chuyện ấy, Tiền không thể đẻ ra Tiền'.
Hiểu theo nghĩa rộng, quy-trình-vận-động của Tư-bản công-nghiệp là toàn bộ những hành-động khiến tiền đẻ ra tiền' xuyên qua quá trình sản-xuất vật chất. Đó mới là vai trò đặc thù của anh Tư-bản-chức-năng trong sản-xuất công-nghiệp. Kế toán của mọi xí-nghiệp vạch rất rõ điều ấy.
− vốn ban đầu của xí-nghiệp (Capitaux propres) được coi như một món Tiền nợ mà anh Tư-bản-chức-năng vay của anh Tư-bản-tư-hữu.
− nếu lượng tiền ấy chưa đủ để tiến hành quy-trình-vận-động của Tư-bản trong lĩnh vực sản-xuất đặc thù của xí-nghiệp, anh Tư-bản-chức-năng phải ra thị-trường-tài-chính vay thêm Tiền cho đủ.14
− với lượng tiền trên, anh mua hai thứ :
a/ tư-liệu-sản-xuất = toàn bộ những máy móc và vật liệu cần thiết để làm ra sản phẩm, dưới đủ mọi trạng thái từ thô sơ, nửa chế biến, cho tới hoàn hảo trong tính cách một bộ phận trong sản phẩm mới tương lai.
b/ sức-lao-động của con người dưới đủ loại hình-thái lao-động, từ cơ bắp đến trí não, thậm chí tài năng liên hệ và đút lót chính khách quốc nội và quốc tế để mua được những vật liệu phải mua và sức lao động của thổ dân với giá rẻ nhất.15
Anh đem hai món trên vào Hộp-đen Tư-bản xào nấu, tạo ra một loại hàng-hoá ảo trong nghĩa này : nó là một vật thể có thực, sờ mó được, nhưngkhông tài nào biết trước được thực sự nó có giá-trị bao nhiêu. Chỉ khi vật thể đó đã bán được, anh mới biết giá-trị đích thực của nó = Tiền'.
Khi bán được, ôi phép lạ huyền diệu thay, có khi Tiền' > Tiền, anh Tư-bản-chức-năng hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với người thuê mình và sẽ hưởng bonus to, có khi còn được thưởng tí ti cổ phiếu, biến thành Tư-bản-tư-hữu đích thực. Anh rất trung thực khi tuyên bố : nhiệm vụ duy nhất của tôi là làm sao cho hãng có lời, những chuyện khác, xin mời quý vị đi chỗ khác bàn.
Quá trình hành-động khiến tiền đẻ ra tiền' xuyên qua sản-xuất vật chất trong bối cảnh thị-trường tự do cạnh tranh, Marx đã tóm gọn bằng công thức :
Tiền  Hàng-hoá  Tiền'
   với Tiền' > Tiền
ngày nay, cơ bản, vẫn đúng đối với xí-nghiệp công-nghiệp tứ xứ.
Trong hoàn cảnh trên, khả năng cạnh tranh (compétitivité) nghĩa là gì ? Là khả năng bán đồ vừa tốt vừa rẻ hơn người đời mà vẫn lời hơn người đời.
Đồ tốt hay tồi tuỳ thuộc :
− phương tiện kỹ thuật : máy móc hiện đại, tinh vi, e tutti quanti.
Khốn nỗi, những phương tiện ấy không tạo ra giá-trị thặng dư. Để nó nằm ì đấy, không những nó mất giá-trị từng ngày (quá thời, obsolescence) do kỹ thuật tiến triển rất nhanh, nó còn có thể biến thành một đống sắt rỉ tốn kém, thà dẹp còn hơn là giữ, nếu để vận dụng nó phải trả lương cao cho nhân viên. Trong trường hợp tốt đẹp nhất, tức là sử dụng nó triệt để nhất, nó truyền lại toàn bộ giá-trị ở nó vào những sản phẩm đã được tạo ra và bán đi. Lượng giá-trị đó, dưới hình-thái tiền, trong kế toán, gọi là tiền khấu hao. Thế thôi. Chẳng nhà quản lý hay kinh-tế gia Tư-bản nào điên đến mức chờ đợi nó tạo ra lời và sáng tạo ra những lý thuyết, công cụ, chỉ số đo đếm phần lời do nó tạo ra.
− kiến thức khoa học và kỹ thuật của những chuyên viên có khả năng sử dụng tốt những phương tiện kỹ thuật trên.16 Chính lao-động của họ tạo ra giá-trị thặng dư.
Khốn nỗi, kiến thức ấy nằm trong đầu óc con người và con người thường có thói xấu thèm lương cao, làm ít ăn nhiều. Thế thì làm sao bán rẻ được !
− kỹ thuật xử lý lao-động (không nên nhầm với "khoa học" quản lý nhân sự)
Đồ rẻ hay đắt tùy thuộc :
− giá cả của các tư-liệu-sản-xuất
Nó do thị-trường hàng-hoá toàn cầu quyết định. Nó không tuỳ thuộc chính khách PhuLăngXa nữa. Cùng chất lượng, hàng-hoá do người-lao-động Tây U sản-xuất chẳng thể rẻ bằng hàng-hoá của anh Trung Quốc hay anh Ấn Độ, e tutti quanti. Còn những thứ do thiên nhiên tạo ra (dầu lửa, uranium, bauxite, v.v.), khi những quốc gia chứa chúng không là hay hết là thuộc địa kiểu cũ hay mới của PhuLăngXa, thì… miễn bàn. Dù sao, đắt rẻ thế nào đi nữa, nó cũng không tạo ra được giá-trị thặng dư.17
− giá cả của sức-lao-động18
Nó càng ngày càng tùy thuộc "thị-trường lao-động" toàn cầu19.
Ngoài những việc chỉ có thể thực hiện ở Pháp thôi, anh lao-động PhuLăngXa, từ mức cơ bắp tới mức kỹ sư, thậm chí hơn nữa, chí ít đắt gấp 10 anh lao-động ở các nước mới nổi. Ngay cả trong những nghề ta thoạt nghĩ chỉ người Pháp làm được vì phải ở Pháp như nhân viên hầu bàn ở quán ăn, tiếp khách ở khách sạn, e tutti quanti, rồi cũng sẽ phải đi vào chiều hướng ấy thôi20. Trong thực tế cũng đã bắt đầu. Ngay chuyện trả lời điện thoại bằng tiếng Pháp cho bàn dân Pháp mà do nhân viên ở các nước cựu Đông Âu làm ở ngay nước họ cũng đã phổ biến !
Cuộc cạnh tranh giữa những người-làm-công trong "thị-trường lao-động" và hậu quả xã hội của nó đã được Marx phân tích ở quy mô một nước. Mô hình ấy vẫn thích hợp ở quy mô toàn cầu, với giới hạn này : sức-lao-động của từng nước vẫn nằm dưới quyền quản trị của quyền lực chính-trị ở từng nước. Muốn sờ tới nó, đương nhiên phải trả giá cho ai ai đó. Nhưng giá đó quá rẻ so với giá sức-lao-động tại các nước Tư-bản phát triển. Chính nhờ khai thác man rợ kho lao-công rẻ tiền khổng lồ mình có mà anh Trung Quốc thu hút được vốn đầu tư của các xí-nghiệp lớn trên khắp thế giới, trở nên giàu mạnh.
Hai món ở đầu vào của quy-trình-sản-xuất và kinh-doanh Tư-bản, nếu dùng sản phẩm và sức-lao-động của PhuLăngXa, đều quá đắt để có thể mơ hão tới chuyện bán hàng-hoá vừa rẻ vừa tốt hơn người đời mà vẫn hưởng tỷ lệ lời cao hơn các anh Tư-bản tứ xứ.
Còn lại một vài lĩnh vực có thể thực hiện được điều ấy : hàng-hoá thời trang (marchandises de luxe), cho một loại khách hàng giàu có nhưng không đông lắm, ở quốc nội hay quốc tế, và hàng-hoá cần kỹ thuật mũi nhọn (máy bay, bom đạn, hoả tiễn, năng lượng nguyên tử, e tutti quanti)21. Làm sao tạo công ăn việc làm cho mấy chục triệu người ? Làm sao đòi hỏi mấy chục triệu người có đủ trình độ khoa học và kỹ thuật để thực hiện những công việc cần thiết cho những xí-nghiệp ấy ? Ngay những xí-nghiệp ấy cũng đang đào thải nhân viên đủ loại, kể cả kỹ sư mà. Một số kỹ sư trường lớn, tiến sĩ, chẳng đang hộc hơi tìm việc đó sao ?
Trong hoàn cảnh ấy, nhiệm vụ của anh Tư-bản-chức-năng vẫn là :
− mua tư-liệu-sản-xuất với giá rẻ nhất. Mua ở đâu bây giờ ?
− mua sức-lao-động với giá rẻ nhất. Mua ở đâu bây giờ ?
− tối đa khai thác sức-lao-động mua ở Pháp : không tăng lương22, hạ lương, lương vẫn vậy nhưng phải làm việc "gấp rưỡi", bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu, căng thẳng tối tăm mặt mũi, có khi tan nát cả đời sống gia đình. Công việc ấy, ngày xưa, tức là chỉ cách đây khoảng 30 năm thôi, trong một số ngành lao-động, các ngài quản lý nhân sự phải tốn sức nịnh hót, quyến rũ nhân viên đến mức đầy nhà kinh-tế học, xã hội học, tâm lý học, e tutti quanti, đã tạo ra đầy khái niệm và lý thuyết bất hủ để giúp các ngài làm việc. Bây giờ, các ngài không cần đến mấy thứ linh tinh ấy nữa, chỉ buông một câu thôi cũng đủ giải quyết mọi vấn đề : anh không thích, đi chỗ khác chơi, anh tự do mà, hay… tự tử cho rồi đời.23
Không có gì đáng ngạc nhiên khi ta sững sờ thấy cách ứng xử công khai của một số lãnh đạo xí-nghiệp lớn và đại gia Tư-bản-tư-hữu lớn của PhuLăngXa, ngày càng thô bạo, khinh miệt người-làm-công. Quan hệ giữa kinh-tế và văn-hoá nói chung, ý thức hệ nói riêng, cũng là thế.

Với anh Tư-bản-chức-năng, trong lĩnh vực hành-động ở PhuLăngXa, để tăng khả năng cạnh tranh của xí-nghiệp, không có cách nào khác ngoài chuyện trực tiếp hay gián tiếp hạ thấp lương-tổng-hợp của người-làm-công.
Từ mấy chục năm nay, dựa trên kiến thức của các cố vấn kinh-tế, "khoa học" hay nghệ thuật chính-trị của chính khách PhuLăngXa có thể tóm gọn thế này : phải làm chuyện ấy. Hơn thua nhau chỉ ở hai điều :
− tìm ra lời lẽ bùi tai để "bán" chính sách kinh-tế đó cho bàn dân, lụm lá phiếu của họ, lên nắm chính quyền.
− nắm chính quyền rồi thì biết thực hiện điều ấy ở một mức độ, với một nhịp độ không khiến xã hội khủng hoảng, nổi loạn, để tiếp tục nắm chính quyền. Làm được hay không còn tuỳ thuộc đòi hỏi vốn bất tận của anh Tư-bản. Nếu chẳng may mất chính quyền thì kiếm một xó oách trong một xí-nghiệp lớn, ăn không ngồi rồi mà lãnh lương cao, lộc hậu hĩ, "chờ thời". Thế thôi.
Vì thế chính trường biến thành gánh xiệc bi hài, ngôn ngữ chính-trị biến thành công cụ lừa dân, lừa nhau, lừa chính mình.
Hậu quả khôn lường.

Khi quy-trình-sản-xuất Tư-bản đã hoàn thành, anh Tư-bản-chức-năng còn một nhiệm vụ chót : lập lại quy trình ấy, thi hành tái sản-xuất. Có thể là :
− tái sản-xuất đơn giản
Cơ bản là trích một lượng tiền trong Tiền' đưa vào quỹ khấu hao của xí-nghiệp và, tuỳ độ dài của quy-trình-sản-xuất Tư-bản, trích một lượng tiền trong Tiền' đưa vào quỹ dự trữ trả lương, nếu gọi là khấu hao bis cũng không ngoa : trong thế nhìn của anh Tư-bản-chức-năng tư-liệu-sản-xuất hay sức-lao-động đều là hàng-hoá mua trên thị-trường mà.
Lượng tiền trên chính là vốn do anh Tư-bản-tư-hữu cho anh Tư-bản-chức-năng vay để khởi công. Nó không là giá-trị-thặng-dư.
− tái sản-xuất mở rộng
Trích một lượng tiền trong giá-trị-thặng-dư đưa vào quỹ đầu tư của xí-nghiệp.

Tư-bản-tư-hữu


Anh Tư-bản-tư-hữu là chủ Tư-bản đích thực của xí-nghiệp. Thời xưa, thường là một vài anh, thường đích thân gánh vác vai trò của anh Tư-bản-chức-năng. Thời nay, trong những xí-nghiệp nhỏ hay trung bình, vẫn thế. Nhưng trong các xí-nghiệp lớn quyết định đời sống kinh-tế của PhuLăngXa thì khác hẳn : có cả chục nghìn, thậm chí trăm nghìn anh. Ta chỉ cần mua một cổ phiếu của xí-nghiệp cũng biến thành Tư-bản-tư-hữu !
Trong đám chủ đó có vài anh lớn, thực sự nắm quyền lực. Những anh ấy thượng tọa trong Ban điều hành của xí-nghiệp (conseil d'administration), một năm họp một vài lần, quyết định thuê hay đuổi anh Tư-bản-chức-năng, lương bổng của chàng hay nàng, và chiến lược phát triển hay hủy diệt xí-nghiệp,e tutti quanti. Tóm lại, họ là quyền lực kinh-tế tối hậu của xí-nghiệp.
Những anh này vẫn còn gắn bó ít nhiều24 với quy-trình-sản-xuất Tư-bản công-nghiệp ở PhuLăngXa, còn được gọi là kinh-tế hiện thực (économie réelle), vì tiền của các anh nằm trong xí-nghiệp. Thế nhìn của họ vẫn là :
Tiền  Hàng-hoá  Tiền'
   với Tiền' > Tiền
tuy điều chính yếu với họ là tiền chứ không phải là loại hàng-hoá cụ thể nào.

Một quan hệ đặc thù giữa Tư-bản-tư-hữu 
và Tư-bản-chức-năng ở PhuLăngXa


Trong các xí-nghiệp lớn, anh Tư-bản-tư-hữu thường không có khả năng hay thời giờ điều khiển quy-trình-sản-xuất Tư-bản, phải thuê anh Tư-bản-chức-năng gánh vác. Những anh Tư-bản-chức-năng đó hầu hết được đào tạo trong một số ít lò, kiến thức và tư duy kinh-tế của họ có cùng gốc, chẳng khác nhau bao nhiêu. Những lò ấy cũng là lò sáng tác và truyền bá ý-thức-hệ Tư-bản, vay anh Mỹ rất nhiều, không chỉ trong tư duy kinh-tế thôi ! Tất nhiên, nó khác xa Trường Nguyễn Ái Quốc : nó dạy cặn kẽ, ở mức cao, một số kiến thức hữu dụng đích thực.
Vào đời, khi mấy anh này thành công, bàn dân dễ nghĩ là nhờ kiến thức, lý luận kinh-tế sâu rộng, uyên bác và "linh tính" (intuition) thiên tài của các anh.
Nhưng khi các anh thất bại, sau khi đã liên miên đào thải người-làm-công, chặn tăng lương người-lao-động, thậm chí giảm lương họ, cắt xén đủ mọi thứ chi tiêu "lãng phí" giúp xí-nghiệp bớt vô hồn, thậm chí một tách trà hay café trong ngày, mà xí-nghiệp vẫn… sập xuồng, anh lại "bị đuổi" với một món tiền bồi thường (indemnité de licenciement) khổng lồ (hơn một hay vài đời làm-công của công-nhân là chuyện thường), và ra đi dưới một cái "dù vàng", rồi tái xuất hiện ở cấp lãnh đạo một cơ quan của Nhà-nước hay ban lãnh đạo của một xí-nghiệp lớn khác với chức vị và lương không nên coi thường tí nào, e tutti quanti, bàn dân bắt đầu… khó chịu. Nếu có ngày nó nghi hoặc giá trị của những kiến thức kinh-tế của các anh, xin thông cảm nó : nó có hiểu biết gì đâu trong lĩnh vực này. Những năm qua, chuyện trên xảy ra tại PhuLăngXa nhiều đến mức nó đã trở thành đề tài tranh luận chính trị trong cuộc tranh cử tổng thống PhuLăngXa vừa qua.
Một lò đào tạo đặc thù PhuLăngXa là Trường Quốc Gia Hành Chính, (École Normale d'Administration, ENA).
Học trò ENA thường có chân đứng trong guồng máy Nhà-nước ở những chức vụ cao, trong các văn phòng của quyền lực chính-trị (tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng…), trong lãnh đạo của hai đảng chính trị thay nhau cầm quyền ở PhuLăng suốt nửa thế kỷ qua : Đảng UMP (hữu) và Đảng Xã Hội (tả), trong lãnh đạo của các công ty lớn của Nhà-nước và của tư nhân. Trong tư thế trên, họ là người tham gia quyết định những trợ cấp của Nhà-nước cho các xí-nghiệp, mua hàng hay dịch vụ của các xí-nghiệp lớn ở mức triệu hay tỷ €. Nhiều người, khi mất quyền lực, bèn "đi làm" cho các xí-nghiệp, có khi ở cấp lãnh đạo xí-nghiệp thực thụ, chí ít cũng làm lobby, có khi chỉ ăn lương hậu hĩ chờ thời…
Trong phương-thức-sản-xuất Tư-bản ở PhuLăngXa, đây là hiện tượng mới, hình thành sau chiến tranh thế giới 2. Nó đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm : phải chẳng đây là một giai-cấp mới, có thể gọi là giai cấp Tư-bản-chức-năng ? Số lượng không nhiều, nhưng khả năng chi phối nền kinh tế vàmedia thì rất lớn. Dựa vào khái-niệm giai-cấp của Marx, chẳng biết nhét họ vào đâu. Họ là người-làm-công cho anh Tư-bản-tư-hữu ? Đúng. Nhưng với đồng lương chẳng dính dáng gì với giá trị của sức-lao-động của bất cứ ai trên đời ; nhưng với tư cách đại diện anh Tư-bản-tư-hữu, có toàn quyền đối với xí-nghiệp và hoàn toàn chịu trách nhiệm về xí-nghiệp đối với luật pháp. Anh Tư-bản-tư-hữu chỉ trách nhiệm hai điều thôi ; đối với chính mình : cho vay vốn thu lời cổ tức ; đối với Nhà-nước : đóng thuế trên cổ tức. Còn lại, sống chết mặc bay. Thật điên đầu.

"Sau khi" Tiền đã đẻ ra Tiền', lại dôi ra tí ti tiền gọi là giá-trị-thặng-dư, cuộc chia chắc "bắt đầu".
Anh ưu tiên hưởng là anh…

Tư-bản-tài-chính


Thực tế, anh này chẳng bao giờ đợi cho hết quy-trình-sản-xuất Tư-bản mới lãnh lời! Bất kể chuyện gì sẽ xảy ra, ngay sau khi anh ký giấy cho vay, anh bắt đầu có lời từng ngày một. Như khi ta vay tiền mua nhà ấy. Chưa kịp chiếm hữu nhà đã bắt đầu trả lời rồi !
Tư-bản-tài-chính gồm tất cả những người cho vay tiền để lấy lời. Đối với họ, người vay dùng tiền ấy để làm gì chẳng có ý nghĩa gì cả, không đáng quan tâm, thực sự không cần biết và không thèm biết nếu như… có ai bảo lãnh vốn và lời của họ, Nhà-nước Tư-bản chẳng hạn ! hè hè. Chờ đợi ở anh này lòng yêu nước hay tinh thần trách nhiệm đối với xã hội là chuyện hão. Tư-bản-tài-chính còn có tên mỹ miều sau : "những thị-trường-tài-chính" có đầy đủ nhiều món đặc thù của con người : niềm tin, sự ngờ vực, sự nóng ruột, e tutti quanti. Cứ đọc báo hàng ngày thì thấy !
Chính ta cũng là Tư-bản-tài-chính khi ta bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm kiếm tí lời còm hòng chống đỡ lạm phát. Khá hão, hè hè.
Thế nhìn này được biểu hiện bằng khái-niệm trừu tượng nhất về Tư-bản trong học thuyết kinh-tế của Marx : giá-trị đẻ ra giá-trị. Trong ngôn ngữ bình dân : tiền (trực tiếp) đẻ ra tiền.
 T'
với T' > T25
Ông Mitterrand đã khai thác huyền thoại này trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1988 khi ông "lên án" chuyện tiền đẻ ra tiền trong giấc ngủ (l'argent qui fait des petits en dormantkiểu này : cho phép bàn dân PhuLăngXa cũng được hưởng phép lành đó bằng cách nâng tỷ lệ lời (do Nhà-nước quyết định) đối với tiền bàn dân đổ vào quỹ tiết kiệm, khiến nó cao hơn tỷ lệ lạm phát một tí. Ôi nghệ thuật làm chính trị tả khuynh ở PhuLăngXa hiện đại !
Vòng quay của anh Tư-bản-tài-chính không có thời gian cố định, dù ở mặt luật pháp thôi. Nó không nhất thiết phải trùng hợp với bất cứ quy-trình-sản-xuất Tư-bản nào. Có thể là vài giờ hay vài ngày26, một tháng, một năm, mười năm, e tutti quanti, tùy là cho vay ngắn hạn hay dài hạn. Tất cả, tuỳ hỉ.
Thí dụ, anh Tư-bản-tài-chính có thể cho anh Tư-bản-chức-năng trong ngành sản-xuất lò điện hạt nhân vay dài hạn 5 năm. Công trình ấy có thể đòi hỏi 10 năm hay hơn nữa. Giữa đường, sau khi đã chén lời no nê, nếu anh Tư-bản-tài-chính quyết định rút vốn thì… hè hè. Nếu anh Tư-bản-chức-năng muốn vay thêm để hoàn thành công trình đưa vào khai thác thì…
Nel mezzo del cammin di nostra vita27
(Dante)
Hè hè…
Quan hệ giữa anh Tư-bản-tài-chính và các anh Tư-bản khác có thể thi vị thế đó.
Nhờ luật pháp, với phương tiện xử lý thông tin và dữ liệu đời nay, "nhờ" vào luôn cả loại chuyên viên toán cao cấp28 muốn "chứng minh" gì cũng được (trời ơi), anh Tư-bản-tài-chính có thể bùi tai bán bất cứ "sản phẩm tài chính" nào với giá ngon lành. Và lông bông khắp thế giới trong nháy mắt. Nơi đâu lời nhiều và nhanh thì tới, bất cần lời từ đâu ra, trong điều kiện nào. Không thoả mãn nữa hay cảm thấy bấp bênh thì zông tức khắc. Món này còn gọi là kinh-tế ảo (économie virtuelle). Nó thống trị đời sống kinh-tế và chính-trị của nhân loại ngày nay.

Nhà-nước Tư-bản


Anh là người ưu tiên thứ hai chiếm hữu giá-trị-thặng-dư chính vì vai trò của anh đảm bảo :
− quyền tư-hữu Tư-bản, nghĩa là tư-hữu những phương tiện sản-xuất do người khác làm ra, được Hiến Pháp đảm bảo như quyền bất khả xâm phạm của con người.29
− môi trường ổn định cho mọi hình-thái Tư-bản vận hành, tất nhiên theo những luật do chính khách tư-sản tạo ra. Trong đó có những khâu quan trọng sau :
a/ quân đội : đối với đe dọa ngoại xâm, hoặc dùng để chinh phục hay giữ thuộc địa kiểu cũ hay mới, tạo cho anh Tư-bản-tư-hữu khả năng mua rẻ đủ thứ tư-liệu-sản-xuất và sức-lao-động.
b/ cảnh sát, công an : đảm bảo an ninh xã hội.
c/ hệ thống giáo dục : tái tạo sức-lao-động tương lai theo nhu cầu ít nhiều sáng suốt của anh Tư-bản-chức-năng.
d/ đủ thứ chính sách để hỗ trợ các anh Tư-bản đủ mọi hình-thái.
e/ đủ thứ chính sách để vừa cạo vừa vỗ về bàn dân.
e tutti quanti…
Ngày trước, sau chiến tranh thế giới 2, anh Nhà-nước Pháp còn là chủ của nhiều xí-nghiệp lớn, mũi nhọn30, còn có khả năng chi phối thị-trường hàng-hoá hay lao-động. Sau 30 năm liên miên tư-hữu hoá, anh đã mất khả năng ấy.
Nguồn thu nhập cơ bản của anh ngày nay là thuế và… vay tiền các anh Tư-bản-tài-chính.
Ngày nay anh Nhà-nước PhuLăngXa đã trở thành con nợ kếch xù của Tư-bản-tài-chính.
Theo luật tài chính (loi de finances) mới được quốc hội thông qua, tiết mục trả lãi cho anh Tư-bản-tài-chính, năm 2012 ở PhuLăngXa, chén 48,8 tỷ € = 13% ngân sách của Nhà-nước. Lần đầu tiên, nó trở thành mục chi tiêu lớn nhất của Nhà-nước Pháp :

năm 2012
tỷ Euros
Trả lãi cho anh Tư-bản-tài-chính
48,80
Ngân sách cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục
45,00
Ngân sách cho Bộ Quốc Phòng
39,37

Còn tổng số nợ nần của Nhà-nước Pháp = 85,5 % PIB.

Cuối cùng mới tới phần của anh

Tư-bản-tư-hữu công-nghiệp


Anh chỉ nhận được một phần của tổng số giá-trị-thặng-dư đã được sản-xuất, dưới hình-thái cổ tức. Đương nhiên anh muốn nhận cổ tức cao nhất hòng thu vốn thu lời nhanh nhất. Thời cuộc bấp bênh quá mà !
Những năm qua, với thời trang đánh giá xí-nghiệp bằng giá-trị của cổ phiếu trong thị-trường chứng khoán, dựa trên cổ tức, có không ít anh Tư-bản-chức-năng thay vì dùng một phần giá-trị-thặng-dư đã được sản-xuất để bỏ vào tiết mục đầu tư trong ngân sách của xí-nghiệp31, bèn trao hết cho anh Tư-bản-tư-hữu và đi vay tiền của anh Tư-bản-tài-chính để phát triển sản-xuất, thực hiện tái sản-xuất mở rộng. Thế thì, lâu dài, "xí-nghiệp" khá sao được ?

Kết luận


Phương-thức-sản-xuất Tư-bản còn rất trẻ. Nó mới thọ khoảng 300 tuổi thôi. Phương-thức-sản-xuất nô lệ đã hưởng thọ vài chục thế kỷ. Phương-thức-sản-xuất phong kiến, chí ít, đã hưởng thọ khoảng chục thế kỷ ở Châu Âu.
"Quy luật" vận động cơ bản của phương-thức-sản-xuất Tư-bản không hề thay đổi. Cứ coi như là gien của nó32, dưới bất cứ hình-thái vận động nào của nó, lành mạnh hay bệnh hoạn. Dùng học thuyết kinh-tế của Marx, ta vẫn hiểu được nó. Ngày nào phương-thức-sản-xuất Tư-bản còn tồn tại, ngày đó học thuyết kinh-tế và tư tưởng33 của Marx chưa thể tiêu vong. Sao ta thèm được thấy nó vĩnh viễn tiêu vong quá ! Giấc mơ muôn thuở của con người tự-do chẳng thế sao : có khả năng và dũng cảm phủ định chính mình.
Dù phương-thức-sản-xuất Tư-bản đã phát triển, tiến hoá, trở nên phong phú, đa dạng phi thường, nền tảng cuối cùng của nó vẫn là sản-xuất hàng-hoá (trong đó có dịch vụ dưới mọi hình-thái34) trong quy-trình-sản-xuất Tư-bản, còn gọi là kinh-tế thực, économie réelle. Cứ coi vai trò của các nước mới nổi trong nền kinh-tế toàn cầu hoá ngày nay thì thấy.
Ngày nay, phương-thức-sản-xuất Tư-bản đang vươn tới đỉnh cao nhất nó có thể đạt trên quả đất này :
a/ biến cả thế giới thành một thị-trường hàng-hoá Tư-bản chung dưới sự điều hành của một cơ quan siêu Nhà-nước : OMC.
b/ lùa cả nhân loại vào một thị-trường sức-lao-động chung.
Điều này chưa hoàn tất nhưng đã nhú mầm dưới nhiều hình-thái.
Chẳng có điều gì cấm những anh Tư-bản kếch xù, kể cả Tư-bản Tàu, đồng ý với nhau để vứt bỏ các hàng rào quốc gia, lùa cả nhân loại vào một thị-trường sức-lao-động chung dưới sự quản trị của một anh OMC bis. Sức-lao-động cũng là hàng-hoá mua bán trên thị-trường tự do cạnh tranh mà.35
Hai thị-trường trên là môi trường "sinh sôi nảy nở" đặc thù của phương-thức-sản-xuất Tư-bản, do chính con người tạo ra trong quá trình nó làm người, làm ra lịch sử của loài người.
c/ vốn Tư-bản khổng lồ tích luỹ qua mấy trăm năm, dưới hình-thái Tư-bản-tài-chính, càng ngày càng tập trung vào một số ít tay.
Dường như năm 2010, tài sản của 185 759 anh "siêu giàu" (Ultra Riches) được ước lượng = 25 000 tỷ $ = 40 % PIB của thế giới. Năm ấy, nhân loại gồm khoảng 7 tỷ người.36 Miễn bàn.
d/ quyền lợi của các anh Tư-bản lớn chi phối sự vận động của kinh-tế ở mức toàn cầu, chi phối hành-động chính-trị và luật lệ ở những quốc gia và những cơ quan quốc tế, vẫn là :
− mua sức-lao-động với giá rẻ nhất.
Ở đâu, không cần bàn nữa.
− bán sản phẩm với giá đắt nhất.
Điều này, ngày nay, khả thi.
Thị-trường hàng-hoá, có tự do cạnh tranh giữa hàng nghìn hay chục nghìn anh Tư-bản mù quáng truyền thống, khiến thị-trường có một hình-thái dường như khách quan hoặc thần thoại (Bàn tay vô hình của thị-trường), đã và ngày càng trở thành chuyện hão, chỉ còn trong sách giáo khoa kinh-tế tư-sản thôi, dưới nhãn hiệu "quy luật Cung-Cầu" !
Ở Pháp, quyết định giá xăng tuỳ thuộc không tới 5 anh. Chúng chỉ đi nhậu với nhau một bữa ở chân trời góc biển nào đó cũng đủ để quyết định bàn dân sẽ phải mua xăng với giá trung bình nào trong mấy tháng tới.
Lúc còn là ứng cử viên tổng thống ở PhuLăngXa, cách đây 6-7 tháng, ông Hollande hùng hổ đe dọa mấy anh Tư-bản thống trị thị trường này : nếu được bầu, tôi sẽ dùng luật pháp buộc các anh phải xuống giá. Được làm tổng thống rồi, "tôi" liền thi hành lời hứa thiêng liêng đó, "đàm phán" với các ông chủ liên hệ và thành công mỹ mãn: giá xăng không chỉ ngừng tăng, trung bình còn xuống 0,03 € / lít trong khoảng… 2-3 tháng. Đủ cho bàn dân uống thêm một hai tách café / tháng… Bắt đầu 1/1/2013, ông Vũ Như Cẫn trở lại thống trị thị trường xăng ở PhuLăngXa. Làm sao bây giở ? Giá xăng càng tăng, Nhà-nước càng thu thêm thuế đặc thù trên nó. Thuế ấy quan trọng tới mức bàn dân PhuLăngXa, từ lâu rồi, gọi xe hơi là con bò để vắt sữa (la vache à lait) của Nhà-nước. Tất nhiên, sữa ấy do bàn dân nặn vú ra, một cách bình đẳng, bất kể nghèo giàu như thế nào.37 Ngay nay, ở PhuLăngXa, đã có nhiều người phải cắt xén chi tiêu cho sinh hoạt thường ngày để có khả năng mua xăng để đi làm hoặc đi tìm… việc.
Đối với nhiều loại hàng-hoá khác cũng vậy, xuyên qua những anh Tư-bản-thương-mại bự như Carrefour, Casino, Auchan, Leclerc, và các chi nhánh của họ.
Tự do cạnh tranh dẫn tới độc quyền mà, Marx lỡ nói vậy.
Vì thế, ở Pháp, giá bán một đôi dép, sản-xuất ở Trung Quốc, khác xa giá bán nó ở Việt Nam. Giá bán một iPad trên thế giới cũng vậy.
Nghĩa là gì ? Là :
− với sự ứng dụng nhanh chóng khoa học vào kỹ thuật sản-xuất và quản lý, e tutti quanti, lực lượng sản-xuất phát triển quá nhanh, quá mạnh ; sức mua sản phẩm của bàn dân ở một quốc gia, dù là Mỹ, không đủ để tiêu thụ hết  có lời đáng kể cho anh Tư-bản, không đủ để cho phép tiền đẻ ra tiền' ở mức tối đa, phải dựa vào thị-trường hàng-hoá toàn cầu, nghĩa là bán cho các khách hàng giàu có trên thế giới, mới thực hiện được.
− trong hoàn cảnh ấy, ở nước nào vét được bao nhiêu thì vét. Cung-Cầu mà.
Cầu ở từng nước đều vô tận.
Còn Cung ở đâu, lúc nào, với giá nào, ta và thân hữu quyết định.
Thế thôi.
E tutti quanti.

Bàn dân ngơ ngác có thể tự hỏi : biết vậy, tại sao nước ta không dùng các biện pháp thích ứng để tự bảo vệ ?
Vì bàn dân suy luận với nhiều "khái-niệm" nhập nhằng, nhẹ dạ đồng nhất anh Tư-bản lớn PhuLăngXa (như ông Bernard Arnault vừa mới lấy thêm quốc tịch Bỉ chẳng hạn), hay anh Tư-bản lớn quốc tế hiện đang làm chủ gần 50% cổ phiếu của 40 doanh nghiệp lớn nhất ở PhuLăngXa (CAC 40), với anh tiểu Tư-bản PhuLăngXa và với… chính mình.
Ôi, không có gì uy hiếp tiêu diệt tư-duy tự-do ở ta bằng hai từ ta và chúng ta ! Nhưng không có chúng ở lòng ta, hôm nay, trên thế giới này, trong nhân giới này, ta làm người thế quái nào được ? Đểu thật, đau thật. Hè hè.
Tiền −> Tiền'
với Tiền' > Tiền
là một quá trình vận động thuần lượngChất của nó là thế ! Hegel đấy ! Lượng-chất, lượng lượng chất chất, chất chất lượng lượng, lượng biết thành chất, chất biến thành lượng… Qua đó ta biến thành Ta, Ý-tưởng-tuyệt-đối… Cũng không sai lắm, trong đầu nhiều người. Hè hè…
Vì thế, nó có thể vô tận, vĩnh cửu – trong đầu con người thôi ! Đối với nó, khái-niệm "nước" chẳng có ý nghĩa gì cả. Tư-bản vốn phi tổ quốc nghĩa là thế. Còn yêu nước hay không, ở PhuLăngXa, chẳng ai cấm ai cả. Hiện nay, Nhà-nước cũng không bỏ tù ai vì tội không yêu nước.
Chính những anh Tư-bản lớn, từ thời Reagan tới nay, xuyên qua quyền lực chính trị ở các nước Tư-bản phát triển, đã phá tan tành những hàng rào cơ bản cho phép các quốc gia ít nhiều tự vệ. Để tồn tại và tiếp tực vận hành, chúng cần hai thị-trường toàn cầu nói trên. Còn lại, sống chết mặc bay, kể cả đối với những anh Tư-bản nhỏ truyền thống "đồng hương".

Điều đang xảy ra trong thị-trường sức-lao-động toàn cầu hoá ngày nay không là gì khác hơn "quy luật" bần cùng hoá tương đối giai-cấp làm-công mà Marx đã mô tả. Có khác chăng là ở quy mô : không còn giới hạn ở một nước.
Một bên, ở các nước Tư-bản phát triển, quá trình bào gọt lương-lao-động-tổng-hợp và tăng thuế đối với người-làm-công sẽ tiếp diễn. Có thể một cách "yên ả" nhờ sự an phận ngấm ngầm đau khổ, tủi nhục ở người-làm-công như ở Đức, Pháp…, có thể một cách căm phẫn phản kháng như ở Hy Lạp, Tây Ban Nha. E tutti quanti. Cả hai thái độ đều thể hiện bế tắc tư tưởng.
Bên kia, xuyên qua đấu-tranh-giai-cấp kinh điển đã hay sẽ diễn ra ở những nước mới nổi38, một cách ôn hoà hay bạo liệt, lương-lao-động-tổng-hợp của người-làm-công sẽ tăng lên… hay không ! Tùy tương quan lực lượng giữa những giai-cấp39. Tương quan lực lượng ấy, ngày nay, cũng tuỳ thuộc khao khát và khả năng làm người cho ra người của người-làm-công, tuỳ thuộc trình độ văn hoá của một dân tộc. Ôi bạn đời Ziao Chỉ ở quốc nội và tứ xứ, bạn có điều gì chăng để "giúp đỡ" người-làm-công Ziao Chỉ làm người cho ra người, trong các công ty Nam Hàn ở Ziao Chỉ Quận chẳng hạn ? Nếu có, hãy mau cho.
Hiện nay, ngay ở Trung Quốc, vài năm qua, lương-lao-động-tổng-hợp40 của anh lao-công có tăng một tí.
Quá trình bần cùng hoá tương đối trên là môi trường béo bổ cho các tư tưởng cực đoan phát triển, dưới hình-thái kì thị chủng tộc hay tôn giáo, hoặc cả hai gộp lại. Cứ coi tình hình chính trị ở Châu Âu và khắp thế giới thì thấy. Lại một hình-thái của quan hệ giữa hạ-tầng-cơ-sở-kinh-tế và thượng-tầng-ý-thức-hệ !
Chưa bao giờ khẩu hiệu của Marx và Engels lại hợp thời như hôm nay :
"Prolétaires de tous les pays, unissez-vous !"
"Lao-công toàn thế giới, đoàn kết lại."
Nếu hiểu khái-niệm prolétaire theo định nghĩa kinh-tế học của Marx và Engels, thì trong đó có chính chúng ta và con cháu chúng ta.

Quá trình trên còn lâu dài, nhưng không vĩnh cửu.
Ở nó, những mâu thuẫn nội tại của phương-thức-sản-xuất Tư-bản vẫn còn nguyên. Sẽ có ngày phải giải quyết.
Nó kéo dài bao lâu, bạo liệt tới đâu, còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố trong đó có trình độ văn hoá của các dân tộc. Kích thước văn hoá của con người, theo Marx, là một yếu tố cơ bản trong định nghĩa khái-niệm giá-trị-sức-lao-động mà !
Khả năng có một cuộc cách mạng nhân bản đích thực cho thời đại này, mà không đẫm máu, tuy nhỏ nhoi, không là số không.
Cứ coi quá trình tự sụp đổ hay biến chất của các nước xã hội chủ nghĩa xưa thì thấy.
Còn sáng tạo một phương-thức-sản-xuất mới giúp nhân loại bớt khổ, bớt nhục, bớt thù hận, bớt ích kỷ, nhỏ nhoi − như thế nào, cách nào, đành nhường những thế hệ tương lai.
Nên bình tĩnh, thận trọng nhé. Khó lắm.
Nội chuyện sửa đổi toàn bộ luật lệ điều hành cách sử dụng một công cụ kỹ thuật như kế toán của xí-nghiệp hay Nhà-nước, cũng đòi hỏi, ngoài một tư duy kinh-tế mới, vô vàn kiến thức chuyên môn cụ thể chi li của một đống chuyên gia : nó "tức khắc" ảnh hưởng đởi sống xã hội và đời sống của từng con người.
Tốt thôi : bớt nạn thất nghiệp…
Nhất là : đừng bao giờ quên kinh nghiệm cay đắng với các đảng "cộng sản" và các "chế độ xã hội chủ nghĩa" xưa và nay nhé !
Ta sẽ chẳng bao giờ thấy được điều trên. Ta chỉ dám mong nó có thể. Cũng đủ để ta cạn bút vì nó. Chỉ vì, đến chết, ta vẫn thèm làm người với người. Hè hè.
May thay, con người vốn tò mò, ham hiểu biết, lại thích bịa ra đủ thứ giấc mơ, hoài bão, khát khao làm người mới lạ. Và, thỉnh thoảng, nó thực hiện được chúng, như nó đã thực hiện được phần nào giấc mơ của "thế kỷ khai sáng".
May thay, ở đời, chẳng mấy ai yêu sự tuyệt vọng tuyệt đối, vĩnh cửu.

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved