Home » » CÁC SỰ VẬT CÓ Ý NGHĨA GÌ CHĂNG?

CÁC SỰ VẬT CÓ Ý NGHĨA GÌ CHĂNG?

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011 | 02:13

CÁC SỰ VẬT CÓ Ý NGHĨA GÌ CHĂNG?
Roland Barthes
Tôi viết tiểu luận vì tôi là con người của ý tưởng. Tôi cũng muốn viết truyện ngắn, nhưng tôi ngần ngại khi nghĩ đến những khó khăn tôi phải gặp trong khi tìm chữ để diễn tả chính mình. Ở Pháp, những người viết tiểu luận phải làm công việc khác — đó là công việc riêng của họ. Điều đã khiến tôi say mê suốt cả đời là cái cách con người làm cho thế giới trở nên khả tri đối với họ. Bạn có thể nói đó là cuộc phiêu lưu của cái khả tri, cái vấn nạn của ý nghĩa. Con người đem ý nghĩa vào lối viết của họ; với những con chữ, cuộc viết tạo nên một ý nghĩa mà trước đó các con chữ ấy chưa có. Đó là điều phải được hiểu, đó là điều tôi cố gắng diễn tả sau đây.
Nói về Tiểu Thuyết Mới, có một điều cần phải làm rõ. Ta phải nhận ra rằng xã hội hôm nay đã có điều kiện cho nhà văn hội nhập. Nhà văn không còn là một kẻ cùng khốn, y không còn phụ thuộc vào một nhà bảo trợ, y không còn phục vụ cho một giai cấp nhất định nào nữa. Nhà văn trong xã hội chúng ta hầu như được vui sướng. Đây chỉ là những sự kiện được phát hiện, chúng không thể đưa đến một kết luận nào, nhưng chúng phải được lưu ý nếu ta muốn hiểu vấn đề. Một mặt, có những nhà văn vui sướng; mặt khác, một xã hội phức tạp đang diễn biến, đầy những nghịch lý.
Người ta đã nói gì về Tiểu Thuyết Mới? Người ta nói rằng nó trốn tránh hiện thực; rằng, mải tìm kiếm một kỹ thuật viết nào đó, nó đã rời bỏ những trách nhiệm của nó.
Khi nói câu này, người ta đã hướng về những mẫu mực vĩ đại của văn chương — Balzac, Stendhal, vân vân. Cần phải nhớ rằng những tiểu thuyết gia ấy đã trình bày một xã hội có cơ cấu định hình rõ rệt, và do đó những cuốn tiểu thuyết của họ được viết theo lối hiện thực chủ nghĩa; những cuốn tiểu thuyết ấy biểu đạt một hiện thực và, đôi khi, một thứ hiện thực của niềm hoài cảm — sự kiện này ít khi được nhấn mạnh.
Hôm nay, những biến cố chính trị, những xáo trộn xã hội, cuộc chiến tranh ở Algérie, chẳng mấy khi xuất hiện trong Tiểu Thuyết Mới. Người ta nói: “Những tác phẩm này không dấn thân.” Thật vậy, nhưng các nhà văn này, với tư cách con người và công dân thì lại dấn thân, và họ dấn thân một cách can đảm.
Người ta lại nói: “Nhà văn phải dấn thân bằng tác phẩm.” Nhưng đó chỉ là lý thuyết thôi, vì ý nghĩ này thất bại liên tục. Bạn có thể tự hỏi về sự thất bại này… Nhưng đơn giản chỉ vì viết là nghệ thuật đặt ra những câu hỏi, chứ không phải là để trả lời hay giải quyết.
Chỉ có viết mới đặt ra được một câu hỏi, và bởi viết có cái sức mạnh này, nó có thể tạm treo lơ lửng những câu hỏi. Khi những câu hỏi được đặt ra đúng cách, chúng gây xôn xao. Tiểu Thuyết Mới hoàn toàn có ý thức về vai trò của nó.
Kafka vốn biết rằng văn chương tuỳ thuộc vào cách đặt câu hỏi. Bạn nghĩ xem điều gì đã làm cho Balzac đến hôm nay vẫn hấp dẫn? Khả năng mô tả cuộc sống ư? Chắc hẳn là điều gì khác. Ông đã đặt ra những câu hỏi chính xác về xã hội tiểu tư sản — mà có lẽ ngay chính ông cũng không biết mình đã làm thế.
Xã hội hôm nay thì quả là khó hiểu. Con người sống trong xã hội này hầu như không thể phân tích nó nổi. Những vấn đề giai cấp đã vượt quá tầm ý nghĩa của những thuật ngữ được sử dụng cách đây năm mươi năm. Chúng ta đang sống đồng thời trong một xã hội giai cấp và một xã hội đại chúng. Những vấn đề lớn và khẩn thiết dường như thật rối rắm. Chính cái văn hoá chính trị dường như cũng đang đứng khựng lại. Nhiều nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến văn chương và, qua đó, tìm kiếm sự diễn đạt.
Hãy tưởng tượng một khối óc như Brecht phải đối diện với cuộc sống hôm nay; khối óc ấy hẳn sẽ thấy chính nó bị tê liệt trước cái thiên hình vạn trạng của cuộc sống. Thế giới đang biến thành những tác nhân kích thích tư tưởng quá sức phong phú.
Vì thế ta tự hỏi: Tiểu Thuyết Mới đặt ra câu hỏi gì vậy? Nó đặt ra một câu hỏi quan trọng, một câu hỏi mới mẻ và đơn giản đến kinh ngạc: Các sự vật có ý nghĩa gì chăng?
Từ trước đến nay, văn chương chưa bao giờ thắc mắc về ý nghĩa của các sự vật. Ở đây, các sự vật là cái tổng thể của mọi thứ quanh ta, các sự kiện cũng như các đồ vật. Vai trò của văn chương là đặt ra câu hỏi ấy xuyên qua tự sự, xuyên qua những thành tố của tiểu thuyết, xuyên qua nhân vật, hay đồ vật.
Người ta la lên: “Nhưng tại sao lại đồ vật?” Chắc chắn phải có một nỗ lực. Con người đã luôn luôn nhồi ý nghĩa vào đồ vật, thế nhưng đồ vật chưa bao giờ được dùng như chất liệu văn chương. Các đồ vật đã chẳng có trò trống gì trong tiểu thuyết. Trong cuốn Les Liaisons dangereuses,[1] chẳng hạn, món đồ quan trọng duy nhất là cây hạc cầm, và nó quan trọng chỉ vì nó được sử dụng để giấu những bức thư. Do đó, Tiểu Thuyết Mới cố gắng nhìn các đồ vật đã trút bỏ hết những thứ ý nghĩa thường gắn liền với chúng. Robbe-Grillet đã đem đến một cách nhìn mới về đồ vật. Ông đã trình bày nó riêng một mình, không gắn với những hồi ức, không gắn với thi ca. Đây là một lối mô tả đạm mạc, phi hiện thực. Đồ vật xuất hiện không có vầng hào quang của ý nghĩa, và chính điều đó làm sinh ra sự xao xuyến — một thứ cảm nhận uyên áo và mang tính siêu hình.
Cái công việc khá to tát này một phần mang tính kỹ thuật và một phần mang tính triết lý. Nó sẽ dẫn đến đâu? Tôi không biết. Khi một tác phẩm thành công, nó nêu lên câu hỏi với vẻ mơ hồ đa nghĩa và, theo cách đó, nó trở thành thi ca.
Có những sự dị biệt to lớn giữa những cuốn tiểu thuyết của nhóm Tiểu Thuyết Mới, nhưng có lẽ chúng mang một khuyết điểm chung: có một sự bất tương hợp giữa khả tính của tác phẩm và hình thức của nó. Một bài thơ giữ được sự chú ý của độc giả vì nó ngắn, một bài thơ quá dài sẽ đánh mất đi sức mạnh của nó; điều tương tự cũng xảy ra cho Tiểu Thuyết Mới.
Điều dị thường là sự tĩnh tại, sự an nhiên của tất cả những tiểu thuyết gia trong nhóm này. Nhưng độc giả cũng có thể nêu lên những câu hỏi; anh ta có thể hỏi: “Tại sao dâm tính đã biến mất trong văn chương?” Anh ta có thể thắc mắc phải chăng có sự nhàm chán thật và sự nhàm chán giả, và cuối cùng anh ta có thể tự hỏi tại sao các nhà văn không còn muốn làm gì khác ngoài việc làm phim.[2]
—————
Nguyên tác: “Les choses signifient-elles quelque chose?” Le Figaro Littéraire (13 Octobre 1962), in lại trong Roland Barthes, Oeuvres complètes, tom II, 1962-1967 (Paris: Éditions du Seuil, 2002) 45-50.
_________________________
Chú thích của người dịch:
[1]Cuốn tiểu thuyết Les Liaisons dangereuses (1782) của Choderlos de Laclos (1741-1803).
[2]Trước khi Roland Barthes viết bài này, Robbe-Grillet đã bắt đầu lao vào điện ảnh với truyện phim L’année dernière à Marienbad (1961).
nguồn: tienve.org
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved