Là một nhà kinh tế học người Mỹ, Frank Knight được bổ nhiệm làm giáo sư kinh tế tại Chicago năm 1928. Ông có đóng góp quan trọng vào đạo lý và phương pháp luận của kinh tế học cũng như đối với việc định nghĩa và giải thích chi phí xã hội. Đóng góp lớn nhất của Frank Knight đối với kinh tế là tác phẩm Rủi ro, Sự không chắc chắn và Lợi nhuận (1921).
Là học trò của J. B. Clark, Frank Knight quan tâm đến việc chứng minh rằng lợi nhuận có thể tồn tại trong trạng thái tĩnh, trái ngược với ý kiến của Clark và Alfred Marshall. Những người theo Marshall lý luận rằng lợi nhuận chỉ xuất hiện như là thu nhập của các nghiệp chủ trong các điều kiện thay đổi. Trong một nền kinh tế tĩnh, các yếu tố sản xuất chỉ nhận: lương, tiền lãi và tiền cho thuê. Lợi nhuận là tiền thưởng cho tài năng của nhà doanh nghiệp trong việc tổ chức quá trình sản xuất trong điều kiện thay đổi. Frank Knight lý luận rằng không phải là thay đổi như nói trên dẫn đến lợi nhuận mà là việc đi chệch khỏi những điều kiện dự tính. Sự không chắc chắn về tương lai gây ra phần thưởng đặc biệt là lợi nhuận. Ông quan tâm đến việc phân biệt giữa sự không chắc chắn có thể bảo hiểm được và không bảo hiểm được. Chỉ có sự không chắc chắn không bảo hiểm được mới mang lại lợi nhuận thuần túy.
Lợi nhuận thuần túy là phần thưởng cho việc tiến hành sản xuất trong điều kiện không chắc chắn và do vậy liên quan đến tốc độ thay đổi các biến số kinh tế và việc liệu có các nhà doanh nghiệp có khả năng và sẵn sàng dự đoán chính xác về tương lai hay không.
Các ấn phẩm chính khác của Frank Knight bao gồm: Tổ chức kinh tế (1933), Luận lý về cạnh tranh (1935), Tự do và Đổi mới (1947), Những bài luận về Lịch sử và Phương pháp kinh tế học (1956) và Tình báo và Hành động dân chủ (1960). Là một nhà sáng lập trường phái các nhà kinh tế “Tự do” Chicago, Frank Knight đã có ảnh hưởng đáng kể đối với các thành viên của trường phái này, mặc dù ông ta bị phê phán về quyền hành của nhà nước, ông ta nghi ngờ khả năng của một xí nghiệp tự do hoạt động hiệu quả và theo một cách thức hợp đạo lý. Đặc biệt ông bị phê phán về các tác động của kinh doanh tự do đối với việc phân phối thu nhập.
Theo David W. Pearce - Giám đốc Trung tâm kinh tế môi trường London – (1999).
Từ điển Kinh tế học hiện đại. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.