Home » » Vấn đề về tiền giấy

Vấn đề về tiền giấy

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012 | 23:05


(Tamnhin.net) - Nhân dịp Chính phủ Mỹ ban hành đồng 100 USD mới nhằm chống lại nạn làm tiền giả, Time.com đã liệt kê những điều có thể bạn chưa biết về tiền giấy: từ đồng tiền đầu tiên ở Trung Quốc ngày xưa đến những đồng tiền bị nhiễm cocaine ở Mỹ ngày nay.
Tiền giấy đầu tiên


Người Trung Quốc chính là những người đầu tiên sử dụng tiền giấy, dưới triều đại nhà Đường (678-907 sau CN) và trước người châu Âu tới 500 năm.
Chỉ có điều, Trung Quốc cổ đại  cũng là nước đầu tiên phải đối mặt với khủng hoảng tài chính do việc in ấn tiền giấy tràn lan trong khi giá trị của chúng sụt giảm dẫn đến tình trạng lạm phát. Kết quả, Trung Quốc phong kiến đã loại trừ hoàn toàn tiền giấy vào năm 1455 và không lưu hành chúng sau đó vài thế kỷ.  

Đồng tiền có kích cỡ lớn nhất thế giới


Với kích thước bằng một trang nhật báo, đồng 100.000  peso của Philippines chính là đồng tiền giấy lớn nhất thế giới. Chính phủ Philippines đã ban hành đồng tiền này trong năm 1998 để kỷ niệm 100 năm ngày thoát khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha. Đồng tiền này chỉ dành riêng cho các nhà sưu tầm tiền và họ đã  phải bỏ ra tới 180.000 peso (3.700 USD) để mua một đồng tiền quá khổ này.  

Đồng tiền có giá trị cao nhất


Đồng tiền có giá trị cao nhất mà Bank of England cho lưu hành chính là đồng 1.000.000 bảng Anh. Đồng tiền này được ban hành trong năm 1948 và là một giải pháp tình thế trong thời kỳ tái thiết sau Chiến tranh thế giới thứ II. Chỉ dành riêng cho chính phủ Mỹ, đồng 1.000.000 bảng Anh này đã bị hủy bỏ sau đó vài tháng vì một số đã lọt vào tay tư nhân. Tuy bị hủy bỏ, nhưng đồng tiền này không phải là một tờ giấy lộn. Trong một vụ bán đấu giá năm 2008, một trong hai đồng 1.000.000 bảng Anh còn sót lại được bán với giá 120.000 USD.

Chiếc ATM đầu tiên trên thế giới


Mặc dù vẫn còn gây tranh cãi, nhưng nhà sáng chế  John Shepherd-Barron được dư luận rộng rãi coi là cha đẻ của chiếc ATM đầu tiên trên thế giới. Ông đã giới thiệu mẫu ATM này với ngân hàng Barclays (Anh) và được chấp thuận ngay lập tức. Chiếc ATM đầu tiên được chế tạo và lắp đặt ở London trong năm 1967. Khác với nhiều loại ATM hiện nay, người rút tiền ở chiếc ATM đầu tiên này không phải trả lệ phí.

Xuất xứ của ký hiệu $


Hiện chưa có một ai biết chính xác xuất xứ của ký hiệu $, nhưng cơ quan đặc trách về dập và in tiền Mỹ cho rằng nó có thể liên quan đến ký hiệu "P S " của đồng peso Mexico và Tây Ban Nha. Ký hiệu $ được sử dụng rộng rãi trước khi ban hành đồng tiền giấy USD đầu tiên trong năm 1875. 

Mệnh giá thấp, tuổi thọ ngắn ngủi


Tất cả các đồng tiền giấy đều bị rách nát sau một thời  thời gian sử dụng. Các đồng tiền càng có mệnh giá thấp, càng được sử dụng thường xuyên thì có tuổi thọ càng thấp. Trung bình, đồng tiền giấy có mệnh giá 1 USD chỉ có tuổi thọ 21 tháng, trong khi đồng 100 USD lại có tuổi thọ tới trên 7 năm.

Cảnh sát chống tiền giả đầu tiên


Sau nội chiến, tiền giả đã trở thành một vấn nạn ở nước Mỹ: hơn 1/3 số lượng tiền giấy đang lưu hành bị cho là tiền giả và chính phủ Mỹ thời đó phải ra tay ngăn chặn. Trong năm 1865, Bộ Tài chính Mỹ đã thành lập  một lực lượng đặc biệt nhằm chống lại nạn làm tiền giả. Lực lượng chống tiền giả vẫn còn tồn tại đến ngày nay nhưng lại trực thuộc Bộ An ninh Nội địa, kể từ năm 2002.

Nữ hoàng Elizabeth xuất hiện nhiều nhất


Từ Australia đến Trinidad & Tobago, chân dung của Nữ hoàng Anh  Elizabeth II đã xuất hiện trên các đồng tiền của 33 quốc gia trên thế giới, nhiều hơn bất kỳ nhân vật nổi tiếng khác.
Canada là quốc gia đầu tiên in hình Elizabeth lên đồng $ 20 trong năm 1935, khi vị công chúa này mới tròn 9 tuổi. Sau đó, đã có tới 26 bức chân dung khác nhau của Nữ hoàng Elizabeth được in lên các đồng tiền của Vương quốc Anh và của các lãnh địa, thuộc địa của Anh.

“Đồng tiền bẩn thỉu”


Thành ngữ “Đồng tiền bẩn thỉu” không chỉ đúng theo nghĩa bóng mà còn đúng với nghĩa đen của nó. Nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn các đồng đô la Mỹ đều “nhiễm” cocaine. Những kẻ buôn bán ma túy thường hay dùng tiền mặt để giao dịch và nhiều con nghiện cocaine thường dùng tờ bạc xanh để...hút hít ma túy.
Đó là chưa kể tiền giấy còn chứa đựng nhiều loại vi trùng, nhiều loại mùi vị khác nhau qua quá trình lưu hành. Tiền giấy quả là một môi trường lý tưởng cho các loại virus, vi trùng trú ngụ và lan truyền. Có tin nói virus cúm có thể sống ở môi trường này tới 17 ngày. Với mức độ lưu hành tiền mặt và mức độ nguy hiểm của các chủng virus cúm mới như hiện nay, đây quả là một hiểm họa y tế không chỉ mở cấp quốc gia mà còn ở cấp toàn cầu.

Đồng tiền bị mất giá khủng khiếp nhất


Để đối phó với tình trạng siêu lạm phát lên tới 231.000.000% và  giá một ổ bánh mì lên tới 300 tỷ đô la Zimbabue, Chính phủ đoàn kết Zimbabue đã ban hành loại tiền giấy có mệnh giá tới 100.000 tỷ đô la Zimbabue. Đây quả là đồng tiền có dãy số mệnh giá dài nhất, lên tới 15 chữ số (một con số 1 và 14 con số không).

              Minh Châu (theo Time.com)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved