Home » » Gary Becker và ứng dụng tính duy lý

Gary Becker và ứng dụng tính duy lý

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012 | 01:04


Gary Becker là một trong số những nhà kinh tế có nhiều sáng tạo nhất trong giai đoạn cuối thế kỷ XX. Cách tiếp cận độc đáo của ông liên quan đến việc chấp nhận giả thiết về tính duy lý trong kinh tế học và áp dụng nó vào rất nhiều vấn đề xã hội mà trước đó chưa được kinh tế học nghiên cứu tới. Cách tiếp cận này đã gây dựng nên nhiều chuyên ngành mới trong kinh tế học, như kinh tế học tội phạm và hình phạt, kinh tế học về nghiện hút, kinh tế học gia đỉnh, lý thuyết về tư bản con người, và kinh tế học về phân biệt đối xử.

Gary Becker sinh năm 1930 tại Pottsville, Pennsylvania và lớn lên tại Brooklyn, New York. Cha ông là một chủ kinh doanh nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông vào trường Đại học Princeton, tại đó ông nhận bằng cử nhân về kinh tế học. Ông không hài lòng về chương trình đào tạo kinh tế tại Princeton vì “nó dường như không giải quyết những vấn đề thực tế” (Niên giám tiểu sử đương đại, 1993). Sau đó, ông học sau đại học về kinh tế học tại Đại học Chicago, dưới sự dìu dắt của Milton Friedman. Gary Becker nhận bằng thạc sĩ năm 1953 và tiến sĩ năm 1955 tại Đại học Chicago. Luận văn tiến sĩ của ông (Becker, 1957) về kinh tế học phân biệt đối xử là do Friedman hướng dẫn và sau này được Ủy ban giải thưởng Nobel đánh giá là một đóng góp đặc biệt quan trọng trong kinh tế học.

Gary Becker dạy tại trường Đại học Chicago từ năm 1954 đến 1957 và sau đó đảm nhận một vị trí tại Đại học Columbia. Vào năm 1969, ông quay trở lại Chicago với tư cách là giáo sư kinh tế học và xã hội học. Kể từ năm 1985, ông thường xuyên viết bài về kinh tế cho tạp chí Business Week, giải thích cách phân tích và các ý tưởng kinh tế cho công chúng. Vào năm 1992, ông được trao giải thưởng Nobel về Khoa học Kinh tế.
Gary Becker có 2 đóng góp quan trọng trong kinh tế học. Thứ nhất, ông vận dụng giả thuyết về tính duy lý của con người và áp dụng vào tất cả các dạng hành vi, bao gồm cả những vấn đề không mang tính kinh tế, hay không liên quan đến giao dịch thị trường giữa các cá nhân. Bắt đầu với giả thiết cho rằng con người hành động một cách duy lý và cố gắng tối đa hóa lợi ích, Gary Becker phân tích những quyết định về mức sinh, hôn nhân, ly dị (Becker, 1973, 1974, 1977), tội phạm và hình phạt (Becker, 1968) và nghiện ngập (1988, 1991, 1992). Thứ hai, Gary Becker đã có công trong việc giải thích cách vận hành thị trường lao động. Ông góp phần phát triển khái niệm tư bản con người (Becker, 1964) và giúp các nhà kinh tế học hiểu biết hơn về sự phân biệt đối xử trong thị trường lao động (Becker, 1957).

Gary Becker phân tích quyết định hôn nhân và quan hệ gia đình theo phương pháp phân tích truyền thống về hành vi của hãng kinh doanh. Các cá nhân dành thời gian để tìm kiếm bạn đời, người mang lại cho họ mức thỏa dụng cao nhất, giống như các hãng tìm các nhân viên tốt nhất có thể. Cuộc tìm kiếm càng kéo dài thì sẽ càng có nhiều thông tin hơn về người nào là bạn đời xứng đáng nhất. Cuối cùng, lý thuyết này dự đoán rằng những người cưới sớm sẽ có khả năng dễ ly dị hơn, một dự đoán nhận được ủng hộ khá mạnh mẽ từ số liệu thống kê. Lý thuyết này cũng dự đoán rằng những thất vọng về kỳ vọng, và thay đổi trong kỳ vọng, sẽ dẫn tới tình trạng ly dị. Và giống như một hãng muốn tối đai hóa lợi nhuận, một gia đình có thể tối đa hóa lợi ích thông qua sự chuyên môn hóa; do vậy người chồng thường chuyên môn hóa vào công việc trên thị trường và người vợ thì tập trung vào công việc gia đình. Một kết quả của việc chuyên môn hóa đó là người phụ nữa sẽ nhận được mức lương thị trường thấp hơn. Theo Gary Becker thì điều này không phải do sự phân biệt đối xử mà do quyết định giữa các thành viên trong gia đình về việc ai làm công việc nào.


Gary Becker cho rằng việc thích phân biệt đối xử là một biểu hiện của khẩu vị hay ý thích của người chủ, giống hệt như việc muốn ăn ngũ cốc hiệu Grape Nuts vào bữa sáng hàng ngày chỉ là kết quả của khẩu vị hay sự ưa thích mà thôi. Hơn thế nữa, Gary Becker (1993) cho rằng phân biệt đối xử phụ thuộc nhiều vào thị hiếu và quan điểm của người tiêu dùng và người lao động hơn là quan điểm và niềm tin của người chủ. Người tiêu dùng có thể không muốn giao dịch với người bán hàng thuộc nhóm người thiểu số; và những người lao động có thể không muốn làm việc cùng với phụ nữ hoặc người da đen. Trong trường hợp như vậy thì các hãng sẽ có xu hướng không thuê lao động nữ hoặc người da đen có tay nghề; vì điều đó làm giảm năng suất bán hàng hoặc lao động và do đó gây ra chi phí đối với hãng. 

Gary Becker lưu ý rằng phân biệt đối xử làm cho người chủ phải chịu chi phí. Nếu một người chủ có thể thuê lao động nữ hoặc da đen, nhưng lại muốn phân biệt đối xử với những người này, khi đó người chủ sẽ phải trả giá cho sở thích này. Cái giá phải trả là chênh lệch lương giữa lao động nam da trắng và lao động nữ hoặc thiểu số không được thuê. Điều này có nghĩa là trong thị trường cạnh tranh, phân biệt đối xử sẽ ít có khả năng xảy ra vì các hãng phân biệt đối xử sẽ phải chịu chi phí cao hơn, còn các hãng không phân biệt đối xử sẽ chịu chi phí thấp hơn. Các hãng không phân biệt đối xử sẽ có xu hướng đẩy các hãng phân biệt đối xử ra khỏi ngành. Những giả thuyết này về phân biệt đối xử là chủ đề của nhiều chỉ trích và tranh luận. 

Gary Becker đã mở rộng phạm vi phân tích kinh tế bằng cách coi mọi sự lựa chọn cá nhân đều được thực hiện một cách duy lý. Do vậy Gary Becker là nhà kinh tế tiên phong trong các nghiên cứu về phân biệt đối xử, tội phạm, giáo dục và hôn nhân. Mỗi lần ông mạo hiểm vượt ra ngoài phạm vi của kinh tế học truyền thống, ông đều thu được những kết quả thú vị và độc đáo, với những dự đoán rõ ràng và có thể kiểm định được. 
  
Điều quan trọng hơn nữa là cách tiếp cận của ông đã mở ra những hướng nghiên cứu và phương pháp mới trong việc xem xét các hoạt động phi thị trường của con người. Vì những lý do này, Gary Becker trở thành nhà kinh tế có sức sáng tạo mạnh nhất và có ảnh hưởng lớn nhất cuối thế kỉ XX. Ảnh hưởng đó có thể được đo bằng số lần trích dẫn rất lớn từ các tác phẩm của ông. Medoff (1989) xếp Gary Becker vào vị trí hàng đầu trong số các nhà kinh tế học dưới tuổi 65, dựa trên tổng số lần các tác phẩm của ông được trích dẫn, theo số liệu thống kê từ sách Chỉ dẫn trích dẫn khoa học xã hội. 

Theo Steven Pressman. 1999. 50 nhà kinh tế tiêu biểu. Routledge. Bản dịch tiếng Việt. Nhà Xuất Bản Lao Động. 2003.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved