Home » » ĐỂ TẠO THÓI QUEN LÀM VIỆC - VỚI VĂN BẢN GỐC

ĐỂ TẠO THÓI QUEN LÀM VIỆC - VỚI VĂN BẢN GỐC

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011 | 22:31

ĐỂ TẠO THÓI QUEN LÀM VIỆC
VỚI VĂN BẢN GỐC


Do sự phản đối của sinh viên và dư luận xã hội trước lối học thụ động “thầy đọc trò chép”, nhất là trong các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn, các đại học ở Phương Tây đã tiến hành cải cách mạnh mẽ từ thập niên 60 thế kỷ trước: giảm đến mức tối thiểu những giáo trình do giáo sư “độc diễn” (thực tế hiện nay chỉ còn là nơi để các giáo sư nổi tiếng giới thiệu “học thuyết” của mình) và tăng đến mức tối đa cách học tương tác, trong đó sinh viên giữ vai trò chủ động (với các hình thức xemine ở cấp đại học và đối thoại khoa học/colloquium ở cấp trên đại học). Ai cũng dễ thấy cái lợi của cuộc cải cách này, nhưng để thực hiện được nó thì thật không dễ dàng về cả hai phía: giáo sư phải có cái gì “riêng” của mình để trình bày; sinh viên phải có đủ “chất liệu” để tìm hiểu, trao đổi. Muốn thế, giáo sư phải kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy; sinh viên phải làm việc trực tiếp với văn bản gốc, đầu nguồn; hay như cách nói đùa trong giới đại học: đến thẳng với “Phật”, chứ không (hoặc chưa) thông qua các vị “Bồ tát”! Ở đây chỉ xin nói chút ít về vế sau. Học từ đầu nguồn có mấy cái lợi: - tập cho người học có thái độ khách quan, nghiêm chỉnh trước tác giả, trường phái hay học thuyết mà mình tìm hiểu; - không cần đọc nhiều (còn cả đời để đọc!) mà cần đọc kỹ, chính xác, thấu triệt để tạo căn bản vững chắc cho những bước đi về sau, và biết cách diễn đạt, trình bày có căn cứ, theo thông lệ của hoạt động khoa học; - khêu gợi óc tò mò, xây dựng lòng tự tin của một người đối thoại đồng đẳng trong tương lai chứ không cứ mãi là kẻ “học trò” thụ động.

Nhưng, ở ta, như GS Lê Ngọc Trà (Doanh nhân cuối tháng, số 3, tr.9) nhận xét: “Thậm chí lên đến bậc cao học rồi mà mỗi khi được yêu cầu phải đọc một vài trang – chỉ vài trang thôi! – trong tác phẩm của Marx hay Kant, Hegel, sinh viên đều than khó và nhiều người đọc mãi cũng không hiểu! Mất thói quen làm việc với văn bản gốc là một nhược điểm rất lớn của sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn nước ta hiện nay”.

Tất nhiên, lỗi không hoàn toàn ở phía sinh viên khi họ không được tập thói quen ấy ngay từ đầu, và ta cũng không chờ đợi sinh viên bất kỳ nước nào có thể đọc thông thạo các văn bản bằng ngoại ngữ ở lứa tuổi đôi mươi! Vì thế, việc tổ chức dịch có hệ thống các văn bản ấy sang tiếng Việt là một yêu cầu cấp bách hiển nhiên. Nhưng, với kiểu làm tản mạn, được chăng hay chớ hiện nay, bao giờ mới có đủ “bột” để gột nên “hồ”? Bên cạnh nỗ lực đáng quý của Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh với tủ sách “Tinh hoa” của NXB Tri thức cũng như của nhiều nhà xuất bản khác, một kinh nghiệm hay từ một số nước Châu Á mà ta có thể tham khảo: ngay từ năm học đầu tiên, sinh viên đã được dành một thời gian thích đáng (độ 50%) để tập đọc và thuyết trình về văn bản gốc, hướng dẫn mỗi người chuyên sâu về một vài ngoại ngữ, về một tác giả, một lĩnh vực trong suốt thời gian học. Được chuẩn bị ngay từ đầu như thế, một phần thích đáng (cũng độ 30-50%) các luận văn tốt nghiệp (cử nhân và thạc sĩ) sẽ là các công trình dịch, chú giải và bình luận về các văn bản quan trọng. Chúng có thể được công bố như các công trình đầu tay, vì đã được thẩm định bởi hội đồng giám khảo và cho thấy rõ học lực vững chắc của người tốt nghiệp. Kiên trì làm như thế ta sẽ nhanh chóng làm giàu kho tàng văn bản khoa học bằng tiếng Việt và sớm có một đội ngũ chuyên gia thực sự trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản, Hàn Quốc… đều làm như thế cả, và, theo tôi biết, ở Hàn Quốc, ngoài các tác phẩm “kinh điển”, hầu như các tạp chí chuyên ngành trên thế giới cũng đều được phân công cho sinh viên cao học dịch trong một thời gian ngắn. Ở Nhật, thời gian ấy còn được rút ngắn hơn nữa!

                                                                               Bùi Văn Nam Sơn

(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tháng, 7.2007)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved