Đây là một dạng bi kịch lịch sử, nhưng là cái bi của cái mới, cái tiến bộ, cách mạng đã ở thế thắng trong toàn cục, nhưng một bộ phận nào đó của nó còn lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, khiến cho người anh hùng bị sa cơ và bị tiêu vong thảm thương.
Hành động của các nhân vật anh hùng thuộc loại này là một hành động hợp với yêu cầu tất yếu của lịch sử và khả năng thực hiện lí tưởng của họ đã mở rộng, song cuộc chiến đấu một mất một còn đó vẫn diễn ra gay gắt, trong một hoàn cảnh và điều kiện nhất định, ở một thời điểm nhất định, kẻ địch còn tập trung được nhiều lực lượng và tỏ ra lợi hại, người anh hùng chiến đấu trong điều kiện đó rất có thể bị thất bại, bị đàn áp khốc liệt.
Tuy người anh hùng chết đi, nhưng lí tưởng của họ không còn bị treo đấy (ở trường hợp trên), mà đã được cả thế hệ của họ, dân tộc của họ dấy lên một phong trào nối tiếp xả thân vì lí tưởng ấy.
Sự ngã xuống của họ không phải là sự vấp ngã giữa đêm dài đen tối, mà là sự ngã xuống ngay trước ngưỡng cửa bình minh; do đó nó có tác dụng bật tung cái then chốt cài im ỉm, khóa chặt nhiều năm để mọi người từ trong hầm tối tràn ra ánh sáng, trước Cung điện Mùa đông hoặc Quảng trường Ba Đình lịch sử… Chính vì thế, cái chết của các nhân vật anh hùng này có một tính chất mĩ học mới, đó là tính bi hùng kịch.
Có thể kể về những tấm gương anh hùng thuộc dạng bi kịch của các nhân vật chết trước bình minh như: Nữ chính ủy trong tác phẩm Bi kịch lạc quan của nhà văn Vinhepxki. Các anh hùng trong tác phẩm Chiến bại của nhà văn Fadeev, các nghĩa sĩ Cần Giuộc trong Văn Tế của thầy Đồ Chiểu, v.v..
Trong văn học nghệ thuật Việt Nam cũng không ít những nhân vật ngã xuống đêm hôm trước của Cách mạng và ngay vào những ngày đấu tranh sắp giành thắng lợi. Chúng ta có thể nghĩ đến: cái chết của anh Nguyễn văn Trỗi. Hình tượng chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức. Võ Thị Sáu và bài ca ngát hương hồn người nữ anh hùng trẻ tuổi (Ngợi ca chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn) v.v…
3.2.3 – Bi kịch của cái cũ
Nó là cái cũ, như một cuốn vở sờn gáy, đang lật những trang cuối, nhưng với lịch sử nó chưa trở thành xấu xa, phản động, trái lại nó có ít nhiều sứ mạng trước lịch sử mà sớm bị tiêu vong thảm thương cũng trở thành một hiện tượng bi kịch.
Bằng một cái nhìn tinh tế và sâu sắc, Mác viết: “Lịch sử của chế độ cũ là bi kịch chừng nào nó còn là quyền lực của thế giới tồn tại bao nhiêu đời nay. Trái lại, tự do là cái tư tưởng ám ảnh một số người cá biệt” (Mác-Engels Toàn tập).
Khó có thể đánh giá hết lời chỉ dẫn sâu sắc đó của Mác. Mĩ học trước đây mới chỉ thấy bi kịch là của cái mới. Mác không chỉ thừa nhận bi kịch là sự xung đột giữa cái đẹp và cái xấu, vì Mác đã nhấn mạnh đến cái quyền lực của thế giới tồn tại bao nhiêu đời nay và đối lập với nó “tự do”, “cái tư tưởng ám ảnh một số người cá biệt”. Tiến xa hơn, Mác còn phát hiện ra bi kịch của cái cũ. Đó là trường hợp khi cái cũ còn chưa mất hết sinh lực của nó và cái mới vừa nảy sinh chưa đủ lông cánh, cái mới là tự do nhưng chưa phải là chùm nho trên giàn quả đỏ.
Ở phần trên, chúng ta đã đi sâu nghiên cứu bi kịch trong sự tiêu vong oan uổng của cái tự do non trẻ thì ở đây Mác lại lưu ý chúng ta bi kịch của một lực lượng khác: lực lượng của cái cũ.
Qua ý kiến của Mác, có thể xác định ba tiêu chí cơ bản làm nên “bi kịch của cái cũ”:
+ Cái cũ chưa mất hết vai trò trong lịch sử, chưa trở thành hoàn toàn xấu xa, phản động.
+ Bản thân cái cũ vẫn còn tin vào tính chất hợp lí của nó.
+ Những con người “đứng ở phía chế độ cũ không phải là sự lầm lạc có tính cá nhân, mà là sự lầm lạc có tính chất lịch sử toàn thế giới. Chính vì vậy cái chết của nó là bi kịch.
(Mác-Engels toàn tập).
Như vậy bi kịch ở đây không phải là xung đột giữa cái mới và cái cũ mà là bi kịch của sự lầm lạc của chính cái cũ. Nói một cách khác, đó là sự lầm lạc của những con người chưa nhận thức ra tính tất yếu của quá trình đang chết dần của cái cũ, nên vẫn đem hết cả tài trí và sức lực của mình ra để bảo vệ nó, do đó họ không thể tránh khỏi thất bại thảm thương và bị tiêu vong oan uổng.
Những “anh hùng” của cái cũ phần đông đều trở thành các nhân vật như “Đông Ki sôt” (Don Quijote). Họ là những người có lí tưởng, nhưng lí tưởng đó đã lạc hậu và trở thành mơ hồ. Họ chiến đấu cho lí tưởng đó theo thói quen, theo một “truyền thống” nhất định hơn là nhận thức ra sức sống của lí tưởng mà họ đang bảo vệ ấy cũng đã quá lung lay vì nó đã đi hết con đường phát triển nội tại của nó.
Sự thất bại của vua Duy Tân nước ta và việc ông bị giặc Pháp bắt đi đày đến trọn đời cũng vì lí do đó.
Sự thất bại của họ là tất yếu, vì trong cuộc chiến đấu đó, họ trở thành “đơn thương, độc mã”, họ không biết dựa vào ai cả, quần chúng cũng chẳng ai tin rằng họ sẽ đem lại gì cho mọi người nên tất thẩy đã đứng ngoài, hoặc thờ ơ với cuộc đấu tranh của người “anh hùng” ấy.
Nhưng khi họ chết, quần chúng vẫn xót thương họ, như luyến tiếc một ráng chiều đẹp trong một buổi hoàng hôn mà thôi.
3.2.4 - Bi kịch cuả sự lầm lẫn, sự kém hiểu biết hoặc sự “ngu dốt ”
Bi kịch của sự lầm lẫn được nêu ra như một bài học xương máu của đường đời có tác dụng nhắc nhở con người một bài học cảnh giác.
An Dương Vương mất Loa Thành phải giết con gái và tự vẫn vì đã mất cảnh giác quá tin vào kẻ địch, đã tưởng có thể lấy tình cảm gia đình san bằng được lòng tham không đáy của kẻ thù.
Othello – từ một nô lệ da đen, bằng cả cuộc đời dũng cảm và thông minh của mình, trở thành một võ tướng và lay động được một tình yêu say đắm, trong trắng của một thiếu nữ da trắng cao quí tuyệt vời. Nhưng rồi Otenlô bóp chết người yêu ngay trên cái giường hạnh phúc của mình không phải vì quá ghen, mà vì quá tin, nên bị kẻ xấu lừa dối.
Ở dạng thức này, chúng ta thấy có “Eudipe làm vua”. Do “số mệnh”, Ơ đip đã giết cha mà không biết đó là cha đẻ, lấy mẹ mà không hay biết người đó đã sinh ra chính mình. Khi nhận ra sự lầm lẫn, Eudipe đã tự chọc thủng hai mắt để trừng phạt mình. Hình tượng tự chọc thủng mắt là sự trừng phạt tội không biết phân biệt lẽ đời một cách anh minh – một sự anh minh không đạt tới được của một con người, nhưng khát khao cần phải đạt tới như một bản chất người cần sự trong sáng.
Bi kịch của sự kém hiểu biết liên quan đến vấn đề mà Mác gọi là sự “ngu dốt”: “Sự ngu dốt là con quỷ mà chúng ta e rằng chúng sẽ còn gây ra nhiều tấn bi kịch”.
Ở một trường hợp khác, bi kịch của sự kém hiểu biết xảy ra không phải do một lực lượng xã hội nào, cũng không phải do một phép tắc đạo đức nào dẫn dắt họ, mà là một tai nạn , một sức mạnh mù quáng của tự nhiên. Thí dụ: cái chết của những người đi khai phá miền bắc cực, những anh hùng đã khuất trong cuộc thám hiểm biển cả, những anh hùng đi mãi không biết rằng họ có thể hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Họ cũng thừa biết rằng trong cuộc đọ sức ấy, con người còn nhiều điều chưa lường hết và khả năng có hạn của con người chưa một lúc đã có đầy đủ phương tiện dự phòng hết. Nhưng họ vẫn ra đi với niềm tin rằng họ là người khai phá con đường cho thế hệ sau.
Thực ra bi kịch của cái cũ cũng thuộc loại này nhưng được ưu tiên tách ra thành một loại riêng do tính lịch sử của nó.
3.2.5 – Bi kịch của những khát vọng con người
Loại bi kịch này nảy sinh do xung đột gay gắt bởi những mâu thuẫn không thể nào khắc phục nổi giữa hai sự đối lập: những khát vọng chính đáng riêng tư của con nguời và khả năng không thể thực hiện được những khát vọng đó trong cuộc sống. Bi kịch này thể hiện những đau khổ, dằn vặt của cá nhân, song nó lại động chạm đến lẽ sống, tình yêu, sứ mệnh của con người, vì thế nó day dứt mãi lòng người.
– Thị Kính cả một cuộc đời oan uổng, đến chết, lúc thay áo liệm xác mới giải được nỗi oan đời. Thị Màu cũng là một nhân vật bi kịch độc đáo, đằng sau vẻ lẳng lơ “nổi loạn” kia là một tâm hồn bi kịch chua chát.
- Những nhân vật bi kịch trong Tắt đèn, Đời cô Lựu, Chí Phèo, Lão Hạc . . .
- Maslova phải ra vành móng ngựa mới làm cho kẻ hại đời mình là quan toà Nekhliudov tỉnh ngộ (tiểu thuyết Phục sinh của L.Tôn-xtôi).
– Kiều là một nhân vật bi kịch tiêu biểu, cuộc đời trầm luân của nàng đã nói lên sự vật lộn gay gắt giữa con người tài sắc “mười phân vẹn mười” ấy với những thế lực xã hội đen tối như quan chức xử kiện, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến v.v..(Đoạn trường tân thanh - Nguyễn Du)
- Anna Karenina đau khổ, cuộc sống đầy bi kịch cũng bởi nàng có một tình yêu mãnh liệt mà lại phải sống với người chồng quá khô khan, kiểu cách và quan liêu (tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tolstoi).
- Tiểu thuyết Evgeni Onegin, Người con gái viên đại uý của Pushkin, Chiến tranh và hoà bình của Liev Tolstoi.
- Phồn Y trong vở kịch nói Lôi vũ của Tào Ngu
Đau khổ của Kiều, Anna Karenina, Phồn Y . . . tuy là những đau khổ của những con người bình thường, không có gì xuất chúng, họ không phải những anh hùng nhưng nỗi đau của họ là bi kịch có ý nghĩa xã hội phổ biến. Khát vọng của họ nó là những gì đáng yêu quí nhất, đáng trân trọng của con người. Bi kịch này có yếu tố vạch trần, lên án gay gắt cái xấu và nhắc nhở con người biết trân trọng những nguyện vọng chính đáng của mỗi người.
3.2.6 Bi kịch của chính cái xấu
Cái cũ đã thực sự trở thành xấu và gây ra tác hại khủng khiếp, nó cần phải bị trừng phạt một cách nghiêm khắc, “kẻ gieo gió ắt phải gặt bão”, đó là nội dung cơ bản của loại bi kịch của chính cái xấu.Giá trị mỹ học của bi kịch này là: nếu các dạng thức bi kịch khác đều là bi kịch của cái đẹp, cái tốt, hoặc cái còn tốt mà bị lầm lạc thì bi kịch của chính cái xấu là bi kịch của tội ác. Ở đây, người ta không lấy nước mắt để răn đời, không lấy lòng xót thương mà luyến tiếc người đã mất, trái lại, lấy sự khủng khiếp để nhắc con người chớ làm điều khủng khiếp.
Đến đây chúng ta hiểu rõ quan điểm của Aristote về bi kịch khi ông viết: “Bi kịch làm trong sạch hóa những cảm xúc tương tự qua cách khêu gợi sự xót thương và khủng khiếp (nguyên văn: cảm xúc Catharcis)”. Cái ý nghĩa khủng khiếp do tác động của bi kịch, của cái xấu mãi sau này qua tài nghệ của Shakespeare trong vở Macbeth người ta mới nhận thức nó một cách rõ ràng. (Macbeth là một tướng giỏi của vua Duncan xứ Scottland. Vốn tính vô tư, không sẵn lòng tham tàn, trên đường chiến thắng trở về, Macbeth được ba mụ phù thủy báo cho hắn biết sẽ lên làm vua, mụ vợ tham lam lại xúi vào, một số cận thần xiểm nịnh, nên ý định giết vua đột nhiên bật ra, sau đó chiếm ngôi và cuối cùng bị trừng phạt thảm hại ).
Tóm lại, tình huống bi kịch rất đa dạng, phong phú và phức tạp y như sự phong phú và phức tạp của cuộc đời. Tình huống của bi kịch có thể là những xung đột của cái mới, cái tiến bộ, cái cách mạng; nhưng cũng có thể là xung đột của chính cái cũ, cái xấu xa cái phản động. Bi kịch cũng còn do sự lầm lẫn, do sự “ngu dốt” hoặc do những khát vọng chính đáng của đời người bị phủ định một cách oan uổng. Vấn đề là, mọi tình huống của bi kịch phải thuộc những vấn đề có ý nghĩa xã hội rộng lớn, có ảnh hưởng đến lịch sử, lẽ sống, đạo đức và thân phận con người. Nghĩa là những vấn đề có ý nghĩa triết luận sâu xa của xã hội và con người, trong đó, xung đột giữa cách mạng và phản động phải là xung đột trung tâm và chủ yếu của bi kịch.
Truyện Kiều, một vương quốc của nỗi buồn, do thi hào Nguyễn Du dựng nên để làm nơi chiêm nghiệm suy tư của mỗi người Việt Nam. Chỉ có kim cương mới cắt được kim cương, chỉ có nỗi buồn mới cứu được nỗi buồn…
3.3 – NGHỆ THUẬT BI KỊCH
Đi tìm nguồn gốc của bi kịch
Nhà thơ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều viết về định mệnh của con người một cách duy tâm (Cung oán ngâm khúc):
Thảo nào khi mới chôn rau (nhau)
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Thật ra, bi kịch không gắn với tiếng khóc chào đời của con người. Phải trải qua một thời gian phát triển khá dài, mãi đến thời kì giáp ranh giữa xã hội công xã nguyên thủy và chiếm hữu nô lệ, bi kịch mới hình thành và phát triển.
Mác cho rằng: khi loài người chuyển dần sang chế độ chiếm hữu nô lệ, nghĩa là từ cái giai đoạn mông muội sang thời đại văn minh, con người đã sáng tạo ra lịch sử anh hùng, đồng thời đẻ ra một bi kịch lớn nhất của xã hội loài người là: bóc lột và áp bức lẫn nhau.
Nhưng không phải con người ngay một lúc đã có thể nhận thức ra tình trạng bi kịch của mình. Đầu tiên là sự cảm nhận mà sự cảm nhận nguyên thủy thường pha chất tôn giáo rõ rệt. Cho nên thuở sơ khai, bi kịch nảy sinh từ hình thức tế lễ thần rượu nho (Dionysos) – đó là vị thần tượng trưng cho sự tái sinh, sự trù phú, cho nghề ép rượu, cho những cơn say, và vị chúa tể của những vong hồn.
Thần Rượu nho (Dionysos) là con riêng của Dớt (Zeus) – khi ngoại tình với công chúa Semele thành Thebes. Chức năng của thần bao gồm hai quá trình đối lập nhau, đó là quá trình sinh và tử được chung đúc lại.
Bi kịch đầu tiên xảy ra là bi kịch của Icare mục tử ( bác Icare chăn cừu). Icare gặp Dionysos, bác đã tiếp đãi vị thần với tất cả lòng chân thành. Để đáp lại, thần tặng Icaremột cành nho trĩu quả, dạy cho Icare cách nấu rượu. Vốn lòng mến khách, vả lại “rượu ngon mà thiếu bạn hiền mất vui”, Icare đem mẻ rượu đầu tiên ấy đãi các bạn bè của mình. Các mục tử này chưa bao giờ biết đến điều say, nên khi hương mật ngào ngật của rượu nho thấm vào, họ đều lăn quay ra bãi cỏ ngủ mê mệt. Tỉnh dậy, không thấy đàn cừu đâu, họ tưởng rằng Icare đã đầu độc họ để chiếm đoạt gia súc, họ nổi giận giết chết Icarơ và vùi xác ở trong núi. Nhờ con chó dẫn đường, cô con gái yêu của Icare tìm được xác cha mình. Đau buồn quá đỗi, nàng treo cổ chết trên cành cây rủ bóng xuống ngôi mộ. Con chó trung thành buồn quá cũng chết theo. Cảm kích trước tai họa đau thương và tình cha con, tình chủ tớ, Dionysos đã hồi sinh tất cả và dẫn họ lên thiên đàng Olympe. Theo truyền thuyết, từ đó trên bầu trời bỗng hiện ra chòm sao mục tử, cô gái và con chó lớn.
Nhưng rồi bản thân Dyonysos cũng phải chết vì sự đố kị của những thế lực hắc ám, đó là con quỷ khổng lồ Titan đã xé xác thần ra làm nhiều mảnh, nhưng thần vẫn hồi sinh vào mỗi mùa xuân bằng chất nhựa của những mầm nho.
Qua thiên thần thoại trên, con người không chỉ phản ánh nghề trồng nho và nghề ép rượu nho mà qua đó, con người muốn trình bày sự gặp gỡ và chung đúc của hai luồng cảm xúc đối lập: Vui và buồn, sướng và khổ, hồi sinh và tàn tạ nhập vào nhau, thống nhất trong một chỉnh thể, có thể xây dựng thành nghệ thuật để nói lên những triết lý của lẽ đời.
3.3.1. Bi kịch Hy Lạp cổ đại
Sự hình thành nhà nước dân chủ- chủ nô trong hình thái chiếm hữu nô lệ đã tạo ra những cảm xúc thẩm mỹ độc đáo. Một mặt là cuộc đấu tranh giữa những thế lực dân chủ và tự do với những thế lực phú hào, mặt khác là cuộc đòi quyền sống của những người nô lệ vẫn thường xuyên diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, vai trò của những cá nhân tự do trong đời sống xã hội (những thợ thủ công, thương nhân và làm ruộng, chăn nuôi v.v..) đã được khẳng định hơn so với chế độ thị tộc. Do đó cá nhân con người trở thành có vai trò độc lập nhất định.
Tất cả những nguyên nhân xã hội này dẫn tới một khát vọng là, con người muốn nhận thức, muốn lí giải những xung đột gay gắt của cuộc đời bằng thẩm mỹ. Cũng từ đó đánh dấu sự ra đời của nền bi kịch chính thống, nghĩa là có sự chuyển từ hình thức tế lễ nguyên thủy sang một loại hình nghệ thuật có khả năng tái hiện cuộc sống một cách rộng rãi, khái quát và sâu sắc.
Đến đây, bi kịch không còn chỉ bó hẹp trong sự miêu tả cuộc đời và những bước thăng trầm của thần Dionysos nữa. Bi kịch đã mở rộng chủ đề và đề tài của mình và mang ý nghĩa xã hội phổ biến hơn. Bi kịch đã chú trọng đến các đề tài lịch sử, chú trọng phản ánh những lỗi lầm của cuộc đời, xây dựng các tính chất anh hùng và các tính cách đau thương khác. Nhưng các truyện thần thoại vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong bi kịch Hy Lạp cổ đại.
Bên cạnh anh hùng ca Iliade và Odyssee của Homer, Hy Lạp cổ đại đã để lại cho kho tàng văn hóa nhân loại một nền bi kịch quý giá với ba nhà viết kịch tiêu biểu là Eshille, Sophocle và Euripide, cùng các vở nổi tiếng là Promethe bị xiềng, Eudip làm vua, Angtigon , Medee.
Có thể nêu mấy đặc điểm quan trọng của nền bi kịch này là:
Các lực lượng đối lập với con người thường có uy quyền rất lớn, thường được khoác áo thần linh (Zeus trong Promete bị xiềng), nhưng cũng có khi được biểu hiện như một thứ định mệnh (trong Eudip làm vua) hoặc một thứ khát vọng cuồng nộ (trong vở Medee của Euripide).
Các anh hùng của bi kịch thường bị thất bại thảm thương, bị đọa đầy đau khổ, hoặc bị hi sinh trong đẫm máu.
Bi kịch Hy Lạp cổ đại đã chú ý khai thác những yếu tố thẩm mỹ như: Tính bất tử của con người chân chính. Bi kịch cũng chú ý cảm hứng về sự tái sinh của vẻ đẹp con người dưới một hình thái mới.
Người anh hùng trong bi kịch này bị hi sinh vì lợi ích của con người nên vẫn được người đời mến phục và xót thương, đời đời dành cho họ những vòng nguyệt quế đẹp nhất. Chính vì vậy, có thể nói nghệ thuật bi kịch Hy Lạp cổ đại đã biết buộc cái chết phục vụ cuộc sống.
3.3.2. Bi kịch thời Trung cổ phương Tây và Phương Đông
Bi kịch Trung cổ phương Tây mang màu sắc tôn giáo rõ nét. Quan niệm về bi kịch Trung cổ phương Tây gắn với truyền thuyết về sự phạm tội của ông bà Adam và Eva; gắn với truyền thuyết giáng thế và chịu khổ hình trên thánh giá của chúa Jesus. Các hình ảnh được biểu hiện đầy rẫy trong những tác phẩm nghệ thuật và những tranh tượng trong những nhà thờ Cơ đốc giáo.
Xuất phát từ những quan niệm tôn giáo ấy, bi kịch Trung cổ gắn với ý niệm gọi là tuẫn giáo, khổ hình (martyre), nghĩa là sự tự dày vò, tự nguyện sống khổ cực, nhẫn nhục để chuộc lại tội tổ tông đã gây ra cho con cháu. Người trung cổ quan niệm “Cuộc đời là ngọn nến leo lét trước cơn gió mạnh”, là “con thuyền mong manh trước cơn sóng dữ”, “Đời là bể khổ”. Chỉ có sống chịu đựng và cầu xin Chúa ban phước mới mong được lên thiên đàng. Chính vì thế, hình tượng con người trong nghệ thuật Trung cổ hiện ra với dáng lom khom, mặt choắt, mũi khoằm, ở hai tư thế: nhìn xuống hoặc ngước lên. Nhìn xuống để sám hối tội lỗi; ngước lên là để cầu xin Chúa rủ lòng thương.
Như vậy, bi kịch Trung cổ phương Tây không mỹ hóa vẻ đẹp con người, mà chỉ mỹ hóa thảm cảnh của con người. Nó ca ngợi sự quằn quại đau thương của đời người bằng thứ triết lí khắc kỉ giả dối. Nó quan niệm bi kịch theo tư tưởng tôn giáo.
Bi kịch phương Đông thể hiện rõ nhất ở Trung Quốc: Suốt hời kỳ phong kiến dài trên hai ngàn năm, tấn bi kịch rõ nét nhất là bi kịch Nho giáo. Đó là những cuộc xung đột giữa Nho giáo với các hệ ý thức khác như Đạo giáo, Phật giáo và tự do tư sản. Nhiều tác phẩm văn học nêu bật được những xung đột đó như cuộc đời và thi ca Lí Bạch, và đỉnh cao nhất là tiểu thuyết Hồng lâu mộng, văn xuôi Lỗ Tấn.v.v…
3.3.3 – Bi kịch thời Phục hưng
Bi kịch Phục hưng gắn với tên tuổi của Shakespeare và các tác phẩm nổi tiếng: Hamlet, Othello, Romeo và Juliet, Macbeth, Vua Lia, v.v..
So với Trung cổ, nghệ thuật bi kịch thời Phục Hưng là một bước tiến quan trọng, vì nó đặt ra những vấn đề nhân sinh trực tiếp. Khi giai cấp tư sản ra đời, nó làm cho cá nhân con người ý thức sâu sắc về mình; cá nhân lao đầu về phía trước, tìm niềm vui và ham muốn trần tục. Mâu thuẫn trong bi kịch thời Phục hưng là mâu thuẫn trong bước quá độ chuyển từ phong kiến sang tư bản. Bước quá độ đó không mang theo sự tiến bộ tuyệt đối. Nó làm cho nhiều mặt của xã hội được phát triển, nhưng cũng hủy hoại nhiều giá trị đạo đức và giá trị tinh thần của thế giới cũ.
Bi kịch Phục Hưng có tính lí tưởng rõ rệt. Nó xây dựng được những mâu thuẫn điển hình giữa một bên là những tính cách khổng lồ với một bên là hoàn cảnh khắc nghiệt, sẵn sàng đè bẹp tính cách khổng lồ đó.
Bi kịch Phục hưng còn phát hiện và miêu tả những cơn lốc dục vọng, ham muốn quá độ và quá trình trở thành nạn nhân của chính dục vọng đó.
Bi kịch Phục hưng đã phản ánh được những trở ngại khách quan như một lực lượng tàn ác không sao khắc phục nổi (bức tượng Người khổng lồ bị trói của Michellangelo) hoặc đi sâu vào mâu thuẫn nội tâm (kịch Othello của Shakespeare ).
Bi kịch Phục hưng thiên về ý nghĩa triết luận của cuộc đời, phát hiện ra tính phổ biến của các mâu thuẫn (kịch Hamlet của Shakespeare).
Tóm lại, bi kịch Phục Hưng đã phản ánh được những mâu thuẫn sâu sắc giữa lí tưởng nhân văn, tự do, giải phóng với một thực tại là: con người lại đang rơi vào những xiềng xích mới của “lối trả tiền mặt lạnh lùng” phi nhân tính.
3.3.4 – Nghệ thuật bi kịch cổ điển thế kỉ 17
Mâu thuẫn cơ bản của thế kỉ 17 Pháp là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản đang lên và giai cấp phong kiến lỗi thời vẫn còn sức sống dai dẳng nên họ buộc phải hòa hoãn, tạm thời bắt tay nhau.
Nhân vật bi kịch là người bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu. Một mặt, anh ta muốn đi theo lí tưởng nhưng mắc kẹt giữa nhà vua và nhà tư sản, không biết nên dâng hiến trọn đời cho ai. Đó là thứ “bi kịch ngập ngừng”. Đáng lẽ phải miêu tả mâu thuẫn ngấm ngầm giữa hai đối thủ lớn, nhà văn lại đi miêu tả mâu thuẫn giữa nghĩa vụ và dục vọng cá nhân (vở Le Cid của Corneill) .
Do vậy, bi kịch cổ điển Pháp còn nhiều nhược điểm về giá trị nhận thức xã hội, nhưng cũng có đóng góp quan trọng về nghệ thuật xây dựng tính cách, tu từ lời thoại và kết cấu vở kịch. Kịch của Corneill được coi là “trường học của những tâm hồn cao thượng”, còn Racine là tài năng khám phá những uẩn khúc trong lòng giai cấp quí tộc phong kiến đang tàn, phân tích sự giằng xé bi đát của dục vọng con người, sự bất lực của họ trước “định mệnh”, gây cho khán giả cảm xúc “vừa thương vừa sợ”.
3.3.5 Nghệ thuật bi kịch của thế kỉ Ánh sáng (thế kỉ 18)
Hướng vào những vấn đề cơ bản của đời sống, mỹ học hiện thực thời Khai sáng đã tạo những tiền đề cho bi kịch, đạt nhiều thành tựu mới so với bi kịch Cổ điển.
Nếu ở bi kịch Cổ điển, mỗi biến cố gây ra bất hạnh cho con người thường được cho là xuất phát từ những cái khung định sẵn của lí tưởng hòa hoãn giai cấp, thì ở bi kịch thời Khai sáng, mỗi biến cố gây ra tổn thương cho con người lại được đánh giá xuất phát từ những lí tưởng của chính quá trình tiến bộ khách quan của hiện thực.
Nếu ở bi kịch Cổ điển, tính cách không có quan hệ biện chứng với hoàn cảnh thì ở bi kịch Khai sáng có sự tác động tích cực lẫn nhau giữa tính cách và hoàn cảnh , trong đó vai trò chủ đạo thuộc về tính cách. Nếu ở bi kịch Cổ điển có tính mực thước lạnh lùng của tính cách, thì ở bi kịch Khai sáng lại tràn ngập sự nồng nhiệt lạ lùng của tính cách các nhân vật, sự nồng nhiệt này thấm vào tất cả các mặt của tính cách: đó là sự nồng nhiệt của khát khao, của những đam mê, căm giận, kiêu hãnh, đau đớn, hy vọng và tuyệt vọng, của tình yêu và tuổi trẻ.
Vở bi kịch Âm mưu và ái tình của Schiller là một vở như thế. Ở tác phẩm này, cuồn cuộn những tình cảm bão táp, những tư tưởng vưà hiện thực vừa phóng khoáng của thế kỉ, tràn ngập trong từng chi tiết và lập thành một đường dây xuyên suốt tác phẩm. Nó tạo thành thứ ánh sáng trong trẻo chiếu rọi trên những nẻo đường mới còn rất gập ghềnh. Đó là thứ ánh sáng vừa đập nát những xiềng xích, những ngục tù trói buộc, giam hãm con người thời phong kiến và soi sáng những bước đi mới cho con người. Ở đây, các nhân vật đều được bộc lộ đến tận cùng của tính cách và tâm trạng. Những tình huống căng thẳng, quyết liệt, những đối thoại chát chúa, ào ạt, rực lửa quyện với những lời tâm tình ngọt ngào, cay đắng, đắm đuối mà vẫn trí tuệ đã nâng ý nghĩa của vở Âm mưu và ái tình lên ngang tầm thời đại. Ở đây, cái chết của Louise và Fecdinant làm đau nhói mãi tâm hồn của những con người có lương tri. Hình tượng về cái chết trong vở bi kịch vì thế đã vượt qua tính hạn hẹp của thời gian để cùng hành động, lên tiếng đòi tự do chân chính cho con người.