Để đánh giá đúng tầm quan trọng của kinh tế vĩ mô, bạn chỉ cần đọc báo và nghe đài. Các phương tiện truyền thông đại chúng hàng ngày thông tin về chiều hướng phát triển của nền kinh tế. Những tiêu đề in đậm trên trang nhất như THU NHẬP CÁ NHÂN TĂNG BỐN PHẦN TRĂM, QUỸ DỰ TRỮ LIÊN BANG CHUYỂN SANG CHỐNG LẠM PHÁT, hoặc CỔ PHIẾU GIẢM DO MỌI NGƯỜI LO SỢ TÌNH TRẠNG SUY THOÁI... hầu như không ngày nào không xuất hiện trên báo chí.
Tất cả các biến số kinh tế vĩ mô đều đụng chạm đến cuộc sống của chúng ta. Khi dự báo nhu cầu sản phẩm của chính mình, hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp phải đoán xem thu nhập của người tiêu dùng tăng nhanh đến mức nào. Người già sống bằng thu nhập cố định thường băn khoăn về tốc độ tăng giá. Những công nhân thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm hi vọng nền kinh tế phục hồi và các doanh nghiệp tuyển thêm người. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi thực trạng của nền kinh tế.
Điều dễ hiểu là biến cố kinh tế vĩ mô đóng vai trò trung tâm trong các cuộc tranh luận chính trị. Vào những năm 70, tổng thống Nixon, Ford, Carter, tất cả đều vật lộn một cách vô vọng với tình hình lạm phát ngày càng leo thang. Năm 1993, tổng thống Clinton chuyển đến văn phòng bầu dục với lời cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách và thúc đầy tăng trường kinh tế. Uy tính của vị tổng thống đương nhiệm tăng trong giai đoạn phục hồi kinh tế và giảm trong thời kỳ suy thoái. Cử tri hiểu rõ ý nghĩa của các biến cố kinh tế vĩ mô, còn các nhà chính trị ý thức rõ tầm quan trọng của chính sách kinh tế vĩ mô.
Ảnh hưởng của các biến cố kinh tế đối với chính trị biểu hiện rõ nét nhất trong những cuộc bầu cử tổng thống. Chính sách kinh tế là chủ đề hàng đầu trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên và thực trạng của nền kinh tế có ảnh hưởng mạnh mẽ tới kết quả bầu cử. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992, chiến lược gia chủ yếu của Clinton muốn hướng cuộc vận động tranh cử vào một vấn đề then chốt. Trong phòng làm viêc của mình, ông vung tay lên như muốn nói: “Nền kinh tế ư, thật ngu xuẩn!”.
Các sự kiện kinh tế cũng đóng vai trò chủ đạo trong mối quan hệ quốc tế. Vào những năm 50 và 60, hầu hết các nước công nghiệp đều duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa đồng tiền của họ với nhau và với đồng tiền của các nước khác. Hệ thống tỷ giá hối đoái này sụp đổ vào những năm 70 và thời đại mới của chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt, biến động mạnh bắt đầu. Trong những năm 80 và 90, nước Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và thanh toán cho số hàng nhập khẩu dôi ra này bằng cách vay rất nhiều trên thị trường tai tài chính thế giới. Những xu hướng kinh tế quốc tế như vậy thường là nguồn gốc gây căng thẳng, ngay cả giữa những đồng minh thân cận nhất.
Các nhà kinh tế vĩ mô là những nhà khoa học tìm cách lý giải hoạt động của nền kinh tế với tư cách một tổng thể. Họ thu thập số liệu về thu nhập, giá cả và nhiều biến số kinh tế khác từ các thời kỳ và quốc gia khác nhau. Sau đó họ tìm cách xây dựng những lý thuyết tổng quát, góp phần giải thích các số liệu này.
Cũng giống như nhà thiên văn nghiên cứu quá trình tiến hóa của các vì sao và nhà sinh vật nghiên cứu quá trình tiến hóa của các loài, nhà kinh tế vĩ mô không thể tiến hành cá thực nghiệm có kiểm soát - thực nghiệm với nền kinh tế là một việc làm quá tốn kém. Thay vào đó, họ dựa trên những thực nghiệm tự nhiên. Các nhà kinh tế vĩ mô quan sát thấy rằng các nền kinh tế có nhiều nét khác nhau và chúng dều thay dổi theo thời gian. Kết quả quan sát vừa tạo ra động lực để phát triển các lí thuyết kinh tế vĩ mô, vừa cung cấp số liệu để kiểm định chúng.
Chắc chắn kinh tế vĩ mô là một ngành khoa học non trẻ và chưa hoàn chỉnh. Khả năng dự báo của các kinh tế vĩ mô về đường hướng phát triển tương lai của các sự kiện kinh tế chưa vượt quá khả năng của các nhà khí tượng khi họ dự báo về thời tiết tháng tới. Song, như các bạn sẽ thấy, chúng ta biết khá nhiều về phương thức hoạt động của nền kinh tế.
Mục tiêu của chúng ta trong việc nghiên cứu kinh tế vĩ mô không phải chỉ dừng lại ở phạm vi lí giải các biến cố kinh tế, mà còn nhằm cải thiện chất lượng của chính sách kinh tế. Các công cụ tài chính và tiền tệ của chính phủ có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực – và khoa kinh tế vĩ mô giúp cho các nhà hoạch định chính sách đánh giá những chính sách khác nhau. Nhà kinh tế vĩ mô phải nghiên cứu nền kinh tế như nó đang tồn tại và suy ngẫm xem chúng ta nên làm gì để cải thiện nó.
Theo N. Gregory Mankiw, Kinh tế vĩ mô, bản dịch tiếng Việt, nhà xuất bản Thống Kê, Hà Nội.