Vai trò của khu vực tài chính trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm và tranh luận của nhiều nhà kinh tế tài chính. Theo quan điểm của trường phái kinh tế mới (lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh), Mankiw (1992), King và Levine (1993) nhấn mạnh rằng một khu vực tài chính vững mạnh có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, đổi mới công nghệ (TFP), nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua các kênh cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp và hộ kinh tế gia đình. Hơn thế nữa, một khu vực tài chính vững mạnh không chỉ giới hạn chức năng huy động các nguồn vốn trong nước mà còn có chức năng rất lớn tới thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn bên ngoài nền kinh tế như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp (FPI).
Trong khi đó các nhà kinh tế theo quan điểm lý thuyết ngân hàng [the bank-based theory] thì nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng thương mại trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế theo quan điểm này cho rằng trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế tại các nước đang phát triển các ngân hàng thương mại không chỉ là các kênh huy động vốn quan trọng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế mà còn có chức năng giảm thiểu các rủi ro tài chính thông qua việc cung cấp thông tin và tư vấn cho các nhà đầu tư. Ví dụ: Stiglitz (1985) và Bhide (1993) chỉ ra rằng thông qua mối quan hệ chặt chẽ, giám sát, và tư vấn các hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp và hộ gia đình, các ngân hàng thương mại có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực của hiện tượng bất đối xứng thông tin trong các nền kinh tế kém phát triển gây ra. Do vậy, các ngân hàng thương mại có thể phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả, giảm thiểu các rủi ro tài chính, và tránh tạo ra các cú sốc về tài chính đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Lý thuyết về luật và tài chính [the law and finance theory] thì nhấn mạnh vai trò và chức năng quản lý đối với thị trường tài chính. Theo các nhà nghiên cứu theo quan điểm này [ví dụ: Levine (1999); Rajan và Zingales (1998)], khu vực tài chính là các nhân tố quan trọng để thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để khu vực tài chính hoạt động hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn thì cần có một môi trường pháp lý hiệu quả. Lý thuyết này nhấn mạnh vai trò của Ngân hàng Nhà nước đặc biệt là các chính sách tiền tệ trong nền kinh tế.
Các nghiên cứu định lượng về mối quan hệ giữa khu vực tài chính và tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, các nghiên cứu định lượng về mối quan hệ giữa khu vực tài chính và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam còn tương đối hạn chế. Do vậy, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa phát triển khu vực tài chính và tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua nghiên cứu số liệu 61 tỉnh thành của Việt Nam trong giai đoạn 1997-2006, giai đoạn ban hành Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng.
Dựa trên cơ sở lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh và các nghiên cứu thực nghiệm của các nước đang phát triển, mô hình về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và khu vực tài chính sẽ được trình bày thông qua mô hình như sau:
(1)
CÁC BẠN TẢI FILE TÀI LIỆU ĐÍNH KÈM ĐỂ XEMT TÀI LIỆU ĐẦY ĐỦ.
Chú ý: (i) Thống kê t-statistics trong ngoặc; (ii) *** ý nghĩa ở mức 10%, ** ý nghĩa ở mức 5%, và * ý nghĩa ở mức 1%
Để đánh giá ảnh hưởng của khu vực tài chính tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tác giả sử dụng các chỉ tiêu như tỷ lệ tín dụng trên GDP, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm trên GDP và tỷ lệ M2 trên GDP để đo lường sự phát triển của khu vực tài chính. Nhìn vào cột 1 bảng 2 chúng ta có thể thấy tăng trưởng tín dụng (C) có mối quan hệ tương quan dương với tăng trưởng kinh tế của các tỉnh thành cả nước (G). Hệ số của biến tăng trưởng tỷ lệ tín dụng là dương và có mức ý nghĩa về mặt thống kê ở mức 5%. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc NHNN điều tiết duy trì mức tăng trưởng tín dụng liên tục và hợp lý trong giai đoạn 1997-2006 đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh thành của Việt Nam nói riêng và tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một nhân tố đại diện cho tài chính quốc tế, cũng tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thực tế cho thấy đầu tư FDI không chỉ tạo ra các ngoại ứng tích cực cho tăng trưởng kinh tế địa phương Việt Nam như tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương, chuyển giao công nghệ, bổ sung nguồn vốn đầu tư mà còn tạo ra một nguồn thu cho chính quyền địa phương thông qua nghĩa vụ đóng thuế.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kinh tế đã phân tích rằng mức độ đóng góp tích cực của vốn FDI tới tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất nhiều khả năng hấp thụ của khu vực tài chính. Chính vì vậy tác giả cũng đo lường mức độ hấp thụ của khu vực tài chính Việt Nam thông qua tác động qua lại của hai biến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng (C) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cột 2 bảng 2 cho thấy mối qua hệ tác động qua lại của hai biến này là âm và có mức ý nghĩa về mặt thống kê ở mức 5%, kết quả cho thấy khả năng hấp thụ vốn FDI của khu vực tài chính Việt Nam là tương đối thấp. Điều này lý giải rằng khu vực tài chính Việt Nam còn tương đối kém phát triển, do đó chưa thể hấp thụ nguồn vốn FDI một cách tối ưu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các dịch vụ ngân hàng trong nước. Do vậy, trong thời gian tới để có thể hấp thụ một lượng vốn FDI ngày càng lớn đổ vào Việt Nam, khu vực tài chính Việt Nam cần tiếp tục cải cách để có thể hấp thụ và sử dụng nguồn vốn FDI một cách hiệu quả và đem lại tăng trưởng kinh tế cao thông qua nguồn nước ngoài này.
Trong giai đoạn 1997-2006, nền kinh tế cả nước nói chung và của địa phương nói riêng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Do vậy, bài viết đã đo lường ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 bằng cách đưa thêm biến giả Crisis Dummy vào mô hình. Cột 3 bảng 2 cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của các tỉnh thành Việt Nam. Hệ số của biến Crisis Dummy là âm và có mức ý nghĩa thống kê ở mức 1%, việc đưa biến giả Crisis Dummy vào trong mô hình không làm ảnh hưởng nhiều tới ước lượng các biến khác trong mô hình.
Sử dụng một nhân tố khác (tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm trên GDP) đo lường phát triển của khu vực tài chính cũng cho chúng ta thấy mối quan hệ tích cực giữa tăng trưởng tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm với tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong giai đoạn 1997-2006 (Cột 4 bảng 2). Điều này phản ánh rằng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã huy động tốt các nguồn lực tài chính nhàn rỗi trong các tổ chức và dân cư tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hệ số của biến tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm trên GDP (S) là dương và có mức ý nghĩa thống kê ở mức 1%, thêm vào đó hệ số biến đầu tư FDI cũng thể hiện giá trị dương và có ý nghĩa 1%.
Để đánh giá tác động của chính sách tiền tệ tới tăng trưởng kinh tế, chúng ta đưa biến M2 vào mô hình thay cho biến tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm (S). Tuy nhiên, số liệu thống kê về chỉ có được từ năm 2000 đến năm 2006, do vậy nghiên cứu chỉ có thể đo lường tác động của tăng trưởng M2 tới tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2000-2006. Cột 6 bảng 2 cho chúng ta thấy việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ ổn định đặc biệt là tỷ lệ tăng trưởng M2 hợp lý trong giai đoạn 2000-2006 đã tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và các địa phương Việt Nam nói riêng. Hệ số của biến M2 là dương và có mức ý nghĩa thống kê ở mức 1%, trong giai đoạn này tỷ lệ lạm phát cũng được duy trì ở mức hợp lý và có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thông qua kiểm định mối quan hệ giữa phát triển khu vực tài chính và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong giai đoạn 1997-2006, giai đoạn ban hành hai Luật NHNN và Luật về các tổ chức tín dụng, chúng ta thấy quan điểm về cải cách khu vực tài chính trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế tại các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới cho thấy quá trình phát triển khu vực tài chính đặc biệt là quá trình tự do hóa khu vực tài chính là một quá trình lâu dài và phức tạp. Quá trình này đòi hỏi Chính phủ phải có các chính sách cải cách khu vực tài chính hết sức thận trọng và hợp lý, đặc biệt các nhà hoạch định chính sách cần chú ý tới việc duy trì mức độ tăng trưởng ổn định cung tiền M2 phù hợp được hướng vào mục tiêu tỷ lệ lạm phát và điều tiết giá. Do vậy, tăng trưởng ổn định của cung tiền M2 không chỉ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế mà còn duy trì một mức lạm phát hợp lý. Bên cạnh đó, việc đảm bảo sự giám sát và điều tiết thị trường tài chính đúng lúc, công bằng và minh bạch có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển và ổn định của thị trường tài chính trong dài hạn.