Home » » Các trường phái kinh tế học hiện đại

Các trường phái kinh tế học hiện đại

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012 | 07:40


Bài viết này tóm lược một số trường phái kinh tế học hiện đại theo thứ tự thời gian. Những quan điểm này tuy không dầy đủ chi tiết nhưng cho thấy được tính kế thừa và lịch sử của các trường phái kinh tế học hiện đại. Bài viết mang tính chất tóm tắt và giới thiệu và chỉ nêu những điểm nổi bật nhất của từng quan điểm. Để có thể tìm hiểu thêm, độc giả có thể tìm đọc ở các tài liệu giới thiệu trong tài liệu tham khảo.
Giới thiệu
Từ “Kinh tế học”  xuất phát từ gốc chữ Latin “oikonomikos” do Aristotle đặt có nghĩa là kỹ năng quản lý gia gia đình. Mặc dù từ này rất cổ, nhưng những nguyên tắc của kinh tế học lại chỉ mới được phát triển gần đây. Học thuyết kinh tế hiện đại bắt đầu từ thế kỷ 17 và 18 khi thế giới phương Tây bắt đầu chuyển tiếp từ sản xuất Nông nghiệp sang sản xuất Công nghiệp.
Mặc dù có nhiều khác biệt từ xưa tới nay, các vấn đề kinh tế xã hội gặp phải vẫn không thay đổi:
  • Quyết định sẽ sản xuất những gì trong tiềm năng hạn chế?
  • Làm thế nào đảm bảo ổn định giá và toàn dụng lao động của nguồn tài nguyên?
  • Làm thế nào để nâng cao mức sống của hiện tại và thế hệ tương lai?
Sự tiến bộ của học thuyết kinh tế hướng đến trả lời những câu hỏi này có khuynh hướng phát triển theo những bước rời rạc hơn là liên tục theo thời gian. Quan điểm mới xuất hiện thể hiện sự thay đổi trong nền kinh tế dẫn đến những cái nhìn mới và khiến cho những triết lý cũ trở nên không phù hợp. Sau cùng, trường phái mới trở thành quan điểm chung nhưng rồi sẽ bị loại ra khi có một trào lưu ý tưởng mới ra đời.
Quá trình này vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay và những động lực tiềm ẩn vẫn không thay đổi hàng 3 thế kỷ qua: hiểu được nền kinh tế để có thể sáng suốt vận dụng nhằm đạt được các mục tiêu xã hội.
Các trường phái kinh tế học hiện đại bao gồm:
  • Trường phái Trọng Thương (Mercantilists)
  • Trường phái Trọng Nông (Physiocrats)
  • Trường phái Cổ Điển (Classical School)
  • Trường phái Cách Tân (Marginalist School)
  • Trường phái Marx (Marxist School)
  • Trường phái Thể Chế (Institutionalist School)
  • Trường phái Keynes (Keynesian School)
  • Trường phái Tân Cổ Điển (Neo Classical)
Trường phái trọng thương (Mercantilists)
Chủ Nghĩa Trọng Thương là triết lý kinh tế của các thương gia và chính khách ở thế kỷ 16 và 17. Các nhà kinh tế Trọng Thương tin rằng sự thịnh vượng của một quốc gia chủ yếu có được từ việc tích lũy vàng và bạc. Quốc gia không có mỏ có thể lấy được vàng và bạc bằng cách bán nhiều hàng hoá hơn mức mà họ mua về. Tương tự, các vị lãnh đạo quốc gia này phải can thiệp sâu vào thị trường, tạo rào cản thuế các hàng hoá nước ngoài, ngăn cản nhập khẩu và hỗ trợ xuất khẩu. Chủ Nghĩa Trọng Thương đại diện cho quan điểm rằng chính sách quốc gia nên quan tâm hơn về các vấn đề thương mại.
Trường phái Trọng Nông (Physiocrats)
Các nhà Trọng Nông là một nhóm triết gia Pháp ở thế kỷ 18, đã phát triển quan điểm cho rằng nền kinh tế là chu kỳ di chuyển của thu nhập và sản lượng sản xuất. Họ phản đối chính sách Trọng Thương về việc đẩy mạnh thương mại làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp bởi vì họ tin rằng nông nghiệp là nguồn gốc thịnh vượng duy nhất của một nền kinh tế. Phản ứng lại các quy luật thương mại mạnh mẽ của các nhà Trọng Thương, các nhà Trọng Nông chủ trương chính sách tự do kinh doanh (Laissez-faire) trong đó hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế.
Trường phái cổ điển (Classical School)
Trường phái lý thuyết kinh tế Cổ Điển bắt nguồn từ kiệt tác phẩm của Adam Smith xuất bản năm 1776 với tên gọi “Sự Thịnh Vượng Của Các Quốc Gia” (The Wealth of Nations). Adam Smith xác định đất, lao động và tư bản là ba yếu tố sản xuất và là những thành phần chính cho sự giàu có của một quốc gia. Theo Smith, một nền kinh tế lý tưởng là một hệ thống thị trường tự điều tiết qua đó tự động đáp ứng các nhu cầu kinh tế của quần chúng. Ông mô tả cơ chế thị trường như là “bàn tay vô hình” hướng dẫn tất cả mọi người theo đuổi lợi ích cá nhân của mình, và qua đó tạo ra lợi ích nhiều nhất cho toàn xã hội. Smith tiếp thu một số quan điểm của phái Trọng Nông trong lý thuyết kinh tế của mình nhưng bác bỏ ý tưởng rằng nông nghiệp là yếu tố chính của sự giàu có của một quốc gia.
Trong khi Adam Smith nhấn mạnh đến việc tạo ra thu nhập, David Ricardo tập trung vào việc phân phối thu nhập giữa địa chủ, nhân công và các nhà tư bản. Ricardo thấy được sự mâu thuẫn giữa một bên là địa chủ và một bên khác là giai cấp lao động và giới tư bản. Ông thừa nhận rằng sự tăng trưởng của dân số và vốn (tư bản) tạo áp lực cho nguồn tài nguyên đất đai hạn chế, và làm tăng giá thuê và kiềm chế lương và lợi tức.
Thomas Robert Malthus đã dùng ý niệm về mức hữu ích giảm dần để giải thích mức sống thấp. Ông cho rằng dân số có khuynh hướng tăng theo cấp số nhân vượt xa sự phát triển theo cấp số cộng của thực phẩm. Động lực của sự phát triển nhanh chóng của dân số trong điều kiện hạn chế của đất khiến giá trị của lao động ngày càng giảm dần. Kết quả này khiến cho mức sống giảm ở những nơi có mức tăng dân số cao. Malthus cũng đặt ra vấn đề về khuynh hướng tự động tạo ra toàn dụng lao động của nền kinh tế thị trường. Ông cho rằng thất nghiệp là do khuynh hướng nền kinh tế hạn chế tiêu dùng mà thay bằng tiết kiệm quá nhiều. Chủ đề này bị lãng quên cho đến khi Keynes xem xét lại vào những năm 1930 .

Vào cuối thời kỳ cổ điển, John Stuart Mill phân biệt sự trùng lắp với những nhà kinh tế cổ điền về sự tất yếu của phân phối thu nhập do hệ thống kinh tế thị trường. Mill chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa hai vai trò của thị trường: phân bổ tài nguyên và phân phối thu nhập. Thị trường có thể phân bổ tài nguyên một cách hiệu quả nhưng chưa chắc phân phối thu nhập một cách hiệu quả và điều đó đòi hỏi sự can thiệp cần thiết của xã hội và chính phủ.
Trường phái Cách Tân ( Marginalist School)
Các nhà kinh tế học cổ điển cho rằng giá được xác định bằng chi phí sản xuất. Các nhà Cách tân nhấn mạnh rằng giá còn phụ thuộc vào mức độ nhu cầu mà mức cầu này phụ thuộc vào mức độ hài lòng của khách hàng khi sử dụng từng sản phẩm hay dịch vụ cụ thể.
Nhóm các nhà kinh tế học này giúp kinh tế học vi mô hiện đại công cụ phân tích cơ bản về cung và cầu, tiện ích người tiêu dùng và cơ sở toán học để sử dụng những công cụ này. Nhóm Cách Tân cũng cho thấy rằng trong nền kinh tế thị trường tự do các yếu tố sản xuất – đất, lao động và vốn – đều nhận được giá trị thu về bằng với mức đóng góp trong quá trình sản xuất. Nguyên tắc này đôi khi được dùng để điều chỉnh phân phối thu nhập: có nghĩa là con người kiếm được bằng đúng với mức tài sản họ đóng góp trong quá trình sản xuất.
Trường phái Marx (Marxist School)
Trường phái Marx thách thức nền tảng của lý thuyết Cổ điển. Trong những bài viết của mình vào giữa thế kỷ 19,Karl Marx xem chủ nghĩa tư bản là một giai đoạn phát triển kinh tế. Ông cho rằng chủ nghĩa tư bản cuối cùng tự nó sẽ bị diệt vong và sẽ được nối tiếp bằng một thế giới mà không còn sở hữu cá nhân.
Theo đuổi thuyết giá trị của lao động, Marx tin rằng toàn bộ quá trình sản xuất là do lao động tạo nên, bởi vì nhân công hay lao động tạo ra tất cả giá trị trong xã hội. Ông tin rằng hệ thống thị trường cho phép các nhà tư bản, chủ sở hữu máy móc và nhà máy, bóc lột công nhân bằng cách không phân chia một cách công bằng những gì được sản xuất ra. Marx dự đoán Chủ nghĩa tư bản làm cho giai cấp công nhân ngày càng thảm hại hơn khi mà giới tư bản cạnh tranh vì lợi nhuận từ đó tiếp nhận những máy móc thiết bị để tiết kiệm lao động, tạo ra “lực lượng thất nghiệp” – giai cấp vô sản, những người này cuối cùng sẽ đứng lên giành lấy phương tiện sản xuất.
Trường phái thể chế (Institutionalist School)
Các nhà kinh tế học thể chế xem hành vi kinh tế của cá nhân là một phần của mô hình xã hội lớn hơn bị ảnh hưởng bởi cách sống và cách suy nghĩ. Họ bác bỏ quan điểm hẹp Cổ điển là nhu cầu kinh tế là độc lực chính của con người. Phản đối quan điểm thị trường tự do (laissez-faire) không có vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, Trường phái Institutionalist kêu gọi sự kiểm soát và cải cách xã hội của chính phủ để nhằm phân phối thu nhập một cách công bằng.
Trường Phái Keynes (Keynesian School)
Phản ứng lại với suy thoái nghiêm trọng của cả thế giới, John Maynard Keynes đã phá vỡ quan điểm của các nhà Kinh Tế Học Cổ Điển qua tác phẩm “Lý Thuyết Chung về Lao động, Lãi suất và Tiền tệ”. Quan điển Cổ Điển cho rằng trong thời kỳ suy thoái, lương và giá sẽ giảm để trở về mức toàn dụng lao động. Keynes khẳng định rằng điều ngược lại mới đúng. Giá và lương giảm, bằng cách giảm thu nhập của mọi người, sẽ hạn chế sức tiêu dùng. Ông cho rằng sự can thiệp trực tiếp của chính phủ là rất cần thiết để tăng tổng tiêu dùng.
Quan điểm của Keynes chứng minh cơ sở lý luận sử dụng chi tiêu của chính phủ và thuế để bình ổn nền kinh tế. Chính phủ nên tiêu dùng và giảm thuế khi tiêu dùng cá nhân không đủ hoặc đang đe doạ suy thoái. Chính phủ có thể giảm chi tiêu và tăng thuế khi tiêu dùng cá nhân quá lớn và đe doạ lạm phát. Cơ sở phân tích của ông chủ yếu tập trung vào các yếu tố xác định tổng tiêu dùng, quan điểm này vẫn đang là một nền tảng phân tích kinh tế học Vĩ Mô hiện đại.
Trường phái Tân Cổ điển (Neo-Classical)
Trường phái Vĩ mô tân cổ điển đã phát triển từ hai nguồn khác nhau nhưng có liên quan đến nhau: phê bình về mặt lý thuyết và thực nghiệm của kinh tế học truyền thống. Ở khía cạnh lý thuyết, đó là sự lãng quên khái niệm kỳ vọng của các mô hình kinh tế học truyền thống. Ở khía cạnh thực nghiệm, Sự đình lạm (stagflation)  của nền kinh tế mỹ trong suốt những năm 1970 khiến người ta tìm kiếm những lý thuyết khác để giải thích sự thất bại của Đường cong Phillips.
Vào cuối những năm 1980, những nhận định của trường phái kỳ vọng duy lý đã thách thức cho sự phát triển của kinh tế vĩ mô. Trường phái kinh tế này được đại diện bởi R. Lucas và T. Sargent, các tác giả này cho rằng trong kinh tế vĩ mô, trường phái Keynes đã bỏ qua tác động của kỳ vọng đến hành vi. Trường phái này cho rằng con người hình thành “kỳ vọng” một cách hợp lý nhất có thể dựa trên những thông tin họ có. Mô hình của trường phái này tính đến tác động của kỳ vọng duy lý trong hành vi của con người và doanh nghiệp trong thị trường thông qua các hành vi “động” của các bên trong lý thuyết trò chơi.
Trường phái trọng tiền (Monetarism)
Phân tích kinh tế của Trường Phái Trọng Tiền  tập trung vào tốc độ chu chuyển của đồng tiền, có nghĩa là số lần đồng tiền di chuyển trong một thời đoạn – thường là một năm. Tốc độ của đồng tiền được định nghĩa là tỷ sốGDP danh nghĩa và lượng tiền V º GDP/M º (PxY)/M. Vì thế MxV º PxY. Các nhà kinh tế học trường phái Trọng Tiền cho rằng lạm phát dai dẳng đơn thuần là hiện tượng tiền tệ. Vì thế, lạm phát không thể tiếp diễn mãi trừ khi Ngân Hàng Trung Ương cố gắng điều tiết bằng cách tăng thêm cung tiền. Trường phái này cũng cho rằng hầu hết các bất ổn trong nền kinh tế là do Chính Phủ gây ra và nghi ngờ khả năng Chính phủ quản lý được kinh tế vĩ mô. Họ cho rằng cung tiền cũng tăng trưởng với tốc độ bằng với tốc độ tăng trưởng bình quân của sản lượng (hay thu nhập Y). Ngân hàng trung ương nên tăng cung tiền để điều tiết tốc độ tăng trưởng thực chứ không phải là lạm phát.
Tóm tắt
Các lý thuyết kinh tế thay đổi không ngừng. Thuyết của Keynes, với trọng tâm nhấn vào các chính sách của chính phủ để nhằm tăng việc làm, vẫn đang là cơ sở hoạch định chính sách chủ yếu thời hậu thế chiến. Nhưng đến cuối những năm 60, lạm phát và năng suất giảm buộc các nhà kinh tế học tìm kiếm những giải pháp mới. Từ nghiên cứu này, các lý thuyết mới ra đời.
Trường phái trọng tiền phát triển Thuyết Sản Lượng của tiền, cơ sở của cho phân tích Vĩ mô sau Keynes. Trường phái này khẳnh định lại vai trò quan trọng của sự gia tăng tiền tệ trong việc xác định lạm phát.
Lý thuyết kỳ vọng duy lý là cơ sở mới cho các quan điểm Hậu Keynesian về việc hạn chế sự tham gia của chính phủ trong nền kinh tế. Quan điểm này cho rằng khả năng phản ứng của thị trường trước các hành động của chính phủ sẽ hạn chế tính hiệu quả của các chính sách của nhà nước.
Kinh tế học Trọng Cung (supply side) phát triển thêm cho trường phái cổ điển về việc xem tăng trưởng kinh tế như là điều kiện tiên quyết cơ bản để cải thiện đời sống xã hội. Trường phái này nhấn mạnh cần thiết khuyến khích tiết kiệm và đầu tư nếu như nền kinh tế muốn tăng trưởng. Các nhà kinh tế học Trọng Cung tin rằng giảm thuế công nhân sẽ làm việc chăm chỉ hơn và tiết kiệm nhiều hơn, Doanh nghiệp sẽ đầu tư và sản xuất nhiều hơn. Cực đoan hơn, những người Trọng Cung còn cho rằng tác động khuyến khích (incentive) giảm thuế hiệu quả và có khả năng làm tăng mức thu thuế. Đường cong Laffer cho thấy mối tương quan giữa mức thuế và tiền thuế thu được. Họ dùng lý thuyết này để cho rằng có thể thu được nhiều thuế hơn bằng cắt giảm thuế nhưng chưa có nhiều bằng chứng để hỗ trợ lý thuyết này.
Những lý thuyết này và một số lý thuyết khác đang được tranh cãi và kiểm chứng. Một số đã được chấp nhận, một số được sửa đổi một số khác lại bị bác bỏ khi các nhà kinh tế học vận dụng  để giải thích những câu hỏi kinh tế cơ bản: Làm thế nào quyết định sẽ sản xuất những gì trong tiềm năng hạn chế? Làm thế nào đảm bảo ổn định giá và toàn dụng lao động của nguồn tài nguyên? Làm thế nào để nâng cao mức sống của hiện tại và thế hệ tương lai?

Tài liệu tham khảo

1. Blanchard O., 2000, Macroeconomics, 2nd ed., Prentice Hall. 
2. Brue, S., 2001, The evolution of Econnomic Thought, 6th, Dryden Press . 
3. Ekelund R. B., Hebert R, 1997, A history of economic theory and method, 4th ed., McGraw-Hill. 
4. Marilu H. Mc., 2000, The Nobel Laureates - How The World’s Greatest Economic Minds Shaped Modern Thought, McGraw-Hill. 
5. Michael M., 1999, Delimas in Economic Theory, OxfordUniversity Press. 
6. Sachs J. D., Larrain F. B., 1993, Macroeconomics in Global Economy, Prentice Hall. 
7. Trinh N. V., Dung N. T, Nghinh V. V., 2000, Lich Su Cac Hoc Thuyet Kinh Te,  Publisher of HCMC Vietnam National University. 

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved