TRẦN NGỌC LINH (*)
Học thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học được C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày trong Hệ tư tưởng Đức là hệ quả trực tiếp của chủ nghĩa duy vật lịch sử do hai ông phát hiện và xây dựng. Trong tác phẩm này, ngoài việc khẳng định vai trò quyết định của sản xuất vật chất trong đời sống xã hội, chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, C.Mác và Ph.Ăngghen còn luận chứng về tính tất yếu, triệt để của cách mạng vô sản; về vai trò và sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản; đồng thời, luận giải về vấn đề xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân,… Ngoài các nguyên lý cơ bản trên, Hệ tư tưởng Đức còn đề cập tới một số nguyên lý khác trong học thuyết chủ nghĩa cộng sản khoa học, như vấn đề giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, những đặc trưng của xã hội cộng sản chủ nghĩa…
Hơn 160 năm đã trôi qua kể từ khi C.Mác và Ph.Ăngghen cùng viết Hệ tư tưởng Đức, cùng đặt những nguyên lý khởi đầu xây dựng nên nền tảng cho một học thuyết vĩ đại, ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam định hướng cho toàn thể nhân loại tiến tới tương lai.
Hệ tư tưởng Đức ra đời nhằm mục đích chuẩn bị cơ sở lý luận, thế giới quan, phương pháp luận mới để tiếp thu một học thuyết kinh tế mới, như C.Mác đã viết về trình tự xuất bản những tác phẩm dự kiến của mình trong thời gian đó: “… điều cực kỳ quan trọng là phải đưa ra trước một tác phẩm luận chiến trước khi có sự trình bày chính diện của tôi về đề tài ấy, tác phẩm luận chiến ấy là nhằm chống lại triết học Đức và chống lại chủ nghĩa xã hội Đức đã ra đời trong thời gian đó. Điều đó là cần thiết để chuẩn bị cho công chúng tiếp cận quan điểm của tôi trong lĩnh vực chính trị kinh tế học, quan điểm ấy trực tiếp đối lập mình với khoa học Đức từng tồn tại trước đó”(1).
Thế giới quan và phương pháp luận mới được trình bày trong Hệ tư tưởng Đức là quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử.
Trong Hệ tư tưởng Đức, thế giới quan mới được đề xuất dưới hình thức phê phán những quan điểm triết học của phái Hêghen trẻ. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để thay đổi hiện thực đang tồn tại? Phái Hêghen trẻ phê phán bằng lời nói cái hiện tồn, tiến hành sự phê phán đó một cách gián tiếp, dưới hình thức phê phán tôn giáo. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định rằng, đó là cuộc đấu tranh không phải với bản thân hiện thực, mà chỉ là cuộc đấu tranh với những cái bóng của hiện thực. Đồng thời, hai ông cũng chứng minh rằng, chỉ phê phán không thôi thì chưa đủ, mà còn cần phải giải thích một cách đúng đắn thế giới và quan trọng hơn hết là phải làm biến đổi thế giới, cải tạo thế giới.
Trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát triển một cách đầy đủ, toàn diện luận điểm về vai trò quyết định của sản xuất vật chất trong đời sống xã hội; đồng thời, chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất (“quan hệ giao tiếp”), trong đó các lực lượng sản xuất quyết định loại hình quan hệ xã hội, hình thức giao tiếp. Tới một giai đoạn nhất định trong sự phát triển của chúng, các lực lượng sản xuất sẽ mâu thuẫn với quan hệ giao tiếp hiện tồn. Mâu thuẫn này tất yếu dẫn đến cuộc cách mạng xã hội để xoá bỏ quan hệ giao tiếp cũ không còn phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tạo điều kiện để hình thành một quan hệ giao tiếp mới, phù hợp và thúc đẩy lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển. Theo các ông, sự phát triển của xã hội loài người có nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ giao tiếp, “tất cả mọi xung đột trong lịch sử đều bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa những lực lượng sản xuất và hình thức giao tiếp”(2). Chính do nguyên nhân này, trong toàn bộ sự phát triển lịch sử loài người đã hình thành mối liên hệ kế thừa giữa các giai đoạn kế tiếp nhau. Các cuộc cách mạng xã hội, với tính cách là biện pháp tất yếu để giải quyết mâu thuẫn giữa các lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, tạo nên những bước chuyển từ một hình thái kinh tế – xã hội này sang một hình thái kinh tế – xã hội khác, cao hơn.
Thực chất của quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử (chủ nghĩa duy vật lịch sử), như C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, là “… phải xuất phát từ chính ngay sự sản xuất vật chất ra đời sống trực tiếp để xem xét quá trình hiện thực của sản xuất và hiểu hình thức giao tiếp gắn liền với phương thức sản xuất ấy sản sinh ra – tức là xã hội công dân ở những giai đoạn khác nhau của nó – là cơ sở của toàn bộ lịch sử; rồi sau đó phải miêu tả hoạt động của xã hội công dân trong lĩnh vực sinh hoạt nhà nước, cũng như xuất phát từ xã hội công dân mà giải thích toàn bộ những sản phẩm lý luận khác nhau và mọi hình thái ý thức, tôn giáo, triết học, đạo đức, v.v..” và “khác với quan niệm duy tâm về lịch sử, quan niệm đó về lịch sử không đi tìm một phạm trù nào đó trong mỗi thời đại, mà nó luôn luôn đứng trên miếng đất hiện thực của lịch sử; nó không căn cứ vào tư tưởng để giải thích thực tiễn, nó giải thích sự hình thành của tư tưởng căn cứ vào thực tiễn vật chất, và do đó, nó đi tới kết luận rằng không thể đập tan được mọi hình thái và sản phẩm của ý thức bằng sự phê phán tinh thần…, mà chỉ bằng việc lật đổ một cách thực tiễn những quan hệ xã hội hiện thực đã sản sinh ra tất cả những điều nhảm nhí duy tâm đó; rằng không phải sự phê phán mà cách mạng mới là động lực của lịch sử, của tôn giáo, của triết học và của mọi lý luận khác”(3).
Học thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học được C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày trong Hệ tư tưởng Đức chính là hệ quả trực tiếp của chủ nghĩa duy vật lịch sử do hai ông phát hiện và dầy công xây dựng.
1. Về tính tất yếu và tính triệt để của cách mạng vô sản; về vai trò và sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản.
Khi nói về tính tất yếu của cách mạng vô sản, trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra tác động của mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; đồng thời, cho rằng cách mạng vô sản, cũng như bất kỳ một cuộc cách mạng xã hội nào khác, là phương thức tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Ngoài ra, C.Mác và Ph.Ăngghen còn nhấn mạnh: cách mạng vô sản “là tất yếu không những vì không thể lật đổ giai cấpthống trị bằng một phương thức nào khác mà còn vì chỉ có trong cách mạng giai cấp đi lật đổ giai cấp khác mới có thể quét sạch mọi sự thối nát của chế độ cũ đang bám chặt theo mình và trở thành có năng lực xây dựng cơ sở mới cho xã hội”(4). Hơn nữa, tính tất yếu của cách mạng vô sản còn biểu hiện ở chỗ, nó luôn gắn liền với sự phát triển của nền sản xuất xã hội. Các ông viết: “Những hình thức trước kia của những cuộc khởi nghĩa của công nhân đều gắn liền với trình độ phát triển mà lao động đã đạt được trong mỗi trường hợp và với hình thức của chế độ sở hữu do đó mà ra; còn những cuộc khởi nghĩa cộng sản chủ nghĩa dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thì đều gắn liền với nền đại công nghiệp”(5).
Trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, khác với tất cả các cuộc cách mạng xã hội khác đã từng xảy ra trong lịch sử loài người, cuộc cách mạng vô sản do giai cấp vô sản lãnh đạo là cuộc cách mạng triệt để nhất. Vì:
Thứ nhất, trước khi cuộc cách mạng vô sản nổ ra, gắn liền với một giai đoạn trong quá trình phát triển của những lực lượng sản xuất, “trong đó xuất hiện những lực lượng sản xuất và những phương tiện giao tiếp chỉ có thể gây tác hại trong khuôn khổ những quan hệ hiện có”, đã xuất hiện giai cấp vô sản, “một giai cấp buộc phải chịu đựng tất cả gánh nặng của xã hội mà không được hưởng những phúc lợi của xã hội…, một giai cấp do đa số thành viên của xã hội hợp thành và là giai cấp sản sinh ra ý thức về tính tất yếu của một cuộc cách mạng triệt để, ý thức cộng sản chủ nghĩa”(6).
Sự ra đời và phát triển của giai cấp vô sản gắn liền với sự ra đời và phát triển của nền đại công nghiệp. Nói cách khác, nền đại công nghiệp này đã tạo ra giai cấp vô sản – “một giai cấp cùng có những lợi ích như nhau trong tất cả các dân tộc,… một giai cấp thực sự đoạn tuyệt với toàn bộ thế giới cũ và đồng thời đối lập với thế giới cũ”(7). Giai cấp đó có sứ mệnh và nhiệm vụ hiện thực là cách mạng hoá những quan hệ đang tồn tại, giải phóng những cá nhân của tất cả các giai cấp khỏi những xiềng xích đã trói buộc họ. Sự mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là sứ mệnh có tính toàn thế giới; bởi vì, “… giai cấp vô sản chỉ có thể tồn tại trên quy mô của lịch sử thế giới, cũng như chủ nghĩa cộng sản, tức là hoạt động của giai cấp vô sản, hoàn toàn chỉ có thể tồn tại được với tư cách là một tồn tại “có tính lịch sử thế giới”…”(8).
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, khác với chủ thể của các cuộc cách mạng xã hội trước – những người chưa có ý thức tự giác về cuộc cách mạng mà mình tiến hành và chỉ tiến hành cách mạng một cách tự phát,… giai cấp vô sản - chủ thể của cuộc cách mạng vô sản, do hoàn cảnh lịch sử ra đời và bản chất cách mạng của nó, hoàn toàn có thể nhận thức được tính tất yếu của cuộc cách mạng xã hội, và trong thực tế, cùng với sự phát triển của nền sản xuất xã hội, giai cấp vô sản có đủ điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để tiến hành một cách triệt để cuộc cách mạng ấy. Vì thế, cuộc cách mạng vô sản mà giai cấp vô sản tiến hành là một hiện thực, một tồn tại có tính lịch sử toàn thế giới.
Thứ hai, tính chất triệt để của cách mạng vô sản còn được biểu hiện ở nội dung và mục đích của cuộc cách mạng đó. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Trong hết thảy các cuộc cách mạng trước đây, tính chất hoạt động bao giờ cũng vẫn giữ nguyên như cũ, - và bao giờ vấn đề cũng vẫn chỉ là phân phối hoạt động ấy một cách khác, chỉ là một sự phân phối lao động mới cho những người khác; trái lại, cách mạng cộng sản chủ nghĩa là nhằm chống lại tính chất hoạt động trước đây, nó xoá bỏ lao động và thủ tiêu sự thống trị của mọi giai cấp cùng với bản thân các giai cấp…”(9).
Cách mạng vô sản sẽ dẫn đến sự thiết lập chế độ cộng sản chủ nghĩa, chế độ xã hội mới này dựa trên cơ sở “lực lượng sản xuất phát triển đến mức độ phổ biến” và phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất đã phát triển đến mức độ phổ biến này là “hình thức giao tiếp” cũng đã phát triển đến mức độ phổ biến.
Thứ ba, chính sự biến đổi căn bản, biến đổi về chất của mối quan hệ giữa con người với lao động, với sản phẩm của lao động do cách mạng vô sản tạo nên cũng nói lên tính triệt để của cuộc cách mạng này. Trong xã hội dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, cùng với việc hình thành sự phân công lao động xã hội, hành động của bản thân con người, trong đó có hoạt động lao động sản xuất, cũng như kết quả của hành động ấy “trở thành một lực lượng xa lạ, đối lập với con người, và nô dịch con người”(10).
Với tính cách kết quả của cuộc cách mạng vô sản, sự hình thành chủ nghĩa cộng sản đã làm đảo lộn cơ sở của mọi quan hệ sản xuất và giao tiếp trước kia, chế độ sở hữu tư nhân bị xoá bỏ, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất được thiết lập. C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, cùng với việc xoá bỏ sở hữu tư nhân và việc thiết lập sự điều tiết cộng sản chủ nghĩa đối với sản xuất đã khiến cho con người không còn cảm thấy xa lạ trước sản phẩm của bản thân mình, đồng thời chế ngự được sự trao đổi, sản xuất và phương thức quan hệ lẫn nhau.
Thứ tư, tuy chưa được phân tích một cách đầy đủ, song những đặc trưng của chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa (sự thống trị của giai cấp vô sản; xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; sự phát triển tự do, toàn diện của cá nhân, v.v.) mà C.Mác và Ph.Ăngghen nêu ra trong tác phẩm này cũng chứng tỏ tính triệt để của cách mạng vô sản so với tất cả các cuộc cách mạng trước đó.
Đặc trưng đầu tiên của chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa là sự thống trị của giai cấp vô sản. Sự thống trị của giai cấp vô sản hoàn toàn khác với sự thống trị của các giai cấp thống trị, bóc lột trước đó. Sự thống trị của các giai cấp bóc lột trong các xã hội cũ gắn chặt với chế độ sở hữu tư nhân và do đó, mặc dù có thể biểu hiện dưới những hình thức khác nhau, song về bản chất, nó là sự thống trị của giai cấp chiếm hữu tư liệu sản xuất của xã hội và tước đoạt lao động của những người không có tư liệu sản xuất. Sự thống trị dựa trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và gắn chặt với chế độ sở hữu này tạo nên sự “tha hoá” trong xã hội, làm nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt và dẫn đến sự khủng hoảng xã hội – tình trạng mà chỉ có thể được giải quyết thông qua cách mạng xã hội. Trái lại, sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản sử dụng quyền thống trị của mình để “thủ tiêu toàn bộ hình thức xã hội cũ và sự thống trị nói chung”; lúc đó, chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và sự “tha hoá” trong xã hội cũng bị xoá bỏ.
2. Về vấn đề xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân.
Khi phân tích vấn đề xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân - nhiệm vụ mà C.Mác và Ph.Ăngghen coi là một trong những mục tiêu cao nhất của cách mạng vô sản, của công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản, hai ông đã đưa ra những luận điểm quan trọng có tính nguyên lý, quy luật về sở hữu tư nhân và những điều kiện cần thiết để xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.
Trước hết, trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, sở hữu tư nhân là kết quả tất yếu của sự phát triển nền sản xuất xã hội, gắn liền với sự phân công lao động xã hội. Cùng với “sự tăng thêm năng suất, sự tăng thêm nhu cầu và nhờ sự tăng thêm dân số, cơ sở của sự tăng thêm năng suất và sự tăng thêm nhu cầu”(11) – những yếu tố cơ bản của trình độ phát triển lực lượng sản xuất – phân công lao động cũng phát triển. “Sự phân công lao động mang lại khả năng, hơn thế nữa, mang lại cái hiện thực là hoạt động tinh thần và hoạt động vật chất, hưởng thụ và lao động, sản xuất và tiêu dùng, được phân công cho những cá nhân khác nhau”(12). Theo các ông, “Sự phân công lao động ấy… đồng thời cũng bao hàm sự phân phối lao động và sản phẩm của lao động; một sự phân phối thật ra là không đồng đều cả về mặt số lượng lẫn chất lượng; vì vậy nó cũng bao hàm sở hữu”(13); do đó, sự phân công lao động và sở hữu tư nhân là những từ ngữ đồng nghĩa, những hình thức tồn tại hiện thực của sở hữu tư nhân là những quan hệ xã hội thích ứng với một giai đoạn nhất định của sản xuất(14).
Dưới chủ nghĩa tư bản, sự phân công lao động và sở hữu tư nhân đã dẫn đến “sự tha hoá” cá tính chẳng những của con người mà cả của vật nữa. Đến một lúc nào đó, chúng sẽ biến thành xiềng xích trói buộc những lực lượng sản xuất hiện có. Do vậy, phải xoá bỏ sở hữu tư nhân, xoá bỏ phân công lao động thì mới xoá bỏ được nguồn gốc, nguyên nhân của mọi bất công trong xã hội, mới có thể giải phóng con người – lực lượng sản xuất quan trọng nhất của nền sản xuất xã hội.
Xuất phát từ sự phân tích mối quan hệ biện chứng, khăng khít giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất với sự hình thành và phát triển của chế độ sở hữu tư nhân, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ tính tất yếu của sở hữu tư nhân ở những giai đoạn phát triển công nghiệp nhất định, đồng thời nhấn mạnh rằng, “chỉ với công nghiệp lớn mới có khả năng xoá bỏ được sở hữu tư nhân”(15).
Từ đó, theo C.Mác và Ph.Ăngghen, điều kiện tất yếu để xoá bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất là việc chiếm hữu tổng thể những lực lượng sản xuất.
Đến lượt mình, sự chiếm hữu tổng thể những lực lượng sản xuất lại được quy định bởi những yếu tố sau:
Trước hết, đối tượng cần chiếm hữu chính là “những lực lượng sản xuất đã phát triển thành một tổng thể nhất định và chỉ tồn tại trong khuôn khổ của sự giao tiếp phổ biến”(16).
Thứ hai, sự chiếm hữu tổng thể những lực lượng sản xuất còn được quy định bởi những cá nhân chiếm hữu. Đó chính là những người vô sản, do điều kiện phân công lao động, đã “hoàn toàn bị tước mất mọi sự tự mình hoạt động, mới có khả năng đạt tới sự tự mình hoạt động đầy đủ, không hạn chế, đó là sự chiếm hữu tổng thể những lực lượng sản xuất và do đó, phát triển tổng thể các năng lực”(17). Ở đây, một lần nữa, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản với tính cách người thực hiện và có đủ khả năng thực hiện việc xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.
Thứ ba, sự chiếm hữu tổng thể các lực lượng sản xuất còn được quy định bởi phương thức thực hiện sự chiếm hữu. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, đó là thực hiện chiếm hữu bằng sự liên hợp phổ biến, chứ không thể bằng việc chiếm hữu tư nhân. Đây chính là hình thức sở hữu đã đạt tới trình độ xã hội hoá cao, khác hẳn với những sự chiếm hữu trước đó. Trong sự chiếm hữu bằng sự liên hợp phổ biến, “một khối lượng lớn các công cụ sản xuất phải nhất thiết lệ thuộc vào từng cá nhân, còn sở hữu thì phải lệ thuộc vào tất cả mọi cá nhân”(18).
Phải chăng, ở đây, C.Mác và Ph.Ăngghen muốn chỉ ra hai mối quan hệ của người chủ sở hữu, người chiếm hữu, đối với công cụ lao động.
Mối quan hệ thứ nhất là mối quan hệ giữa quản lý và sử dụng công cụ lao động. Theo đó, một khối lớn các công cụ sản xuất phải lệ thuộc vào từng cá nhân, mà những cá nhân này, cùng với sự phát triển của nền sản xuất xã hội, đã có sự phát triển tổng thể những năng lực của bản thân, có thể sử dụng và quản lý những công cụ sản xuất trong phạm vi sở hữu. Trong mối quan hệ sử dụng và quản lý này, các công cụ sản xuất phải lệ thuộc vào từng cá nhân thì mới có thể phát huy được hiệu quả của công cụ sản xuất và cá nhân mới phát huy được hết những năng lực toàn diện của mình. Đồng thời, nếu công cụ sản xuất thuộc quyền quản lý, sử dụng của từng cá nhân thì mới phát huy được trách nhiệm của họ và bảo đảm không xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” như trước đây.
Mối quan hệ thứ hai là mối quan hệ sở hữu. Quan hệ sở hữu công cụ sản xuất xã hội nhất thiết phải lệ thuộc vào tất cả mọi cá nhân, là của chung toàn xã hội, bảo đảm cho sự chiếm hữu tư liệu sản xuất có tính chất phổ biến, “phù hợp với những lực lượng sản xuất và với sự giao tiếp”. “Sự giao tiếp phổ biến hiện đại không thể bị lệ thuộc vào từng cá nhân bằng bất cứ cách nào, mà chỉ bằng cách lệ thuộc vào mọi cá nhân”(19), nghĩa là thuộc về toàn xã hội.
Chúng ta cũng có thể nhận thấy trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra hai tiền đề thực tiễn để xoá bỏ “sự tha hoá”, xoá bỏ sở hữu tư nhân, từ đó mới có thể xây dựng được chủ nghĩa cộng sản.
Tiền đề thứ nhất, như đã phân tích ở phần trên, là những người hoàn toàn không có sở hữu, những người vô sản, chiếm đại đa số trong dân cư, mâu thuẫn sâu sắc với xã hội. Tiền đề thứ hai là sự phát triển mạnh mẽ của những lực lượng sản xuất trong xã hội, mà như C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh, là tiền đề thực tiễn tuyệt đối cần thiết. Theo hai ông, nếu không có tiền đề này thì chẳng những không có tiền đề thứ nhất – sự hình thành, tồn tại và phát triển của giai cấp vô sản mà xã hội sẽ lâm vào sự nghèo nàn phổ biến, sự thiếu thốn tột độ, con người lại phải đấu tranh lẫn nhau để tranh giành những cái cần thiết, lại rơi vào sự ti tiện, tha hoá trước đây; đồng thời, không thể xác lập được sự giao tiếp phổ biến của loài người, không thể xây dựng được chủ nghĩa cộng sản.
C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xoá bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(20) và như đã phân tích ở trên, chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể trở thành hiện thực, sở hữu tư nhân chỉ thực sự bị xoá bỏ khi có được sự phát triển phổ biến của lực lượng sản xuất và của sự giao tiếp có tính chất thế giới.
Hiện nay, toàn cầu hoá, mà cốt lõi là toàn cầu hoá kinh tế, đã trở thành một xu thế khách quan, tất yếu của thời đại. Toàn cầu hoá, xét về bản chất, là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới, hay nói như C.Mác, đó là quá trình lịch sử biến thành lịch sử thế giới, quá trình phát triển phổ biến của lực lượng sản xuất và của sự giao tiếp có tính chất thế giới.
Toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu của sự phát triển nền kinh tế thế giới, bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của lực lượng sản xuất thông qua các cuộc cách mạng khoa học – công nghệ và cách mạng thông tin. Tuy nhiên, như C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra trong Hệ tư tưởng Đức, lực lượng sản xuất và các hình thức giao tiếp đã phát triển tới mức dưới sự thống trị của chế độ tư hữu, chúng trở thành lực lượng phá hoại. Trong điều kiện toàn cầu hoá hiện nay, những nghịch lý của sự phát triển đã xuất hiện ngày càng nhiều, càng sâu sắc hơn.
Những mâu thuẫn vốn có của chế độ tư bản chủ nghĩa sẽ ngày càng sâu sắc hơn, nghiêm trọng hơn trong thời đại toàn cầu hoá. Chúng không thể được giải quyết bằng đấu tranh kinh tế, hoặc đấu tranh xã hội nữa mà phải dùng những biện pháp đấu tranh chính trị, lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản, đặc biệt là tầng lớp tư bản tài chính, xoá bỏ tận gốc nguyên nhân tạo nên tình trạng đầy nghịch lý của toàn cầu hoá, đúng như C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra trong Hệ tư tưởng Đức cách đây hơn 160 năm: xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa. Lúc đó, chúng ta sẽ có một toàn cầu hoá như mong đợi, một toàn cầu hoá đi cùng với trật tự thế giới mới, công bằng, bền vững; một toàn cầu hoá biến các tiềm lực lợi ích khổng lồ cho nhân loại trở thành hiện thực. Đó chính là chủ nghĩa cộng sản hiện thực.
Trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen còn đề cập đến một số vấn đề khác có tính nguyên lý trong học thuyết chủ nghĩa cộng sản khoa học, như vấn đề giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, vấn đề những đặc trưng của chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa tương lai, v.v.. Theo chúng tôi, những vấn đề đó là hệ quả tất yếu của hai vấn đề đã trình bày ở trên, mà trong phạm vi một bài viết, chúng tôi không thể bàn đến một cách đầy đủ, chi tiết được.r
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện Nghiên cứu kinh điển mácxít.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.27. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.651.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.107.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.54.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.100 - 101.
(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.305.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.99.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.88.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.51.
|