Văn học và Phê bình văn học:
Giới thiệu tư tưởng Lê Ngọc Trà*
Trần Quí Phiệt
Đại học Schreiner, Kerrville, Texas
Chính sách Đổi Mới năm 1987 do Đại hội sáu Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương có một tác động lớn đối với văn học và nghệ thuật Việt Nam. Trong Đại hội thường niên lần thứ ba Hội Nhà Văn năm 1983 và nhất là từ năm 1987 đến 1989 nhiều nhà văn, phấn khởi do sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng đối với chủ trương đổi mới, đã bác bỏ chủ thuyết hiện thực xã hội vì sự tô vẽ quá đẹp đẽ về xã hội hiện thực của nó. Thay vào đó, các nhà văn này áp dụng những phương pháp mới mô tả sự thực về đời sống con người. Quan niệm này từng được phong trào Nhân Văn Giai Phẩm cổ võ vào năm 1956 trước khi phong trào bị giải tán. Ngày nay, những văn nghệ sĩ đoạn tuyệt hẵn với trường phái hiện thực xã hội gồm có những tên tuổi sau đây: Tiểu thuyết: Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Phạm Thị Hoài. Thơ: Nguyễn Duy. Kịch: Lưu Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang. Điện ảnh: Trần Văn Thùy. Âm nhạc: Dương Thụ, Trần Tiến.
Ngoài sự góp phần vào việc làm nở rộ văn học nghệ thuật chính sách Đổi Mới còn tạo cơ hội cho sự ra đời một phong trào liên quan. Đó là lý luận văn học và nghiên cứu văn học. Xuất hiện lần đầu tiên trên diễn đàn văn học Việt Nam, phong trào này khiến cho văn học nghệ thuật trở thành một vấn đề quan trọng cho sự nghiên cứu nghiêm túc. Giống như các văn nghệ sĩ thời kỳ Đổi Mới, các học giả và nhà phê bình đặt vấn đề về giá trị của chủ thuyết Mác Lê nin trong sự nghiên cứu văn học nghệ thuật. Những khuynh hướng phê bình văn học gần đây cho thấy các nhà phê bình ngày càng muốn áp dụng những trường phái phê bình văn học thịnh hành ở phương Tây vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam. Cuộc tranh luận về công dụng cũng như tính cách khả thi của phê bình văn học phương Tây ngày càng trở nên sôi nỗi trong một quốc gia vẫn còn nghi ngại về ảnh hưởng đến từ nước ngoài.
Vì tính chất quan trọng và mang nhiều tranh cãi của vấn đề, những công trình nghiên cứu văn học tại Việt Nam từ thời kỳ Đổi Mới cần được đánh giá cẩn thận. Bài nhận định ngắn này chỉ giới hạn vào Lê Ngọc Trà, một nhà phê bình văn hoá và văn học uy tín đuợc trao giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1991 với tác phẩm quan trọng Lý luận và văn học. Vì Lý luận và văn học và các tác phẩm khác của Lê Ngọc Trà còn đề cập đến một vấn đề phức tạp khác—tương quan giữa văn hoá và văn học—bài viết sau đây chỉ giới hạn vào quan điểm của tác giả đối với văn học và nghiên cứu văn học mà thôi.
Điểm chính trong tư tưởng Lê Ngọc Trà là phương pháp nghiên cứu văn học không quan trong bằng tìm hiểu tình trạng văn học Việt Nam hiện đại. Giai đoạn Đổi Mới quá ngắn ngũi để có thể tạo ra một phong trào văn học đủ mạnh để bung ra khỏi sự kiềm chế của chủ thuyết hiện thực xã hội. Việc áp đặt lại chính sách kiểm soát tư tưởng đã đem văn nghệ sĩ trở lại tình trạng trong những năm chiến tranh: văn học phải lệ thuộc vào chính trị. Sự tiếp tục áp đặt chủ nghĩa Mác xít làm trở ngại sáng tạo văn nghệ. Lê Ngọc Trà giải thích: “Triết học Mác-xít …..chỉ đóng vai trò là một thứ trang sức, đem lại cho tác phẩm một màu sắc lập trường, chứ chưa có được sức mạnh như môt thứ chính kiến, triết lí, hổ trợ cho sự cảm nhận trực tiếp của nhà văn” (Văn chương 31). Một nền văn học rút cảm hứng từ lý thuyết Mác xít và những qui tắc hiện thực xã hội của nó chẳng qua chỉ là một dụng cụ phục vụ chính trị vì loại văn học này ca tụng chủ nghĩa anh hùng và tư tưởng lạc quan trong khi phủ nhân khía cạnh đen tối của cuộc sống. Loại văn học như thế không đáp ứng những đòi hỏi của một xã hôi hậu chiến thay đổi rất nhanh. Chủ thuyết hiện thực xã hội chỉ nhằm đáp ứng những đòi hỏi cũa chế độ tạo ra một tình trạng Lê Ngọc Trà gọi là “lối ca ngợi hay phủ nhận một chiều” trong nền văn nghệ của những thập niên đã qua. Ông viết: “Lối ca ngợi hay phủ nhận một chiều, cơ hội, xu thời là nguyên nhân làm cho nhiều tác phẩm chết yểu, mau mất tác dụng hoặc nhanh chóng bị lãng quên khi lịch sử sang trang, khi tình hình biến đổi” (Lý luận 29).
Theo Lê Ngọc Trà, khuyết điểm quan trọng của chủ thuyết hiện thực xã hội là chỉ quan tâm đến hiện thực thay vì hiện thực về con người. Những năm đầu của thập niên 1980 trước thời kỳ Đổi Mới Lê Ngọc Trà đã mạnh mẽ phê bình sự biểu hiện nghèo nàn, nông cạn của chính trị trong văn học hiện thực. Một nền văn học quan trọng, ông viết, “trước hết phải gắn liền với nỗi day dứt không nguôi của nghệ sĩ về số phận con người, với nỗi đau về con người, sự thông cảm sâu xa, lòng tự hào về sức mạnh và tài năng của nó” (15). Chủ đề sự giới hạn cũng như khả năng của con người càng khẩn thiết trong những tác phẩm sau này của ông. Lập lại câu nói nỗi tiếng của Maxim Gorky, “Văn học là nhân học,” Lê Ngọc Trà định nghĩa sự tương quan giữa nghệ thuật và con người, nguồn gốc của văn học, như sau:
Nghệ thuật nhận thức và đánh giá cuộc sống một cách trực tiếp. Tác phẩm văn học là tiếng nói của những ấn tượng, những suy nghĩ vừa như xác định, vừa như chưa xác định. Nhà văn sáng tác khi cảm thấy đau ở đâu đấy trong tâm hồn khi có điều gì đó muốn chia xẻ, gửi gấm. Văn học chính là nỗi buồn về cái đẹp, về lí tưởng, là nỗi đau giằng xé về số phận con người, là sự cắn rứt lương tri không yên, là cuộc đấu tranh nội tâm giữa hai phần tối và sáng, giữa thiện và ác, khi con người đã có khả năng tự phân đôi. (Văn chương 28)
Nhận định nói trên là một ca tụng hùng hồn về con người. Sự sốt sắng chấp nhận số phận của mình và nỗ lực vượt trên số phận, sự quyết tâm bảo vệ những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, lòng can đảm chống lại những thế lực đen tối và độc ác, tất cả ngần ấy thứ con người cố gắng thực hiện trong im lặng và cô đơn. Có lẽ đây là sự phân biệt quan trọng nhất của Lê Ngọc Trà giữa con người “riêng lẻ” và con người của quần chúng. Chính con người “riêng lẻ,” vô danh, khiêm nhường nhưng đạo đức và can đảm, không bao giờ hô to những khẩu hiệu chính trị hoặc muốn những thành quả của mình ghi chép vào sử sách hoặc phô bày nơi công cộng mới chính là trọng tâm của văn học. “Khả năng cải tạo sâu sắc của văn học đối với con người thể hiện ở chỗ không phải nó tuyên truyền, răn dạy mà ở chỗ nó tác động bên trong, sự dằn vặt và thức tỉnh của lương tri ở mỗi con người” (Lý Luận 163). Sự cứu rỗi nhân loại qua nghệ thuật và sự đau khổ, tình yêu, lòng hối hận của con người (quan niệm chính của Tolstoy), theo Lê Ngọc Trà, là “động lực của sự sáng tạo, một sức mạnh làm cho con người tự hoàn thiện mình, hoàn thiện thế giới” (163).
Sự kêu gọi thiết tha phải có môt nền văn học mới mẽ nói trên nghe như một tuyên ngôn nghệ thuật. Lời kêu gọi gióng lên trong thời kỳ Đổi Mới giữa lúc các nhà trí thức và văn nghệ sĩ tràn ngập niềm lạc quan, hân hoan. Như đã nói trên, bầu không khí chính trị cởi mở đã tạo ra sự nở rộ một nền văn nghệ đặt trọng tâm vào con người nhỏ bé và thân phận bình thường của mình. Nhưng từ năm 1990 trở đi văn nghệ Việt Nam trãi qua một sự suy thoái không cứu vãn nỗi. Giới văn nghệ vừa bị “sốc” bởi Nghị Quyết năm 1989 nhằm áp đặt trở lại sự kiểm soát truyền thông và sáng tác văn nghệ thì phải chứng kiến một tình trạng xã hội trầm trọng: sự bùng nỗ của nền kinh tế thị trường. Trong một bài viết năm 1994 nhan đề “Văn học Việt Nam hôm nay: vai trò và thách thức” Lê Ngọc Trà nhận định như sau: “Nhà văn không thể ngồi tĩa tót đời sống mãi với sự nghèo khổ của mình. Nhiều người đổ đi viết sách dễ bán để sống, thậm chí chuyển sang làm các dịch vụ khác để kiếm tiền. Kết quả của tất cả các điều đó là sinh hoạt văn học như lắng đọng lai, tẻ nhat đi” (Văn chương 104).
Để cứu vãn văn học Lê Ngọc Trà kêu gọi chấm dứt quan niệm cho rằng văn học bất lợi cho ổn định chính trị. Trong cùng bài khảo luận ông viết: “Xã hội rất cần ổn định nhưng văn học tự nó lại không ổn đinh.” Lời kêu gọi của Lê Ngọc Trà cũng nhắm đến giới văn nghệ sĩ: “Sự bất ổn của tình cảm, của tâm thức là nguồn gốc của mọi sáng tạo, bắt nguồn từ khát vọng con người muốn đạt đến sự hài hòa tuyệt đối hoặc những hình thức cao hơn. Lẫn lộn điều này không những sẽ giết chết văn học mà còn làm hại ngay chính sự phát triễn của xã hội” (104). Đoạn văn trích dẫn sau đây là một sự bênh vực rất hăng say và cảm động vai trò của nền văn học đích thực:
Sứ mạng của văn học Việt Nam hôm nay cũng rất rõ: nó phải…thực sự trở thành một hoạt động sáng tạo độc lập, tích cực tham gia vào quá trình đổi mới và dân chủ hóa xã hội bằng cách riêng của mình, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và nhận thức của con người về thế giới và về chính mình, mang đến cho mỗi con người tình yêu cái đẹp, sự rung động trước cuộc đời, lòng quí trọng và thương yêu đồng loại. Trong bối cảnh của một thế giới mà lí trí đang lấn át tình cảm, sự phát triễn của các phương tiện truyền thông lại có nguy cơ làm tê liệt ý thức sáng tạo của cá nhân, văn học vừa phải tự mình tồn tại như đối trọng, giúp con người có thể sống hạnh phúc trong thế giới ấy, đồng thời phải gợi ra con đường phát triễn tối ưu, chỉ ra những giá trị đích thực mà con người phải bồi đắp và gần gũi trên con đường đi tới tương lai. (105)
Vai trò thứ hai của văn học–sự tham dự vào tiến trình dân chủ hoá—có lẽ là một trong những biện minh quan trọng nhất cho một nền văn học mới cho nước nhà. Trong bài khảo luận viết năm 1989 với tựa đề đầy ý nghĩa “Văn học trong tiến trình dân chủ hóa” Lê Ngọc Trà nói đến sự liên hệ giữa văn học và lý tưởng tự do và dân chủ. “Văn học có nghĩa vụ thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, khêu gợi tinh thần dân chủ xã hội” (112). Chịu ảnh hưởng sâu nặng các đại văn hào Nga như Maxim Gorky và Leon Tolstoy trong khi tòng học tại Liên Xô cũ Lê Ngọc Trà xem văn học nói chung và văn học Việt Nam nói riêng là con đường cứu nguy dân tộc. Đoạn văn trích dẫn dưới đây—tiêu biểu nhất tư tưởng cũng như lòng yệu nước của Lê Ngọc Trà–đuợc viết ra ngay trước khi chính sách kiểm soát tư tưởng văn nghệ sĩ áp đặt trở lại, chứa đựng lời kêu gọi thống thiết phải trả tự do tư tưởng cho văn nghệ sĩ:
Dân chủ hóa quả thật là một trong những biện pháp sống còn để cứu đất nước thoát ra cảnh nghèo đói và lạc hậu…. Người ta còn sống bằng tự do, bằng văn học. Nhưng văn học và tự do không phải là một. Văn học vừa là bầu sửa nuôi dưỡng tinh thần dân chủ của xã hội, lại vừa là sản phẩm của quan niệm xã hội về dân chủ và tự do. Nghĩa là công cuộc dân chủ hóa sẽ phải trông vào cả hai phía: xã hội và văn học. [B] ằng tác phẩm nghệ thuật của mình, văn học hình thành cho xã hội ý thức dân chủ về con người, tức là quan niệm coi con người không phải chỉ là sản phẩm và phương tiện của lịch sử, một đốm lửa trong kiếp nhân gian, chỉ là hạt cát thầm lặng, một nét phác thảo mờ nhạt trong bức tranh hoành tráng về quần chúng, giai cấp, dân tộc, lịch sử, mà là một chủ thể sáng tạo, một cá nhân trong vô vàn sợi dây liên hệ với cộng đồng. (212-13)
Trách nhiệm to lớn nói trên một mình văn học không thể cán đáng. Cần phải có sự hỗ trợ của môt bộ môn liên quan mật thiết với văn học: đó là phê bình văn học. Văn học cần phải được hổ trợ bởi những nguyên tắc giá trị của phê bình văn học. Phương pháp phổ thông nhất được áp dụng ở Việt Nam là giảng văn, chứ không phải phê bình văn học chuyên môn. Ở Trung học và Đại học giáo viên dùng phương pháp giảng văn khi dạy những bản văn do Bộ Giáo dục qui định. Khi đuợc các cơ quan do nhà nước quản trị xử dụng, phê bình văn học loại này trở thành một công cụ phục vụ chính trị–một tác phẩm được khen ngợi nếu nó phục vụ đường lối của Đảng và bị lên án nếu trái với chủ trương của Đảng. Lê Ngọc Trà phê bình loại phê bình văn học do nhà nước kiểm soát này bởi vì những nguyên tắc và phương pháp thẩm định văn học của nó dựa trên những qui luật do nhà nước qui định. Ngoài những ngoại lệ hiếm hoi, chỉ có những đường lối phê bình thay vì các nhà phê bình, chỉ có những biểu trưng thay vì những tư tưởng quan trọng.
Có nhiều tương quan giữa phê bình văn học và văn học. Trong lúc nhà văn sáng tác vì lòng đam mê cái đẹp cũng như sự yêu thương và đau khổ vời cuộc đời thì nhà phê bình lập lại và nhấn mạnh những gì nhà văn đã viết. Như thế thông điệp của nhà văn được chuyển đến công chúng đến hai lần—độc giả tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm qua hành động đọc sách và một lần nữa qua nhận định tác phẩm của nhà phê bình. Lê Ngọc Trà gọi “sáng tác và phê bình văn học như hai tấm gương soi vào nhau.” Ông viết: “Nếu văn học là lương tâm của xã hội thì phê bình văn học là hành động tư vấn của văn học” (64). Nhà phê bình là đồng minh của nhà văn bởi vì không những họ ca ngợi những thành tựu của nhà văn mà còn thông hiểu những vấn đề của nhà văn như sự đau khổ, xót xa và cô đơn của con người. Nhà phê bình chuyển sự hiểu biết của họ đối với nhà văn đến quần chúng độc giả, giúp độc giả hiểu nhà văn hơn. Theo Lê Ngọc Trà, nhà phê bình giữ vai trò quan trọng trong việc “góp phần cải tạo hoặc nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, hướng dẫn người đọc tham gia vào quá trình sáng tạo nghệ thuật” (57). Ông giải thích:
[V] ì phê bình văn học cũng là văn học nên nó cũng trở thành đối tượng nhận thức và cảm thụ của độc giả. Công chúng vừa đọc tác phẩm vừa đọc phê bình về nó. Họ lắng nghe cuộc đối thoại vô hình hoặc trực tiếp giữa nhà văn và nhà phê bình, tự nghiền ngẫm, phán xét và tự làm phong phú kinh nghiệm sống của mình thông qua việc tiếp xúc với cả hai hình thức khác nhau của văn học. Không hiếm trường hợp bài phê bình mang lại cho người đọc nhiều chất đời, chất văn chương hơn là tác phẩm của nhà văn. (64)
Theo Lê Ngọc Trà, phê bình trung thực đòi hỏi xã hội phải có “dân chủ, không khí xã hội phải công khai, thành thật. Dân chủ xã hội không phải chỉ được thể chế thành quyền công dân, quyền tự do sáng tác và mà còn đòi hỏi phải thấm vào ý thức, vào cách nghĩ của mỗi người, kể cả các nhà lãnh đạo, nhà văn và nhà phê bình” (Lý luận 83). Quan trọng hơn hết, cái gọi là chế độ văn học “bao cấp” áp dụng cho văn nghệ và phê bình trong thời kỳ chiến tranh và trong những năm đầu sau khi chấm dứt chiến tranh phải được chấm dứt.
Trong bài viết năm 2008 nhan đề “Thế nào là xây dựng một nền lý luận văn học Việt Nam hiện đại?” Lê Ngọc Trà đưa ra một quan niệm mới về lý luận văn học. Theo ông, trong một xã hội hậu chiến đa dạng về mọi mặt—kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hoá, thông tin—văn học và lý luận văn học do chủ thuyết Mác Lê chỉ đạo không còn thích hợp nữa. Ông hô hào: “Các nhà lý luận văn học Việt Nam phải rà soát lại, làm mới lại, nhận thức và phương pháp nghiên cứu của mình. Phải làm mới, làm lại một cách căn bản, phải có sự thay đổi đáng kể về chất sau một thời gian dài thay đổi về lượng” (tác giả nhấn mạnh). Lý luận văn học thời “bao cấp” còn sót lại phải được thay thế bằng một “nền lý luận văn học hiện đại, đa dạng, nhiều trường phái.” “Nhiệm vụ của Lý luận văn học ở Việt Nam hôm nay,” Lê Ngọc Trà nhấn mạnh, “không phải chỉ đóng khung trong việc ‘đổi mới lý luận văn nghệ Mác-Lê nin và đường lối văn nghệ của Đảng’ mà phải xây dựng lại một hệ thống lý thuyết mới đặt cơ sở trên…việc thực tiển sáng tạo nghệ thuật hiện nay của dân tộc.”
Trong khi kêu gọi cải cách toàn bộ lý luận phê bình văn học Lê Ngọc Trà lưu ý không nên quá nô lệ vào những khuôn mẫu của nước ngoài. Ông đề nghị các phương pháp thích hợp sẽ đựợc dùng song song với phương pháp phê bình cổ truyền Á châu trong sự nghiên cứu văn hóa và văn học. Tương tự, những công trình nghiên cứu có giá trị về nghệ thuật và văn học Việt Nam phải được công nhận. Để đạt được mục đích này điều quan trọng nhất là phải có “một bầu không khí xã hội tự do, dân chủ, một môi trường học thuật lành mạnh, thuận lợi để phát triễn tài năng và cảm hứng sáng tạo.” Làm được như thế, Lê Ngọc Trà khẳng định, “sẽ nảy sinh những tác phẩm có giá trị, có tầm cở và trên cái nền ấy sẽ hình thành một đời sống lý luận-phê bình văn học phong phú, sôi nỗi, một nền lý luận văn học Việt Nam mà chúng ta mong đợi.” Kể từ giữa thập niên 1970 nhiều năm trước thời kỳ Đổi Mới Lê Ngọc Trà không ngừng kêu gọi phải có môt nền văn học và lý luận văn học mới ông mô tả như trên. Văn học không được xem thường, văn học đòi hỏi tất cả mọi người–chế độ, quần chúng, các nhà phê bình–một thái độ trân trọng vì văn học có thể cứu nguy dân tộc. Đó là lý do tại sao ông đề nghị một lý thuyết phê bình thật hấp dẫn và khả thi khi thưởng thức và nghiên cứu văn học. Chúng ta có thể thấy được lòng thiết tha và sự dấn thân miệt mài của ông đối với nền văn học mới này trong văn phong của ông, một văn phong nhiều khi xuất thần. Lê Ngọc Trà không những là một học giả, một nhà phê bình, mà còn là một nghệ sĩ.
Tài liệu tham khảo:
Lê Ngọc Trà. Lý luận và văn học. Tp. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ, 2005.
────────. “Thế nào la xây dựng một nền lý luận văn học Việt Nam hiện đại?” Tia Sáng. 12 tháng 2 năm 2009.
────────. Văn chương, thẩm mỹ và văn hóa. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007.
Phuong Hien Khanh. “Glasnost in Vietnam: Limits to Openness.” Indochina Report 25 (1990), 1-27.
*Chuyển ngữ từ bản tiếng Anh “Literature and Criticism: An Introduction to Lê Ngọc Trà’s Critical Writings.” http://schreiner.academia.edu/QuiPhietTran.
Home »
LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC
» Văn học và Phê bình văn học:Giới thiệu tư tưởng Lê Ngọc Trà*