Phạm Vĩnh Cư
Suy nghĩ và kiến nghị xung quanh vấn đề đổi mới lý luận văn học
(Tham luận đọc tại Hội thảo khoa học Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển do Viện Văn học tổ chức ngày 25.11.2004)
Trong Hội thảo khoa học Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển tại Viện Văn học (Hà Nội) ngày 25.11.2004, tham luận của nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư là một trong những tham luận tiêu điểm và được đặc biệt hoan nghênh. Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài tham luận này. Trong điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu một số tham luận khác của Hội thảo gây nhiều tiếng vang nêu trên.
I.talawas
Ðổi mới lý luận văn học, không nghi ngờ gì nữa, hiện nay đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách, không thể trì hoãn, đồng thời một nhu cầu nội tại bức thiết, một lợi ích sống còn của nền khoa học văn học vẫn còn non trẻ của chúng ta. Trong rất nhiều nguyên nhân chính trị, xã hội, văn hoá, khoa học-công nghệ, ở cấp quốc gia cũng như toàn cầu, hối thúc sự đổi mới ấy, chỉ xin dừng lại rất hời hợt ở ba nguyên nhân gần cận nhất, mang tính thực tại hiển nhiên, có thể nói thực tại sờ mó được:
- Nếu ở tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, các bộ môn nghiên cứu văn học, trong đó có lý luận văn học, bình đẳng hoàn toàn với nhau, không ai được trọng trọng vọng hơn ai, thì ở ta từ trước đến nay lý luận văn học vẫn luôn luôn được xem là một bộ phận có tầm quan trọng đặc biệt, một bộ môn “đầu não”, “chủ đạo” của toàn bộ khoa học văn học. Hơn tất cả các bộ môn khác, nó được các cấp lãnh đạo, quản lý văn hoá – văn nghệ đặc biệt quan tâm. Vì thế dễ hiểu là khi phát triển lành mạnh, năng sản, thì nó tác động tích cực, đơm hoa kết trái cho các bộ môn nghiên cứu văn học khác; nhưng khi trì trệ, giậm chân tại chỗ, vướng mắc trong những mâu thuẫn nội tại, thì nó kìm hãm bước tiến, thậm chí có thể làm tê liệt toàn bộ hoạt động nghiên cứu văn học. Những thí dụ về hai kiểu tác động trái ngược nhau như thế có thể tìm thấy khá nhiều trong lịch sử khoa học văn học Xôviết. Ở nước ta, từ ngày đổi mới, lý luận văn học không đứng nguyên tại chỗ, nó có những bước phát triển mới, nhưng chủ yếu về bề rộng chứ chưa phải về bề sâu; tuy vậy nhìn chung thì sự phát triển ấy còn chậm chạp và rụt rè, ngay so với văn học sử và phê bình văn học của ta (ở đây phải tính đến cả việc nghiên cứu, phê bình, giới thiệu văn học nước ngoài, trong những năm qua đã đạt được những bước tiến rất rõ rệt, mà hiệu quả xã hội của chúng còn chưa đo được). Hai bộ phận này của khoa học văn học nước ta, với những lực lượng hiện có, lẽ ra có thể tiến mạnh, tiến vững chắc hơn nữa, nếu một số vướng mắc thâm căn cố đế liên quan đến ý thức hệ được tháo gỡ. Những người nhận nhiệm vụ biên soạn phần hiện đại và đương đại trong bộ Lịch sử văn học Việt Nam do Viện Văn học chủ trì, có lẽ đương cảm nhận nhạy sắc hơn cả những vướng mắc ấy, mà chỉ có sự cương quyết đổi mới tư duy lý luận ở trong chính họ mới có thể tháo bỏ. Như vậy, không cải cách, không đổi mới, lý luận văn học sẽ tự đẩy mình ra ngoài những nhiệm vụ ngày một trọng đại mà nhà nước, xã hội giao phó cho ngành nghiên cứu văn học.
- Lý luận văn học ở ta, có thể nói, ghi trong tôn chỉ của mình là nó phải phát huy tác dụng định hướng, mách đường chỉ lối cho sáng tác văn học. Tham vọng ấy của nó là chính đáng và rất đáng hoan nghênh, nếu quả thực nó là nền lý luận đúng đắn, sâu sắc, tinh tế, sống động, bao quát và nhìn xa thấy rộng. Những lý luận (nói đúng hơn lý thuyết) văn học như thế – mà về một vài mẫu mực chúng tôi sẽ còn nói đến – có trong thực tế khoa học của thế kỷ vừa qua. Nhưng nếu nói đến lý luận văn học của ta thì – ở đây chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật – ảnh hưởng tác thành của nó đến thực tiễn sáng tác, đến sự ra đời của những thành tựu, những giá trị văn học mới (mà chỉ những thành tựu đích thực ấy, những chân giá trị ấy mới đáng được lý luận văn học nói đến, đáng được nó biến thành đối tượng khảo cứu, còn tất cả những gì xoàng xĩnh, mờ nhạt, thường thường bậc trung phải bị bỏ lại bên ngoài “mạn tầu” của nó – đây là điểm khác biệt về chức phận giữa lý luận với phê bình văn học) – những ảnh hưởng như thế còn rất hạn chế và, điều đáng buồn hơn, ngày một thu giảm. Nếu trước thời đổi mới còn có thể tìm thấy một chút ít tác động tương tự, thì ngày nay việc ấy đã trở nên bất khả. Cái thực tiễn sáng tác văn học hiện nay ở nước ta, theo quan sát của chúng tôi, đã rời xa nhiều quan điểm nền móng của lý luận hiện hành, thoát ly mọi quan hệ tương tác với nó, có thể nói, đã lặng lẽ ly hôn với nó. Mà một lý luận bị thực tiễn vượt qua và phớt lờ tất yếu biến thành cái tồn tại chỉ vì mình, chăm lo chỉ cho lợi ích của mình.
- Không thoả mãn với khả năng tác động đến thực tiễn sáng tác, nền lý luận văn học của chúng ta còn đặt ra cho mình những nhiệm vụ xã hội rộng lớn hơn, cụ thể là tác động trực tiếp đến công chúng độc giả thưởng thức văn học nghệ thuật, nhào nặn quá trình hình thành và phát triển thị hiếu văn học và thị hiếu thẩm mỹ nói chung nơi họ. Ðể đạt đích ấy, chúng ta đưa lý luận văn học vào chương trình giáo dục cấp phổ thông và dành cho nó một thời lượng rất đáng kể trong chương trình các khoa ngữ văn đại học tổng hợp và sư phạm [1] . Một lần nữa phải nói rằng chúng tôi xem những chủ trương và biện pháp ấy là cần thiết và không hề phản đối chúng. Tất cả vấn đề là chúng ta đạt được ở đây những hiệu quả như thế nào. Rõ ràng hiệu quả ấy còn xa, rất xa mới đáp ứng yêu cầu. Không cần đến những số liệu điều tra xã hội học, chỉ thông qua trải nghiệm của bản thân chúng ta và con em ruột thịt của chúng ta, đã có thể khẳng định rằng lý luận văn học, như nó được giảng dạy ở nhà trường hiện nay, là một trong những môn học kinh viện nhất, khô cứng nhất, ít kích thích nhất óc tìm tòi, sáng tạo nơi người học. Rất nhiều học sinh – sinh viên, trong đó có nhiều người thực sự say mê văn chương, chỉ học lý luận văn học một cách chiếu lệ hoặc đối phó, cốt để thi đỗ, rồi quên đi. Cái thường gây phản cảm cho người học hoặc người đọc ở các công trình lý luận của ta không chỉ là những lý thuyết kinh viện, xa rời thực tế, mà còn là cách đánh giá những tác phẩm văn học cụ thể – nó rất nhiều khi dựa vào những tiêu chí xa lạ với văn chương, thẩm mỹ, đi ngược lại sự thụ cảm tự nhiên, sống động của người thưởng thức văn chương có khiếu thẩm mỹ bẩm sinh. Ðể chuẩn bị phát biểu tại hội thảo này, tôi có xem qua cuốn Lý luận văn học khá đồ sộ, dành cho sinh viên các trường đại học sư phạm của ta, vừa mới được tái bản (NXB Giáo dục, 2004) và đã phải kinh ngạc đọc những lời phê phán gay gắt một trong những viên ngọc sáng của thơ trữ tình cổ điển Việt Nam – bài thơ Thăng long hoài cổ của bà Huyện Thanh Quan – xin dẫn nguyên văn: bài thơ này “phản ánh cuộc sống và tâm trạng của một số người nhỏ bé, xa lạ với vận mệnh của quần chúng nhân dân” và vì thế mà “không thể được đánh giá cao” (tr. 95). Cái lối bình phẩm văn chương “chính trị học” thô sơ, quay lưng lại mỹ học như thế, còn chưa được khắc phục trong nhiều sách lý luận văn học của ta, dẫn đến hệ quả là lý luận văn học tạo dựng nên cho mình một hệ giá trị riêng, nhiều phần xa lạ và đối lập với hệ giá trị của công chúng độc giả, mà trình độ học vấn mỗi ngày một tăng, khiếu thẩm mỹ không ngừng được trau dồi và nâng cao do họ được làm quen với rất nhiều thành tựu thiên hình vạn trạng của văn học, kể cả những tinh hoa của tư tưởng văn học – nghệ thuật của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Tình hình ấy làm nghiêm trọng thêm thế cô lập, lạc lõng của nền lý luận văn học hiện thời trong bối cảnh văn hóa nước nhà nhìn chung đương phát triển đa dạng, đa sắc.
II.
Công việc này, dĩ nhiên, không dễ dàng, đơn giản, nhưng nó không vượt quá sức chúng ta, chỉ cần chúng ta có quyết tâm cao và được phép làm. Nếu diễn đạt thật vắn tắt những yêu cầu chính yếu nhất đối với công việc đổi mới này, thì theo tôi có thể gói gọn chúng trong một câu ngắn: nâng cao tính khoa học của lý luận văn học. Tính khoa học là cái cần được quán triệt trước tiên, cần được tuân thủ nghiêm ngặt trong mọi công trình lý luận văn học sẽ được biên soạn. Nhà lý luận văn học phải tâm tâm niệm niệm rằng nhiệm vụ và vinh dự của anh ta là góp phần kiến tạo một khoa học văn học ở nước ta, khoa học văn học chứ không phải một cái gì khác, có thể gần gũi với nó, thí dụ, đường lối văn hoá – văn nghệ của Ðảng. Việc xây dựng đường lối ấy đã là nhiệm vụ của những cấp khác, họ sử dụng đến đâu những kết quả của nghiên cứu, tìm tòi khoa học – đó là quyền (liên đới với trách nhiệm) của họ. Cần phân định thật rạch ròi hai công việc này để ngăn chặn xu hướng đầu cơ chính trị trong nghiên cứu văn học. Liên quan chặt chẽ với việc này là việc tẩy trừ đến cùng khỏi tư duy lý luận văn học mọi biểu hiện quan phương, quyền uy – cái chất quan phương, quyền uy này nằm sâu lắm trong nền lý luận – phê bình văn nghệ của Liên Xô trước đây, mà chúng ta, cùng với các nước xã hội chủ nghĩa khác, đã tất yếu kế thừa ở mức độ này hay mức độ khác… Cơ sở tâm lý – xã hội của cách viết, cách diễn ngôn nặng áp đặt mà ít thuyết phục ấy – niềm tin đinh ninh rằng nắm được lý luận mácxít-lêninit, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử là đã nắm được chân lý ở cấp cuối cùng, đã cầm chắc trong tay một chià khoá vạn năng để giải quyết mọi vấn đề trên đời – cái cơ sở tâm lý – xã hội ấy giờ đã tan biến trước thực tại thế giới hoá ra phong phú và phức tạp hơn rất nhiều, với rất nhiều chiều kích còn chờ đợi được khám phá, rất nhiều quy luật còn là những ẩn số lớn đối với trí tuệ con người. Người học giả mácxít thời nay (mà nhà lý luận văn học ở nước ta là một con người như thế) không ngạo mạn đối lập mình, mà mừng vui cảm thấy mình cùng hội cùng thuyền với tất cả những người giống như anh ta đang tìm kiếm chân lý trên mọi nẻo đường tư duy và khảo cứu – thực nghiệm, mà cuộc tìm kiếm ấy có lẽ sẽ kéo dài vô tận và chẳng bao giờ kết thúc.
Ðể thực sự đổi mới lý luận văn học, thiết nghĩ trước tiên cần ý thức được hết và có can đảm thừa nhận cái khuyết điểm, cái mặt hạn chế chính của nền lý luận và phê bình hiện thời của chúng ta – nó ngự yên trên nhận thức mang tính cả tin giáo điều rằng tất cả các quy luật cơ bản của xã hội loài người, trong đó có các quy luật của văn học – nghệ thuật, đã được chúng ta khám phá xong xuôi hoàn tất. Những quan niệm phương pháp luận cũ, sơ lược, cứng nhắc, không bao quát được đối tượng trong lĩnh vực chung – khoa học xã hội và nhân văn và lĩnh vực riêng – nghiên cứu văn học – giờ đây phải được thay thế bằng những cách nhìn mới, đa phức, uyển chuyển, tôn trọng thực tế, kỹ lưỡng tối đa trong khảo cứu và cẩn trọng cao độ trong những khái quát và kết luận. Sự đại bại của một khái quát lớn quá vội vã – lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như là một giai đoạn mới, cao nhất của sự phát triển văn học – nghệ thuật thế giới – cho chúng ta thấy mồn một lý luận có thể xa rời và mâu thuẫn với thực tại đến mức độ nào, có thể trở thành một công việc vô bổ và lãng phí đến đâu, hơn thế nữa đã kéo theo những hậu quả xã hội tai hại như thế nào (chỉ cần nhớ đến số phận bi đát của những nhân tài không tán đồng lý thuyết ấy và, ngược lại, sự công thành danh toại, vinh hoa phú quý của nhiều kẻ bất tài phụ hoạ và cổ xuý cho nó ở Liên Xô trước đây [2] ). Học tập kinh nghiệm phản diện ấy, trong đổi mới và phát triển lý luận văn học chúng ta nên có tinh thần cầu thị và óc thực tiễn cao, biết tập trung sức vào những công việc cụ thể, bổ ích thiết thực cho sự trưởng thành của khoa học văn học của nước ta (mà nó có những nhu cầu, nhiệm vụ gần nhất không giống khoa nghiên cứu văn học ở Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc…) – tập trung vào những công việc đáng làm và làm được, noi theo lời khuyên của Lênin: Thà ít mà tốt.
III.
Nói cụ thể hơn, trong những công trình lý luận văn học sẽ được biên soạn, theo tôi chúng ta không nên bận tâm quá nhiều với những vấn đề chung đòi hỏi những khái quát rất rộng như bản chất đặc trưng của văn học, những quy luật (hay tính quy luật) phát triển của nó, mặc dù những vấn đề như thế tưởng chừng phải là nội dung chính của lý luận văn học. Ðể giải quyết thoả đáng những vấn đề như thế, phải xử lý những khối tư liệu khổng lồ (mà nhiều tư liệu hiện nay chưa có, khoa học chưa thu lượm được), phải phân tích, đúc kết những quan niệm, học thuyết mỹ – triết của tất cả các dân tộc, các nền văn minh đã và đang tồn tại trên thế giới, phải am tường lịch sử văn học – nghệ thuật của mọi quốc gia và khu vực, với tất cả những quan hệ tương tác rất đa dạng và đổi thay theo từng thời đại giữa văn chương với các loại hình nghệ thuật khác – điều này rõ ràng nằm ngoài khả năng hiện nay của chúng ta và ngay đối với khoa học thế giới nó cũng là một nhiệm vụ của tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà ngay ở những nước có khoa học văn học phát triển cao, người ta cũng đề cập đến những vấn đề ấy một cách rất dè dặt, rất có mức độ – cái này thể hiện rõ thí dụ trong cuốn sách Lý luận văn học nổi tiếng, được dịch ra nhiều ngoại ngữ của hai học giả Mỹ R. Wellek và A. Warren. Công trình này có thể làm thất vọng nhiều người mong muốn tìm thấy ở đấy giải đáp cho những câu hỏi to tát nhất, trọng yếu nhất về văn học: nó phát sinh từ đâu, những định tính phổ biến của nó là gì, nó đi về đâu và theo những đường hướng nào; với đa số những câu hỏi như thế, cuốn sách trả lời bằng một chữ: “không biết” hoặc “biết rất ít”. Nhưng cái “không biết” hoặc “biết rất ít” ấy lại hoá ra thông thái và trung thực, nó phản ánh hiện trạng của khoa học nhân văn thế giới đúng đắn hơn nhiều so với cái “biết, biết quá đi chứ” hay vang lên sang sảng trong nhiều sách lý luận của phe ta trước đây – cái “biết” ấy rất nhiều khi đồng nghĩa với sự lược giản thô sơ hoá đối tượng, cố tình nhắm mắt làm lơ trước tính cực kỳ phức tạp, đa chiều kích rất khó bao quát của nó. Quả thật, nếu nhìn nhận con người với thế giới tinh thần của nó, với những sản phẩm sáng tạo của nó chủ yếu và nhiều khi chuyên nhất dưới góc độ “tính xã hội”, mà xưa kia đây là phương pháp chung, nhất quán của chúng ta trong tất cả các khoa học nhân văn, thì không khó gì viết nên những bộ lý luận văn học tràng giang đại hải mà trong đó những phạm trù và khái niệm xã hội học thuần tuý, nhưng tuyệt không mang tính phổ quát, tính mọi nơi mọi thời như tính giai cấp, tính nhân dân, tính đảng của văn nghệ như là một hình thái ý thức xã hội, nằm trong thành phần của thượng tầng kiến trúc xã hội phản ánh hạ tầng cơ sở – những phạm trù và khái niệm ấy, chiếm giữ vị trí chủ đạo, tất yếu che khuất hoặc đẩy vào chỗ râm tối cái thuộc tính phổ biến duy nhất của văn chương – đó là tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ của nó, và cái thuộc tính quan trọng nhất, thường trực nhất ấy sẽ chỉ được dành cho chỗ đứng hạng chót (hay “áp chót”) trong những chức năng của văn học nghệ thuật [3] . Nhưng nếu quán triệt cái thuộc tính phổ biến duy nhất ấy của văn chương, thì người ta sẽ phải gắng sức tìm kiếm, xác định, mô tả, phân tích, phân loại những phương cách biểu hiện thiên hình vạn trạng của nó – đó là công việc chính, không dễ dàng tí nào của người nghiên cứu văn học, và nếu anh ta còn là nhà khoa học nhân văn nữa (mà tư chất ấy lại không thể thiếu ở anh ta, bởi vì, như tất cả chúng ta đều đồng tâm nhất trí, văn học là nhân học) thì anh ta không thể không tìm kiếm, xác định những mối quan hệ ẩn kín, không nằm trên mặt nổi giữa cái thẩm mỹ với những chiều kích bản thể khác của con người, mà trong đó tính xã hội chỉ là một chiều kích không chi phối tất cả, thậm chí không phải lúc nào cũng là quan trọng [4] . Khi ấy con người với văn học – nghệ thuật của nó sẽ hiện ra trước mắt nhà nghiên cứu như một hiện tượng kỳ vĩ và kỳ bí, không cho phép dán lên thân thể nó những nhãn hiệu – định nghĩa đơn sơ, thô thiển. Cũng đúng như vậy, nếu với niềm tin tiên nghiệm và giáo điều về “sức mạnh vô tận của trí tuệ con người” (một huyền thoại phản khoa học từ đầu đến cuối!) người ta quyết tâm tìm ra bằng được những quy luật phát triển của văn học, đi từ quá khứ qua hiện tại vào tương lai, thì người ta dễ ngộ nhận cái ước muốn là cái có thực, cái ngẫu nhiên là cái tất yếu, cái nhất thời là cái vĩnh viễn, cái ngày mai là sự tiếp tục đơn thuần cái hôm nay. Nhưng nếu chúng ta thấu triệt nhận thức khoa học về tính hữu hạn của trí tuệ con người, thể hiện đặc biệt rõ nét trong những ức đoán, dự báo của nó về tương lai, thì ta sẽ đặc biệt thận trọng trong những “quy hoạch dài hạn” cho văn chương – nghệ thuật, nói đúng hơn, không cho phép mình làm việc ấy, xem là bất khả và vô lối tiên định cái mà về bản chất mang tính tự do, tính “mở”.
IV.
Như vậy, vì lợi ích tính khoa học của chính mình, lý luận văn học phải tự giới hạn bằng quá khứ và hiện tại của văn học, tức là có khuôn khổ thời gian thống nhất với lịch sử văn học. Nhưng yêu cầu thống nhất ấy không dừng lại ở đây. Nếu trung thành với hiện thực cuộc sống là phẩm chất đáng đề cao nhưng không bắt buộc của văn học, thì trung thành với hiện thực của văn học lại là cái không thể thiếu ở lý luận văn học. Nó không được cố ý xuyên tạc lịch sử văn học đã đành (mặc dù những xuyên tạc như thế đã từng xảy ra [5] ), nhưng điều thiết yếu hơn, nó không được nhầm lẫn quy mô của những hiện tượng và quá trình văn học, xem xét, kiến giải như là cái phổ biến những hiện tượng, quá trình mang tính cục bộ, và ngược lại, không nhận thấy hay khu biệt hoá cái có phạm vi toàn cầu. Về phương diện này, một vi phạm nguyên tắc điển hình là sự chế tác và ứng dụng phạm trù “phương pháp sáng tác” trong lý luận văn học – nghệ thuật Xôviết – phạm trù này, cùng với những lối ứng dụng nó, đã được tiếp thu thiếu tinh thần phê phán cần thiết ở ta. Như mọi người đều biết, thuật ngữ “phương pháp sáng tác” lần đầu tiên xuất hiện ở Liên Xô vào đầu những năm 30 thế kỷ trước, cùng lúc với khái niệm “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, như một định ngữ của cái sau. Lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một phương pháp sáng tác mới, thống nhất cho văn học – nghệ thuật của tất cả các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, như đã nói, vấp phải sự phản đối sâu rộng và bền bỉ của rất nhiều người sáng tác và làm khoa học có tài và biết độc lập suy nghĩ trước tiên ở Liên Xô. Nhưng cái đó đã không làm bối rối các tác giả và những người cổ xuý lý thuyết ấy. Khái niệm “phương pháp sáng tác”, với nội hàm vốn rất khả nghi, mang trong mình nhiều sự chồng chéo, không ăn khớp nội tại, được triển khai một cách khiên cưỡng sang mọi trào lưu, trường phái sáng tác văn học – nghệ thuật trong quá khứ và hiện tại, với nhiều định nghĩa, giải thích, phân loại mang tính hư tạo, gò ép, áp đặt. Chẳng hạn, toàn bộ nền văn học hiện thực thế kỷ XIX, rất khác nhau ở những nước như Nga, Pháp, Anh, Bắc Âu, được gộp vào một rọ, dán cho một nhãn chung: “chủ nghĩa hiện thực phê phán”. Dòng văn học lãng mạn thì bị bổ đôi thành “lãng mạn tiến bộ” (hay “tích cực”) và “lãng mạn phản động” (hay “tiêu cực”). Theo phép loại suy với các hình thái kinh tế – xã hội, các phương pháp sáng tác khác nhau ấy được xem như là những giai đoạn khác nhau của một tiến trình văn học thống nhất, cuối cùng dẫn đến sự ra đời và ưu thắng của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Khái niệm “phương pháp sáng tác” bằng cách ấy biến thành một phạm trù phổ biến của lý luận và lịch sử văn học – nghệ thuật toàn thế giới. Có điều, khi tạo tác ra phạm trù này, người ta thản nhiên tự hạn chế trường nhìn của mình trong khu vực châu Âu (tức là một cách lộ liễu sa vào chủ nghĩa “lấy châu Âu làm trung tâm”), mà ngay ở châu Âu, người ta cũng nhìn hồi cố không xa hơn thế kỷ XVII, không xa hơn chủ nghĩa cổ điển, không khảo cứu kỹ lưỡng, tận tường văn học Phục Hưng rất được đề cao do nó được Marx – Engels tán thưởng, bởi vì nếu làm việc ấy, người ta sẽ vấp phải một hiện tượng sẽ làm đổ nhào mọi kết cấu lý thuyết của chính họ. Chúng tôi nói đến dòng hay tuyến sáng tác văn học huyền thoại – kỳ ảo, được đại diện trong văn học Phục Hưng bằng những nhân vật cự phách như Ariosto ở Italia, Rabelais [6] ở Pháp, Spenser ở Anh, dòng sáng tác này kế thừa truyền thống ngàn đời của văn học cổ đại, trung đại rồi chuyển giao nó, như trong một cuộc chạy tiếp sức, cho văn học baroc, văn học lãng mạn và cuối cùng văn học hiện đại và hậu hiện đại. Như vậy, đây mới là hiện tượng phổ biến của văn học thế giới, có mặt ở phương Tây cũng như phương Ðông (ở phương Ðông còn đậm nét hơn phương Tây), từ thượng cổ cho đến ngày nay, khác với chủ nghĩa hiện thực cổ điển châu Âu mà một thời người ta muốn tuyệt đối hoá và điển phạm hoá, biến nó thành bệ phóng thống nhất cho văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa thế giới. Ðề cao một chiều chủ nghĩa hiện thực, người ta nhắm mắt làm lơ trước hiện thực là phương pháp huyền thoại – kỳ ảo có mặt trong sáng tác của nhiều nhà văn hiện thực chủ nghĩa vĩ đại nhất (Balzac, Gogol, Dostoievski…). Người ta tổ chức những hội thảo toàn quốc và quốc tế, cố tìm ra cho được chủ nghĩa hiện thực trong văn học cổ phương Ðông, khiến Viện sĩ N.I. Konrad phải cất tiếng nói uốn nắn và cảnh tỉnh, nhưng những lời chí lý của nhà khoa học lão thành này cũng không được để ý đúng mức [7] . Trong khi ấy thì bất cứ ai không bị những sáo ngữ ý thức hệ ám ảnh cũng đều thấy rõ như ban ngày rằng do sự phong phú phức tạp vô cùng vô tận của thế giới và con người, đối với chúng, cần có và luôn luôn có rất nhiều phương cách chiếm lĩnh thẩm mỹ – nghệ thuật khác nhau, không có phương cách nào là toàn năng, chúng có thể đấu tranh với nhau nhưng cũng rất hay cùng tồn tại bổ khuyết cho nhau (nhiều khi trong sáng tác, thậm chí trong nội bộ một tác phẩm, của một nghệ sĩ), tạo nên sự phong phú, sống động muôn màu muôn vẻ đáng quý trọng của văn học nghệ thuật thế giới. Phạm trù “phương pháp sáng tác” trong quan hệ với “tiến trình văn học” (lại một khái niệm không chính xác nữa!), như chúng được trình bày trong lý luận văn học của phe ta trước đây và của nước ta hiện nay, theo tôi cần phải được xem lại tận gốc, lấy lịch sử văn học thế giới làm cơ sở và tiêu chí đánh giá – cái này là điều kiện nhất quyết, bởi vì không có lý luận văn học dân tộc – quốc gia hoặc khu vực – chính thể, mọi lý luận đều mang hoặc hướng tới tính phổ quát. Cho nên thực ra chỉ có lịch sử văn học thế giới trong nghiên cứu so sánh mới đem lại cứ liệu hoàn toàn đáng tin cậy cho những khái quát, kết luận của lý luận văn học. Nếu quả thật có những quy luật hay tính quy luật của phát triển văn học, thì chúng phải được phát hiện bằng những phương thức tinh vi hơn, sâu rộng hơn rất nhiều sự mô tả riêng rẽ các “phương pháp sáng tác”. Khác với phạm trù phong cách trong nghệ thuật học, phạm trù “phương pháp sáng tác” trong lý luận văn học còn rất xa mới nắm bắt được đối tượng trong quá trình phát triển sống động của nó [8] . (Xin mở một ngoặc đơn: cũng tính bất túc, hẹp hòi, khiên cưỡng ấy hiện ra quá lộ liễu ở những phạm trù “tính giai cấp”, “tính đảng” – chúng chỉ quan hệ với một bộ phận nhỏ và chóng tan vỡ của văn học thế giới và không mang một tí quy luật tính nào đối với toàn bộ lịch sử phát triển của nó. Về điều nay lẽ ra đã không cần phải nói, nếu những phạm trù trên không tiếp tục được thuyết giảng dài dòng trong những sách lý luận giáo khoa của ta hiện nay). Trở lại với những “phương pháp sáng tác”, ta thấy đằng sau chúng bao giờ cũng là những trào lưu, trường phái văn nghệ khác nhau, chúng xuất hiện chưa lâu lắm trong lịch sử và sự đấu tranh ồn ào của chúng trong thế giới ngay nay nhiều khi bị chi phối bởi nhu cầu thời thượng, nhu cầu tự quảng cáo, tức là bởi những động cơ phi nghệ thuật (chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đáng tiếc, thuộc về những trào lưu sáng tác quảng cáo cho mình nhiều nhất nhưng lại đạt được những thành tựu nghệ thuật khiêm tốn nhất). Quá nhiều những hiện tượng lớn đứng ngoài các trào lưu, trường phái hoặc bằng thực tiễn sáng tác của mình vượt quá, phá vỡ lý thuyết của chúng (thí dụ, Kafka, Proust, Faulkner, hay Platonov và Sholokhov với Sông Ðông êm đềm, nếu chỉ nói đến văn học hiện đại). Nếu sự đấu tranh và thay thế nhau của các trào lưu, trường phái thuyết minh cho một quy luật phát triển nào đó của văn học – nghệ thuật, thì đó là quy luật dã được phát hiện bằng những khảo cứu lịch sử nghiêm túc về sự gia tăng không ngừng vai trò của yếu tố sáng tạo cá nhân, hệ quả là trong các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện đại công chúng thưởng thức luôn luôn đòi hỏi cái mới, cái độc đáo, và người nghệ sĩ bắt buộc phải không ngừng tìm kiếm và thể hiện cái mới, cái độc đáo trong sáng tác của mình. Nhà văn Nga L. Leonov đã diễn đạt đúng cái yêu cầu khắc nghiệt ấy của thời hiện đại: “Mỗi một tác phẩm văn học phải là một phát hiện về nội dung và một sáng chế về hình thức”. Theo tôi, sẽ là rất bổ ích nếu các nhà nghiên cứu văn học nước nhà kiểm nghiệm lại quy luật nói trên bằng tư liệu của văn học Việt Nam đương đại, để xác định nó đã đạt được tính hiện đại đến đâu.
V.
Từ những gì đã nói, thiết nghĩ có thể hình dung được những trọng tâm khả thi của công việc đổi mới lý luận văn học ở ta trong những năm tới. Bảo lưu và phát triển những gì đúng đắn hiện có trong nền lý luận của chúng ta và cương quyết giã từ những gì không tương thích với hiện thực văn học thế giới và nước nhà, không quá bận tâm với những vấn đề còn bất cập đối với khoa học của cả thế giới, nhưng cố gắng tiếp thu sáng tạo những thành tựu của nó, không cầu toàn, không theo đuổi tính hệ thống quy mô (vì tính hệ thống quy mô ấy luôn luôn có mặt trái của nó – đó là tính lược giản khiên cưỡng), chúng ta đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu lý luận theo hướng xây dựng một khoa học về nghệ thuật ngôn từ – một công việc mà tính hợp lý và hợp đích không thể gây tranh cãi. Cái khoa học về nghệ thuật ngôn từ ấy đương nhiên sẽ chú trọng hơn cả, đưa lên vị trí hàng đầu, trong mọi trường hợp ưu tiên soi sáng bình diện nghệ thuật – thẩm mỹ của văn chương – cái đặc tính cơ bản khu biệt nó với mọi hoạt động nói và viết khác của con người; nó sẽ quán triệt tiêu chí thẩm mỹ như là tiêu chí chủ đạo trong việc bình phẩm, đánh giá mọi sản phẩm văn chương, xem cái thẩm mỹ, chứ không phải một cái gì khác (thí dụ cái vẫn quen được gọi là “nội dung tư tưởng”, là tín hiệu xác thực, đáng tin cậy hơn cả về sự tồn tại của một giá trị văn học. Lý luận văn học như một bộ phận của khoa học về nghệ thuật ngôn từ sẽ luôn cảm thấy mình là một bộ phận hữu cơ của mỹ học triết học được hiểu như là khoa học về cái đẹp và về những phương cách làm ra cái đẹp trong nghệ thuật; quan hệ khăng khít với mỹ học triết học sẽ mở ra vô số lối liên thông đa chiều giữa khoa học văn học với hiện thực ngoài văn học, giữa khoa học văn học với các khoa học nhân văn khác. Tiếp theo, khoa học về nghệ thuật ngôn từ sẽ quan tâm đặc biệt đến chất liệu của nó – ngôn từ, cái chất liệu rất đặc thù, hoàn toàn không vô nội dung, không “trung tính” như chất liệu của các nghệ thuật khác, mà mang sẵn trong mình vô lượng hàm nghĩa, vô lượng mã văn hoá – lịch sử ẩn chứa tầng tầng lớp lớp dưới vỏ âm thanh (và cả văn tự) của các từ và tổ từ – mà cái vỏ ấy đến lượt nó cũng lại nặng trĩu ý nghĩa văn hoá – thẩm mỹ. Nhưng ngôn từ được tổ chức một cách nghệ thuật theo ý đồ sáng tạo của người nghệ sĩ chỉ là một dạng thức tồn tại của ngôn ngữ như là môi sinh tinh thần của con người (“ngôi nhà của hữu thể”, theo định thức của Heidegger), như là trung gian sống động giữa nó với thế giới mà nó cảm thụ và nhận thức – trung gian ấy, môi sinh ấy là một bản thể tồn tại và phát triển theo những quy luật không phụ thuộc vào ý chí của con người, và người nghệ sĩ ngôn từ nhạy sắc hơn ai hết cảm thấy mình không chỉ là chủ thể sử dụng ngôn ngữ, mà còn như một giá mang, một khí cụ của ngôn ngữ. Phân tích cấu trúc của các văn bản nghệ thuật làm hiển lộ tất cả các kiểu quan hệ lệ thuộc đa phức giữa nhà văn và ngôn ngữ – chúng có những nét vừa giống vừa rất khác quan hệ giữa nghệ sĩ với chất liệu trong những nghệ thuật khác. Việc nghiên cứu cấu trúc văn bản nghệ thuật là một phần của công việc nghiên cứu cấu trúc nội tại, những cơ chế vận hành và tác động của văn học như một chỉnh thể – cái có tên gọi quen thuộc thi pháp học. Trong nhiều tài liệu của phương Tây và cả của Nga những năm 20 thế kỷ trước thi pháp học được đồng nhất với lý luận văn học [9] . Ðây không phải là biểu hiện của chủ nghĩa hình thức trong nghiên cứu văn học, mà chỉ là sự hiểu rộng một cách chính đáng những nhiệm vụ của thi pháp học và vai trò của nó đối với sự hình thành khoa học văn học. Về vấn đề này có lẽ không cần nói dài hơn do vị trí thích đáng mà thi pháp học đã giành được trong khoa nghiên cứu văn học của ta hiện nay. Nhưng trên trường quốc tế do sự phát triển ồ ạt trong thế kỷ qua đã hình thành nhiều kiểu thi pháp học khác nhau mà giữa chúng, chúng ta cần định hướng, cần xác định những kiểu nào nên “kinh nhi viễn chi” vì chúng thực ra không bổ ích lắm cho khoa học văn học và những kiểu nào thực sự mở ra những chân trời xa rộng cho tư duy lý luận văn học, vì thế xứng đáng được ta quan tâm nghiên cứu học tập. Theo thiển kiến của cá nhân tôi, nên “kính nhi viễn chi” kiểu thi pháp học thuần tuý hình thức, mặc dù nó được đại diện bằng nhiều tên tuổi lừng lẫy, từ Shklovski đến Todorov và nó cho ta những mẫu mực về sự phân tích, mô tả chính xác so sánh được với tính chính xác của khoa học tự nhiên. Nhưng một sự chính xác đạt được bằng sự tự giới hạn nghiêm ngặt trong khuôn khổ văn bản, thoát ly mọi quan hệ giữa văn bản với hiện thực ngoài văn bản tất yếu làm nghèo nàn và khô cứng tác phẩm văn học được khảo cứu, như ta có thể thấy thí dụ qua hai bài nghiên cứu rất công phu: “Chiếc áo khoác” được làm như thế nào của B. Eikhenbaum và “Những con mèo” của Charles Baudelaire của R. Jakobson và C. Lévi-Strauss (cả hai đã đều được dịch ra tiếng Việt) [10] . Khoa học văn học, thiết nghĩ, cần một tính chính xác khác, không nghèo nàn và khô cứng hoá tác phẩm văn học, mà giúp người đọc cảm thụ hết cái đẹp, cái hay của tác phẩm, thâm nhập vào tất cả những chiều sâu ý tứ của nó, nhận ra những lối liên thông sâu kín giữa nó với thế giới bao la và vô đáy của văn hoá loài người, qua đó mà nhận thức sâu hơn chính mình, với những chiều kích bản thể của mình. Tính chính xác làm giàu và khơi sâu ấy có dồi dào trong những công trình thi pháp học mở về phía mỹ học và triết học nhân bản, trong đó có lẽ trước hết phải nhắc đến những trước tác của Bakhtin – không phải ngẫu nhiên mà di sản không đồ sộ về khối lượng của ông thu hút sự quan tâm sâu rộng đến thế của cả thế giới khoa học nhân văn, khiến ta có đầy đủ cơ sở nói về sự tồn tại một bộ môn “Bakhtin học” có quy mô toàn cầu [11] . Ðiều có khi còn đáng để ý hơn là những lý thuyết của Bakhtin về tiếng cười carnaval và hình tượng nghịch dị, về tiểu thuyết phức điệu và bản chất đối thoại của tư duy con người đã và đang ảnh hưởng mạnh đến thực tiễn sáng tác văn học ở nhiều nước trên thế giới – về thực tại này có những công nhận trực tiếp của những nhà văn lớn đương đại như Kenzaburo Oe ở Nhật, Umberto Eco ở ý, Milan Kundera (gốc Tiệp). Ðáng lưu ý nữa là cả ba văn sĩ lớn này cũng đồng thời là những học giả, những nhà lý luận-phê bình văn học – phải chăng đó là dấu chỉ về khuynh hướng hội nhập nhất thể hoá giữa nghiên cứu và sáng tác trong văn học thế giới hôm nay? Ở ta, do sự ly hôn nói trên giữa lý luận và thực tiễn sáng tác, khuynh hướng này hình như chưa được các nhà văn ta lưu tâm. Một thí dụ nữa về ảnh hưởng tác thành của lý luận tới thực tiễn văn học là tác động cũng được thừa nhận của triết học ngôn ngữ của Heidegger (ông cũng là nhà nghiên cứu phê bình văn học) đến sáng tác của nhiều nhà thơ hiện đại, trong đó có nhà thơ Nga lớn Iosif Brodski.
VI.
Do tầm quan trọng hiển nhiên của yếu tố phương pháp đối với sự trưởng thành của nghiên cứu văn học như một khoa học, lý luận văn học còn được định nghĩa như là “tập hợp của các phương pháp khoa học” [12] . Ðể đổi mới lý luận văn học, đương nhiên cần phải từ bỏ những phương pháp lỗi thời, phi và phản khoa học và trang bị cho mình những phương pháp tiên tiến, hữu hiệu, có tính khoa học cao. Ðể làm được việc này chúng ta tất yếu phải nghiên cứu học tập kinh nghiệm thế giới. Nhưng cục diện của khoa học văn học trong thế giới ngày nay cho chúng ta một bức tranh khá rắm rối, phức tạp, rất xa với sự thẳng tắp tiến về phía trước. Ở phương Tây, người ta nói nhiều về “sự khủng hoảng của nghiên cứu văn học”, “sự đánh mất đối tượng nghiên cứu” và ngay cả “chủ trương nghiên cứu” [13] . Tình hình này là hệ quả trực tiếp của sự có nhiều đến dư thừa những phương pháp, lý thuyết, hệ quan niệm do các học giả và các trường phái học thuật cạnh tranh với nhau tung ra, mà không trường phái nào địch được trường phái nào, không trường phái nào chứng tỏ được sự toàn năng của mình trước đối tượng. Sự bế tắc trong phong phú ấy là nét đặc thù của đời sống khoa học phương Tây, khác với sự bế tắc trong nghèo nàn của ta. Ðể thoát khỏi sự bế tắc trong nghèo nàn ấy (còn bế tắc trong phong phú thì có lẽ còn lâu mới đe dọa chúng ta) thiết nghĩ rất nên khuyến khích sự ra đời ở ta những nhóm phái học thuật khác nhau, trong đó có những nhóm phái lý luận văn học, mỗi nhóm phái sẽ cố gắng xây dựng phương pháp và phương pháp luận theo những chí hướng học thuật của mình, tiếp thụ của nước ngoài những gì phù hợp với những chí hướng ấy; sự tiếp thụ như thế ngay từ đầu sẽ mang tính chủ động, tính sáng tạo gạn đục khơi trong và tính chuyên sâu – điều mà chưa thể nói được về những công trình phê phán hay khảo tả những trường phái lý luận – phê bình nước ngoài ở ta hiện nay.
Có một vấn đề nữa là vấn đề quan hệ giữa các phương pháp nghiên cứu cũ và mới, cổ điển và hiện đại. Sống trong “kỷ nguyên của cái thời thượng”, mà cái thời thượng thâm nhập cả vào khoa học, con người hiện đại dễ bị cám dỗ bởi cái tân kỳ khác lạ, được nhiều người để ý, đồng nhất nó với chân lý khoa học và xem thường cái truyền thống, cái cổ điển, đồng nhất nó với cái lạc hậu, lỗi thời. Nhưng trong khoa học nhân văn chân chính, cũng như trong văn hoá và khác với trong khoa học tự nhiên, vận hành quy luật tích luỹ các giá trị, ở đây cái mới không xoá bỏ và không thay thế, mà bổ khuyết cho cái cũ, để đến lượt mình được bổ khuyết bằng cái mới hơn. Ý thức được điều đó, chúng ta sẽ quan tâm học tập, tiếp thu sáng tạo, biến thành của mình những thành tựu của khoa học văn học cả hiện đại lẫn cổ điển, nhất là bởi vì cái khoa học kiểu cổ điển, giàu tính nhân văn ấy vẫn sống, vẫn đơm hoa kết trái, chưa vắt kiệt những khả năng của mình – chỉ cần nhắc đến những tên tuổi làm vinh dự cho khoa nghiên cứu văn học trong thế kỷ qua như Bakhtin, Konrad, Auerbach, Likhachev, Averintsev… Sự tiếp thu đầy đủ di sản của các nhà khoa học lớn, rất có bản lĩnh ấy [14] có khi lại là công việc hữu lợi thiết thực hơn cả cho việc đổi mới lý luận văn học ở ta.
VII.
Cuối cùng xin đề xuất ba kiến nghị cụ thể:
- Trong tình hình hiện nay, nên bắt đầu công việc đổi mới lý luận văn học bằng việc giao cho các nhóm nhà khoa học có tư tưởng học thuật khác nhau biên soạn những cuốn (hay bộ) lý luận văn học theo những đề cương khác nhau, sau đó tổ chức thảo luận công khai.
- Ðể theo kịp thế giới trong tương lai không quá xa, nhất thiết phải đẩy mạnh không ngừng việc dịch thuật và in ra tiếng Việt tất cả các công trình tiêu biểu của khoa học văn học thế giới. Ở ta trong vài năm gần đây công việc này đã bắt đầu được quan tâm, nhưng chưa làm được bao nhiêu, chất lượng các bản dịch nhìn chung còn chưa cao do lao động dịch thuật còn chưa được xã hội trọng vọng và đãi ngộ thoả đáng. Trong khi đó thì, như tôi được biết, một nước nhỏ như Hungary hiện nay hàng năm dịch ra tiếng nước mình một khối lượng sách khoa học xã hội và nhân văn bằng cả nước Nga hai trăm triệu dân, mà nước Nga thời hậu Xôviết thì hàng năm dịch và in loại thư tịch này nhiều hơn gấp hàng chục lần so với thời Xôviết [15] . Chỉ bằng cách ấy các quốc gia hiện đại dù to hay nhỏ mới đồng bước được với nhau trong khoa học. Theo tôi, trong các chương trình mục tiêu cấp nhà nước mà ở ta hiện nay đương thực hiện khá nhiều, nhất thiết cần có một chương trình dịch thuật và xuất bản Tủ sách khoa học xã hội và nhân văn thế giới, trong đó đương nhiên có phần khoa học văn học.
- Trong cơ cấu khoa nghiên cứu văn học ở nước ta còn thiếu hẳn một bộ môn mà không có nó thì các bộ môn khác, trong đó có lý luận văn học, không phát triển lành mạnh được – đó là xã hội học văn học. Về nội dung bộ môn này thiết nghĩ khỏi phải thuyết trình. Bộ môn này trước đây không được xây dựng ở Liên Xô cùng các nước anh em khác vì những lý do dễ hiểu. Có xã hội học văn học – nghệ thuật phát triển thì người ta đã không lãnh đạo, quản lý được văn hoá – văn nghệ bằng những phương pháp quan liêu – mệnh lệnh, đã không đưa lên ngôi được bằng ấy nguỵ giá trị và phỉ báng, giấu kín bằng ấy chân giá trị được sáng tạo ở trong và ngoài nước. Nhưng cục diện thế giới đã đổi thay từ lâu. Ðời sống văn hoá – văn nghệ ở nước ta, đã được dân chủ hoá một cách đáng kể, cần được dân chủ hoá đến cùng. Ðó cũng là điều kiện tiên quyết cho cho sự đổi mới thực sự lý luận văn học. Thiết nghĩ, một trong những biện pháp thiết yếu cần tiến hành ngay là đưa xã hội học văn học vào trong chương trình môn nghiên cứu văn học ở các trường đại học và thành lập ở Viện Văn học một ban chuyên môn tương ứng.
Hà Nội, tháng Mười Một 2004
© 2005 talawas
Xem thêm một số tham luận của Hội thảo ngày 25.11.2004:
Trần Ngọc Vương
Nhận thức lại về nhu cầu và khả năng phát triển tri thức lý luận trên các bình diện khác nhau của đời sống văn học ở Việt Nam ngày nay, talawas 29.11.2004
Nguyễn Khoa Điềm
Vươn tới những thành tựu lý luận mang tính khoa học và nhân văn, eVăn 02.12.2004
Hoàng Ngọc Hiến
Thế kỉ XX: Từ chủ nghĩa hiện đại đến “chủ nghĩa cổ điển mới”, talawas 08.12.2004
[1]Như chúng tôi được biết, trong chương trình Khoa văn Ðại học sư phạm Hà Nội, môn lý luận văn học chiếm 180 tiết, trong khi ấy thì toàn bộ môn văn học nước ngoài chỉ chiếm 280 tiết.
[2]Ở Liên Xô (cũ) một thời người ta tranh luận sôi nổi có hay không chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong kiến trúc, và những người đã “chứng minh” được là có trở thành những tiến sĩ và viện sĩ kiến trúc.
[3]Trong sách giáo khoa lý luận văn học đã được nói tới (NXB Giáo dục, 2004), chức năng thẩm mỹ của văn nghệ vẫn được xếp ở vị trí thứ ba, sau hai chức năng nhận thức và giáo dục. Trong khi ấy thì quá rõ là nếu văn nghệ thực hiện được chức năng giáo dục hay nhận thức, thì chỉ nhờ phẩm chất thẩm mỹ của mình.
[4]Wellek và Warren nhận xét đúng: “Có thứ văn học vĩ đại quan hệ lỏng lẻo với xã hội, thậm chí hoàn toàn không quan hệ, văn học mang tính xã hội chỉ là một dạng thức văn học và trong lý luận văn học nó phải chiếm giữ vị trí khiêm tốn”. (R. Wellek và A. Warren. Lý luận văn học. Bản dịch tiếng Nga. Moskva, 1978, tr. 124). Nhà lịch sử văn học nào cũng có thể nhận thực quan điểm này.
[5]Thí dụ, trong lịch sử văn học Nga, bị câu thúc bởi lý luận về “tiến trình văn học”, các học giả Xôviết viết về sự “chiến thắng” của chủ nghĩa hiện thực đối với chủ nghĩa lãng mạn từ những năm 40 thế kỷ XIX, trong khi ấy thì trong thực tế hai dòng văn học này vẫn tồn tại song song, thậm chí sang đầu thế kỷ XX, văn học tân lãng mạn (chủ nghĩa tượng trưng) đã vượt lên hàng đầu.
[6]Không phải ngẫu nhiên mà công trình kinh điển của Bakhtin về Rabelais, trong đó ông đã xác lập cơ sở lý thuyết cho kiểu sáng tác huyền thoại – nghịch dị, chỉ được in ở Liên Xô (cũ) 25 năm sau khi nó được viết.
[7]Konrad nói cụ thể như sau: “Không được quên rằng văn học hướng tới hiện thực một cách hữu thức chỉ là một tuyến trong lịch sử văn học thế giới. Còn có nhiều tuyến khác, có hẳn những thời đại, khi mà chính ở những tuyến ấy đã đạt được những thành tựu cao nhất của thiên tài con người, khi mà chính những tuyến ấy dẫn dắt loài người lên phía trước. Cho rằng chỉ có văn học hiện thực chủ nghĩa mới đóng một vai trò như thế trong quá khứ cũng là sự thoát ly lịch sử cụ thể như là việc áp dụng không có đính chính nào cả vào văn chương thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực” – I.N. Konrad. Phương Tây và phương Ðông. Moskva, 1966, tr. 389 (tiếng Nga).
[8]Trong lịch sử nghệ thuật châu Âu, các nhà nghiên cứu thống nhất phân biệt những phong cách lớn thay thế nhau sau đây: a) Thời cổ đại: phong cách cổ sơ, phong cách cổ điển, phong cách hậu cổ điển (thời kỳ Hy Lạp hoá – La Mã); b) Thời trung đại: các phong cách rôman, gotic, Phục Hưng, baroc, cổ điển chủ nghĩa; c) Thời mới: Rococco, lãng mạn, hiện thực, ấn tượng, biểu hiện, siêu thực v.v..
[9]Xem mục từ Thi pháp học (Poétique) trong Encyclopaedia Universalis; ở Nga, Bakhtin (dưới bút danh P. Medvedev) trong công trình Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học (1928) xác định thành phần khoa học văn học gồm có: thi pháp học lý thuyết, thi pháp học lịch sử, lịch sử văn học.
[10]Xem: Nghệ thuật như là thủ pháp. Lý thuyết chủ nghĩa hình thức Nga, NXB Hội nhà văn, 2001, tr. 317 – 352, và: Trịnh Bá Ðĩnh. Thuyết cấu trúc trong văn học. NXB văn học, 2002. Về bài nghiên cứu của Eikhenbaum xem kỹ hơn: Phạm Vĩnh Cư. Sáng tạo và giao lưu. Tiểu luận và phê bình văn học. NXB Hội nhà văn , 2004, tr. 353 – 355.
[11]Ở Anh, có hẳn Viện nghiên cứu Bakhtin thuộc trường Ðại học Cambridge.
[12]Xem Wallek và Warren. Sách đã dẫn, tr 36.
[13]Xem tạp chí Những vấn đề văn học (tiếng Nga), No 5, 2004, tr. 115-120.
[14]Tất cả họ đều am tường các trường phái nghiên cứu hiện đại nhưng hữu thức đi theo con đường của khoa học nhân văn cổ điển, vì tính nhân văn của nó.
[15]Xem tạp chí Quan sát văn học mới (tiếng Nga), No 67 (3 – 2004), tr.8.
http://www.talawas.org.