Home » » Tạp văn LỖ TẤN

Tạp văn LỖ TẤN

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012 | 06:02


Lỗ Tấn có viết mười sáu tập tản văn. Ngoài tập Giã thảo là thơ tản văn ra, còn mười lăm tập, trong đó phần ít là nghị luận, phần nhiều là trào phúng hoặc đả kích mà ông gọi là tùy cảm hay tạp cảm. Mười lăm tập, mỗi tập có tên riêng ; chỉ ba tập, nên nó có mang hai chữ "tạp văn". Tạp văn, theo Lỗ Tấn cắt nghĩa: Tác giả biên tập văn của mình có hai cách: một là phân loại, sắp theo từng văn thể ; một là biên niên, không phân biệt văn thể, cứ theo thứ tự ngày tháng viết ra nó mà biến thành tập. Tạp văn, cái tên ấy sinh ra bởi cách sau, vì những bài văn khác thể đặt chung một chỗ với nhau nên gọi là "tạp".
Hai chữ "Tạp văn" trong tuyển tập này là dựa theo nó mà đặt tên.
Còn "Tuyển tập", khi nói như thế là có ý nói chọn những bài hay. Nếu theo đúng nghĩa ấy thì ở đây không gọi là "tuyển" được. Nhưng nếu cũng được phép gọi là "tuyển", thì lại tuyển theo một lối khác. Sự thực, khi dịch đây, tôi không chọn những bài hay theo theo chủ quan hay khách quan. Tôi chỉ chọn những bài nào tôi hiểu, nắm được cả nghĩa lẫn ý nguyên văn, và liệu những bài ấy có thể tiêu hóa được trong giới bạn đọc Việt Nam thì tôi mới dịch.
Theo cái nguyên tắc ấy, thành thử, cả tập Giã thảo, tôi không dịch một bài nào hết. Trong đó có những bài tôi hiểu nghĩa mà không hiểu ý, không hiểu ý tác giả muốn nói gì thì tôi không dám dịch. Nó là thơ. Mà tôi không phải một nhà thơ. Dịch tập Giã thảo, phải đợi có một nhà thơ Việt Nam nào kia.
Còn lại mười lăm tập, tôi đã đọc tất cả. Khi đọc mỗi tập, thấy có bài dịch được thì tôi ghi lấy, rồi lần lượt dịch từ hồi còn ở Việt Bắc cho đến khi trở về Thủ đô. Dịch trước sau cả thảy được ba mươi chín bài vừa ngắn vừa dài, mỗi bài ghi y theo ngày tháng của tác giả, in thành Tuyển tập nầy, vẫn là cách biên niên của tác giả.
Theo lối tuyển như trên đó, tôi chỉ dịch những bài ở trong mười ba tập, như có ghi cuối mỗi bài. Trong hai tập Hoa cái, Tam nhàn, tôi không dịch một bài nào.
Hết thảy những bài không dịch, hoặc thuộc về mấy cuộc tranh luận, nói qua nói lại dài dòng và vướng víu, hoặc thuộc về nghệ thuật chuyên môn, như vẽ, khắc gỗ là cái tôi dốt, hoặc có dính dấp với lịch sử đương thời mà chưa tra cứu được để chú thích, thì xin đợi ngày sau.
Trước đây tôi đã dịch và ấn hành Tuyển tập Tiểu thuyết Lỗ Tấn cũng làm bằng lối ấy. Thật là một việc làm tạm bợ, không xứng đáng. Tôi mong sau nầy phải dịch tiểu thuyết và tạp văn Lỗ Tấn cho đầy đủ, vì đó là một kho tàng quý báu chẳng những về văn học mà còn về chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật các thứ.
Muốn tiện lợi cho người đọc, sau khi dịch xong, tôi soát đi soát lại, thấy chỗ nào đáng chú thích thì chú thích. Những tài liệu dùng mà chú thích hoặc lấy ngay trong Toàn tập Lỗ Tấn, hoặc lấy ở các thứ từ thư Trung và Tây, hoặc lấy ở sự nhờ biết của tôi. Có một số bài dụng ý hơi sâu kín, thì tôi có giải sơ qua ở cuối phần chú thích.
Đọc sách phải biết cái người làm ra sách mà mình đọc đó. Phải biết cả đến thời đại và hoàn cảnh của người ấy. Vì vậy, tôi phụ lục bài nói chuyện về Lỗ Tấn của tôi ra đằng sau Tuyển tập nầy. Đọc bài đó sẽ giúp cho sự hiểu về Lỗ Tấn, như cũng thì công kích kẻ cầm quyền phản động, mà với Đoàn Kỳ Thụy thì xẳng xớm, với Tưởng Giới Thạch thì sâu cay nhưng kín đáo.
Mấy năm gần đây, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, có người nói rằng văn Lỗ Tấn chỉ là trào phúng và đả kích, đối với thời nay không còn có hiệu lực nữa, không đắc dụng nữa. Họ làm như thời nay là cái thời đã thập toàn rồi, tận thiện tận mỹ rồi. Tôi chẳng những không đồng ý mà còn căm với cái luận điệu ấy.
Hễ xã hội chưa đến tận thiện tận mỹ thì nhà văn có gân cốt còn có trào phúng hay đả kích. Lúc ngôn luận được tự do thì đả kích, lúc không được tự do thì trào phúng. Hai cái, tánh chất khác nhau nhưng công dụng chỉ là một: đánh vào cái xấu của xã hội. Ca dao xứ ta ở thời Minh Mạng có câu:
Tháng tám có chiếu vua raCấm quần không đáy, người ta hãi hùngKhông đi thì chợ không đôngĐi thì bóc lột quần chồng sao đang?
là trào phúng. ở thời Tự Đức có câu:
Vạn niên là vạn niên nào?Thành xây xương lính, hào đào máu dân
gần như đả kích mà cũng chưa phải, chỉ là trào phúng, vì không dám kêu tên ra như Lỗ Tấn kêu tên Đoàn Kỳ Thụy. Có người đã nói: "Thời đại chuyên chế làm cho người ta hay trào phúng." Quả đúng thế.
Đừng nói đả kích, chỉ nói trào phúng. Trào phúng, nó đánh cái xấu, chứ chính nó không phải là xấu. Theo Lỗ Tấn, trào phúng chẳng có gì khác hơn là nói ra một sự thực mà không có ai nói. Ví như ở Hà Nội hiện nay còn có người đàn ông bận âu phục, người đàn bà húi tóc quăn, mặc tân thời, đứng khấn vái trước đền Hàng Trống, đó là một sự thực nhưng không ai nói ra, nếu có người nói ra thì người ta cho là trào phúng. Thực ra, chỉ là nói một sự thực. Lỗ Tấn từng ví trào phúng với hoạt họa. Cả hai đều phải căn cứ ở sự thực. Nếu không căn cứ ở sự thực thì cái gọi bằng hoạt họa ấy chỉ là bôi nhọ, cái gọi bằng trào phúng ấy chỉ là nói xấu.
À ra trào phúng chỉ là nói sự thực! Nhưng có kẻ lại đã nói rằng: "Có những cái sự thực không nên nói." Tôi không tin. Đó là ở dưới chế độ xã hội tư bản hay phong kiến kia, chứ ở dưới một chế độ xã hội khác tiến bộ hơn, tôi tưởng, không có cái sự thực nào là không nên nói. Đã lấy tự phê bình phê bình làm võ khí, tự nhiên mọi sự thực cần phải được nói.
Bây giờ nói đến văn trào phúng của Lỗ Tấn.
Trong truyện ngắn Nhật ký người điên viết năm 1918, Lỗ Tấn đã đề ra "giống người chân chính". Giống người chân chính là cái mức tiến hóa tột bực của loài người. Cho nên văn trào phúng của ông tuy để đánh cái xấu hiện thời, mà cái hướng cuối cùng là đi đến cái mức tiến hóa tột bực ấy. Không đợi đọc cả mười sáu tập, chỉ đọc nội một Tuyển tập này, những bài số 16, 20, 21, 34, 37, nhất là bài số 1, mở sách ra thì thấy ngay, cũng đủ khiến người đọc sinh lòng kính phục đối với cái triển vọng cao xa ấy của tác giả.
Nói tóm, những xã hội tiến bộ hiện nay vẫn còn chưa được thập toàn, chưa được tận thiện tận mỹ. Giống người chân chính vẫn còn chưa xuất hiện. Đã thế thì văn trào phúng của Lỗ Tấn là thứ văn nói sự thực, nó vẫn còn có hiệu lực, vẫn còn đắc dụng như thường.
Tôi vẫn tin rằng văn học không có vĩnh cửu tánh. Thiên kinh địa nghĩa là Ngũ kinh Tứ thư của Khổng giáo cũng chỉ xài được có hai ngàn năm thôi. Văn Lỗ Tấn không có thể có hiệu lực đến ngày trái đất vỡ, nhưng từ nay cho đến ngày xuất hiện giống người chân chính, thì nó vẫn cứ tồn tại một cách vẻ vang vì mọi người thiên hạ đều cần có nó, đều hoan nghênh nó!
Tuổi của tôi đã sắp cho tôi xuống mồ rồi. ở trong mồ, tôi cũng còn lấy làm quái sao đã nhận phê bình là võ khí mà lại chối trào phúng.
Phan Khôi
(Viết tại Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1956)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved