Hết thảy các thứ động vật bậc cao[1], nếu không gặp biến cố gì bất ngờ, thì đều sống từ bé đến lớn, từ lớn đến già, từ già đến chết.
Chúng ta từ bé đến lớn, đã trải qua một cách không lấy gì làm lạ rồi ; từ đó về sau, tự nhiên cũng sẽ trải qua một cách không lấy gì làm lạ nữa mới phải.
Tiếc thay có một hạng người, từ bé đến lớn, đã bình thường trải qua một cách không lấy gì làm lạ rồi, thế mà thường lớn đến già, lại có hơi cổ quái, từ già đến chết, còn cổ quái hơn nữa, họ muốn choán hết đường lối của tuổi trẻ, hút hết không khí của tuổi trẻ.
Tuổi trẻ ở lúc đó, chỉ có thể vàng úa trước đi, hẵng đợi đến về già, sau khi thần kinh và huyết quản đều đã biến chất hết rồi mới bắt đầu hoạt động. Cho nên cái trạng thái trong xã hội, trước là "cụ non[2]", đợi đến lúc lưng còng gối lỏng, mới lại "hứng lên", giống như từ đó về sau, mới bước lên con đường làm người.
Nhưng mà rốt cuộc cũng không thể quên cái già của mình, cho nên toan tìm cách làm thần tiên[3]. Đai khái nghĩ rằng người khác đều già được, chỉ có mình không thể già được, thứ nhân vật ấy, đâu cũng phải nhường các ông cụ Trung Quốc đứng số một.
Nếu quả thật làm được thần tiên, thôi thì nhờ các ông ấy chủ trì mãi mãi, không cần phải có lớp người sau, thế cũng là việc rất tốt. Tiếc cho các ông lại không làm được, cuối cùng ông nào cũng chết đi, chỉ để lại cái xã hội già khằng mà các ông đã tạo nên, khiến bọn tuổi trẻ cứ thồ[4]lấy mà chịu khổ.
Đó thật là cái hiện tượng kỳ quái của giới sinh vật!
Tôi nghĩ, sự kéo dài của nòi giống - tức là sự nối tiếp của sinh mạng - thật chỉ là một bộ phận lớn trong sự nghiệp giới sinh vật. Sao phải kéo dài ra? Không cần nói, đó là vì muốn tiến hóa. Có đều giữa con đường tiến hóa, thế nào cũng phải mới cũ thay thế nhau. Cho nên cái mới phải vui mừng hể hả bươn tới đằng trước, ấy là lớn lên, cái cũ cũng phải vui mừng hể hả bước tới đằng trước, ấy là chết đi ; mỗi mỗi bươn tới như thế, bèn là con đường tiến hóa đó.
Người già tránh ra hai bên đường, giục giã, khuyên lơn, để cho bọn trẻ bươn tới. Trên đường có vực sâu, thì lấy xác chết kia lấp bằng đi, để cho bọn trẻ bươn tới.
Người trẻ cảm ơn bọn già đã lấp vực sâu để cho mình bươn tới ; người già cũng cảm ơn bọn trẻ đã từ trên cái vực sâu mình đã lấp bằng rồi mà bươn tới. - Bươn tới xa lắm rồi, xa lắm rồi.
Rõ được điều ấy, thì từ bé đến lớn đến già đến chết, đều trải qua một cách vui mừng hể hả ; vả lại từng bước một, từng bước một, phần nhiều là thứ người mới trỗi vượt ông cha.
Đó là con đường đúng đắn rộng rãi của giới sinh vật! Tổ tiên của loài người đều đã làm như thế.
1918
(Dịch ở Nhiệt Phong)
Gần nay thường khi nghe người ta nói, "chủ nghĩa quá khích đến rồi"; trên báo cũng thường khi thấy viết, "chủ nghĩa quá khích đến rồi"[1].
Thế rồi những người có một ít tiền rất không vui. Các quan cũng bận rộn, phải đề phòng thợ thuyền, phải để ý người nước Nga; cả đến sở cảnh sát cũng phát công văn cho thuộc hạ mình bảo lục lạo xem "đảng quá khích có đặt cơ quan hay không".
Bận rộn, không lấy gì làm lạ, lục lạo, cũng không lấy gì làm lạ. Có đều trước phải hỏi: thế nào là chủ nghĩa quá khích?
Cái đó họ không hề cắt nghĩa, tôi cũng không làm sao biết được. - Tôi tuy không biết, chứ cũng dám nói một câu rằng: "Chủ nghĩa quá khích" không thể đến, không cần sợ nó; chỉ có cái "đến rồi" là cái sẽ đến, là đáng sợ.
Người Trung Quốc chúng ta, quyết không thể bị chủ nghĩa nào của nước ngoài lôi kéo, chúng ta có đủ sức sổ toẹt nó, giập tắt nó. Chủ nghĩa quân quốc dân ư[2], chúng ta có từng đánh trận với ai đâu; chủ nghĩa vô để kháng ư[3], chúng ta là kẻ chủ chiến và tham chiến[4]; chủ nghĩa tự do ư, chúng ta cả đến sự phát biểu tư tưởng cũng đều phạm tội, nói mấy câu cũng thấy khó; chủ nghĩa nhân đạo ư, chính cái thân người chúng ta vẫn còn đeo làm vật mua bán được kia mà.
Cho nên không cứ cái chủ nghĩa nào, tất cả không làm rối loạn nổi Trung Quốc; những sự rối loạn từ xưa đến nay, cũng không thấy nói bởi chủ nghĩa nào. Thử đưa ra sự lệ trước mắt, tức như lời bố cáo của học giới Thiểm Tây, lời bố cáo của tai dân Hồ Nam; đáng khiếp là dường nào, đem so với cái tình hình hung ác của quân Đức mà Bỉ Lợi Thì tuyên bố, cái tình hình tàn bạo của chính phủ Lênin mà các đảng khác nước Nga tuyên bố, thì họ thật là thiên hạ thái bình[5]. Nước Đức vẫn nói là quân quốc chủ nghĩa, thì Lênin không cần nói vẫn là quá khích chủ nghĩa nhỉ![6]
Ấy đó tức là cái "đến rồi" đến rồi. Cái đến ấy nếu là chủ nghĩa, khi chủ nghĩa đạt được rồi thì thôi; nếu độc là cái "đến rồi", nó bèn đến hoài, đến mãi, nó đến thế nào cũng không thể biết được.
Lúc Dân quốc thành lập, tôi ở trong một thành huyện nhỏ, vốn đã treo cờ trắng. Có một hôm, thình lình thấy bao nhiêu đàn ông đàn bà chạy trốn rối rít: kẻ ở trong thành chạy trốn xuống làng, kẻ ở trong làng chạy trốn vào thành. Hỏi họ việc gì thế, họ trả lời: "Người ta nói sắp đến rồi."
Thế đủ biết mọi người đều chỉ sợ cái "đến rồi" cũng như tôi vậy. Đến lúc đó vẫn chỉ có "chủ nghĩa đa số" mà thôi, không có "chủ nghĩa quá khích" nhỉ[7].
1918
(Dịch ở Nhiệt Phong)
Lần trước tôi đã từng nói rằng "bất cứ chủ nghĩa nào cũng đều không can liên gì với Trung Quốc cả" ; hôm nay bỗng lại có chút ít ý kiến, bèn viết nốt dưới đây.
Tôi tưởng, Trung Quốc chúng ta vốn không phải là chỗ phát sinh ra chủ nghĩa mới, mà cũng không có chỗ dung nạp chủ nghĩa mới, ví thử tình cờ có tư tưởng từ ngoài đến, cũng tức khắc đổi màu sắc đi, vả lại có nhiều luận giả trở lấy điều đó tự hào. Chúng ta chỉ để ý xem những bài tựa bài bạt trên các bổn sách dịch, cho đến các thứ phê bình nghị luận đối với sự tình ngoại quốc, thì có thể thấy ra ở quãng giữa tư tưởng của chúng ta và người khác, quả thật còn có mấy lớp vách sắt cách nhau. Họ nói về vấn đề gia đình, chúng ta lại cho là họ cổ động chiến tranh ; họ vạch ra khuyết điểm của xã hội, chúng ta lại nói họ pha trò ; cái họ nói là tốt, chúng ta lại nói là xấu. Nếu lại để ý xem xét tánh cách quốc dân, văn học quốc dân của nước khác, lại đọc một cuốn bình truyện của nhà văn họ, thì càng thấy rõ tánh tình tả trong tác phẩm ngoại quốc và tư tưởng của tác giả, hầu như toàn là cái Trung Quốc không hề có. Cho nên không thể hiểu nhau, không thể đồng tình, không thể cảm thông, thậm chí những điều phải chăng yêu ghét giữa họ và ta cũng không khỏi đưa đến cái kết quả trái nhau.
Người tuyên truyền chủ nghĩa mới là người phóng hỏa ư, cũng cần phải người khác có vật dẫn hỏa bằng tinh thần thì mới bắt cháy được ; là người gảy đàn ư, cũng cần phải người khác có dây đàn ở trong lòng thì mới nẩy tiếng được ; là đồ phát thanh tư, người khác cũng phải là đồ phát thanh, thì mới đồng thanh tương ứng được. Người Trung Quốc đều không giống thế, cho nên không thể can liên với nhau.
Có lẽ có mấy vị độc giả nổi đóa, nói: "Trung Quốc thường khi có người đem tính mệnh hy sinh cho chủ nghĩa của mình, từ có Trung Hoa Dân quốc đến nay, có bao nhiêu liệt sĩ chết vì chủ nghĩa, hừ! Sao anh lại mạt sát tất cả?" Lời ấy đúng lắm. Nói về tư tưởng từ ngoài đến thuở xưa, đời Lục triều quả có nhiều vị hòa thượng lên giàn hỏa, đời Đường cũng có vị hòa thượng sả cánh tay bố thí cho kẻ bơ vơ ; nói về cái mới gần nay, cố nhiên cũng đã có mấy người. Nhưng mà, với lịch sử Trung Quốc vẫn không can liên gì. Bởi vì sự đổ sổ của lịch sử không thể tinh mật như số học, bao nhiêu những con số nhỏ viết ra, chỉ có thể bắt chước lối tính bỏ đầu bỏ đuôi của người quê vụng, chỉ ghi lấy một số đại đổng.
Trong số đại đổng của lịch sử Trung Quốc, thực ra không hề có tư tưởng chủ nghĩa nào ở trong đó. Số đại đổng ấy chỉ là hai thứ vật chất, - là dao và lửa, "đến rồ" là cái tên chung của nó.
Lửa từ phía bắc đến thì trốn về phía nam, dao từ đằng trước đến thì lùi lại đằng sau, một đống lớn sổ lưu thủy chỉ có một mô hình ấy. Nếu hiềm cái tên "đến rồi" không trang nghiêm mấy, "dao và lửa" cũng chọc vào mắt, thì chúng ta có thể nghĩ ra kiểu khác, kính dâng một cái hàm ơn, gọi là "thánh võ"[1], thì dễ coi ngay.
Đời xưa, vua Tần Thủy Hoàng rất sang trọng, Lưu Bang và Hạng Võ đều xem thấy, Bang nói rằng: "Hỡi ôi! Đại trượng phu phải làm nên dường ấy vậy!" Võ nói rằng: "Hắn, có thể lấy mà thay thế vậy!"[2] Võ muốn "lấy" cái gì? Bên là cái "dường ấy" mà Bang nói. Cái trình độ của "dường ấy" tuy không giống nhau, nhưng mà ai cũng muốn lấy, kẻ bị lấy là "hắn", kẻ lấy là "trượng phu". Trong lòng của hết thảy "hắn" và "trượng phu" đều là chỗ sản sinh, chỗ dung nạp của cái "thánh võ" ấy.
Thế nào gọi là "dường ấy"? Nói ra, câu chuyện hơi dài, ở đây chỉ tóm tắt rằng, đó chỉ là sự thỏa thuê cái dục vọng - uy phúc, tử nữ, ngọc bạch[3] - về phương diện thú tánh thuần túy trong loài người mà thôi. Nhưng mà ở hết thảy trượng phu lớn hay nhỏ, lại đều kể là cái lý tưởng (?) tối cao rồi đấy. Tôi e cho người đời nay vẫn còn cứ bị cái lý tưởng ấy chi phối.
Sau khi đại trượng phu đã "dường ấy" rồi, dục vọng chưa giảm kém, nhưng thân thể đã mòn mỏi, vả lại thấy trong tối có cái bóng đen - cái chết - đã đến bên mình rồi. Thế rồi không có cách nào khác, chỉ việc đi cầu thần tiên[4]. Điều đó ở Trung Quốc, cũng phải kể là lý tưởng tối cao. Tôi e cho người đời nay vẫn còn cứ bị cái lý tưởng ấy chi phối.
Cầu thần tiên một dạo, rốt cuộc không thấy gì, đâm ra nghi ngờ. Thế rồi phải xây mồ để bảo tồn cái xác chết, toan dùng cái thây xác của mình choán mãi mãi một miếng đất[5]. Điều ấy ở Trung Quốc cũng phải kể là một thứ lý tưởng tối cao khi đã hết cách xoay. Tôi e cho người đời nay vẫn còn cứ bị cái lý tưởng ấy chi phối.
Hiện nay những tư tưởng từ ngoài đến, không luận thế nào, nó cũng còn có cái hơi thở của tự do bình đẳng, cái hơi thở của hỗ trợ cọng tồn, mà ở chúng ta thì độc có cái "ta", độc nghĩ việc "lấy hắn", trên miếng đất tư tưởng độc một người toan uống cạn hết thảy rượu của không gian thời gian ấy, thật không còn có chỗ nào trống cho tư tưởng khác chen chân vào.
Vì đó, chỉ phải ngăn ngừa cái "đến rồi" kia là đủ rồi. Hãy xem nước khác, kẻ chống cự cái "đến rồi" ấy bèn là nhân dân có chủ nghĩa. Họ vì cái chủ nghĩa mình đã tin mà hy sinh hết thảy những cái khác, lấy xương thịt đè nhụt gươm dao, lấy máu me tưới tắt khói lửa. Trong ánh sáng phai nhạt của dao và lửa thấy được màu trời hừng chói, ấy là màu rạng đông của thế kỷ mới[6].
Ánh sáng rạng đông ở trên đầu, chẳng ngước đầu lên, thì mãi mãi chỉ có thể nhìn thấy cái nhoáng sáng của vật chất.
1918
(Dịch ở Nhiệt Phong)