Home » » Lộc Xuân

Lộc Xuân

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012 | 23:10


Lộc Xuân

January 23, 2012
By admin
 Anh hẹn tôi tối Ba Mươi Tết đi chơi, đón Giao Thừa rồi hái lộc.
Tôi yêu anh từ lúc nào cũng không biết nữa. Tôi hỏi, anh yêu em từ khi nào, anh lắc đầu, xin chịu. Nghĩa là chúng tôi không có tình yêu sét đánh. Vậy chúng tôi yêu nhau như thế nào nhỉ? Có lẽ tình yêu của chúng tôi nhẹ nhàng như mưa Xuân. Những hạt mưa bụi nhỏ li ti, có lúc còn lẫn vào mịt mù sương sớm. Mưa nhẹ, nhưng cây nảy chồi mầu xanh ngọc. Chồi xanh bật hoa kết trái.


Nếu ai đó có dịp lên Xứ Lạng, ở gần ải Chi Lăng năm xưa ấy, trên sườn núi đá vôi, dông dốc những cây na khẳng khiu, đen đúa như cành khô. Nhiều người tưởng cây đã chết vì thiếu nước. Họ đâu có biết, cây đang tích nhựa, ủ mầm đấy. Chỉ mải chơi dăm ngày với chợ Tân Thanh, Ðồng Ðăng, với phố chợ Ðông Kinh, với động Tam Thanh, Nhị Thanh, khi trở về những cành củi trên sườn núi kia, bỗng nảy mầm Xuân biêng biếc xanh trên sườn núi. Lãng mạn quá ư? Cũng chẳng sao! Mầm Xuân uống mưa Xuân đấy. Tôi đã leo lên chỗ cây na gần nhất, định cắt xin một nhành. Nhưng khi cầm đến nhành cây, tôi không thể cắt nổi. Sức sống mãnh liệt quá. Nhành cây đẹp quá. Tôi đã nâng niu nó và nhè nhẹ hôn lên một mầm Xuân. Tự nhiên tôi cảm thấy rùng mình ớn lạnh dọc sống lưng. Vài Xuân trước, anh vắng nhà, bạn anh và cũng là bạn tôi, vào đêm Ba Mươi Tết, đưa tôi đi hái lộc. Bạn anh cho cả con dao dựa Thái sáng loáng vẫn chặt thịt gà và chặt xương sườn vào xe, mang đi chặt lộc. Khiếp. Khiếp quá! Tôi trách anh, giận anh bởi năm đó anh vắng nhà. Anh phải đón Xuân tại đơn vị. Ðó là vùng biên ải xa tít mù tắp. Tôi chưa một lần đặt chân tới và cũng không thể nào hình dung nổi. Anh bảo đồn biên phòng của anh đóng quân tít trên ngọn núi cao. Phải đi lòng vòng theo đường vành khuyên suốt từ sáng đến trưa mới tới. Người dẫn đường đưa cán bộ đến công tác đứng dưới chân núi gọi vóng lên: “Trưa nay cho cánh mình thêm ba suất cơm nhé”. Tiếng núi vọng: “Ba suất cơm nhé”. “Rõ chưa?” “Rõ rồi!”. Ấy vậy mà quá trưa đoàn công tác mới đến nơi. Vị nào vị nấy mồ hôi mướt mát, thở cả bằng tai. Nhưng lính bọn anh thì quen rồi. Sáng sáng vẫn xuống lấy nước, tắm giặt, đi chợ… Bây giờ, cấp trên cho xây một cái bể rất to hứng nước mưa và hứng sương đêm. Nhưng cũng chỉ đủ nước ăn. Tôi bảo: “Làm sao hứng được sương”. Anh cười: “Hứng được chứ. Căng những chiếc ni-lông ra bốn góc, sương đọng trên ni-lông như đọng trên lá sen ở ao đình làng mình ấy. Nhiều, nhiều lắm!”. Tôi thè lưỡi: “Vất vả quá!”. Anh bảo: “Thế mới gọi là lính biên phòng. Chỗ anh ở vẫn còn nhàn hơn, sướng hơn bọn chúng nó đóng quân ở chỗ Tả… Tả… gì đó (tôi quên mất). Ở đó đi lấy nước phải mất cả ngày mới chờ được đầy một can hai mươi lít”. Tôi lại thè lưỡi lắc đầu: “Chúng em xin chịu các anh lính”. Rồi anh ôm chặt tôi, hôn lên môi tôi đến nghẹt thở. Trong lòng tôi vốn thầm phục các anh lính thật đa tài.

Tết năm nay, anh hẹn cùng tôi đón Giao Thừa và đưa tôi đi hái lộc. Tôi bảo, đón Giao Thừa thì đón, còn hái lộc em không đi đâu. Anh hỏi tại sao? Tôi thấy khó trả lời. Ngần ngừ một lát tôi nhớ đến những cành cây đa, cây đề ở nơi công cộng, cây lộc vừng với những cái lộc đỏ tươi đẹp tựa búp hoa ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, sau phút Giao Thừa bị người ta chặt cành xơ xác. Công an, dân phòng không giữ nổi. Tôi cảm thấy xót xa. Tôi nói thẳng với anh, em sợ vác dao đi chặt cả cành đa vác nặng như anh Hiến năm ngoái lắm. Anh cười cười: “Anh không mang dao đi và cũng không chặt cành đa đâu em”…
Tôi và anh bằng tuổi nhau, học cùng nhau từ năm mẫu giáo. Bố mẹ anh mua cho anh đồ chơi gì anh đều bắt mua cho tôi thứ ấy. Rồi cùng nhau lên lớp một, lớp hai… Chúng tôi luôn luôn là học sinh xuất sắc của trường. Cùng đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Hết lớp mười hai, tôi thi vào trường Dược, điểm cao ngất ngưởng. Anh thi trường Y, trượt luôn vỏ chuối. Tôi thương anh, khóc thút thít như chính tôi bị trượt. Còn anh mặt lạnh tanh: “Ê bé, việc gì phải khóc. Anh trượt chứ em có trượt đâu. Khóc mướn. Xấu!”. Tôi càng khóc to hơn. Anh học giỏi hơn tôi. Ðề thi đều như nhau. Tại sao anh lại trượt?
Anh bảo: “Nhà anh có truyền thống hỏng thi. Chả sao. Kỵ nội anh đấy. Ba lần lều chõng mới đỗ cái Tú tài. Lại thêm hai lần lều chõng nữa mới đỗ cử nhân. Ðỗ nhưng không chịu nhận làm quan tri huyện. Ông nội anh, học hết cấp ba, chỉ một con đường nhập ngũ. Thời đánh giặc Mỹ, nhập ngũ là vinh quang, cả nước lên đường. Cả nước làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Sinh viên năm thứ nhất, thứ hai… đều nhập ngũ. Học sinh lớp tám, lớp chín, hệ mười năm, nhập ngũ. Con trai ào ạt ra đi rỗng cả các trường phổ thông trung học và đại học. Bố anh cám cảnh gia đình, học hành chểnh mảng, nhập ngũ khi mới mười bảy tuổi. May có ông trời thương, may nhờ phúc ấm tổ tiên, may được tổ chức quan tâm, được quân đội nuôi cho học đại học, rồi ông lên cấp, lên chức vù vù”.
Tôi hỏi: “Còn anh định làm gì?”.
Anh bảo học ôn, sang năm thi tiếp.
Tôi gạt nước mắt, phì cười. Ghét. Rõ ghét. Thật phí cả nước mắt. Cái người thi trượt mặt cứ nhơn nhơn. Kệ. Nhưng vẫn không tài nào kệ được. Có lẽ tôi yêu anh từ khi ấy chăng? Bởi trong giấc ngủ tôi cũng nghĩ về anh. Nhớ anh. Và oán anh. Tôi vẫn ấm ức tại sao anh không làm được bài. Lý do? Lý do? Tôi cần anh giải thích. Anh bảo thi trượt. Có gì để giải thích.
Tôi đi học trường Dược. Còn anh không ở nhà học ôn, thi tiếp mà nhập ngũ.
Tôi nghỉ một buổi học tiễn anh lên đường. Tôi khóc. Còn anh vẫn nhơn nhơn. Ghét quá. Nhưng vẫn thật đáng yêu.
Tôi thấy lòng mình trống trải. Trống trải ghê gớm. Buồn vui không có bạn sẻ chia. Tôi cảm thấy mình vật vờ như cái bóng.
Thật may, thời gian xa anh chả bao lâu. Ngoảnh đi ngoảnh lại anh đã hết hạn nghĩa vụ hai năm. Anh thi đỗ vào trường y quân đội. Lại gặp nhau hằng tuần. Lại nói cười ríu rít. Tôi không quên hỏi, năm trước tại sao anh thi trượt. Anh cười cười: “Tại cái răng hàm số tám mọc lệch, đau quá. Ðau lộng lên tận óc. Chỉ thiếu nước phát khóc. Bỏ giấy trắng. Chứ đề thi không khó”. Ra thế! Tôi kéo tai anh: “Sao bây giờ mới chịu khai. Ghét thế”.
Trong khi đó, Hiến rất yêu tôi. Yêu đơn phương. Yêu không dám thổ lộ. Hiến sợ tôi giận. Anh giận. Bạn bè khinh rẻ. Một lần Hiến mạnh bạo nắm tay tôi. Nắm rất lâu. Tôi cứ để vậy xem Hiến sẽ xử sự ra sao. Nhưng rồi Hiến lại bỏ ra. Hiến không dám tiến xa hơn.


Ðêm Ba Mươi Tết mưa phùn. Tôi gọi là mưa tình yêu của chúng tôi. Những hạt mưa nhỏ li ti lấp lánh sáng. Chúng tôi che chung một chiếc ô. Tôi khoác tay anh, nép chặt vào người anh. Bước chân chúng tôi vướng vào nhau líu ríu. Chúng tôi rủ nhau vào lễ Phật ở chùa Quán Sứ. Chùa Quán Sứ không phải là ngôi chùa cổ ở Hà Nội. Ngày xưa nơi này là điểm tiếp đón các sứ thần. Có lần, ông nội anh kể, ở chùa Quán Sứ có cây sen cạn. Các cháu có biết câu ca dao: Ðêm qua tát nước bên đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen không? Tôi nhanh nhảu đáp: “Thưa ông có ạ. Nhưng sen làm gì có cành ạ?”. Ông mỉm cười, bảo: ‘Vấn đề ở đó. Vào năm 58 hay 59 gì đó của thế kỷ trước, giờ giải lao Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, cũng đọc câu ca dao: Vào chùa bẻ một cành sen… và hỏi các bí thư, chủ tịch: “Các đồng chí có thấy ở đâu cây sen có cành không?”. Tất cả đều thưa, chỉ thấy sen có lá chứ không thấy sen có cành. Thủ tướng bảo, vậy các đồng chí về tỉnh mình tìm hiểu xem. Dứt khoát sen có cành nên mới có câu ca dao ấy. Vài tháng sau, lại có cuộc họp các bí thư, chủ tịch tỉnh. Nhớ chuyện cũ, Thủ tướng hỏi, đã có đồng chí nào thấy được cây sen có cành chưa? Chủ tịch tỉnh Sơn Tây báo cáo, tôi chưa nhìn thấy, nhưng bà con Tản Lĩnh nói, trên ngọn suối Tiên núi Ba Vì có vài cây sen đất, đến mùa hạ ra hoa trắng muốt đẹp lắm ạ. Thủ tướng cười khà khà, như vậy câu ca dao rất đúng phải không?
Ông anh bảo, không biết bây giờ trên ngọn suối Tiên còn cây sen đất nào không, chứ tận mắt ông đã nhìn thấy ở sân chùa Quán Sứ có một cây. Cây nhỏ thôi. Gốc bằng cái bắp chân. Chưa mùa nào ra hoa. Còn ở chùa Bối thuộc địa phận xã Tam Hưng gần làng pháo Bình Ðà ấy, có hai cây to lắm. Vào hạ nở hoa trắng muốt như lụa. Ông đã hái một bông sen trắng ngoài đầm vào so với hoa cây sen cạn. Hoa sen cạn nhỏ hơn, cánh dày hơn, trắng muốt hơn hoa sen nước. Nhà chùa bảo hoa sen cạn còn lâu tàn hơn.
Tôi thật háo hức. Dẫu chưa nhìn thấy hoa sen cạn, cũng phải nhìn thấy cây, thấy lá cái đã. Lễ Phật xong, tôi chạy ra sân chùa. Theo sự chỉ dẫn của ông nội anh, tôi đứng dưới gốc cây sen cạn ngửa cổ nhìn ngắm lá sen lấp loáng dưới ánh đèn…
Sắp sang Xuân. Mưa càng nặng hạt. Mưa sáng lấp lánh giữa thinh không các con phố. Tôi thích được bách bộ trên đường Thanh Niên và hái lộc ở đó. Ðột ngột, anh dừng xe: “Giao Thừa rồi!”. Vừa nói, anh vừa chỉ chiếc ti-vi mặt phẳng to đến 29 inh của một nhà bên phố: “Chúng mình không kịp lên đường Thanh Niên hái lộc rồi”. “Thôi, không hái lộc nữa” – Tôi nói. Tôi chợt nhớ những cành cây bị bẻ, bị chặt lúc Giao Thừa năm ngoái ở bờ Hồ Hoàn Kiếm. “Chúng mình đi chơi một lúc rồi về nhà xông đất”. Chợt anh reo lên: “Trời cho anh em mình lộc rồi. Lộc tươi quá! Ðẹp quá!”. Tôi hỏi, lộc ở đâu? Anh chỉ cây đa, lá tròn tròn xanh láng. Người ta bảo đó là đa Ấn Ðộ. Cây đa chỉ tốt quá đầu người. Những cái búp đỏ tươi như môi thiếu nữ. Ðẹp quá. Tôi chưa nhìn thấy búp đa này bao giờ. Anh cẩn thận đẩy xe lên hè phố. Bảo tôi cởi áo mưa, để đầu trần, không được che ô, chắp tay trước ngực như lễ Phật, nghiêm trang và thành kính. Anh đứng cạnh tôi vái ba lễ, khấn: “Kính lạy trời, kính lạy đất, kính lạy đức thần linh, thổ địa bản phố, con tên là… người yêu con là… Chúng con qua đường vừa lúc Giao Thừa thấy có lộc. Lộc rất tươi, rất đẹp. Ắt là trời đất ban cho. Con xin hai lộc. Một lộc tặng người yêu con và một lộc cho con”. Rồi anh nhón tay hái lộc. Mỗi lộc có một búp tươi đỏ như son và hai cánh lá. Anh đưa cho tôi một lộc bảo tôi kẹp vào giữa hai bàn tay lễ tạ. Tôi nhất nhất theo lời anh. Có lúc tim như thắt vào nghẹt thở. Có lúc suýt bật cười. Cái lúc anh lẩm nhẩm khấn trời đất, may mà tôi ghìm nổi. Bởi tôi chưa hiểu hết ý nghĩa, thế thôi. Chắc thánh thần không nỡ trách kẻ không hiểu biết, tôi thoáng nghĩ. “Thế này là hái lộc hả anh?” – Tôi hỏi. Anh bảo: “Ừ. Người Việt mình có tục hái lộc từ bao giờ không biết. Ðó là một tục đẹp. Rất đẹp. Ông nội anh bảo xưa kia, cúng Giao Thừa xong, chủ gia đình ra luôn vườn nhà mình. Đêm Ba Mươi Tết tối mù tối mịt. Chạm tay, chạm mặt, chạm người vào lá nào thì ngắt luôn lá ấy. Ngắt ở ngọn cành. Ðem cành lộc đó để vào đĩa đặt lên bàn thờ. Hết hương mới mang lộc xuống xem. Nếu không may ngắt phải cành không có búp tức không có lộc, năm ấy làm ăn kém. Còn ngắt phải lá sâu, năm đó gặp vận hạn. Có thể bị ốm đau… Thế mới gọi là hái lộc. Bây giờ nó biến tướng thành chặt cành phá cây, còn gì là lộc nữa”. Tôi hỏi: “Sao vừa rồi anh phải khấn làm em suýt phì cười”. Anh bảo: “Chúng mình gặp lộc giữa trời. Không phải trồng, không phải chăm sóc quanh năm như ở vườn nhà. Do vậy phải xin chứ. Tự tiện thế nào được”. Tôi tấm tắc gật đầu: “Có lý, có văn hóa”.
Ðường Thanh Niên inh ỏi tiếng còi xe máy, xe ô-tô. Rồi chỗ này còi bảo vệ tít tít, chỗ kia còi công an rúc lên. Bọn con trai vẫn lao đến những cây đa, cây đề, chặt cành, bẻ lộc. Ðứa nào lấy được rồi thì vác chạy. Mỗi đứa hai cành. Bạn gái chạy theo. Nhộn nhịp. Nhốn nháo. Nhìn cây đa trụi cành, tứa nhựa, tôi cảm thấy lòng mình như ứa máu. Tay cầm lộc, tay khoác tay anh. Những bước chân líu ríu vào nhau. Anh bảo không che ô, để đầu trần, hứng trọn vẹn sinh khí của đất trời. Mặt hồ Tây, hồ Trúc Bạch bắt sáng lăn tăn gợn sóng vàng, sóng bạc.
Dương Duy Ngữ
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved