Hai căn bệnh trong đời sống thẩm mĩ
Nội dung và phương hướng giáo dục thẩm mĩ trong nhà trường trung học
Giáo dục thẩm mĩ trong bộ môn Văn Học
Hãy bắt đầu bằng cách phê phán 2 căn bệnh thẩm mĩ
8.1 Chống hai căn bệnh trong đời sống thẩm mĩ
Đó là “chủ nghĩa hình thức” và “chủ nghĩa tự nhiên”.
Lưu ý cặp phạm trù nội dung và hình thức trong sinh hoạt thẩm mĩ. Sự thiên lệch, mất hài hòa thẩm mĩ sẽ dẫn đến hai căn bệnh nói trên.
Bệnh hình thức chủ nghĩa
Coi trọng vẻ đẹp bề ngoài mà coi thường nội dung bên trong.
Chẳng hạn: trang điểm đẹp nhưng lời nói, cử chỉ, hành động tầm thường; nói hay nhưng làm dở; phô trương hình thức, quảng cáo ầm ĩ, lòe loẹt, bừa bãi che đậy chất lượng kém .v.v…Trong sáng tác nghệ thuật, họ cố tạo ra vẻ ngoài hấp dẫn, đặc biệt là cái bìa, cái tựa đề hoặc lời văn chau chuốt, hình tượng kì lạ, giật gân… để lôi cuốn công chúng.
Nguyên nhân của căn bệnh hình thức chủ nghĩa, có 2 loại:
+ Do năng lực thẩm mĩ yếu kém, chưa có tri thức đầy đủ về cái đẹp
+ Có ý đồ vụ lợi cá nhân, nên lợi dụng sự yếu kém thẩm mĩ của bộ phận công chúng để trục lợi.
Bệnh tự nhiên chủ nghĩa
Thích vẻ đẹp tự nhiên, trần trụi mà coi nhẹ nghệ thuật, văn hóa xã hội.
Chẳng hạn, kiểu đầu xù tóc rối, móng tay dài; ăn mặc luộm thuộm tùy tiện, lời nói cộc lốc, thô tục,…gây khó chịu cho người khác. Trong sáng tác nghệ thuật, tác giả cố ý kích thích tính sinh học của con người (thú tính) một cách quá mức để lôi cuốn công chúng – nhất là tuổi trẻ – nhằm mục đích vụ lợi cá nhân hoặc âm mưu chính trị, chống phá hủy hoại văn hóa dân tộc.
(chẳng hạn: tác phẩm lạm dụng chủ đề tình yêu trai gái vốn là một thứ tình cảm say đắm của con người, gợi dục (sexy); trình bày lạm dụng cảnh bạo lực cũng nhằm kích động “tính rừng, luật rừng” vốn là bản tính tự nhiên xa xưa của con người (Tiếng gọi nơi hoang dã / A Call from the Jungle– tiểu thuyết của nhà văn Mĩ Jack London đã cảnh báo nguy cơ đó ).
Làm thế nào để chữa trị hai căn bệnh nói trên?
Cách tốt nhất là giáo dục thẩm mĩ: nâng cao năng lực thẩm mĩ cho học sinh và quần chúng.
Mặt khác, pháp luật cần phải ngăn ngừa, nghiêm khắc trừng phạt những kẻ phạm tội phá hoại đời sống thẩm mĩ của xã hội.
8.2 Nội dung và phương hướng giáo dục thẩm mĩ trong trường trung học
Giáo dục ý thức thẩm mĩ
Nhận thức thẩm mĩ đầu tiên gồm tình cảm thẩm mĩ và tri thức thẩm mĩ. Hai tố chất này liên quan mật thiết, tác động lẫn nhau. Tri thức thẩm mĩ cơ bản là toàn bộ kiến thức mĩ học đã được trình bày trong bộ môn này. Từ đây, hình thành những thị hiếu thẩm mĩ và lí tưởng thẩm mĩ cho học sinh.
Giáo dục về cái đẹp
Nhiệm vụ trung tâm của giáo dục thẩm mĩ là giáo dục về cái đẹp. Nếu học sinh hiểu biết đúng đắn về cái đẹp thì sẽ có ước mơ, ý chí phấn đấu biến hiện thực thành “vương quốc bao la của cái đẹp ”.
Cái đẹp chân chính có khả năng “thanh lọc tâm hồn” khiến con người bồi dưỡng cho mình “đôi mắt xanh”, đôi mắt tinh đời để nhận rõ những vẻ đẹp cổ điển mà trước nay chưa biết nên đã bỏ qua, và những vẻ đẹp mới nảy sinh, vẻ đẹp Việt Nam trong thời kì đổi mới. Đâu là cái đẹp Việt Nam ? Cái đẹp truyền thống và hiện đại đều có quyền tồn tại vì nó` đều thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.
“Đẹp nết” mãi mãi là tiêu chuẩn không thể thiếu của con người.
Một cuộc sống đẹp là sự kết hợp hài hòa từ học tập đến sinh hoạt, lao động, trong nhà trường, gia đình và xã hội.
Học sinh cần có ý thức giữ gìn sạch đẹp từ bản thân đến môi trường tự nhiên và xã hội.
Khi đã có tri thức về cái đẹp, con người sẽ nhìn rõ cái xấu, cái hài kịch để mà ngăn cản, phê phán, biết cảm thông sâu sắc với cái bi kịch, đồng thời nâng cao ước mơ khát vọng hướng tới cái trác tuyệt.
8.3 Giáo dục thẩm mĩ trong bộ môn Văn – tiếng Việt
Trước hết, tiếng Việt là tiếng nói dân tộc với chức năng công cụ trong giao tiếp, sinh hoạt, thể hiện thái độ ứng xử của người Việt. Tiếng Việt còn là kí ức dân tộc, là lịch sử, là thành tựu văn hóa và thẩm mĩ đặc sắc vào bậc nhất.
Tiếng Việt còn là ngôn từ nghệ thuật, gắn liền với Đạo, Tâm, Chí, Mĩ. Văn chương tiếng Việt có khả năng miêu tả trực tiếp hoặc chuyển ngữ những ngoại ngữ khác (dịch ra Việt ngữ):
+ Mọi vẻ đẹp của cuộc sống,
+ Sự phong phú, phức tạp của tâm hồn người
+ Tất cả các phạm trù thẩm mĩ.
Môn Ngữ Văn giữ vai trò quan trọng trong nhà trường phổ thông với 2 chức năng đan xen hòa hợp:
– Là một khoa học nhân văn – xã hội (tính khoa học)
– Là một nghệ thuật ngôn từ (tính nghệ thuật)
k
ÔN TẬP VÀ BÀI TẬP
I – Lí thuyết
1) Quan niệm của chủ nghĩa Mác -Lê nin về: Cái đẹp, Cái bi kịch, Cái trác tuyệt và Cái hài kịch.
2) Xác định những mối liên hệ giữa những tình cảm thẩm mĩ của 4 phạm trù thẩm mĩ cơ bản.
3) Hãy trình bày một dạng lịch sử mĩ học thông qua những nhân vật lí tưởng.
4) Trình bày các dạng thức bi kịch chủ yếu.
5) Trình bày khái quát 7 loại hình nghệ thuật cơ bản, sau đó sắp xếp chúng vào 3 phương thức.
6) Trình bày đặc trưng thẩm mĩ của Văn học
7) Giáo dục thẩm mĩ và vai trò bộ môn Văn – Tiếng Việt trong nhà trường
8) Tìm hiểu những vẻ đẹp chứa đựng trong các tác phẩm nghệ thuật sau:
+ Bài Ca dao 1:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?
+ Bài ca dao 2: Cây trúc xinh+ Bài ca dao 3:
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Có rửa thì rửa chân tay
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh.
+ Bài dân ca Nam bộ “Ru con”
+ Bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mạc Tử
+ Bài hát “Trường làng em” của Phạm Trọng Cầu
+ Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Trần Văn Cẩn
+ Các bức tượng: Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, Bác Tôn ở vườn hoa Long Xuyên,
tượng Bác Hồ ở vườn hoa trước cửa Ủy ban nhân dânTPHCM
+ Bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh
+ Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận
+ Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam
+ Truyện vừa “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố
+ Ca từ “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn “Hà Nội mùa thu/ cây cơm nguội vàng/ cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau /phố xưa nhà cổ/ mái ngói thâm nâu/ … Hồ Tây chiều thu/ mặt nước vàng lay/ bờ xa mời gọi/ màu sương thương nhớ/ bầy sâm cầm nhỏ/ vỗ cánh mặt trời …”
+ Ca dao “Mười thương“: Một thương tóc bỏ đuôi gà/ hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ ba thương má lúm đồng tiền/ bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua/ Năm thương cổ yếm đeo bùa/ sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng/ Bày thương nết ở khôn ngoan/ tám thương ăn nói nhẹ nhàng thêm xinh/ Chín thương em ở một mình/ mười thương con mắt hữu tình với ai “
9) Tìm hiểu nội dung của cái trác tuyệt trong các tác phẩm sau:
+ Truyện ngắn “Trái tim Đan cô” (M. Gorki)
+ Bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngàn mắt ngàn tay
+ Hình tượng Hồ Chí Minh trong “Nhật kí trong tù”
+ Hình ảnh nhân dân trong tập thơ Việt Bắc (Tố Hữu).
+ Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi)
+ Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
10) Tìm hiểu những dạng thức bi kịch trong các tác phẩm sau:
+ Mị Châu Trọng Thủy và An Dương vương
+ Truyện Kiều
+ Tràng giang (Huy Cận)
+ Chí Phèo
+ Lão Hạc
11) Hãy kể và phân tích 3 truyện tiếu lâm Việt Nam
12) Phân tích nhân vật Giuốc đanh (Jurdin) trong vở kịch “Gã tư sản học đòi quí tộc” của Molier.
13) Tìm hiểu quan điểm mĩ học của nhà thơ trong tác phẩm sau:
Bài ca sắc đẹp
(Charles Baudelaire- nhà thơ Pháp)
Ngươi đến từ trời sâu hay ngươi ra từ vực thẳmôi sắc đẹp ! Cái nhìn của ngươi thuộc về địa ngục và thần linh
nó trút ra một cách lộn xộn cả tội ác và lòng từ thiện
Bởi thế người ta ví ngươi như rượu bồ đào
Ngươi mang trong mắt ngươi tà dương và rạng đông
Ngươi phát ra những hương thơm như một chiều dông bãoNhững chiếc hôn của ngươi là một tấm bùa yêu và miệng ngươi là một chiếc bình
Chúng làm cho người anh hùng thành hèn nhát và đứa bé con thành can đảm
Ngươi chui ra đây từ vực thẳm đen ngòm hay xuống đây từ các vì sao?
Số mệnh bị mê hoặc đi theo những cái váy ngắn của ngươi như một con chó
Ngươi liều lĩnh gieo rắc lạc thú và tai ương
Ngươi cai quản tất cả và không chịu trách nhiệm gì hết
Hỡi Sắc đẹp, ngươi bước chân lên trên những người chết mà còn cười nhạo
Từ trong những vật trang sức xinh đẹp của ngươi,
Nỗi khủng khiếp không kém phần quyến rũ
Và trong số những vật trang sức thân yêu của ngươi,
Tội Sát Nhân đang khiêu vũ một cách đa tình trên cái bụng kiêu hãnh của ngươi
Con thiêu thân bị quáng mắt đang bay về phía ngươi như bay vào ngọn nến
Nó đang nổ lốp bốp, bốc cháy và nói rằng: xin hãy cầu phúc cho ngọn nến này!
Người tình nhân đang thở hổn hển nghiêng mình trên người yêu của mình
Có dáng vẻ của một người hấp hối đang vuốt ve ngôi mộ của anh.
Dù ngươi từ trên trời xuống hay từ địa ngục lên cũng chẳng hề chi
Hỡi Sắc Đẹp! Con quái vật khổng lồ khủng khiếp và chất phác!
Nếu con mắt của ngươi, nụ cười của ngươi, chân của ngươi mở ra cho ta
cửa đi vào cõi vô tận mà ta yêu mến và chưa hề biết bao giờ .
Đó là quỉ Sa tăng hay là Thượng đế, là Thiên thần hay Nữ thần nửa người nửa cá cũng chẳng hề chi
Cũng chẳng hề chi miễn là ngươi tạo nên được – nàng tiên có đôi mắt nhung,
Nhịp điệu, hương thơm, ánh sáng, ôi bà hoàng hậu duy nhất của ta!
Cái vũ trụ ít sâu xa hơn và những thời khắc ít nặng nề hơn ?
(Nguyên tác bài thơ tiếng Pháp là: Hymne à la Beauté in trong tập Les Fleurs du Mal: Những Bông Hoa Ác của Charles Baudelaire – nhà thơ tượng trưng Pháp đầu thế kỉ XX).
14) Bình giảng bài thơ “Lá diêu bông” của nhà thơ Hoàng Cầm, qua đó tìm
hiểu quan niệm thẩm mĩ của tác giả.
Váy Đình Bảng buông trùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
đồng chiều cuống rạ. . .
Chị bảo
- Đứa nào tìm được lá Diêu bông
từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày
Em tìm thấy lá
Chị chau mày
- đâu phải Lá Diêu Bông !
Mùa đông sauEm tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười
xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt
chị không nhìn
Từ thuở ấy
em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
gió quê vi vút gọi
- Diêu bông hời . . .
. . . ới diêu bông . . . !
[Gợi ý tìm hiểu: chiếc “lá diêu bông” là biểu tượng của một tình yêu lí tưởng, một tác phẩm lí tưởng, một cái đẹp hoàn hảo ... rất khó tìm thấy ]
15) So sánh tài năng âm nhạc của Chu Du và kĩ nữ đàn tranh trong bài thơ sau:Minh tranh 鸣筝
Lí Đoan 李端
鸣筝金粟柱
素手玉房前
欲得周郎顾
时时误拂线
Míng zhēng jīn sù zhù
Sù shǒu yù fáng qián
Yù dè Zhōu Lāng gù
Shí shí wú fú xián
Dịch nghĩa
Đàn minh tranh, trụ dây bằng vàng
Bàn tay trắng đẹp ở trên phím ngọc
Muốn được Chu lang nhìn đến
thi thoảng gảy sai dây đàn
Phiên âm Hán Việt
Minh tranh kim túc trụ
Tố thủ ngọc phòng tiền
Dục đắc Chu Lang cố
Thời thời ngộ phát huyền
dịch thơ
Đàn tranh kim túc phím này
Ngọc phòng, tay trắng lựa dây ngắn dài
Chàng Chu dù chẳng đoái hoài
Hững hờ, thỉnh thoảng dạo sai cung đàn
[Trích Thi ca từ Trung Hoa, Phùng Hoài Ngọc biên soạn, Nhà xuất bản Đại học quốc gia tp. HCM, 2004]
Giai thoại Chu Du nghe đàn. Vốn say mê âm nhạc, khi rảnh việc binh, đại tướng Chu Du mời một kĩ nữ nổi tiếng đàn tranh đến biểu diễn.Nàng kĩ nữ diễn tấu đàn tranh giỏi hơn Chu Du, cô rất vui sướng được mời đến. Khi nghe đàn, Chu Du nhắm nghiền đôi mắt. Cô lại muốn Chu Du mở mắt, nhìn mình…Thỉnh thoảng cô cố ý gảy sai một nốt, Chu Du mở bừng mắt, trừng trừng nhìn cô vẻ trách mắng…Cô hài lòng, lại gảy thật hay…
Nốt nhạc gảy sai do cô cố ý chọn trước chứ không phải khả năng kém… Chu Du nghe thấy biết liền- ấy là Chu Du có tài thẩm định âm nhạc, khả năng đánh giá giỏi hơn cô. Cô cũng biết thính giả là vậy nên mới nghĩ ra thủ đoạn độc đáo khiến chàng phải nhìn nàng một cái…
Họ đều là chủ thể nghệ thuật âm nhạc với những năng lực khác nhau.
Nhà thơ Lí Đoan đời Đường đã viết bài thơ “Minh tranh” về giai thoại Chu Du và kĩ nữ đàn tranh.
Chú thích
Tên loại đàn này là “Minh tranh”. “cố”: nhìn lại.(chiếu cố nghĩa rộng là: quan tâm chú ý, giúp đỡ).
Hết
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1) Mĩ học đại cương, Đỗ Văn Khang, Nxb Giáo Dục 1997TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
2) Những bài giảng mĩ học, Hegel. Nxb Văn Học Hà Nội, Phan Ngọc dịch
3) Nguyên lí mĩ học Mác Lê Nin. Tác giả: A. Lukin và V.C. Skachersikov. Nhà xuất bản Moskva 1982, Nxb Sách giáo khoa Mác Lê Nin, Hà Nội, Hoài Lam dịch
4) Cái đẹp một giá trị, Hoài Lam. Nx b Văn hoá.
5) Mĩ học với tư cách là một khoa học, Đỗ Huy, Nxb Chính trị Quốc gia.1996
6) Mĩ học và giáo dục thẩm mĩ, Vũ Minh Tâm. Nxb Giáo Dục 1998
7) Mĩ học đại cương, Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương, Lâm Vinh, Đại học Huế xuất bản.
8) Bốn bài giảng mĩ học, tác giả GS Lý Trạch Hậu (Trung Quốc), Trần Đình Sử và Lê Tẩm dịch, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội 2002
9) Mĩ học, Hegel
và nhiều tài liệu khác…
Ngõ hẻm mùa Thu
Khởi công 15.10 1996
hoàn thành bản thảo 2001
điều chỉnh 18 tháng 7 năm 2003
Phùng Hoài Ngọ