Sự tích Thánh Gióng – Phù Đổng thiên vương ra đời trong khoảng thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, thoạt đầu là vị thần khổng lồ có nguồn gốc từ thần đá và thần tre trúc sau đó phát triển lên thành anh hùng dân tộc chống ngoại xâm; gắn với sự hình thành liên minh Âu Lạc bởi nó ẩn chứa trong mình cả hai thành tố Âu, Lạc.
Nguyễn Việt*
I- TỪ MỘT SỐ VẤN ĐỀ HIỆN TỒN
Đối với nghiên cứu Tiền sử học thì có một số điểm gắn liền với huyền thoại Thánh Gióng cho đến nay vẫn chưa làm rõ được như:
1- Tại sao Thánh Gióng đời vua Hùng thứ 6 lại đánh nhau với “giặc Ân mũi đỏ”, khi mà trong lịch sử chỉ có một nhà nước Ân, là cách gọi khi nhà Thương đóng đô ở đất Ân (Ân Khư, Hà Nam, Trung Quốc). Tuy rằng vào khoảng thời gian này (Ân Thương) đã xuất hiện mối bang giao của thủ lĩnh văn hóa Phùng Nguyên với vùng Tứ Xuyên, Hà Nam thông qua những chiếc nha chương phát hiện ở Xóm Rền và Phùng Nguyên.
2- Di tích khảo cổ học gắn với thời tiền sử muộn có thể liên quan đến thần thoại Thánh Gióng lại gần như vắng bóng quanh chân núi Sóc, mà hơi chệch về phía tây và phía nam. Khu vực đền thờ mẹ Gióng cũng là nơi sinh ra Gióng là làng Phù Đổng mới là khu vực phân bố dày các di tích khảo cổ học, trong đó ở viền xa hơn một chút có cả những di tích niên đại sớm tương đương với thời Ân Thương (như Bãi Tự, Từ Sơn, Đại Trạch, Dương Xá…). Tuy nhiên, trực tiếp quanh vùng Phù Đổng lại tập trung chủ yếu là các di tích Đông Sơn có niên đại từ thế kỷ 3 trở về sau (Trung Mầu, Dương Nội, Đa Tốn, Đình Tổ, Luy Lâu…).
3- Bản chất Thánh Gióng là vị thần cổ đại nào của người Việt và “Phù Đổng” hàm nghĩa gì khi gắn với Thánh Gióng.
Bài viết này thử dùng tiếp cận tiền sử học để giải thích các câu hỏi đó.
II- GIẢI THÍCH CÁC THÀNH TỐ CỘI NGUỒN
A- Thánh Gióng hiện thân của Trúc Vương (vua sinh ra từ thân cây tre) trong huyền thoại Dạ Lang. Thử tìm mối liên hệ xa hơn về khái niệm “giặc Ân”.
Về huyền thoại Thánh Gióng đã có công trình nghiên cứu đồ sộ của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lão thành Cao Huy Đỉnh. Trong đó cây tre đóng một vai trò rất cơ bản trong huyền thoại này: tre dùng làm vũ khí đánh giặc sau khi gậy sắt bị gãy, tre đằng ngà màu vàng, đặc sản của rừng Sóc được coi như dấu tích lửa cháy từ chiến trận đánh giặc Ân. Về mặt ngôn ngữ học thì cả “Gióng” và “Sóc” đều ít nhiều liên quan đến loài cây có đốt rất gắn bó với đời sống cư dân Việt cổ. Gióng là một khúc đoạn dùng riêng cho thân cây có đốt, nay còn dùng phổ biến khi nói đến “gióng mía” và Sóc còn lại trong thành ngữ “đòn sóc hai đầu”, chỉ một loại đòn gánh thời xưa làm bằng thân tre đực vót nhọn hai đầu, rất tiện dùng khi gánh củi bó, lúa giạ cũng như làm vũ khí.
Về một khía cạnh nào mà nói, có thể hiểu Thánh Gióng là một vị thần tre trúc đã hóa thân thành một anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm. Giả thiết này được ủng hộ bởi hình ảnh vị thần huyền thoại của người Dạ Lang là Trúc Vương (vị vua đầu tiên được sinh ra từ thân cây tre). Theo huyền thoại được kể sớm nhất trong Hoa Dương quốc chí chép trong Hậu hán thư thế kỷ 4 sau Công nguyên thì ở nước Dạ Lang, khi xưa có một người con gái ra giặt ở sông Đồn Thủy, bỗng thấy khúc tre lớn ba đốt trôi vướng vào chân, nghe trong có tiếng khóc, cô gái liền bổ khúc tre ra, thấy một bé trai, mang về nhà nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu con trai có tài võ nghệ, tự lập làm Dạ Lang hầu, lấy họ là Trúc. Vị Dạ Lang hầu này sau đó bị Hán Vũ Đế giết, được dân chúng tôn làm thần nhân, lập đền thờ Trúc vương Tam lang rất linh ứng ở cửa sông Đồn Thủy đổ vào sông Uất Lâm. Dân trong vùng truyền rằng: Trúc vương quyên sinh, phá trúc ở tại đồng hoang sau trở thành rừng trúc, ngày nay đền thờ vương ở đất Quế Lâm vậy. Vương thường cùng gia nhân đến dừng chân trên tảng đá lớn và ra lệnh nấu canh, gia nhân thưa: không có nước nấu. Vương dùng kiếm chặt vào hòn đá, nước từ trong chảy ra. Ngày nay có sông Trúc vương thủy là bắt nguồn từ đó.
Về mô tip truyền thuyết thì hai câu chuyện Thánh Gióng và Trúc Vương đều giống nhau ở một số điểm, đó là một cuộc sinh nở kỳ bí: mẹ Gióng dẫm phải vết chân khổng lồ của thần nhân và mẹ Trúc Vương thấy đứa trẻ trong thân đốt cây tre. Cả Gióng lẫn Trúc Vương đều liên quan đến tre trúc. Những khác biệt còn lại cũng khá lớn, ở chỗ Gióng là thần biểu trưng cho anh hùng đánh giặc giữ nước, còn Trúc vương chỉ là vị thần lập quốc giúp dân. Cuộc đời Trúc Vương gắn với lịch sử thời Tần Hán, trong khi Thánh Gióng gắn với sự tích giặc Ân, mà nếu đích thực là thời nhà Ân Thương thì cũng phải từ hơn 1000 năm trước đó. Kết cục Thánh Gióng thắng giặc xong bay về trời (như sự sinh ra bí hiểm bởi con thần) còn Trúc Vương đầu hàng rồi bị kẻ xâm lược là Hán Vũ Đế phong vương rồi giết chết. Những khác biệt đó không cho phép đánh đồng hai nhân vật huyền thoại này làm một, nhưng có một số dẫn liệu khảo cổ học gợi mở hướng truy tìm sự ra đời của cốt chuyện Thánh Gióng từ thần thoại Trúc Vương của người Dạ Lang.
Những dẫn liệu khảo cổ học mà tôi đưa ra gắn liền với sự ra đời của nước Âu Lạc và gốc gác của vị vua Thục Phán An Dương vương.
Sự việc bắt đầu bằng những phát hiện khảo cổ học tại vùng Khả Lạc (Quý Châu, Trung Quốc). Đây là một khu mộ táng lớn có niên đại từ thời Chiến Quốc đến Đông Hán đã được phát hiện và khai quật từ 1978 rồi 2000. Loại hình mộ táng và di vật chôn theo của chủ nhân khu mộ đã cho phép các nhà nghiên cứu Trung Quốc đề xuất một văn hóa khảo cổ riêng biệt mang tên “Văn hóa Khả Lạc” (KeLe Culture). Khi mở rộng nghiên cứu so sánh, các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc cũng như quốc tế đều nhận thấy sự gần gũi của cách chôn cất giữa văn hóa Khả Lạc với khu mộ táng Đông Sơn ở Làng Vạc (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Đó là kiểu chôn người chết trong những huyệt đất nông có dùng đá kè mộ và nhất là cách đặt đầu người chết bên trong hoặc bên trên các đồ đựng bằng đồng như trống, chậu, nồi, đĩa… Và điểm theo tôi là quyết định nhất để có thể nối văn hóa Khả Lạc với những chủ nhân Đông Sơn ở Làng Vạc đó là họ đều sở hữu những chiếc vòng ống bằng đồng có bản dẹt và nhất là những thanh kiếm lưỡi sắt (hoặc đồng) tra vào phần cán đúc bằng đồng trang trí rất đẹp và có hình thuyền cong, mỏng gắn ở đốc chuôi. Đây là loại kiếm mang tính đặc thù văn hóa tộc người vô cùng độc đáo và rõ nét. Ngay ở Trung Quốc chúng cũng chỉ mới phát hiện được ở Khả Lạc (khoảng 20 chiếc) và ở Việt Nam cũng mới thấy ở vùng Làng Vạc và phụ cận (khoảng 50 chiếc), chưa thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên toàn thế giới. Sự tương đồng này đã được các nhà khoa học xác nhận như là minh chứng rõ nhất cho một làn sóng di chuyển những quý tộc Tây Âu – Dạ Lang từ vùng đất Dạ Lang xưa (Quý Châu, tây bắc Quảng Tây) xuống khu vực miền bắc Việt Nam.
Sự kiện này được củng cố thêm bởi việc phát hiện loại qua đồng lưỡi thẳng, đốc có hình vị thần của người Tây Âu dọc sông Hồng từ Vân Nam đến Việt Trì và loại nồi đồng có quai xoắn thừng mỏng dẹt trên có tượng chim nhỏ, đáy nồi chia làm bốn ô, trong đó có hoặc không có chân núm nổi, phân bố ở vùng nam và đông nam Cổ Loa ( Thuận Thành Bắc Ninh, Văn Lâm, Mỹ Hào Hưng Yên, Phú Xuyên, Mỹ Đức Hà Nội, Duy Tiên Hà Nam). Đây cũng là hai loại hình tùy táng đặc trưng cho văn hóa Khả Lạc ở Quý Châu. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, văn hóa Khả Lạc có niên đại từ thế kỷ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ 2 sau Công nguyên, đồng thời với văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Những hiện vật kể trên đều nằm trong khung niên đại sớm của nền văn hóa này (thế kỷ 5 đến thế kỷ 2 trước Công nguyên).
Tài liệu thư tịch cũng hé mở cho chúng ta khi hai lần Hậu Hán thư nói đến những người “man” Dạ Lang tồn tại ở “bên ngoài” Cửu Chân. Một lần khi nói đến công trạng của Nhâm Diên khi làm thái thú Cửu Chân (24-29 sau Công nguyên) đã hòa giải được với man Dạ Lang để giảm được quân tuần tra đồn trú. Một lần khác vào năm thứ nhất niên hiệu Vĩnh Sơ đời Hán An đế (năm 107) khi nhắc đến man Dạ Lang bên ngoài Cửu Chân nổi dậy chiếm đất lập lãnh thổ rông trên 1000 dặm. Quận Cửu Chân là một trong 9 quận của nhà Hán lập ra sau khi chiếm Nam Việt vào năm 110 trước Công nguyên. Phân bố của cửu Chân bao gồm vùng núi Tam Điệp trở vào đến vùng núi Nghi Sơn giáp ranh Thanh Hóa – Nghệ An hiện nay. “Bên ngoài” Cửu Chân có thể hiểu là vùng núi phía tây và phía nam Thanh Hóa hiện nay. Đây chính là vùng phân bố của các đồ đồng thau Đông Sơn mang phong cách giống với văn hóa Khả Lạc của người Dạ Lang ở Quý Châu thời xưa. Có một số dấu hiệu khảo cổ cho thấy rằng chính những người Dạ Lang này, với tư cách tàn quân Âu Lạc đã tham gia cùng Khu Liên lập nên nước Lâm Ấp chống Hán trong nhiều thế kỷ thuộc nửa đầu thiên kỷ 1 sau Công nguyên.
Vậy cuộc di chuyển của những thủ lĩnh Dạ Lang, Tây Âu xuống miền bắc Việt Nam đã diễn ra do đâu và như thế nào ?
Dạ Lang được nhắc đến đầu tiên trong Sử ký của Tư Mã Thiên (thế kỷ 2 trước Công nguyên). Khi đó có hai sự kiện lớn liên quan đến Dạ Lang, một là việc Triệu Đà mua chuộc áp phục Dạ Lang theo Nam Việt chống Hán vào khoảng 179-180 trước Công nguyên. Hai là, nhà Tây Hán cử quân đánh Nam Việt vào năm 110 trước Công nguyên có cử tướng sang Dạ Lang điều quân tham chiến. Nghiên cứu về nhà nước Dạ Lang đã làm rõ được đó là một tiểu quốc được cho là “lớn nhất ở Tây Nam Di” đối với các triều đại Trung Hoa cổ điển. Dạ Lang vốn phân bố chủ yếu ở đất Quý Châu hiện nay, xưa kia tiếp giáp về phía đông nam trực tiếp với Tây Âu. Sau khi Tây Âu nhập với Văn Lang để thành Âu Lạc thì cũng chính là tiếp liền với Âu Lạc. Khu vực tiếp giáp đó chính là phía tây bắc Quảng Tây hiện nay. Chúng tôi cho rằng một bộ phận phía bắc của Tây Âu có chung nền văn hóa với Dạ Lang, thể hiện qua sự tương đồng về vũ khí (qua, dao găm) và các đồ dùng gia dụng khác (trống, chuông, vòng tay, tai, nồi, chậu, trống…), trong đó có thể có chung cả một vị thần tre là Trúc Vương.
Sự ra đời của Âu Lạc đã rõ là sự kết hợp của khối Tây Âu khi đó phân bố ở Quảng Tây, Quảng Đông, một phần Vân Nam và các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, với những người Lạc Việt của nước Văn Lang (vùng trung, hạ lưu sông Hồng, lưu vực sông Mã, sông Cả) lấy Cổ Loa làm kinh đô đầu tiên. Sự khác biệt trong bộ di vật Đông Sơn từ thế kỷ 3 trước Công nguyên trở về sau trong phạm vi cương vực Văn Lang đã ghi nhận sự tham gia của khối Tây Âu này. Trong thực tế, khối Tây Âu cũng chính là một bộ phận Lạc Việt phía bắc đã chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa nhà nước Sở, Ngô, Việt, Ba Thục mà thôi. Khi kết hợp với Văn Lang thủ lĩnh Tây Âu là Thục Phán đã nắm quyền lãnh đạo Âu Lạc. Có lẽ vì tàn dư Ba Thục có đậm nét trong văn hóa Tây Âu nên sách sử từ thế kỷ thứ ba sau Công nguyên (Giao Châu ngoại vực ký) đã ghi nhận: Thục Phán là “Thục vương tử” – tức dòng dõi vua nước Thục (đã bị mất nước từ khoảng 100 năm trước đó – năm 316 trước Công nguyên). Truyền thuyết dân gian cũng nói đến thất bại của Hùng vương là do vua Thục xin thông gia không được đã đem quân đến đánh. Tài liệu khảo cổ học Việt Nam xác nhận có nhiều yếu tố văn hóa Ba Thục để lại trong bộ di vật từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Tuy nhiên, đi vào chi tiết thì sự thiếu vắng kiếm kiểu Khả Lạc, Dạ Lang ở đồng bằng sông Hồng tương đồng với vắng bóng qua đồng trong sưu tập vũ khí Làng Vạc cho thấy dường như có một bộ phận thủ lĩnh Dạ Lang khi bị sức ép của Tần, Hán đã đi theo đường núi từ Quý Châu đến vùng thượng du sông Hiếu (Nghệ An) và chỉ có khối Tây Âu đi xuống đồng bằng sông Hồng thôi.
Trong bối cảnh lịch sử như vậy thì việc xuất hiện thần tre trúc (Trúc Vương) từ khối Tây Âu – Dạ Lang vào hệ thống thần thoại Âu Lạc thì cũng không có gì là quá cưỡng bức. Sự kiện đánh nhau với giặc Ân, nếu có thì cũng chỉ có thể diễn ra với tổ tiên người Ba Thục trong bình tuyến văn hóa Tam Tinh Đôi (Sanxingtui) ở Tứ Xuyên. Yếu tố Ba Thục này hẳn đã truyền xuống phía nam trong quá trình lan tỏa vào Dạ Lang và Tây Âu sau khi nước thục bị Tần diệt vào năm 316 trước Công nguyên. Điều này càng củng cố thêm cho giả thuyết về thành tố thần Tre Trúc trong việc cấu thành hình tượng Thánh Gióng thời Hùng Vương.
B- Phù Đổng: thần khổng lồ của người Việt Mường cổ (ông Đùng – Đổng)
Tuy nhiên, vị thần tre trúc đó của Tây Âu – Dạ Lang khi xâm nhập vào thế giới Lạc Việt Văn Lang đã được biến đổi dưới ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa Lạc Việt bản địa, trong đó tục thờ thần đá khổng lồ (ông Đùng) đóng một vai trò quan trọng. Dưới tác động của tục thờ thần đá, thần khổng lồ, thần tre trúc Thánh Gióng mang thêm yếu tố Phù Đổng (chữ Đổng cũng giống như chữ Trọng trong Lý Ông Trọng, là biến âm Hán Việt của chữ Đùng, Tùng trong ngôn ngữ Việt mường cổ. Phù Đổng có thể hiểu nghĩa đen là “bỗng chốc trở nên khổng lồ”). Và cũng giống trường hợp của thần khổng lồ Lý Ông Trọng được gắn với chiến công đánh giặc Hung Nô, thì Thánh Gióng cũng được người đời sau gắn với chiến tích đánh giặc Ân – hai loại giặc chỉ xuất hiện ở vùng phía bắc sông Trường Giang chứ chứ bao giờ hiện hữu ở Việt Nam.
Việc gắn Thánh Gióng (Dóng) với thờ thần khổng lồ đã được Cao Huy Đỉnh đề cập và đưa ra rất nhiều bằng chứng có giá trị. Hiện tượng thờ thần đá, thần núi rất phổ biến trong thế giới tâm linh Việt Mường cổ. Thần Tản Viên, Cao Sơn đều thuộc loại thần như vậy được đưa lên thành quốc thần. Trong thần thoại Mường thì câu chuyện ông Đùng bà Đà là một điển hình cho tư duy tôn thờ thần khổng lồ, tượng trưng cho mơ ước về sức mạnh siêu nhân. Những hòn núi đá đứng độc lập trong nhiều sơn khối đá vôi thường được người Mường mệnh danh và tôn thờ như “Ông Tùng, Ông Đùng” (phát âm Việt Mường dễ lẫn lộn giữa “t” và “đ”) với ý nghĩa rõ ràng là một vị thần khổng lồ. Trong một số công trình nghiên cứu về họ Lý liên quan đến Lý Ông Trọng tôi đã phân tích mối liên hệ của việc thờ Lý Ông Trọng ở Đền Chèm với tục thờ thần khổng lồ của người Việt cổ, trong đó Ông Trọng chính là biến âm Hán Việt của Ông Đùng (Đổng, Trọng) mà thôi.
Vì vậy, không cần phải bàn cãi nhiều, Phù Đổng cũng là hiện thân của một vị thần khổng lồ trong tâm linh Việt cổ, được gắn với một hình tượng thần linh Tre Trúc của nhóm Việt Tây Âu phía bắc để trở thành Thánh Gióng, Thánh Sóc.
Trong khung cảnh liên tục phải chống giặc ngoại xâm, Thánh Gióng được người đời sau gắn thêm với một sự tích giúp vua Hùng đánh giặc ngoại xâm, nhờ đó đã được dân tộc ta tôn vinh trở thành một trong những biểu trưng bất tử của đất nước. Vì là con thần (do mẹ dẫm vào dấu chân thần mà sinh ra) nên sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, thánh đã hiển về trời, trở thành một “Phù Đổng thiên vương”.
C- Niên điểm ra đời của truyền thuyết Thánh Gióng
Ghi chép sớm nhất về sự tích Thánh Gióng là ở đời nhà Trần, thế kỷ 14, trong sách Việt Điện u linh và Lĩnh Nam chích quái. Những ghi chép này dựa trên các văn bản thần tích trước đó để lại ở các nơi thờ cúng hiện hành hoặc lượm lặt từ truyền khẩu dân gian dưới dạng sử thi của người Việt cổ. Theo lời lẽ kể lại từ các sách đó cũng như ghi lại trong các sách sử đương thời hoặc sau đó thì đây là một trong số những thần thoại có tuổi đời vào loại lâu nhất trong lịch sử nước ta.
Theo đánh giá tiền sử học thì phần lớn các huyền thoại cổ nhất của Việt Nam, bắt đầu với sự tích Âu Cơ – Lạc Long quân và các sự tích liên quan đến thời Hùng Vương đều ra đời hoặc được hoàn thiện trong khoảng thế kỷ 4-3 trước Công nguyên. Đây chính là thời điểm cực thịnh của văn hóa Đông Sơn, thời điểm hình thành ổn định một xã hội trồng lúa Việt cổ ở đồng bằng thấp sông Hồng với một hệ thống lễ hội được nghệ nhân mô tả theo những quy ước xã hội khá chặt chẽ trên những đồ đồng lễ nghi (trống, thạp). Trước đó, quá trình khai thác đồng bằng đã từng diễn ra nhưng với cường độ thấp, một phần do diện tích đất lúa bị nhiễm mặn sau biển thoái chưa kịp rửa chua và bồi đắp phù sa tự nhiên, mặt khác chưa xuất hiện những biến động chính trị quân sự trực tiếp (thời Chiến Quốc) lan tỏa đến vùng Lĩnh Nam để gây ra làn sóng di cư nam tiến của người Bách Việt. Sự tích Âu Cơ – Lạc Long quân là sự phản ánh rất rõ nét cuộc giao hòa giữa hai khối cư dân Việt sinh sống ở hai vùng cao cạn (Âu) – thấp ngập (Lạc) với một “thủy tổ” Kinh Dương Vương gốc Thần Nông thông gia lấy con gái Thần Long ở hồ Động Đình (phạm vi phân bố của văn hóa Dương Việt mà sau đó là văn hóa Sở, Ngô, Việt, nay thuộc vùng Hồ Nam, Trung Quốc) sinh ra Lạc Long quân.
Những thần thoại nổi tiếng thời Hùng vương như Sơn Tinh – Thủy Tinh (Sơn – Thủy), Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Chử - đầm lầy, Tiên – rừng núi ) đều nằm trong cùng một mô típ lớn Âu – Lạc đó. Chuyện Mai An Tiêm hay sự tích Trầu Cau nay đã được chứng thực bởi sự phát hiện hệ thống bùng phát của một loại hình hạt dưa bở, vỏ cau và tục nhuộm răng trong các mộ táng thân cây khoét rỗng thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại phổ biển từ khoảng 400 năm trước Công nguyên trở về sau. Thêm nữa, niên điểm xuất hiện hình tượng ngựa chỉ thấy ở giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn, trên một số thạp, liễm và trống đồng có niên đại sớm nhất là thế kỷ 2 trước Công nguyên trở về sau. Việc gắn chuyện Thánh Gióng vào niên điểm Hùng Vương thứ 6 tương đương với sự tồn tại của giặc Ân (có thể hiểu là thời Ân Thương ở nửa sau thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên, tương ứng thời văn hóa Đồng Đậu ở Việt Nam) chứng tỏ đã có một sự so sánh tương đối giữa lịch đại truyền miệng thế phả Văn Lang với lịch đại thế phả Trung Hoa. Tất nhiên, niên điểm diễn ra câu truyện không phải nhất thiết là niên điểm ra đời của truyền thuyết. Từ những vị thần đá, thần khổng lồ, thần tre trúc bản địa Tây Âu – Lạc Việt, Thánh Gióng còn được gắn thêm hình tượng anh hùng dân tộc. Lần theo cách mô tả và sự mở rộng thờ phụng những nhân vật gắn với cuộc đánh giặc Ân của Thánh Gióng ta thấy có sự gần gũi với các mô típ diễn ra với các truyền thuyết về tướng lĩnh tham gia trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Cung cách cầu hiền và tuyển mộ của triều đình cũng như cách tổ chức đúc ngựa rèn vũ khí cho Gióng có nét gì đó phảng phất câu truyện Thạch Sanh. Những điều đó gợi ý rằng lớp lang đánh giặc, hiển thánh về trời có thể được đưa vào sau đó một vài thế kỷ, có thể là sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng và tiếp tục thêm thắt ở các đời sau nữa, khi mà xã hội Việt Nam bước vào những gian truân phải liên tục chống lại giặc ngoại xâm.
Vì vậy, dựa trên phân tích thành tố cấu thành huyền thoại Thánh Gióng và khung cảnh ra đời chung của truyền thuyết Hùng vương chúng tôi cho rằng sự tích Thánh Gióng – Phù Đổng thiên vương ra đời trong khoảng thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, gắn với sự hình thành liên minh Âu Lạc bởi nó ẩn chứa trong mình cả hai thành tố Âu, Lạc. Thoạt đầu là vị thần khổng lồ có nguồn gốc từ thần đá và thần tre trúc sau đó phát triển lên thành anh hùng dân tộc chống ngoại xâm.
-------------------------------
[* Mùa thu năm nay, tại Thụy Điển, lần đầu tiên các nhà khoa học Thụy Điển phối hợp với Đại hội đồng Khảo cổ học Thế giới (WAC) tổ chức một Hội nghị khoa học quốc tế với chủ đề “Stories, Places and People” (Truyền thuyết, Di tích và Con người). Chủ đề này nhằm khai thác và vận dụng những thành tựu nghiên cứu khoa học cổ nhân văn (PalaeoAnthropogy) trong việc kết nối những sự kiện huyền thoại còn lưu hành trong dân gian với các vết tích địa lý mang tính “hiện trường” nhằm bảo tồn và phát triển phục vụ du lịch, giáo dục dục truyền thống lịch sử.
Tác giả bài viết này cũng là một thành viên của WAC, được mời tham dự trình bày trong Hội nghị đó, dự kiến sẽ phát biểu về hai hiện tượng nổi bật có sự gắn kết chặt chẽ giữa huyền thoại hàng ngàn năm tuổi và các chứng tích hiện tồn trên mặt đất ở nước ta: 1- Huyền thoại Thánh Gióng và 2- Huyền thoại thành Cổ Loa.
Dưới đây là một phần trong kết quả nghiên cứu mới nhất của tác giả nhân chuẩn bị bài viết cho Hội nghị đó.