Chương 8 Viết thêm.
1.
1.
Chị Tám ơi, mỗi khi nghĩ đến chị là lòng em lại quặn đau, nước mắt như mưa. Chị là chị em cùng bào thai thân thiết nhất của em, là cây cỏ dại đẹp nhất vùng Cao Mật, không ai đẹp bằng chị. Vậy mà từ trước tới nay em coi như không có chị. Chị như một vật thừa, lặng lẽ ngồi một xó. Chị chết rồi, em mới thấy chị sáng giá, lảm nhảm những lời vô nghĩa để tưởng nhớ chị. Mái tóc bạch kim của chị óng như tơ dù có những còn chấy ký sinh ở đó. Mắt chị trong như pha lê mặc dù chị bị mù. Đôi môi chị đỏ mọng như mào gà trống. Đôi vú chị như cặp vó trắng của con ngựa hồng. Chị sợ trầm mình trong chum nước thì phiền hà cho mẹ. Chị sợ chết tại nhà thì hủy hoại thanh danh nhà Thượng Quan. Do vậy chị ra sông tự tận. Kỳ thực thanh danh nhà Thượng Quan thì... Người ta có câu Nghèo như ăn mày thì không thể nghèo hơn, quá nhiều chấy thì không còn thấy ngứa, ai chê trách chị chết trong chum hay chết ngoài sông. Chị dò dẫm bước ra khỏi nhà. Ngôi nhà này đã từng lui tới các anh hùng hào kiệt, từng vào ra những kẻ vô lại, du côn. Ngôi nhà này đã cũ nát quá sức tưởng tượng, chim én lặng lẽ thò mỏ ra với anh dưới mái hiên, những lời không thành tiếng của nó là lời chào hỏi qua bộ lông bóng mượt màu lam ngọc trên cánh én. Chim én ơi, tôi muốn ra bờ sông, én có vui lòng cùng đi với tôi không? Thế là từng đàn chim én đau xót nhào lộn trên đầu anh.
Gió Nam lùa trong ngõ hẹp, đó là một mùa xuân đói khát, xác người chết trong đống cỏ bốc mùi thối. Chị sở dĩ chưa bị chết đói là nhờ mẹ dùng dạ dày và thực quản làm túi đựng, lấy trộm lương thực đem về. Tại xưởng xay bột của Tư Mã Khố, công xã nhân dân tập trung một số phụ nữ đến đẩy cối, cung cấp bột cho công nhân xây dụng thủy điện Hiệp Sơn. Người điều hành công việc này có hỗn danh là Mặt Rỗ, tên thật là gì không ai biết. Anh ta là một phế binh, tóc mai trắng như cước, khuôn mặt hồng hào, khí sắc rất tốt. Anh ta cầm roi da đứng gác ở cổng nhà xưởng, hứng lên thì đi dạo bên trong một vòng. Cánh phụ nữ mỉm cười vờ vịt với anh ta, tán tỉnh anh ta bằng những lời đường mật: Anh Rỗ ơi, anh quả thật có tấm lòng Bồ Tát. Không, ta không phải Bồ Tát, mà là sáng mắt sáng lòng, kẻ nào bắt chước mấy con lừa ăn vụng lương thực, thì đừng trách cây roi của ta vô tình! Cô vợ góa của nhà họ Thôi bây giờ thì đã già. Cô dụ anh Rỗ bằng cặp vú đã xệ. Chú Rỗ ơi, chú Rỗ, ra chỗ chuồng ngựa, cháu có chuyện quan trọng muốn bàn với chú. Trước kia, cô vợ góa nhà họ Thôi là bồ của Tư Mã Khố, giờ đây hiến thân cho anh Rỗ chẳng khác đem mỡ đến miệng mèo. Cánh phụ nữ tranh thủ thời cơ lấy trộm đậu hạt và lúa mạch nhét đầy các túi, ống quần, bít tất, thậm chí cả trong quần lót. Nhưng những trò vặt ấy làm sao qua được cặp mắt tinh tường của Mặt Rỗ. Lúc tan tầm, anh ta bắt bỏ hết ra và vung roi cứ nhằm lưng các bà các cô mà vụt.
- Ăn cắp này! Cho mày ăn cắp này!
Mỗi roi là một lằn máu, đám phụ nữ kêu khóc vang trời, quì la liệt dưới đất. Cô vợ góa nhà họ Thôi mất công toi, không lay chuyển được lập trường Mặt Rỗ. Anh ta bảo:
- Công là công, tư là tư, không vì tư mà rối loạn phép công.
Đám phụ nữ không dám giắt trộm vào người, mà chỉ dám ăn vụng mỗi khi Mặt Rỗ sơ ý, gặp đậu ăn đậu, gặp cao lương ăn cao lương, gặp tiểu mạch ăn tiểu mạch. Khi ăn vụng còn không dám nhai vì tiếng nhai ròn như pháo tép. Nuốt chủng thôi, nuốt chửng còn dễ hơn ăn cắp. Hai thằng trời đánh nhà họ Tư Mã làm sao mua về những thớt cối lớn đến như thế, y như những quả núi nhỏ. Đám phụ nữ trách móc, rạp mình xuống mà kéo cối, kịch kịch kịch kịch lúc nhanh lúc chậm, mồ hôi ròng ròng, bụng sôi ùng ục đầy những hơi là hơi, bụng trương lên, không dám đánh trung tiện nếu Mặt Rỗ có ở đấy. Mũi Mặt Rỗ thính như chó nghiệp vụ, ngửi mùi rắm là đoán ra ngay người nào ăn vụng thứ gì.
Bột chảy rào rào trông như những hạt tuyết khô, tuyết vàng có, tuyết đỏ có, tuyết năm màu trộn lẫn nước mắt các bà mẹ. Chai nổi cộm trên vai các bà, chai ở bàn chân cứng như móng guốc sức vật, nỗi khổ của các bà ngang với nỗi đau của cây thánh giá! Nhưng vào cái năm ấy, tình hình như thế là còn khá. Mặt Rỗ nói:
- Các mẹ đừng chửi tôi vô lương tâm, các bà ở xưởng bột Sơn Đồn còn phải đeo rọ miệng kia. Quả vậy, nếu không làm lừa kéo cối xay thì chị Tám đã chết đói từ lâu, khỏi phải nhảy xuống sông tự vẫn, Hàn Vẹt cũng chết đói từ lâu, mấy chục năm sau khỏi có cái Trung tâm nuôi chim Phương Đông, mẹ cả đời ngay thẳng cũng không khỏi trở thành tên trộm vặt! Hôm ấy trời oi bức, mẹ về nhà bị nôn. Đến đêm thì trời mưa to, sáng ra, mẹ trông thấy Hàn Vẹt nhặt những hạt đậu lên ăn. Mẹ chợt nảy ra một ý, từ đó trở đi, mỗi khi gần tan tầm là mẹ nhân lúc tranh tối tranh sáng, bốc lương thực mà nuốt như điên, dạ dày căng phồng, cổ họng thẳng đuỗn. Mẹ quì xuống bên chiếc bồn gỗ đầy nước lã mà nôn, lương thực, lương thực quí như vàng, thứ lương thực đáng ghét ấy trộn lẫn với những tia máu và dịch vị dạ dày, cứ thế mà ọe ra. Thực ra, lương thực xưa nay vốn rất quí, mẹ vĩnh viễn là con người vĩ đại, cách thức mẹ lấy trộm lương thực cũng độc nhất vô nhị trên đời, kẻ trộm mà như mẹ cũng sáng giá lắm. Mỗi khi nghĩ đến cái cảnh mẹ quì xuống nôn thốc nôn tháo cho bằng hết lương thực ra bồn, là tôi lại ứa nước mắt và thấy máu trong người sôi sục, rất muốn làm nên sự nghiệp hiển hách để đền đáp công ơn mẹ. Chỉ tiếc là Thượng Quan Kim Đồng tôi suốt đời treo tư tưởng của mình trên đầu vú mà lênh phênh đây đó, y hệt chiếc lục lạc vàng chóe. Chị Tám bị dày vò vì tiếng nôn ọe của mẹ, tuy mù cả hai mắt, nhưng hình ảnh của mẹ, chị còn thấy rõ hon tôi. Mẹ ơi mẹ, chị sụt sịt khóc, áp vầng trán mịn màng vào bức tường đen nhẻm, chị nghe thấy lương thực rơi lõm bõm xuống bồn nước, thánh thót nhưng không vui tai, chúng như phát đạn ghém bắn vào củ cải đỏ, trái tim chị Tám chính là củ cải đỏ ấy. Lần đầu tiên mẹ ọe lương thực, chị Tám còn tưởng rằng mẹ bị ốm. Chị lần ra sân, đau xót gọi:
- Mẹ ơi, mẹ làm sao thế?
Mẹ không còn thì giờ để trả lời chị, tiếp tục ngoáy chiếc đũa vào trong họng để nôn. Chị giơ nắm tay mềm mại đấm lưng cho mẹ, cảm thấy quần áo mẹ ướt sũng vì mồ hôi, chị ngửi thấy một mùi tanh kinh người trên mình mẹ. Một luồng hơi nóng xông thẳng vào đáy mắt, thế là chị trông thấy rõ ràng người mẹ gập lại như con tôm. Mẹ quì gối xuống đất, hai tay vịn mép bồn, hai vai nhô lên, cổ vươn ra rồi rụt lại, ôi cái đẹp đáng sợ, cái đẹp rùng rợn, ôi một hình ảnh trang nghiêm? Cùng với tiếng nôn ọe như tiếng sấm, người mẹ lúc thì co rúm lại, lúc mềm oặt ra như nắm bùn nhão, cái thứ lương thực chết tiệt ấy quí như vàng ngọc châu báu, từng hạt từng hạt rơi xuống bồn... Sau đó, dưới ánh sao mờ ảo, mẹ thò tay vào trong bồn khoắng từng vốc lương thực - hôm ấy là đậu hoàn - trong tay, bóp mạnh rồi từ từ nhả ra để từng hạt tròn xoay, vàng rộm, rơi lả tả xuống nước. Mẹ cứ lặp lại mãi một động tác ấy Mùi nước lạnh trong bồn bị bàn tay thô ráp của mẹ khuấy động, mùi đậu hoàn xộc vào mũi, mùi tanh tanh của máu như hàng loạt mũi tên xông thẳng vào tim chị. Chị sắp sửa òa khóc thì gương mặt mẹ tươi tắn như đóa hoa quì dưới ánh sáng mặt trời ghé sát chị và giọng mẹ như muôn vỡ ra:
- Con ơi, mẹ con ta được cứu sống!
Lời mẹ khiến chị ứa nước mắt, trước mắt chị lại là màn đêm đen kịt! Đêm ấy, mẹ lấy nước lã rửa sạch chỗ đậu hoàn ở trong bồn, lợi dụng tối trời không ai nhìn thấy khói, mẹ ninh một nồi đậu. Mùi đậu chín như một trận cuồng phong đánh thức Hàn Vẹt. Nó dụi mắt, liếm môi, hỏi:
- Ngoại ơi, mùi gì thế hở ngoại?
Chị Tám khi ấy đã là một thanh nữ ngoài hai mươi tuổi rồi, chị không đành lòng ăn đậu nhưng không sao chống lại được, từ lâu lắm rồi, dạ dày chị chưa hề biết mùi vị của lương thực! Ăn miếng đầu tiên chị còn áy náy, sau đó thì chị chẳng kịp suy nghĩ gì nữa. Từ đó, chị mong mẹ về nhà nôn ra lương thực, lại sợ mẹ về nôn ra lương thực. Dạ dày mẹ đã trở thành cái túi chỉ cần cúi xuống là dốc ngược ra, khỏi cần ngoáy họng cho buồn nôn. Hàn Vẹt béo ra, da dẻ chị cũng có vẻ mỡ màng, nhưng mẹ thì gầy đi, dạ dày mẹ không lưu giữ được bất cứ cái gì nữa. Một hôm, Mặt Rỗ đến nhà. Chị Tám ngửi thấy mùi mồ hôi của hắn đã biết hắn không phải người tử tế. Mặt Rỗ cật vấn chị:
- Cô ăn cái gì mà béo tốt thế?
Chị không nói gì, bảo vệ bí mật cho mẹ. Mặt Rỗ sục sạo hồi lâu ngoài sân, cuối cùng giận dữ bỏ đi.
Chị bảo mẹ:
- Mẹ dừng lấy nữa!
Mẹ nói: - Mẹ đã quyết rồi, mẹ không thể nhìn các con chết đói!
Về sau, không phải hôm nào mẹ cũng ăn trộm được lương thực đem về. Mẹ nói rằng, Mặt Rỗ đã bắt những người kéo cối đeo rọ vào miệng. Rọ đan bằng nhành liễu, hình dáng như chiếc bánh màn thầu, chụp kín cả mũi lẫn miệng, bốn sợi dây buộc ra sau ót. Khi đeo rọ, Mặt Rỗ đích thân đeo cho từng người. Hắn phát minh ra loại nút đặc biệt, người khác không thắt và cũng không cởi được Sau khi đeo rọ, muốn ăn vụng lương thực là điều không dễ dàng chút nào.
Vào cái mùa xuân đói khát ấy, cảnh tượng ở xưởng xay bột nhà Tư Mã thật kỳ quặc. Một đoàn phụ nữ gầy như que củi, đầu bù tóc rối, mặt xanh nanh vàng, miệng đeo rọ đan bằng nhành liễu, vai khoác dây thừng, tay chống gậy giữ thăng bằng, gò người mà kéo thớt cối xay nặng chịch, mỗi bước đi lại rướn cổ ra, mổ hôi đầm đìa, hơi thở hổn hển, mùi lương thực kích thích họ nổi da gà. Tiếng cối quay lộc cộc ngắt quãng như tiếng sấm xa. Mặt Rỗ tay cầm roi mây lượn lờ quanh các cối xay, cái chân cụt khiến người hắn giật cục khi đi lại. Hắn nửa đùa nửa thật phát vào mông các bà các cô, nói rằng phải nghiêm chỉnh, không được lãn công, không được lấy cắp. Cô vợ góa nhà họ Thôi bảo:
- Anh Mặt Rỗ ơi, con lừa kéo cối xong còn được nắm cỏ khô, một muôi đậu đen, huống hồ chúng tôi là con người!
Mặt Rỗ bảo:
- Các người cũng là con người sao? Đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không phải đàn bà!
Cô vợ góa họ Thôi bảo:
- Chúng tôi đói.
Mặt Rỗ bảo:
- Đói sao được các người! Có điều, các bà đã nói vậy, ta cũng đánh liều phạm sai lầm một lần, chiều nay thưởng cho mỗi người một cân đậu vàng đem về nấu mà ăn. Nhưng bà lão nhà Thượng Quan thủ đoạn cao cường thì chắc không cần lấy thưởng! - Mặt Rỗ làm ra vẻ đã biết tỏng mọi sự - Bà là cao thủ trong chuyện này, nhưng nể mặt con rể bà là Lỗ Lập Nhân, tôi tha cho bà. Năm xưa, ông ấy còn là thủ trưởng của tôi kia đấy?
Chị Tám, bình tâm mà xét, thật ra Mặt Rỗ cũng không phải kẻ xấu, cái ác của anh ra biểu hiện ra ngoài, cái thiện anh ta giấu bên trong. Nghe nói trong những năm tôi đi tù, anh ta đã mấy bận giúp đỡ mẹ. Mẹ cõng sọt trên lưng đi khắp hang cùng ngõ hẻm nhặt phế liệu. Một bận mẹ gặp mưa đá, cục đá to bằng quả trúng gà khiến mẹ mê man bất tỉnh, may được Mặt Rỗ cõng về túp lều dưới chân tháp. Mặt Rỗ khi đó là nhân viên tuần tra của thôn, tay cầm ngọn dáo dạo khắp xó xỉnh, lớ ngớ thế nào bị ngã xuống khe. Anh ta chết, khi mọi người phát hiện ra thì chim ung đã mổ mất cả hai mắt, cái oai lúc sinh thời không hiểu bay đi đâu?
Chị Tám đi theo con hẻm mà bây giờ đã bị san phẳng, ngập ngùng đi lên hướng bắc, bao nhiêu chuyện cũ trở lại trong đầu chị. Chị không có mắt mà nhìn rõ thế thái nhân tình. Người ta nói rằng, người mù lòng dạ sáng như gương. Chị mới hai mươi tuổi mà đã ít lời, hướng về nội tâm, lúc nào cũng xem xét lại con người của mình. Ăn không đủ no thì chị nghĩ rằng chị là gánh nặng của cả nhà. Chị mặc quần áo cũ vì mọi người cho rằng mắt chị có sáng đâu mà biết được mới cũ! Thực ra, người mù cũng rất thích cái đẹp. Những cái đẹp trong tâm hồn chị, bọn phàm phu tục tử không bao giờ nhìn thấy. Chị bước trong con hẻm đã từng diễn ra bao chuyện bi hài, mùi vị của lịch sử xộc lên mũi, tiếng nói của lịch sử ồ ạt như triều dâng. Vó ngựa quân Nhật, vó ngựa của đội súng săn, vó la của Tư Mã Khố, vó nào cũng lấp lánh hào quang, vó nào cũng một phong cách. Bao nhiêu là âm thanh vương vấn trên ngọn cây. Ngôi nhà của Tôn Câm không có người ở, không sửa chữa nên đổ nát từ lâu, chỉ còn lại bức trong đất gần kề chân đê. Dựa vào khứu giác, chị nhằm rất chuẩn bụi cỏ dại giữa vườn rau bỏ hoang mà lần tới, ngắt một bông diếp dại. Bông hoa màu vàng, mùi rất thơm. Chị đưa lên mũi ngửi hồi lâu, bỏ vào miệng nhai rồi nuốt. Chị Tám cũng bí ẩn như người phụ nữ mù trong chum do trận lụt đưa tới. Người phụ nữ ấy đẻ ra Tư Mã Khố, một con người lạ lùng quái gở. Bà ta ngồi chum mà đến, cưỡi gió bay đi, sống không ai thấy mặt, chết không ai thấy xác, lai lịch hoàn toàn tịt mít, không ai đoán nổi.
Chị Tám trèo lên đê rồi lần xuống mép nước. Nước trong vắt, trong đầu chị mở ra một màu xanh lưu ly. Làn gió mát thổi bay tà áo chị, chim én và ong mật bay lượn trên sông, những bụng ong đầy lông tơ và cánh én mát lanh lướt trên da thịt chị. Chị nín thở lắng nghe những tia nắng xuyên vào lòng nước, chỉ sợ làm kinh động giấc mộng mùa xuân. Chị lặng lẽ ngồi xuống mép nước, nhúng cả mười ngón tay xuống để cảm nhận sự dịu dàng và nghiêm túc của dòng nước. Vài con cá nhỏ nhả bong bóng ở chỗ nước nông, những con cua đang bò trên bãi. Trong đầu chị thoáng hiện ra chiếc thuyền buồm với cánh buồm vá chằng chịt, mái chèo khua nước rào rào vẩn cả bùn dưới đáy sông. Những người đàn ông trên thuyền mặc quần vải bạt màu vàng, hát những bài dân ca buồn nẫu ruột rồi xa dần. Chị khoan khoái rút tay lên để những giọt nước trên tay rơi trở lại dòng sông, âm hưởng vang lên gấp mười lần. Chị vục nước rửa mặt sạch sẽ rồi hát khe khẽ: Mẹ ơi mẹ nỡ lòng nào, gả con cho chú bán dầu, mẹ ơi!... Các chị tôi đều biết hát bài dân ca buồn buồn đó... Nhưng trong một truyện cổ nổi tiếng Chàng bán dầu chiếm ả hoa khôi thì chàng bán dầu là con người đa tình và rất mực hiếu nghĩa, có thể thấy thằng bán dầu đó không phải chàng bán dầu trong bài dân ca. ở thôn quê có một loại chim cộc đuôi rất xấu, có tên là Chàng bán dầu. Chàng bán dầu mà các chị hát có lẽ là loại chim này. Chị Tám vừa hát khe khẽ, vừa cởi bỏ quần áo mỏng manh trên người vắt lên cành liễu. Thân hình chị đẹp tới mức khuynh quốc khuynh thành. Cái đẹp của chị liên quan nhiều hơn đến yếu tố giống lai. Những người nấp trong rặng liễu nhìn trộm thân hình chị hôm đó chắc chắn là chết không nhắm mắt, có điều nhìn thấy cảnh đó rồi thì chết cũng cam lòng. Vì người đẹp mà chết, cái chết nặng tựa Thái Sơn!
Cái đẹp của chị Tám không qua tô điểm, đẹp tự nhiên, chị chưa hề biết thế nào là trang điểm, càng không biết uốn éo điệu đàng. Chị là khối tuyết trên đỉnh núi ở châu Nam cực, không hề vẩn bụi. Trong ngọc trắng ngà, hoa nhường nguyệt thẹn, một cái đẹp đích thực. Rồi, miệng vẫn hát, chị lần từng bước ra giữa sông. Nước ngập chân chị, ngập bụng chị, ngập hai gò vú. Đàn cá nhỏ vui vẻ và cảm động **ng vào đầu vú chị. Hai gò vú làm sáng bừng mặt nước? Nước ngập hai vai, làm rối mớ tóc dài của chị. Chị vẫn tiếp tục tiến lên rồi đột nhiên biến mất. Chị trông thấy ở dưới nước một cảnh tượng lạ lùng mà trên trần thế không bao giờ thấy: đàn cá rực rỡ nhào lộn chào đón chị, có nước rậm rạp vui mừng ngả nghiêng, đáy sông mở tiệc dài mươi dặm, quỳnh tương ngọc dịch, sơn hào hải vị, mùi thơm theo dòng chảy ra đại dương, đại dương trở nên thơm ngát. Giờ đây tôi mới hiểu, cô Natasa mà tôi si mê thuở thiếu thời, chính là cái bóng của chị.
Mẹ đi dọc theo đê, vừa đi vừa khóc, tay ôm bộ quần áo chị bỏ lại. Những năm tháng ấy, chết người là chuyện bình thường, vài người khuyên nhủ qua loa, mẹ cũng nhân đó mà nín khóc. Mẹ ngồi trên bờ sông thẫn thờ nhìn dòng nước lạnh ngắt, lẩm bẩm:
- Con nhỏ thấu hiểu mọi nhẽ, nó không muốn là gánh nặng cho mình nên mới tìm đến cái chết! Con ơi, cả đời con chưa bao giờ được hưởng phúc, dù chỉ bằng hạt vừng!...
Mặt Rỗ cầm chiếc rọ lên, cười cười, bảo mẹ:
- Nhà Thượng Quan, đeo vào!
Mẹ lắc đầu, nói:
- Anh Rỗ này, tôi chết thì thôi, không đeo nó nữa!
Mặt Rỗ nói: - Đây là nội qui!
Mẹ cầm chiếc rọ, rồi nhẹ nhàng quẳng xuống đất, nói:
- Anh Rỗ, làm ơn đừng ép tôi!
Mặt Rỗ hỏi: - Nhà Thượng Quan, bà dùng cách gì che được mắt tôi thế!
Mẹ vốc liền mấy vốc đậu vàng trong lòng cối, ngửa cổ nuốt chửng rồi cúi xuống nôn tất cả ra.
Nôn xong, nước mắt ràn rụa, mẹ nói:
- Tôi định cứu con tôi, không ngờ lại đẩy nó đến chỗ chết!
Mặt Rỗ nói:
- Bà quả không vừa? Không làm thế nữa thì tất cả chuyện cũ coi như bỏ qua. Mặt Rỗ tôi cũng do cha mẹ sinh ra cả thôi!
4.
Trăng vằng vặc. Sau khi chúng tôi đã ngủ say, Lai Đệ rón rén xuống giường để khỏi kinh động thằng Câm suốt ngày ngoài đồng, đêm về ngủ như chết. ánh trăng sáng tỏ khuôn mặt đen nhẻm của thằng Câm, hắt lên những tia nhấp nhoáng chẳng khác tảng đá gan gà phủ lớp sương trên mặt. Anh ta miệng há hốc, ngáy như sấm, hàm răng như đúc bằng thép. Nhìn ngôi sao Thái tuế của đời mình tóc mai đã điểm sương, trong lòng Lai Đệ có phần áy náy. Thời kỳ này đã có rất nhiều người biết chị và Hàn Chim có quan hệ xác thịt, chỉ mỗi thằng Câm say sưa trong giấc mộng anh hùng nên chưa biết. Con người này quân trang đã rách nhiều chỗ, chiếc huy hiệu công thần đã phai màu, tróc mạ, trơ cả kim loại ra. Lai Đệ đẩy nhẹ cánh cửa, chị nghe thấy tiếng thở dài nặng nề và bất lực của mẹ. ánh trăng tuôn chảy như dòng suối bạc, gió đêm mát đến nghẹn thở. Hàn Chim chàng e dè gì cả, ho rất to ngoài sân. Anh ta hỏi:
- Em sợ cái gì?
Lai Đệ vội lấy tay bịt miệng anh, ra hiệu đừng nói. Anh ta vẫn lẩm bẩm:
- Sợ cái gì cơ chứ?
Lai Đệ cùng Hàn Chim đi theo con đường mòn màu vàng xỉn, hai bên là hoa màu chưa thu hoạch. Ra khỏi thôn, nhằm hướng đầm lầy mà đi tới. Lúc này là giữa mùa thu, sương đêm bám đầy mặt lá trông như những chuỗi hạt. Vùng Cao Mật không yên tĩnh, những lò luyện thép theo lối thủ công hắt ánh lửa vàng nhạt, hơi than cuồn cuộn như dòng chảy. ánh trăng quả là đẹp, có thể trông rõ từng cột khói bay lên trời rồi trên tầng cao tít tắp, chúng liên kết thành những đám mây hình mắt võng.
Lai Đệ theo Hàn Chim đi bẫy chim. Hàn Chim đã trở lại nghề cũ vì đi nói chuyện mãi cũng đã nhàm. Ban ngày, anh đi bẫy cò để bồi dưỡng cho Lai Đệ. Họ đi men theo đường nhỏ trên cánh đồng, gió lạnh, hai người đi sát vào nhau. Tính khí ngang tàng của Hàn Chim đã lôi cuốn Lai Đệ, khiến chị tạm thời trút bỏ gánh nặng tinh thần. Mùi của loài chim tỏa từ nách Hàn Chim khiến Lai Đệ ngây ngất. Chị hỏi khẽ:
- Anh Hàn, anh Hàn! Thằng Câm sớm muộn thế nào cũng biết, nó sẽ không tha chúng mình?...
Hàn Chim càng ôm chặt eo lưng chị, miệng huýt sáo lanh lảnh, không nói gì. Ra đến ven đầm, Hàn Chim để chị ở lại trong túp lều hình tam giác được dựng bằng những cây cao lương, dặn chị không được làm ồn, rồi anh mò mẫm lấy trong xó lều một nắm lông đuôi ngựa, dây thép, rồi lặng lẽ lách qua những bụi lau vào sâu bên trong. Dưới ánh trăng, người anh lấp lóa như con mèo đốm, cử động nhanh nhẹn, im lặng như một bóng ma. Cặp mắt đen láy của Lai Đệ dõi theo cái bóng cao lớn của người tình, trong lòng vô cùng cảm khái. Đâu phải người mà là thần. Con người thì làm sao chịu nổi hơn mươi năm cuộc sống của muông thú, nói thì làm sao sống được, hơn nữa làm sao hồi phục nhanh đến thế? Thân hình tráng kiện, sắc bén như thanh bảo đao mới mài. Người thì làm sao thần tình đến như vậy, nói bắt chim gì là bắt chim ấy, nói bắt mấy con là bắt mấy con, hình như anh ấy hiểu tiếng chim, biết hết những bí mật về chim, là vua của các loài chim? Nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, chị lại nghĩ tới cô em thứ ba có đôi mắt phượng. Người đàn ông trước mặt vốn là của cô ấy. Cô ấy lẽ ra phải là Hoàng hậu của vương quốc chim, nhưng trời xui khiến vậy thế nào, âm dương lẫn lộn thế nào mà của cô ấy lại thành ra của mình? Của mình rồi lại thành của ai? Lập tức chị nghĩ đến Sa Nguyệt Lượng đen như cột nhà cháy, nghĩ đến Tư Mã Khố sôi nổi mãnh liệt, nghĩ đến Tôn Bất Ngôn cưỡng hiếp Tiên Chim, ngọt bùi cay đắng mấy chục năm trở về đầy ắp trong ký ức. Nghĩ mình đã từng phi ngựa múa dao tung hoành trong thiên hạ, đã từng phong gấm rủ là, cao lương mỹ vị, vó ngựa trắng như tuyết, áo bào đỏ như huyết, như phượng hoàng sải cánh, như khổng tước xòe đuôi, phồn hoa như cánh nhạn, phú quí như mây trôi! Từ khi Sa Nguyệt Lượng tự vẫn, Lai Đệ ta rơi vào vòng lẩn quẩn, điên điên khùng khùng là ta, ai cũng có thể là chồng ta, người người nguyền rủa ta, cuộc sống như vậy tốt hay xấu? Nói rằng tốt thì chưa ai tốt bằng, xấu cũng chưa ai xấu bằng! Nghiến răng lại gồng người lên mà xả láng với Hàn Chim!... Lai Đệ suy nghĩ mông lung đã mấy bận tủi thân suýt khóc. ảnh trăng quả thật đẹp, trong vắt, bao la, như dòng sông ngân tràn lên cây cỏ, như dát bạc lên mặt nước trong đầm, vẩy vàng vẩy bạc như manh lưu ly, mùi bùn, mùi cỏ mục hòa quyện với ánh trăng mê ly tỏa khắp đất trời.
Hàn Chim đã quay lại với hai bàn tay không. Anh nói đã đặt xong bẫy, đến một lát sẽ đi bắt. Đêm nay trăng sáng, chim thú đều rối loạn đồng hồ sinh học. Tôm cá đùa giỡn với ánh trăng, cò đi kiếm mồi dưới trăng. Hàn Chim nói rằng, vào những đêm bình thường, cò đứng bất động suốt đêm bằng một chân, nhưng đêm nay thì lò dò đi lại, cái cổ cong vươn ra rụt lại như lò xo. Con cò cẳng cao cổ dài, tầm nhìn thoải mái, thăng bằng lúc đứng, uyển chuyển khi đi, ôi sao mà đẹp mắt! Trong mắt Lai Đệ, Hàn Chim lom khom chui vào trong lều chính là con cò?
Anh ta ngồi bên Lai Đệ. Chị hít lấy hít để mùi cỏ dại và mùi ánh trăng trên người anh, cái mùi khiến chị như tỉnh như say, như thư thái như điên cuồng! Trong khoảng thời gian đợi chim mắc bẫy và trong căn lều ấm áp cách xa thôn xóm này, người đàn bà tự trút bỏ quần áo, còn quần áo của người đàn ông thì do người đàn bà cơi hộ. Lần giao hoan này giữa Hàn Chim và Lai Đệ là để hiến tế trời đất bao la vùng Cao Mật, là sự trình diện mẫu mực cho loài người. Về trình độ, cao hơn chín từng mây, về kiểu cách, nhiều hơn các loài hoa trên mặt đất. Quả thật họ không còn nghĩ tới sự sống còn nữa. Vầng trăng lóa mắt, cằn nhằn chui vào đám mây nghỉ ngơi. Hàn Chim nằm phục trên người Lai Đệ, nhớ lại chuyện thương tâm trong rừng sâu núi thẳm ở Nhật. Anh nói:
- Lai Đệ, trước khi biết em, anh có lần đã trông thấy thân thể người phụ nữ!...
Lai Đệ mắt long lanh trong tiếng dế kêu. Chị bảo:
- Anh kể cho em nghe đi!
Như một anh nông dân cuốc đất. Hàn Chim vừa vung cán cuốc vừa kể chuyện. Anh kể mùa thu năm ấy anh có ý định bẻ trộm một bắp ngô để ăn. Trong rừng đại ngàn của Nhật Bản, lá vàng chen lá đỏ rực rỡ, hoa rùng thơm ngát nở khắp thâm sơn cùng cốc. Lúc này anh đã mất con dao thái rau, râu tóc bù xù bết lại từng mảng, trên mình khoác chiếc áo bằng giấy, bảy phần giống quỉ, ba phần giống người. Những cây ngô, phần bắp đã bị bẻ chỉ còn lại phần bẹ, rất giống người đàn bà góa đang bưng mặt khóc. Anh sục sạo khắp ruộng, không tin rằng đã bị bẻ sạch. Quả nhiên anh vớ được một bắp, vội bóc bẹ ăn ngấu nghiến. Đã lâu lắm không được ăn thức ăn của người, răng tê dại đi. Có tiếng loạt soạt, anh tưởng gặp gấu chó. Gấu chó và anh vốn có duyên nợ với nhau, thật ra, anh rất sợ gấu! Anh vội nằm sấp giả vờ chết, tất nhiên cũng phải nín thở. Không phải gấu mà là một phụ nữ Nhật. Thoạt tiên, anh tưởng đó là người đàn ông vì chị ta mặc chiếc quần bảo bộ lao động bằng vải bạt rộng thùng thình, áo dài màu vàng xỉn đóng cúc giữa, lưng thắt sợi dây thừng, đầu đội mũ rơm hình nấm. Chị ta bỏ nón, chụp lên ngọn cây ngô. Anh trông rõ khuôn mặt gầy gò, vàng bủng, khuôn mặt của người đói ăn. Trông thấy mớ tóc cuộn tròn trên đầu, anh đoán người này là nữ, nên bớt sợ đến quá nửa. Chị ta cơi sợi thừng ngang lưng, phanh ngực áo dài ra rồi hai tay cầm hai vạt quạt phần phật cho bộ ngực lấm tấm mồ hôi, y hệt con chim vỗ cánh. Trên bộ ngực dính đầy hạt cỏ là cặp vú dẹt như lưỡi bò, hai núm vú như hai quả táo khô dính lủng lẳng ở đầu nhọn của hai lưỡi bò đó. Trời ơi, đây là một phụ nữ, một con cái. Hàn Chim cảm thấy có cái gì nổ tung trong đầu, máu chảy rần rật trong huyết quản. Cơ thể khô cằn của anh đột nhiên trở nên nhanh nhẹn. Anh đứng phắt dậy. Người phụ nữ Nhật mở tròn đôi mắt một mí, kêu lên một tiếng lạc cả giọng rồi thụt lùi mấy bước. Như hổ đói vô mồi, anh nhảy tới trước mặt người phụ nữ sắp ngất đi vì sợ, tay run lẩy bẩy chụp lấy bầu vú trắng nhợt, lép kẹp như con cá chết. Vậy mà bầu vú lạnh ngát ấy khi chạm phải, anh thấy các đầu ngón tay nóng ran như bánh mới ra lò. Anh lẩm bẩm điều gì đó, vụng về xé toạc mảnh vải quấn quanh người chị ta, hai chiếc bánh đậu bẹp dí văng ra, một mùi thơm của đậu khiến anh ngây ngất, thu hút toàn bộ tâm trí anh. Mắt anh mờ đi, hai chiếc bánh chừng như trêu ghẹo anh, nhảy như hai con sóc. Bất chấp tất cả, anh chạy theo vồ chúng, nghe thấy chúng kêu chi chí trong lòng bàn tay rồi anh cảm thấy cổ họng bị tắc nghẹn. Hai tay anh bây giờ không có gì cả, không hiểu hai cái bánh bỏ chạy hay đã rơi vào trong bụng anh. Cuối cùng thì anh hiểu ra, chính cái bánh đã làm anh nghẹn. Anh giơ tay xoa cổ, trong miệng anh toàn mùi vị của bánh đậu, anh cảm thấy bụng sôi ùng ục, nước miếng chỉ chực ứa ra, chiếc bánh xinh đẹp lăn lông lốc trước mặt. Anh khám rất kỹ trên người chị ta rồi lại ngó xung quanh, những chiếc bánh đậu không xuất hiện theo ý muốn của anh, anh cảm thấy thất vọng quá Anh quay người định bỏ đi thì lại trông thấy cặp vú lép kẹp của chị ta và cảm thấy hình như còn một chuyện quan trọng chưa được thực hiện, không nên bỏ đi vội. Đàn bà, người đàn bà Nhật đang đứng trước mặt anh, có thể chính chị ta là người nữ cảnh sát năm xưa, do người ấy báo động mà có chuyện lục soát trong núi, dẫn đến hai người anh em bị thiệt mạng. Mối thù với người Nhật được khơi lại, quang cảnh bị bắt đi làm phu ở Cao Mật, quang cảnh làm thân trâu ngừa ở mỏ than, rồi thì cuộc chia tay tử biệt sinh ly với cô gái thơ ngây nhà Thượng Quan, tất cả hiện rõ mồn một trước mắt. Một giọng âm vang từ trên trời dội xuống: Mần nó đi, trả thù! Thế là anh hung hãn xé toang chiếc quần đang mặc của chị ta, để lộ chiếc quần lót bẩn thỉu màu hồng xỉn có miếng vá đen bằng bàn tay. Như bị dội nước lạnh lên đầu, anh run lên vì một nỗi đau ập đến. Đó là cách dây nhiều năm, khi thay quần áo để khâm liệm cho mẹ anh bị thằng du đãng đánh chết, mẹ anh cũng mặc chiếc quần lót như thế này, cũng vá một miếng vải đen bằng bàn tay như thế này. Tự nhiên anh thấy lọm giọng và nôn hết bánh đậu và ngô trong bụng. Cố nén cơn đau quặn, anh ném hai cục đất vào người đàn bà rồi đứng dậy lảo đảo chạy vào rừng...
Lai Đệ quay nói lại ngắm khuôn mạt đường nét phân minh của Hàn Chim, khẽ nói:
- Anh thân yêu, anh quả là con người tốt...
Hàn Chim cọ bộ râu cứng trên núm vú như quả anh đào của Lai Đệ, nói:
- Nếu anh làm chuyện ấy là không phải với trời đất, không phải với em! Mà đã vậy thì anh không thể trở về Cao Mật để gặp lại em!...
Hai người ôm chặt nhau đầy thông cảm, chỉ tiếc người nọ không thể tan biến vào người kia để không còn phải xoắn xuýt lăn lộn, không còn phải nói năng lảm nhảm khi cuồng hoan. ánh trăng thấp thoáng trên người họ, lấp lánh như rượu có thuốc độc. Gần sáng, họ trở dậy mặc quần áo, ra đầm bắt cò sa bẫy. Trăng trong gió mát, không khí lấp lánh như vẩy bạc. Trong đầm, từng cụm hoa nở về đêm tỏa hương ngây ngất, vài con chim lớn kêu quàng quạc bay dưới ánh trăng. Một đàn chim nước đậu trên một cây lùn, tán rộng, trông như những quả cây. ánh trăng đẹp vô ngần. Lai Đệ bám sát Hàn Chim chui qua những bụi lau vào sâu khoảng một tầm tên bắn, quả nhiên thấy hai con cò đã mắc bẫy. Chúng bị nghẹt thở gần chết, chiếc mỏ dài màu xám đen cắm trong bùn. Lai Đệ cảm thấy bất nhẫn, hỏi khẽ Hàn Chim:
- Làm cho chúng sống lại được không?
Hàn Chim trả lời dứt khoát:
- Chết hay sống là tùy ở em!
Mỗi khi trời chạng vạng tối, từng đàn cò bay lượn trên đầm lầy, dưới ráng chiều đỏ rực, cánh cò chấp chới như tà áo của một tuyệt thế giai nhân.
5.
Để cứu tính mạng cho cả nhà, chị Tư đã tự bán mình làm điếm. Đây là một bí mật đau xót của nhà Thượng Quan chúng tôi. Cả nhà chịu ơn chị, vậy nên khi chị từ phương trời nào không biết, ôm cây đàn yêu quí của chị trở về, nước mắt mẹ tuôn rơi như chuỗi hạt châu, ướt đầm ngực áo. Lúc này, nhà Thượng Quan chúng tôi người thì chết, người thì bỏ đi, tan đàn sẻ nghé, mẹ trông thấy chị Tư đã lâu bặt vô âm tín thì làm sao không đứt từng khúc ruột! Số vàng ngọc châu báu chị Tư giấu trong hộp đàn tì bà đã bị cán bộ công xã tịch thu, chỉ cho phép chị mang cây đàn đã bị đập vỡ hộp cộng hưởng về nhà. Chị và mẹ ôm nhau khóc, khóc chán, lau sạch nước mắt. Chị Tư nhìn mái đầu hoa râm của mẹ, nói:
- Mẹ, không ngờ kiếp này con còn được gặp lại mẹ!...
Nói chưa dứt câu, chị đã òa khóc. Mẹ xoa vai chị, nói:
- Tưởng Đệ, con gái xấu số của mẹ...
Chị Tư hỏi thăm tình hình các chị, mẹ xua tay:
- Đừng hỏi gì nữa!
Chị Tư nhìn tôi, nói:
- Chỉ cần còn Kim Đồng là chị yên tâm, nhà Thượng Quan chúng ta có người nối dõi rồi!
Mẹ ngao ngán, nói:
- Cô ngốc của mẹ, gì mà nối dõi với chả nối dõi? Thời buổi bây giờ làm sao tính được những chuyện ấy!
Chị Tư có một tiểu sử cay đắng, đầy nước mắt, chúng tôi không có quyền hỏi. Chúng tôi thận trọng bảo vệ vết thương hễ chạm là ứa máu của chị. Nhưng người ngoài thì không nghĩ vậy, họ muốn gia đình tôi ngày nào cũng có chuyện giật gân cho họ xem. Sau khi trở về, chị Tư ở lì trong nhà, nhưng cái tin cô gái nhà Thượng Quan làm điếm mấy chục năm, đem về không biết bao nhiêu vàng ngọc châu báu đã lan rất nhanh khắp vùng Cao Mật. Tôi ra đồng tìm lương thực trong các hang chuột, vợ ông Trần Thọt là Trương Quốc Hoa cuối hí hí bảo tôi:
- Ông anh, việc gì ông anh khổ sở thế! Việc gì phải đào hang chuột để lấy lương thực? Chỉ cần bán một thứ trong số châu báu chị Tư đem về đã đủ mua một chuyến tầu bột mì ngoại?
Tôi trừng mắt nhìn người đàn bà tai tiếng vì thông dâm với bố chồng, nói:
- Chị nói thối như cứt ấy!
Chị ta xán lại, hỏi nhỏ:
- Ông anh này, nghe nói có một viên ngọc dạ minh châu to bằng quả trúng gà phải không? Về đêm nó phát sáng, soi rõ mọi thứ trong buồng, đúng không? Liệu có thể cho chị đây ngó qua một tí để mở rộng tầm mắt? Liệu có thể xin chị Tư một hạt, dù chỉ bằng hạt đỗ làm đồ trang sức, dù chỉ một dây chuyền mảnh như sợi tóc cũng tốt chán?- Chị ta đưa mắt tống tình, trêu - Đừng chê chị có nước da đen, chị đây là dưa Ha-mi, vỏ thô nhưng cùi ngọt. Chàng chẳng nghe người ta nói đấy sao: Thông trắng cám vàng, đen thì lắm nước, hói đầu rỗ mặt thì không biết mệt đó sao!...
Chị Tư ở lì trong nhà cũng không thoát nạn, đúng như câu cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng. Cái tật thích đấu tranh trong công xã lại kịch phát, họ tổ chức triển lãm nhằm giáo dục đấu tranh giai cấp ở hội trường công xã. Đây là cuộc triển lãm đấu tranh giai cấp lần thứ hai trong lịch sử Cao Mật, so với lần đầu thì về nội dung có khác đôi chút. Tranh ảnh và áp phích đều xoay quanh hai nhà Thượng Quan và Tư Mã, làm như lịch sử Cao Mật là lịch sử hai gia đình Thượng Quan và Tư Mã vậy. Dân chúng không thích xem những tranh ảnh này, chỉ thích xem triển lãm về chị Tư. Các cán bộ đáng ghét của công xã trưng bày trong tủ kính tất cả những thứ mà cả đời chị Tư ky cóp được, cho mọi người xem. Chúng sáng lấp lánh khiến mọi người hoa mắt. Sau ba ngày triển lãm, nhiệt tình với báu vật giảm đi, hận thù giai cấp vẫn không thấy nâng cao rõ rệt, các cán bộ công xã liền nảy ra một ý, bắt chị Tư đến triển lãm làm hiện vật sống, bắt chị tự tố cáo chị. Uỷ viên tuyên truyền của Đảng ủy công xã Dương Giải Phóng đeo kính, đầu nhẵn bóng như chiếc gáo, mặt như mặt khỉ, dẫn bốn dân quân đeo tiểu liên đến đập cổng nhà tôi. Chị Tư run bắn, hai tay sờ soạng hai bên. Chị nghiện thuốc lá, Răng vàng khè vì ám khói. Cuối cùng chị cũng tìm thấy thuốc, bật diêm châm lửa hút. Dù là con đẻ, dù chị có ơn với cả nhà, nhưng mẹ vốn tiết kiệm, rất ghét cái tật nghiện thuốc của chị. Thuốc của chị là do tôi mua ở hợp tác xã cung tiêu nhãn hiệu Cần kiệm, giá một hào một bao. Tôi cho rằng trong túi chị chỉ còn đủ tiền mua hai bao thuốc. Chị rít tóp cả má, đầu thuốc kêu xèo xèo, thuốc tồi, mùi khét lẹt! Trong một thoáng tôi thấy chị đã biến thành một bà già. Chị cúi đầu, những giọt nước mắt được dính như keo ứa ra, đến nỗi những con nhặng dính chân không bay được. Có lẽ chị sợ, có lẽ chị không sợ! Có thể chị căm thù, cũng có thể chị không căm thù! Khuôn mặt kinh khủng của chị bị trùm lên một lớp sương mù, khiến người ta không dám nhìn thẳng vào chị. Vốn là người từng trải, mẹ bảo:
- Kim Đồng, ra mở cổng, không biết phúc hay họa, nếu họa thì có tránh cũng không xong!
Cánh cổng mở toang, ủy viên Dương ngạo nghễ bước vào mặt vênh váo ra vẻ ta đây cán bộ công xã. Hắn người nhỏ thó, nhưng cực kỳ hăng hái, y hệt cái giống của con lừa đực lúc cương cường. Bốn tên dân quân cũng cáo mượn oai hùm, hạ súng trên vai xuống, vỗ báng súng bôm bốp. Mẹ nheo mắt nhìn ủy viên Dương từ đầu đến chân. Hắn có vẻ chờn, húng hắng ho mấy tiếng như con cừu, quay mặt lại bảo chị Tư:
- Thượng Quan Tưởng Đệ, mời chị đi cùng chúng tôi!
Mấy chục năm qua, nhà Thượng Quan đã quen nghe giọng lưỡi kiểu này. Đằng sau câu nói ấy là một nội dung tàn nhẫn, gian ác, chúng tôi còn lạ gì, nó đồng nghĩa với vào nhà giam, ra trường g bắn. Mẹ hỏi: Sao vậy? Con gái tôi phạm tội gì? Uỷ viên Dương chống chế:
- Ai bảo con bà phạm tội? Tôi bảo cô ta phạm tội hả? Tôi có nói cô ta phạm tội đâu, chỉ lôi cô ta đi thôi mà!
Mẹ hỏi:
- Các ông đưa nó đi đâu? Uỷ viên Dương nói:
- Bà hỏi tôi, vậy tôi hỏi ai? Tôi chỉ là thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy, là đầu sai mà thôi?
Mẹ đứng chắn trước mặt chị Tư, kiên quyết:
- Không đi đâu cả, chúng tôi không phạm pháp, không đi đâu cả?
Bốn tên dân quân lại vỗ báng súng bôm bốp. Mẹ nguýt chúng, vẻ khinh bỉ:
- Đừng vỗ nữa, cái trò ấy tôi nghe mãi rồi, khi bọn Nhật nã đại bác vào đây, các người còn chưa đẻ kia! Uủ viên Dương đành chịu nhún, dằn giọng nói:
- Bà ơi, đừng có rượu mời không uống, uống rượu phạt!
Mẹ nói:
- Ăn hiếp mẹ góa con côi thì trời đất không dung!
Chị Tư cười nhạt, đứng dậy:
- Mẹ đừng phí lời với bọn họ! - Chị quay sang bảo Uỷ viên Dương - Các ông ra trước đi, tôi phải sửa soạn một chút đã!
Tôi đoán chị Tư muốn bắt chước hình ảnh anh dũng hy sinh của cái liệt nữ, trước khi ra pháp trường tắm gội sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tể. Nhưng có lẽ cũng do thiên tính của chị, bình sinh chị yêu cái đẹp, không thích đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc trình diện thiên hạ. Chị rít mẩu thuốc cho đến khi bỏng tay rồi thổi phù một cái, khiến sợi thuốc đi một nơi, giấy cuốn đi một ngả - trò chơi này, Tưởng Đệ rất giỏi - bay đến dưới chân ủy viên Dương. Động tác này vừa có tính chất khiêu khích vừa có tính chất đùa cợt. Uỷ viên Dương cúi nhặt mẩu thuốc vẫn còn khói, nét mặt lộ vẻ lúng túng. Anh ta bảo:
- Cho cô mười phút, nhanh lên!
Chị Tư thủng thẳng đi vào chái đông và ở lì trong đó dễ đến hơn một tiếng, ủy viên Dương và bốn tên dân quân sốt ruột cứ nháo nhác lên trong sân. Uỷ viên Dương mấy lần gõ cửa sổ, nhưng chị Tư im lặng không thèm lên tiếng. Cuối cùng, chị cũng ra. Chị mặc chiếc áo trông mà rợn người: áo vóc đại hồng, chân đi giày lụa thêu hoa, cổ đeo chuỗi hạt ngọc, má đánh phấn, môi thoa son, eo lưng mềm mại như nhành liễu, cặp đùi trắng nõn thấp thoáng sau tà áo xẻ. Mắt chị ánh lên những tia hung dữ và ngạo nghễ. Chị Tư mặc đẹp quá khiến trong lòng tôi đầy mặc cảm tội lỗi. Tôi không có cách nào tha thứ cho mình, chỉ dám nhìn chị một thoáng rồi gằm mặt xuống. Tôi sinh ra dưới cờ mặt trời, nhưng lớn lên dưới ngọn cờ đỏ, những người phụ nữ như chị Tư tôi chỉ thấy trên phim ảnh. Khuôn mặt bé choắt của ủy viên Dương đỏ lụng, bốn tên dân quân đứng ngây như phỗng. Chúng líu ríu theo sau chị Tư. Trước khi ra khỏi cổng, chị ngoảnh lại mỉm cười với tôi nụ cười đầy ma quái, khiến tôi suốt đến không bao giờ quên. Nụ cười ấy còn len vào trong giấc ngủ của tôi, biến những giấc mơ trở thành ác mộng. Mẹ thở dài, dàn dụa nước mắt.
Chị Tư được mời đến gian triển lãm giáo dục giai cấp, đứng trước tủ kính bày những đồ châu báu. Dân Cao Mật phát điên lên, người ta chen chúc nhau, ngắm chị như ngắm một động vật quí hiếm. Cán bộ công xã yêu cầu chị khai rõ chị làm thế nào mà bóc lột được những thứ quí giá như thế. Chị Tư mỉm cười, không trả lời Trên thực tế, sự xuất hiện của chị Tư, khiến cuộc triển lãm giáo dục giai cấp ở Cao Mật hoàn toàn mất hết ý nghĩa. Đàn ông đến xem con điếm. Đám phụ nữ cũng đến xem con điếm. Chị Tư tuy đã hoa tàn nhị rữa, nhưng lạc đà gầy còn to hơn ngựa, xấu phượng hoàng còn đẹp hơn gà! Đặc biệt là chiếc áo bằng vóc đại hồng của chị đỏ rục cả gian triển lãm, trông từ xa tưởng gian phòng phát hỏa, mẹ kiếp, đúng như mụ Phạm Quốc Hoa từng nói. Chị Tư là người từng trải, rất thạo tâm lý đàn ông. Chị thi triển thuật làm duyên, tay cầm hoa lan, đưa mắt tống tình, uốn éo cặp mông, ngửa đầu sửa tóc, khiến gian triển lãm sôi sục như nước lũ tràn bờ, ngay cả đám cán bộ công xã cũng nhíu mũi nhăn mày, trông mà chướng mắt! May mà ông Hồ, bí thư đảng ủy công xã là bậc cách mạng kỳ cựu, lập trường vững vàng. Ông ta nhảy lên bục, nhằm giữa ngực chị Tư đấm một quả. Ông ta có sức khỏe, quả đấm của ông tróc cây bay đá, chị Tư làm sao chịu nổi? Chị lảo đảo rồi ngã ngửa. Ông bí thư túm tóc dựng chị dậy, cất giọng Giao Đông nặng trịch chửi:
- Đ. mẹ mày! Dám hành nghề nhà thổ ngay tại triển lãm! Đ. mẹ, nói, mày đã bóc lột người nghèo như thế nào?
Trong khi bí thư Hồ chửi rủa, các cán bộ công xã thi nhau quát tháo để tỏ ra mình có lập trường vững vàng. Uỷ viên Dương vung tay hô khẩu hiệu, nội dung cũng vẫn như mấy năm trước, đại loại: không quên nỗi khổ giai cấp, nhớ mãi mối thù máu và nước mắt, vân vân và vân vân. Quần chúng hưởng ứng lèo tèo. Chị Tư mắt nẩy lửa, luôn miệng cười nhạt. Sau khi bí thư Hồ bỏ tay ra, chị sửa lại mái tóc rối bù:
- Tôi sẽ nói, tôi sẽ nói, các ông bảo tôi nói gì bây giờ!...
Các cán bộ gầm lên:
- Khai ra, không được giấu giếm!
ánh mắt chị Tư dịu dần, giọt nước mắt long lanh tự nhiên trào ra rồi rớt xuống vạt áo dài. Chị nói:
- Làm điếm là bán trôn nuôi miệng, kiếm được đồng tiền đâu có dễ, mụ chủ cưỡng ép, lưu manh làm nhục, chút tài sản này đẫm máu cả đấy!...
Cặp mắt rất đẹp của chị lại sáng rực lên, nước mắt đã bị ngọn lửa hong khô, chị nói:
- Các người cướp của mồ hôi của tôi mà vẫn chưa thôi, còn bắt tôi ra hạ nhục? Người đàn bà như tôi thì có loại đàn ông nào mà tôi chưa biết? Giặc Nhật tôi đã biết, quan cao chức trọng tôi đã biết, tiểu thương tiểu chủ tôi đã biết, bọn choai choai trộm tiền cha mẹ đến gặp tôi, tôi cũng hắt hủi chúng, ai có vú thì người ấy là mẹ, ai có tiền thì người ấy là chồng!...
Các cán bộ gầm lên:
- Nói cụ thể một chút!
Chị Tư cười nhạt:
- Các ông đấu tranh với tôi là giả vờ đấu tranh, thực ra là muốn ngắm tôi. Nhưng vướng quần áo khó xem lắm, hôm nay bà cho các người xem đã mắt!
Chị vừa nói vừa cởi khuy áo nách, phanh vạt, trút bỏ chiếc áo dài xuống, chị hiện ra trần truồng. Chị gào to:
- Xem đi! Mở mắt ra mà xem! Dựa vào cái gì để bóc lột hả? Dựa vào cái này, cái này? Kẻ nào trả tiền, bà cho kẻ đó mần! Công việc này nhàn nhã đấy, mưa không đến mặt, nắng không tới đầu, ngọt bùi cay đắng, ngày nào cũng là cô dâu, đêm nào cũng động phòng hoa chúc! Các người có vợ có con gái hãy cho họ làm nghề này, hãy bảo họ đến gặp bà. Bà sẽ dạy cho họ xướng ca đàn dịch, bà sẽ dạy họ đủ các mánh khóe để thù tiếp đàn ông, biến họ thành mỏ vàng của các ngươi, để các người nếm mùi làm đĩ! Thế nào, ớn rồi hả? ỉu xìu như con c. sau khi xuất tinh rồi hả?
Nghe chị Tư chửi như tát nước vào mặt, cánh đàn ông Cao Mật cách đó ít phút mắt còn sáng lên, giờ đây vội cúi gầm mặt. Chị Tư ưỡn ngực, ngạo ngược bảo bí thư Hồ:
- Thưa quan lớn, tôi **** tin rằng ông không muốn! Trông kìa, cái gì như tỏi gà đang đội quần ông lên thế kia? Khéo bục quần ra đấy! Lại đây nào, ông mà không cầm đầu thì ai dám mần? Chị Tư làm một cử chỉ tục tĩu về phía ông bí thư, vừa ưỡn hai bầu vú đầy thương tích, vừa tiến lại chỗ ông ta. Ông ta đỏ mặt, lùi lại. Con người Giao Đông vạm vỡ này toát mồ hôi hột trên khuôn mặt như đẽo bằng rìu, mớ tóc rễ tre cứng như lông lợn bốc hơi chẳng khác nồi hấp khi mở vung. Đột nhiên ông ta hộc lên một tiếng như con chó bị mỏ kìm nung đỏ kẹp trúng mũi nổi điên lên, nắm đấm thép nện liên tiếp vào đầu vào mặt chị Tư những cú trời giáng. Chị Tư ngã sóng soài, quăn quại vì đau đớn, mũi và các kẽ răng rỉ máu.
Bí thư Hồ phạm sai lầm, bị điều đi nơi nào không rõ. Hôm ấy, lương tâm trỗi dậy trong những người phụ nữ vùng Cao Mật. Họ nguyền rủa đám cán bộ công xã đã gây tai họa, nguyền rủa cánh đàn ông của họ. Họ ùa tới, đứng vòng trong vòng ngoài, mặc quần áo cho chị Tư. Vài người khỏe mạnh cáng chị lúc ấy chỉ còn thoi thóp, ra khỏi nhà triển lãm, diễu trên đường phố, theo sau là một đoàn phụ nữ nước mắt ràn rụa và lũ trẻ nét mặt trầm lắng như ông già. Không ai nói một lời như một cuộc tuần hành biểu dương sức mạnh đầy bi tráng. Tà áo đỏ như lửa của chị Tư kéo lê trên mặt đất, chị như một liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Từ hôm đó, chị Tư trở nên nổi tiếng. Chích máu cho những tâm hồn ngu muội cố chấp, dùng phương thuốc dĩ độc trị độc, rõ ràng là biến thối nát thành diệu kỳ, biến bị động thành chủ động. Các bà các chị tốt bụng, bưng đến bát to bát nhỏ, những muỗng bằng quả bầu, trong bát là mì sợi, trong muỗng là trứng gà. Họ đến để thăm hỏi chị Tư. Mẹ xúc động sâu sắc, bà nói rằng chưa bao giờ nhà Thượng Quan gần gũi dân làng đến thế. Chỉ tiếc là chị Tư sẽ không bao giờ tỉnh táo trở lại, chị bị chấn thương sọ não vì những quả đấm thép của bí thư Hồ.