Home » » Báu vật của đời -Mạc ngôn -P13

Báu vật của đời -Mạc ngôn -P13

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012 | 01:39


3.



Chiếc kính lão mà mắt kính bằng đá thạch anh là quà của Tư Mã Khố thời hoàng kim tặng thầy dạy vỡ lòng Tần Nhị nhân dịp sinh nhật của thầy. Giờ đây thầy đeo món quà phản cách mạng đó ngồi trên bục giảng xây bằng gạch, hai tay cầm quyển sách giáo khoa dạy chữ quốc ngữ, kéo dài cái giọng run rẩy yếu ớt như đôi chân của thầy, giảng cho lớp Một chúng tôi - lớp Một đầu tiên của vùng Cao Mật, gồm những học sinh cao thấp không đều, tuổi tác chênh nhau khá xa. Chiếc kính nặng, trễ xuống giữa sống mũi cong queo của thầy, một giọt nước trong vắt treo lủng lẳng ở chóp mũi và cứ ở đấy không chịu rơi. Con dê to to..., thầy ngân nga. Mặc dù đang là tháng Sáu nóng nực, thầy vẫn đội chiếc mũ lông, mặc chiếc áo chùng màu đen. Con dê to to..., chúng tôi nhại giọng thầy đọc theo, hai tay cầm sách nhưng mắt không nhìn vào sách. Con dê bé bé..., thầy dẫn đọc bằng một giọng buồn thảm. Nóng ngột ngạt, trong nhà thờ vừa tối vừa ẩm, chúng tôi cởi trần, chân đất, mồ hôi mồ kê đầm đìa, nhưng thầy vẫn khăn áo chỉnh tề, mặt tái nhợt, đôi môi thâm tím như đang bị rét cóng. Con dê bé bé... chúng tôi đọc rõ to. Mùi khai nồng nặc, nhà thờ chẳng khác cái chuồng dê. Dê to dê bé chạy trên núi... Dê to chạy, dê bé kêu... Tôi hơi nghi ngờ sách giáo khoa. Căn cứ vào kinh nghiệm phong phú của tôi về loài dê thì con dê nào bầu vú quết đất thì không thể chạy, nó đi còn khó, nói gì đến chạy? Dê bé kêu thì có thể, chạy cũng có thể. Trên những vạt cỏ hoang, dê lớn ung dung gặm cỏ, dê nhỏ vừa chạy vừa kêu. Tôi rất muốn giơ tay hỏi thầy nhưng không dám. Trước mặt thầy là một cái thước kẻ, chuyên để đánh vào lòng bàn tay. Dê to ăn nhiều... dê bé ăn ít... Câu này thì đúng, dê to tất nhiên ăn nhiều hơn dê bé, dê bé tất nhiên ăn ít hơn dê to. Dê to to, dê bé bé, dê ăn no cỏ, dê quay đầu về.

Thầy vẫn đọc không mệt mỏi, nhưng trong lớp thì dần dần trở nên mất trật tự. Vu Vân Vũ mười tám tuổi, con trai một cố nông, to cao khỏe mạnh như con ngựa choai. Anh ta đã lấy Lam Thủy Liên, vợ góa một ông bán đậu phụ làm vợ. Lam Thủy Liên lớn hơn anh ta mười tuổi, bụng đã mang trống. Anh ta sắp làm bố. Anh chàng sắp sửa làm bố Vu Vân Vũ rút khẩu súng lục đã han gỉ giắt ở thắt lưng, giơ lên nhắm vào cái ngù đỏ trên mũ thầy. Dê to chạy... dê to... pằng!, ha ha ha. Thầy ngẩng lên, nhìn qua phần trên của mắt kính nên thầy chăng nhìn thấy gì cả. Thầy lại đọc tiếp. Dê to... pằng! Vu Vân Vũ bắn một phát súng miệng, chiếc ngù đỏ trên mũ thầy lắc lư. Cả lớp cười ầm, thầy vớ lấy cái thước đập đánh chát xuống bàn, quát to như quan tòa:

- Yên lặng!

Lại tiếp tục đọc.

Quách Thu Sinh mười bảy tuổi con trai một bần nông rời chỗ ngồi, lom khom trèo lên bục ra phía sau lưng thầy, hai chiếc răng cửa dài như răng thỏ cắn môi dưới, hai tay làm bộ ôm lấy đầu thầy giơ lên hạ xuống như thả đạn súng cối mà đầu thầy thì như nòng pháo, bắn liên hồi. Cả lớp hỗn loạn, học sinh cười nghiêng ngả, thằng Từ Liên Hợp to bự đấm xuống bàn rầm rầm, thằng Phương Thư Trai béo quay thì xé nát sách vở tung lên trời, những mẩu giấy bay như bươm bướm.

Thầy giáo đập thước liên hồi xuống mặt bàn cũng không làm sao hết cảnh nhốn nháo. Thầy nhìn xuống dưới lớp để tìm nguyên nhân. Quách Thu Sinh như một thằng điên, liên tục làm những động tác nhục mạ thầy trên đầu thầy. Những đứa trên mười lăm tuổi gào thét như điên cuồng.

Bàn tay Quách Thu Sinh chạm vào vành tai thầy. Thầy ngoảnh lại túm ngay được.

- Đọc thuộc lòng đi! - Thầy nghiêm giọng bảo.

Quách Thu Sinh đứng thõng hai tay trên bục làm ra vẻ hiền lành, nhưng khuôn mặt thì làm ngáo ộp. Nó chụm miệng cho môi dẩu ra như một cái rốn, nhắm một mắt lại cho miệng méo xệch sang một bên, nghiến chặt răng để hai tay vẫy vẫy.

- Đọc thuộc lòng đi! - Thầy gầm lên.

Quách Thu Sinh đọc: Bà to to, bà bé bé, bà to rượt đuổi bà bé té...

Trong tiếng cười như điên của bọn học trò, thầy Tần cầm thước, chụp lấy tay Quách Thu Sinh để lên bàn.

- Thằng ranh con này, bốp!

Cái thước vụt mạnh vào lòng bàn tay Quách Thu Sinh. Nó chỉ kêu lên một tiếng cộc lốc. Thầy nhìn nó một cái rồi lại giơ thước lên, nhưng tay thầy dừng lại giữa chừng vì trông thấy nét mặt hung hãn của tên lưu manh, cặp mắt đen rầm, những tia mắt hằn học đầy vẻ khiêu khích. Cặp mắt gà của thầy Tần đột nhiên dịu lại, cái tay cầm thước rũ xuống. Thầy lẩm bẩm điều gì đó, gỡ kính bỏ vào chiếc hộp kính bằng sắt, đậy chiếc giẻ lau kính lên trên, đậy nắp lại rồi bỏ vào túi. Thầy cũng cho luôn vào túi cái thước đã từng đánh Tư Mã Khố, rồi thầy bỏ mũ vái Quách Thu Sinh một vái, quay xuống lớp vái một vái nữa, nói với lớp bằng một giọng chua loét, nghe vừa khó chịu vừa thương hại:

- Thưa các ông lớn, Tần Nhị tôi chậm hiểu ngu lâu, không lượng súc mình, dám châu chấu đá xe, đánh chết mà không chết, mà không chết thì là đạo tặc. Tôi biết tội đã nhiều, rất mong các vị lượng thứ!

Nói xong thầy chắp tay trước bụng vái mấy vái rồi khom lưng tôm, nhón gót nhẹ nhàng đi ra khỏi nhà thờ. Từ bên ngoài vẳng lại tiếng ho đầy nước mắt của thầy. Bài học đầu tiên kết thúc là như vậy. Bài thứ hai là âm nhạc.
Âm nhạc. Cô giáo Kỷ Quỳnh Chi trên huyện cử về, dùng chiếc thước chỉ vào hai chữ viết bằng phấn trắng trên bảng đen, giọng lanh lảnh:

- Tiết này chúng ta học âm nhạc. Không có sách giáo khoa, sách giáo khoa ở đây ở đây ở đây! - Cô chỉ vào đầu, ngực và bụng mình. Cô quay mặt lại bảng đen, vừa viết vừa nói. - Âm nhạc bao gồm nhiều thứ, thổi sáo này, kéo nhị này, ca hát này, diễn kịch này... đều là âm nhạc, bây giờ các em chưa hiểu thì sau này sẽ hiểu. Ca hát là hát nhưng không hoàn toàn là hát, ca hát là một hoạt động âm nhạc quan trọng, và cũng có thể nói là một nội dung quan trọng của môn nhạc ở một trường tiểu học hẻo lánh như trường chúng ta. Hôm nay ta học một bài hát. Cô viết cành cạch trên bảng. Qua cửa sổ nhìn ra cánh đồng, tôi trông thấy Tư Mã Lương bị tước quyền đến trường vì là con phần tử phản cách mạng, thấy Sa Tảo Hoa, con gái Hán gian đang chăn dê, ngẩn ngơ nhìn vào lớp học. Chúng đứng trong vạt cỏ cao lút đầu gối, sau lưng là mười mấy cây hướng dương thân mập, lá to bản, hoa vàng rực. Cái bản mặt hoa hướng dương sao mà buồn, lòng tôi càng buồn hơn. Tôi liếc nhìn những cặp mắt long lanh trong cảnh u ám mà ứa nước mắt. Tôi ngắm nghía chiếc khung cửa sổ bằng gỗ liễu, thầm mong mình biến thành con chim họa mi, tắm mình trong ánh nắng rực rỡ của một chiều tháng Sáu, đậu trên dài hoa hướng dương đầy những con sâu nhỏ. Bài hát hôm nay chúng tôi học là bài Phụ nữ giải phóng ca. Cô giáo cúi viết nốt những lời cuối cùng của bài hát. Bờ vai của cô tròn lẳn như mông ngựa. Một mũi tên bằng gỗ, phần đuôi cắm lông gà, phần mũi gắn cục nhựa đào, bay vụt bên tôi, trúng vào mông cô giáo. Lớp học nổ ra một trận cười khả ố. Thằng Đinh Kim Câu ngồi sau lưng tôi là thằng bắn phát tên đó. Nó giơ cây cung lên để khoe, rồi giấu vội đi. Cô giáo dạy nhạc rút cái tên ở mông ngắm nghía, cười một tiếng rồi phóng xuống mặt bàn, cái tên rung lên rồi đứng yên.

- Bắn giỏi đấy! - Cô bình tĩnh nói.

Cô bỏ roi xuống, cởi áo quân phục đã bạc màu để lên bục giảng, một cô giáo hoàn toàn khác trước với chiếc áo sơ mi trắng bỏ trong quần, thắt lưng da to bản, vì dùng lâu ngày nên lên nước đen bóng. Vòng eo nhỏ, ngực nhô cao, mông nở, chiếc quần bộ đội ống rộng, giặt nhiều đến nỗi biến thành màu trắng, chân đi đôi giày thể thao hợp thời trang. Cô ăn mặc sao mà thanh thoát, sao mà gọn ghẽ. Để càng thanh mảnh hơn, cô còn thít thêm một nấc dây lưng. Miệng mỉm cười, cô đẹp như con hồ ly trắng. Nụ cười vụt tắt cô tàn nhẫn như con cáo trắng.

- Các em vừa làm cho thầy Tần tức giận bỏ đi, anh hùng nhỉ?

Cô nói mỉa, rút cái tên ở bàn lên, dùng ba ngón tay nắn nắn, nói:

- Một cung thủ đáng gờm đây, Lý Quảng hay Hoa Vinh đây? Có dám đứng dậy xưng tên xưng họ không? Cặp mắt đẹp của cô lướt trên đầu chúng tôi. Không ai đứng lên. Cô cầm chiếc roi quật đánh bốp lên bục giảng. Tôi cảnh cáo các em, cô nói, cái trò lưu manh mà các em thi thố ở lớp tôi thì hãy gói ghém lại cho kỹ rồi đưa cho mẹ các em cất đi!...

- Thưa cô, mẹ em chết rồi ạ! - Vu Vân Vũ nói to.

- Mẹ của ai chết rồi? Cô giáo hỏi, đứng dậy!

Vu Vân Vũ đứng lên, thái độ tỏ ra bất cần.

- Đi lên trên này- Cô nói - Lên đây, để tôi nhìn kỹ em một tí.

Vu Vân Vũ đội một chiếc mũ đơn bóng nhẫy như da trăn để che những cái sẹo trên đầu, nghe nói bốn mùa trong năm, chiếc mũ này không bao giờ bỏ ra, ngay cả khi ngủ, khi tắm dưới sông. Với chiếc mũ đó, Vu Vân Vũ nghênh ngang bước lên bục giảng.

- Em tên là gì? - Cô cười giọng ôn tồn hỏi.

Vu Vân Vũ xưng tên như một anh hùng.

- Các em, cô nói, tôi họ Kỷ, tên là Quỳnh Cái, từ nhỏ đã không cha không mẹ, lớn lên bên bãi rác, đến năm lên bảy tuổi thì theo một gánh xiếc rong phiêu bạt giang hồ, từng thấy lưu manh đủ loại. Học lái mô tô bay, đi trên dây, nuốt kiếm, phun ra lửa, rồi sau chuyển sang dạy thú, lúc đầu dạy chó, rồi dạy khỉ, rồi dạy gấu, cuối cùng là dạy hổ. Tôi có thể bắt chó nhảy tròng, bắt khỉ trèo cây, gấu cưỡi xe, hổ nhào lộn. Năm mười bảy tuổi tôi tham gia cách mạng, từng quần nhau với kẻ thù, đâm vào dao trắng, rút ra dao đỏ. Năm hai mươi tuổi tôi học trường đại học quân chính Hoa Đông, học đánh bóng, vẽ tranh, nhảy múa ca hát. Năm hai mươi lăm tuổi, tôi kết hôn cùng trưởng phòng trinh sát cục Công an Mã Thắng Lợi, anh tinh thông nghiệp vụ, khả năng chiến đấu không kém gì tôi.

Cô nói tất cả mọi chuyện, chỉ trừ chuyện về trấn Đại Lan phát động phong trào cải giá là không nói.

- Hừ, các em cho rằng tôi nói khoác phải không?

Cô giơ tay sửa lại mải tóc ngắn trên đầu. Nước da cô nâu bóng, khỏe mạnh, bầu vú tràn trề sức sống đẩy ngực áo sơ mi căng phồng. Mũi thanh tú, đôi môi đường nét rõ ràng, răng trắng bóng. Kỷ Quỳnh Chi này hổ còn không sợ - cô khinh bỉ nhìn Vu Vân Vũ, giọng anh chị - Chẳng lẽ sợ em?

Trong khi nói vậy, cô giơ cái roi dài luôn rất khéo vào viền mũ của Vu Vân Vũ rồi lắc cổ tay một cái hất chiếc mũ ra khỏi đầu như một bánh rán trong chảo. Tất cả chỉ diễn ra trong một giây. Vu Vân Vũ vội ôm lấy cái đầu đầy những sẹo, vẻ ngang tàng biến mất, mặt thộn ra. Nó nước mắt tìm cái mũ. Cô giơ cao cái oi rung rung cho cái mũ quay tít trên đầu roi một cách tài tình, khiến hồn vía Vu Vân Vũ bay đi đâu mất. Cô hất roi một cái, chiếc mũ bay lên không trung, rồi lại rơi một cách chính xác xuống đầu roi, tiếp tục quay tít. Tôi thấy hoa cả mắt. Cô lại hất cái mũ lên cao, đợi khi nó rơi xuống nửa chừng, khẽ vụt một cái khiến nó rơi dưới chân Vu Vân Vũ.

- Đội mũ vào, cút về chỗ của em! - Cô ngán ngẩm bảo nó - lượng muối tôi ăn còn nhiều hơn số bột mì em đã ăn, những cây cầu tôi đã đi qua còn nhiều hơn những con đường mà em đã đi. Rồi cô nhổ mũi tên cắm trên bàn, nói:

- Em, chính là em! Đem cái cung lên đây!

Đinh Kim Câu hốt hoảng đứng dậy, ngoan ngoãn cầm cái cung lên để trên bục giảng của cô giáo.

- Về chỗ! - cô nói.

Cô cầm cây cung lên giọng thử, nói:

- Cánh cung mềm quá, dây cũng không đủ căng. Dây cung phải dùng gân bò mới tốt. Cô lắp tên trên sợi dây cung kết bằng lông đuôi ngựa, kéo khẽ, nhằm thẳng vào đầu Đinh Kim Câu, nó vội vàng rúc xuống gầm bàn. Một con nhặng xanh đang bay trong tia nắng từ cửa sổ lọt vào. Kỷ Quỳnh Chi ngắm chuẩn con nhặng, dây cung bật đánh tách một tiếng, con nhặng bị bắn rơi xuống đất.

- Còn ai không phục nữa thôi? - Cô hỏi.

Lớp học im như thóc. Cô mỉm cười ngọt ngào, cái lúm đồng tiền trên má đầy quyến rũ. Cô nói:

- Bây giờ ta chính thức lên lớp, tôi đọc một lượt lời của bài hát: Xã hội cũ, như giếng sâu vạn trượng, nằm dưới đáy là các tầng lớp nhân dân, đáy của đáy là chị em phụ nữ? Xã hội mới, như mặt trời chói lọi, nắng trùm lên người làm ruộng chúng ta, vươn mình là phụ nữ chúng ta
4.



Trong môn nhạc của cô Kỷ Quỳnh Chi, tôi đã tỏ ra có một trí nhớ xuất chúng và tố chất âm nhạc rất tốt. Mặc dù khi mới hát đến câu đáy của đáy là chị em phụ nữ trong bài Phụ nữ giải phóng ca, mẹ bê bình sữa bọc trong chiếc khăn mặt trắng đến dưới cửa sổ bằng gỗ liễu, luôn miệng gọi khẽ:

- Kim Đồng, Kim Đồng, uống sữa đi này?

Tiếng gọi của mẹ và mùi sữa đã phân tán ghê gớm sức chú ý của tôi, nhưng đến cuối tiết học, tôi là người duy nhất hát trọn vẹn bài Phụ nữ giải phóng ca một cách chuẩn xác. Cô Kỷ Quỳnh Chi biểu dương tôi trước lớp học bốn mươi học sinh. Cô hỏi tên tôi, bảo tôi đứng lên hát lại lần nữa. Cô vừa tuyên bố hết giờ thì mẹ đã đưa bình sữa vào bên trong cửa sổ. Tôi do dự, mẹ bảo:

- Con uống đi! Con giỏi giang như vậy, mẹ mừng lắm!

Trong lớp có tiếng cười rúc rích.

- Cầm lấy đi con, có gì mà ngượng kia chứ? - Mẹ nói.

Cô Quỳnh Chi thơm mùi kem đánh răng đi tới, chiếc roi chống trên nền nhà rất điệu nghệ, nói ra ngoài cửa sổ:

- Bác đấy ạ, khi đang lên lớp bác đừng đến làm mất trật tự nữa nhé!

Nghe giọng nói của cô, mẹ sững người, cố dướn lên ngó vào trong, lễ phép nói:

- Thưa cô, đây là thằng con một của tôi, đợt sữa đầu sáng này ít quá, nó ăn không đủ no, sợ nó không cầm cự được đến chiều!...

Cô Quỳnh Chi nhìn tôi cười, nói:

- Em cầm lấy đi, kẻo mẹ mỏi tay.

Tôi đỏ bừng mặt đón lấy bình sữa. Cô Quỳnh Chi nói với mẹ:

- Thế này mãi sao được? Phải cho em nó ăn cơm. Lớn lên đi học trung học, học dại học, chẳng lẽ vẫn phải dắt theo một con dê?

Cô tưởng tượng cái cảnh một sinh viên đại học dắt theo một con dê vào lớp mà bật cười không chút ác ý.

- Em nó bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Cô hỏi.

- Mươi ba tuổi rồi, tuổi Tý - Mẹ nói - Tôi cũng buồn lắm cô ạ, nhưng mà nó ăn vào thứ gì là nôn ra thứ ấy, bụng lại còn đau nữa, đau đến nỗi toát mồ hôi hột, sợ phát khiếp!...

Tôi bảo mẹ, giọng không vui:

- Thôi mà mẹ, mẹ dùng nói nữa, con không uống đâu!

Tôi đưa trả cái bình. Cô Quỳnh Chi búng búng tai tôi, nói:

- Trò Kim Đồng, đừng làm thế, thói quen sẽ sửa dần, uống đi!

Tôi nhìn cặp mắt long lanh của cô trong ánh sáng mờ mờ, trong lòng cảm thấy vô cùng xấu hổ. Cô Quỳnh Chi nói:

- Các em nhớ nhé, không được giễu cợt nhược điểm của người khác!

Nói xong, cô bỏ đi.

Tôi quay mặt vào tường, uống thật nhanh hết sạch bình sữa rồ tôi trả cái bình cho mẹ, nói:

- Lần sau mẹ đừng đến nữa!

Giờ nghỉ giữa hai tiết học, Vu Vân Vũ và Đinh Kim Câu vốn dĩ càn quấy, bây giờ trở nên nghiêm chỉnh, ngồi như phỗng trên ghế. Thằng Phương Thư Trai béo ị cởi dây lưng trèo lên bàn, buộc một đầu dây lên xà nhà, còn đầu kia làm thành cái thòng lọng, biểu diễn trò thắt cổ. Nó nhại giọng the thé của bà góa, khóc lảnh lót, kể lể: Anh ơi là anh, anh nhắm mắt xuôi tay về Tây phương cực lạc bỏ lại thân em vò võ một mình, trong lòng như có con trùng ngọ nguậy, chẳng thà em xuống suối vàng cho xong.

Khóc lóc, kể lể, hai má nó bạnh ra như hai má lợn, rồi thì nó khóc thật, hai dòng nước mắt chảy ròng ròng, nước mũi cũng chảy tràn qua môi.

- Tôi chẳng thiết sống nữa!

Nó gào lên, nhón gót chui đầu vào thòng lọng. Hai tay nắm hai bên thòng lọng, nó nhảy dựng lên, mỗi lần nhảy một lần kêu lên:

- Tôi chẳng thiết sống nữa!

Lớp học ồ lên tiếng cười quái dị. Thằng Vu Vân Vũ vẫn chưa hết bực, nó ấn tay xuống bàn, rồi như ngựa đá hậu, nó giơ chân đạp lại đằng sau một cái, chiếc bàn đổ kềnh. Thân hình to béo của thằng Phương Thư Trai treo lủng lẳng dưới xà nhà. Nó rú lên, hai tay cố ghì lấy dây thừng, hai chân ngắn ngủn quẫy lia lịa, rồi chậm dần lại, mặt tím ngắt, miệng sùi bọt, phát ra tiếng òng ọc của người đang giẫy chết.

- Treo cổ chết rồi! - mấy đứa nhỏ hốt hoảng kêu lên, vừa kêu vừa chạy ra ngoài sân, dẫm bành bạch mà gào:

- Treo cổ chết rồi! Phương Thư Trai treo cổ chết rồi!

Hai tay thằng Phương Thư Trai buông thõng, hai chân không quẫy đạp nữa, mình nó như dài ra, một tiếng rắm rất kêu vọt ra khỏi dũng quần. Ngoài sân, bọn học sinh chạy tán loạn, không biết làm gì. Cô giáo Kỷ Quỳnh Chi và mấy giáo viên không biết tên, càng không biết các thầy dạy môn gì, từ phòng giáo viên chạy ra.

- Ai chết? Ai treo cổ chết? - Họ vừa hỏi to vừa chạy về phía lớp học, những đống rác trên sân níu chân họ.

Kỷ Quỳnh Chi nhảy tâng tâng như con hươu cái, chỉ trong vài giây cô đã vào đến lớp học. Đang từ ngoài nắng chạy vào chỗ tối, cô thoáng vẻ ngỡ ngàng, hỏi to:

- ở đâu?

Thân hình nặng nề của Phương Thư Trai rơi bịch xuống đất dải thắt lưng đen đứt tung vì không chịu nổi sức nặng của nó.

Cô Kỷ Quỳnh Chi ngồi xổm bên cạnh thằng Phương Thư Trai, luồn tay vào nách lật nó nằm ngửa. Tôi trông thấy cô chau mày, môi trên dẩu ra che lấy mũi. Người Phương Thư Trai thối hoắc. Cô đưa tay trước mũi xem nó còn thở hay không, rồi ấn huyệt nhân trung, nét mặt cô tỏ ra vô cùng bực bội. Phương Thư Trai giơ tay gạt tay cô ra. Cô chau mày đứng dậy, đá cho nó một cái, nói:

- Đứng dậy?

- Ai đá đổ chiếc bàn? - cô Quỳnh Chi đứng trên bục, nghiêm giọng hỏi.

- Em không biết, em không biết, em không biết!

- Vậy thì ai trông thấy? Hoặc ai đã đá đổ? Thử dũng cảm một lần xem nào?

Mọi người cúi gằm, Phương Thư Trai khóc òa.

- Có câm miệng lại không - cô Quỳnh Chi đập bàn quát - muốn chết thì quá dễ, lát nữa tôi sẽ cho em biết vài kiểu chết. Tôi không tin là không ai trông thấy kẻ đã đá đổ chiếc bàn. Kim Đồng, em là một học sinh thực thà, em nói đi!

Tôi cúi đầu.

- Em hãy ngửng lên nhìn cô đây này - cô nói - Cô biết là em sợ, cô chịu trách nhiệm về chuyện này, em đừng sợ?

Tôi ngẩng nhìn đôi mắt rất dẹp của người chiến sĩ cách mạng, nhớ lại mùi kem đánh răng tỏa ra từ miệng cô, trong lòng dễ chịu như đứng trước luồng gió mát.

- Cô tin rằng em có đủ can đảm tố cáo người xấu việc xấu, vậy mới là phẩm chất của thanh thiếu niên của nước Trung Quốc mới.

Cô nói rất hào hùng. Tôi liếc ngang, bắt gặp ánh mắt uy hiếp của Vu Vân Vũ. Tôi lại gục đầu xuống ngực.

- Vu Vân Vũ, đứng dậy? - cô bình tĩnh gọi

- Không phải em! - Vu Vân Vũ kêu to.

Cô mỉm cười hỏi:

- Sao em cuống lên thế? Sao em lại gào lên?

- Dù sao cũng không phải là em! - Vu Vân Vũ xiết móng tay xuống mặt bàn, nói khẽ.

Cô Quỳnh Chi nói:

- Vu Vân Vũ, có gan ăn cắp có gan chịu đòn!

Vu Vân Vũ đứng dậy, từ từ ngẩng đầu lên, nét mặt trở nên dữ dằn. Nó quăng sách vở xuống đất cho bảng đả và phấn viết vào chiếc cặp màu xanh kẹp dưới nách, giọng khinh miệt:

- Tôi đá đổ cái bàn đấy làm gì tôi nào? Tôi đ. vào học nữa! Ông có thích học đâu tại các người cứ vận động ông đấy chứ!

Hắn nghênh ngang bước ra cổng, người nó mới cao làm sao, xương cốt nó mới to làm sao, nó hoàn toàn có dáng vóc của một thằng đàn ông ngạo mạn và ngỗ ngược. Cô Quỳnh Chi đứng chặn lối ra cổng, nó quát:

- Tránh ra! Nhà người dám làm gì ông?

Cô Kỷ Quỳnh Chi cười mát:

- Ta phải cho cái thằng hèn này biết tay! Rồi phóng chân đá trúng đầu gối Vu Vân Vũ. Nó ối lên một tiếng quị xuống.

- Kẻ ác thì phải bị trừng phạt - cô Quỳnh Chi nói.

Vu Vân Vũ móc cái bảng đá trong túi xách liệng trúng ngực cô Quỳnh Chi, cô rên lên một tiếng, ôm lấy bầu vú bị thương.

Vu Vân Vũ nói:

- Mày tưởng tao sợ mày hả? Nhà tao ba đời cố nông, cô dì bà ngoại tao đầu là bần nông, mẹ tao đẻ ra tao trên đường đi ăn xin.

Cô Quỳnh Chi xoa xoa bầu vú, nói:

- Ta thật tình không muốn nhà ngươi làm bẩn tay ta - Hai bàn tay cô đan vào nhau, những đốt ngón tay kêu răng rắc - Đừng nói nhà mi ba đời cố nông mà ba mươi đời cố nông thì ta cũng phải cho mi một bài học!

Cô vừa nói vừa tung một quả đấm như chớp trúng cằm Vu Vân Vũ. Hắn rú lên một tiếng, lảo đảo. Quả đấm thứ hai mạnh hơn, trúng giữa ngực, tiếp theo là một cú đá trúng mắt cá chân. Hắn ngã lăn ra, khóc hu hu như một đứa trẻ. Cô Quỳnh Chi túm cổ áo dựng hắn dậy, xoay hắn lại rồi thúc gối vào bụng dưới của hắn, đồng thời phóng tay ra. Vu Vân Vũ ngã ngửa trên một đống gạch vụn. Cô Quỳnh Chi tuyên bố:

- Mi đã bị đuổi học!

5.



Chúng nó mỗi đứa đều cầm trong tay một cành liễu, chặn tôi trên con dương mòn từ trường về thôn. ánh nắng xiên khoai, mặt đứa nào đứa ấy vàng như sáp. Vu Vân Vũ với chiếc mũ da trăn và một bên mặt sưng vù, Quách Thu Sinh cặp mắt độc ác, Đinh Kim Câu với vành tai quăn như mộc nhĩ, lại còn tên nổi tiếng gian giảo trong thôn Ngụy Sùng Dê với hàm răng đen xỉn. Mỗi thằng một vẻ hiện ra lồ lộ dưới ánh nắng đã dịu của buổi chiều tà. Hai bên đường là rãnh nước bẩn, mấy con vịt lông cánh tơi tả, kêu cạc cạc. Tôi lánh ra tận mép đường, định đi vòng qua chúng nó. Ngụy Sừng Dê giơ cái gậy bằng cành liễu ra chặn tôi.

- Các anh làm gì thế? - tôi run run hỏi.

- Làm gì hả, thằng con lai? - trợn trừng cặp mắt gà chọi, nó nói - Hôm nay chúng tao phải dạy cho thằng con lai của lão mục sư tóc đỏ một bài học!

- Tôi có trêu chọc gì các anh đâu? - tôi nói, cảm thấy mình bị oan.

Thằng Vu Vân Vũ quất tôi một roi vào mông. Tôi thấy rát như phải bỏng.

- Tôi sao thế này?...

Bốn ngọn roi dâu thi nhau quật lên cố, lên lưng, lên mông, lên chân tôi. Tôi gào khóc. Thằng Ngụy Sừng Dê rút trong túi ra con dao cán bằng xương khua khua trước mặt tôi, dọa:

- Câm mồm! Mày mà khóc ông cắt lưỡi, khoét mắt, xẻo mũi mày đi! Con dao lóe ánh thép xanh, tôi sợ quá im thin thít.

Chúng thúc gối vào mông tôi, vụt roi vào bắp chân tôi, như bốn con sói quần một con dê, dồn tôi vào sâu hơn trong cánh đồng. Nước trong rãnh hai bên đường lặng lẽ chảy, bốc lên mùi khăn khẳn của những thứ bị thối rữa, những bọt khí nối đuôi nhau chạy lên mặt nước. Tôi mấy lần quay lại van xin:

- Các anh tha cho tôi?

Nhưng mỗi lần như vậy lại hứng thêm một trận đòn, định khóc to nhưng lại sợ con dao của thằng Ngụy Sừng Dê. Tôi chỉ còn cách duy nhất là cắn răng mặc cho chúng nó đánh, đến cái nơi mà chúng nó bắt phải đến.

Qua chiếc cầu ken bằng những bó cây cao lương, chúng bắt tôi dừng lại trước một bụi tì ma. Đũng quần tôi dính nhom nhớp, không biết là máu hay nước đái. Nắng hồng nhuốm đỏ mặt chúng. Chúng dàn thành hàng ngang, những chiếc roi đã gãy nát phần ngọn, vỏ trước hết chỉ còn phần lõi màu xanh. Những chiếc lá tì ma to bằng cái quạt, con cuốc lặc lè cái bụng, kêu thê thảm trong đám lá. Mùi hăng hăng của lá cây tì ma khiến tôi chảy nước mắt. Ngụy Sừng Dê hỏi lấy lòng Vu Vân Vũ:

- Đại ca, ta nên xử lý thằng lỏi này như thế nào?

Vu Vân Vũ sờ bên má sung tím, nói:

- Theo tao thì nên giết quách nó đi.

- Không nên, không nên - Quách Thu Sinh nói - anh rể nó là phó huyện trưởng, chị nó cũng làm quan, giết chết nó thì ta cũng không sống nổi!

Ngụy Sừng Dê nói:

- Giết nó rồi kéo xác ra sông Mục, vài ngày sau là trôi ra biển làm mồi cho cá, chẳng ma nào biết?

Đinh Kim Câu nói:

- Tôi không tham gia vào việc giết nó. Anh rể nó là Tư Mã Khố cái tên ma vương giết người như ngóe ấy không biết lúc nào trở về, giết em vợ nó, e rằng nhà chúng ta sẽ không sót một mống!

Trong khi chúng nó thảo luận về số phận của tôi, tôi đứng bên như người không liên quan, không sợ mà cũng không bỏ chạy, đầu tôi mụ đi. Thậm chí tôi còn có thời gian nhìn ra xa, nơi cánh đồng cỏ đỏ rực như máu và ngọn núi Trâu Nằm màu vàng kim, và cả cánh đồng hoa màu xanh ngắt rộng mênh mông ở phía chính nam. Con đê sông Mực như một con rồng uốn khúc, ẩn hiện phía sau những vạt hoa màu cao, lộ hẳn ra nơi những vạt hoa màu thấp. Những con chim trắng bay là là mặt nước như những mẩu giấy trắng. Biết bao chuyện cũ lần lượt lướt qua trong đầu, tôi bỗng cảm thấy mình đã sống ở trên đời hàng trăm năm.

- Các anh giết tôi đi, giết đi, tôi sống thế đủ rồi!

Trong ánh mắt chúng lóe lên những tia ngạc nhiên. Chúng nhìn nhau rồi nhìn tôi, làm như chưa nghe rõ tôi nói gì. Tôi nhắc lại, kiên quyết, và khóc hu hu, nước mắt đặc quánh chảy vào miệng tôi, mặn và tanh như máu. Lời đề nghị thành thực của tôi khiến chúng khó xử. Chúng lại nhìn nhau, đưa mắt dò hỏi nhau. Tôi được thể, bốc lên:

- Tôi van các ông, cho tôi rảnh nợ đi, giết kiểu nào cũng được, miễn là nhanh, đừng hành hạ tôi?

- Mày tưởng chúng ông không dám giết mày phỏng? - Vu Vân Vũ bóp cằm tôi băng những ngón tay cứng như thép, nhìn thẳng vào mắt tôi để uy hiếp.

Tôi nói:

- Tôi đâu dám, tôi đâu dám, tôi chỉ yêu cầu các ông nhanh lên, giết tôi đi!
Vu Vân Vũ nói:

- Anh em, hôm nay dính vào cái thằng này, xem ra không giết không được rồi Đã nói là làm, giết quách nó đi!

Quách Thu Sinh nói:

- Phải giết thì anh giết, tôi không nhúng vào

- Thằng ranh, mày định phản bội phải không? Vu Vân Vũ túm lấy cánh tay Quách Thu Sinh mà lắc - Chúng ta như bốn con chuồn chuồn cột chung một sợi chỉ, đừng ai nghĩ tới chuyện bỏ chạy? Mày mà chạy là tao tố cáo mày hiếp dâm con bé dở người nhà họ Vương?

Ngụy Sùng Dê nói:

- Thôi, xin hai đại ca dùng cãi nhau nữa, ta đang giết người mà? Nói thật nhé, bà già ở Tiểu Thạch Kiều là tớ giết đấy, tớ không có thù oán gì với bà ta, chỉ là thử xem lưỡi dao của tớ có sắc không thôi. Trước kia tớ cứ tưởng giết người là tốn sức lắm, thực ra hết sức đơn giản, tớ dùng con dao này đâm vào bụng bà ta, con dao lút cán, như đâm vào tảng đậu phụ. Tớ rút lưỡi dao ra thì bà ta đã chết, không kịp kêu một tiếng!

Nó liếc lưỡi dao vào quần, nói:

- Xem đây! - rồi chĩa mũi dao vào bụng tôi đâm tới.

Tôi khoan khoái nhắm mắt lại, hình dung máu tươi vọt ra từ bụng tôi bắn vào mặt chúng. Chúng chạy đến bên mép nước, xắn quần xắn áo rửa máu trên mặt. Nước đầm mà chúng vốc lên quánh như mật mía, không những không sạch máu, mà làm cho mặt càng bẩn thêm. Cùng với máu vọt ra, ruột của tôi cũng đùn ra một đống, trườn qua vạt cỏ rơi xuống lòng mương. Rồi sau đó là mẹ vừa kêu gào vừa nhảy xuống nước vớt ruột tôi lên vắt từng vòng trên cánh tay, vừa vắt vừa đi tới trước mặt tôi, thờ phì phò vì nặng. Mẹ nhìn tôi đau xót, hỏi: - Con ơi, con làm sao thế này? - Mẹ, chúng nó giết con rồi? Nước mắt mẹ rơi lã chã trên mặt tôi. Mẹ quì xuống, nhét từng khúc ruột vào bụng tôi, nhưng chúng ương ngạnh, nhét vào lại chui ra. Mẹ bực phát khóc, nhưng cuối cùng cũng nhét hết ruột vào trong bụng, rồi mẹ lấy kim chỉ cài trên mái tóc xuống khâu vết thương lại như người ta khâu quần áo. Tôi cảm thấy bụng đau nhói, mở mắt nhìn thì ra không phải mơ ngủ, mà hiện thực sỗ sàng là tôi bị chúng đá ngã lăn dưới đất, bốn thằng vạch chim đái vào mặt tôi, mặt đất bồng bềnh quay đảo tôi cảm thấy thân thể tôi như dầm trong nước.

- Cậu ơi cậu!

- Cậu ơi, cậu!

Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa đứa giọng cao đứa giọng thấp vang lên từ phía sau bụi tì ma. Tôi mở miệng định gọi chúng nó thì miệng tôi đã đầy nước dái. Bọn Vu Vân Vũ vội kéo quần lên, nấp trong bụi tì ma.

Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa như một cặp Kim Đồng Ngọc Nữ, đứng bên cầu ghép bằng cây cao lương mà gọi. Tiếng gọi vang xa khắp cánh đồng, khiến tôi thấy mủi lòng, nghèn nghẹn trong họng. Tôi lồm cồm bò dậy, chưa đứng vững đã lại gục xuống. Tôi nghe thấy tiếng reo phấn khởi của Sa Tảo Hoa:

- Đây rồi! Hai đứa xốc nách tôi đứng dậy, người tôi cứ lắc lư như con lật đật. Sa Tảo Hoa nhìn mặt tôi òa khóc. Tư Mã Lương sờ mông toi, tôi rên lên đau đớn. Nó nhìn bàn tay dính máu và nhựa của roi dâu, nghiến răng nói:

- Cậu ơi ai đánh cậu đến nông nỗi này?

- Chúng nó... - Tôi nói.

Tư Mã Lương hỏi:

- Chúng nó là ai?

- Vu Vân Vũ, Ngụy Sừng Dê, Đinh Kim Câu và thằng Quách Thu Sinh!

Tư Mã Lương nói:

- Cậu ơi, ta hãy về nhà đã, ngoại đang cuống lên ở nhà. Thằng Vân Vũ, thằng Sừng Dê, thằng Kim Câu, thằng Thu Sinh kia, bốn thằng khốn kiếp hãy nghe đây, chúng mày có thể trốn hôm nay, nhưng không trốn được ngày mai, trốn được mồng một nhưng không trốn được ngày rằm! Chúng mày nhổ một lông chân của cậu tao, thì tao sẽ dòng cọc vào nhà chúng mày!

Tư Mã Lương nói chưa dứt lời, bốn thằng kia vừa cười ha hả vừa nhảy ra.

- Đ. mẹ! - Vu Vân Vũ nói - Thằng lỏi này ở đâu ra mà phét lác dữ thế? Chúng nhặt những cành liễu giờ đây đã tướp như xơ mướp, hè nhau xông tới như bầy chó dữ.

- Tảo Hoa, dìu cậu Kim Đồng? - Tư Mã Lương gọi to, dẩy tôi ra, xông tới trước mặt những tên cao to hơn nó nhiều. Bọn kia giật mình trước tinh thần quyết tử của nó. Không đợi chúng đánh tới, cái đầu răn như đá của Tư Mã Lương đã húc trúng bụng dưới của Ngụy Sừng Dê. Thằng cha hung bạo, luôn miệng chửi thề này gục xuống cuộn tròn như một con nhím. Ba thằng kia múa roi vun vút xông tới. Tư Mã Lương hai tay che đầu, quay mình chạy, bọn kia rượt theo. Tư Mã Lương quả đã thành công trong việc khơi dậy sự hung hăng của bọn lưu manh. So với sự nhu nhược, nhũn như con chi chi của Kim Đồng thì con sói con Tư Mã Lương thú vị hơn nhiều. Bọn Vu Vân Vũ vừa quát tháo vừa đuổi theo, chúng mở cuộc truy kích trên đồng cỏ. Nếu như Tư Mã Lương là con sói con, thì bọn Vu Vân Vũ to xác nhưng chậm chạp như những con chó nhà. Thằng Ngụy Sừng Dê là con vật lai giữa chó sói và chó nhà, vì vậy nó là đối tượng đả kích số một của Tư Mã Lương. Đánh quị Ngụy Sùng Dê là đánh quị đầu não của lũ chó. Tư Mã Lương chạy lúc nhanh lúc chậm và áp dụng chiến thuật như đối với quỉ nhập tràng, luôn luôn rẽ ngoặt, khiến chúng luôn luôn bị hẫng. Vì nôn nóng, chúng đã mấy bận trượt ngã, có lút đến đầu gối rẽ ra dưới chân chúng. Từng đàn thỏ đồng nhỏ bằng nắm tay kinh hoàng chạy tán loạn, một con không kịp tránh, bị Vu Vân Vũ xéo lòi ruột. Tư Mã Lương không phải chỉ có chạy, trong khi chạy, nó có những lần đánh lại. Nó rẽ ngoặt gấp để bứt bọn kia một khoảng cách, rồi tấn công chớp nhoáng một trong ba tên, ném bùn vào mặt Đinh Kim Câu, cắn rách mu bàn tay Vu Vân Vũ. Nó còn vận dụng chiến thuật của cô hiếng, tóm lấy hạ bộ của thằng Quách Thu Sinh mà bóp. Ba thằng kia đểu bị thương, Tư Mã Lương cũng bị chúng vụt trúng đầu mấy lần. Chúng chạy chậm dần, Tư Mã Lương rút về phía cầu. Ba tên tụm lại một chỗ, miệng sùi bọt thở như kéo bễ, vừa đuổi vừa dè chừng Tư Mã Lương. Thằng Ngụy Sùng Dê đã thở được hắn cong lưng như một con mèo ngồi dậy rồi từ từ đứng lên tìm con dao. Con dao rơi xuống bãi cỏ.

- Đ. mẹ mày, cái giống Hoàn Hương Đoàn, tao không thịt mày thì chớ kể!

Hắn vừa lúi húi tìm con dao vừa chửi một mình, lòng trắng trong mắt hắn đầy những tia máu. Sa Tảo Hoa nhanh như con sóc, nhảy tới chộp lấy con dao, rồi hai tay cầm cán dao, nó chạy lại sau lưng tôi. Ngụy Sùng Dê đứng thẳng lên chìa tay ra dọa:

- Con nhà Hán gian, trả dao cho tao!

Sa Tảo Hoa không nói gì, dùng mông hẩy tôi đi giật lùi. Nó nhìn không chớp những chai tay trên bàn tay thằng Sừng Dê. Thằng Sừng Dê mấy lần nhào tới nhưng vội lùi lại vì sợ con dao sắc trong tay Tảo Hoa. Tư Mã Lương đã chạy về chỗ đầu cầu. Vu Vân Vũ gọi to:

- Đ. mẹ thằng Sừng Dê, lại đây mau, dập chết con thằng Hoàn Hương Đoàn này!

Ngụy Sừng Dê hậm hực:

- Lát nữa sẽ cho con ranh biết tay! Nó định nhổ một cây tì ma làm vũ khí, nhưng cây tì ma to quá, không nhổ được. Nó đành bẻ lấy một cành chạy về chỗ cây cầu.

Sa Tảo Hoa bám sát tôi, bảo vệ tôi qua cầu. Dưới cầu hẹp lại nên trông rõ nước chảy, những con cá nho thấy động nhảy lung tung, con nhảy qua, con mắc cạn trên mặt cầu, cong người giẫy tanh tách. Tôi cảm thấy dính nhơm nhớp giữa hai dùi, những chỗ bị đánh ở lưng, mông, bắp chân và gáy rát như chèm lửa. Tôi cảm thấy mùi tanh lợm của rỉ sắt trong miệng, mỗi bước đi lại loạng choạng chỉ chục ngã, không muốn mà tự nhiên cứ rên rỉ. Cánh tay tôi quàng trên vai gầy của Sa Tảo Hoa, tôi muốn đứng thẳng lên giảm bớt gánh nặng cho nó nhưng không làm nổi.

Tư Mã Lương chạy thong thả trên con đường về thôn. Đằng sau đuổi nhanh thì nó chạy nhanh, đuổi chậm, nó chạy chậm. Nó giữ một khoảng cách để bọn kia không nản lòng nhưng cũng không tóm được nó. Hơi nước ngùn ngụt bốc lên từ những thửa ruộng hai bên đường nhuộm đỏ bởi ráng chiều, ếch nhái kêu ộp oạp dưới mương rãnh. Ngụy Sùng Dê nói nhỏ điều gì đó với Vu Vân Vũ, chúng bèn chia làm ba ngả. Ngụy Sừng Dê và Đinh Kim Câu lội qua con mương hai bên đường, mỗi đứa tấn công một mũi. Vu Vân Vũ và Quách Thu Sinh đuổi chậm lại, quát to:

- Tư Mã Lương, bỏ chạy không phải hảo hán, có giỏi thì đứng lại chơi nhau một trận!

- Anh Lương, chạy mau lên! - Sa Tảo Hoa gọi to - Đừng mắc lừa chúng nó!

- Con ranh! - Vu Vân Vũ ngoảnh lại, giơ nắm dấm lên, quát - Tao đập chết mày bây giờ?

Sa Tảo Hoa dũng cảm chặn đường bọn chúng, con dao thủ trong tay, nói:
- Lại đây, tao không sợ chúng mày!

Vu Vân Vũ xông tới trước mặt chúng tôi. Sa Tảo Hoa dùng mông đẩy tôi lùi lại. Tư Mã Lương quay lại quát to:

- Thằng chốc đầu kia, mày **ng vào nó dù chỉ một ngón tay, là tao bỏ thuốc độc giết chết con vợ bán đậu phụ của mày!

- Anh ơi, chạy mau đi! - Sa Tảo Hoa nói to - Hai thằng chó Sừng Dê và Kim Câu đang chặn đường về của anh đấy!

Tư Mã Lương dừng lại, nó lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cũng có thể nó cố ý dừng lại. Nó dừng, Vu Vân Vũ và Quách Thu Sinh cũng dừng. Ngụy Sừng Dê và Đinh Kim Câu lại lội qua mương trèo lên mặt đường, bùn đen bám đầy hai chân chúng. Chúng thận trọng áp sát như người ta dồn thú dữ. Tư Mã Lương vẫn đứng yên bất động, lại còn làm ra vẻ ung dung dùng tay áo lau mồ hôi trên trán. Lúc này, từ phía thôn vẳng lại tiếng gọi của mẹ. Tư Mã Lương nhảy xuống mương rồi chạy theo con đường một bên là ruộng cao lương, một bên là ruộng ngô. Ngụy Sùng Dê phấn khởi la to:

- Hay rồi, anh em ơi, đuổi mau!

Chúng nhảy xuống lòng mương lội lõm bõm như vịt sang bờ bên kia, đuổi theo. Ngô và cao lương giao nhau, che khuất con đường, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng rẽ lá soàn soạt và tiếng chúng nó sủa như chó.

- Cậu ở đây chờ ngoại, để cháu đi giúp anh Lương!

Tôi nói:

- Tảo Hoa, tôi sợ!

- Cậu đừng sợ, ngoại đến bây giờ. Ngoại ơi! - nó gọi to - chúng nó định giết anh Lương!

Tôi gọi:

- Mẹ ơi, con ở đây, con ở đây!...

Sa Tảo Hoa dũng cảm nhảy xuống mương, nước ngập đến ngang ngực. Nó vùng vẫy trên mặt nước ngầu bọt. Tôi lo nó chết đuối, nhưng nó đã lội sang bờ bên kia, tay vẫn cầm con dao, hai chân lút trong bùn đen. Giày của nó mắc kẹt dưới bùn. Nó chui vào con đường nhỏ, thoáng cái đã mất hút.

Mẹ ***g lên như con trâu nái bảo vệ con, huỳnh huỵch chạy tới, tóc mẹ ánh lên màu vàng, da mặt cũng phảng phất một màu vàng.

- Mẹ ơi! - tôi kêu lên, khóc hết số nước mắt còn lại. Tôi không đứng vững được nữa, loạng choạng ngã vào lòng mẹ.

Mẹ khóc, hỏi tôi:

- Con trai của mẹ, đứa nào đánh con đến nông nỗi này?

- Vu Vân Vũ, Ngụy Sùng Dê... - Tôi vừa khóc vừa nói.

- Đồ kẻ cướp! - mẹ gầm lên, hỏi tôi - Chúng nó đâu rồi?

- Chúng nó đuổi theo Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa - tôi chỉ sang con đường.

Từng đám hơi nước bốc lên từ phía bên kia đường tạt sang, trong khoảng sâu tít tắp có tiếng động vật kêu, tiếng va chạm khi đánh nhau và tiếng kêu lanh lảnh của Tảo Hoa.

Mẹ nhìn về phía thôn, sương mù dày đặc đã che lấp tất cả Tiếng chó nhà sủa nghe như vọng từ đáy nước lên. Mẹ kéo tôi lội xuống mương, nước âm ấm như dầu bôi trục xe thấm ngược từ dưới lên. Người mẹ to lớn, hai bàn chân lại quá nhỏ, lội bùn cực kỳ vất vả. Mẹ phải bám những bụi cỏ ở bờ mương mới trèo lên được.

Mẹ kéo tôi chạy theo con đường mòn. Chúng tôi phải khom người mà chạy vì nếu đứng thẳng lên, lá lau sẽ cứa đứt mặt, thậm chí có thể mù mắt. Hai bên vệ đường mọc đầy cỏ rậm, những cây tật lê bò cả ra mặt dương, gai nhọn hoắt đâm thủng bàn chân. Tôi rên rỉ đau đớn, những vết thương bị thấm nước rát như phải bỏng, đã mấy bận tôi ngã lăn ra, nhưng cánh tay lực lưỡng của mẹ lại lôi tôi dậy. ánh sáng mờ mờ, trên cánh đồng hoa màu bạt ngàn hình như có những quái vật bé tí xíu đang nhảy múa, mắt xanh lè, lưỡi đỏ chót, mũi thở phì phì. Tôi như lạc xuống âm phủ trong truyện cổ tích, mà người lôi tôi xuống thì thở như trâu, bất chấp tất cả, cứ thế mà xông tới. Lẽ nào đây lại là mẹ tôi? Hay là quỉ sứ giả dạng làm mẹ để lôi tôi xuống địa ngục? Tôi thử giằng tay ra, nhưng kết quả là tay tôi bị nắm chặt hơn.

Con đường đáng sợ rồi cũng sáng sủa ra. Hai bên đường vẫn là những cánh đồng cao lương nối tiếp, một khoảng đất hoang hiện ra ở phía bắc. Mặt trời lặn hẳn, dế kêu rỉ rả như một dàn đại hợp xướng. Một chiếc lò gạch bỏ hoang chờ đón chúng tôi với tường lò đỏ như tiết gà. Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa đang đánh du kích với bốn thằng ác ôn sau mấy đống gạch vụn mà mỗi bên đều lấy làm bình phong rồi ném nhau bằng gạch vỡ. Rõ ràng là Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa lâm vào thế yếu. Lực lượng đã mỏng, lại yếu tay, so với bốn thằng lực lưỡng, ném cấp tập như mưa, hai đứa khó mà chống nổi. Mẹ quát to:

- Dừng lại, bọn súc sinh quen thói hiếp đáp kia!

Bốn thằng đang say máu, không thèm đếm xỉa những lời cảnh cáo của mẹ. Chúng vừa tiếp tục ném, vừa triển khai thành hai gọng kìm bao vây Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa. Tư Mã Lương kéo Sa Tảo Hoa chạy về phía lò gạch. Một cú gạch ném trúng đầu Sa Tảo Hoa. Nó ối lên một tiếng, nẩy đom đóm mắt nhưng tay vẫn giữ chặt con dao. Tư Mã Lương hai tay hai viên gạch vỡ, nhảy qua gờ tường ra phía ngoài, nhằm bọn kia mà ném. Mẹ giấu tôi trong vạt cao lương, rồi hai cánh tay vung vẩy như múa ương ca, mẹ xông lên! Giày của mẹ đã mắc kẹt trong bùn, hai bàn chân bé tí nhún nhảy trên mặt đất một cách đáng thương, gót chân hằn trên mặt đất những vết lõm tròn tròn, nông choẹt.

Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa đã hiện ra ở bức tường đổ, chúng dắt tay nhau chạy về phía lò gạch. Mặt trăng đỏ như máu đã nhô lên, bóng hai đứa đổ dài trên mặt đất. Bóng của bốn thằng ác ôn càng dài hơn. Chúng chạy nhanh như gắn lò xo vào chân, bứt khỏi mẹ một quãng khá xa. Tư Mã Lương vì vướng Sa Tảo Hoa nên không thể chạy nhanh, đến bãi đất trống trước lò gạch thì bị Ngụy Sừng Dê ném trúng một gạch, ngã lăn ra. Sa Tảo Hoa giơ dao nhằm Ngụy Sừng Dê đâm tới. Ngụy Sừng Dê tránh được, Vu Vân Vũ đá Sa Tảo Hoa ngã lăn ra.

Mẹ quát to:

- Dừng lại!

Bốn thằng ác ôn khuỳnh tay như bốn con kền kền đi trên mặt đất, tám chân cùng đá Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa. Sa Tảo Hoa gào khóc, Tư Mã Lương cắn răng không kêu một tiếng. Cả hai đứa lăn lộn trên mặt đất. Dưới ánh trăng, bốn thằng ác ôn trông như bốn con ác quỉ đang nhảy múa.

Mẹ vấp ngã nhưng chồm dậy ngay, hai tay túm chặt vai Ngụy Sừng Dê. Thằng này đánh mẹ một cú rất hiểm: thúc cả hai cùi tay ra phía sau trúng hai vú của mẹ. Mẹ rú lên một tiếng, loạng choạng giật lùi rồi ngã ngồi dưới đất. Tôi ngã sấp, mặt dính đầy đất, cảm thấy máu rỉ ra từ khóe mắt của tôi.

Chúng tiếp tục đá Tư Mã Lương, mức độ điên cuồng vượt xa một cuộc đánh lộn. Giữa cái chết và cái sống của Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa chỉ còn trong khoảnh khắc. Chính khi đó, một người to như hộ pháp, tóc rối bù, mặt đầy bụi than, đen nhẻm từ đầu đến chân, từ trong chiếc lò gạch đổ nát chui ra. Vụng về như một con gấu, người ấy giơ nắm dấm hộ pháp lên, và chỉ một dấm đã gãy xương quai xanh thằng Vu Vân Vũ. Thế là người anh hùng ngã ngồi xuống đất, rú lên như con lợn bị chọc tiết. Ba thằng kia vội dùng lại, Ngụy Sùng Dê kinh hoàng kêu:

- Tư Mã Khố!

Nó định bỏ chạy thì một tiếng gầm như sấm khiến nó chững lại. Tư Mã Khố giơ nắm đấm thép lên, cú thứ nhất đấm lòi con ngươi Đinh Kim Câu, cú thứ hai: Quách Thu Sinh nôn ra mật xanh mật vàng. Quả đấm thứ ba chưa giơ lên, thằng Ngụy Sừng Dê quì sụp xuống vái như bổ củi:

- Xin ông tha cho con, con bị chúng nó ép buộc, không theo thì chúng nó đánh chết. Chúng đã đánh con chảy cả máu răng, xin ông tha cho con!

Tư Mã Khố do dự một thoáng rồi đá cho Ngụy Sừng Dê một đá. Ngụy Sùng Dê theo đà lăn đi một quãng rồi lủi nhanh như thỏ. Rất nhanh, trên con đường về thôn vang lên tiếng kêu như chó sủa của nó:

- Bắt lấy Tư Mã Khố!... Thằng đầu sỏ Hoàn Hương Đoàn Tư Mã Khố đã về!

- Bắt lấy Tư Mã Khố!

Ttr Mã Khố kéo Tư Mã Lương và Sa Tảo Hoa dậy, rồi đỡ mẹ dậy. Mẹ ấp úng hỏi:

- Anh là người hay là ma?

- Thưa nhạc mẫu... - Tư Mã Khố giọng nghẹn lại, nhưng không khóc.

Tư Mã Lương kêu to: - Bố ơi, có phải bố đấy không?

Tư Mã Khố nói:

- Con trai của ta, con giỏi lắm! - Thưa mẹ, ở nhà còn những ai? - Tư Mã Khố hỏi mẹ.

- Anh đừng hỏi thêm gì nữa? - mẹ sốt ruột giục - Chạy đi!

Tiếng thanh la dồn dập từ phía thôn vọng đến.

Tư Mã Khố túm ngực Vu Vân Vũ, dằn từng tiếng:

- Thằng súc sinh, nói lại với bọn đốn mạt rằng, thằng nào dám **ng vào người nhà Tư Mã Khố thì ta sẽ làm cỏ cả nhà nó! Mày nhớ lời ta dặn chưa?

- Cháu nhớ, cháu nhớ rồi! - Vu Vân Vũ vâng dạ luôn miệng.

Tư Mã Khố vừa buông tay, Vu Vân Vũ đã sóng soài trên mặt đất.

Trời ơi, chạy mau đi... - Mẹ vỗ tay bồm bộp xuống đất, cuống quít giục.

Tư Mã Lương vừa khóc vừa bảo Tư Mã Khố:

- Bố ơi, cho con theo bố?

Tư Mã Khố nói: - Con yêu, con phải ở lại với bà ngoại!

Tư Mã Lương nói: - Bố, con xin bố, bố đem con đi theo!

Mẹ nói:

- Lương con, đừng quẩn chân bố con, để cho bố đi.

Tư Mã Khố quì sụp trước mặt mẹ lạy một lạy, giọng thê thảm:

- Mẹ, xin gửi cháu cho mẹ. Tư Mã Khố con chịu ơn mẹ, kiếp này không trả được thì xin để kiếp sau.

Mẹ vừa khóc vừa nói:

- Tôi không bảo vệ được con Phượng, con Hoàng, xin anh đừng oán tôi!

Tư Mã Khố nói:

- Con không oán mẹ, con đã báo thù cho chúng nó rồi!

Mẹ bảo:

- Đi đi, đi cho thật xa, oán thù càng báo càng sâu!

Tư Mã Khố đứng dậy, chui vào trong lò gạch. Khi trở ra, trên mình khoác áo tơi, trước bụng đeo khẩu trung liên, dây đạn vàng chóe quấn quanh bụng. Thoắt một cái anh đã khuất sau những dãy cây cao lương. Tiếng rẽ lá sột soạt Mẹ gọi với theo:

- Anh nghe lời tôi, cao chạy xa bay, không nên giết bừa bãi!

Cánh đồng im ắng. ánh trăng như nước từ trên cao tràn xuống. Rồi tiếng người ồn ào từ phía thôn ngày càng rõ.

Do Ngụy Sừng Dê dẫn đường, các dân quân thôn và công an khu xách đèn ***g, cầm đuốc, vác súng vác đao hè nhau chạy tới chỗ lò gạch bỏ hoang, hùng hổ dàn quân bao vây. Viên công an có một chân giả bằng nhựa, nấp sau một đống gạch vụn, nói qua loa sắt tây:

- Tư Mã Khố, đầu hàng đi! Chạy không thoát đâu? Loa gọi hồi lâu, bên trong lò gạch vẫn im ắng. Viên công an rút khẩu pạc-hoọc bắn liền hai phát vào trong vòm lò, tiếng đội trở lại chói tai.

- Đem lựu đạn lại đây - Công an Dương gọi với ra phía sau.

Một dân quân bụng sát đất trơn tới như con giun, móc thắt lưng lấy hai quả lựu đạn đưa cho viên công an. Anh ta móc dây giật nụ xòe ***g vào ngón tay rồi nghiêng người ném quả lựu đạn vào trong lò. Ném xong, anh ta nằm bẹp xuống chờ đợi tiếng nổ. Quả lựu đạn nổ trong lò. Anh ta ném tiếp quả thứ hai, cũng nổ. Dư âm của tiếng nổ đã hết, trong lò càng im ắng. Viên công an gọi loa:

- Tư Mã Khố, đầu hàng thì không giết! Chúng tôi có chính sách khoan hồng đối với tù binh! Trả lời, chỉ có tiếng dế kêu đứt quãng và dàn hợp xướng của ếch nhái ngoài đồng.

Viên công an mạnh dạn hẳn lên, tay đèn pin, tay pạc-hoọc, gọi phía sau:

- Theo tôi? Hai dân quân bạo gan, một người cầm súng trường, một người cầm cây đao dài có ngù đỏ, lom khom chạy theo sau viên công an. Viên công an cứ mỗi bước đi, cái chân giả lại kêu cục một tiếng, đồng thời thân hình anh ta lại vẹo đi một cái. Họ cứ vậy mà chui vào trong lò, bình yên vô sự. Lát sau, họ chui ra.

- Ngụy Sùng Dê! - Viên công an gầm lên - Nó đâu?

Ngụy Sừng Dê nói: - Cháu xin thề có trời đất, Tư Mã Khố đúng là từ trong lò này chui ra. Không tin, các chú hỏi họ mà xem!

- Có đúng là Tư Mã Khố hay không? - Công an Dương hỏi gặng Vu Vân Vũ, Quách Thu Sinh, Đinh Kim Câu đã ngất xỉu dưới đất bằng một giọng ngao ngán: - Hay là chúng mày nhìn lầm?

Vu Vân Vũ nơm nớp nhìn ra cánh đồng cao lương:

- Hình như...

- Chỉ một mình hắn hả? - Viên công an gặng hỏi.

- Chỉ mỗi mình hắn!

- Có đem theo vũ khí gì không?

- Hình như ôm một khẩu trung liên, người quấn đầy dạn...

Vu Vân Vũ chưa nói hết câu, công an Dương và tất cả dân quân đều nằm rạp xuống như cỏ bị phạt gốc.
6.



Triển lãm giáo dục giai cấp được tổ chức trong nhà thờ. Từng đoàn dài học sinh vừa bước tới cổng thì như tuân theo một mệnh lệnh, tất cả cất tiếng khóc. Trường tiểu học Đại Lan đã mở rộng thành trường tiểu học trung tâm vùng Cao Mật, do vậy tiếng khóc của mấy trăm học sinh chấn động cả một đường phố. Hiệu trưởng mới, một phụ nữ trung niên có khuôn mặt khắc khổ, một nốt ruồi mọc lông ở cằm, đứng trên bậc tam cấp của nhà thờ, lớn tiếng khuyên các học sinh bằng một giọng không phải vùng Cao Mật:

- Các em, các em thân mến, các em hãy cố nén?

Bà ta rút khăn mùi soa màu nâu chấm nước mắt và hỉ mũi thật to.

Hàng ngũ học sinh đã ngừng khóc, nối đuôi nhau đi vào nhà thờ, đứng chen chúc trong một hình vuông vẽ bằng phấn, để chừa một hành lang dọc theo bức tường. Trên tường treo rất nhiều tranh bằng bột màu, dưới mỗi bức đều có những câu chú thích.

Bốn cô thuyết minh đứng ở bốn góc tường, trong tay đều cầm thước kẻ bảng.
Cô thuyết minh thứ nhất là cô Quỳnh Chi, cô giáo dạy âm nhạc của chúng tôi. Cô bị kỷ luật vì đánh học sinh. Mặt cô hơi tái, ánh mắt tối sầm trong cặp mắt vốn rất đẹp. Trưởng khu mới vai đeo súng, đứng trên bục giảng của mục sư Malôa. Cô Quỳnh Chi dùng thước chỉ vào từng bức tranh, đọc to những hàng chữ chú thích ở dưới bằng giọng tiêu chuẩn. Hơn mười bức tranh dầu, giới thiệu địa lý tự nhiên, lịch sử và tình hình xã hội trước giải phóng của vùng Cao Mật. Sau đó là một tranh vẽ một lũ rắn độc thè lưỡi đỏ chót, trên đầu mỗi con đều chú một tên người, trong đó con rắn đeo kính đầu to quá cỡ ghi chú tên bố đẻ Tư Mã Đình và Tư Mã Khố. Dưới sự bóc lột tàn khốc của những con rắn độc, cô Quỳnh Chi đọc một cách trơn tru và vô cảm nhân dân Cao Mật sống trong cảnh nước sôi lửa bỏng, cuộc đời như trâu ngựa. Cô chỉ một bức tranh vẽ một bà già mặt như mặt lạc đà, tay khoác chiếc làn rách, lê cây gậy đánh chó, bám vạt áo bà già là một bé gái gầy như một con khỉ, góc bên trái bức tranh vẽ những nét phẩy màu đen và những lá cây khô quắt, biểu thị gió rét căm căm. Rất nhiều gia đình tha phương cầu thực, sống kiếp ăn mày, bị chó nhà địa chủ cắn, máu me đầm đìa Cô Quỳnh Chi vừa nói vừa giơ thước chỉ một tranh khác: Hai cánh cổng đen sì hé mở, phía trên cổng là tấm biển khắc ba chữ vàng Phục Sinh Đường. Từ chỗ khe cửa, ló ra cái đầu đội mũ quả dưa chỏm đỏ, tất nhiên đó là tên địa chủ tác oai tác phúc trong vùng. Điều kỳ lạ là tên địa chủ được vẽ với khuôn mặt trắng như mâm bột, mắt sáng như sao, không đáng ghét mà còn đáng yêu. Một con chó vàng to bự đang cắn xé một em trai. Lúc này, một nữ sinh bắt đấu sụt sịt khóc, bạn ấy người thôn Sa Khẩu, là một cô gái mười bảy mười tám, năm nay mới học lớp hai. Các học sinh tò mò nhìn cô ta, cố hiểu vì sao cô khóc. Một người trong đám học sinh vung tay hô khẩu hiệu làm đứt đoạn lời thuyết minh của cô Quỳnh Chi. Cô chống thước, kiên nhẫn chờ đợi. Cái người hô khẩu hiệu kia cất giọng ồm ồm gào khóc, nhưng mắt thì ráo hoảnh, lòng trắng đầy những tia máu. Tôi liếc nhìn các bạn học đứng bên cạnh, họ đều khóc rất to, khóc như thủy triều, đợt sau tiếp theo đợt trước. Ông hiệu trưởng đứng ở một chỗ nổi bật, che toàn bộ khuôn mặt bằng chiếc khăn tay màu nâu, tay trái nắm lại đấm thình thịch vào ngực. Thằng Trương Trung Quang đứng bên cạnh tôi, mặt bôi đầy nước dãi, hai tay luân phiên đấm vào ngực, không hiểu nó căm thù hay đau xót? Gia đình nó được qui là cố nông, nhưng ở chợ Đại Lan trước ngày giải phóng tôi thường gặp con trai của vị cố nông này đi theo cha nó kiếm ăn bằng nghề cờ bạc, hai tay bê một gói thịt lợn quay gói bằng lá sen tươi, mỗi bước lại ngoạm một miếng, mỡ lợn dính đầy hai bên mép và cả trên trán nó. Khi ngoạm miếng thịt, miệng nó há rất to, dãi dớt chảy xuống tận cằm. Bên phải tôi là một đứa con gái phốp pháp, hai bàn tay đều có ngón thừa mọc ở phía ngoài ngón tay cái. Hình như tên nó là Đỗ Tranh Tranh, nhưng chúng tôi đều gọi nó là Đỗ Lục Lục. Nó hai tay ôm mặt, tiếng khóc cục cục như chim câu mới ra ràng, hai ngón tay thừa ve vẩy như đuôi lợn con, hai ánh mắt thâm hiểm lọt qua kẽ tay. Thật tình, tôi trông thấy rất nhiều bạn học khóc thật sự. Mọi người rất quí những giọt nước mắt, không ai nỡ lau đi. Tôi quả thực rặn không ra một giọt nước mắt và không thể hiểu chỉ mấy bức tranh nguệch ngoạc khiến các bạn học đau xót đến thế? Để không bị lộ, vì tôi thấy đã mấy lần Đỗ Lục Lục đưa mắt về phía tôi, vẻ dò xét. Nó thù tôi đến tận xương tủy, tôi biết thế. Nó với tôi ngồi cùng một ghế trong lớp học ban đêm, nó đã từng đưa bàn tay sáu ngón của nó sờ đùi tôi, trong khi miệng nó vẫn đọc theo sự chỉ dẫn của cô giáo. Khi đó, tôi hốt hoảng đứng lên, bị cô giáo phê bình vì làm mất trật tự trong giờ học. Tôi nói rõ sự việc, tất nhiên đó là một cử chỉ hèn hạ, vì đã là thằng đàn ông thì không nên từ chối những cái ve vuốt của phụ nữ, mà dù có từ chối thì cũng không nên tố cáo trước đám dông. Đây là điều mà mấy chục năm sau tôi mới nhận thức được, thậm chí tôi còn cảm thấy hối hận, sao mình lại không..

Nhưng khi đó, hai ngón tay thừa trông giống hai con tằm béo múp míp khiến tôi sợ quá, mất hết hứng thú. Những lời tố cáo của tôi khiến nó chỉ thiếu nước độn thổ, may mà đang giờ ôn tập buổi tối, ánh đèn mờ mờ, khoảng sáng trước mặt mọi người chỉ bằng quả dưa hấu. Nó gục đầu xuống ngực, phía sau nổi lên tiếng cười dâm đãng của bọn con trai. Nó biện bạch:

- Tôi không cố ý, tôi tìm cái tẩy để mượn!...

Tồi tệ hết chỗ nói, tôi bảo:

- Không, bạn ấy cố ý véo đùi tôi?

- Kim Đồng, thôi không nói nữa? - Cô Quỳnh Chi dạy nhạc kiêm dạy ngữ văn nghiêm giọng nẹt tôi.

Từ đó, tôi trở thành kẻ thù của Đỗ Tranh Tranh. Một bận, tôi thấy một con thạch sùng chết trong cặp, tôi nghi là Đỗ Tranh Tranh nhét vào. Hôm nay, trong khung cảnh trang nghiêm này mà trên mặt tôi không có nước mắt hoặc nước bọt sùi ra mép thì vấn đề trở nên nghiêm trọng vô cùng. Nếu như Đỗ Tranh Tranh có ý định trả thù... hậu quả sẽ không thể lường được. Tôi giơ hai tay ôm mặt, há miệng giả vờ khóc nhưng cũng không làm sao mà khóc được.

Cô Kỷ Quỳnh Chi bỗng cao giọng át cả những tiếng khóc, giai cấp địa chủ phản động sống phè phỡn. Một Tư Mã Khố đã lấy bốn vợ! - cây thước trong tay cô gõ bồm bộp trên bức tranh vẽ. Tư Mã Khố đầu sói mình gấu, hai cánh tay dài ngoằng đầy lông lá đen sì ôm lấy bốn con yêu tinh: hai con bên trái đầu người mình rắn; hai con bên phải đều mọc đuôi vàng như đuôi sóc, phía sau lúc nhúc một đám tiểu yêu, rõ ràng là lớp con cháu của Tư Mã Khố. Thằng Tư Mã Lương, người anh hùng mà tôi tôn thờ, chắc cũng trong số này, vậy tiểu yêu nào là Tư Mã Lương? Phải chăng là con miêu tinh có hai tai mèo hình tam giác ở trước trán? Phải chăng là con tinh chuột mặc áo đỏ, giơ hai vuốt trước bé xíu? Tôi cảm thấy ánh mắt thâm hiểm của Đỗ Tranh Tranh lại liếc về phía tôi Vợ thứ tư của Tư Mã Khố - cái thước của cô Quỳnh Chi chỉ vào người đàn bà có đuôi hồ ly - người ấy chính là chị Hai Chiêu Đệ của tôi - cất giọng rất cao nhưng không một chút biểu cảm, nói- Nó ăn chán sơn hào hải vị, cuối cùng chỉ thích ăn da của chân gà trống choai. Vì sở thích này mà gà trống bị giết chất đống trong nhà Tư Mã Khố.

Bịa đặt? Chị Hai tôi ăn da gà hồi nào? Chị Hai không biết ăn thịt gà, càng không có chuyện gà chết chất đống trong nhà Tư Mã Khố! Tôi đang nhớ lại cảnh mình bị đánh đập tàn nhẫn, định mượn chuyện đó để rặn ra một ít nước mắt. Nghĩ đến chuyện mẹ bị thằng Ngụy Sừng Dê thúc khuỷu tay ngã ngửa, sống mũi tôi cay cay và nước mắt tự nhiên ứa ra. Họ nhục mạ chị Hai khiến tôi căm phẫn và thấy oan uổng quá, cũng làm tôi chảy nước mắt. Vậy là nước mắt của tôi hàm nghĩa rất phúc tạp, tôi chùi ngay không thương tiếc, nhưng nó vẫn tiếp tục ứa ra.

Phần thuyết minh của cô Quỳnh Chi đã xong, cô lui sang bên mà thở, vẻ mệt mỏi. Tiếp theo là cô giáo Sái mới từ tỉnh điều về. Cô có khuôn mặt nhẹ nhõm, giọng trong vắt, chưa nói câu nào đã nước mắt ràn rụa. Phần này có tiêu đề nảy lửa: Tội ác tày trời của bọn Hoàn Hương Đoàn. Như lúc dạy học sinh tập đọc, cô dùng thước chỉ lần lượt từng chữ trên tiêu đề. Bức tranh thứ nhất: Góc trên bên phải là một đám mây đen lấp ló vầng trăng lưỡi liềm, góc trên bên trái là những lá khô kéo theo những phẩy đen, nhưng đây là chỉ gió thu chứ không phải gió đông. Và dưới trời mây và vầng trăng ấy gió thu hiu hắt ấy, Tư Mã Khố - ở đây là con sói khổng lồ đi đứng như người - ngoác miệng nhe hàm răng lởm chởm, thè lưỡi đỏ lòm máu nhỏ giọt, mặc quân phục, dây đạn đeo chéo, từ ống tay áo rộng thùng thình thò ra lưỡi dao bầu sút mẻ vì đâm chém nhiều. Đó là tay trái. Tay phải cầm khẩu pạc-hoọc, mũi súng tóe lửa chứng tỏ đang bắn. Tư Mã Khố không mặc quần, vạt áo dài trùm mông chỉ để lộ một cái đuôi sói to tướng dài quết đất. Hai chân được vẽ rất thô không cân xứng với phần trên, không giống chân sói mà to như chân trâu, có điều, không phải móng guốc mà là nanh vuốt của loài sói. Sau lưng là một bầy thú vật hung hãn, kinh tởm, một con rắn đeo kính cổ cất cao, lưỡi đỏ chót. - Đây là Thương Hi Lộ, tên phú nông phản động ở thôn Sa Lương - Cô Sái dùng thước chỉ vào đầu con rắn đeo kính nói: - còn đây là... - cô chỉ vào con chó hoang - tên địa chủ ác bá Đỗ Kim Nguyên ở thôn Sa Khẩu. Tất nhiên Đỗ Kim Nguyên cũng kéo lê cây gậy dính đầy máu. Bên cạnh hắn là tên đầu gấu Hồ Nhật Khuê ở thôn Vương Gia Khưu. Tên này cơ bản vẫn là hình người, chỉ có khuôn mặt dài ngoằng như mặt lừa. Tên phú nông phản động Mã Thanh Vân ở đồn Hai Huyện thì vụng về như một con gấu. Tóm lại, cả một bầy thú dữ, tay cầm vũ khí, hùng hổ kéo vào Cao Mật. Bọn Hoàn Hương Đoàn đã tiến hành một cuộc trả thù đẫm máu, chỉ trong mười ngày, bằng những thủ đoạn không thể tưởng tượng nổi, chúng đã giết chết một ngàn ba trăm tám mười tám người - Cô Sái vừa nói vừa chỉ vào bức tranh, nơi có một đám lổn nhổn chứng tỏ người bị giết.

Các học sinh lại bùng lên một trận gào khóc. Tiếp theo là những bức tranh có cả hình vẽ lẫn ghi chú, trình bày như một cuốn từ điển về hình phạt tàn khốc. Mấy bức đầu là những phương pháp truyền thống như chặt đầu, xử bắn. Những bức sau là những hình thúc mới. - Đây là chôn sống - cô Sái chỉ vào một bức nói. Qua cách gọi cũng hiểu, chôn sống là đem chôn người đang sống. Một cái hố rất to, mấy chục người mặt vàng như nghệ đứng dưới hố, trên miệng hố lại là Tư Mã Khố đang chỉ huy bọn Hoàn Hương Đoàn lấp đất.
- Theo lời tố cáo của bà Quách... - cô Sái đọc dòng chữ chú thích bên dưới - bọn phỉ Hoàn Hương Đoàn khi chôn người đã mệt, chúng bắt những nạn nhân tự đào huyệt để chôn lẫn nhau. Đất lấp đến ngực là không thở được nữa, ngực như vỡ tung, máu dồn lên đầu. Lúc này, bọn Hoàn Hương Đoàn nhằm vào những cái đầu mà nổ súng, máu trộn lẫn với óc vọt cao hàng thước.

Trên bức tranh, một cái đầu nhô trên mặt đất máu vọt cao tận mép trên của tranh rồi tỏa ra như những hạt anh đào, rơi xuống. Cô Sái mặt nhọt nhạt, hình như cô bị chóng mặt, tiếng khóc của học sinh rung chuyển cả mái nhà, nhưng cho đến khi đó, mắt tôi vẫn ráo hoảnh.

- Theo thời gian ghi chú trên tranh, khi Tư Mã Khố dẫn bọn Hoàn Hương Đoàn trở lại vùng Cao Mật tiến hành cuộc đại tàn sát, thì gia đình tôi cùng với các cán bộ cách mạng và những phần tử tích cục rút lên miền duyên hải đông bắc. Tư Mã Khố mà tàn bạo đến như vậy sao?...

Cô Sái quả thực đã ngất xỉu, đầu cô tựa vào cái hố chôn người trong tranh, nơi vẽ một Hoàn Hương Đoàn đang cầm xẻng lấp đất trông như định lấp đầu cô. Mặt cô đẫm mồ hôi, cô từ từ trượt theo tường, đầu miết trên bức tranh khiến nó bật cả đanh ghim rơi phủ lên đầu cô, vôi vữa trên tường rơi xuống từng mảng.

Trước sự kiện đột ngột này, các học sinh nín bặt. Vài cán bộ khu chạy tới khênh cô Sái đi. Ông trưởng khu, một trung niên có cái bớt chiếm nửa mặt, thân hình cân đối tay giữ khẩu pạc-hoọc kè kè bên hông, giọng nghiêm nghị:

- Các em học sinh, các đồng chí, sau đây chúng tôi mời bà Quách kể lại những gì bà đã trải qua. Đi mời bà Quách? - Ông ta bảo mấy cán bộ trẻ của khu.

Cán bộ khu chạy như bay qua chiếc cửa nhỏ thông sang phòng ở của mục sư Malôa.

Một sự im lặng khác thường, im lặng đến khó chịu. Mọi người dán mắt vào cánh cửa sơn đỏ đã phai màu, như đang đợi một diễn viên nổi tiếng ra sân khấu. Im lặng, im lặng, rồi đột nhiên sự im lặng bị phá vỡ, một giọng khóc dài lê thê từ trong vườn vọng ra, các học sinh gào khóc theo. Hai cán bộ dùng mông đẩy cánh cửa dìu bà lão đi vào. Bà Quách tóc đã hoa râm, bịt miệng bằng chiếc khăn rách, mặt ngửa lên, khóc như không còn thiết sống. Mọi người khóc theo đến năm phút. Bà Quách bỏ khăn bịt miệng ra lau mặt, kéo lại vạt áo cho ngay ngắn, nói:

- Các cháu đừng khóc nữa, người đã chết thì khóc cũng không sống lại được, người sống thì phải tiếp tục sống!

Các học sinh ngưng khóc nhìn bà. Bà cảm thấy hơi bị gò bó, tâm trí hoảng loạn, nói:

- Nói gì bây giờ? Chuyện đã qua, không nói là hơn.

Bà định bỏ đi, nhưng chủ nhiệm phụ nữ thôn Sa Lương là Cao Hồng Anh ngăn lại:

- Bác ơi, bác đã đồng ý rồi cơ mà! Sao bây giờ lại giở chứng?

Rõ ràng là Cao Hồng Anh không bằng lòng. Trưởng khu đấu dịu, nói:

- Bác kể bọn Hoàn Hương Đoàn chôn sống người như thế nào để giáo dục các cháu đừng quên quá khứ. Quên quá khứ đồng nghĩa với phản bội, đồng chí Lênin đã nói vậy. Đồng chí Lênin cho tôi nói thì tôi nói vậy.

- Đêm ấy là một đêm trăng tròn, có thể ngồi thêu dưới ánh trăng. Trăng sáng đến như vậy quả ít thấy. Hồi còn nhỏ nghe người già nói có một năm loạn lạc trăng cũng sáng như hôm nay. Tôi không sao ngủ ngon giấc, cảm thấy sắp có chuyện xảy ra. Tôi định đến nhà bà Phúc Thắng ở ngõ tây để mượn cái mẫu giày, nhân tiện bàn với bà ta về chuyện lấy vợ cho con trai. Tôi có một đứa cháu gái đã đến tuổi lấy chồng. Tôi vừa ra khỏi cửa thì trông thấy thằng Sư tử tay cầm đại đao sáng quắc áp giải vợ Tiến Tài, mẹ Tiến Tài và hai đứa con của Tiến Tài, đứa lớn là con trai, khoảng bảy tám tuổi, đứa nhỏ là con gái, chỉ nhỉnh hơn hai tuổi. Đứa lớn đi cùng bà, sợ quá khóc ti tỉ, đứa nhỏ thì vợ Tiến Tài bế trên tay, cũng sợ quá khóc ti tỉ. Tiến Tài lệch hẳn một bên vai do bị chém một nhát dao, máu mẹ đầm đìa, nhìn mà phát khiếp. Đi sau thằng Sư tử còn có ba người đàn ông cao lớn trông có vẻ quen quen, đều cầm dao trong tay, mặt hầm hầm. Tôi định lánh mặt nhưng đã muộn, thằng con hoang Sư tử đã trông thấy tôi. Tôi với mẹ hắn là chị em họ. Nó hỏi:

- Có phải dì Quách đấy không?

Tôi hỏi: - Sư tử, anh về khi nào thế?

Nó nói:

- Đêm qua.

Tôi hỏi:

- Anh đang làm gì vậy?

Nó nói:

- Không làm gì cả, thu xếp chỗ ngủ cho gia đình này!

Tất nhiên tôi hiểu nói như vậy là có nghĩa xấu, bèn nói:

- Sư tử, đều là hàng xóm láng giềng, thù oán gì mà phải đến nỗi như thế?

Nó nói:

- Không thù oán gì, bố tôi với nó không thù không oán, bố tôi với bố nó còn là anh em kết nghĩa. Vậy mà nó vẫn treo cổ bố tôi lên cành cây, tiêu tiền âm phủ.

Mẹ Tiến Tài nói:

- Cháu ơi, người anh em của cháu nhất thời mê muội, xin cháu nể mặt già này mà tha cho nó, già này lạy cháu đấy!

Tiến Tài nói:

- Mẹ, không việc gì phải lạy, không cần xin xỏ nó?

Sư tử nói:

- Được, Tiến Tài, mày dáng mặt thằng đàn ông, không hổ là Đội trưởng dân quân!

Tiến Tài nói:

- Mày không còn nhảy múa được mấy bữa nữa đâu!

Sư tử nói:

- Mày nói đúng, tao cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng nữa là cùng, nhưng đối phó với gia đình mày, tao chỉ cần đêm nay là đủ!

Tôi mượn thế người già, bảo Tiến Tài:

- Sư tử à, anh tha cho gia đình Tiến Tài nếu không, già không coi anh là cháu nữa đâu?

Sư tử vằn mắt lên:

- Mẹ kiếp, ai là cháu của mụ? Đừng có nhận vơ! Năm xưa ta lỡ dẫm chết con gà nhép của mụ, vậy mà mụ vụt gậy vào đầu ta.

Tôi nói: - Sư tử, anh không phải giống người!

Hắn quay lại nói với ba thằng kia:

- Anh em, hôm nay giết bao nhiêu rồi nhỉ?

Một thằng nói:

- Tính cả gia đình nhà này là chín mươi chín người!

- Này bà dì bắn moóc-chê không tới kia, phiền bà bổ sung vào cho đủ một trăm?

Tôi run lên cầm cập, thằng con hoang này định giết tôi. Tôi bỏ chạy nhưng chạy đâu cho thoát chúng nó. Thằng Sư tử không thân không sơ với ai hết. Nó nghi vợ nó tằng tịu với người khác, bèn đánh bẫy lựu đạn ở bếp. Sáng hôm sau mẹ nó dậy sóm xúc tro bếp, lựu đạn nổ, chết liền. Tôi quên bẵng chuyện này nên mới lắm điều, vậy là thiệt vào thân! Chúng nó dẫn cả nhà Tiến Tài và tôi đến bãi cát. Một thằng trong bọn đang đào hố chôn người. Cát dễ đào, chẳng mấy chốc đã xong. ánh trăng vằng vặc nhìn rõ mọi vật, những cọng cỏ, những bông hoa tí xíu, những con kiến, trông thấy tất. Thằng Sư tử đến bên miệng hố xem xét rồi bảo:

- Anh em, đào sâu chút nữa, Tiến Tài nó cao đấy! Tên kia lại đào thêm, cát ẩm được tiếp tục hất lên.

Sư tử hỏi:

- Tiến Tài, mi có nói gì không?

Tiến Tài nói:

- Sư tử, tao không xin xỏ mày, tao đã giết bố mày. Tao không giết thì người khác cũng giết!

Sư tử nói:

- Bố tao ăn nhịn để dành được ít tiền buôn tôm cá cũng như bố mày, dành dụm tậu được mấy mẫu ruộng. Bố mày không gặp may, bị kẻ cắp lấy sạch, không còn đồng nào. Tao hỏi mày, vậy bố tao có tội gì?

Tiến Tài nói:

- Tậu ruộng, tậu ruộng là có tội.

Sư tử nói:

- Mày nói thực lòng tao xem nào, ai không muốn có ruộng?

Tiến Tài nói:

- Mày đừng hỏi tao làm gì, có hỏi tao cũng không trả lời được Huyệt đào xong chưa?

Tên đào huyệt nói:

- Xong rồi!

Tiến Tài không nói gì, nhảy xuống, hố sâu đến cổ. Tiến Tài nói:

- Sư tử, tao phải hô khẩu hiệu!

Sư tử nói:

- Mày cứ hô. Tao với mày là bạn từ thời mặc quần thủng đít nên mày được ưu đãi đặc biệt, mày muốn hô gì thì hô.

Tiến Tài nghĩ một thoáng rồi giơ cánh tay không bị thương lên, hô to: Đảng Cộng sản muôn năm! Đảng Cộng sản muôn năm, đảng Cộng sản muôn muôn năm!. Hô ba lần rồi thôi. Sư tử hỏi:

- Không hô nữa à?

Tiến Tài nói:

- Không hô nữa!

Sư tử nói:

- Hô nữa đi, giọng mày khỏe đấy?

Tiến Tài nói:

- Không hô nữa, chỉ hô ba lần là đủ rồi?

Sư tử nói:

- Vậy thì thôi! Nào bác - nó đẩy mẹ Tiến Tài một cái - xuống đi!

Mẹ Tiến Tài quì sụp xuống lạy Sư tử. Sư tử giằng lấy chiếc xẻng trong tay tên đào huyệt, và chỉ một nhát, hất bà già xuống hố. Những tên kia cũng đẩy vợ con Tiến Tài xuống. Bọn trẻ khóc inh ỏi, vợ Tiến Tài cũng khóc. Tiến Tài nổi giận nói: Đừng khóc, ngậm miệng lại, đừng để xấu mặt tôi? Vợ con anh ta ngừng khóc.

Một tên chỉ vào tôi, hỏi Sư tử:

- Tiểu đội trưởng, mụ này tính sao? Có chung một hố không?

Không đợi Sư tử trả lời, Tiến Tài đã quát to dưới hố:

- Sư tử, đã nói là cả nhà ta một hố, mày đừng cho ai xuống nữa.

Sư tử nói:

- Tiến Tài, mày yên tâm, tao hiểu ý của mày. Cho mụ già... - Sư tử bảo tên kia - nói anh em, chịu khó đào hố khác cho mụ!

Bốn tên chia làm hai tốp, tốp đào huyệt cho tôi, tốp lấp huyệt gia đình Tiến Tài.

Con gái Tiến Tài khóc:

- Mẹ ơi, cát đầy mắt con...

Vợ Tiến Tài kéo vạt áo chụp lên đầu con gái. Nó giãy giụa định trèo lên lại bị chúng dùng xẻng hất xuống. Đứa con trai thì khóc ầm lên. Mẹ Tiến Tài ngồi thụp xuống nên bị lấp rất nhanh. Bà hổn hển chửi: - Cộng sản ơi là cộng sản, mẹ con tôi là chết trong tay các ông!

Sư tử nói:

- Sắp chết mới sáng mắt ra! Tiến Tài! Chỉ cần mày hô Đả đảo đảng Cộng sản là tao để lại cho nhà mày một người làm giống, sau này còn có người hương khói trước mồ.

Mẹ và vợ Tiến Tài vội giục:

- Hô đi, Tiến Tài, hô mau lên!

Tiến Tài mặt đầy cát, giương cặp mắt tròn xoe đáng mặt một trang hảo hán, nói: - Không, tao không hô, tao vừa hô Đảng Cộng sản muôn năm, bây giờ lại hô Đả đảo Đảng Cộng sản sao được?

- Được lắm, khí phách đấy. - Sư tử tỏ vẻ thán phục rồi giằng lấy chiếc xẻng từ tay đồng bọn, xúc lia lịa.

Bà mẹ Tiến Tài không thấy động cựa gì nữa. Vợ Tiến Tài thì cát đã lấp đến cổ, đứa con gái đã bị lấp kín từ lâu, đứa con trai còn hở cái chỏm đầu, hai tay vung loạn xạ. Máu rỉ ra từ lỗ mũi và lỗ tai vợ Tiến Tài, miệng há hốc kêu ằng ặc thê thảm quá, thê thảm quá!

Sư tử dừng tay xẻng, hỏi Tiến Tài:

- Thế nào?

Tiến Tài thở như trâu, đầu nở ra như một cái sọt, trả lời:

- Sư tử, dễ chịu lắm!

Sư tử tức điên lên: không một câu tỏ ra yếu đuối thốt ra từ miệng Tiến Tài! Hắn vớ lấy xẻng xúc lia lịa. Lấp đầy rồi, không còn trông thấy vợ con Tiến Tài đâu nữa, nhưng cát vẫn đang chuyển động, họ chưa chết hẳn. Cái đầu to tướng của Tiến Tài vẫn chưa bị lấp kín, trông dễ sợ. Anh không còn nói được nữa, khóe mắt và lỗ mũi rỉ máu, các mạch máu trên đầu nổi lên như những con tằm. Sư tử như con choi choi, dẫm cho cát lèn chặt. Hắn ngồi xổm trước đầu Tiến Tài hỏi:

- Người anh em, bây giờ thấy thế nào? Tiến Tài không trả lời được nữa. Sư tử búng ngón tay vào đầu Tiến Tài, hỏi đồng bọn:

- Các anh em, có ăn óc người không? Bọn kia trả lời:

- Ai dám ăn cái của ấy, lợm giọng chết!

Sư tử nói:

- Có người ăn đấy, đó là chi đội trưởng Trần, ăn kèm tương ớt và gừng thái chỉ, ăn như người ta ăn óc đậu.

ên đào huyệt bảo Sư tử:

- Huyệt đào xong rồi đấy! Sư tử đến bên miệng huyệt ngó một cái, quay lại bảo tôi:

- Bà dì xem qua cái huyệt tôi chuẩn bị cho dì đã được chưa?

Tôi nói:

- Anh Sư tử, anh hãy rủ lòng thương mà tha cho cái mạng già này!

Sư tử nói:

- Già rồi, còn sống để làm gì? Với lại, tha cho dì thì lấy ai bù vào cho đủ con số một trăm?

Tôi nói:

- Nếu vậy thì anh chém đầu tôi, đừng chôn sống, tội lắm!

Thằng con hoang ấy nói:

- Chịu tội sống thì khi chết mới lên thiên đàng!

Thằng khốn đó đá tôi ngã xuống huyệt. Lúc này một đám người ồn ào đi tới, dẫn đầu là Tư Mã Khố, ông Hai nhà Phúc Sinh Đường. Tôi từng hầu hạ vợ ba của ông ta, nghĩ bụng: Cứu tinh đến rồi? Tư Mã Khố chân đi ủng khệnh khạng bước tới. Mấy năm không gặp, ông ta già đi nhiều. Ông ta hỏi:

- Ai đấy?

Sư tử nói: - Tôi đây ạ, Sư tử đây!

- Anh đang làm gì ở đây - Chôn người!

- Chôn những ai rồi? - Gia đình Tiến Tài, đội trưởng dân quân thôn Sa Lương!

Tư Mã Khố bước tới, hỏi:

- Dưới hố kia là ai?

- Ông Hai, cứu già mấy! - Tôi nói - già từng hầu hạ bà Ba, già là vợ nhà Quách đây ạ!

- Thế ra là bà hả? Sao bà lại rơi vào tay Sư tử?

- Già chót nhiều lời. Ông Hai, xin ông rủ lòng thương!

Tư Mã Khố bảo Sư tử:

- Tha cho bà ấy! Sư tử nói:

- Thưa đại đội trưởng, tha thì không đủ con số một trăm.

Tư Mã Khố nói:

- Đừng lệ thuộc vào con số, đáng giết mới giết, không đáng giết thì đừng?

Tên đào huyệt đưa lưỡi xẻng xuống cho tôi bám rồi kéo lên. Nói gì thì nói, Tư Mã Khố là con người còn biết lẽ phải, nếu không có ông ta thì già đã bị thằng súc sinh Sư tử chôn sống rồi!

Các cán bộ khu vừa lôi vừa đẩy bà Quách đi nơi khác. Cô giáo Sái mặt tái nhợt, cầm thước trở lại vị trí cũ tiếp tục thuyết minh. Mặc dù cô vẫn nước mắt lưng tròng, mặc dù giọng cô vẫn thê thảm, nhưng các học sinh không ai khóc nữa. Tôi nhìn xung quanh, những người vừa nãy dậm chân đấm ngực, giờ đây trên khuôn mặt họ chỉ còn là sự mệt mỏi và sốt ruột. Những bức tranh sặc mùi máu, giờ đây khô khốc vô vị như chiếc bánh nướng khô để lâu ngày. So với sự hiện diện đầy tính thuyết phục của bà Quách, thì những bức tranh sao mà giả dối, sao mà thiếu cảm tình! Trong đầu tôi cứ lởn vởn hình ảnh vầng trăng sáng như bạc, cái đầu to tướng của Tiến Tài trên mộ huyệt và thằng Sư tử với bộ mặt hung hãn như con mèo rừng. Những hình ảnh đó sao mà sống động, còn những bức tranh thì như những chiếc bánh tráng ngâm nước lâu ngày.

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved