BINH THƯ YẾU LƯỢC
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
•THIÊN-TƯỢNG
•GIẢN-MỘ
•TUYỂN TƯỚNG
•MỆNH TUỚNG
•TƯỚNG-ĐẠO
•GIẢN-LUYỆN
•QUÂN-LỄ
•THUỞNG PHẠT
•MẠC-HẠ
•BINH-CỤ
•HIỆU-LỆNH
Lời nói đầu.
Việc binh là việc sống chết của nhân-dân, là việc còn mất của quốc-gia nên bất cứ triều-đình nào, chánh-phủ nào, cũng đều phải lưu tâm đến binh-học. Bởi lẽ ấy, các võ-quan thời xưa đều phải thi võ-thuật và chịu khảo-hạch về binh-thư.
Nhưng các binh-thư lại có rất nbiều thứ. Phần Nghệ-văn-Chí trong Hán- thư có chép rằng : Nhiệm-hoành chia các binh-thư ra làm 4 loạỉ :
1.Binh Quyền Mưu,
2.Binh Hình-thế.
3.Binh Âm Dương
4.Binh Kỹ-xảo.
Nếu điểm qua các binh-thư trứ danh của Trung-quốc trong các đời thì về đời Tam-hoàng có các sách:
Huỳnh Đế Binh Pháp
Ốc-Kỳ-Kinh của Phong-Hậu
Trong đời Chu được soạn các sách:
Thái-Công Binh-pháp của Lã-Vọng
Lục-Thao của Triều-đình Chu
Chu-Công Tư-Mã-Pháp
Tư-Mã Binh-pháp của Điền-Nhương-Tư (nuớc Tề)
Tôn-Tử Binh-pháp của triều-đình Ngô
Ngô-Tử Binh-pháp của triều-đình Ngụy
Uất-Liễu-Tử Binh-pháp của Uất-liễu (học trò của Quỉ Cốc Tử)
Trong đời Hán có:
Tố-thư của Huỳnh-thạch-công
Tâm-thư của Khổng-minh
Vào đời Đường có:
Thái-Bạch Âm-Kinh của Lý Thuyên
Lý-Vệ-Công Vấn-Đối của triều-đình Đường,…
Nếu chỉ xét riêng các binh-thư còn thấy được ngày nay cũng có tới 53 nhà:
-13 nhà về Quyền Mưu
-11 nhà về Hình Thế
-16 nhà về Âm-duơng
-13 nhà về Kỹ Xảo
Xem trên thì đủ hiểu rằng binh-học sâu rộng như rừng, như biển, làm sao các võ-quan có thể đọc hềt các binh-thư được.
Bởi thế, các đời sau có soạn những bộ binh thư tổng-hợp thường được gọi là Võ Kinh.
Trong đời Tống có các bộ:
Võ Kinh Tổng-Yếu (40 quyển) của nhóm Tăng-Công-Lượng
Hổ Kiềm-Kinh (20 quyển) của Hứa Động
Bị-Luận (l quyển) của Hà-Khứ-Phi
Mỹ-Cần-Thập-Luận (l quyền) của Tân-Khí-Tật
Võ-Kinh Thất-Thư gồm có 7 sách tuyển-định là:
1.Thái-Công Binh-pháp
2.Lục-Thao
3.Tư-Mã pháp
4.Tôn-Tử
5.Ngô-Tử
6.Uất-Liễu-Tử
7.Lý-Vệ-Công Vấn-Đối
Trong đời Minh có các bộ :
Võ-Kinh Khai-Tông (14 quyển) của Huỳnh-Hiến-Thần
Võ-Kinh Tá-Nghị (7 quyển) ;
Võ Biên (12 quyển) của Đường-Thuận-Chí
Võ-Bị Chí (240 quyển) của Mao-Nguyên-Nghi
Võ-Bị Tâm-Lược (7 quyển) của Thi-Vĩnh-Đồ, vân vân.
Các binh thư soạn ra thực là nhiều, không kể xiết! Nhưng từ đời Minh trở về sau binh-học của Trung quốc có vẻ suy-đồi nên các binh-thư soạn ra về sau ít được người đời nhắc nhở.
Trong dĩ-vãng, nước Việt-nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Các triều đại lớn như Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều được xây-dựng và giữ-gìn bằng chiến-công nên không thể xao-lãng nghề võ. Vì chịu ảnh hưởng của văn-minh Trung-quốc, các võ tướng Việt Nam ắt phải đọc những binh thư của Trung-quốc điều ấy cũng hợp lẽ, vì các binh-thư ấy rất có giá-trị, không phải riêng đối với Á-Đông, mà còn đối với thế giới nữa. Thử hỏi các binh-gia Âu-tây ngày nay, ai mà không biết uy-danh của SUN TZE tức là Tôn-Tử?
Ngoài ra, các triều-đình Việt Nam cũng có san-định võ-kinh riêng để cho các tướng sĩ học tập. Nếu chỉ kể những bộ nổi tiếng nhất thì đời Trần có bộ Vạn-Kiếp Tông Bí-Truyền và bộ Binh-Thư Yếu-Lược của Hưng-Đạo Vương Trần-Quốc-Tuấn, đời Nguyễn có bộ Hổ-Trướng Xu-cơ của Lộc-Khê Hầu Đào-Duy-Từ.
Vạn-Kiếp Tông Bí-Truyền là một binh-thư rất quí, thuộc loại âm-dương học, không thể phổ-thông ra ngoài dân chúng, vậy ta không thể bàn-luận điều gì. Nhân-Huệ-Vương Trần-khánh-Dư đề tựa sách ấy, viết như sau:
“Phàm dùng binh giỏi thì không cần bày trận, bày trận giỏi thì không cần đánh, đánh giỏi thì không thua, khéo thua thì không mất.
“…Ngài Quốc công của chúng ta (tức là Vương Hưng-Đạo) xem hoạ đồ của các nhà mà soạn thành một bộ sách, tuy chỉ chọn lấy các chỗ tinh-vi nhưng sao lục đầy-đủ các chỗ cốt-yếu, loại bỏ các chỗ vụn vặt, rút lấy các chỗ thực-dụng, đều lấy năm hành tương ứng chín cung thay nhau, phối-họp cứng mềm, xoay-chuyển tuần-hoàn, lạ-lùng bất ngờ, về thần-sát thất-diêu {trời, trăng và 5 sao kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), hưng-thần ác-tưóng, tam cát ngũ-hung đều chỉ bày rõ ràng…”
“Sách ấy dùng đã ba đời trăm đánh trăm thắng, cho nên đương thời có thể làm rúng-động quân Hung-nô (Mông-cổ) ở phía bắc, làm cho nước Lâm-Ấp ở phía tây phải khiếp uy, nên sách này được biên-chép làm của gia~truyền không được phép tiết lộ ra ngoài.
“Có lời di-chúc (của Vương Hưng-Đạo) dặn rằng : Về sau con cháu, bồi-thần học được bí thuật nay phải thi hành cho sáng suốt không được bày trận ám-muội hồ đồ.
“Lại có di-văn (của Vương) dạy rằng : nếu không tuần lời dạy..thì sẽ chiêu vời tai-ương hoạn-nạn cho tới con cháu, đó là bởi tiết lộ thiên-cơ vậy”
Xem lời dặn của Vương, ta đủ hiểu rằng Vạn-Kiếp Tông Bí-Truyền là sách thuộc loại âm-dương-học chỉ dành riêng cho các bậc quân-su để cha truyền con nối mả giữ nước. Thêm nữa, danh-từ Vạn-Kiếp Tông tỏ rõ ý-chí của Vương muốn lập một tông-phái võ học tại Vạn-kiếp và Vạn-Kiếp Tông Bí-Truyền chính là binh-phả biệt-truyền của môn-phái.
Trái với bộ sách bí truyền nói trên, bộ Binh-thư Yếu-Lược là một võ-kinh thông thường có thể phổ-biến trong giới tướng-sĩ. Trong bài hịch răn dạy các tỳ-tướng, Vương há chăng nói “Các ngươi nếu chuyên tập sách này, nghe lời dạy bảo của ta, ắl đó là duyên thầy-trò kiếp xưa; còn nếu khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, ắt đó là mối cừu-thù kiếp trước!” hay sao?
Tại sao các bộ Võ-kinh của triều Tống rất được thông-dụng mà Vương lại còn soạn ra bộ Binh-Thư Yếu-Lược?
Hoặc Vương thấy các võ-kinh của Trung-quốc không được đầy đủ nên Vương muốn thêm vào những kinh-nghiệm của mình chăng?
Hoặc Vương muốn người Việt phải có óc tự-lập, tự chủ nên Vương tự soạn ra một bộ binh-thư riêng biệt cho giới võ tướng Việt-nam chăng?
Dầu sao, bộ Binh-Thư Yế-Lưọc đánh dấu một giai-đoạn mới cho nền binh-học Việt-nam bắt đầu muốn giữ một bản-sắc độc lập
Một điều đáng để ý là bổn Binh-thư Yếu-lược còn lại ngày nay có chứa nhiều sự-kiện lịch-sử liên-quan đến hai triều Lê, Nguyễn: điều ấy chứng tỏ rằng triều Nguyễn cùng dùng sách ấy và đã thêml vào nhiều đoạn mới. Vậy ta có thể kết-luận rằng :
•Binh-thư Yếu-Lược
là bộ võ-kinh đầu tiên của Việt Nam
được thông-dụng trong
các triều Trần, Lê, Nguyễn.
Về sau, xu-hướng tự-lập, tự-cường của nền binh-học Việt Nam càng được nhận thấy rõ ràng trong cuốn Hổ-Trướng Xu-Cơ mà Lộc-Khê Hầu Đào-Duy-Từ" đã tự soạn ra cho triều Nguyễn khác hẳn các binh-thư xưa, sách này được chia ra 3 phần theo thuyết tam-tài : Thiên-tập, Địa-tập và Nhân-tập.
Sau đây xinh trích dẫn một đoạn trong bài tựa của Hầu Tước Lộc-Khê ở đầu cuốn Hổ Trướng Xu-cơ:
“Người xưa có nói rằng :
- Nếu đùng chiến tranh để ngăn ngừa chiến tranh dầu phải đánh nhau, việc ấy cũng nên làm.
- Nếu giết người để yên người, dầu phải giết người, việc ấy cũng nên làm.
“Nhưng trong việc chinh-chiến có rất nhiều phép tắc, sát phạt có nhiều phương-sách chứng giống nhau. Có trí thì dùng trí, không trí thì dùng sức.
“Việc đánh phá các chỗ vững bền, cầm bắt tinh-binh của địch, cỡi ngựa múa roi, bỏ công-lao ra sống vào chết, nuôi chí thịt nát xương tan, đó chẳng qua là làm kẻ võ dũng, đâu có thể địch lại muôn người? Đó gọi là không dùng trí thì dùng sức vậy!
“Nay tôi thà đấu trí hơn là đấu sức, do đó ngẩng mặt tuân theo diệu ý của thánh hiền đời trước, cúi xuống nhờ cậy vào tài năng khéo-léo của các bạn lành, kiếm hết các kinh sách lạ-lùng trong thiên-hạ, tìm xem các phép-tắc khác thường xưa nay, rửa nghiên thấm bút, cúi chép một sách đặt nhan đề là Hổ-Trướng Xu-Cơ Trong sách ấy, bất cứ là hoả-công, thủy-chiến, trận rắn, trận chim, chiến lược, mưu-kế, các việc cơ-mật của binh-gia không chỗ nào mà không hoàn bị. Nếu tướng súy có cơ trí học được sách ấy thì có thể lập được công danh đứng trên muôn người đem lại thái bình trong mới hồi trống ! Vậy nên trân-trọng giữ-gìn sách ấy mà chớ truyền thụ cho người ngoài vận-dụng.”
Lý-do chính đã thúc giục Hầu-tước Lộc-Khê soạn ra bộ Hổ-Trướng Xu-Cơ là các binh-thư của Trung-quốc quá rườm-rà và khó hiểu. Ta hãy xem một đoạn trích-dẫn từ bài tựa của ông Cao-Khuê Chiêu-Dương trong bổn chép tay vào đời Đồng-Khánh.
“Nếu có ai hỏi tôi rằng : Phàm việc còn mất của xã-tắc, việc mừng lo của nước của Vua đều tùy-thuộc vào một nguời tướng-suý. Cho nên làm tướng mà học binh-pháp thì cốt phải tinh-thông chớ chẳng cần học nhiều, cần phải mạnh-dạn mà phải gom kiêm mưu-trí nhờ đó mà khi ra khỏi cửa thành, tướng-suý có thể nắm vững then chốt phép cầm binh, là nơi treo giữ số-mệnh của ba quân. Nếu nghề võ chẳng được tinh-thông mà tướng-súy lại thiếu mưu-trí thì trong khoảnh-khắc lật nguợc bàn tay, giang-son phải chịu đổi dời, như thể chẳng đáng cẩn-thận hay sao?
“Vả lại các sánh đã soạn ra không phải là không hay nhưng lời-lẽ quá rườm rà, rắc rối, nhiều chỗ tinh thô chẳng giống nhau, khiến cho độc-giả như ngồi đáy giếng nhìn lên trời cao, thả một con thuyền lênh-đênh trên biển cả, mờ-mịt không biết nguồn cội ra sao, mênh-mông chẳng dò ra manh-mối, đành phải chịu như thế vậy !
“Cho đến triều ta, có ngài Lộc-khê có chí-khí ngang-nhiên khác thường cứ xem ngài phò-tá Vua Thánh-tổ nhà ta. Để danh tiếng nghĩa-đũng lại ngàn năm mang lại thái-bình trong một ngày như thế trong thâm tâm của ngài thực có chứa muôn ngàn giáp-binh vậy. Đến khi ngài trả ấn về hưu, vui cạnh núi vườn, cứ xem cái xu-hướg ấy cũng đã biết rằng ngài đứng ngang hàng với các bậc Y Doãn, Lữ-Vọng, Tử phòng, Khổng-minh vậy.
“Đến khi năm trời sắp hết lại sợ tâm-thuật của ngài không được truyền lại. tài-trí thần-diệu phải bị chôn vùi nhưng may-mắn có ông Triệu-Điền lanh-lợi hơn người được ngài đích-thân truyền dạy, rồi tới hai vị Bửu-Thúc, Cao-Lượng khám-phá các điều sở-học của ngài Lộc-Khê và của ông Triệu-Điền mà người đời chưa từng biết, đem ra truyền dạy cho nhau, thực là của báu của trời đất, há dễ ai mà thâu lượm hết được.
“Lại gặp bạn tôi là Hà-Hồ cũng ham-thích môn học bí truyền, nên chẳng tiếc công-lao, rửa nghiên thấm bút, chép ra một pho chia thành ba cuộn gọi là Hổ-Trướng Xu-Cơ, trong đó tỏ bày tất cả then máy huyền-bí của trời-đất, gom hết tinh-hoa của vũ-trụ, nên tôi không thể nén lòng phấn-khởi, vui~-mừng mà cũng viết thêm ít lời như trên đây”.
Ta xem trên thì đủ hiểu rằng, sau Binh-Thư Yếu-Lược, bộ Hổ-Trướng Xu-Cơ là Võ Kinh mới nhất của Việt-nam vậy.
Như thế đã từ lâu, tổ-tiên của chúng ta muốn sáng-tạo một nền binh-học độc-lập. Óc tự-lập, tự-cường ấy không phải là không chinh-đáng. Đọc lịch-sử, ta thấy rằng ngoài việc bình Chiêm, sáp-nhập Chân-lạp, đánh Xiêm, Lào để mở rộng bờ cõi, nước Việt-Nam nhỏ bé đã lập nhiều chiến-công hiển-hách để giữ-gìn non sông:
Đời Ngô phá Hán
Đời Lý đánh Tống
Đời Trần bình Nguyên
Đời Lê đuổi Minh
Đời Tây-sơn phá Thanh
Và trong khoảng 20 năm gần đây quân Việt mặc dầu ở phe-phái nào cũng đều chứng tỏ khả năng chiến-đấu khác thường khiến cho hoàn-cầu phải mỗi ngày chú ý đến chiến-cuộc ở Việt Nam.
Nếu những chiến-công kể trên chỉ là những thắng-lợi lẻ tẻ và tạm thời, do sự may-mắn đem lại thì ta không nên vội tự khen. Thực ra, những chiến thắng ẩy chỉ lầ những đoá hoa tô-điểm cho những chiến-cuộc có thể kéo dài hàng chục năm trời.
Chính những chiến cuộc lâu dài này mới chứng tỏ sức chiến-đấu dẻo dai và sức sống mãnh liệt của người dân Việt.
Không cần phân-biệt kết-cuộc thành hay bại, ta hãy xét các sự kiện sau đây:
- Hai Bà Trưng-Trắc, Trưng-Nhị đánh quân Hán, hạ được 65 thành-trì, tự lập làm Vua, đánh nhau với danh-tướng Mã-Viện gần 3 năm mới chiu tử-tiết.
- Bà Triệu-Thị-Chinh cầm đầu l.000 thủ-hạ đánh nhau với quân Hán trong 3 năm mới chịu tử-tiết.
- Lý-Nam-Đế rồi tiếp theo là Triệu Việt Vương đánh nhau với quân nhà Lương trong 50 năm mới chịu thua.
- Dương-Diên-Nghệ rồi tiếp theo là Ngô-Quyền phải đánh nhau với quân Nam-Hán trong 7 năm mới giành độc-lập
- Lý-Thường-Kiệt đánh nhau với quân Tống gần 2 năm.
- Trần-Hưng-Đạo phải đánh nhau trong 5 năm với hai đạo quân Mông-cổ mới đuổi chúng về nước.
- Lê-Thái-Tổ phải đánh nhau gần 10 năm với quân Minh mới khôi phục giag-sơn.
- Nội-chiến Lê-Mạc 60 năm
- Nội-chiến Trịnh-Nguyễn : 45 năm
- Tây-sơn đuổi Nguyễn, Trịnh : 17 năm
- Nguyễn đuổi Tây-Sơn : 24 năm
- Chiến-cuộc Việt-Pháp-Mỹ : gần 20 năm.
Xem thế, ta thấy rằng hình như Trời bắt-buộc nước Việt phải trãi qua nhiều cuộc chiến-tranh lâu-dài để khiến cho dân Việt có một truyền thống chiến-tranh trong huyết-quản. Do đó, dân Việt có một định mệnh khác thường : Người Việt phải là một nông dân và là một chiến sĩ.
Sau bao cuộc chiến tranh tàn-phá, dân Việt lại sinh-sôi nảy-nở, bành-trướng thêm, lại càng làm cho thế-giới biết rõ mình hơn và sắp bước vào giai-đoạn xây-dựng một nền văn-minh lành-mạnh truyền-bá khắp thế giới.
Với một định-mệnh khác thường như thế, dân Việt phải rút sức mạnh tự mình, do đó phải có một nền võ-học tự-cường và một nền văn học tự chủ.
Ngày nay trong lúc nhân-dân đang tranh-đấu để giang-sơn được độc-lập và thống-nhất, việc binh-học tỏ ra cần-thiết hơn bao giờ hết. Vậy đã đến lúc nên nghĩ tới việc san-định một võ-kinh hợp-thời cho quân-lực Việt-nam, thâu tóm mọi kiến-thức xưa nay. Để dọn đường cho các nhà binh-học tương-lai, tôi nghĩ rằng việc tham-khảo các binh-thư thời trước chưa hẳn là hoàn-toàn lỗi-thời và vô-ích.
Tôi vốn là người tân học nhưng đứng trước sách cũ của tổ tiên, chẳng dám chê-bai và khinh thường bởi nghĩ rằng : Dầu hay dấu dỡ, đây là di-thư của tổ-tiên. Nhờ đó tổ-tiên của chúng ta đã dựng nước và giữ nước, va nhờ đó mới có chúng ta ngày nay.
Chúng ta nên trân trọng giữ nó như của báu quốc truyền vậy.
---oOo---
Đối với tôi việc phiên dịch sách Binh Thư Yếu Lược này của Vương Hưng-đạo chẳng những làm sống lại một thời dĩ-vãng xa-xăm, bấy giờ nhân-dân Việt-nam bị lôi-cuốn vào một cuộc tử chiến với quân Mông-cổ, mà còn nhắc lại cho chúng ta nhớ lại một đường lối tu-tập đã bị bỏ quên từ lâu: đó là Thánh đạo.
Bởi thế ở đầu sách tôi có viết bài tiểu sử và đức độ của Vương đề cụ-thể-hóa nền thánh-đạo của nho-học Á-đông . Về bài này, tôi không có may-mắn tham-khảo được nhiều sách mà chỉ đọc qua-loa vài đoạn trong ba bộ sách là bộ Đại-Việt Sử-Ký của Ngô-Sĩ-Liên, bộ Khâm Định Việt-Sử Thông Giám Cuơng Mục và bộ Lịch-Triều Hiến-Chương Loại-Chí (phần Nhân-Vật Chí) của Phan-Huy-Chú Nhưng về truyện của Vương, hai bộ sau không chép chi-tiết nào khác bộ trước, thành-thử rốt cuộc tôi chỉ sử-dụng bộ thứ nhất mà thôi. Tôi thành-thực nhận rằng đó là một khuyết-điểm lớn và xin để dành việc thâm cứu cho các sử gia.
Để làm bài tựa cho bộ sách này, tôi có chép nguyên-văn bài hịch của Vương và đưa ra một bản dịch tuy không hay bằng các bản dịch văn-hoa đã biết nhưng sát nghĩa hơn để quý vị độc giả xem đối-chiếu với Hán-văn. Bộ sách dịch này sẽ không hoàn thành được nếu không có sự trợ-lực của cựu Thiếu-tướng Mã Nguyên-Lương ở Long Hoa đã kiểm-điểm giùm bổn Hán-văn, và Dật-Sĩ Nguyễn-Phưóc-Hải ở Long-Khánh nhuận-đính giùm bản dịch. Vậy tôi xin ghi nơi đây lời cảm-tạ đối với hai tiên-sinh, vùa là thầy hay vừa là bạn quý.
Tôi vốn là người tân-học không thuộc sử kinh, lại không thông binh lược, nên việc phiên-dịch không thể tránh khỏi có nhiều sai-lầm. Vậy tôi xin nhận lỗi trước và thành-thực mong quý vị độc giả bố-thí lời chỉ-giáo.
Ấp Tây Nhì, Xã Phú Nhuận,
Quận Tân Bình, Tỉnh Gia Định,
Mười Sáu Tháng Giêng Kỷ Dậu.
LÊ XUÂN MAI
kính đề